PDA

View Full Version : Cờ đời



trongky
20-08-2009, 01:19 PM
Lý Trung, người xứ Đoài, dòng dõi cự phú nhưng mấy đời chưa có ai đỗ đạt vinh hiển nên lúc nào cũng thấy không bằng chúng bạn, dù được cha mẹ nuông chiều có ý cho nối nghiệp buôn bán nhưng không chịu, chỉ nuôi mộng làm quan, xêng xang mũ áo. Lý từ nhỏ đã rất thông minh, học đâu nhớ đấy nhưng tính tình ngỗ ngược thường không coi ai ra gì. Một lần đi chơi trong núi, tình cờ thấy trong vách đá có quyển kỳ thư, tìm cách lấy ra nhưng không được, nhìn vào một lúc thấy chữ rõ dần mới biết đây là kỳ phổ thất truyền. Hôm sau tới thấy như có ai giở sang trang khác. Lý Trung là người cơ trí, biết mình hữu duyên nên hôm nào cũng đến học thuộc những hoạ hình trong đó rồi về thư phòng xếp lại nghiên cứu. Ngày tháng thoi đưa, đông qua xuân lại, một hôm gặp phải tiết trời mưa phùn gió bấc ngại không đến, mấy ngày sau trời hửng tìm đến thì không thấy vách đá đâu nữa, dậm chân mà tiếc mãi. Từ đó Lý thành kỳ nghệ uyên thâm nhất xứ, thường giao du chơi bời, xao lãng việc nhà, cha mẹ họ hàng khuyên nhủ đều bỏ ngoài tai. Được ít lâu cha mẹ buồn rầu đổ bệnh rồi lần lượt qua đời. Lý bơ vơ phải nương tựa vào người chú nhưng vẫn không biết phận mình tính nào tật nấy, lại hay nói ngông, tự cho mình là bậc kỳ tài chưa gặp thời vận. Người chú thấy lộng ngôn sợ mang hoạ bèn viết giấy từ cháu, cho ra ở riêng để cho khổ sở xem có đổi tính không. Lý ở đó thấy thoái mái không còn ai ràng buộc nữa nên càng buông thả, nay Đông mai Đoài, kết bạn với hạng du thủ du thực, không làm mà có, chẳng mấy mà nhà cửa bán sạch, bê tha bệ rạc, lũ bạn cũng dần lánh, phải vất vưởng qua ngày đoạn tháng. Người thím thương tình cho đón về lựa lời khuyên nhủ rồi hỏi vợ cho, lại cấp cho ít vốn làm ăn. Lý dần tỉnh ngộ thoát được cõi mê, được cô vợ khéo vun vén làm ăn cho nên dần chuộc lại được nhà cửa ruộng vườn, gia cảnh có phần khá hơn trước. Lý yên bề gia thất nhưng vẫn nuôi chí quan trường nên chăm chỉ đèn sách.

Mùa xuân Canh Dần triều đình mở khoa thi, Lý tự lượng sở học của mình ghi tên sơ khảo rồi thu xếp hành lý trẩy kinh, vợ con gạt nước mắt đưa tiễn. Tới nơi trọ, gửi hành lý rồi cùng tiểu đồng thăm thú kinh kỳ mãi tới tối mới về quán trọ nghỉ. Một lát thấy phòng ngoài có tiếng nói cười huyên náo hiếu kỳ ra xem, thì ra đang có một cuộc cờ một bên là mấy khách thương, một bên là một thư sinh. Thấy chủ quán nói là cuộc cờ được chung tới mấy trăm lượng. Xem thấy thế cờ của thư sinh đang bị khốn, chỉ có nước nhảy mã mới có thể cứu vãn nổi tình thế, muốn giúp nhưng không biết làm thế nào. Chợt nghĩ ra một kế. Gặp lúc thư sinh nhìn lên, Lý bèn hỏi mượn chủ quán chiếc đàn tỳ bà, so dây đàn thử. Thư sinh chợt hiểu, cho con mã nhảy một nước xuất thần biến nguy thành an, cử toạ cứ tấm tắc khen mãi. Lý lui về phòng đã thấy thư sinh bén gót vái tạ, vội đỡ lễ khiêm nhường: “ Nước cờ của công tử thật cao minh đáng phục, đáng phục!” Thư sinh đỏ mặt: “ Không dám, không dám. Nếu huynh đài không mang đàn ra nhắc thì làm sao đệ nghĩ ra được”. Nguyên do trong bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị có câu: “ Người xuống ngựa, khách dừng chèo. Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty”. Lý mang đàn ra nhắc mà thư sinh cũng hiểu đượcthì thơ phú cũng không phải là người thường. Hai người gặp nhau tâm đắc lắm. Thư sinh họ Nguyễn kém Lý hai tuổi nhận Lý làm anh, cùng nhau uống rượu ngâm vịnh tới khuya rồi gác chân lên nhau mà ngủ.

Bấy giờ đang là tiết xuân nên kinh thành có rát nhiều hội hè đình đám. Trong lúc chờ ứng thi, hai anh em rủ nhau vãn cảnh, thơ phú xướng hoạ, tình cờ đến một đám hội rất đông, có bày trận cờ người thách phá. Thiên hạ nói rằng đích thân con trai của Chúa giữ trận, đã mấy ngày chưa có ai phá được, giải thưởng cả ngàn lượng bạc. Đứng ngoài lược trận thấy rất kỳ quái, góc nào cũng kín không biết đâu là cửa sinh, cửa tử. Lý quan sát một lúc thấy đây là lúc đem sở học của mình ra thi thố bèn bàn với Nguyễn. Nguyễn trâm ngâm hồi lâu mới nói: “ Lực học của đệ không bằng huynh, chỉ xin nói mấy lời. Chúng ta học chữ thánh hiền để nếu có vinh hiển thì giúp dân giúp nước còn cầm kỳ chỉ là thú đam mê. Ai cũng có sở trường sở đoản, mang cái sở trường của mình so với sở đoản của người khác liệu có nên chăng?” Lý nói: “Đệ nghĩ sai rồi, kẻ sĩ phải trọng nể tuyệt học của nhau, đâu vì chút tị hiềm mà ghen ghét. Theo huynh đây cũng là dịp để huynh ra mắt cầu thân”. Nguyễn thở dài: “ Tiến thân có nhiều cách, đệ e rằng cách này không phải thượng sách. Con trai Chúa vui không lộ mặt, ghét không ra lời, là người thâm hiểm không phải chỗ giao du”.Lý nhất quyết không nghe, cầm cờ lệnh xin phá trận.

Vào trận thấy con trai Chúa mặt dửng dưng phe phẩy cờ lệnh, tức thì trận cờ chuyển động gió âm bốn bề, sát khí nổi lên đằng đằng. Giật mình toát mồ hôi lạnh, thấy người bày trận quả hiểm độc, muốn toàn thây thoát ra e cũng khó. Đang lúc tiến thoái lưỡng nan, ánh đao kiếm đã loang loáng trước mắt. Chợt nghĩ trong đường chết có đường sống, bèn đốc quân đánh vào cửa tử, thấy một tiếng nổ vang cửa sinh đã mở mới nhớ ra đây là trận “ Tiên thủ lưỡng đầu xà” mà trong lúc nhất thời bấn loạn không nghĩ ra. An tâm đánh tiếp, thấy mặt con Chúa tỏ bộ nôn nóng điều quân rối rít. Nguyễn ở ngoài ra hiệu dừng lại nhưng Lý vẫn phớt lờ, vẫy quân đánh thẳng vào trung tâm chiếm được cờ lệnh. Nguyễn trách: “ Sao huynh không nghe lời đệ dừng lại hoà hoãn lúc ấy có hơn không?” Lý cả cười không nói, một lát thấy người nhà Chúa ra mời Lý vào phủ lĩnh thưởng. Nguyễn về nhà trọ đợi tới khuya không thấy về vội sai người đi tìm, một lát thấy về nói phủ Chúa đang mở tiệc to mừng Trạng cờ cũng an tâm mấy phần. Được mấy ngày, kỳ thi sắp đến vẫn không thấy về lo lắng lắm, chợt có tin đồn Trạng cờ trong lúc say sưa ăn nói ngông cuồng, nuôi ý làm phản đã bị Chúa hạ ngục giao cho Bộ hình luận tội. Nguyễn vội thăm dò thì đúng như vậy, vội báo tin cho vợ Lý ở quê. May nhờ Nguyễn ở kinh thành giao du rộng mới cứu được Lý ra, nhưng nhà cửa ruộng vườn bị bán hết mới chạy được tội thích chữ vào mặt đày đi xa.
Từ đó mộng công danh đã nguội lạnh, Lý về quê chí thú làm ăn, mỗi khi có người nhắc đến chuyện cũ chỉ lắc đầu thở dài. Sau có lần đi chơi núi rồi không về nữa... Trọng kỳ một lần tới Phủ Quốc nghe kể chuyện này cảm hoài mà chép lại những mong kỳ hữu xa gần ngày xuân có cao kiến gì, hoặc giả nghe được chuyện này mà kết cục của ván cờ đời người ấy có khác đi chăng?

nhachoaloiviet
20-08-2009, 02:15 PM
Truyện có phảng phất mùi Liêu Trai đọc rất phê.Không biết nguồn gốc từ đâu vậy bác

sibachao
20-08-2009, 03:26 PM
Truyện có phảng phất mùi Liêu Trai đọc rất phê.Không biết nguồn gốc từ đâu vậy bác

Đọc câu cuối thì đoán trongky chính là tác giả. Nội dung không đặc sắc lắm nhưng cách hành văn là đỉnh đó bạn L-)

filippo
20-08-2009, 04:14 PM
Bạn viết rất hay! Thanks!
Đời nào cũng vậy. Khôn phải đúng lúc đúng người.
Đó cùng là bài học thích đáng cho anh chàng và cho tất cả những ai chơi cờ phải "trầm tính" lại.

123456
20-08-2009, 06:08 PM
truyện hay lắm bác ah :D

anh chàng này duyên kỳ ngộ được vật báu,luyện thành kỳ nghệ hơn người.kể cũng là kẻ có phúc lớn,tài năng cũng có chỗ hơn người

nhưng tiếc là tài cao mà ko biết vận dụng xung quanh toàn người tốt (bà thím,vợ,Nguyễn) cuối cùng,công danh ko thành,lại mang hoạ lớn.chỉ biết trách bản thân ngày ngày ko chịu tu tâm.có chút sở học lại huyênh hoang,kiêu ngạo.đáng trách hơn đáng thương.

nhachoaloiviet
20-08-2009, 06:28 PM
Người có võ công cao không phải là người có thể đánh gục nhiều người nhất.
Mà người có võ công cao là người biết sử dụng võ công của mình phù hợp với từng đối thủ trong từng trường hợp.
Chính vì thế cổ nhân mới gọi là học đạo.Đạo là đường đi,là nước bước,là cách đối nhân xử thế.Kỳ cũng là một đạo như võ học vậy.Thuở ban sơ loạn lạc,lào người phát minh ra võ thuật cốt để trở nên mạnh hơn kẻ khác.Để đánh bại dã thú,đánh bại kẻ khác,để giành giật của cải,vậy chất,tài sản,lãnh thổ...Đấy là cái mục tiêu nguyên thủy trước mắt.Lúc đó võ thuật chưa thể gọi là đạo.

Loài người tiến hóa dần hơn và bây giờ chúng ta có Nhu Đạo,Thái Cực Đạo,Không Thủ Đạo...chính là đã nâng tầm của võ thuật lên 1 bước tiến văn minh,cao siêu thâm hậu hơn.Và nhìn lại thì mục đích theo học võ đạo bây giờ đã khác không còn là để chống lại hoang thú,chống lại kẻ thù ,đánh chiếm cướp bóc...mà còn để tịnh tâm,để giác ngộ,để thông tuệ lý tưởng của võ đạo > liên tưởng đến vạn vật.Học võ đạo để cảm nhận nét đẹp của nghệ thuật,của khả năng tiềm tàng trong con người,để tâm vững như sơn,để ra tay bảo vệ kẻ yếu..học đạo để biết đường đi nào là đường đi đúng.

Kỳ đạo cũng đâu có khách nhiều.Nhân vật Lý trong truyện trên học được sách quý nhưng tâm còn u mê,chưa lãnh hội được đạo lý của kỳ đạo mà chỉ lãnh hội được những điều ghi trong sách vở.Rốt cục dù trình độ chuyên môn có cao hơn người nhưng rồi vẫn là kẻ thất bại chua chát.Ngẫm lại mới thấy trong bất kỳ lãnh vực nào nếu chữ tài không có chữ tâm thì vẫn kết cục trong diệt vong. A di thò thò

nhuoc06
21-08-2009, 05:34 PM
Đọc câu cuối thì đoán trongky chính là tác giả. Nội dung không đặc sắc lắm nhưng cách hành văn là đỉnh đó bạn L-)
Cả truyện là một chuỗi thông tin liên tục cần xử lý.Mạch truyện đến cao trào đươc giải quyết một cách hợp lý .Quả không hổ danh Thăng Long Kỳ Chủ.Thanks!