PDA

View Full Version : "Cờ tưởng" của đấu sĩ mù



CXQ
10-01-2010, 09:49 PM
Trần Trọng Việt Nhân chưa từng và có lẽ sẽ không bao giờ biết mặt những quân cờ tướng, nhưng những kỳ thủ cờ tướng tại TP Đà Nẵng đều phải kinh ngạc trước những ngón "cờ nhắp", "cờ tưởng", và một trí nhớ sâu sắc đến lạ lùng của người đàn ông 23 năm không ánh sáng này.

Kỳ thủ lang thang

Hà Nội năm 1999, giải cờ tướng toàn quốc lần 2 dành cho người khuyết tật ra quy định mới: VĐV cờ tướng khiếm thị không được sờ quân cờ trong lúc thi đấu mà chỉ dùng thuật ngữ quốc tế để định vị. Nhưng những người từng có mặt tại giải cười ồ trước một kiến nghị hết sức bỡ ngỡ của một VĐV: "Cho tôi sờ hết năm nay thôi, năm sau tôi không sờ nữa!".

Đó là lần đầu tiên trong đời kỳ thủ khiếm thị Trần Trọng Việt Nhân có dịp cọ xát với những cao thủ cờ tướng ngoài TP Đà Nẵng. Cũng là lần đầu tiên cờ tướng TP Đà Nẵng tham gia, và anh là VĐV duy nhất dám đăng ký với áp lực thành tích huy chương bạc cá nhân.

Tôi nghĩ mình muốn tiến bộ thì phải cầu tiến, giao đấu, học hỏi nhiều người. Cờ tướng giúp tôi tự tin gạt bỏ được mặc cảm của bản thân mình - Trần Trọng Việt Nhân
HLV Trần Văn Ninh, người đưa anh Nhân đi thi đấu lúc ấy nhớ lại: "Trước đó anh Nhân chơi cờ chủ yếu là tự mày mò, không qua bài bản, không huấn luyện viên, chưa từng chịu áp lực của một giải đấu lớn". Thế nhưng, trước trận đấu cuối cùng phân định thành bại, anh đã dám điện thoại về báo tin: "Đã cầm chắc huy chương bạc". Bởi lẽ, nếu trận cuối cùng anh liên tục thí quân hòng cầm hòa, thì với thành tích 5 thắng, 1 hòa, 1 bại, chắc chắn huy chương bạc như chỉ tiêu đề ra nằm trong tầm với. Nhưng giấc mơ lần đầu tiên trong đời được đi xa khiến anh không thể không dốc hết sức. Chỉ trong 8-10 nước đi khai cuộc, anh đã nghĩ đến ước nguyện "nhảy cẫng lên như con nít khi chiến thắng".

Sau chiếc huy chương vàng cá nhân, huy chương bạc đồng đội tại mùa giải 1999, 2 năm tiếp theo, anh đoạt luôn huy chương vàng giải thi đấu thể thao người khuyết tật thập kỷ châu Á Thái Bình Dương (C.A.M.P.A.I.G.N) gồm 10 nước tham dự tại Hà Nội. Năm 2002, lẽ ra anh đã có dịp du đấu tại Nhật Bản nếu như những xung đột trong giải đấu trên không biến lời hứa hẹn thành hão huyền.


Trong ngôi nhà thuộc tổ 14, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, bao năm qua anh Nhân và người cha vẫn luyện cờ hằng ngày - Ảnh: Nguyễn Tú

Tính đến nay đã tròn 20 năm chơi cờ, gã cao thủ này thường lang thang khắp các quán cà phê cóc trên địa bàn TP Đà Nẵng. Khi còn trú ngụ tại ngôi nhà cũ đường Đống Đa, hằng ngày anh chống gậy dò đường lên gần tượng đài Mẹ Nhu (quận Thanh Khê) để thọ giáo các kỳ thủ vỉa hè, học lỏm được những ngón cờ rình không hề có trong sách vở. Đường Yên Bái, Đống Đa, Hải Phòng, ở đâu có cà phê cóc và bàn cờ tướng, chiếc gậy đường của anh phải dò đến cho bằng được.

"Trí tuệ không phân biệt sáng-mù"

Sống chung với bóng tối vĩnh viễn năm 13 tuổi, anh hòa nhập cuộc sống khó khăn hơn những người mù bẩm sinh. Suốt 13 năm sau đó, anh chỉ quẩn quanh "chẻ củi, lau nhà, nấu nướng, và làm mấy cái thứ đồ chơi trẻ em từ lon bia, nắp keng, sắt vụn". Trong một lần tình cờ qua nhà hàng xóm, cái âm thanh hào sảng "lên pháo-chiếu", "ra xe", "chống sĩ", "tốt qua sông"... khiến chàng trai trẻ Việt Nhân ngẩn ngơ trước một thế giới mới của một đoàn binh chỉ 32 quân mà thiên biến vạn hóa.


http://www.thanhnien.com.vn/News/Picture/tuanthanh/29.9.2008/080929p9aa2.jpg

Bàn cờ tướng với anh là một "vương quốc" thu nhỏ, ở đó anh được điều khiển, được chinh phục và quyền được làm chủ "đế chế" của mình. Anh nắm được cách chơi rất nhanh, đầu tiên anh dùng xúc giác, dùng đôi tay để sờ, nhận dạng từng con cờ. Nhưng cách chơi ấy không làm sao bao quát được hàng chục, hàng trăm nước cờ di chuyển, đồng thời, cứ mỗi lần đi quân lại phải sờ nắn từng con cờ dễ khiến các đối thủ là người bình thường khó chịu. Vậy là anh chuyển sang học định vị từng con cờ: "Trong đầu tôi tưởng tượng ra một bàn cờ với các đường ngang dọc, khi đối phương đi quân, tôi sờ bàn cờ để định vị, nhưng nếu như họ hô lên nước cờ vừa đi thì tôi không cần sờ định vị nữa, vì bàn cờ đã ở trong đầu tôi rồi".

Trong những giải cờ tướng với người bình thường tại TP Đà Nẵng, anh đoạt HCB giải cờ tướng Hội hoa xuân TP, HCĐ cờ tướng Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng 2007, HCĐ giải cờ tướng quận Thanh Khê.

Nhiều đối thủ sáng mắt hoài nghi về trí nhớ của anh nên thử tìm cách ăn gian, sắp lại bàn cờ hoặc thay đổi vị trí một vài con cờ liền bị anh phát hiện. Thậm chí, anh còn khẳng định: "Mỗi ngày tôi chơi khoảng chục ván cờ, nếu là những ván cờ đặc sắc, sau khi chơi tôi có thể một mình sắp xếp, đi lại từng nước một của ván cờ ấy theo đúng trình tự của trận đấu đã diễn ra mà không cần bất cứ một ghi chép nào".

Huấn luyện viên cờ tướng Tôn Thất Nhật Tân (Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng), nhận xét: "Người khiếm thị do bị hạn chế về tầm nhìn nên buộc phải vận dụng trí nhớ tối đa trên bàn cờ tướng, đầu óc làm việc vất vả hơn người bình thường rất nhiều lần để định vị từng nước đi trong đầu".

Cho nên chỉ cần mất tập trung, nước cờ của anh sẽ lẫn lộn. Lợi dụng điểm yếu ấy, những tay cờ thiếu "fair-play" thường tìm cách làm phân tán tư tưởng như khi đi cờ không báo, không hô gây ức chế. "Lâu lâu, tôi cũng gặp nhiều người sáng mắt tự ái khi thua cờ với tôi, tôi không mặc cảm, thì mắc chi họ lại "quê", tôi nghĩ cờ tướng là môn chơi trí tuệ, mà trí tuệ thì chỉ phân biệt cao-thấp, chứ làm gì có trí tuệ sáng-mù, họ có lợi thế sáng mắt, tôi lại có lợi thế khác, đừng vì thắng thua trên bàn cờ mà mất cái tình giao hữu".

Người đàn ông này còn rất nhiều ngón nghề, đàn ca hát xướng, kỹ thuật viên massage: "Chơi cờ cũng là cách tôi mở cánh cửa giao tiếp, khám phá tìm hiểu người chơi, người điềm đạm hay nóng tính, phóng khoáng hay giữ kẽ đều thể hiện trên cách chơi cờ". Anh rất tin vào cơ duyên, và với anh, cơ duyên đẹp nhất chính là vào một ngày năm 2004, khi Hội người mù quận Thanh Khê còn đóng tại đường Lê Duẩn, một người mến tài của anh nên đã mời anh đến chơi cờ cùng một vị lãnh đạo cấp cao nhất của TP Đà Nẵng rất nhiều lần.

Nguyễn Tú (báo thanh niên)