PDA

View Full Version : Cờ Vây - Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc



loan
17-04-2010, 09:48 PM
Sách "Tinh hoa tri thức văn hoá Trung Quốc" do Vương Kiến Huy, Dịch Học Kim chủ biên (Nhà xuất bản Thế giới - năm 2004) có bài viết về cờ Vây:

CỜ VÂY THẦN BÍ THỜI CỔ ĐẠI

Cờ Vây là một môn đánh cờ truyền thống của Trung Quốc, ra đời sớm hơn cả cờ Tướng, ít ra đã có trên 2500 năm lịch sử. Vì nó được truyền sang Nhật Bản và các nước Âu - Mỹ, nên hiện nay đã trở thành môn cờ quốc tế.

Cờ Vây được phát minh khi nào? Ai phát minh? Sách cổ Bác vật chí 1600 năm trước nói do vua Nghiêu phát minh ra để dạy con mình là Đan Châu, lại có người nói do vua Thuấn phát minh ra để dạy con mình là Thương Quân. Đấy đều là truyền thuyết, không mấy tin cậy. Những ghi chép sớm nhất về cờ Vây phát hiện gần đây là việc ghi chép lấy cờ Vây để so sánh với việc trị nước của nước Vệ trong sách Tả truyện, đây là chuyện xảy ra năm 559 trước Công nguyên, cách đây 2500 năm. Sách Luận ngữ 2400 năm trước và sách Mạnh Tử 2300 năm trước đều nói đến cờ Vây (thời đó gọi là dịch). Qua đó có thể thấy cờ Vây đã có trên 2500 năm lịch sử. Còn về chuyện cờ Vây được truyền ra nước ngoài (ví dụ như truyền sang Nhật Bản) cũng đã trên 1000 năm.

Cờ Vây rất thịnh hành ở thời cổ đại, văn nhân, học sĩ, đế vương, tướng lĩnh mưu sĩ phong kiến, thậm chí cả tài nhân thục nữ, tăng nhân đạo sĩ đều thích chơi cờ. Trung Quốc từ xưa đã có cách nói gộp "cầm, kỳ, thi, hoạ", có thể thấy, cờ Vây trở thành một mắt xích của văn hoá truyền thống. Dịch chỉ do Ban Cố triều Hán viết lưu truyền đến tận ngày nay. Thời kì Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều là thời kì quan trọng của lịch sử cờ Vây, là thời kì phổ cập và nâng cao. Thời Lưu Tống từng tổ chức thi cờ Vây trong Trung Quốc, chọn ra 278 cao thủ cờ Vây. Tống Minh Đế Lưu Húc còn đặt quan sở cho các kì gia, ban cho bổng lộc. Lương Vũ Đế Tiêu Diễn đích thân biên soạn cuốn Kỳ kinh. Tác phẩm liên quan đến việc đánh cờ Vây sớm nhất hiện còn tồn tại ở Trung Quốc, là bản kỳ kinh chép tay thời kì Bắc Chu tìm thấy trong hang đá Đôn Hoàng, ghi chép quy tắc và kĩ thuật đánh cờ thời đó. Do cờ Vây vô cùng huyền diệu, nhà thơ đời Đường Bì Nhật Hưu nói một cách khoa trương là chỉ có thần tiên mới có thể phát minh ra trò chơi này. Cao thủ cờ Vây Nhật Bản thời Đường mộ danh tìm đến Trung Quốc để thi đấu. Nhà thơ thời Đường Đỗ Phủ, Đỗ Mục, từ nhân thời Tống Tô Đông Pha đều có thơ vịnh cảnh đánh cờ Vây. Thời Nam Tống xuất hiện tác phẩm viết về cờ Vây một cách hệ thống có lí luận, có kinh nghiệm, có chỉ dẫn là Vong ưu thanh lạc tập. Đại nho gia thời Nguyên Ngu Tập từng luận về cờ Vây như sau: "Giống như trời tròn đất vuông, có nguyên lí động tĩnh âm dương, có thứ tự sắp xếp như trăng sao, có cơ biến hoá như sấm sét, có quyền sinh sát như thời Xuân Thu, có thế mạnh như sông núi, có sự chìm nổi của thế đạo, có sự thịnh suy như người vật. Người thông hiểu sẽ biết lấy nhân để thủ, lấy nghĩa để hành, lấy lễ để thi, lấy trí tuệ để chứng tỏ năng lực...". Thời kỳ đầu vương triều nhà Thanh, từng là thời kỳ xuất hiện nhiều cao thủ cờ Vây ở Trung Quốc. Kỹ thuật chơi cờ của Hoàng Long Sĩ, Từ Tinh Hữu, Thi Tương Hạ, Phạm Tây Bình đến nay vẫn được nhân sĩ trong và ngoài nước tán tụng.

Trong số các tác phẩm viết về cờ Vây ở Trung Quốc, nổi tiếng nhất là tác phẩm Dịch lí chỉ quy của tác giả Thi Định Am đời Thanh, nhưng ý nghĩa nội hàm thâm sâu khó hiểu. Sau này Tiền Trường Trạch biên soạn thành cuốn Dịch lí chỉ quy đồ, trở thành tác phẩm chuyên nghiên cứu về cờ Vây, còn tác phẩm trước đã bị thất truyền. Từ nửa cuối thời nhà Thanh, trong một khoảng thời dài từ thời Dân Quốc tới sau giải phóng, trình độ chơi cờ Vây giữa các kỳ thủ Trung Quốc và Nhật Bản có khoảng cách rất xa. Đầu thập kỉ 60, phó thủ tướng thời đó là Trần Nghị đã kêu gọi giới cờ Vây Trung Quốc trong vòng 10 năm hãy đuổi kịp trình độ của Nhật Bản, đồng thời ông còn đích thân đảm nhiệm chức chủ tịch danh dự Hiệp hội cờ Vây Trung Quốc mới thành lập năm 1962. Từ đó cờ Vây Trung Quốc bắt đầu có bước tiến dài

p/s: Còn một phần nữa :D

loan
18-04-2010, 08:28 AM
CỜ VÂY TRONG THƠ VĂN CỔ ĐIỂN TRUNG QUỐC

Phần lớn các văn nhân cổ đại đều thích đánh cờ, vậy có thơ viết rằng: ''Hữu ước bất lai quá dạ bán, nhân xê kì tử lạc đăng hoa". Ban Cố biên soạn cuốn Dịch chỉ, Đỗ Phủ với Dương thị phu nhân ngồi đối toạ qua bàn cờ, Ngô Thừa Ân nhờ kết giao với hai danh thủ quốc gia thời đó là Bào Nhất Trung và Lý Phủ đã viết nên bài thơ vịnh cờ dài nhất thời cổ đại Trung Quốc.

Câu chuyện truyền kì Cầu Nhiêm khách truyện của Trương Thuyết thời Đường đã miêu tả một cách sinh động câu chuyện Cầu Công đấu cờ với Lí Thế Dân. Cầu Công có âm mưu làm chủ thiên hạ nhưng qua cuộc "thủ đàm'' (đấu cờ) này, ông nhận thấy Lí Thế Dân là con người có tài năng phi phàm, nên đã từ bỏ ý định ban đầu. Câu chuyện khó tránh khỏi những điểm khoa trương nhưng qua đây có thể rút được một ý nghĩa tinh tuý như sau: Bàn cờ cỏn con thực sự giống như sa trường vạn dặm. Người Minh từng cải biên câu chuyện này thành vở kịch Hồng phất ký.

Các nhà chiến lược học đánh cờ có lợi cho việc điều khiển chiến tranh, người dân thường thì lại có thể tu tâm dưỡng tính. Trong cuốn Thuật dị ký của Lương Nhậm Phưởng có ghi một truyền thuyết như sau: Một người tiều phu tên là Vương Chất lên núi Thạch Kiều đốn củi gặp hai đồng tử đang chơi cờ, ông theo dõi say mê quên cả quay về; đến khi ông quay về thì cán rìu đã mục, và những người đồng lứa với ông chỉ còn duy nhất mình ông. Hậu nhân thường lấy Lạn kha sơn để vịnh câu chuyện này. Như thơ của Đường Mạnh Giao viết: ''Tiên giới nhất nhật nội, nhân gian thiên tuế cùng. Song kỳ vị biên cục, vạn ban giác vi không. Tiều khách vấn quy lộ, phủ kha lạn tòng phong. Duy dư Thạch Kiều tại, độc tư lăng đan hồng". Hay như bài Đề Vương Chất lạn kha đồ của Từ Văn Trường thời nhà Minh: "Nhàn khán sổ trước lan tiều kha, gián thảo nhàn hoa nhất sa na. Ngũ bách niên lai kỳ nhất cục, tiên gia tuế nguyệt dã vô đa".

Người ta có thể ngộ ra nhiều triết lí sống từ những cuộc cờ Vây. Đại thi hào Bạch Cư Dị là một người say cờ, trong bài Phóng ngôn ngũ thủ chi nhị, ông đã mượn cờ để nói về thời thế như sau: "Thế đồ dĩ phục đô vô địch, trân cương khiên triền tốt vị hưu. Hoạ phúc hồi hoàn xa chuyển cốc, vinh khô phản phục thủ tàng câu. Quy linh vị miễn khô trường hoạn, mã thất ứng vô chiết túc ưu. Bất tín quân khán dịch kỳ giả, thân dinh tu đãi cục chung đầu". Nối liền bài thơ này với bài Phóng ngôn ngũ thử chi tam thì chủ đề chính của nó là: "Thử ngọc yếu thiêu tam nhật mãn, biện tài tu đãi thất niên kỳ" (Muốn thử ngọc phải đốt trong ba ngày, còn muốn rõ tài thì phải đợi bảy năm). Thế cờ và thế thời, nhận biết thế cờ với nhân tài, đều phải qua sự thử nghiệm của thời gian, của thực tiễn. Ngô Thừa Ân cũng là người mê chơi cờ. Trong tác phẩm Tây du kí của ông có rất nhiều đoạn mô tả thế cờ. Trong lời đề tựa viết cho bài Chư hầu tướng lược của Lưu Kỷ, ông viết: "Phu binh gia chi pháp, do dịch chỉ y kinh, nhĩ sử thị sở tải, tắc kỳ chi thế, dược chi phương dã. Dược bất tất chấp phương, nhĩ diệu vu xứ phương giả tất hiệu, kỳ bất tất câu thế, nhĩ diệu vô dụng thế giả tất dinh...". Quả thực từ binh pháp, y thuật, kỳ đạo cho đến mọi công việc đều tối kị giới hạn trong một "định thức" (công thức nhất định), khư khư giữ khuôn phép cũ.

Thơ văn vịnh cờ cổ điển Trung Quốc có thể nói là một đoá hoa trong vườn hoa nghệ thuật, nhưng nằm rải rác trong kinh, sử, từ, tập và địa phương chí. Những tài liệu này hiện chưa được sưu tầm một cách hoàn chỉnh. Mấy năm gần đây, trong tác phẩm Cờ Vây do Lưu Thiên Phủ chủ biên cũng đã đề cập đến vấn đề này.

TCNguyen
18-04-2010, 11:00 AM
cảm ơn bạn vì bài viết rất hữu ích nhé, tôi cũng mê cờ vây lắm :)

yeulam_yeulai_laiyeulam
03-06-2014, 03:09 PM
3612
rất nhiều phóng viên theo sát trận đấu cờ vây
(chèn ảnh hỏng mất rồi)

LongLieuLinh
03-06-2014, 03:52 PM
Yeulam_yeulai_laiyeulam có phải là vic[love] ko ?