PDA

View Full Version : Đắm mình trong hộp nhạc



CXQ
13-09-2010, 12:51 PM
Âm nhạc không giống như bóng đá. Người ta có thể xem đá banh một mình, vỗ đùi đánh đét trước một pha bóng hay nhưng riết rồi cũng… đau đùi và quan trọng nhất là không có ai để nghe những lời bình luận mà người nói ra luôn tự thấy là “vừa sắc sảo, vừa hóm hỉnh” sau một cú đi bóng huyền ảo hay một cú sút vọt xà.



Nhưng âm nhạc thì khác, dù có quan trọng phần nhìn đến thế nào đi nữa, người ta vẫn phải lắng nghe nhạc rồi mới bình luận hay cảm nhận trọn vẹn. Thế nhưng ở thời nào, thì các quán cà phê nhạc có thêm phần hình ảnh cũng không vì thế mà vắng khách. Đến quán cà phê, là tự hứa hẹn trước viễn ảnh đặt mình vào một music box – một khoảng không gian trong đó không chỉ thính giác, mà thị giác của bạn cũng đắm vào từng giọt nhạc.



Thời hoàng kim “xem nhạc”



Thời hoàng kim của cà phê video nhạc là trong thập niên 1990, khi các phương tiện giải trí trong nước còn khá nghèo nàn. Dân mê nhạc quốc tế có thể nghe thuộc lòng Right here waiting của Richard Marx hay Nothings gonna change my love for you do Glenn Medeiros hát mà không mấy người biết được mặt mũi các anh chàng này ra sao.



Tương tự nghe Samatha Fox hát thì không ấn tượng bằng xem clip Touch me của cô ca sĩ có vòng một “siêu khủng hoảng” này. Đài truyền hình năm thì mười họa mới có một chương trình ca nhạc quốc tế để xem. Tôi luôn chuẩn bị sẵn băng video để thu lại vì clip phát trên đài lúc đó thường khá khác biệt với những gì đang có trên thị trường.



Tôi thu được California dreaming của Beach boys và The first cut is the deepest của Rod Stewart từ các chương trình như vậy. Nắm bắt nhu cầu nghe và phải “nhìn” của giới trẻ, các cửa hàng cho thuê băng video thời đó dù chất đầy phim bộ Hồng Kông cho đến phim hành động Mỹ nhưng vẫn dành một góc nhỏ cho các băng video ca nhạc.




http://nhacvietplus.vietnamnet.vn/Library/Images/23/2009/09/6/am%20nhac/1.jpg




Ông vua nhạc Pop được coi là người đã mở ra kỉ nguyên "video clip" ca nhạc




Chỉ có điều nghe nhạc qua loa tivi thì không sướng mấy. Cho nên dịp rảnh rỗi, kéo nhau đi quán cà phê “xem nhạc” là một thú vui “tao nhã” của những anh chàng cô nàng mười tám đôi mươi của 10 năm trước.



Như trong bài viết về Michael Jackson, thiên tài này đã mở ra một chân trời mới cho video clip, biến các clip này thành phương tiện quảng bá cực kỳ hữu hiệu cho âm nhạc.



Các clip nhạc thường được dựng chi tiết, giống như một bộ phim ngắn, có diễn viên ngôi sao. Có giai đoạn gần như quán cà phê nào cũng chiếu clip Black or white với phần mở đầu thú vị của ngôi sao nhí Macaulay Culkin.



Từ khi mở ra việc “xem nhạc” với kênh MTV, những ý kiến trái chiều xuất hiện. Người bảo thủ không chấp nhận được việc âm nhạc của đôi tai bị chi phối bởi đôi mắt nhưng với giới trẻ thì trào lưu này quá cuốn hút.



“Xem nhạc” vụt lên như một giá trị mới, chẳng kém cạnh “nghe nhạc”. Kênh truyền hình này tức khắc hình thành nên cả một thế hệ MTV mà nhóm Dire Straits từng hát “I want my MTV” trong bài Money for nothing.



Thiên đường nơi đâu?



Rạp chiếu phim Vinh Quang cũ - nay đóng đô sân khấu kịch Sài Gòn - là một cột mốc khó quên trong sự nghiệp “xem nhạc” của những chàng trai mê nhạc quốc tế ngày ấy như tôi.



Tôi xem clip In the flesh, Run like hell và Waiting for the worm trong album The Wall của Pink Floyd đầu tiên tại đây. Đây là nơi một chàng sinh viên có thể uống một ly nước và ngồi cả ngày để xem nhiều clip lạ thay vì quanh đi quẩn lại một số bài hát quen thuộc như các quán khác.



Đường Lê Văn Sỹ cũng có nhiều quán cà phê video nhạc, đặc biệt là nhạc rock. Trên đường Hồ Văn Huê, bên cạnh một trại hòm là một quán có cái tên thật trớ trêu là… Paradise.



Chính ở nơi tôi đã viết giấy yêu cầu và được chiếu bài Afraid to shoot stranger của Iron Maiden. Rồi theo vòng bánh xe, tôi đi xa hơn, tới dưới chân cầu chữ Y để “xem nhạc”. Nơi đây có một quán video nhạc rock, nơi mà các yêu cầu “nặng đô” như Slayer hay Pantera vẫn được dễ dàng đáp ứng. Vì có được nguồn đĩa từ một cửa hàng khá nổi tiếng ở thành phố nên quán dưới chân cầu này cũng là nơi tôi được xem các clip nhạc hồi đó rất hiếm hoi như You của Ten Sharp và Bird of paradise của Snowy White.



Đầu những năm 2000, dân kinh doanh lúc đó cũng nhanh nhạy với nhu cầu “xem nhạc” nên xuất hiện những đĩa VCD tập hợp bài hát được yêu thích. Khổ nỗi, nhạc một đằng, hình một nẻo.



Ví dụ như những cảnh bắn súng tưng bừng của phim Desperado được lồng nhạc bài Sutters mill dù rằng trọn vẹn bộ phim này không hề có giọng hát của Dan Fogelberg. Chỉ hợp một chút xíu ở chỗ bài Sutters mill cũng viết về chuyện tìm vàng, về xưởng cưa của John Sutter, nơi khởi đầu cho việc đổ xô đi tìm vàng ở California ở thế kỷ 19.



Còn Desperado dù xảy ra ở Mexico nhưng cũng có quán rượu, cao bồi và đấu súng! Bản Casablanca của Bertie Higgins – vốn được nhiều ca sĩ Việt cover - thì được lồng vào bộ phim đen trắng kinh điển cùng tên Casablanca với Humprey Bogart và Ingrid Bergman dù rằng Casablanca - phim ra đời năm 1942 còn Casablanca - nhạc mới được sáng tác trong thập niên 1980.



Nếu lục lại trí nhớ thì còn vô số những clip nhạc “vô duyên” như vậy. Nhưng trong giai đoạn hiếm hoi đó thì các clip nhạc này vẫn được chiếu đi chiếu lại tại các quán cà phê nhạc và làm người trẻ dừng hẳn các câu chuyện, tai lắng nghe, mắt dán lên màn hình…



Những hộp nhạc nhỏ hơn



Một thời gian sau giai đoạn hoàng kim của các quán sử dụng băng video hay VCD, quán cà phê nào mạnh dạn đầu tư chiếu nhạc đĩa LD (laser disc) sẽ thành “điểm sáng” vì chất lượng âm thanh và hình ảnh đều hơn hẳn. Những quán này dành cho giới có tiền. Sinh viên phải “chắt bóp” lắm lâu lâu mới dám ghé vào một lần cho thỏa.




http://nhacvietplus.vietnamnet.vn/Library/Images/23/2009/09/6/am%20nhac/2.jpg




Một vài lần, tôi ngồi chọn nhạc cho quán cà phê video trên đường Hồ Xuân Hương, cũng chỉ vì mê mẩn với lượng LD mà quán này sở hữu. Các quán cà phê “xem nhạc” trên đường Lý Chính Thắng cũng là thiên đường vì xem xong, bạn có thể đi vài bước thôi là mua được băng video hay đĩa VCD có clip nhạc mình vừa xem.



Cho đến khi DVD ra đời, LD nhanh chóng cáo chung vì kích thước cồng kềnh bất tiện của nó, còn VCD thì chất lượng lẫn tuổi thọ đều thua xa DVD. DVD cùng với các bộ dàn nhà hát tại gia (home theater) giá ngày càng rẻ, thêm nữa là truyền hình cáp với các kênh nhạc 24/24 nên gần như cà phê “xem nhạc” chỉ còn là hoài niệm.



Cũng có vài quán cà phê hạng sang ở các khu trung tâm vẫn chịu khó chiếu nhạc trên các màn hình LCD choán cả mảng tường, nhưng xem ra khách trẻ sinh viên đến quán để kết nối hifi là chính. Với chiếc lappy và đôi earphones gắn vào tai, một chàng trai, cô gái sành điệu nào cũng có thể chọn vài clip đang hot nhất của Lady Gaga hay Beyonce vừa xem vừa nghe một mình.



Nếu hứng thú, thì chia sẻ đường link đến một người bạn, có thể cũng đang ngồi cắm cúi vào chiếc lappy ngay cạnh bên, hoặc đang ở đâu đó cách xa cả nửa vòng Trái đất. Không chia sẻ nào là không thể, trong thời buổi viễn liên toàn cầu. Những music box – không gian nhạc cho người trẻ - vẫn thế, nhưng chia nhỏ hơn, riêng tư hơn, nhưng lại gần gũi nhau hơn, theo một cách mới.



Tuy vậy, nói đi cà phê thì trong vô thức, người ta vẫn thầm mong chia sẻ một cái gì chung. Đến lúc này thì các loại hình khác bắt đầu lên ngôi như cà phê hi-end hay cà phê nhạc sống.



Nhưng đó là một câu chuyện dành cho lá thư khác…



Theo SVVN

nhachoaloiviet
15-09-2010, 11:12 PM
Đọc bài của bạn mình lại nhớ đến thời học sinh mê ca nhạc quốc tế,lúc ấy nghe nhạc cảm xúc khác với bây giờ nhiều lắm