PDA

View Full Version : Dòng thời gian



Lâm Đệ
17-09-2012, 07:04 AM
Buổi chiều về đến nhà sau hơn hai tuần đi xa, hàng cúc sát chân bức tường đá trước thềm nhà nở vàng đẫm, thơm ngát cả buổi chiều, như có ai rót rượu cúc xuống thềm mừng người trở lại. Nhớ khi đi thược dược đang nở, cúc mới ra nụ như những khuy áo nhỏ. Bây giờ những khóm thược dược đã chín nẫu, cúi gập xuống vì giá tháng mười nhường chỗ cho hoa cúc.

Bao giờ cũng vậy, đi xa về nhìn lại căn nhà của mình sao thấy nó ấm áp, thân mật thế! Mở hai cánh cửa ra là bước vào lại cái thế giới đời thường, rất riêng tư của mình. Bao nhiêu việc sẽ phải làm sau cánh cửa! Cứ để đó, từ từ, cái âm vang của đường xa còn miên man trong lồng ngực.


Những chuyến metro chật ních người suốt ngày. Thả xuống, nhận vào mỗi trạm những mầu da, ngôn ngữ, vóc dáng khác nhau. Họ hối hả chen vai, lấn chỗ, im lặng, lạnh lùng, thân thiện, cho một nụ cười lạ, một nét lạnh tanh trên mặt, nhìn nhau đăm đăm, ngoảnh mặt, dựa sát, vuốt ve, hôn nhau, tất cả đều bắt được trong cái nhịp rập rềnh, chao đảo của con tầu. Có cả tiếng đàn, tiếng hát bất chợt bước vào ở một trạm nào đó, một cái ly giấy nhầu nhĩ đưa ra xin tiền sau tiếng nhạc cuối, rồi lại biến mất ở trạm tới. Mỗi trạm metro là một bức tranh minh họa đời sống thường nhật của dân Âu Châu. Họ nôn nả vào, nôn nả ra như những con lật đật, vì metro là phương tiện di chuyển chính. Đến sở làm việc, đi khám bệnh, đi học, đi mua sắm, đi đến nơi thương lượng buôn bán, hẹn hò với tình nhân, đều bước vào sau cánh cửa toa tầu, nắm chặt lấy thanh sắt, ôm cái túi, cái cặp sát vào ngực, chăm chú đếm từng trạm tầu dừng lại, sửa sọan sẵn một chỗ đặt chân để bước ra. Một người rời ghế đứng lên, có ngay một người khác thế vào.

Khách ở phương xa tới cũng hòa nhập vào cái dòng xuôi chảy đó. Bỗng thấy nó nên thơ vô cùng. Có lẽ vì nó lạ, nó đông đảo hơn một chuyến bus ở bên địa phương mình, vì trên metro ở Paris và ở Rome có nhiều mầu da, và nhiều tiếng nói khác nhau hơn.Tạo nên một cộng đồng đa văn hóa ngay trong lòng toa tầu. Đi chơi không phải hấp tấp đúng giờ, và tự cho mình cái thú đi lạc. Sá gì, đi quá một trạm thì quay lại. Cứ quần jeans, giầy vải, ba lô, đi cả ngày không mỏi. Lang thang xuống phố, đi thăm các nơi nổi tiếng, ngồi uống cà phê vỉa hè, gặm bánh mì jambon fromage, lại tìm xuống trạm metro, lại cầu thang cuốn lên, cầu thang cuốn xuống, hoặc bước mấy chục buớc cầu thang chân, cúi nhìn xuống lòng con đường sắt, đợi nghe tiếng bánh nghiến vọng lại, nhìn thấy con tầu lừng lững hiện ra ở đường hầm. Tầu tới, chui vào toa tầu, nắm chặt cái cột giữa toa, nghe tiếng rung chuyển của thân tầu trên đường sắt, nghe va chạm vai, hông vào những người lạ hoắc, đọc thơ Tế Hanh trong đầu:

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề

Khói phì như nghẹn nỗi đau tê

Tầu bây giờ không có khói phun ra ở đầu tầu, vì metro chạy bằng điện, không còn bằng than đá như ngày xa xưa đó nữa. Chưa đọc xong bài thơ là đã đến trạm xuống, đành hấp tấp chen vai, hích khuỷu tay bước ra, để rơi lại những câu thơ xuống sàn tầu, trên vai áo những người vừa đứng cạnh. Đi lang thang tiếp tục, xem nơi này, thăm chỗ kia, ghé nhà hàng ăn chiều, vang đỏ, vang trắng mời nhau. Paris về đêm hay Rome về đêm đều đẹp và trữ tình như nhau. Cứ lang thang đường này sang đường khác, từ khu phố cổ ở Paris hay khu công trường thánh Peter ở Rome cho đến khi bàn chân mỏi dừ

Nếu buớc chân ngà em có mỏi ,xin em tựa sát vào anh ,ta đi vào tận rừng xanh, vớt cánh rong vàng bên suối

Gần cả thế kỷ truớc nhà thơ họ Đinh đã viết những câu lãng mạn tuyệt vời thế này

Metro đêm tương đối vắng hơn. Giờ tan tầm đã đi qua, lên toa hầu như ai cũng có chỗ ngồi. Lúc này là lúc những cặp tình nhân tự do ngồi vào lòng nhau hay đứng ve vuốt nhau trước mặt khách đồng hành. Dưới ánh đèn sáng trưng, tầu cứ rập rềnh, môi hôn cứ gắn, bàn tay cứ đặt vào những chỗ khó đặt nhất. Không sao cả! Chỉ có du khách là trố mắt ra nhìn, còn dân địa phương thì quen lắm rồi, trên chuyến tầu khuya họ hấp tấp về nhà, nhìn làm gì cho mỏi mắt.


Xuống tầu rồi, còn ngoái đầu quay lại, nhìn con tầu mất hút trong đường hầm. Đẹp và buồn!

Mùa thu Paris chỉ se se gió. Những hàng cây không chín đỏ, vàng muồi như những thành phố ở miền Đông hay Bắc Mỹ. Lá ngô đồng (platane) ở Paris chỉ úa vàng, khô, rồi cong lại và rơi xuống. Du khách bước vào vườn Luxembourg với một chút thất vọng trong lòng. Bài văn tả cảnh lá rơi trong vườn Lục Xâm Bảo thời xa xưa sao mà đẹp thế! Bây giờ cũng mùa thu, cũng lá ngập trong vuờn nhưng sao không thấy cái rực rỡ của thu, chỉ nhìn thấy mấy chiếc ghế bỏ không, những hàng cây chết, mầy người già già ngồi uống bia trong một cái quán ở giữa vườn. Mầu nâu buồn bã của lá khô vun thành từng đống chưa kịp hốt đi, Phóng tầm mắt nhìn bao quát một vùng, lá vàng ở đây hiu hắt quá! Người vào vườn ngày cuối tuần cũng thưa thớt, hàng cây Hạt Dẻ (Maronnie) lá còn xanh nhưng lại héo quăn từng góc, Bỗng thấy thương và tiếc như vừa đánh mất một thiên đường trong cổ tích.

Anh nhặt cho em một chiếc lá vàng rơi trên lưng người

homeless được không?

Con thuyền đi dọc theo dòng sông Seine.Trời hôm nay đẹp, ngồi trên boong lộ thiên không thấy lạnh, thuyền trôi trên sông nhưng gió không mạnh lắm. Dọc theo hai bên bờ thỉnh thoảng lại thấy những cái túi ngủ. Có cái như con sâu cuộn, tòi ra một cái đầu, có cái chùm lên một người đang ngồi co ro hút thuốc. Hình ảnh này mỗi khi Đưa nhau xuống phố hôm nay rất quen thuộc ở Mỹ.

Dòng sông Seine nổi tiếng của Pháp chẩy qua thành phố Paris là con đường giao thông chính của nước Pháp thời xa xưa, Đặc biệt là những cây cầu cũ kỹ còn lại rất nhiều bắc qua dòng sông này. Các họa sĩ danh tiếng như Pierre Renoir, Alfred Sisley, Claude Monet và Vincent Van Gogh đã đem những giá vẽ đặt dọc theo bờ sông, họ pha mầu, rửa cọ ở đây làm cho dòng sông Seine càng thơ mộng và nổi tiếng hơn. Sông Seine là linh hồn và trái tim của Paris, nơi gìn giữ những kỷ niệm tuổi trẻ của người dân Paris và là nơi du khách để lại trái tim mình.

Montmartre với hương cà phê, khói thuốc, ngồi xuống cho họa sĩ vỉa hè vẽ vội một tấm chân dung của khách phương xa, Quartier Latin, Quartier Sorbonne, Quartier Saint Michel là những nơi lang thang thơ mộng nổi tiếng của sinh viên, Quận 13 của người Á Châu, Panthéon hầm mộ của những vĩ nhân tổ quốc ghi ơn, nơi ta đến để đọc lại những cái tên ngày xưa đã học như Victor Hugo, Marie et Pierre Curie, Jean Moulin, Voltaire v.v hay tên tuổi một thi sĩ, họa sĩ, văn hào nào đó được đọc lại trong đầu.

http://www.landscape-photo.net/albums/Season-autumn/vaux-de-cernay/normal_lake-and-fall-colors-10.jpg

Nhưng đến Paris mà bỏ quên Chevreuse Valley thì quá phí Chevreuse cách Paris 30 cây số về phía tây nam. nhánh sông Yvette chẩy qua Saint Michel vào Chevreuse, dưới những cái cầu gạch nhỏ thật là thơ mộng. Cây cỏ mùa thu bắt đầu úa vàng hai bên, những lẵng hoa đong đưa bên thành cầu, đường làng thanh vắng, tiếng chó sủa bâng quơ, nhìn xuống bên dưới thấy có những bực gạch được xây mấp mé dòng nước , một cái bảng đề: Nơi đây ở thế kỷ 17, những người thợ thuộc da đến nhúng những tấm da sống (cowhide) trong dòng nước này thấy bồi bồi lạ lùng ,nhìn lên tháp cao sẽ thấy những cái tổ chim còn sót lại, những con chim được nuôi để làm nhiệm vụ đưa thư hồi đó, đã bay mất hút vào vòm trời xanh biếc với những tờ thư trên mỏ. Chúng đã giao thư vào một địa chỉ mây.

.....Hãy đi với anh trên những phố khuya
nghe Paris thở trong ly cà phê còn một nửa
nghe tiếng metro để nhớ về tuổi nhỏ
chuyến tầu đêm ga Mường Mán năm nào
quê hương xa như một vì sao.....

Cúi xuống thả một mảnh tim mình trên nhánh sông Yvette. Bỗng nhớ đến sông Tiền, sông Hậu ở một quê nhà xa lắc, nơi những chiếc thuyền máy chở khách đi dọc theo bờ, ghé vào từng trạm để chứng kiến đời sống mộc mạc hiền lành của người dân quê miền Nam, nơi những em bé lên mười vừa biết trông em, vừa biết phụ giúp cha mẹ làm bất cứ việc gì để kiếm sống

Trôi đi! Trôi đi sông ơi! (st)