PDA

View Full Version : Cái học ngày nay



Lâm Đệ
20-03-2013, 10:44 PM
Đạo sư Osho đã cho thấy cái nguy hiểm vô cùng của những kẻ nhá chữ nhai văn. Cái học bằng cách nhồi nhét kiến thức của người khác không chỉ làm thui chột khả năng sáng tạo của mình mà còn gây chia rẽ, bè phái, thánh chiến đối với người khác. Ông nói: trong cuộc sống có một số chân lý mà chỉ có thể tự mình nhận biết được, ta không thể nào có thể biết được chúng nhờ vào sách vở, thầy dạy hay thánh kinh. Thật vậy, việc tích lũy những sự kiện và ý kiến của người khác không phải là dấu chỉ của kiến thức, nó chỉ là dấu chỉ của sự vô minh. Nó chỉ là rác rưởi, gạch đá mà ta tưởng chúng là vàng bạc. Chỉ có kiến thức xuất phát, khai mở, trào dâng lên từ bên trong bạn mới chính là vàng ròng, mới chính là suối nguồn vô tận dẫn ta đi vào vũ trụ mênh mông mà không phải dựa dẫm, lo sợ.

Một nền giáo dục chỉ chăm chăm chú chú vào việc thi cử, trả bài bằng cách nhồi sọ bằng kiến thức của người khác là một nền giáo dục bất nhân. Do đó, vấn đề không chỉ do người học không tự ý thức mình là trung tâm trong việc đào tạo, mà còn tùy thuộc phần lớn vào phương pháp đào tạo trong hệ thống giáo dục đó. Khổng Tử được người đời tôn làm “vạn thế sư biểu” bởi ông là người giáo dục cho học trò của mình lấy kiến thức từ trong lòng ra, chứ không phải là nhồi nhét vào đầu học trò của mình một mớ kiến thức mà ông tâm đắc. Để dạy cho học trò biết về hình chữ nhật, Đức Khổng chỉ cho biết một góc thôi, còn ba góc kia, tự bản thân người học phải tìm ra. Có như thế kiến thức mới không bị quên lãng và người thầy cũng không ảo tưởng mình người cứu nhân độ thế. Người thầy chân chính là người biết phủ nhận mình ra hư không. Đức Phật cũng thế, ngài nói rằng ngài chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, thấy mặt trăng rồi, cần phải quên ngay ngón tay chỉ mặt trăng đi, hoặc qua sông phải bỏ lại thuyền, nếu không thì môn sinh không thể chứng được Đạo.

Nếu đọc Anh hùng xạ điêu của Kim Dung, chúng ta sẽ thấy rằng, việc học võ của Quách Tỉnh cũng không đi ra ngoài đường lối đó. Quách Tỉnh là một anh chàng nhà quê chân chất, hiền lành, mạnh mẽ, không thể một lúc học được những món võ công đòi hỏi sự tinh tế của nhóm Giang Nam Thất quái, nên cho dù mấy ông thầy đó có cố nhồi nhét, Quách Tỉnh không làm sao tiếp thu được. Nhưng khi gặp Hồng Thất Công, Quách Tỉnh được ông già ăn mày truyền cho “Giáng long thập bát chưởng”, bởi môn võ công này uy lực, mạnh mẽ tựa bao đào sóng biển, rất phù hợp với bản chất cương trực, thuần phát, dũng mãnh của học trò. Cho nên, Quách Tỉnh lãnh hội rất mau và nhờ môn võ công đó, chàng trở thành anh hùng của giới võ lâm. Thế mới thấy vai trò của người thầy quan trọng như thế nào trong việc tìm ra cái nào là sở trường, cái nào là sở đoản của môn sinh để chỉ đường vẽ lối. Và một khi đã đạt được điều đó rồi thì ông thầy hết trách nhiệm của mình. Có công đấy nhưng mà cũng giống như là không công vậy, dạy dỗ học trò đấy, nhưng mà cũng như là không dạy vậy.

Nhìn vào hệ thống giáo dục, ta có thể chia làm hai hạng thầy dạy. Hạng minh sư và hạng tục sư. Hạng minh sư vì người mà dạy cách trở thành người. Hạng tục sư vì tiền mà dạy học trò cách kiếm tiền. Hạng minh sư khéo, vén mở, khơi nguồn kiến thức vốn tiềm ẩn trong lòng môn sinh. Hạng tục sư nhồi nhét kiến thức lấy từ ngoài vào. Đi theo minh sư thì con người là tiểu vũ trụ, là thần linh. Đi theo tục sư thì con người là con mọt sách, là vô tri. Hạng minh sư chỉ cho môn sinh thấy mình thiếu cái gì, phải tìm nó ở đâu. Hạng tục sư chỉ cho học trò thấy cái thông minh xuất chúng của mình. Thấy thiếu thì lo lắng tài bồi, chăm sóc làm sao cho đủ và vì thế ngày càng phát minh được nhiều cái mới cái hay. Thấy mình giỏi, mình thông minh thì hung hăng hống hách, muốn được thi thố, phô trương, vì thế kiến thức thui chột. Hạng minh sư tùy theo hoàn cảnh và năng lực của môn sinh mà hành đạo. Hạng tục sư nương theo chính trị, chủ nghĩa, tôn giáo mà hành nghề. Nước có đạo lý thì minh sư nhiều hơn tục sư. Nước vô đạo lý thì tục sư nhan nhản, có khi bói không ra một mống minh sư nào. Một nền giáo dục thực chất cốt là làm sao cho con người thay đổi được cái bên trong, vì chỉ có cái bên trong mới giúp ta tìm ra được chân lý. Còn tất cả các biện pháp, khuôn mẫu, gương sáng, giáo điều, lý thuyết ở bên ngoài đều trở nên vô nghĩa nếu tự thâm tâm con người không thức tỉnh.

Người đi học cũng giống như ngọn lửa, khi ngọn lửa le lói bằng con đom đóm thì vùng tối bao quanh rất nhỏ; khi ngọn lửa bằng ngọn đèn con thì bóng tối bao quanh lớn hơn bằng căn phòng; khi ngọn lửa sáng lên bằng đống lửa thì vùng tối bao quanh bằng khoảng sân chơi; và cứ như thế, ngọn lửa càng cao, càng sáng bao nhiêu thì vùng tối bao quanh nó càng mênh mông bấy nhiêu. Cho nên, Khổng Tử mới dạy rằng, biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy mới là kẻ biết. Kẻ có học mà cứ mong làm thầy thiên hạ thì càng u mê tăm tối.

Suy cùng, thế gian này có tan thành mây khói, vũ trụ có nhảy vào hư vô, kẻ học sĩ vẫn tìm tòi, trau dồi cái cái học của mình, làm cho kiến thức từ trong lòng mình phát tiết anh hoa, mở phơi chân lý, thì lúc đó cái học mới thực sự có giá trị.…(st)

Tontu
21-03-2013, 12:22 AM
Bài chia sẻ thật là hay bác Lâm ạ! Ngẫm lại thấy rất đúng. Xã hội bên Tây phương có nền giáo dục, nhất là những lãnh vực về khoa học, họ đưa hàng loạt những giả thuyết này cho tới giả thuyết nọ, và chỉ khai mở một vài điều trong mỗi học thuyết, còn lại là sinh viên tự học, tự tìm tòi lấy cái hay mà ngộ ra chân nghĩa. Họ không bắt học sinh phải học thuộc lòng, lại càng không bắt học sinh phải nhồi nhét vào đầu những tư tưởng không phù hợp với trào lưu khoa học hiện đại. Từ học sinh cho tới sinh viên đều phải tự học và khám phá lấy, có thế tư duy mới mở mang được. Họ không đào tạo những con vẹt biết nói, nhưng chỉ giúp chúng phát triển khả năng sẵn có của chúng mà thôi.

Vâng! Kiến thức là những gì còn sót lại sau khi ta đã quên những điều đã học từ trước. Cái đáng quý của vốn liếng kiến thức mà ta hiện có là làm sao áp dụng chúng vào đời thường, làm sao biến chúng thành những công cụ để giúp đời, ấy mới là cần thiết. Ngoài ra con người còn phải bỏ thêm thời gian để tu tâm bồi đức thì cái tài ấy mới có giá trị. Nếu một kẻ có tài, nhưng lại thiếu đức độ thì chỉ là mối hại cho xã hội. Khi đó con người sẽ đi lầm đường lạc lối, bước vào cõi u minh.

Ở Tây phương, họ không bắt học sinh phải học thuộc lòng một chủ nghĩa nào đó, lại càng không bắt học sinh phải theo một chủ nghĩa nào cả. Họ chỉ đưa ra những mặt tích cực và cũng như tiêu cực của mỗi bên để sinh viên tự khai sáng mà vạch cho mình một hướng đi riêng. Khi khám phá ra được 1 điều gì hay, họ có khuynh hướng chia sẻ những điều họ biết cho mọi người, chứ không giữ làm của riêng. Chính vì thế dân trí mau mở mang hơn.

Điểm yếu của văn hóa Âu Mỹ là không trú trọng đào tạo các giá trị về đạo đức. Họ đào tạo ra những con người hữu dụng, nhưng lại kém về mặt tinh thần. Ở các quốc gia Châu Á thì ngược lại, kẻ sĩ phải biết tôn sư trọng đạo (theo giáo điều, nhưng không phải ai cũng chịu làm theo), thảo kính cha mẹ, kính trên nhường dưới, etc...nhưng lại yếu về kiến thức nền nếu so với người Tây phương trên phương diện khoa học kỹ thuật.

Một người thầy tốt và có lương tâm thì chỉ cho học trò của mình biết cách dung hòa những cái hay, cái đẹp của hai nền văn hóa Âu-Á, chọn những sở trường của đôi bên mà bồi đắp cho những khiếm khuyết bất toàn để tạo ra một tổng thể có giá trị hơn và hữu ích cho đời. Hạng tục sư thì chỉ biết cung cấp kiến thức để hái ra tiền và trục lợi, chẳng cần quan tâm tới những giá trị luân lý, đạo đức, kéo bè, lập đảng, làm thui chột những thế hệ mai sau, etc.

Cái đáng quý của kẻ sĩ là làm sao tỏa sáng được cái mình biết mà chia sẻ cho mọi người. Đừng cho thấy mình là người thành công, những hãy sống sao cho thấy mình là người có giá trị và hữu ích cho đời. Có một danh nhân cũng đã nói "tỏ ra mình hơn kẻ khác đâu phải là hay, cái chân giá trị đích thực có thể tỏ rằng: hôm nay mình đã hơn mình hôm qua."