PDA

View Full Version : Học sinh và Game online



laotam
30-07-2010, 04:48 PM
Học sinh bị cấm vào quán Internet từ 8h-17h

(Dân trí) - Từ 1/9/2010 sẽ cắt đường truyền và đóng cửa các đại lý Internet không thực hiện đúng quy định đóng cửa trước 23 giờ. Cùng đó, học sinh lớp 1-12 sẽ bị “cấm cửa” từ 8h-17h hàng ngày.

Học sinh bị cấm vào quán Internet từ 8h-17h - Giáo dục - Khuyến học - Dân trí (http://dantri.com.vn/c25/s25-412082/hoc-sinh-bi-cam-vao-quan-internet-tu-8h17h.htm)

Đó là những quy định mới trong dự thảo Quy chế mới quản lý trò chơi điện tử đang được chuyên gia của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), hoàn tất để trình Chính phủ trong tháng 8, để sớm ban hành. Trước mắt, trong khi chờ Quy chế được thông qua Bộ sẽ tạm ngừng cấp phép trò chơi trực tuyến mới đến hết năm 2010.
Trong cuộc họp về quản lý game online vừa diễn ra tại Bộ T T&TT, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục quản lý Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết. Từ 1/9, cùng với việc áp dụng nghiêm luật buộc các các đại lý Internet phải đóng cửa trước 23 giờ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xoá bỏ các trò chơi bạo lực, chưa được cơ quan quản lý cấp phép, kể cả trò chơi có máy chủ đặt tại nước ngoài. Cùng đó , nội dung trò chơi sẽ được tăng cường chất lượng thẩm định bởi một hội đồng cấp Bộ (chứ không phải cấp Cục như hiện nay) với sự tham gia của nhiều bộ, ngành nhằm bảo đảm tính khách quan và chặt chẽ hơn. Sau khi những trò chơi mang tính bạo lực bị xóa bỏ sẽ tiếp tục rà soát tới những trò chơi đối kháng.
Đặc biệt, dự thảo Quy chế mới cũng siết chặt thời gian của người chơi game, nhất là đối tượng học sinh từ lớp 1-12. Theo đó, những đối tượng ở độ tuổi học sinh không được phép vào quán Internet từ 8h-17h hàng ngày.

Cùng đó, thể loại trò chơi cũng được thành 2 nhóm: Một dành cho người từ 18 tuổi trở lên và nhóm kia dành cho mọi lứa tuổi. Đồng thời, để thuận lợi hơn cho việc kiểm tra của cán bộ thanh tra ở từng địa phương, các DN phát hành game buộc phải “bắn” nhãn trò chơi theo lứa tuổi hiển thị ngay trên màn hình khi dùng chương trình đó…

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu trong cuộc họp, vấn đề quản lý lứa tuổi người chơi game phụ thuộc vào thông tin qua chứng minh thư cá nhân. Nếu chưa xây dựng được hệ thống quản lý chứng minh thư điện tử chính xác thì việc quản lý cũng không khác gì kiểm soát khách hàng đăng ký thuê bao trả trước trong lĩnh vực viễn thông.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, hiện Bộ TT&TT đang phối hợp Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống chứng minh thư điện tử bằng nguồn dữ liệu gốc. Trong thời gian sớm nhất, hệ thống đối soát dữ liệu cá nhân sẽ được triển khai Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Hệ thống này sẽ sử dụng trong việc kiểm soát khách hàng dùng internet công cộng và đăng ký thuê bao trả trước.

Đối với thời gian đóng mở cửa đại lý Internet, Bộ trưởng chỉ đạo, kể từ 1/9 nếu đại lý nào không tự giác thực hiện quy định sẽ bị cắt đường truyền đến 6h sáng hôm sau. Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương tổng kiểm tra những đại lý đã được cấp giấy phép và báo cố số đại lý “chui” trên địa bàn…

Phạm Thanh

laotam
30-07-2010, 04:50 PM
“Mổ xẻ” hiện tượng học sinh đánh nhau

“Mổ xẻ” hiện tượng học sinh đánh nhau - Giáo dục - Khuyến học - Dân trí (http://dantri.com.vn/c25/s25-411839/mo-xe-hien-tuong-hoc-sinh-danh-nhau.htm)

(Dân trí)- Ngày 28/7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo về "Giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau". Đây là một hội thảo lớn nhất từ trước tới nay về tình trạng học sinh đánh nhau này.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì. Đến dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đại diện các ban ngành.
Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thống kê từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh và buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) tới 735 học sinh. Tính bình quân, cứ 11.111 học sinh thì có 1 em bị buộc kỷ luật thôi học có thời hạn vì đánh nhau.

Các vụ việc học sinh đánh nhau xảy ra nhiều hơn cả là các khu vực đông dân cư, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đồng thời hiện tượng này thường thấy ở các học sinh cuối cấp THCS và các lớp của cấp THPT.

Hội thảo đã đưa ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh đánh nhau là xuất phát từ chính bản thân các HS, các em thiếu kỹ năng sống, do hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội, môi trường giáo dục trong nhà trường...
Tại hội thảo các đại biểu cho rằng, để giảm thiểu hiện tượng này, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho các em bằng các hoạt động tập thể sinh động, bổ ích; Tăng cường vai trò của giáo viên chủ nhiệm; Góp ý, nhắc nhở các bậc phụ huynh có những suy nghĩ lệch lạc trong cách quan tâm, giáo dục con cái trong gia đình.

Bên cạnh đó, thắt chặt quản lý internet và các trò chơi điện tử. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục kỹ năng, nhân cách và văn hóa cho các em sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn được hiện tượng này...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, điều kiện kinh tế xã hội trong những năm gần đây đã có những thay đổi mạnh mẽ đã tác động đến môi trường sinh hoạt và học tập của học sinh. Hiện tượng học sinh đánh nhau gần đây xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều đã để lại hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần không chỉ riêng đối với các em mà cho cả gia đình và cộng đồng. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài sự nỗ lực của ngành Giáo dục, cần có sự tham gia đồng bộ của các Ban, ngành, đoàn thể và gia đình nhằm tạo ra các hoạt động vui chơi lành mạnh và môi trường trường học tập tích cực thu hút các em học sinh vì điều này chỉ mỗi Bộ GD-ĐT không làm được. Phó Thủ tướng cũng gợi ý Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu quan cần tham mưu cho Thủ tướng để ban hành một chỉ thị về vấn đề này.
Phó thủ tướng yêu cầu, việc cần làm ngay là đầu năm học tới, ngành giáo dục cần mở ra sinh hoạt chuyên đề về: "Nói không với hiện tượng học sinh đánh nhau", trong đó phải thu hút được sự tham gia tích cực của gia đình, các ban, ngành, đoàn thể. Phía nhà trường phải thống kê được các đối tượng và tìm hiểu nguyên nhân tại sao dẫn đến hiện tượng học sinh đánh nhau để cùng đưa vào chuyên đề tìm hiểu các biện pháp giảm thiểu.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, đang gấp rút hoàn thành bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống, đồng thời đang tập huấn cho trên 300 giáo viên nòng cốt dạy kỹ năng sống cho các địa phương trong cả nước. Những sáng kiến, các mô hình tiên tiến về giáo dục kỹ năng của các địa phương, các trường sẽ được Bộ nghiên cứu, để nhân rộng trong cả nước.

Hồng Hạnh

laotam
30-07-2010, 04:53 PM
Quản lý đại lý Internet và Games Online: Việc không của riêng ai

Quản lý đại lý Internet và Games Online: Việc không của riêng ai (http://www.tinmoi.vn/Quan-ly-dai-ly-Internet-va-Games-Online-Viec-khong-cua-rieng-ai-07181865.html)

Sự bùng nổ các đại lý Internet thời gian qua ở Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng đang là nỗi nhức nhối của nhà quản lý và cha mẹ học sinh. Nói vậy, vì bên cạnh mặt tích cực của Internet cũng đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực. Làm gì để quản lý được Internet và games o*nline đang là bài toán khó nhưng cần lời giải.

Từ thực trạng đáng báo động


Giámđốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội - Phạm Quốc Bản cho biết: Toàn Thành phố hiện có 5 nhà chuyên cung cấp dịch vụ Internet. Toàn quốc hiện có 18 doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến (games o*nline), trong đó, Hà Nội có 5 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cung cấp trên thị trường khoảng 72 trò chơi trực tuyến được Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) cấp phép. Đồng thời, hàng trăm game từ các máy chủ nước ngoài, đĩa lậu mà hầu hết là games bạo lực. Trong số, 72 games o*nline được phép lưu hành, chỉ có 1 games “Thuận Thiên Kiếm” do Việt Nam sản xuất, còn lại chủ yếu của Trung Quốc và Hàn Quốc.


Thành phố Hà Nội hiện có 3.400 đại lý kinh doanh dịch vụ Internet (trong đó có cả các tổ chức, cá nhân là chủ khách sạn, nhà hàng, quán cafe,…). Khu vực có nhiều đại lý Internet tập trung tại các quận nội thành Hà Nội (cũ) và quận, huyện, thị xã, thị trấn ngoại thành.


Lấy một ví dụ ở địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo báo cáo của Đội an ninh (Công an quận Hoàn Kiếm), quận có 309 cơ sở dịch vụInternet công cộng. Đối tượng khách hàng phức tạp, chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, những đối tượng hạm chơi, non nớt về nhận thức, dễ bị lôi kéo, kích động. Tình trạng học sinh trốn học để chơi games, chat là khá phổ biến tại các đại lý Internet… Từ đó dẫn đến hẹn hò, tụ tập bỏ nhà chơi qua đêm, rồi xảy ra nhiều vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự như đánh nhau, gây mất trật tự công cộng, đua xe trái phép. Cá biệt có trường hợp các cháu nữ không có tiền thanh toán đã đăng tin “cứu nét”… để rồi rơi vào tình thế nguy hại nhự vụ án mà Công an quận Đống Đa vừa điều tra làm rõ và bắt 8 đối tượng đi “cứu nét” rồiđánh đập, hiếp dâm, cưỡng đoạt và cướp tài sản của người “kẹt nét”. Theo Công an quận Đống Đa cho biết, bằng linh cảm nghề nghiệp, qua vụ án này, trong xã hội còn không ít những băng nhóm hành động như vậy đã đe dọa, đánh đập ép các em đến nhà nghỉ rồi cưỡng bức quan hệ tình dục, đe dọa khống chế nhằm mục đích buộc các nạn nhân phải đi làm tiếp viên hoặc gái mại dâm theo sự điều động của bọn chúng.Đây cũng chính là hệ quả của sự quản lý lỏng lẻo đối với các đại lý Internet. Với sự phức tạp ở các đại lý Internet, thời gian qua Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ vi phạm ở các đại lý.Đặc biệt, tiến hành lập án trinh sát, bắt và khởi tố 4 vụ về hành vi lợi dụng mạng Internet để truyền hóa văn hóa phẩm có nội dung đồi trụy, thu giữ 5CPU và 267 đĩa VCD, DVD có chứa phim, ảnh mang nội dung đồi trụy… Tiến hành phát hiện, ngăn chặn 5 đợt đối tượng cơ hội chính trị phản động phát tán tài liệu có nội dung xấu, thu giữ hơn 100 đầu tài liệu…


Đến những bất cập


Ông Phạm Quốc Bản cho biết, các đại lý Internet đều có hệ thống máy chủ, máy trạm và đường truyền Internet tốc độ cao, trung bình mỗi đại lý có từ khoảng 15 đến 20 máy tính nối mạng, thậm chí có những đại lý có trên 50 máy. Hầu hết khách hàng của các đại lý là những học sinh, sinh viên, thanh niên, thiếu nhi. Theo khảo sát của Sở, cứ 10 người vào Đại lý Internet thì có tới 7 người vào chơi games o*nlines. Theo quy định các đại lý Internet chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến từ 6 giờ đến 23 giờ hàng ngày song thực tế diễn ra liên tục suốt ngày đêm.


Công tác quản lý nhà nước về đại lýInternet có nhiều bất cập như: Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng văn hoá Thông tin tại các địa phương chỉ có trách nhiệm thanh, kiểm tra xử lý vi phạm; Bộ TT&TT thực hiện việc cấp phép lưu hành nội dung các games. Việc cấp đăng ký kinh doanh cung cấp dịch vụ Internet do UBND quận, huyện, thị xã cấp phép (thông qua Phòng Kinh tế). Việc thẩm định các tiêu chuẩn kỹ thuật thực tế tại các đại lý Internet trước và sau khi cấp phép Phòng Văn hoá Thông tin không được quyền tham gia.


Đặc biệt, Nhà nước chưa có quy định cho các doanh nghiệp cung cấp games hoặc các nhà cung cấp dịch vụ Internet đến 23 giờ phải đóng máy chủ games đối với các đại lý Internet, nên việc quy định cho các đại lý này chỉ được hoạt động đến 23 giờ là không khả thi; chưa kiểm soát được games lậu, games từ máy chủ nước ngoài. Sở và quận, huyện đã đi kiểm tra tại các đại lý Internet ngoài 23 giờ họ đóng cửa ngoài, khách vẫn chơi bên trong thâu đêm là phổ biến, các chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.


Giải pháp nào?


Theo giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, để quản lý được Internet và games o*nline thì cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan, như với Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên khi sử dụng Internet và trò chơi trực tuyến một cách lành mạnh, chú trọng tuyên truyền về tính 2 mặt của Internet và games o*nline. Tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các quận/huyện/thị xã về các quy định trong quản lý Internet nói chung, quản lý đại lý Internet, trò chơi trực tuyến nói riêng và kỹ năng, kỹ thuật công nghệ, nghiệp vụ kiểm tra hoạt động kinh doanh của các đại lý Internet trên địa bàn.


Sở Thông tin Truyền thông sẽ kiến nghị với Bộ TT&TT xây dựng biện pháp quản lý giờ chơi bằng mặt kỹ thuật cụ thể: Quy định các nhà cung cấp dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến đến 23 giờ phải đóng (tắt) Server Games và đường truyền Internet chỉ được mở lại sau 6 giờ sáng (thực hiện bình đẳng kinh doanh với các loại hình dịch vụ khác).



Thành Trung

Theo www.ktdt.com.vn

laotam
30-07-2010, 04:55 PM
Nghỉ hè: Nhiều học sinh nhập viện vì games online

Nghỉ hè: Nhiều học sinh nhập viện vì games online - 7/29/2010 - KTĐT (http://www.baomoi.com/Home/SucKhoe/www.ktdt.com.vn/Nghi-he-Nhieu-hoc-sinh-nhap-vien-vi-games-online/4626831.epi)

KTĐT - Các đại lý internet tự phát bung ra cùng các dịch vụ game o*nline đang khiến các nhà quản lý đau đầu.

Ngoài những hệ lụy về chuyện tình ái, phạm pháp… om xòm trong đời sống, thì ngay trong kỳ nghỉ hè này, tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, số học sinh, sinh viên loạn thần do game phải nhập viện đang gia tăng hàng ngày…


Nhiều học sinh nhập viện


Đến Viện Sức khỏe tâm thần, nhiều bác sĩ vẫn nhớ chuyện cậu bé học sinh lớp 11 N.A.Đ, 17 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội). Sau nhiều ngày hầu như không ăn không ngủ để "chinh chiến" trong thế giới ảo,được người nhà đưa đến điều trị trong tình trạng sút 9kg, chậm chạp, sức khỏe suy kiệt. Theo người nhà kể thì khi được nghỉ hè, ngày nào Đ cũng chơi game từ sáng đến tối, ăn qua loa buổi tối rồi tiếp tục thức trắng đêm để chơi. Thấy sức khỏe con ngày một giảm sút, thể trạng gầy còm, gia đình vội đưa con vào viện.


Còn em N.Đ.T., 15 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) vốn là một học sinh ngoan, học giỏi từ lớp 1 đến lớn 6. Năm lớp 7, T bắt đầu thích game, thường xuyên trốn học đi chơi, bố mẹ khuyên bảo, ngăn cấm thì bỏ nhà ra đi. Sau đó, T hứa quyết tâm học tập và không ra quán chơi nữa với điều kiện bố mẹ phải mua máy vi tính. Nào ngờ có máy rồi, T càng say mê hơn. Cả tháng nghỉ hè, T nhốt mình trong phòng để chơi game, bỏ ăn uống, người lơ mơ như điên dại. T vừa được điều trị một đợt tại Viện Sức khỏe tâm thần.


Thời điểm này, không ít phụ huynh đưa con đến khám vì hậu quả của game. Chị Nguyễn Hoài An, mẹ của cháu Trần Huy K (Kim Liên, Đống Đa) cho biết: Con chị học lớp 8, từng rất ngoan, nhưng bị bạn bè rủ rê nên nghiện game. Gần đây cháu hay lấy lý do đi học thêm, nhưng thực ra bỏ học chơi game. Khi thấy con gầy yếu, kém ăn, kém ngủ, người xanh xao, mất tập trung, chị mới quan sát và phát hiện con mình nghiện game và K. được đưa đến bệnh viện để điều trị.


Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho biết: Liên tiếp thời gian gần đây, Viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị loạn thần do nghiện game. Những bệnh nhân này phần lớn là học sinh, sinh viên. Đa số các trường hợp nhập viện đều có biểu hiện bồn chồn, bất an, cáu bẳn, bức bách, khó chịu nếu không được chơi game. Viện chưa thống kê số lượng bệnh nhân nghiện game o*nline vào điều trị, nhưng qua theo dõi cho thấy số lượng bệnh nhân đang tăng dần. Đây là một điều đáng báo động.


Nguy hiểm tính mạng


Bác sĩ cho rằng, những hậu quả của nghiện game rất rõ ràng, nhẹ thì mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, nặng hơn thì mất hứng thú hoặc sở thích cho hầu hết các hoạt động, khí sắc trầm cảm, các bệnh nhân trẻ tuổi lại có trạng thái tăng kích thích hoặc thất thường. Hầu hết bệnh nhân đều rất dễ nổi khùng với những lý do không đâu. Đã có nhiều bệnh nhân bị trầm cảm, rối loạn trí nhớ, có hành vi muốn tự sát. Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Tâm thần nam của Viện thì nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan tới game đang tăng mạnh và ngày càng trẻ hóa. 50 - 70% người chơi game có các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần với biểu hiện trầm cảm, lo âu, hung hăng. Trong số này, 15% có ý tưởng tự sát.


Cũng như cai ma túy, các bác sĩ cho biết, cai nghiện game vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian và kiên nhẫn. Trước hết phải cách ly tuyệt đối bệnh nhân với game thì khả năng điều trị mới thành công. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú và dùng thuốc kết hợp biện pháp tâm lý. Thời gian điều trị nội trú khoảng từ 4 - 8 tuần. Sau khi ra viện, có bệnh nhân phải tiếp tục được theo dõi, khám lại hàng tháng và thời gian củng cố, điều trị ngoại trú có thể lên đến 5 năm, 7 năm hoặc lâu hơn nữa. Bác sĩ Tuấn cho rằng, học sinh nghiện games o*nline một phần lỗi do bố mẹ. Vì thế gia đình, cha mẹ phải quản lý chặt con cái từ thời gian chơi đến nội dung của game, nên cấm lứa tuổi dưới 18 chơi games o*nline.

laotam
30-07-2010, 04:59 PM
Cái ác sinh ra từ Games online?

Cái ác sinh ra từ Games online? (http://www.tuanvietnam.net/cai-ac-sinh-ra-tu-games-online)

Làm sao giáo dục tính THIỆN trong nhà trường và nhất là trong gia đình? Không ở đâu mà lòng yêu thương con người, quý trọng mạng sống được dạy dỗ tốt và có hiệu quả cho bằng trong gia đình vì ở đó con trẻ học được ý nghĩa và niềm vui trong tình yêu.


Bàn phím và tội ác?
Tin về việc một học sinh lớp 12 giết và cưa xác cha mình đem thả trôi sông phi tang ở Hải Dương để lấy tiền ăn chơi, thỏa mãn cơn nghiện Internet (hay đúng hơn là nghiện games on line) đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng phân tích, mô tả, cùng với những vụ án có liên quan đến games khác; như trường hợp một học sinh ở Hà Nội dự định ăn trộm để lấy tiền chơi games nhưng bị phát hiện đã chém chết chủ nhà.

Tác giả những bài báo ấy cho rằng “nghiện games thì cũng không khác nghiện ma túy là mấy”. Từ đó có ý kiến về việc cần phải xem lại giới hạn cho việc kinh doanh games on line. Nhưng có thực cái ác trong giới trẻ hiện nay chỉ là do việc “ghiền” games mà ra chăng?

Thế thì chúng ta giải thích thế nào khi có kẻ chỉ vì nhấn còi mà xe trước không kịp nhường đường đã rút súng ra bắn? (Vụ Nguyễn Văn Thành bị bắn trên đường Hai Bà Trưng – Hà Nội ngày 8/6).

Giải thích thế nào khi một thanh niên đâm chết người yêu 14 tuổi vì nghi ngờ bị phụ bạc? (Vụ Nguyễn Hoàng Minh ở Rạch Giá), hoặc giết người khi tỏ tình bị từ chối (Vụ Lê Trung Hiếu ở Cần Giuộc ngày 16/6)? Chúng ta giải thích thế nào khi hai kẻ làm công giết chủ con chủ nhà lấy 30 triệu (Trường hợp hai tên Nguyên và Vũ ở TP. HCM)… và còn hàng loạt án mạng từ những chuyện rất nhỏ nhặt như không đưa tiền cho chồng đi nhậu, làm gà đãi khách không hỏi ý kiến chồng…

Thiện căn ở tại…

Những kẻ ghiền games nghĩ gì khi hành động? Chúng còn trẻ, đang kiếm tìm niềm vui, dù là giả tạo, trong những hình tượng người hùng ảo trên mạng? Chúng hủy hoại những trở ngại trong đời thực để mưu cầu “hạnh phúc” trong thế giới hình ảnh. Nói như một nhà phê bình, “Thân không bằng mộng cho nên mộng cho cam thân”.

Tương tự, bắn người khác để tự khẳng định khí chất “anh hùng” của mình như trong phim ảnh mà không hình dung ra mức độ của tội ác. Phải chăng họ đang sống trong những cuồng vọng hão huyền ? Còn những kẻ điên cuồng trong yêu thương, buộc người khác phải yêu mình dù muốn hay không? Họ đang tự cho mình cái quyền “phải được yêu” mà không tự nhìn lại mình xem có xứng đáng với tình yêu ấy? Tất cả bắt nguồn từ đâu? Không phải chỉ từ games!

Ralph Walso Emerson đã từng nói: “Tùy vào những cách suy nghĩ khác nhau, cuộc sống trần tục này có thể là thiên đường hay điạ ngục” hay như Hamlet của Shakespeare “Không gì là xấu hay tốt, chỉ những nghĩ suy của ta tạo ra nó mà thôi”. Nói theo ngôn ngữ thiền, kẻ nào rút gươm ra, kẻ ấy đã mở lối điạ ngục.
Nhưng trước khi rút gươm, tâm thức của anh ta đã chứa đầy hờn căm và những nghĩ suy hiểm ác. Nghĩa là một khi trong lòng đã đánh mất thiện căn, thì con người ta sẽ sa vào tà đạo. Nói theo nhà Phật thì “tâm thiện đang hoạt động thì vắng mặt tâm ác, tâm tham đang hoạt động thì vắng mặt tâm bố thí (tâm từ)”.

Tâm bệnh do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là tham, sân si; được ví như những vi trùng gây bệnh. Tham về của cải, tình cảm, địa vị…, tham mà không được thì khởi tâm sân hận và sau cùng là những hành động cuồng điên do si muội. Như vậy đã rõ, cái mà chúng ta đang thiếu trong cuộc sống hôm nay là những bài học về tính thiện, là những tấm gương tinh cần trong rèn luyện, huân tập thân tâm.

Trẻ em lớn lên chỉ thấy một xã hội tôn vinh những giá trị ảo: ca tụng phú quý như là một lý tưởng cần phải vươn đến, hạ thấp chuẩn mực đánh giá con người trên những tài sản mà anh/ta sở hữu: Nhà cửa, thu nhập, thâm chí giá trị tinh thần cũng chỉ được hiểu qua những học hàm, học vị, chức tước, bằng khen…

Hãy lắng nghe những câu chuyện của giới trẻ, chúng ta sẽ hiểu vì sao động cơ chân chính bị thui chột mà thay vào đó là sự tán tụng những giá trị vật chất. Trong học đường, những bài học về đạo đức thưa thớt, hời hợt; còn trong xã hội thì người ta mải mê tìm cách làm giàu bất chấp thủ đoạn.

Phải làm sao vực dậy chữ TÂM?
Làm sao giáo dục tính THIỆN trong nhà trường và nhất là trong gia đình? Không ở đâu mà lòng yêu thương con người, quý trọng mạng sống được dạy dỗ tốt và có hiệu quả cho bằng trong gia đình vì ở đó con trẻ học được ý nghĩa và niềm vui trong tình yêu. Nhà tâm lý học Donald W. Winnicott nhận thấy những đứa trẻ chơi đùa khi có mẹ gần bên thì có khả năng sáng tạo trong các trò chơi nhiều hơn những đứa trẻ khác khi mẹ chúng ở xa hơn.

Chúng sẽ tạo ra vòng tròn sáng tạo là khoảng không gian bọn trẻ có thể chơi mạo hiểm và thử làm mọi thứ, té ngã và đứng dậy, thất bại và thành công vì chúng cảm thấy đươc an toàn và được bảo vệ trước một người yêu thương chúng vô điều kiện luôn hiện diện bên chúng. Tình yêu vô điều kiện ấy tạo ra một vòng tròn hạnh phúc song hành.

Ta thử nhìn lại những kẻ gây tội ác bên trên, phần đông đều thiếu vắng tình yêu ấy. Đứa con giết cha thì vẫn sống một mình, mẹ ở phương xa, hình như gia đình không hề hạnh phúc, cha lại yêu một người đàn bà khác (!) Những kẻ thủ ác trong tình yêu thì chắc hẳn là những kẻ thiếu thốn, thèm khát tình yêu, hay nói cách khác, “tật nguyền tâm hồn”.

Khi người ta thiếu thốn và cô đơn, cái ác dễ tìm đến gõ cửa, quyến rũ. Thậm chí những kẻ no đủ vật chất nhưng mù lòa lương tri cũng đã đánh mất “tính NGƯỜI”, như những tên bắn người giữa phố. Nói tóm lại, sự bất an trong tâm hồn khiến người ta dễ dàng manh động theo bản năng. Ngoài gia đình và học đường, giáo dục công dân trong xã hội cũng vô cùng cần thiết. Ở đây, chính quyền phải xem lại những hình thức giải trí mà games on line là một phương tiện “cần kiểm soát”; tương tự là sách báo và phim ảnh, hãy bớt khai thác khía cạnh tội ác và tính dục trong phim.

Ngoài ra, phải hướng con người, dầu trong hoàn cảnh nào, hướng tâm đến những đối tượng tâm linh để tin tưởng, làm mục tiêu và lý tưởng cho đời. Khi tâm thức hình thành sức mạnh hướng thiện, thích thú và nỗ lực thực hành, chúng ta sẽ khởi sanh tín lực. Tín căn và tín lực là cơ sở và năng lực của niềm tin giúp ta từ bỏ điều ác, là lối thoát cho mọi bất hạnh và khổ đau. Ta hãy lắng nghe lại lời Phật dạy hàng ngàn năm trước:

Như ngôi nhà khéo lợp

Mưa không xâm nhập vào

Cũng vậy, tâm khéo tu,

Tham dục không xâm nhập

(Kinh Pháp Cú)

*
Theo Nguyên Cẩn (VHPG 84)