PDA

View Full Version : Lời cũ ,người xưa



Blue Bell
09-02-2012, 01:08 PM
Sưu tập ít sách cũ mời các anh chị đọc

Dấu xưa tan biến(Thạch Lam, Hà Nội 36 phố phường, năm 1941)
Những chốn ăn chơi của Hà Nội là nhất Bắc kỳ, cái đó rành rành không ai chối cãi. Nhưng chúng ta phải buồn phiến mà nhận ra rằng những hiệu cao lâu(1) có danh và bền vững đều là của người Tàu. Về cách tổ chức một chốn ăn, về danh vọng của một ngôi hàng cơm thật quả chúng ta không có nền nếp tục lệ và quy củ. Hồi Hà Nội còn là kinh đô của vua Lê chúa Trịnh chắc cũng cón nhiều quán rượu tươm tất do người mình chủ trương. Nhưng bây giờ vết tích còn đâu? Cái quán rượu mà cụ Nguyễn Du lúc còn trẻ tuổi đã dắt ba bốn người bạn vào uống và bàn chuyện về lũ kiêu binh, cái quán ấy chẳng hạn mà còn đến bây giờ, còn cả bộ trường kỷ Nguyễn Du đã ngồi, thì hẳn là một chốn đáng cho chúng ta trọng vọng nhường nào.

(1) cửa hàng ăn loại tương đối lớn.

CO MÌNH TRONG HỦ LẬU, VĂN NẶNG VỀ ĐÙA GIỠN, LƯỜI VÀ HAY NÓI HÃO
Co mình trong hủ lậu (Văn minh tân học sách, 1904)
Kìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ(1), bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thủy ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng, chả kể làm gì. Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tý được cái tiếng quèn đã vội khủng khỉnh ta đây kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo(2), ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém hơn nữa thi chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bực cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác. Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiến(3): "Các thầy muốn ra làm quan, thì phải cẩn thận, đừng đọc sách mới, xem báo mới”, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chớ đã biết đến mà lại bưng bít che lấp đi khiến cho không nghe không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thể thiệt nên lấy làm đau đớn!
(1) đầu hồ: một trò chơi của người xưa, ném một cái thẻ xuống một miệng trống rồi tính điểm, được "Đại Nam quốc âm tự vị” miêu tả là "một cuộc chơi lịch sự”.
(2) thế đạo: đạo lý ở đời.
(3) hậu tiến: đây chỉ có nghĩa lớp người thuộc thế hệ sau, chữ không phải người kém cỏi.

Lớp trẻ hỗn xược, thô lỗ(Nguyễn Văn Huyên, Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ, năm 1939)
Song song với vấn đề nghèo khổ, còn phải giải quyết vấn đề giáo dục. Khi ta tò mò đi vào các làng xóm ngày nay, ta bị sửng sốt vì vẻ hỗn xược vì thô lỗ của trẻ con nông thôn. Xưa kia hầu như nơi nào cũng có một ông thầy đồ. Xung quanh chiếc sập của ông, lũ trẻ dù không học được bao nhiêu chữ cũng đều nom thấy chiếc roi mây dài treo trên vách và nghe đi nghe lại câu răn dạy của đạo nho "Tiên học lê hậu học văn".
Ngày xưa, thầy và bạn học bao quanh lũ trẻ và ngăn chúng làm điều xấu. Ngày nay chẳng ai chú ý đến chúng. Trong vòng mười năm nữa, sẽ rất khó dắt dẫn các dân tộc lúc đó đã mất hết đạo lý. Một trào lưu cá nhân chủ nghĩa đã phát huy hết hiệu quả của nó trong một số môi trường.

Ở đâu cũng thấy học đòi làm dáng(Hoa Bằng, Hiếu thượng, Tri tân, năm 1943)
Cái hiểu thượng(1) của số đông người mình đã lộ rõ ở từ ngôn ngữ đến cử chỉ, từ hành vi trong gia đình đến động tác ngoài xã hội. Người ta chơi câu đối? Phần đông không phải vì thích chữ tốt yêu văn hay nhưng vì muốn sĩ diện ở mấy cái lạc khoản(2) có chức tước. Người ta in danh thiếp? Không phải vì cốt thông tính danh tỏ địa chỉ, song hình như chỉ cốt trưng những chức sắc tước trật và phẩm hàm. Người ta đăng cáo phó? Có lẽ ít vì cốt để báo tang, nhưng phần nhiều cốt để lợi dụng cái chết của ông bà cha mẹ mà quảng cáo cái danh phận của con cháu.
Cái bệnh hiếu thượng ấy truyền nhiễm đến cả nữ giới làm cho lắm người cũng mắc lây. Một dạo ở xã hội ta nổi lên cái phong trào phi cao đẳng bất thành phu phụ. Vì thế trong cuộc hôn nhân đã xảy ra lắm chuyện buồn cười. Hoặc mượn văn bằng của người khác để đưa nhà gái sát hạch lúc cầu hôn, hoặc giả làm nhà tòng sự(3) suốt mấy tháng để nhà gái nếu có dò la vẫn thấy sớm vác ô đi tối vác về...
(1) thích hướng lặn trên, tức hiếu danh...
(2) tự đề tên họ chức tước ở một góc câu đối.
(3) làm công chức.