PDA

View Full Version : Hãy Tập Cho Mình Một Chút Tử Tế: Quan Tâm



CXQ
06-03-2010, 11:25 PM
Hãy Tập Cho Mình Một Chút Tử Tế: Quan Tâm

Có một người kia bị bệnh quên trầm trọng. Chiều đến, anh ta quên hết mọi việc anh làm trong ngày. Sáng hôm sau thì anh không còn nhớ điều gì anh đã làm tối hôm trước. Đang đi ngoài đường, anh không nhớ là mình đang đi. Ngồi ở nhà, anh không biết mình đang ở đâu. Những người thân trong gia đình rất buồn rầu và thất vọng vì đã thử nhiều phương pháp chữa trị nhưng không đạt kết quả. Sau cùng thì một thầy thuốc đến và tuyên bố rằng: “Tôi có cách chăm sóc người nầy. Hãy để một mình tôi với anh ta”. Và không biết thầy thuốc đã chữa trị bằng cách nào, nhưng người đó được chữa lành. Anh ta nhớ lại tất cả.

Được chữa lành, nhưng anh ta lại giận dữ mà rằng: “Trước kia, khi tôi không nhớ gì cả thì tinh thần tôi thoải mái và thanh thản. Bây giờ thì nặng nề quá, nào là những kỷ niệm đè nặng, nào là những năm tháng thành công và thất bại, những thiệt thòi cũng như thua kém, những vui sướng cũng như đau buồn, tôi đã nhớ hết. Rồi khi nhớ về quá khứ, tôi lại lo lắng cho tương lai. Tôi muốn có những giây phút không còn nhớ gì hết”.

Người mắc bệnh quên trên đây tức giận vì anh ta có lại trí nhớ, vì anh bị tước đi cái khả năng chạy trốn thực tại, chạy trốn những người chung quanh, chạy trốn anh em qua việc ẩn núp trong cái bệnh quên của mình.

Một chút Quan Tâm sẽ dẫn chúng ta đi rất xa. Chúng ta có thể học sống thực tế đơn giản qua việc quan sát những gì xảy ra chung quanh chúng ta – không loại trừ cũng không thêm bớt, không xét đóan. Không dán nhãn, không cần đánh giá tốt hay xấu. Đơn giản thấy cái nó LÀ.

http://dotchuoinon.files.wordpress.com/2010/03/ls_motchuttute.jpg
Sự Quan Tâm làm cho cuộc sống trở nên thú vị và dễ chịu hơn. Vì chúng ta sẽ thấy thế giới không phải chỉ là một bóng đêm, nhưng có cái gì đó luôn luôn đổi mới. Nếu chúng ta có chút Quan Tâm đến những gì chung quanh, nơi đây và bây giờ, chúng ta sẽ nhận ra nơi mỗi con người, mỗi khoảnh khắc, ẩn náu những điều kỳ diệu mới.

Nhưng phần nhiều trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy sự việc không như vậy. Khi chúng ta gặp người nầy người nọ, chúng ta “Thấy” họ sẽ thế nào và họ sẽ nói gì! Chúng ta ở trong một tình huống nào đó, chúng ta “Biết” là điều gì sẽ xảy ra. Có nghĩa là: rốt cuộc chúng ta sống dựa vào một quá khứ nghèo nàn, vì chúng ta không có được những đức tính thiết yếu của “bất ngờ và canh tân”. Và điều đó chỉ đem đến cho chúng ta sự nhàm chán. Như những người khách du lịch chỉ đi đến những nơi mà họ thấy trong quảng cáo, họ sẽ không khám phá ra được điều gì thực sự mới. Họ chỉ thấy được cái gì mà họ chờ đợi được thấy.

Sống Quan Tâm là điều kiện cần thiết để giao tiếp tốt đối với người khác. Quan Tâm là một ơn Chúa ban, và đó là một ơn rất quí. Và Quan Tâm có thể nói đó là một cử chỉ anh hùng. Bạn hãy nghĩ có giây phút nào đó khi bạn nói mà người ta không lắng nghe bạn như bạn mong đợi. Bạn hãy tưởng tượng khi bạn nói mà người đối diện ngoái nhìn chỗ khác một cách lơ đễnh hoặc đọc báo… Trong sự không Quan Tâm đó, có cái gì như phá hoại và khinh miệt làm cho bạn mất đi hào hứng và sự tin tưởng nơi bạn, làm cho bạn cảm thấy bạn không tồn tại và làm cho mặc cảm tự ti thầm kín trào dâng.

Sự Quan Tâm chính là một Nhân Đức. Đó là một cách tiếp đón kẻ khác, một cử chỉ mang lại cho họ sự sống. Quan Tâm đến kẻ khác là đặt những âu lo của mình, những cách nhìn của mình, những ước vọng của mình, những điều mình thích.. vào trong hai dấu ngoặc.

http://dotchuoinon.files.wordpress.com/2010/03/sacred_relationship1.jpg
Quan Tâm có nghĩa là tỉnh thức. Nghĩa là ý thức được sự gì xảy ra chung quanh.Ví dụ thấy người mà chúng ta đang nói chuyện dường như đặc biệt xanh xao, hay anh ta mặc chiếc áo mới, hay anh ta vừa mới đi cắt tóc, hoặc anh ta ngủ không ngon giấc đêm qua hoặc ngược lại, ngày hôm nay thấy anh ta có gì rất vui… Nhờ vào những nhận định đó mà chúng ta có thể có cùng một “tần số” với người đối thoại và biết được điều mà chúng ta có thể làm cho họ.

Quan Tâm là một dạng Tử Tế và thiếu Quan Tâm là một cái gì hết sức thô lỗ, một sự bạo lực thầm kín. Bernard Shaw nói: “Tội lớn nhất đối với người đồng loại không phải là thù ghét họ mà là không quan tâm đến họ, đó là cốt lõi của tính vô nhân đạo”.

Người Châu phi có kể câu chuyện như sau: “Một ông Vua kia có một người vợ luôn luôn buồn rầu và đau yếu. Một ngày kia, ngài khám phá ra một người đánh cá nghèo nàn sống cạnh lâu đài, có một cô vợ mạnh khỏe và sống rất vui vẻ. Ông Vua hỏi người đánh cá rằng: “Bạn làn sao mà vợ anh sống vui vẻ quá như vậy?” Anh đánh cá trả lời: “Thưa rất đơn giản thôi, tôi nuôi vợ tôi bằng cái lưỡi”. Ông Vua mừng rỡ, nghĩ mình đã tìm ra được giải đáp tốt. Ngài đặt mua ở các cửa hàng thịt của triều đình, lưỡi cho vợ ông và bắt vợ ông theo một chế độ ăn lưỡi rất nghiêm nhặt. Nhưng ngài thất vọng vì càng ngày vợ ông càng trở nên tệ hại hơn.

Vua rất tức giận và quay lại gặp người đánh cá mà rằng: “ Chúng ta đổi vợ cho nhau”. Người đánh cá buộc lòng phải vâng theo. Người vợ của Vua từ ngày về sống với ông đánh cá, trở nên mạnh khỏe và sống rất vui vẻ, còn cô vợ của người đánh cá, từ khi về sống với nhà vua càng ngày càng trở nên âu sầu ủ dột. Một ngày kia, ông Vua gặp lại vợ cũ của mình ngoài chợ, suýt nữa thì ông không nhận ra. Ông nói: “về với ta”. Cô ta trả lời: “Hết rồi”. Cô ta thêm: “Hàng ngày khi đi làm về, chồng mới của tôi ngồi cạnh tôi, kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện, anh lắng nghe tôi, anh hát, anh làm cho tôi cười. Tôi cảm thấy như được sống lại. Đó chính là “cái lưỡi”, là con người nói với tôi, quan tâm đến tôi. Và tôi mong tới giờ anh đi làm trở về”. Lúc đó nhà vua mới hiểu ra. Ngài cảm thấy một sự đắng cay cho những cơ hội đã qua và cũng có một ước muốn thâm sâu thay đổi.

Quan Tâm là một phương thế phổ biến sự tử tế. Không có sự Quan Tâm, đừng nói đến Tử Tế. Cũng không có Tình Yêu và không có Giao tế giữa con người với nhau. Chúng ta hãy nhớ những giây phút vui vẻ mà chúng ta có đối với bạn bè, chắc chắn là không phải là những giờ phút chúng ta lơ đễnh. Ngược lại chúng ta rất Quan Tâm và rất sẵn sàng. Quan Tâm tức là chúng ta cho anh em mình quan trọng, là người “thân cận” của chúng ta, chúng ta có thể thực sự hiệp thông với họ và hai bên hiểu được nhau.

hoatrang,3.March.010