PDA

View Full Version : Xin đừng úp mặt vô tường



CXQ
30-04-2010, 02:05 AM
Thấy bài này mang tính thời sự cao nên CXQ bê vào đây cho anh em biết :D
_______________________________________________________________

(TNTT&GT) Sau khi uống thì đương nhiên người ta phải xả ra ngoài một lượng chất lỏng tương ứng, nhưng xả ra đâu là chuyện cần trao đổi.

Bức xúc chuyện… xả

Người đi nhậu nếu uống nhiều bia sẽ chọn cách giải quyết ở nhà vệ sinh trong quán. Rồi ai về nhà nấy. Đôi khi đường từ quán đến nhà thật xa, mà nỗi "ấm ức" lại đến bất ngờ. Làm thế nào để giải quyết khi không thể tìm ra nhà vệ sinh. Không ít người tặc lưỡi: “Thôi thì bí quá cũng đành úp mặt vào gốc cây, cột điện, góc tường khuất nào đó cho xong chuyện”. Trong thành phố gần chục triệu dân này, chỉ cần 1 phần trăm, 1 phần nghìn tặc lưỡi "cũng đành" thì đúng là… thôi rồi.

Trên nhiều đoạn đường vắng, nếu đi trên đường mà nhìn thấy ai đó dáng điệu khẩn trương, hùng dũng đi vào bờ tường, gốc cây thì chắc bạn hiểu điều gì sẽ xảy ra tiếp sau đó. Những người này thường hành động rất nhanh vì họ cũng sợ bị ai đó trông thấy và quan trọng hơn, bản thân họ cũng không chịu được mùi hôi tại nơi mà họ vừa góp phần làm hôi thêm.

Làm gì để giảm... úp mặt

Nhà thờ Đức Bà là một địa điểm du lịch nổi tiếng của TP.HCM. Kiến trúc của công trình có những góc khuất với địa thế úp mặt vào thì ba hướng không nhìn thấy bạn là ai nhưng những góc này đã được bịt lại bằng các song sắt. Nếu có bạn bè là người nước ngoài, thật khó để giải thích cho họ hiểu tại sao phải dùng chấn song bịt như vậy. Nếu nói thẳng ra là làm thế để bịt không cho người qua đường ghé vào tiểu tiện thì thật xấu hổ. Nhưng nhờ làm như vậy mà những hình ảnh và các mùi phản cảm đỡ hẳn (dù không hết).


Tại TP.HCM, vườn hoa công viên Tao Đàn trước đây xây tường bao quanh nhưng giờ tường đã được phá đi. Ngoài Hà Nội, công viên Bách thảo hay công viên Lênin trước cũng xây tường bao quanh, trong ngoài khó nhìn thấy nhau nhưng giờ đã chuyển sang rào bằng song sắt. Ngoài việc làm cho cảnh quan thêm rộng và đẹp, các hành động “phá tường” này cũng giúp cho các công viên trở nên trong lành hơn khi hạn chế nhiều người đứng sát công viên “tưới cây”.

Nhưng khổ nhất là những nhà dân trót có địa thế đẹp bị người ta ưu ái đến thăm. Cuộc chiến giữa khổ chủ và những người "tưới cây" không ai mượn để lại nhiều giai thoại đáng nhớ. Ban đầu khổ chủ ghi biển “Cấm đái bậy” nhưng không ăn thua vì người tưới không tiếp thu. Thấy lịch sự chưa ăn thua, họ sửa biển yêu cầu thành chửi: “Đ.M đứa nào đái bậy ở đây”, cũng chẳng ăn thua. Nâng cao thêm một bước, đánh vào lòng tự trọng của người "tưới", khổ chủ sửa là: “Nơi đây dành cho chó đái”. Cách này hữu hiệu nhưng chưa dứt hẳn. Thói quen vô ý thức đôi khi khiến người ta bước qua danh dự của chính bản thân.

Nhà vệ sinh công cộng - giải pháp tốt?

Sự thiếu ý thức của người xả trộm là điều không phải bàn nhưng nó không phải là điều duy nhất khiến các thành phố ô nhiễm bởi mùi NH3. Trong nhiều trường hợp, có không ít người phải mang tiếng mắc bệnh “đái đường” chỉ vì họ không tìm ra được chỗ xả hợp lý. Nếu đi từ Q.7 lên Q.1 dù đi bằng đường Huỳnh Tấn Phát hay Nguyễn Hữu Thọ, bạn sẽ khó tìm được một nhà vệ sinh. Có không ít vùng trắng nhà vệ sinh như vậy trong thành phố. Nếu mỗi người dân đều có thể nắm được sơ đồ các nhà vệ sinh công cộng gần nhất tại nơi họ sinh sống, làm việc, hay qua lại thì có thể hạn chế nhiều chuyện phản cảm.

Nhưng cũng có những người dù biết có nhà vệ sinh vẫn không sử dụng. Tại sao? Họ bị ám ảnh bởi sự... mất vệ sinh ở bên trong. Do vậy, dù có nhiều nhà vệ sinh nhưng thả lỏng chất lượng của nó thì cũng vô ích. Các nhà vệ sinh có người quản lý thì phải đóng tiền mới được xả và cũng có không ít người thà mang tiếng bất lịch sự còn hơn chịu mất tiền.

Việc con đường nào cũng có nhà vệ sinh là điều không thể trong hoàn cảnh tấc đất tấc vàng. Để nhà vệ sinh lưu động cũng khó vì chẳng nhà dân nào muốn có những thứ đó trước nhà mình. Hơn nữa, nhiều mà không quản lý được chất lượng thì cũng chẳng giải quyết được việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể giải quyết. Nếu mỗi quận đều có một số nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng, các ngã tư đều có biển báo hướng dẫn đường đến nhà vệ sinh nhanh nhất thì sẽ giúp cho nhiều người khỏi bệnh “đái đường” hoặc sỏi thận (vì nhịn xả). Sẽ có người bàn ngang rằng điều này chẳng có tác dụng với những người thiếu ý thức. Có thể vậy nhưng nếu cải thiện được hệ thống vệ sinh công cộng thì sẽ giúp ích được nhiều cho những người có ý thức. Còn với những người vô ý thức thì cần bắt họ có ý thức bằng những biện pháp chế tài mạnh.

Nếu chuyện đầu tư nhà vệ sinh công cộng quá khó, xin hãy nhìn ra một số nước láng giềng tiên tiến mà tham khảo. Họ có những đạo luật cho phép người dân có nhu cầu vệ sinh có thể vào bất kỳ nhà hàng, cửa hàng kinh doanh trên đường để trút bầu tâm sự mà không gặp phải sự kỳ thị, cũng không thu tiền, thu phí.


Nhật Minh

CXQ
30-04-2010, 02:06 AM
Phạt nặng vì hành vi xả rác nơi công cộng

Các cẩm nang hướng dẫn khách du lịch tại Singpore nhắc nhở du khách cẩn thận với những hành động có thể khiến họ bị mất tiền oan. Việc xả rác và hay phóng uế nơi công cộng ở Singapore đều bị phạt rất nặng. Hành động “tưới cây” nếu bị bắt gặp sẽ nộp phạt 1.000 dollar Singapore (730 USD) cho lần đầu tiên vi phạm. Hút thuốc lá, khạc nhổ, vứt rác… những hành vi khiến môi trường ô nhiễm đều bị xử phạt rất nặng. Và để giữ sạch sẽ cho nhà vệ sinh công cộng còn có hình phạt 150 dollar Singapore nếu quên giật nước bồn cầu.

Sự hà khắc này chẳng những không khiến du khách khó chịu mà còn khiến họ thoải mái khi đến đất nước này. Người dân Singapore cũng tự hào rằng thành phố của họ là sạch nhất thế giới. Thế nên tại đất nước này, hầu như không có tình trạng “tiểu đường” và nếu có thì thường được đưa lên báo như một sự kiện hy hữu.

Các nước khác cũng rất nặng tay với chuyện này. Tháng 10.2008, cảnh sát Hàn Quốc phạt Lee, một người đàn ông 34 tuổi 8 triệu won (6.100 USD) vì tội "tưới" vào nơi đặt máy ATM ở Busan. Tháng trước, tiền đạo của North Melbourne là Lindsay Thomas bị cảnh sát Úc phạt 234 USD vì bắt quả tang khi đang "tưới cây". Đầu tháng 4, BBC cũng đưa tin một thanh niên Norwich bị phạt 80 bảng vì tội xả trộm nước thải trong người.

Hồ Khuê