PDA

View Full Version : Nhiều ý kiến phản đối cách K + thao túng thị trường thưởng thức bóng đá quốc tế



laotam
20-07-2010, 08:51 PM
Nhiều ý kiến phản đối cách K + thao túng thị trường thưởng thức bóng đá quốc tế

VNR500 (http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=760)

Thuận Hải tổng hợp

Vài giờ sau khi bài viết về cách kinh doanh bản quyền bóng đá của kênh Kplus (K +) đăng trên VNR 500 (báo điện tử VNN), các biên tập viên đã nhận được nhiều phản hồi thông tin của bạn đọc, đồng thời thu thập thêm một số ý kiến của các lãnh đạo đài truyền hình địa phương, công ty kinh doanh truyền hình cáp về vấn đề này:

Những người trong cuộc bị ảnh hưởng:

Ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Truyền hình cáp TP. HCM (HTVC) cho biết: cách làm độc quyền trên chỉ có hại cho người tiêu dùng cũng như gây thiệt hại lớn về tiền của. Trước đây, giá bản quyền mua một kênh chỉ vài trăm ngàn USD, nay bị nước ngoài đẩy giá cả chục triệu USD là do cách làm cá nhân, cạnh tranh muốn độc quyền của một số đơn vị.

Đáng lẽ người tiêu dùng sẽ không mất thêm tiền nếu các nhà đài chịu ngồi lại bàn bạc thống nhất và cùng mua bản quyền, sau đó chia sẻ kênh cho nhau thì không bị đối tác nước ngoài đẩy giá lên cao như hiện nay. Singapore, Trung Quốc cũng như nhiều nước khác cũng làm cách này, cử một đại diện đàm phán mua bản quyền để các nhà đài cùng hưởng.
Còn theo ông Lý Trung Kiên, Trưởng Phòng Kinh doanh SCTV, cần phải nhanh chóng thành lập hiệp hội truyền hình cáp để có tiếng nói chung, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Ông Lê Đức Hùng cho biết HTVC đã có công văn gửi VTV hơn tháng qua để xin chia sẻ bản quyền cũng như chấp nhận một số điều kiện mà phía mua bản quyền yêu cầu nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Còn ông Lý Trung Kiên cho biết SCTV không chỉ gửi văn bản mà còn đến trực tiếp nhà khai thác K+ cũng như đại diện nhà đầu tư của Pháp để thương lượng chia sẻ các kênh độc quyền thể thao trên.

Tuy nhiên, K+ chỉ cho phép SCTV phát một kênh thể thao của họ với điều kiện phải trả 150.000 đồng/tháng trên mỗi thuê bao mà SCTV hiện có. Điều này có nghĩa là các thuê bao hiện tại của SCTV ngoài mức phí 66.000 đồng/thuê bao phải gánh thêm 150.000 đồng/tháng, người tiêu dùng rất khó lòng chấp nhận.

Bạn đọc gửi về VNR 500:

"tonytuan@mobifone.com.vn" : 3 công ty con cùng một tổng công ty nhà nước, đấu với 1 tổng công ty khác của nhà nước để dẫn đến việc 1 khoản tiền không nhỏ chảy ra nước ngoài.

Sai phạm này không thể nói là do ”Thật sự chính tôi cũng đang đau đầu về chuyện này. Đúng là không hay chút nào khi cùng lúc các doanh nghiệp “gà cùng một mẹ” đồng loạt đàm phán mua bản quyền cùng một giải đấu. Nhưng do tính cộng đồng của người VN mình phải nói là chưa cao nên ngồi lại với nhau rất khó.”

Các vị Giám đốc ấy cầm 51% tiền do dân nộp vung tay thoải mái, xong suôi về bắt chính những người dân ấy phải mua cái sản phẩm mà họ mua hớ từ nước ngoài về với giá cao. Vậy thử hỏi làm sao họ có thể làm ăn thua lỗ được khi đây là cách làm không chỉ VTV mà toàn bộ tổng công ty Nhà nước đang áp dụng.

Bây giờ xét tiếp về nguồn gốc cty MP&Silva . Họ có bùa mê thuốc lú gì tất cả các công ty thi nhau đội giá cho họ hưởng lợi ???



anhhop256@gmail.com: chúng ta đang trả tiền cho những sản phẩm với giá đánh trùng nhau



phamtuan8187@gmail.com:

1.Bản chất vấn đề thao túng, áp đặt giá thuê bao đối với người xem theo tôi nghĩ một phần là do các cơ quan chức năng, đặc biệt là VTV.

VTV vốn là 1 cơ quan của nhà nước phục vụ việc nghe nhìn của toàn dân, nay lại tách ra kinh doanh dựa trên nguồn vốn của nhà nước là do tiền của dân đóng thuế, rồi lại cho người dân thuê lại với mức phí cắt cổ. VTV hãy kinh doanh bằng vốn tự có của mình đi thì hỏi xem có làm như thế được không?

2. Gần đây VTC, STVC đã tách ra kênh HD và các kênh thông thường phục vụ miễn phí người hâm mộ trong nước trong 1 thời gian dài với chất lượng rất tốt và đã thu hút được rất nhiều thuê bao truyền hình Cáp đăng ký xem. Số lượng 800.000 thuê bao STVC là một con số mà VTV (bây giờ dưới danh nghĩa K+) nhìn vào và... rất thèm muốn nhưng không có cách gì làm được để phát triển thuê bao nhanh như thế.

Và bây giờ với độc chiêu là độc quyền bản quyền thì các khách hàng muốn xem bóng đá nước ngoài bắt buộc phải chuyển qua K+ thông qua đầu mối là các đài VTC, SVTC... việc chiếm hữu nguồn khách hàng không mất công sức gì cả, lại được cái tiếng là làm ăn kinh doanh bài bản và có vẻ ban ơn...

3. Với những kiểu cách kinh doanh như thế này thì tôi sợ rằng ngày càng có nhiều khách hàng hủy hợp đồng, và không có thêm ai nhắm mắt làm liều ký hợp đồng thuê bao cho cái phí trên giời ...
Trần Đức - Hà Nội: Cứ đà lợi dụng độc quyền tăng giá dịch vụ vô tội vạ kiểu này, nếu hầu hết người hâm mộ không đủ khả năng tài chính để sử dụng dịch vụ và đồng loạt quay lưng với K+, VTC và SCTV, làm cho doanh nghiệp, trong đó có phần vốn lớn 50-51% của nhà nước, bị thua lỗ thì ai phải chịu trách nhiệm nhỉ? Đã có ai tính tới việc này chưa?



congbuikhac@yahoo.com: Tôi thấy có vấn đề gì đó không bình thường ở đây. SVTC là công ty liên doanh có 51% vốn của nhà nước, phương án kinh doanh phải khả thi chứ. Tôi cảm giác thấy K+ cố tình đẩy phí bản quyền lên cao để độc quyền, không đặt đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. K+ không lỗ mới là lạ, nếu lỗ phía đối tác nước ngoài họ sẽ vui hay buồn nhỉ. Mọi người cùng suy ngẫm ?



lethang3747@gmail.com: Việt Nam mình có rất nhiều kỷ lục làm sửng sốt như giá sữa đắt nhất thế giới. Các tập đoàn nhà nước suốt ngày hạch sách nhau, mạnh ai nấy làm chỉ khổ cho người dân suốt ngày lao động đóng thuế cho nhà nước .

Đề nghị Thủ tướng xem xét trách nhiệm cá nhân các lãnh đạo đài truyền hình VTV và VTC.



dangmanhcuong2008@yahoo.com: gửi lời nhắn ngỏ cho ông Nguyễn Thành Lương (VTV)

Nếu các đơn vị thực hiện việc thu phí cao như thế thì có lẽ là một độc giả hâm mộ bóng đá như tôi cũng đành bỏ cuộc chơi vậy. Có trận đá bóng nào hay mà bản thân là người hâm mộ thì tôi sẽ mở Internet ra xem vậy. Thà tốn cho ISP còn hơn là cho các ông bắt chẹt người khác.



E-mail: tubinchdb@yahoo.com: Câu trả lời phỏng vấn của lãnh đạo VTV với Tuổi trẻ rằng: “Tôi nghĩ đây là một sự thiệt thòi lớn cho khán giả" là câu nói không có trách nhiệm nhất dành cho người kinh doanh



hoadaovan47@yahoo.com.vn: Xin ông Lương Phó TGĐ đài truyền hình VN cho biết câu nói "do tính cộng đồng của người Việt nam mình phải nói là chưa cao nên ngồi với nhau rất khó" là của mấy ông nhà đài hay toàn dân? coi chừng lẫn lộn cả cộng đồng Việt nam!



ngoc72@yahoo.com: Chúng tôi đang dùng truyền hình cáp của VCTV, phí trả đều hàng tháng. Nay tự nhiên sinh thêm một đơn vị K+ là con lai của VTV nhẩy vào độc quyền bắt chúng tôi phải lựa chọn trả giá cao cho họ chỉ để xem được chương trình bóng đá. Nếu điều đó thành hiện thực thì chúng tôi sẽ không dùng dịch vụ của VCTV nữa mà sẽ mua đầu thu lậu của Trung quốc để bắt được đủ mọi chương trình mà ko cần phải trả tiền. Vĩnh biệt cáp VCTV …



ha.chuvan@gmail.com: Cần xem lại động cơ của K+ khi mua bản quyền với giá cao hơn mức cần thiết rất nhiều. Như lời ông Lương PTGĐ Đài VTV giải thích thì VTV chỉ quản lý về mặt nội dung, khi VSTV làm ăn thua lỗ VTV có bị mất phần vốn nhà nước tại VSTV không.

Theo tôi được biêt và có số liệu, thì K+ sẽ tăng chi phi đầu vào các nội dung đẩy phần lợi nhuận về công ty mẹ một cách hợp lý. Để lại lợi nhuận ít hoặc thậm chí là thua lỗ cho VSTV. Và bài toán hợp tác xương máu về việc liên doanh với cocacola những năm 90 lại bắt đầu tái lập.
Một bạn đọc khuyết danh: Kính gửi VNR500, Đồng kính gửi Đài truyền hình Việt Nam,

Là một người Việt Nam, tôi cảm thấy cực kỳ bức xúc vì việc 4 doanh nghiệp trong nước đều do VTV nắm cổ phần chi phối lại cạnh tranh nhau để mua bản quyền truyền hình bóng đá với một mức giá đắt đỏ, tăng hàng năm và hoàn toàn không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam. Ở đây vai trò quản lý của nhà nước đã không được phát huy.

Chúng ta cần phải suy nghĩ theo hướng ngược lại: Thị trường Việt Nam là thị trường độc quyền, với 86 triệu dân và có mức tăng trưởng hàng năm rất lớn. Các doanh nghiệp nước ngoài đều thèm khát nhìn vào thị trường chúng ta, bởi vậy họ cần phải chơi theo luật chơi của VN. Muốn như vậy, sự chỉ đạo quản lý tập trung của Nhà nước là quan trọng nhất, thông qua công cụ là VTV với vai trò là cổ đông chi phối của VTV.

Vì vậy, tôi kính đề nghị VNR500 và VTV cần tổ chức thảo luận rộng rãi vấn đề này hơn nữa trong xã hội, và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng đưa ra các quyết định mạnh mẽ, để có thể sử dụng đồng tiền đóng thuế của người dân hợp lý.



dat1079@gmail.com: Tình hình này tôi nghĩ là dân mình nên đồng lọat bỏ truyền hình cap đi thôi. Tôi nghĩ cần xã hội hóa truyền hình, không nên để cho VTV độc quyền mãi thế được. Dân Việt Nam còn nghèo mà “các ông’ cứ đẩy giá lên cao mãi.



hqthe@yahoo.com: Hãy nói không với K+. Thế nào là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, các Nhà quản lý ở đâu?



letrungsn@gmail.com: Tôi xin được phép hỏi :

- Nếu VTV không liên kết với Pháp để sản sinh ra K+ thì có chuyện K+ độc quyền không ?

- Nếu VTC không đưa ra kênh truyền hình độ nét cao thì có chuyện chỉ có thể phát trên kênh truyền hình HD không ?

Tôi đồng ý là DN phải tìm cách kinh doanh, tuy nhiên ở đây cần phải làm rõ các điểm :

- VTV, VTC là các DN nhà nước được hình thành nhằm mục đích phục vụ nhân dân chứ không phải nhằm mục đích chỉ PV cho những người có nhiều tiền.

- Nguồn vốn mà VTV, VTC đang có để sử dụng kinh doanh là của ai ? tất nhiên hầu hết các DN đều nói là của nhà nước nhưng họ quên rằng nếu nói là của nhà nước thì nên nói cụ thể là của ai - không có DN nhà nước nào chịu thừa nhận là mình đang sử dụng tiền của người dân đóng góp để kinh doanh cả.

Tôi rất mong Nhà nước giải thích rõ hơn về vấn đề này.



chuongnhuy@gmail.com: Thật không thể hiểu nổi thế nào nữa, niềm đam mê môn thể thao vua của người dân lại bị nhà đài tước đoạt một cách trực tiếp như thế này. Nó được ví như một cậu bé ăn mày bước vào cửa tiệm lớn và bị bảo vệ chặn lại bảo " chỗ này không dành cho người nghèo và rách rưới như mày". Thật bất bình với kiểu cách làm việc độc quyền này. Mong các cơ quan chức năng vào cuộc để đảm bảo lợi ích cho xã hội, cho người dân.



nguyenducthuong1523@yahoo.com.vn: Thật bất bình với những gì đang diễn ra, nếu K+ muốn móc túi của những người đam mê trái bóng tròn, e rằng họ sẽ sớm nhận được thất bại thôi. Chắc chắn cộng đồng sẽ tẩy chay k+, cho dù tình yêu với bóng đá không khi nào ngừng lại.



leluctk@yahoo.com: Đây đúng là một vấn nạn,rất đau lòng là chính các Doanh nghiệp nhà nước, những người đang sử dụng tiền đóng góp của dân lại tiếp tay cho các nhà đầu tư nước ngoài móc túi người tiêu dùng Việt Nam.

Chúng ta đã từng chứng kiến các liên doanh lắp ráp TV, xe máy, ô tô độc quyền móc túi người tiêu dùng Việt Nam bao năm nay, nhưng hầu như không có ai bảo vệ họ. Tôi đề nghị Nhà nước phải có biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời người tiêu dùng cũng cần sử dụng quyền của mình tẩy chay các hãng độc quyền quay lưng lại với lợi ích của người tiêu dùng.



doithay12@gmail.com : tôi rất bức xúc vì các đài hiện nay kinh doanh theo kiểu làng xã tức là hùa nhau vào để móc túi nhân dân, với 1 giải đấu như ngoại hạng Anh thì việc trả tiền để xem trực tiếp thì tôi nghĩ là bình thường nhưng phải mua quá nhiều gói cước để xem được trọn vẹn 1 giải đấu thì chỉ có kiểu kinh doanh truyền hinh ở Việt nam, theo tôi chúng ta hãy tẩy chay kênh K+1 ở Việt nam



ndthanh@yahoo.com: Đọc ông Lương, Phó TGĐ VTV trả lời phỏng vấn mà tức anh ách. Ông Lương nên nhớ rằng, Chính phủ chọn ông đại diện cho dân. Dân đóng thuế, Chính phủ chi tiền mua thiết bị, trả lương
Đề nghị Vietnamnet phản ánh kịp thời ý kiến của người dân tới các cấp lãnh đạo. Vui chơi giải trí có gì đâu ngoài phim rẻ tiền và bia bụi? Công nhân lam lũ sống đắt đỏ tháng vài ba triệu tiền thu nhập. Còn mỗi niềm vui bóng đá châu Âu. Bây giờ kinh doanh không thương tiếc để cho các vị nhiều tiền hưởng thôi sao ?.
K+ là đơn vị thực sự giữ bản quyền phát sóng tất cả các trận đấu của giải EPL mùa giải 2010-2011

Công ty VSTV, công ty sở hữu thương hiệu truyền hình K+, là đơn vị duy nhất giữ bản quyền phát sóng tất cả các trận đấu của giải EPL mùa giải 2010-2011 tại Việt Nam. Trong các trận đấu này, các trận đấu ngày chủ nhật sẽ được phát sóng duy nhất trên hệ thống K+.



(Công văn chính thức của công ty MP & Silva)

http://www.tivi360.com/2010/05/kenh-k1-kenh-bong-online-k1-online.html

heeeeeeeeee
20-07-2010, 09:09 PM
Hết Megastar độc quyền phát hành phim bây giờ đến K+1 độc quyền phát trực tiếp bóng đá mấy giải bóng đá châu âu, cảm giác bây giờ ở VN, cái kiểu hô hào vì nước vì dân đang mất đi, thay vào đó là vì quyền lợi của doanh nghiệp, vì lợi ích của 1 số người. Thực sự chán cho cách quản lý của 1 số cơ quan chủ quản và các bộ, ngành có liên quan.

laotam
20-07-2010, 10:21 PM
K+ nên giảm giá thuê bao


Thanh Nien Online - Thể Thao | K+ nên giảm giá thuê bao (http://www.thanhnien.com.vn/thethao/Pages/201029/20100718234151.aspx)

Vấn đề bản quyền truyền hình các giải bóng đá châu Âu trên lãnh thổ VN đã rõ khi K+ gần như độc quyền. Người hâm mộ giờ đây chỉ còn trông vào giá thuê bao thế nào cho phù hợp.

250 ngàn đồng/tháng là quá cao

Sau loạt bài của Báo Thanh Niên xung quanh việc xem bóng đá châu Âu phải trả tiền và “cuộc chiến” giữa các nhà đài về vấn đề bản quyền, nhiều độc giả đã viết thư và gọi điện về tòa soạn phản ánh nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có người đồng tình cho rằng thời buổi kinh tế thị trường, người hâm mộ VN tập làm quen dần với xem truyền hình chất lượng cao phải trả tiền, nhất là để thỏa mãn sự đam mê của mình thì số tiền bỏ ra khoảng 5 triệu đồng (cả đầu thu và thuê bao) trong một năm đầu như thế cũng xác đáng. Hơn nữa, sắp tới các đài truyền hình khác cũng sẽ số hóa, chắc chắn cũng phải thu tiền nhiều hơn nên dù K+ là hình thức mới mẻ song lại là cú sốc tích cực cho khán giả VN.

Nhưng cũng có ý kiến (số đông) cho rằng việc K+ nắm gần như độc quyền toàn bộ bản quyền các giải châu Âu và đưa ra chi phí phải mua đầu thu giá 1,5 triệu đồng, rồi phí thuê bao để được xem bóng đá (gói 70 kênh) là 3 triệu đồng/năm, tức 250 ngàn đồng/tháng là quá cao. Bởi lẽ không phải ai cũng có thể bỏ số tiền đó ra để trang trải cho chi phí chỉ xem thêm mỗi kênh bóng đá vì đa phần các kênh khác của K+ cũng hệt như các kênh của truyền hình cáp, trong khi mức thu thuê bao của truyền hình cáp cũng chỉ dao động từ 50 đến 70 ngàn đồng/tháng. Do vậy xét về mặt bằng phí thuê bao, trả số tiền 250 ngàn đồng/tháng chỉ để có thêm kênh bóng đá là bất hợp lý.

Ngoài những phản hồi nói trên, nhiều độc giả cũng đề nghị Báo Thanh Niên có ý kiến với K+ một giải pháp trung dung là giảm chi phí thuê bao hằng tháng xuống ở mức chấp nhận được để người hâm mộ có thể mua đầu thu và lắp đặt tín hiệu của K+. Chẳng hạn gói thuê bao để xem được bóng đá chỉ nên trên dưới 120 ngàn đồng/tháng (giảm 50%). Điều này sẽ phù hợp với tình hình thực tế ở VN và tăng được lượng kinh doanh của truyền hình số vệ tinh, chứ nếu giữ ở mức cao gấp 4 đến 5 lần so với gói cước thuê bao của truyền hình cáp hiện nay rõ ràng là sự thách đố với người tiêu dùng và không khéo sẽ tạo ra phản ứng ngược.

Trả 150 ngàn đồng/tháng để xem bóng đá trên truyền hình cáp?

Thông tin từ SCTV (truyền hình cáp Sài Gòn Tourist liên doanh với VTV) cho biết đơn vị này đã có văn bản cũng như trực tiếp gặp phía K+ để đề nghị một chương trình hợp tác nhằm bảo đảm quyền lợi cho hơn 800 ngàn thuê bao của SCTV hiện nay. Đó là SCTV đề nghị K+ cung cấp kênh bóng đá K+1, đổi lại phía SCTV cũng sẽ cung cấp những kênh độc quyền của mình cho K+.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực đến giờ phút này bất thành vì K+ cho biết họ vẫn muốn bán đầu thu và tăng cường thuê bao của mình đến người hâm mộ chứ trước mắt chưa muốn trao đổi san sẻ cho truyền hình cáp. Một động thái được coi là tích cực nhưng cũng đang khiến hệ thống truyền hình cáp “nhức đầu” mà theo phía SCTV cho biết đó là K+ có thể cung cấp kênh bóng đá K+1 với điều kiện phía truyền hình cáp phải thu thêm mỗi thuê bao xem K+ 150 ngàn đồng/tháng và nộp lại cho K+.

Đây có thể xem là một con số bất khả thi vì hiện SCTV, thậm chí cả HTVC chỉ thu vài chục ngàn đồng/tháng cho mỗi thuê bao nay phải thu thêm 150 ngàn đồng/tháng nữa thì liệu người tiêu dùng có chấp nhận? Nếu tính bài toán mỗi thuê bao 150 ngàn đồng/tháng mà hiện SCTV có hơn 800 ngàn thuê bao thì con số mà khán giả truyền hình cáp phải trả cho K+ mỗi tháng là gần 120 tỉ đồng (tương đương 6 triệu USD), mỗi năm 72 triệu USD là con số khủng khiếp, chắc chắn là vượt xa tiền bản quyền mà K+ đã mua của đối tác từ Premier League.

Với mức tính của K+ như thế là còn quá cao so với mặt bằng chung của xã hội. Nên chăng cần có một giải pháp điều chỉnh giá thuê bao linh hoạt hơn từ phía VSTV để khán giả không phải thiệt thòi khi vẫn xem được bóng đá châu Âu mà vẫn nhiệt tình ủng hộ K+.

Quang Tuyến

laotam
20-07-2010, 10:25 PM
Kênh K+: Phải có trách nhiệm với cộng đồng

Kênh K+: Phải có trách nhiệm với cộng đồng - Thể thao - NLĐO (http://nld.com.vn/20100719115826992P0C1026/kenh-k-phai-co-trach-nhiem-voi-cong-dong.htm)

Đây là nhận định của ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), về vụ K+ (liên doanh giữa VTV với Canal Plus của Pháp) độc quyền nhiều giải bóng đá quốc tế trên truyền hình

- Phóng viên: Thưa ông, việc kênh truyền hình K+ mua bản quyền truyền hình độc quyền giải bóng đá Anh, Tây Ban Nha, Ý làm cho hàng triệu khán giả đang mua dịch vụ của các đài truyền hình khác chịu thiệt thòi. Cục đánh giá ra sao về vấn đề này?

- Ông Lưu Vũ Hải: Hiện một số đài truyền hình đã có văn bản gửi Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử về vấn đề này. Đây là lần đầu tiên xuất hiện vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình. Cục đang phối hợp cùng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để rà soát lại toàn bộ khuôn khổ pháp lý xung quanh lĩnh vực này.

Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét hướng xử lý cho phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn của VN trong cung cấp dịch vụ truyền hình. Đây là vấn đề cạnh tranh giữa các đài và K+ cũng là một doanh nghiệp nên phải được điều chỉnh theo Luật Cạnh tranh. Trước mắt là làm rõ yếu tố cạnh tranh giữa các đài và K+ có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không rồi mới tính đến quyền lợi người xem truyền hình.

- Nếu K+ áp dụng đúng độc quyền thì người dân muốn xem các giải đấu lớn sẽ phải bỏ thêm mỗi tháng một khoản tiền không nhỏ, chưa kể số tiền mua đầu thu hàng triệu đồng, trong khi hầu hết người dân đô thị đã mua dịch vụ truyền hình cáp VN hoặc dịch vụ cáp các đài truyền hình khác. Quan điểm xử lý của cục như thế nào, thưa ông?

- Trước đây, người dân đã quen với việc được xem truyền hình miễn phí nhưng nay đã có dịch vụ truyền hình có thu tiền. Đây cũng là xu thế chung trên thế giới. Truyền hình trả tiền phải có thu phí để bảo đảm có lợi nhuận. Tuy nhiên, đây cũng là loại hình mới và pháp luật cũng phải điều chỉnh để quản lý từ khâu cạnh tranh đến giá cước... Hiện nay, quy chế quản lý truyền hình trả tiền đang được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ. Nếu có quy chế này, bước đầu sẽ có vận dụng, điều chỉnh hoạt động này. Tại thời điểm này, đúng là cũng rất khó.

Tuy nhiên, phải khẳng định là trong trường hợp dịch vụ truyền hình trả tiền, ngoài quyền lợi cục bộ, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội vì đây là lĩnh vực kinh doanh đặc thù. Mặt khác, nếu trong trường hợp pháp luật chưa đủ để điều chỉnh thì doanh nghiệp cũng phải có ứng xử hài hòa, hợp lý trước phản ứng xã hội. Quan điểm là quyền lợi của người dân vẫn phải đặt trên hết.


Trong tình hình hiện tại, nếu trận derby Manchester diễn ra vào chủ nhật, khán giả thuê bao của dịch vụ truyền hình cáp VCTV, SCTV và HTVC sẽ không xem được vì K+ độc quyền. Ảnh: REUTERS


- Việc để một nhà đài độc quyền các chương trình hấp dẫn có thể dẫn đến sự áp đặt cước phí như dịch vụ mạng điện thoại di động trước đây, cục có tính đến yếu tố này để có chế tài ngăn chặn?
- Hiện nay thì chưa có chế tài đối với việc này nhưng chúng tôi sẽ có đề xuất chính sách quản lý chặt chẽ. Hiện quản lý dịch vụ truyền hình vẫn theo Luật Báo chí và giá cả cũng ở mức độ vừa phải.


- Vậy có nên ban hành quy chế cấm độc quyền chương trình hoặc có thêm điều kiện phải chia sẻ một số nội dung với các đài khác, đặc biệt là đài địa phương, thưa ông?
- Hiện tại các kênh, đài đang mua bản quyền độc quyền một chương trình truyền hình nước ngoài. Nên việc trước mắt là xem xét ở Luật Cạnh tranh. Bước hai sẽ xem xét tiếp các vấn đề sau vì đây là vấn đề rất mới và khá phức tạp.


- Vấn đề là người tiêu dùng không có quyền lựa chọn vì chương trình yêu thích đã bị độc quyền. Cục có tính đến chương trình nào không được độc quyền vì không phải địa phương nào cũng có cáp truyền hình hoặc người dân không có đủ chi phí chi trả?
- Trước đây, những kênh, chương trình phổ biến, phục vụ thông tin tuyên truyền do VTV phát thì có thể điều chỉnh theo hướng như vậy. Nhưng trong thị trường truyền hình trả tiền lại khác nên cục đang bàn với Cục Quản lý cạnh tranh để có quy định cụ thể.
Thế Dũng thực hiệ

laotam
20-07-2010, 10:31 PM
Cộng đồng mạng dọa “tẩy chay” K+ vì độc quyền
Cộng đồng mạng dọa “tẩy chay” K+ vì độc quyền - Thông tin công nghệ (http://www.thongtincongnghe.com/article/18464)

Để xem được các kênh thể thao có phát sóng giải bóng đá Tây Ban Nha, Italia và Ngoại hạng Anh, người dùng phải bỏ ra cho kênh K+ hơn 250 nghìn đồng/tháng.

Hiện tại, Công ty truyền hình số vệ tinh Việt Nam, đơn vị sở hữu dịch vụ truyền hình số qua vệ tinh Kplus (gọi tắt là K+) đang cung cấp 3 gói thuê bao, gồm: gói Access với khoảng 30 kênh có mức cước 50.000 đ/tháng, gói Family (khoảng 55 kênh, phí sử dụng 100.000 đ/tháng) và cao cấp nhất là gói Premium với khoảng 70 kênh, phí thuê bao 250.000 đ/tháng. Điều đáng chú ý là kể từ mùa giải 2010-2011, K+ và VTC là 2 kênh được độc quyền phát sóng một số giải bóng đá châu Âu như La Liga (giải vô địch Tây Ban Nha), Serie A (Italia) và EPL (giải Ngoại hạng Anh).

Với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, giải Ngoại hạng Anh là tiêu điểm được chú ý nhất nhưng đang buồn cho họ là VTC sẽ chỉ phát sóng giải này trên các kênh độ nét cao (HD) còn K+ chỉ phát trên các kênh thể thao nằm trong gói Premium. Điều này đồng nghĩa với việc khán giả hâm mộ thể thao Việt Nam sẽ phải chi thêm tiền mua đầu thu HD của VTC hoặc trả 250.000 đ/tháng để đăng ký gói thuê bao Premium của K+ (chưa kể khoản tiền hơn 1,5 triệu đồng để mua đầu thu, thiết bị giải mã).

Ngay sau khi thông tin này được công bố, trên khắp các diễn đàn, cộng đồng mạng, những đề tài phản đối K+ “mọc như nấm sau mưa” và đã thu hút được rất nhiều ý kiến của các thành viên.

Ý kiến chung nhất của cộng đồng “cư dân mạng” là mức giá 250.000 đ thực sự là… “cắt cổ” bởi nó quá cao với thu nhập của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam.

Thành viên BungNo của diễn đàn Vozforum cho biết: “Tôi đồng ý với việc xem bóng đá phải trả tiền nhưng giá cả nó cũng phải phù hợp với mức sống của người Việt Nam một chút chứ. Để xem vài trận bóng cuối tuần, đa phần người tiêu dùng có thể sẽ chấp nhận bỏ ra 100 nghìn đồng/tháng. Cá nhân tôi nghĩ 80-100 nghìn đồng/tháng là phù hợp”.

Còn thành viên cdang thì đưa ra kiến nghị: “Tôi nghĩ vẫn nên duy trì phát sóng trên truyền hình cáp, truyền hình kĩ thuật số độ nét tiêu chuẩn (SD). Truyền hình cáp thì vẫn phải đóng tiền đấy thôi, đâu chỉ K+ hay VTC HD thì mới thu phí!”

Ngoài ra, một số thành viên tỏ ra lo ngại liệu sau khi đầu tư thiết bị và khi K+ hết thời hạn phát sóng độc quyền giải Ngoại hạng Anh thì sẽ lại có một kịch bản tương tự như các năm trước diễn ra hay không. Thành viên ngtamdp (diễn đàn HDVietnam) bày tỏ quan điểm: “Còn nhớ cách đây vài năm khi VTC nắm bản quyền Ngoại hạng Anh, người dùng đã đổ xô đi mua đầu thu VTC, đầu tiên là VTC T10, T13, D901, E901, F901, VTC SD, VTC|HD1, VTC|HD2. Mỗi lần ra một sản phẩm mới VTC “bỏ rơi” những khách hàng sử dụng sản phẩm trước đó của mình. Bây giờ mọi người lại đổ xô đi mua đầu thu K+, đăng ký gói Premium 250 nghìn đồng/tháng và rồi biết đâu đấy vào một ngày đẹp trời, K+ lại ra đầu thu mới và người dùng lại phải mua. Và biết đâu đấy vào một ngày xấu trời, một đơn vị truyền hình nào đó nắm được bản quyền BPL, thì người dùng lại tiếp tục... mua.”

Chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của nhân viên K+ cũng là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Blogger Hoado đã chia sẻ trên blog những khó khăn khi lắp đặt và thái độ phục vụ của kênh truyền hình này: “Rồi họ hứa hẹn cứ yên tâm, sáng mai 8h bật lên là có ngay. Rồi sáng mai cả hai mẹ con tôi háo hức xuống nhà đúng 8h, bật lên: Không có gì! Thế là kể từ 8h đến 9h30, tôi bỏ cả việc và con tôi chấp nhận đi học muộn để ngồi ở nhà canh cái tivi….Chỉ lắp được chưa đầy 1 tuần thì trời mưa, dừng hình, lúc nào bật lên cũng vẫn một cái ảnh chuột Mickey nát bét ra, kênh nào cũng như kênh nào, vẫn là cái ảnh đấy. Gọi cho tổng đài vị chi mỗi ngày 4 – 5 cuộc, trả lời lần nào cũng như lần nào. Chuyển máy cho kỹ thuật, “kỹ thuật” lúc nào cũng bảo tắt đầu đi, rút thẻ ra, lấy giẻ mềm lau sạch rồi nhét lại vào. Cả chục lần gọi, lần nào cũng rút ra, lau, nhét vào. Kết quả vẫn cái màn hình lem nhem vỡ nát đấy. Và lý do giải thích cho việc tivi nhà tôi không xem được không phải là do trời mưa ảnh hưởng tới chảo mà là do bên K+ tăng thêm kênh nên đầu thu không cập nhật được nên bị vỡ hình, lần sau mà bị như thế thì nhớ tháo ra lau rồi lại đút vào”

Một “kinh nghiệm xương máu” khác vừa xảy ra mới đây cũng khiến khán giả Việt gần như không còn lòng tin vào lời hứa của các nhà đài. Năm ngoái VCTV3, Bóng đá TV tuyên bố độc quyền phát sóng giải La Liga, nhưng khi xem được nửa mùa thì… cắt. Thành viên hula1986 “phát biểu cảm tưởng” trên Linkhay: “… nghĩ lại trận Super Classico lượt về năm ngoái phải xem trên Internet, màn hình vi tính bé tí vẫn cứ cay… Bây giờ mua K+ về rồi được nửa mùa các bác lại phát trên TH cáp thì vứt đầu K+ đi à?”

Chưa dừng lại ở đó, mạng xã hội Facebook mới đây đã xuất hiện hội “Những người tẩy chay kênh truyền hình K+” và chỉ vài ngày sau đã có đến gần 600 hội viên. Tại đây, mọi người chia sẻ những bức xúc, kiến nghị và bàn nhau cách xem các giải bóng đá quốc tế trên mạng hay rủ nhau đi cafe xem bóng đá cuối tuần.

TheoICTnews.

laotam
20-07-2010, 10:35 PM
Người xem bóng đá Anh bị làm khó

Người xem bóng đá Anh bị làm khó - XãLuận.com tin tức Việt Nam cập nhật 24 giờ (http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=196234)
“Miếng bánh”bản quyền truyền hình Giải Ngoại hạng Anh đang bị cắt vụn, làm người mê giải đấu này phải chi nhiều tiền hơn nếu muốn xem trọn vẹn các lượt đấu trong tuần!

Từ lâu, Giải Ngoại hạng Anh (GNHA) vẫn được coi là mảnh đất màu mỡ của các đài truyền hình bởi sức hút của giải đấu này đã có truyền thống hơn một thập kỷ qua ở VN. Tuy nhiên, đã qua rồi cái thời xem ngoại hạng Anh không phải mất tiền. Ba mùa giải vừa qua, nếu như chỉ cần lựa chọn Đài Truyền hình kỹ thuật số VN (VTC) hoặc truyền hình cáp VN (VCTV) hoặc SCTV (liên doanh giữa VTV và Saigontourist) là người xem có thể xem GNHA thì bắt đầu từ mùa bóng năm nay, mọi chuyện sẽ tốn kém hơn khi K+ (liên doanh giữa VTV với Canal Plus của Pháp) xuất hiện.

“Miếng bánh” bị chia nhỏ

Ba mùa trước, VTC sở hữu sóng của tất cả các trận đấu GNHA vào tất cả các ngày trong tuần có trận đấu. Tuy nhiên, 3 năm có sóng sạch GNHA của VTC cho đến hết mùa bóng vừa rồi đã chấm dứt. Mùa này, K+ nhanh chân hơn cả trong cuộc đua tại VN Tuy nhiên, nhà đài này lại có động thái khiến người xem dở khóc dở cười: Mua độc quyền các trận đấu ngày chủ nhật của GNHA.

Ông Hoàng Quốc Dũng, Giám đốc kênh K+1, cho biết: “Chúng tôi sở hữu bản quyền tất cả các trận đấu và mua độc quyền các trận đấu GNHA vào ngày chủ nhật. Có nghĩa là, ngoài K+ ra, không một kênh truyền hình của một đài truyền hình nào khác có quyền phát sóng các trận đấu GHNA vào ngày chủ nhật nếu chưa được sự cho phép của chúng tôi”.

Đó là lý do những khách hàng hiện tại của VCTV, SCTV và VTC chỉ có thể xem các trận đấu của GNHA vào các ngày thứ bảy và thứ hai. Riêng khách hàng của VTC được xem tất cả các trận GNHA của ngày thứ bảy trên kênh truyền hình độ nét cao HD TV. Năm nay, hai kênh ESPN và Star Sports không có được bản quyền phát sóng trực tiếp GHNA ở VN.

250.000 đồng/tháng xem bóng đá trên truyền hình

Bản quyền phát sóng GNHA bị chia nhỏ, mỗi nhà đài chỉ sở hữu một “miếng bánh” thay vì cả cái bánh. Đó cũng là lúc người xem truyền hình đứng trước câu hỏi hóc búa: Lựa chọn dịch vụ của đài truyền hình nào?

Nếu lựa chọn VTC hay VCTV, SCTV vẫn có thể xem được các trận đấu ngoại hạng Anh nhưng bữa tiệc lại không trọn vẹn vì thiếu vắng ngày chủ nhật. Còn muốn chuyển sang K+, họ phải đầu tư từ đầu và chi phí khá cao. Để xem được GNHA trên kênh K+1, kênh cũng đang giữ bản quyền Giải Tây Ban Nha và Ý, khách hàng phải đăng ký gói dịch vụ Premium với giá 250.000 đồng/tháng.

Ông Hoàng Quốc Dũng cho biết: “Các trận đấu phát sóng đều có bình luận bằng tiếng Việt. Hiện tại, chúng tôi cũng đang xây dựng các chương trình bình luận trước, sau trận đấu. Chúng tôi chưa có ý định san sẻ bản quyền các trận đấu ngày chủ nhật cho một đài nào khác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cân nhắc tới việc chia sẻ với những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp để người xem có thể tận hưởng được những trận đấu hay”.

Phụ thuộc vào hảo ý của K+?

K+ ra đời tháng 5-2009 và ngày càng có sức ảnh hưởng lớn. Hiện tại, kênh K+ đã có bản quyền 7 giải đấu gồm: Ngoại hạng Anh, Ý, Tây Ban Nha, Champions League, Europa League, Pháp và giải nhà nghề Mỹ. Nhiều khả năng, K+ vẫn sẽ san sẻ bản quyền với “người anh em” cũ VCTV, SCTV trong mùa giải đầu tiên (VTV vẫn tường thuật Champions League) để đông đảo khán giả biết mặt thuộc tên K+. Tuy nhiên, sau đó, cách ứng xử thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào K+!

skeleton
20-07-2010, 10:40 PM
Là người dân thì cứ đóng tiền đi, nói nhiều làm gì. Dân đều biết, dân bàn ở khắp mọi nơi, dân kiểm tra thấy phải trả đủ tiền cho những gì dân nói. Vậy là đủ dân chủ rồi nhé. Bây giờ thì thực hiện nghĩa vụ nộp thuế!!!

laotam
25-07-2010, 05:59 PM
Độc giả đồng loạt yêu cầu VTV phải có trách nhiệm

VNR500 (http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=796)


Việc cho rằng K+ tìm cách có vị trí độc quyền để áp đặt phí thuê bao cao là chưa chính xác, vì K+ phải đầu tư chi phí vào kỹ thuật và hạ tầng phát sóng rất cao và chỉ dựa vào doanh thu thuê bao để bù đắp chi phí.

Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vừa đưa ra lời giải thích về vấn đề bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh.

Theo VTV, những ngày qua, báo chí đã đưa nhiều thông tin cũng như phản hồi của bạn đọc liên quan tới việc một đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền thuộc VTV nắm giữ bản quyền một số giải bóng đá châu Âu và có mức thuê bao cao so với mặt bằng chung của những đơn vị khác. VTV cho rằng, “nhiều thông tin đăng tải chưa chính xác gây nên những sự hiểu lầm và phản ứng tiêu cực từ dư luận”.

Nhà đài giải thích, do chí phí bản quyền ngày càng tăng dần theo thời gian, không chỉ có nguyên nhân từ sự phát triển của thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam, mà có nguyên nhân chủ yếu từ việc chi phí chuyển nhượng cầu thủ và chi phí cho hoạt động của các câu lạc bộ ngày càng cao, đồng thời phí bản quyền để mua quyền phát sóng các kênh nước ngoài cũng ngày một tăng.

Vì thế, theo VTV, việc tham gia của K+ vào thị trường truyền hình trả tiền không phải là nguyên nhân chính dẫn đến chí phí mua bản quyền giải bóng đá tăng cao.

Nhà đài cũng lập luận, việc cho rằng K+ tìm cách có vị trí độc quyền để áp đặt phí thuê bao cao là chưa chính xác, vì K+ phải đầu tư chi phí vào kỹ thuật và hạ tầng phát sóng rất cao và chỉ dựa vào doanh thu thuê bao để bù đắp chi phí.

Hơn nữa, sẽ có ít nhất 4 đơn vị cùng phát sóng giải ngoại hạng là SCTV, VTC, VCTV (đang đàm phán) phát các trận đấu ngày thứ bảy và K+ phát cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Trong đó, các trận của các giải đấu quốc tế dự kiến sẽ được phát trên 3 kênh truyền hình do VTV sản xuất để phát sóng trên hệ thống DTH là K+1, K+ Nhịp sống và K+ 3.

Tuy nhiên, những kênh này sẽ được phát sóng trên 3 gói kênh của K+ là Access có mức thuê bao 50.000 đồng/tháng, Family có mức thuê bao 100.000 đồng/tháng, và Premium có mức thuê bao 250.000 đồng/tháng.

VTV cho rằng, các mức cước trên là khá phù hợp với nhu cầu của người xem truyền hình ở nhiều mức độ thu nhập khác nhau. Nhất là K+ cũng cung cấp ở gói cước rẻ Access là 50.000 nghìn đồng và được “thưởng thức một số trận đấu của 7 giải bóng đá lớn như giải Ngoại hạng Anh, La Liga, Cúp C1...”. Còn những khách hàng có nhu cầu cao hơn thì sẽ lựa chọn các gói dịch vụ như Family hay Premium.

Đơn vị này cũng thừa nhận, việc đàm phán mua bản quyền vừa qua của các doanh nghiệp trong nước là chưa có sự hợp tác, thỏa thuận và còn cục bộ. VTV cùng các cơ quan quản lý nhà nước đang thúc đẩy việc thành lập hiệp hội truyền hình trả tiền, để điều hòa lợi ích chung của các đơn vị kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững và cạnh tranh lành mạnh.

(Theo VnEconomy)

Bạn có đồng tình với lời giải thích của VTV, nhất là khi họ cho rằng việc tham gia của K+ vào thị trường truyền hình trả tiền không phải là lý do dẫn đến chí phí mua bản quyền giải bóng đá tăng cao. Hãy tham gia diễn đàn VNR500 bằng cách gửi ý kiến của quý vị vào hòm thư VNR500@vietnamnet.vn.

laotam
25-07-2010, 06:00 PM
Góc nhìn luật sư về bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh

VNR500 (http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=794)

Theo Luật sư Phạm Xuân Dương, Giám đốc Công ty Luật Đại Việt, Hà Nội, việc có một số ý kiến cho rằng các kênh - đài truyền hình của Việt Nam (một số đài phần vốn của VTV chiếm trên 50%) là “gà nhà đá nhau” là cách nhìn nhận chưa thỏa đáng và toàn diện.

MP&Silva là công ty thắng thầu và có quyền phân phối bản quyền truyền hình giải bóng đá ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Các kênh - đài truyền hình của Việt Nam đều muốn được độc quyền phát sóng các trận đấu thuộc loại “hot” nhất hành tinh này. Trong cuộc đua đó, VSTV (sở hữu thương hiệu kênh truyền hình K+) đã thắng thế với mức phí 10 triệu USD trả cho MP&Silva cho ba mùa giải liên tiếp kể từ mùa giải 2010-2011.

Tuy nhiên, MP&Silva đã rất khôn khéo trong chiến lược kinh doanh của họ khi để VSTV được phát sóng tất cả các trận đấu trong tuần, nhưng họ chỉ được độc quyền vào ngày chủ nhật. Còn lại họ còn phân phối cho các kênh - đài truyền hình khác như cho SCTV gói “thứ 7 không độc quyền” với giá 1,7 triệu USD; cho VCTV với giá khoảng 1,8 triệu, cho VTC chỉ được phát trên hệ HD với giá 300.000 USD.

Theo chúng tôi, việc có một số ý kiến cho rằng các kênh - đài truyền hình của Việt Nam (một số đài phần vốn của VTV chiếm trên 50%) là “gà nhà đá nhau” là cách nhìn nhận chưa thỏa đáng và toàn diện.

Chúng ta hiểu rằng, các kênh hoặc đài truyền hình hiện nay (trừ các đài truyền hình phát sóng mang tính chất phục vụ nhiệm vụ của Nhà nước) phần lớn hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường. Vì thế, dù có một số công ty nhà nước là cổ đông chi phối, thì các đài truyền hình vẫn phải tuân theo quy luật tất yếu của thị trường là kinh doanh để sinh lợi nhuận.

Giải bóng đá ngoại hạng Anh là một trong những giải đấu hấp dẫn và thu hút đông đảo người xem truyền hình. Trước đây, sở dĩ khán giả được xem miễn phí bởi các trận đấu của giải này được các thương hiệu lớn như Tiger Beer mua và tài trợ cho Đài truyền hình Việt Nam phát sóng, đổi lại Tiger Beer được quảng cáo sản phẩm của mình trên hệ thống của VTV3.

Nhưng hiện nay, khi các đài truyền hình buộc phải hoạt động theo cơ chế thị trường với tư cách là một doanh nghiệp, việc giành được quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh sẽ là một thành công lớn để phục vụ mục tiêu đầu tư, kinh doanh (thành công về uy tín, độ quảng bá, thành công về tài chính thu từ các hợp đồng quảng cáo, lợi nhuận từ bán thiết bị đầu phát, lợi nhuận từ thuê bao…).

Xét từ góc độ kinh doanh, các kênh - đài truyền hình tại Việt Nam cạnh tranh nhau trong cuộc đua giành phát sóng các trận đấu Giải bóng đá ngoại hạng Anh là điều tất yếu trong cuộc đua để tồn tại và phát triển, điều này không có gì bất hợp lý. Khi các doanh nghiệp cùng tham gia một cuộc đua, mà ở đó họ biết chính xác các tiêu chí mà mình tham gia như giá cả đến mức nào là chấp nhận được, đồng thời các yếu tố “phi tài chính” khác không thể tính được bằng tiền… mà họ có thể chấp nhận để đạt được, thể hiện họ có những toan tính để thành công trong lĩnh vực truyền hình.

Có ý kiến cho rằng tại sao các doanh nghiệp này không ngồi cùng với nhau để đàm phán mức giá mua từ phía đối tác nước ngoài để được rẻ hơn, mặc dù các doanh nghiệp tham gia phần lớn là những doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối. Nhưng, cần thấy rằng ý kiến trên chỉ hợp lý khi lợi ích của tất cả các doanh nghiệp tham gia cuộc đua giành quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh là tương đối đồng nhất.

Trong khi đó, sự khốc liệt của nền kinh tế thị trường thì lại không như vậy, các doanh nghiệp có lớn, có bé, có tiềm lực, không có tiềm lực, có thương hiệu, và không có thương hiệu… do đó chi phối tới các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn sẽ khác nhau, từ nội tại của từng doanh nghiệp tham gia cuộc đua giành quyền phát sóng sẽ khác nhau.

Có ý kiến cho rằng tại sao các doanh nghiệp này không ngồi cùng với nhau để đàm phán mức giá mua từ phía đối tác nước ngoài để được rẻ hơn, mặc dù các doanh nghiệp tham gia phần lớn là những doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối. Nhưng, cần thấy rằng ý kiến trên chỉ hợp lý khi lợi ích của tất cả các doanh nghiệp tham gia cuộc đua giành quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh là tương đối đồng nhất. Trong khi đó, sự khốc liệt của nền kinh tế thị trường thì lại không như vậy.

Luật sư Phạm Xuân Dương

Một số ý kiến cho rằng, từ sự việc trên cần xem xét VSTV dưới góc độ Luật cạnh tranh vì lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường thu phí thuê bao cao hơn mặt bằng chung theo chúng tôi là không hợp lý.

Thứ nhất, chúng ta thử xem xét VSTV có chiếm quá thị phần truyền hình ở Việt Nam hay không, để theo Luật cạnh tranh thì VSTV được coi là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Thứ hai, việc VSTV có mức phí thuê bao và giá thiết bị cao có phải là hành vi vi phạm luật cạnh tranh hay không (hay là ngược lại).

Đối chiếu với luật cạnh tranh thực tại chúng tôi thấy rằng không có cơ sở để nói rằng VSTV có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.

Hoạt động của các đài truyền hình tại Việt Nam hiện nay đang ngày một phát triển theo mô hình doanh nghiệp chứ không giống như các đơn vị sự nghiệp nhà nước như trước đây. Các doanh nghiệp này bắt buộc phải tự chủ về hoạt động kinh doanh và phải tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp, do đó quyền lợi của người dân đối với việc thụ hưởng các giá trị tinh thần từ các kênh - đài truyền hình mang lại cũng không giống như trước.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho quyền được thụ hưởng các giá trị tinh thần của người dân được đảm bảo, chúng tôi hy vọng cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách mang tính định hướng để các doanh nghiệp truyền hình tham gia vào thị trường và cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh và phát triển bền vững, để qua đó người xem truyền hình sẽ được hưởng lợi từ những chính sách này.

(Theo VnExpress)

laotam
25-07-2010, 06:01 PM
Vụ K+: VTV đang ngụy biện

VNR500 (http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=803)

Sau khi VTV lên tiếng giải thích về việc thu phí bản quyền truyền hình, hàng trăm độc giả đã phản hồi về diễn đàn VNR500. Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc ý kiến của bạn Hoàng Mạnh Hoàng, mời các bạn tiếp tục tranh luận.

* VTV lên tiếng về vụ bản quyền truyền hình

Tôi nghĩ, người dân chúng tôi đóng thuế hàng năm để VTV phục vụ lợi ích nhân dân. Tuy nhiên, để đầu tư thêm cơ sở hạ tầng mới, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Có thể chúng tôi đồng tình với việc tăng thêm phí dịch vụ hàng tháng vào khoảng 100.000 vnd/tháng. Với chính sách đúng đắn, tôi tin không người dân nào phản đối. Ngoài ra, VTV còn có thể kêu gọi tài trợ hoặc trợ cấp trực tiếp từ chính phủ.

Thiết nghĩ, với lương của các cán bộ đang làm việc trong đài đã là rất cao so với thu nhập của một người dân bình thường gấp 5-6 lần. Và việc VTV có vốn điều lệ đến hơn 50% thì không thể nói VTV đứng ngoài cuộc nhìn các đơn vị cùng ngành đấu đá mà không có động thái nào can thiệp.

Bên cạnh đó, với việc VTV lên tiếng bảo vệ việc K+ độc quyền là sai với mong muốn của người dân. Vì mức phí K+ đưa ra coi như đã cắt đứt mọi nhu cầu giải trí của chúng tôi. Ngoài ra, khi truyền hình không còn là ưa thích thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề như:

- Tệ nạn trộm cắp, hút hít...như XH Mỹ đang gặp phải.
- Tình trạng mất lòng tin của cán bộ VTV khi chỉ biết mưu lợi cho cá nhân trong khi phớt lờ lợi ích người dân.

Tôi cũng không đồng tình ý kiến của ông Cao Văn Liết, Giám đốc của kênh truyền hình Kplus (K+) khi đưa ra mức so sánh giữa truyền hình Việt Nam và các nước trên thế giới. Vì chúng ta phải nhìn thấy rõ, GDP của người dân thuộc hàng thấp nhất thế giới. Lương của người dân Việt Nam không thể so sánh với các nước bạn.

Tôi mong các cơ quan chức năng xem lại.

Hoàng Mạnh Hoàng

Diễn Đàn VNR500 tiếp tục cập nhật ý kiến của độc giả yêu cầu VTV không được thoái thác trách nhiệm mà phải giải quyết vấn đề này tại ĐÂY

laotam
29-07-2010, 11:17 PM
Hà Nội TV phát sóng miễn phí giải Ngoại hạng Anh

Hà Nội TV phát sóng miễn phí giải Ngoại hạng Anh - Sự kiện trong ngày - Dân trí (http://dantri.com.vn/c20/s20-412064/ha-noi-tv-phat-song-mien-phi-giai-ngoai-hang-anh.htm)

(Dân trí) - Trong lúc các đài truyền hình trả tiền chưa tìm ra được tiếng nói chung về việc chia sẻ bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ngày Chủ nhật, Hà Nội TV đã quyết định phát sóng miễn phí giải Ngoại hạng Anh thứ Bảy và thứ Hai vì nhu cầu khán giả...

Sau một thời gian dài thương thảo, sáng nay Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (Hà Nội TV) đã có bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ngày thứ Bẩy và thứ Hai trong 3 mùa giải liên tiếp từ 2010 - 2013. Chính thức nắm giữ bản quyền, Hà Nội TV đã có một bước đi táo bạo khi quyết định phát truyền hình miễn phí trên hai kênh H1 và H2, thuộc hệ truyền hình quảng bá phục vụ khán giả. Như vậy, Hà Nội TV là đài truyền hình đầu tiên tại Việt Nam phát sóng miễn phí giải Ngoại hạng Anh trong mùa giải 2010 - 2011.

Hà Nội TV sẽ có bản quyền tất cả các trận đấu diễn ra ngày thứ Bảy và thứ Hai, theo thông tin từ Hà Nội TV cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất để phát sóng trực tiếp trên cả hai kênh H1 và H2 theo chuẩn SD. Số trận Hà Nội TV có bản quyền chiếm 2/3 tổng số trận của giải Ngoại hạng Anh. Hà Nội TV dự kiến truyền hình tối thiểu 5 trận/1 tuần và tối đa 7 trận/tuần. Trong khi có 2 trận đấu hấp dẫn diễn ra cùng giờ, Hà Nội TV sẽ truyền trực tiếp trên cả 2 kênh sóng. Nếu tất cả các trận đấu diễn ra vào ngày Chủ nhật, Hà Nội TV có quyền chọn lựa 2 trận phát sóng phục vụ người hâm mộ.

Theo đại diện HTV cho biết, sóng truyền hình giải Ngoại hạng Anh mà Hà Nội TV sở hữu là sóng sạch với chất lượng cao nên sẽ không có kèm theo logo quảng cáo giống như đã xuất hiện trên sóng các đối tác truyền hình trả tiền ở những mùa giải Ngoại hạng Anh trước đây.

Ngoài những trận đấu truyền hình trực tiếp ngày thứ Bảy và thứ Hai, khán giả còn có thể theo dõi chương trình tổng hợp vòng đấu được phát sóng hàng tuần, cùng những chương trình bình luận trước và sau các trận đấu. Trận đấu đầu tiên được phát sóng trên Hà Nội TV sẽ là cặp đấu Tottenham - Manchester City diễn ra vào 18h45’ ngày 14/8 trên kênh H2.

Trong buổi họp giới thiệu kế hoạch truyền hình giải Ngoại hạng Anh, lãnh đạo Hà Nội TV khẳng định khán giả ở tất cả các tỉnh phía Bắc đều có thể được xem giải đấu trên sóng truyền hình quảng bá HTV. Khán giải ở các tỉnh trong cả nước cũng được thưởng thức thông qua hệ thống truyền hình cáp địa phương, nơi được tiếp sóng miễn phí các chương trình thuộc hệ thống truyền hình cáp Hà Nội.

Giải thích về quyết định phát sóng miễn phí giải Ngoại hạng Anh ngày thứ Bảy và thứ Hai, ông Trần Gia Thái, Tổng GĐ - Tổng biên tập Hà Nội TV cho biết: Mục đích mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh là phục vụ cho số đông người hâm mộ, chúng tôi đã nỗ lực đàm phán mang về những trận đấu miễn phí cho khán giả trên kênh H1 và H2. Đây có thể coi là món quà mà Hà Nội TV dành tặng cho khán giả Thủ đô, cùng người hâm mộ cả nước, Hà Nội TV không đặt nặng tính thương mại khi phát sóng giải Ngoại hạng Anh.

Ông Thái cũng cho biết thêm, Hà Nội TV đã quyết định mua bản quyền phát sóng miễn phí phục vụ khán giả sau khi chứng kiến buổi họp căng thẳng đươc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức giữa các nhà đài vào sáng 28/4 nhằm tìm hướng giải quyết vấn đề bản quyền giải Ngoại hạng Anh. Cũng theo người đứng đầu Hà Nội TV, việc có nhiều đài truyền hình của Việt Nam đều tham gia đàm phán mua bản quyền đã đẩy giá bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh và nhiều giải đấu châu Âu tại Việt Nam lên quá cao.

Ngoài việc phát sóng giải Ngoại hạng Anh ngày thứ Bảy và thứ Hai, Hà Nội TV khẳng định sẵn sàng phát sóng những trận đấu ngày Chủ nhật nếu phía K+ đồng ý cho tiếp sóng miễn phí các trận đấu mà đối tác này nắm giữ bản quyền.

Quang Vinh