PDA

View Full Version : Bến sông



Blue Bell
15-01-2012, 03:29 AM
Nghề nghiệp và cuộc đời cho tôi đi rộng dài, dọc ngang đất nước. Đã gặp biết bao bến sông. Có bến sông buồn, có bến sông vui. Có bến sông gần, có bến sông xa. Mỗi bến sông dường như có tâm trạng riêng, nỗi niềm riêng, có uẩn khúc riêng, số phận riêng… Và, cuộc đời mỗi người đàn bà cũng vậy, giống như một bến sông.

Tôi là người từ thuở ấu thơ đến khi khôn lớn, đều sống nơi thành phố. Không hiểu sao suốt cuộc đời bị ám ảnh bởi những bến sông. Những bến sông có danh được con người bồi đắp. Và những bến sông vô danh, tình cờ mà được sinh thành. Dù có danh, vô danh, những bến sông làm nên nét duyên thầm không thể thiếu của những dòng sông.

Những bến sông hệt bức tranh thuỷ mặc. Có cây hoa gạo cháy đỏ suốt một góc trời. Có cây đa cúi mình tỏa bóng mát. Có những vạt cải “hoa vàng mấy độ” (*). Có vạt mùi thơm đâu thấy hoa, chỉ thấy hương mùi thơm suốt không gian, thời gian. Những bến sông như những trang văn, chỉ một con đò nhỏ im lìm, đìu hiu trên sóng nước. Tiếng người đàn bà trẻ ru con u buồn như tiếng lòng goá phụ.


Bến sông đầu tiên tuổi thơ tôi gặp là bến Phà Đen, bên con sông Hồng. Hai cái tên khắc khổ và mộng mơ đối lập nhau, phản chiếu nhau, nhưng lại gắn bó cận kề nhau không thể thiếu. Những năm tháng ấy, chiến tranh đang rập rình đâu đó. Trời Hà Nội chốc chốc ì ầm tiếng máy bay, tiếng pháo cao xạ. Tiếng còi báo động, chốc chốc lại rú lên, náo loạn thành phố.

Chúng tôi, lũ trẻ 13 – 14 ngây thơ và khờ dại phải đi sơ tán. Cha đưa tôi đến bến Phà Đen xuống ca nô về một vùng quê. Buổi chiều ấy, con sông Hồng bỗng cuộn đỏ phù sa, như đang phải chịu một nỗi đau không che giấu. Tôi, đứa con gái thành phố vẫn còn thích chơi búp bê và mơ màng thế giới thần tiên của những câu chuyện cổ tích, lần đầu tiên xa nhà, xa vòng tay cha mẹ.

Bước xuống cầu tàu, nhìn lên bờ thấy cha, tôi bỗng oà khóc nức nở. Cha tôi đứng trên bến sông nhìn xuống. Gương mặt người đầy vẻ xót thương, chịu đựng khi thấy tôi khóc. Trong gia đình, tôi là đứa con cha phải lo lắng nhất vì yếu ớt, gai ngạnh nhưng cũng được cha yêu thương nhất bởi nhiều lẽ, dù tình yêu của cha với đứa con nào cũng là vô bờ bến.

Buổi chiều ấy, khi gắng lau nước mắt để cha khỏi buồn hơn, nhìn lên bờ nơi cha đứng, tôi bỗng cảm nhận, bến Phà Đen hệt người mẹ lam lũ, chịu đựng. Những vệt than đen óng phủ đầy gương mặt bến sông. Tiếng còi ca nô cất lên tạm biệt, não nề. Khói bụi, khói than, khói ca nô lan toả. Mồ hôi lao động hay nước mắt âm thầm của người mẹ?

Để từ cái buổi chiều đó, bến sông như một sự đồng cảm, khiến tôi quyến luyến. Để từ đó, với tôi, mỗi bến sông mang bóng dáng một gương mặt đàn bà.

Năm tháng qua đi, nghề nghiệp cho tôi theo rộng dài, dọc ngang đất nước. Tôi đã gặp biết bao bến sông. Có bến sông buồn, có bến sông vui. Có bến sông gần, có bến sông xa. Mỗi bến sông dường như có tâm trạng riêng, có nỗi niềm riêng, có uẩn khúc riêng và có số phận riêng…

Có một bến sông tôi đã ngỡ ngàng và thích thú, bến sông nhỏ một miền quê. Bến sông nhỏ, và con phà – “bạn tình” của nó, cũng nhỏ. Nhỏ đến nỗi mỗi chuyến qua sông, con phà chỉ chở được một chiếc ô tô. Ai đó, đã thú vị đặt tên là con phà “Chung thuỷ”.

Buổi sáng ấy bước chân lên phà, quay lại nhìn, tôi có cảm giác gương mặt bến sông chăm chú dõi theo. Gió thổi rất nhẹ. Hơi thở đất trời hay chính hơi thở của bến sông, mang nỗi buồn vu vơ?

Buổi chiều trở về, từ trên con phà “Chung thuỷ”, tôi không tin ở mắt mình. Vạt nắng chiều xiên xiên khiến gương mặt bến sông như hồng lên, thẹn thò, gương mặt người vợ trẻ mới cưới gặp chồng. Những bụi hoa xấu hổ đu đưa. Một chú cún con ở đâu chạy xổ ra, đứng trên bờ, vẫy đuôi mừng cuống quýt.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi là bến sông miền quê quan họ ngày giáp Tết. Ồn ào, như “Gái thương chồng đương đông buổi chợ”, dù gió se se lạnh phả từ mặt sông. Trên bến, hàng dãy ô tô khách, ô tô tải, ô tô con xếp hàng. Hành khách, người đứng người ngồi, người xe máy, xe đạp, người đi bộ. Người nào người nấy hàng hoá, hành lý tất bật. Một vài chú gà trống, lợn con nằm trong những chiếc rọ tre, giương đôi mắt ngây thơ.

Tiếng chào nhau, tiếng trò chuyện huyên náo. Đâu đây, làn điệu quan họ “Ngồi tựa ý …a… mạn thuyền…” của các liền chị nón thúng quai thao, xiêm áo mớ ba mớ bẩy, văng vẳng từ một bộ dàn cát xét cũ. Trên sông, chiếc phà lừng lững, vững chãi, cứ từ từ trôi xuôi cập bến. Tiếng còi phà cất gọi âu yếm, như từ trong vồng ngực khỏe khoắn, trầm ấm yêu thương…

Trên bờ, những đôi mắt hướng cái nhìn ngóng đợi. Tiếng cười giòn tan của mấy cô thanh nữ. Gương mặt bến sông rạng ngời, mặn nồng niềm hạnh phúc. Mặt đất mịn màng, ẩm ướt. Những vạt rau bắp cải cuộn tròn, xanh biếc màu xanh ngọc. Những vồng cải trổ hoa vàng bé xíu, mơn mởn, căng tràn nhựa sống chỉ chờ có người đến hái.

Năm tháng qua đi, cuộc sống ngày càng thay đổi. Những bến sông xưa cũ tôi gặp giờ cũng đổi thay. Có những gương mặt bến sông thoáng nét phôi pha. Bởi mưa gió của thời gian hay mưa gió trần gian? Có những bến sông, con phà quê vẫn mặn nồng, quấn quýt. Có những bến sông, con phà cỗi ngày nào đã hoá thân thành chiếc cầu sắt, cầu treo hiện đại vắt mình trên sóng nước. Người đi xuôi ngược, tấp nập thuận tiện hơn. Ai cũng mừng, đỡ phải lo tai nạn sông nước, phải chen chúc đợi chờ.

Tôi đã gặp lại một bến sông ngày ấy. Giờ, bên cạnh bến sông xưa, là một cây cầu sắt vươn dài. Đứng từ bến sông nhìn lên, cây cầu sắt hiên ngang, mạnh mẽ, ngạo nghễ dường bao. Như hối hả nối những bờ vui. Như hối hả tìm kiếm những niềm vui.

Bên cây cầu sắt, bến sông trông mới “cũ kỹ”, “nhàm chán” làm sao. Tôi như đọc thấy trên gương mặt bến sông, sự nhẫn nại chen nỗi đau xa cách, xa lạ, ngay cả khi “họ” vẫn ngày ngày nhìn thấy nhau, trông thấy nhau, vẫn sống cạnh nhau.

Ngày ngày, chỉ có những đứa trẻ vô tư nô đùa trên bến sông. Những người đàn bà giặt giũ, vo gạo, thở than với nhau về phận đàn bà, về kiếp nhân sinh. Gương mặt bến sông lặng lẽ lắng nghe, như mỉm cười, suy ngẫm.

Nhưng vào những ngày hè nóng bức, oi ả, cây cầu sắt bỗng giật mình chợt nhận ra, ai cũng chỉ vội vã đi qua thật nhanh dưới cái nắng chói chang thiêu đốt. Có những lúc cầu vắng tanh vắng ngắt. Không chịu nổi nắng mưa và sự thờ ơ của con người, đây đó trên thân cầu những vết hoen rỉ đã bắt đầu lộ ra…

Người ta lại tìm đến bến sông, như tìm thấy sự dịu mát trong lành, yên ả. Trai gái yêu nhau, hò hẹn bên bến sông. Người già hóng mát tìm ra bến sông. Cây gạo nở hoa, và cây đa bến sông lại cúi mình lặng lẽ toả bóng mát, lặng lẽ chở che.

Hoá ra, dù năm tháng phôi pha, dù vật đổi sao dời, dù mưa nắng khôn lường, bến sông vẫn chính là linh hồn, là nơi trú ngụ yên lành của dòng sông.

Và đời mỗi người đàn bà cũng vậy, là một bến sông.

Kim Dung