PDA

View Full Version : Đệ tử Lý Anh Mậu !



longdaudinh
16-06-2009, 04:46 PM
@};- Mình đọc bài này ở trang CAND.com.vn chỉ mong góp vào chủ đề này thêm 1 cái tên đó là Bác Quách Anh Tú !!!
Người kể chuyện cờ
10:30, 08/01/2009

--------------------------------------------------------------------------------


Ông Quách Anh Tú


Ông có dáng vẻ bệ vệ, giọng nói sang sảng, trí nhớ thì thật tuyệt vời. Nhắc tới nhân vật nào trong làng cờ tướng Việt Nam, ông đều nhớ rõ ngày, tháng, năm sinh, kèm theo những giai thoại thú vị gắn bó với cuộc đời họ. Bạn bè trong nghề mến mộ thường gọi ông là “Người kể chuyện cờ” bởi kiến thức sâu rộng như một... từ điển sống.


Các tác phẩm “Kể chuyện cờ tướng”, “10 danh kỳ đầu đàn phương Nam đầu thế kỷ XX”... là một kho tư liệu cực kỳ quý giá khi ông không ngại gian nan, bôn ba nhiều nơi sưu tầm nghiên cứu. Ông là Quách Anh Tú, nguyên Chủ tịch Liên đoàn cờ TP HCM, Phó chủ tịch Liên đoàn cờ Việt Nam.

Sau một thời gian cống hiến, ông “ẩn” vào hậu trường và dành dụm thời gian tiếp tục săn tìm những giai thoại mới về các bậc tiền bối vang danh, chỉ để có dịp “kể chuyện” cho mọi người nghe. Thế nhưng chuyện kể về chính cuộc đời ông cũng không kém phần thú vị...

Tuổi thơ sóng gió

Ông sinh năm 1939 tại xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi). Vùng đất thép thành đồng thời điểm ấy là vùng tự do, nơi Việt Minh hoạt động công khai. Mới lên 6 tuổi, ông đã theo lũ trẻ trong làng cầm những ống tre báo động cho bà con khi tàu giặc đến, “hăng máu lắm, vui lắm, nhưng cũng sợ thấy mồ” - ông cười rổn rảng.

Cũng thời điểm ấy, ông dần biết đến cờ tướng khi thấy ba mình (ông Quách Văn Tuấn) thường xuyên tổ chức đánh cờ tướng với bạn bè trước hiên nhà, dưới tán cây. “Sau này tôi mới biết, đó là cách ba tôi ngụy trang địch để tổ chức hội họp với các đồng chí của mình”.

Năm 1947, trong một lần càn quét, bọn giặc Tây đã đâm hàng chục nhát dao chí mạng, cướp đi mạng sống cùng lúc của bà ngoại và người chị ruột thân yêu của ông.

Nỗi buồn nối tiếp nỗi buồn, khi hai năm sau đó, ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Tý (khoảng tháng 2/1949), trong một trận càn lớn của giặc Pháp vào căn cứ Lý Văn Mạnh (vùng Vườn thơm) trên sông Vàm Cỏ Tây, cha ông cũng vĩnh viễn nằm xuống lúc ông Tú vừa tròn 10 tuổi.

Mãi sau này ông mới biết cha mình là nhà hoạt động cách mạng, từng làm chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh của tỉnh Chợ Lớn - Long An, Trưởng ban Thông tin - Tuyên truyền của Liên Tỉnh ủy kiêm phụ trách công tác dân quân...

Xin được nói thêm, ngay sau khi hy sinh, thi hài liệt sĩ Quách Văn Tuấn đã được bà con và các đồng chí đem an táng bên bờ kinh thuộc xã Thuận Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (con kinh này được gọi là kinh Ông Tuấn). Đến năm 2002, ba ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc Lập và đường Quách Văn Tuấn (phường 12, quận Tân Bình) chính là tên ông...

Cái duyên với Lý Anh Mậu

Năm 1954, chàng trai Quách Anh Tú chuyển về sống ở khu chợ Bà Chiểu (gần lăng Ông - tức lăng Lê Văn Duyệt, nay thuộc quận Bình Thạnh). Hàng xóm của ông lại là các bác thợ hớt tóc, chuyên dùng cờ tướng “giết” thời gian. Sống trong “xóm cờ tướng”, lại máu me con nhà nòi, cậu Tú đâm ra ghiền môn chơi này đến quên ăn quên uống.

Cậu thường xuyên lấy giấy bút ghi lại các thế cờ khó của các cụ, rồi đem về nhà nghiên cứu lại trên bàn cờ tự chế của mình: các quân cờ bằng nút phéng, bên trên dán giấy viết lên những chữ thuần Việt như M là Mã, X là Xe... Chỉ trong thời gian ngắn, cậu hạ hết các bác chơi cờ cao tuổi trong xóm và thường xuyên qua trao đổi cờ cùng ông Phí, người được coi là cao thủ số 1 ở chợ Bà Chiểu.

Có một giai thoại khá thú vị do em họ của ông tên là Năm Long kể lại: “Một buổi sáng nọ, có gã thanh niên mặt mày bặm trợn gõ cửa nhà chúng tôi thách đấu ăn tiền. Trước đối thủ xấc láo, ông Quách Anh Hào - anh ruột của Anh Tú - quyết dạy cho gã này một bài học.

Thế nhưng gã này giỏi thật, sau vài nước đi rõ ràng hắn chiếm ngay thế thượng phong, thi triển cờ rất tinh quái. Trước tình thế này, tôi ghi ngay “biên bản” trận đấu rồi bí mật chạy lên gác đưa cho anh Tú. Anh Tú xem qua nhanh rồi viết ra vài tình huống, cùng phương pháp giải cho tôi đem xuống hỗ trợ từ xa.

Tôi làm giao liên bất đắc dĩ như vậy và kết quả thế nào thì mọi người cũng hiểu: gã thanh niên cao ngạo nọ biến ngay khỏi nhà vì thua một cách khó hiểu, mà có biết đâu đã được “thọ giáo” cùng anh Tú nhà ta...”.

Năm 1955, một thanh niên lạ mặt đến địa bàn của ông. Tay này hạ lần lượt hết cao thủ trong xóm khiến đối phương phải “tâm phục khẩu phục”. Đến khi người thanh niên này thọ giáo cùng ông Phí, cậu Tú càng ngỡ ngàng hơn, các thế đánh của ông Phí đều kín như bưng, không một kẽ hở, thế mà khi phản đòn, người thanh niên này đều hóa giải dễ dàng, đặc biệt sử dụng cặp Mã cực siêu.

Ông Tú tâm sự: “Từ nghi ngờ, tôi đã bị chinh phục và nhanh chóng “bái sư” người này ngay”. Người mà ông Tú say mê không ai khác chính là cao thủ Lý Anh Mậu, kỳ thủ danh nổi như cồn, khi được làm đài chủ của kỳ đài Đại Thế Giới lúc mới 23 tuổi (vào năm 1949).

Từ đó tuy khá chênh lệch tuổi tác nhưng Lý Anh Mậu vừa là bạn thân vừa là thầy chuyên dạy “kỳ lý” của ông. Có một chi tiết khá thú vị, thuở nhỏ ông Tú rất say mê truyện, tiểu thuyết của nhà văn Lý Văn Sâm với các tác phẩm như “Sương gió biên thùy”, “15 năm hận sử”, “Sau dãy Trường Sơn”... và Lý Anh Mậu lại chính là em ruột của nhà văn này.

Năm 1958, sự kiện chấn động tại kỳ đài Thị Nghè khi kỳ thủ trẻ Quách Anh Tú công đài và thắng đài chủ nổi tiếng Lê Bỉnh Hy, con Lê Vinh Đường - một cao thủ, một chuyên gia cờ tướng có mối quan hệ cực tốt với hầu hết các danh thủ của Quảng Châu và Hồng Công.

Dĩ nhiên đó là kết quả của 3 năm tôi luyện cùng Lý Anh Mậu. Mê văn chương, mê chữ Hán, năm 1964 Quách Anh Tú tốt nghiệp loại ưu Đại học Sư phạm chuyên ban Việt - Hán, đồng thời lấy cùng lúc 2 chứng chỉ Triết Đông phương và Văn học Quốc Âm của Trường đại học Văn khoa.

Vào ngành sư phạm từ cuối năm 1964, “ông thầy Việt cộng” này không ngừng khéo léo khơi gợi lòng yêu nước trong học sinh và sau tết Mậu Thân (1968) ông ra vùng giải phóng công tác ở Tiểu ban Báo chí T2 thuộc B60.

Vì sự phát triển của làng cờ

Những ai đam mê cờ, khi đọc tác phẩm “10 danh kỳ đầu đàn phương Nam đầu thế kỷ XX” của Quách Anh Tú, sẽ rất “khoái” bởi những giai thoại hết sức thú vị, hấp dẫn của các cao thủ thuở xưa, từ danh kỳ Nguyễn Văn Ngoan đến thiên tài Trần Quới.

Ông nói: “Săn tìm giai thoại của người xưa cũng là một cách “ôn cố tri ân”. Biết chuyện người xưa để thời nay phát huy những gương tốt, xóa bỏ những chuyện tiêu cực”. Để có được chi tiết về bậc tiền bối Nguyễn Văn Ngoan (Ba Quang, 1900 -1966), ông đã lặn lội cả năm trời để tìm lại những người con của nhân vật này khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM.

Cả gia đình ông Ba Quang chỉ có duy nhất một bức ảnh của ông nhưng bàn thờ lại đặt tận ngoài đảo Phú Quốc. Thế là ông Quách Anh Tú phải liên lạc lại nhờ chuyển giúp và một năm sau, ông mới có chân dung Ba Quang dù đó chỉ là tấm hình 3x4cm, các góc cạnh gần như gãy vụn...

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông chuyển sang nghiên cứu cờ vua (khi còn phụ trách ngành giáo dục TP Mỹ Tho cuối những năm 70). Ông cùng Lê Hồng Đức, Võ Hoàng Chương là 3 kỳ thủ đầu tiên của TP HCM tham dự giải vô địch cờ vua toàn quốc lần 1.

Ngay lần đầu có mặt, ông đã chứng kiến trận chung kết đầy tiêu cực giữa các tuyển thủ (mục đích là để ông Lê Hồng Đức mất ngôi vua). Từ đó cái tên Kỳ Quân (bút danh của ông) xuất hiện đều đặn trên báo thể thao, một cộng tác viên viết nhiều thể loại: phân tích, bình luận, giai thoại làng cờ... và đương nhiên không thể thiếu những bài chống tiêu cực với bút pháp giống như phong cách của ông: mạnh mẽ, quyết liệt nhưng đầy tính xây dựng.

Ông nhớ mãi một bài báo của mình với cái tít thật ấn tượng “Thắng mà không thắng, hòa mà không... hòa” để mô tả ván đấu có kết quả lạ lùng (phải đấu lại vì có người phạm luật) giữa hai kỳ thủ có cái tên đáng nhớ Đặng Tất Thắng và Phạm Tất Hòa.

Làng cờ vẫn gọi ông là “ông to mồm” vì giọng nói như chuông (và còn dám nói thẳng, nói thật), nhưng nhắc đến ông ai cũng kính nể vì đó là một người không hề vụ lợi, luôn đấu tranh cho sự phát triển của làng cờ. Chuẩn bị bước sang tuổi 70, nhưng ông vẫn là mẫu kỳ thủ mới.

Chính ông (thử) vận dụng chơi cờ trên Internet và ngay sau đó khuyến khích anh em vận động viên áp dụng thay cho xu hướng ham mê đấu cờ giang hồ.

Suốt hơn 30 năm qua, không một vấn đề gì về phong trào cờ ở TP HCM mà người ta không tìm đến ông tham khảo ý kiến, và có lẽ ý kiến của ông luôn là ý kiến cuối cùng.

Giã từ Chủ tịch Liên đoàn cờ TP HCM, Ban chấp hành Liên đoàn cờ Việt Nam, nhưng với ông mọi thứ chưa dừng lại. Ông đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến vì một làng cờ Việt Nam trong sạch dù tuổi già sức yếu.

BoongGoong
23-06-2009, 07:56 AM
Mong có nhiều người đổ công sức cho làng cờ Việt hơn và rất mong nhiều nhà Tài trợ kinh phí cho các giải cờ để giải thưởng cao tương xứng với chất lượng thi đấu......

ngovanan
17-11-2009, 09:12 PM
Mười danh kỳ (cờ tướng) phương nam đầu thế kỷ 20
(nchess.com)
Làng cờ phương Nam, đặc biệt là các danh kỳ của nửa đầu thế kỷ 20, 10 nhân vật sáng giá nhất: Nguyễn Văn Ngoan, Nguyễn Thành Hội, Hà Quang Bố, Hứa Văn Hải, Phạm Văn Ngọc, Phạm Văn Sáng, Thái Sanh Bính, Thái Văn Hiệp, Nguyễn Đình Lạc, Lý Anh Mậu
1- NGUYỄN VĂN NGOAN (1900 - 1966)
Danh kỳ nổi bật từ đầu thế kỷ 20 trước tiên ở các tỉnh phía nam phải kể Nguyễn Văn Ngoan , tức Ba Quang. Ông vốn là người ở huyện Vũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long, nhưng vì gia đình theo "Thiên địa hội", một tổ chức yêu nước xưa kia chống Pháp nên bị giặc Pháp khủng bố, phải chạy sang trú ngụ ở Gò Công để lánh nạn.
Ông là người đa tài, thuở nhỏ theo học nghề thợ bạc và sớm trở thành một nghệ nhân kim hoàn có tiếng. Ông cũng rất giỏi nghề cầm ca, quen thân với nhiều nghệ sĩ cải lương tên tuổi cùng thời. Và chính vì vậy mà hai người con gái xinh đẹp của ông là cô ba Thanh Loan và cô năm Thanh Hương đều được hướng dẫn đi theo bộ môn nghệ thuật nầy, cả hai đều "nổi danh tài sắc một thời".
Nguyễn Văn Ngoan biết chơi cờ từ năm lên 8 và sớm nổi tiếng cao cờ khi chưa đến tuổi 20. Thế nhưng phải đợi đến năm 1927, khi lần đầu tiên thành phố Sài Gòn tổ chức giải vô địch cờ tướng thì Nguyễn Văn Ngoan mới chính thức ra mắt công khai với quần hùng trong làng cờ. Tại giải nầy ba Ngoan chiến thắng nhiều tay cờ tên tuổi, đặc biệt trận chung kết, ông đã xuất thần đánh bại nhà vô địch đương thời của Sài Gòn là Đặng Phước Nhuệ, độc chiếm khôi nguyên, khiến tên tuổi của ông vang lừng.
Những năm từ 1925 đến 1935, các danh kỳ Trung Quốc lần lượt sang Sài Gòn, Chợ Lớn, đi giang hồ kiếm sống như Chung Trân (thầy của kỳ vương Trần Tùng Thuận), Tăng Triển Hồng (bố của kỳ vương Tăng Ích Khiêm) và Triệu Khôn (bạn của Tứ đại thiên vương ở Quảng Đông) đều có gặp và kết bạn với ba Quang. Nhờ khiêm tốn học hỏi với những tay cờ bậc thầy nầy mà ba Quang càng tiến bộ. Thế trận "Bình Phong Mã" được "Mai hoa phổ" chỉ dẫn, ba Quang nghiên cứu từ trước rất tường tận, nay được học hỏi trực tiếp thêm các đại cao thủ Trung Quốc nầy, ông càng hiểu sâu hơn. Phương án "khí Mã hãm Xa" trong trận Bình Phong Mã đã được ông nghiên cứu rất kỹ từ đầu những năm 1930, thường được ông sử dụng một cách nhuần nhuyễn, khiến làng cờ đặt tên phương án nầy là "phương án ba Quang".
Tuy là một tay cờ từng đánh độ nhưng ông là một người đạo đức, luôn trọng nghĩa khinh tài. Trong nhóm "Tam kiệt" gồm Nguyễn Văn Ngoan, Hà Quang Bố và Nguyễn Thành Hội, cũng được coi là nhóm "Đào viên tam kết nghĩa" thì ông được tôn là "anh cả" và ví như Lưu Huyền Đức; còn Hà Quang Bố là Quan Vũ và Nguyễn Thành Hội là Trương Phi.
2- NGUYỄN THÀNH HỘI (1905-1956)
Nguyễn Thành Hội thường được gọi là giáo Hội, nhỏ hơn ba Quang 5 tuổi. Ông vốn là người ở huyện Lấp Vò tỉnh An Giang nhưng vì nhiều năm sống ở Tòa thánh Tây Ninh nên nhiều người lầm tưởng ông là người Tây Ninh. Mặt mày đen đúa và tính tình rất nóng nảy nên làng cờ gọi ông là Trương Phi. Kỳ nghệ của ông so với Hà Quang Bố và Hứa Văn Hải có phần kém hơn một bậc nhưng do ông nhà nghèo, sớm vào đời kiếm sống bằng "nghề đánh độ", đã từng đi chu du khắp xứ, gặp cao thủ mọi miền nên tên tuổi của ông vang dội cả bắc-trung-nam. Năm 1933 công ty Mỹ An tại Sài Gòn có tổ chức một giải cờ xưng danh là "Vô địch Nam kỳ" có cụ Chưởng lý Hồ Văn Truân đỡ đầu. Nguyễn Thành Hội ghi tên tham gia và chơi xuất sắc; đánh bại quần hùng như chẻ tre, vào đến trận chung kết và thắng vẻ vang Nguyễn Văn Khảm (tức bảy Khảm) đoạt chức vô địch rất xứng đáng.
Như đã nêu, do gia đình nghèo, ông coi cờ là phương tiện kiếm sống nên một mình đã "nam chinh, bắc chiến". Hễ nghe nơi nào có người cao cờ, dù ở chân trời góc biển, xa đến mấy ông cũng tìm đến để thử tài và kiếm tiền. Đã ba lần ra đất bắc kiếm người đánh độ, quen thân với vô địch bắc hà là Đặng Đình Yến, từng gặp và đấu giao hữu với danh thủ Nguyễn Thi Hùng ở Hà nội.
Vì mục tiêu kiếm tiền nên ông "trọng tài hơn trọng nghĩa" và "cầu lợi chứ chẳng cầu danh". Dù vậy làng cờ miền Nam vẫn kính trọng và coi ông là một bậc tiền bối có nhiều đóng góp quý báu cho làng cờ. Ông đã cùng cao thủ Thái Sanh Bính biên soạn quyển "Việt Nam Tượng kỳ phổ" hướng dẫn cách chơi Pháo đầu phá Đơn Đề Mã, có nhiều điểm sáng tạo đáng khen.
3- HÀ QUANG BỐ (1907-1949)
Hà Quang Bố thường được làng cờ gọi thân mật là giáo Bố. Ông vốn ở huyện Long Mỹ, trước kia thuộc Rạch Giá, sau nầy phân về Cần Thơ nhưng vì ông lập gia đình ở Cà Mau và làm việc tại đây nhiều năm nên mọi người lầm tưởng ông quê quán ở Cà Mau. Theo nhà nghiên cứu Lê Vinh Đường thì Hà Quang Bố có lần nói mình là hậu duệ của người Minh Hương. Nhưng Hà Quang Minh - con trai thứ hai của giáo Bố - cải chính rằng dòng họ Hà nầy thuộc tộc người Việt vì chữ Hà viết có thảo đầu.
Ông nội và cha của Hà Quang Bố đều là những người chơi cờ rất giỏi, vì vậy lúc ông mới lên 10 đã được cha là Hà Quang Vinh hướng dẫn tận tình, do vậy mà ông tiến bộ rất nhanh. Năm 15 tuổi, khắp huyện Long Mỹ không có một tay cờ nào đương cự lại ông.
Năm 1931, vừa tròn 24 tuổi, ông lên Sài Gòn làm kinh lý cho khách sạn Tân Hòa, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp cờ của ông. Đầu tiên ông đến ga tàu hỏa Sài Gòn khiêu khích và đánh bại tay cao thủ giang hồ Nguyễn Văn Lai, kế tiếp hạ các kỳ bá ở Phú Nhuận, Đa-Kao, Bình Tây, Xóm Củi. Bấy giờ tại bến tắm ngựa gần cầu Kiệu có một danh kỳ người Hoa là Trần Tựu từng đánh ngang ngửa với ba Ngoan khiến làng cờ Sài Gòn rất nể phục. Thế nhưng sau một loạt chiến thắng, hùng tâm nổi lên khiến Hà Quang Bố muốn tìm đến để thử tài và ông đã đánh bại được Trần Tựu. Chính tại đây ông đã gặp ba Ngoan, hai bên lấy bụng "liên tài ái tài" mà kết nghĩa đệ huynh. Hai người thường rủ nhau đi khắp Nam kỳ lục tỉnh tìm cao thủ thử tài và đánh độ, nhờ vậy trình độ và công lực chơi cờ của Hà Quang Bố ngày càng thâm hậu, đánh đâu thắng đó. Năm 1935, danh kỳ Trung Quốc là Triệu Khôn sang Sài Gòn, không gặp ai là đối thủ, đã chấp giáo Bố một nước tiên và Triệu Khôn đã đại bại. Từ đó tiếng tăm giáo Bố càng lẫy lừng hơn.
Mấy năm sau đó, tại giải vô địch "tứ hùng" tuy ông đã bị Hứa Văn Hải đè được nhưng ông mau chóng phục thù bằng trận thắng Hứa Văn Hải 2-0 nên danh dự được phục hồi. Năm 1943, sòng bạc "Đại thế giới" tổ chức giải cờ lớn, giáo Hội đoạt chức vô địch được thưởng một bức trướng rất đẹp. Chưa kịp vui mừng khoe khoang cùng bạn bè thì giáo Bố từ đâu đi tới, đề nghị đấu với giáo Hội một trận danh dự với điều kiện: hễ giáo Hội thắng thì được giáo Bố thưởng 100 đồng (tương đương 5 triệu bạc hiện nay), nhược bằng giáo Hội thua thì giao bức trướng lại cho giáo Bố giữ. Giáo Hội đồng ý và đã thua với tỉ số 1 hòa, 1 bại, bị mất bức trướng. Chuyện nầy đã trở thành một giai thoại trong làng cờ.
Năm 1948, tại Sài Gòn lại tổ chức giải "vô địch Nam kỳ" và Hà Quang Bố đã đoạt chức vô địch nầy một cách xứng đáng. Với những thành tích lẫy lừng đó, khi sòng bạc "Đại thế giới" lập kỳ đài để quần hùng đả lôi đài, thì người ta đã mời giáo Bố và cao thủ Lê Vinh Đường cùng thay phiên nhau thủ đài.
Năm 1949, khi ông vẫn còn phụ trách kỳ đài thì bệnh lao của ông trở nặng và không lâu sau đó một ngôi sao của làng cờ miền Nam đã tắt khi tuổi đời mới được 42.
4- HỨA VĂN HẢI (1918-1944)
Hứa Văn Hải là con của cụ Hứa Văn Nhiệm, người làng Tân Qui tây, trước thuộc Sa Đéc, nay thuộc Đồng Tháp. Theo ông Lê Vinh Đường thì tổ tiên của Hứa Văn Hải là người Hoa thuộc nhóm Phúc Kiến, quê gốc tại Long Khê, Chương Châu. Thuở nhỏ Hải là một cậu bé cực kỳ thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Năm 15 tuổi học cờ cùng bạn là Tạ Khánh Toàn và em là Hứa Văn Tài, chỉ trong vòng một năm, Hải đã đạt trình độ kiện tướng. Những năm Triệu Khôn sang Việt Nam, Hứa Văn Hải có dịp gặp mặt và được Triệu Khôn chỉ dẫn tận tình nhờ đó Hải tiến bộ vượt bực. Người ta kể lại rằng khi Triệu Khôn gặp Hải thì Hải còn là một cậu bé 13-14 tuổi, nhưng tỏ ra có thiên tư về cờ. Triệu thử bày ván cờ thế "Đình Xa vấn lộ" cho Hải phá và Hải đã trổ tài biểu diễn nhiều chiêu rất thông minh khiến Triệu rất vui mừng đẹp dạ nhận Hải làm đệ tử để truyền nghề.
Mấy năm sau đó, Hải đã ôm bàn cờ đi khắp bốn phương đánh cờ cá độ kiếm sống. Trên bước đường chinh phục làng cờ, Hứa Văn Hải lần lượt hạ đo ván các hảo thủ của "Nam kỳ lục tỉnh" và được đông đảo người hâm mộ tôn vinh là "kỳ vương", oai chấn giang hồ. Năm 1938, được sự giới thiệu của Trương Kim Tài, kỳ vương Hải quen biết với Lê Vinh Đường - người có nhiều tài liệu sách báo thông tin thường xuyên các trận đấu của các cao thủ Quảng Châu và Hồng Kông, nên Hải có cơ hội nắm bắt thông tin và nghiên cứu nhiều thế trận mới, trong lúc mọi kỳ thủ khác không hay biết gì. Trình độ và công lực của Hải nhờ đó càng tiến bộ hơn.
Tết nguyên đán năm Quí Mùi (1943), tại Gò Công có tổ chức một giải cờ lấy tên là "giải vô địch giữa các kỳ vương" chỉ dành riêng cho "tứ hùng" tức là gồm Nguyễn Văn Ngoan, Nguyễn Thành Hội, Hà Quang Bố và Hứa Văn Hải. Gặp phải các cao thủ ngang tài, kỳ vương Hải thi triển thao lược, áp đảo quần hùng đoạt vô địch rất vẻ vang. Tiết trung thu năm đó, sòng bạc "Đại thế giới" tổ chức một giải cờ xưng danh "giải vô địch Nam kỳ", Hứa Văn Hải tham gia, đánh thắng mọi đối thủ như chẻ tre, đoạt chức vô địch dễ dàng. Người đứng thứ nhì là một người bạn của Hải, đó là danh thủ Phạm Văn Ngọc mà phần sau chúng tôi sẽ giới thiệu.
Vì sức cờ quá cao thâm nên kỳ vương Hải đi đánh độ phải chấp nhiều quân, nhiều nước, và luôn phải lao tâm khổ tứ mới thắng được. Do đó sức khỏe suy kiệt, mắc phải bệnh lao, không có điều kiện chạy chữa, mà thời đó cũng khó chữa trị, vì bệnh được liệt vào một trong "tứ chứng nan y". Cuối năm 1944, kỳ vương Hải biết mình không qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, đã trở về quê làng ở Tân Qui tây và an nghỉ giấc ngàn thu nơi đây ở tuổi 26, để lại bao thương tiếc cho làng cờ miền Nam. Bình sanh, Hải không muốn truyền dạy hay thu nhận bất cứ ai làm đệ tử, ngay bạn bè thắc mắc nhiều phương án hoặc nước biến muốn hỏi thì Hải cũng không bao giờ thật lòng chỉ dẫn. Phải chăng kỳ vương Hải sợ bị học trò phản lại mình? Dù thế nào, làng cờ vẫn dành cho kỳ vương Hải sự mến thương kính phục nhiều hơn là phê phán.
5- PHẠM VĂN NGỌC (1916 - 1950)
Danh thủ Phạm Văn Ngọc thường được anh em làng cờ gọi thân mật là "anh Tư Ngọc", quê quán ở làng Thạnh Trị (Gò Công). Ông là bào huynh của danh kỳ Phạm Văn Sáng và là thân sinh của cựu vô địch Sài Gòn là Phạm Tấn Hòa. Thuở nhỏ nhà nghèo, mồ côi cha, học hết bậc tiểu học ông đã phải nghỉ để ra đời kiếm sống. Ông biết chơi cờ từ năm 14 tuổi, lại may mắn quen biết và gần gũi danh kỳ ba Quang là người cùng quê, thường được chỉ giáo nên tài nghệ của ông tiến bộ rất nhanh. Đặc biệt người em của ông lúc nhỏ cũng rất mê cờ, nên ông có điều kiện cùng em nghiên cứu nhiều thế trận phức tạp, kể cả những ván cờ thế nổi danh.
Một bước ngoặt lớn để ông vươn lên hàng cao thủ, đó là năm 1938, cả hai anh em quyết định rời quê làng lên Sài Gòn kiếm sống. Hai ông thuê nhà số 86 đường Hàm Nghi, dựng lên một cửa hiệu cắt tóc làm kế sinh nhai lấy tên là "Đồng Tâm". Để thu hút khách, hai ông thường bày cờ cho khách chơi trong khi chờ đợi, không ngờ nhiều tay cờ gần xa đến đây tập dượt, giải trí và kết bạn ngày một đông. Từ đó "Đồng Tâm" nghiễm nhiên trở thành một câu lạc bộ cờ nổi tiếng của Sài Gòn, các danh thủ như ba Quang, giáo Hội, giáo Bố và Hứa Văn Hải đều thường xuyên đến chơi. Nhờ vậy Phạm Văn Ngọc nhanh chóng đạt trình độ các danh thủ đầu đàn. Nổi bật nhất là tiết trung thu năm 1943, "Đại thế giới" tổ chức giải vô địch, Hứa Văn Hải đoạt Cúp Quán quân, Phạm Văn Ngọc đoạt Á quân vượt qua bao danh kỳ Việt, Hoa lúc bấy giờ.
Khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra, danh thủ Phạm Văn Ngọc gia nhập "đội tuyên truyền giải phóng quân" và sớm thoát ly tham gia chiến đấu. Ông đã mất như một người trung hiếu, để lại bao thương tiếc cho làng cờ.
6- PHẠM VĂN SÁNG (1918 - 1992)
Ông là bào đệ của danh thủ Phạm Văn Ngọc, là thành viên sáng lập của câu lạc bộ "Đồng Tâm" hay còn gọi là nhóm Đồng Tâm. Cùng Thái Văn Hiệp kết thân, ngẫu nhiên tạo thành trụ cột của nhóm như đã kể trên, nên ba cao thủ nầy được tôn vinh là "Đồng Tâm tam kiệt". Giữa những năm1954, nhóm Đồng Tâm được xây dựng củng cố lại, ngoài năm Sáng, ba Hiệp còn có thêm các cao thủ Nguyễn Đình Lạc, Phạm Thanh Mai, Lê Văn Mầu và Trần Văn Kỳ, nhằm đối trọng với nhóm Tinh Võ gồm Trần Dụ Tham, Trần Mỹ, Tất Kiên Dương, Lê Bỉnh và Kỳ Triển Bàng.
Nếu phong cách của Phạm Văn Ngọc thiên về tấn công ào ạt như vũ bão, Thái Văn Hiêp thiên về phòng thủ chặt chẽ, thì phong cách của Phạm Văn Sáng rất linh hoạt, vừa công vừa thủ, tư duy luôn sáng tạo. Ông rất thích nghiên cứu cờ thế, vì vậy hầu hết những ván cờ thế cổ nổi tiếng, ông đều nắm rất vững các nước biến, đồng thời phát hiện nhiều chiêu thức mới.
Mùa xuân năm 1949, hội thể thao Tinh Võ ở Chợ Lớn tổ chức một giải cờ lấy tên là "giải vô địch Sài Gòn - Chợ Lớn", Phạm Văn Sáng ghi tên tham dự và đã oanh liệt chiến thắng các cao thủ, đoạt lấy Cúp vàng. Chính ông là người có công nuôi dưỡng và dìu dắt Phạm Tấn Hòa nối tiếp truyền thống gia đình đi vào nghệ thuật cờ và đạt đến đỉnh cao. Ông là người khiêm tốn, vui vẻ, hoạt bát nên mọi người trong làng cờ đều quý mến. Trong cả hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ, ông là cơ sở cách mạng hoạt động nội thành.
7- THÁI SANH BÍNH (1915 - 1972)
Nhiều người không đồng tình đưa Thái Sanh Bính vào hàng các kiện tướng đầu đàn vì thành tích của ông không mấy thuyết phục, nhưng vì ông sớm nổi danh và ít nhiều có công đóng góp cho làng cờ nên chúng tôi muốn giới thiệu đôi dòng về ông.
Thái Sanh Bính thường được gọi là bảy Ngài, gốc ở xã Long hòa thuộc tinh Chợ-Lớn cũ. Thuở nhỏ ông tỏ ra có nhiều năng khiếu nên chơi đủ cả bốn nghề "cầm, kỳ, thi, họa". Năm 20 tuổi, trình độ cờ khá cao, bắt đầu xưng hùng xưng bá ở huyện Càn Đước. Năm 1935, Thái Sanh Bính công khai thi tài với vô địch Tân An (nay là Long An) đó là cao thủ Nguyễn Văn Thành, và ông đã chiến thắng với tỉ số 1 thắng 1 hòa. Sau đó năm 1948, Thái Sanh Bính lại chiến thắng oanh liệt vô địch Sa-Đéc là ông Tư Hy, điều nầy khiến ông thêm tự hào. Mùa xuân năm 1949, Tinh Võ tổ chức giải, ông hăng hái ghi tên tham dự. Ở giai đoạn đấu loại ông đã hạ cao thủ của tỉnh Gia Định là Nguyễn Đình Lạc với tỉ số 2 thắng 1 hòa. Rất tiếc khi vào đến giai đoạn quyết định thì ông bị cảm, tư tưởng thiếu tập trung nên đại bại, bị loại.
Không rõ ông quen thân với danh thủ Nguyễn Thành Hội vào dịp nào, nhưng từ những năm 1950 trở đi cho đến lúc giáo Hội qua đời, hai người quan hệ rất khăng khít. Tại một số giải cờ, ông đã liên kết cùng thầy giáo Phạm Văn Khánh (người chuyên tổ chức các cuộc thi đấu) sắp xếp có lợi cho mình nên mang nhiều tai tiếng.
Thái Sanh Bính đã cùng giáo Hội hợp soạn quyển "Việt Nam tượng kỳ phổ" và cùng Lý Anh Mậu ra quyển "Cờ Tướng", ít nhiều có công phổ biến rộng rãi bộ môn cờ tướng ở các tỉnh phía Nam.
8- THÁI VĂN HIỆP (1919 -?)
Người ta thường gọi ông là " thầy ba Hiệp" chứ không gọi là "giáo Hiệp"mặc dù ông nhận rất nhiều đệ tử để truyền nghề. Không rõ quê quán của ông ở đâu; một vài người nói rằng ông ở Chợ-Lớn, nhưng có người khẳng định quê ông ở Gò Vấp (Gia Định). Điều nầy có vẻ khớp với nhận định của ông năm Sáng, vì ông Sáng nhớ rõ khi lập cửa hiệu hớt tóc "Đồng Tâm" thì ba Hiệp thường lui tới đánh cờ. Lâu ngày quen thân, ba Hiệp đưa vợ con đến xin tá túc tại đây, từ đó hình thành lực lượng nòng cốt của nhóm Đồng Tâm.
Thái Văn Hiệp là một người rất mê sách cờ, và ông luôn tuân thủ lý thuyết ra quân. Ngoài những quyển Mai, Quất, Thạch Dương di cục, ông còn nghiên cứu cách chơi của nhóm "Tứ đại thiên vương", Châu Đức Dụ, Chung Trân và Tạ Hiệp Tốn. Đầu năm 1947, ông mượn được quyển "Tượng hí câu huyền" của Châu Đức Dụ biên soạn, nghiên cứu rất tâm đắc, sau đó công lực của ông tăng tiến rất nhiều, được liệt vào hàng các danh thủ đầu đàn của làng cờ miền Nam.
Từ cuối những năm 1960, sức cờ của ông bắt đầu sa sút vì tuổi cao và vì lực lượng trẻ tiếp thu nhiều thông tin mới, thế trận ra quân hiện đại, một số người uy hiếp vị trí đầu đàn của ông. Dù vậy trước sau làng cờ vẫn kính trọng ông và đánh giá cao sự đóng góp của ông đối với làng cờ. Các cao thủ Nguyễn Văn Tòng, Mạch Hữu Nghĩa, Trần Ngọc Lâu, Mai Thanh Minh và một số tay cờ khác đều tự nhận mình là đệ tử của "thầy ba Hiệp".
9- NGUYỄN ĐÌNH LẠC (1925 - 1959)
Danh thủ Nguyễn Đình Lạc gốc người thị xã Tân An nhưng do nhiều năm sinh sống ở Bà Chiểu (tỉnh Gia Định cũ) nên ông được coi là cao thủ của địa phương nầy. Ông đỗ tú tài trước năm 1945, làm nhân viên kế toán cho một số hãng buôn tư để kiếm sống. Dù rất bận rộn nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu cờ. Thời còn là học sinh, xuất hiện ở chốn giang hồ, Nguyễn Đình Lạc đã chơi rất xuất sắc, bất cứ ai khiêu khích, ông đều sẵn sàng ứng chiến và luôn chiến thắng. Các danh thủ đàn anh Phạm Văn Sáng, Thái Văn Hiệp thấy ông chơi giỏi nên mời tham gia nhóm Đồng Tâm, và ông đã đồng ý. Từ đó Nguyễn Đình Lạc thường xuyên tới lui nhà Phạm Văn Sáng để trao đổi, nghiên cứu sâu nhiều thế trận. Nhờ vậy trình độ và công lực của ông càng được nâng cao.
Phong cách chơi cờ của Nguyễn Đình Lạc ban đầu rất giống phong cách của Thái Văn Hiệp, luôn chủ trương "lấy thủ làm công, lấy thoái làm tiến " hay nói chính xác họ có quan điểm "dĩ nhu khắc cương", vì vậy thế trận rất vững chắc nhưng trận chiến luôn kéo dài. Thế nhưng từ khi gặp "thầy năm Sáng" và chịu ảnh hưởng, ông chuyển sang tập chơi trận Pháo đầu, bắt đầu kiểu đánh linh hoạt, nhờ đó về sau nhiều trận ông thắng rất nhanh, không giằng co, kéo dài như trước.
Năm 1951, tham dự giải cờ của hãng rượu Martell, ông đã giành chức Vô địch một cách thuyết phục. Hồi đó, khi hùng tâm nổi lên, ông đã nhiều lần đi tìm giáo Hội để "xin lãnh giáo" nhưng giáo Hội tự lượng sức già không đương cự nổi đã khéo léo từ chối. Nguyễn Đình Lạc đã cùng danh thủ người Hoa - Tất Kiên Dương giao đấu nhiều lần và ông luôn chiếm ưu thế. Kỳ vương Phạm Thanh Mai thỉnh thoảng cũng đấu giao hữu với Nguyễn Đình Lạc, hai bên tỏ rõ "kẻ tám lạng, người nửa cân".
Thật ra Nguyễn Đình Lạc chỉ là một tay cờ tài tử, vì ông có quan điểm coi cờ là một loại nghệ thuật cao quý rất đáng đam mê chứ không phải là một phương tiện kiếm sống. Năm 1954 ông có dấu hiệu bị nhiễm lao, buộc ông phải ngưng chơi cờ để chữa bệnh, và cũng vì vậy những năm sau đó ông chơi không còn sắc sảo nữa. Làng cờ ai cũng quý ông vì tính tình hòa nhã, điềm đạm, nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ và không bao giờ nói điều gì làm mất lóng ai. Đặc biệt ông rất chân tình, ai hỏi hay thắc mắc gì về cờ thì ông luôn sẵn lòng chỉ dẫn tận tình.
Sau trận đấu giao hữu với kỳ vương Lý Chí Hải năm 1958, về bệnh trở nặng và ông đã lặng lẽ giả biệt làng cờ vào mùa thu năm 1959 khi mới vừa tròn 34 tuổi.
10- LÝ ANH MẬU (1926 - 1977)
Lý Anh Mậu là em ruột của nhà văn nổi tiếng Lý Văn Sâm, quê quán ở huyện Tân Uyên trước thuộc Biên Hòa nay phân về tỉnh Bình Dương. Vì vậy làng cờ vẫn coi ông là "vô địch Biên Hòa" và gọi thân mật là Lý Anh Mô. Từ năm 1956, ông về sinh sống lâu dài tại Bà Chiểu nên được coi là cao thủ của đất Gia Định.
Thuở nhỏ, Lý Anh Mậu học cờ chủ yếu mày mò nghiên cứu các bài báo in trong tập quảng cáo của Nhà thuốc Võ Văn Vân (tập quảng cáo nầy ngoài phần quảng cáo các loại thuốc còn đăng một số ván cờ dịch từ Quất trung bí và Mai hoa phổ để câu khách). Nhờ vậy ông sớm lĩnh hội tinh hoa của nghệ thuật cờ tướng và nhanh chóng trở thành một tay cao cờ. Khắp xứ Biên Hòa không ai địch lại ông. Đầu năm 1944, vừa đúng 18 tuổi, hùng tâm nổi lên, Lý Anh Mậu xuống Sài Gòn tìm Hứa Văn Hải để thử tài. Kỳ vương Hải thông cảm tính khí bồng bột của anh bạn trẻ, không hề giận mà còn tỏ ra thương mến Mậu, đem một số tài liệu quý lưu giữ từ lâu của mình giao cho Mậu (một việc làm rất lạ) mong muốn Mậu sẽ thay mình thống lĩnh làng cờ. Năm 1948, Lý Anh Mậu đả lôi đài ở sòng bạc "Đại thế giới" và đã được Hà Quang Bố dạy cho một bài học nhớ đời. Nhưng nhờ đó mà giáo Bố rất thương và chỉ dẫn cho Lý Anh Mậu như một đệ tử thực thụ của mình. Khi giáo Bố qua đời đã kịp giới thiệu để Lý Anh Mậu thay mình làm đài chủ thủ đài ở kỳ đài "Đại thế giới" mãi cho đến 1954. Trong gần 5 năm thủ đài, ông đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt phát triển quan điểm coi cờ là một nghệ thuật, đòi hỏi phải chơi cho đẹp; tức là phải chiến thắng đối phương nhưng chiến thắng bằng cách phối hợp nghệ thuật chứ không chiến thắng bằng mọi thủ đoạn.
Lý Anh Mậu cũng có nhiều đệ tử, nhưng công đóng góp đáng ghi nhận nhất của ông là để lại cho đời hơn 10 quyển sách nhằm phổ cập cờ tướng cho đông đảo người chơi.