PDA

View Full Version : Ký sự 141 : Mô hình 141 của Công an Hà Nội cần nhân rộng toàn quốc



6789
05-11-2012, 11:00 AM
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, diễn ra vào ngày 01/11/2012.


http://www.anninhthudo.vn/Uploaded/sonhm/2012_11_02/141.jpg
Mô hình 141 đã phát huy hiệu quả phòng ngừa tội phạm, được đông đảo nhân dân ủng hộ
(Trong ảnh: Tổ công tác 141 CATP Hà Nội kiểm tra phương tiện
và phát hiện vũ khí tại ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Bài ngày 2-10)

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình tội phạm được nêu trong báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm của Chính phủ, các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng của các loại tội phạm.

Hiệu quả thấy rõ của các tổ 141

Nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng thêm biên chế cho lực lượng công an để tăng cường sức mạnh trong công tác phòng, chống tội phạm. Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) lấy ví dụ thời gian qua tại Hà Nội, các tổ công tác đặc biệt 141 gồm 3 lực lượng phối hợp: cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông, đã cho thấy rõ hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống nhiều loại tội phạm.

Đồng quan điểm này, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) trong phần kiến nghị giải pháp cũng nêu ý kiến về việc cần nhân rộng, triển khai mô hình 141 của CATP Hà Nội ra toàn quốc: “Thành phố Hà Nội đang phát huy hiệu quả mô hình 141 từ năm 2011 đến nay với mục tiêu phòng ngừa trấn áp tội phạm có tính chất côn đồ hung hãn và thực tế đã mang lại hiệu quả cao, được đông đảo nhân dân ủng hộ. Vì vậy, trong thời gian tới đề nghị tiếp tục phát huy sức mạnh của lực lượng 141 và đề nghị Bộ Công an xem đây là một mô hình điểm để nhân rộng trên toàn quốc nhằm góp phần giảm tội phạm”. Đồng tình với các phát biểu về mô hình 141 của Công an Hà Nội, đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng, tổ công tác 141 là sự hiệp lực đúng lúc và sáng tạo, rất cần thiết trước tình hình tội phạm hiện nay.

“Nóng” tội phạm chưa thành niên

Báo cáo của Chính phủ nêu một số nội dung liên quan đến tội phạm chưa thành niên. Các đại biểu đã dành nhiều thời gian để bàn về vấn đề “nóng” này. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu ý kiến: “Tình trạng phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách cụ thể từ nguyên nhân, động cơ, mức độ hành vi phạm tội… đến thành phần gia đình để có cách chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng phạm tội ở lứa tuổi thanh, thiếu niên trong năm 2012 để có giải pháp phòng, chống hiệu quả trong năm 2013”.

Chia sẻ về việc cần phát huy tác dụng của hình phạt, song đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho rằng, không nên sửa Luật Hình sự theo hướng tăng nặng mức hình phạt, điều đó trái với những cam kết quốc tế của chúng ta về bảo vệ người chưa thành niên. Đại biểu nêu ý kiến có thể xử lý vấn đề bằng một cách khác, trên cơ sở phải xem xét lại căn cơ hơn, thấu đáo hơn những nguyên nhân của tình hình tội phạm chưa thành niên và xác định lại độ tuổi thành niên cho hợp lý. Nhiều quốc gia đã quy định tuổi thành niên từ đủ 16, thậm chí pháp luật hình sự nhiều nước buộc công dân của họ phải chịu trách nhiệm từ 12 và 14 tuổi.

ĐBQH Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đoàn Thái Nguyên): Nâng cao vai trò kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng

Kiểm toán có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy vậy, hiện nay địa vị pháp lý của Tổng Kiểm toán và cơ quan kiểm toán nhà nước rất nửa vời, hiệu lực của kết quả kiểm toán không cao do không bắt buộc phải thực hiện. Theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước do Quốc hội thành lập. Vậy nhưng khi nhìn vào các kỳ họp của Quốc hội trước nay tôi thấy, chưa bao giờ Tổng Kiểm toán nhà nước được bố trí trình bày báo cáo trước Quốc hội về quyết toán ngân sách hàng năm (theo khoản 2, điều 18, Luật Kiểm toán nhà nước). Luật cũng chưa có quy định Tổng Kiểm toán nhà nước là đối tượng được chất vấn.

Vì vậy, tôi cho rằng, cần nâng cao địa vị pháp lý của Tổng Kiểm toán và Kiểm toán nhà nước, đưa vị trí Tổng Kiểm toán nhà nước vào nhóm đối tượng do QH bầu và chất vấn theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Có như vậy, các hoạt động liên quan đến chống tham nhũng trong thu chi ngân sách sẽ hiệu quả hơn.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (đoàn TP Hồ Chí Minh): Nên xem xét lại độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Tội phạm ở nước ta đang có xu hướng trẻ hóa. Đây cũng là xu hướng chung ở nhiều quốc gia hiện nay, nguyên nhân do điều kiện kinh tế phát triển, tâm sinh lý ở độ tuổi thanh thiếu niên có sự thay đổi, trưởng thành sớm hơn cả về thể chất và tâm lý. Vì vậy mà nhiều nước đã quy định giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống để tăng tác động răn đe và ngăn ngừa tội phạm. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, theo quan điểm của tôi, đã đến lúc nghiên cứu, xem xét lại độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vì 20 năm qua, xã hội nước ta đã phát triển rất mạnh, sự thay đổi tâm sinh lý ở giới trẻ đã rất khác so với trước đây. Nếu không nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình thì công tác phòng chống tội phạm sẽ bị hạn chế, khó theo kịp yêu cầu của sự phát triển xã hội.

Việc quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự có liên quan với tình hình phát triển xã hội, phát triển tâm sinh lý của dân số trong từng thời điểm, ở từng quốc gia. Do đó, để xác định có nên hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hạ xuống bao nhiêu thì cần phải có những công trình nghiên cứu khoa học, thống kê, phân tích, đánh giá rất cụ thể để làm căn cứ, từ đó mới đưa ra đề xuất phù hợp. Việc hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chỉ là một trong các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, cần phải thực hiện đồng bộ với rất nhiều giải pháp khác như tăng cường giáo dục, thậm chí phải có tòa án, cơ sở cải huấn dành riêng cho thanh thiếu niên để giúp họ cải tạo tốt hơn nếu phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Theo anninhthudo.vn -