PDA

View Full Version : Bẫy gà rừng



ChienKhuD
03-09-2012, 09:58 PM
Ngày xưa khu vực Thường Tân-Mỹ Lộc quê tôi có rất nhiều gà rừng. Gà rừng nhỏ hơn gà tre một chút và chúng bay không thua gì chim. Gà rừng trống có màu sắc sặc sở trong khi gà rừng mái có màu khá nhợt nhạt. Đặc biệt, gà rừng trống có hai tai màu trắng rất đặc trưng. Gà rừng rất khó thuần chủng. Hồi đó chúng tôi lấy trứng gà rừng cho gà tre ấp. Khi gà con lẻ mẹ chúng nó tự động bỏ vào rừng hết. Thử bao nhiêu lần đều thất bại nên mọi người đều bỏ cuộc.

https://dl.dropbox.com/u/11290013/Ta%20La/garungvietnam.jpg
Gà rừng Việt Nam - Nguồn internet

Muốn bắt gà rừng phải dùng bẫy. Vì kích cỡ của chúng không quá lớn cũng như không quá nhỏ, dùng súng săn không đạt hiểu quả cao. Nếu dùng súng hơi (súng bắn đạn chì) thường chúng sẽ không chết liền. Nếu dùng súng cỡ lớn hơn thì thịt chúng sẽ bị dập không còn ngon nữa. Bẫy gà rừng được cái là bắt được gà còn sống, có thể đem về ăn thịt hoặc bán những người nuôi làm cảnh. Thịt gà rừng hơi dai nhưng rất ngọt. Gà rừng mà đem đi sáo măng thì hết sấy.

Muốn bẫy gà rừng trước tiên phải có một chú gà mồi. Gà mồi thường là gà trống rừng lai (cha gà rừng, mẹ gà tre). Có thể nói, bí kiếp để bẫy gà rừng là phải có một chú gà mồi thật hay. Cái này chỉ có dân trong nghề mới biết. Gà mồi phải có tiếng gáy thật đáng ghét mới dụ được gà rừng khác. Có nhiều con gáy khan cả cổ mà chẳng dụ được con gà rừng nào. Bẫy có thể được làm bằng căm xe honda, đầu dưới được mài nhọn để cắm xuống đất, đầu trên được gắn 1 sợi cáp se bằng 2 lõi trong của dây thắng xe đạp. Đầu còn lại của sợi cáp được nối với 1 sợi dây nhợ dài, đầu kia của sợi dây nhợ có gắn 1 khoen nhỏ để luồn vô sợi cáp.

Không biết địa phương khác như thế nào, chứ tụi trẻ quê tôi chỉ đi bẫy gà rừng vào lúc trời gần sáng. Thông thường chúng tôi xuất phát từ khoảng 2 giờ sáng, vào tới rừng cũng 4-5 giờ. Khi tới nơi, chúng tôi đặt bẫy chung quanh chú gà mồi (thành một vòng tròn). Chú gà mồi được cột chân đứng ở giữa vòng tròn. Tiếp theo, mỗi đứa chúng tôi tìm một chổ để trốn. Gà mồi sẽ cất tiếng gáy thật khiêu khích để chọc tức gà rừng trống. Khi gà rừng trống bay xuống đánh nhau với gà mồi, chân nó sẽ bị siết chặc vào bẫy. Cũng có khi gà rừng trống dẫn theo một con gà rừng mái và cả hai con đều dính bẫy. Thông thường một đêm chúng tôi chỉ bẫy được một con, nhiều khi hên thì được hai ba con. Hồi đó đói khổ nên bẫy được gà rừng là thấy vui lắm. Ít ra cả nhà hôm đó sẽ có được một bữa ăn ngon.

Ngày nay không biết trò này còn không. Quê tôi thì không còn rừng nên không còn khái niệm về gà rừng nữa. Đọc đâu đó trên báo thấy có người nuôi được giống gà này để cung cấp cho người nuôi kiểng. Thật khâm phục sự cần cù chăm chỉ của người nông dân Việt Nam.

cuonghanh
03-09-2012, 10:45 PM
Trên Điện Biên nhà tôi vẫn có khá nhiều gà rừng. Trung đoàn Cơ động E24 đóng trước cửa nhà tôi toàn dân dưới xuôi lên, mua gà rừng nuôi như nuôi chim cảnh. Nhìn gà rừng đậu trên chạc cao, đuôi dài rũ xuống đẹp lắm. Nghe nói mấy ông chiến sĩ ấy mua 600-700k một con nhưng thực ra gà rừng không có giá nào cả, thích thì mua, thấy hợp thì bán vậy thôi.

ChienKhuD
04-09-2012, 11:41 AM
Tôi rất thích hình tượng chú gà trống vì theo ông cha ta con gà trống tiêu biểu cho con người Việt Nam với các đức tính sau:
- Con gà có dáng đi đẹp, chân có hai cựa, đó là tướng võ
- Trên đầu lại mang một cái mào (mũ) đó là tướng văn
- Khi lâm trận với kẻ địch (dù to lớn) không bao giờ khiếp sợ, đó là đức Dũng
- Trong chiến đấu quyền biến và khôn ngoan, đó là đức Trí
- Khi gặp mồi (thức ăn) không ăn ngay mà túc túc gọi đàn, đó là đức Nhân.