PDA

View Full Version : Bình thơ: Học đánh cờ



themgaidep
30-09-2009, 07:44 PM
Học đánh cờ - Bác Hồ


Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài
Tấn công thoái thủ nhanh như chớp
Chân lẹ, tài cao ắt thắng người

Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tiến công;
Lạc nước hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời một tốt cũng thành công.

Vốn trước hai bên ngang thế lực
Mà sau thắng lợi một bên giành
Tấn công, phòng thủ không sơ hở
Đại tướng anh hùng mới xứng danh

http://i975.photobucket.com/albums/ae236/Themgaidep/bacho12.jpg
Ảnh - Bác Hồ với các cháu thiếu nhi

Bài thơ là một bài học không chỉ cho lĩnh vực quân sự mà cho tất cả mọi người chúng ta, ở mọi môi trường công tác.

1. Tư tưởng chiến lược tiến công.

Bài thơ có ba khổ, hai chữ “tấn công” được xuất hiện ở cả ba khổ này:
“Tấn công thoái thủ ưng thần tốc”
(Tấn công thoái thủ nhanh như chớp)
“Kiên quyết thì thì yếu tấn công”
(Kiên quyết không ngừng thế tấn công)
“Công thủ vận trù vô lậu toán”
(Tấn công phòng thủ không sơ hở)

Tư tưởng chiến lược tiến công ở đây đóng vai trò quyết định sự thắng lợi của mọi trận đánh, mọi công việc, cho bất cứ ai muốn làm tốt một công việc gì, đó là tinh thần giành và giữ thế chủ động, luôn ở thế chủ động. “Giữ quyền chủ động chính là giữ thế công, giữ thế công mới đánh được giặc”(1).

2. Nghệ thuật “tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu”


Lực là sức mạnh vật chất và tinh thần, thể hiện ở số lượng và tinh thần quân sĩ, ở đây là “thiên binh vạn mã”. “Thiên binh vạn mã” là từ cổ, ước lệ để chỉ đội quân đông, hùng mạnh, có cả binh lính (binh) và phương tiện, cơ giới (mã). Đây là đội quân tinh nhuệ, hoạt động thoắt hiện thoắt ẩn (nhanh như chớp, chân lẹ).

Thế là không gian, địa bàn hoạt động, cách bố trí lực lượng, là cách chọn hướng tiến công. “Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa”(2). Nếu lập được thế tốt thì “như quả cân nặng chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực”(3). Muốn vậy phải có một tầm nhìn rộng, một trí tuệ sâu sắc: “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” kết hợp với tư tưởng quyết chiến quyết thắng “không ngừng thế tiến công”.

Thời là thời gian, thời điểm, thời cơ tiến công địch. Chọn thời điểm bất ngờ tiến công địch để giành thắng lợi:

Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công

Chúng ta thắng giặc Pháp trước hết là nhờ sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, của Đảng ta có phương châm chiến lược: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”; ta yếu địch mạnh nên phải có thời gian: “Phải tranh thủ thời gian. Ta cũng phải tranh thủ thời gian chuẩn bị. Đó là một điều kiện để thắng đối phương. Trong quân sự thời gian là rất quan trọng, điều kiện thiên thời đứng vào bậc nhất, trước địa lợi và nhân hòa. Có tranh thủ được thời gian, mới đảm bảo được yếu tố thắng địch”(4). Lịch sử quân sự hai cuộc kháng chiến chống giặc vĩ đại của chúng ta đã chứng minh chân lý đó. Có thời gian mới tạo ra thời cơ, nhận định chính xác thời cơ và biết chớp thời cơ.

Mưu là “tài cao” là “nhìn cho rộng, suy cho kỹ” là phép dùng binh “tấn công, phòng thủ không sơ hở”, là nghệ thuật nghi binh, lừa địch... Bác Hồ đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta kế thừa mưu lược của cha ông từ ngàn xưa để đánh giặc: “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”, “dùng quân mai phục”... và chúng ta đã chiến thắng vẻ vang hai đế quốc xâm lược là Pháp và Mỹ.

http://i975.photobucket.com/albums/ae236/Themgaidep/conguoi.jpg
Ảnh - Một trận đấu cờ người


Học lại bài thơ Học đánh cờ của Bác chúng ta càng thấm thía không chỉ ở lĩnh vực quân sựmà còn là bài học làm người, bài học rèn luyện nhân cách: luôn có tư tưởng vươn lên, luôn giành thế chủ động, phải tự tạo ra cho chính mình một nội lực mạnh, phải biết tạo ra thời cơ và biết chớp thời cơ. Đấy là hành trang vào đời, là kinh nghiệm sống cho bất cứ ai.


NGUYỄN KỲ PHAN