PDA

View Full Version : Lý luận cờ tướng (Sưu tầm)



Giọt Sương Đêm
04-04-2011, 06:34 PM
-Mình sẽ gửi lên nhiều phần lý thuyết cờ Tướng cho các bạn, vì sách hướng dẫn các chiến thuật đã bán nhiều trên thị trường, nên mình không gửi các bài ấy mà sẽ gửi lên các lý thuyết. Nó sẽ giúp các bạn hiểu ra một số vấn đề để định hướng cho lối chơi, tạo nên những suy nghĩ đúng đắn hơn trong lúc giao đấu.

-Nếu chúng ta đã thưởng thức những tinh hoa chiến thuật cờ Tướng thì hãy thưởng thức thêm cái thi vị của nó. Nên mình sẽ gửi lên một số bài văn, hoặc thơ về cờ Tướng. Tuy nó không làm các bạn giỏi thêm nhưng cũng làm các bạn yêu thích thêm môn cờ Tướng. Mình trước đây không ham mê cờ Tướng lắm. Nhưng sau khi đọc nhiều bài thơ, truyện về cờ, mình cảm thấy thích cờ lên rất nhiều và tập luyện nhiều hơn.

10 NGUYÊN LÝ CHIẾN THẮNG TRONG CỜ TƯỚNG CỦA Á ĐÔNG:
(Trích trong sách Cờ Tướng – Những vấn đề cần biết của Dương Diên Hồng)

-Binh pháp Tôn Tử có 19 thiên, ta có thể rút ra 10 nguyên lý chiến thắng sau đây để vận dụng vào nghệ thuật cờ Tướng:
1.Nguyên lý tiên tri:
-Đấy là sự biết trước, cái biết ở đây thật vô cùng. Ai cũng biết, nhưng cái biết của từng người cũng khác nhau. Kẻ biết ít, người biết nhiều. Chiến tranh ngoài đời nguyên lý tiên tri là yếu tố quyết định chiến thắng
-Cũng có lắm kẻ cái biết này còn quá nông cạn, thậm chí cưa biết hết mình làm sao biết người.
-Muốn biết mình ta phải tự xem xét ta có minh mẫn không, có nhẫn nại, bình tĩnh không, ta có thói quen gì, nhược điểm gì cần phải loại bỏ.
Khi giao đấu ta phải xem xét;
-Ta đắc tiên hay thất tiên.
-Ta đắc thế hay thất thế.
-Ta đắc trí hay thất trí.

-Muốn biết đối, ta phải xem xét họ: Họ có vui vẻ, thoải mái, thích đánh cờ không? Nếu thấy họ đủ những yếu tố tên ta biết họ đang có phong độ cao và sẽ tập trung tư duy tốt. Khi ấy ta phải thận trọng và hết sức cố gắng khi giao đấu. Phải biết nắm bắt tính cách đối phương: Trầm tĩnh, nóng nảy hay lơ đễnh? Họ công thủ có nhuần nhuyễn không?
Họ thường sử dụng chiến lược khai cuộc gì?
Họ sử dụng quân cớ nào xuất sắc nhất?
Họ có thói quen, nhược điểm gì mà ta có thể khai thác được.
-Khi biết rõ mình và biết rõ người rồi thì ta mới có thể đặt ra kế hoạch đúng. Đồng thời mớ có thể phát huy các ưu điểm của ta và khai thác các nhược điểm của đối phương để giành chiến thắng, như Tôn Tử đã nói: “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng, chỉ biết mình mà không biết người, mỗi chiến mỗi bại”.

2.Nguyên lý kế hoạch:
-Kế hoạch bao gôm những phương án, những chiến lược, chiến thuật được tính toán kĩ lưỡng để thực hiện nhằm đoạt thắng lợi. kế hoạch càng chu đáo, mật nhiệm bao nhiêu thì cơ hội thắng càng nhiều bấy nhiêu. Ở cờ tướng kế hoạch là toàn thể 1 phương án, hay một chiến lược gồm nhiều nước đi, thế đánh được sắp xếp có hệ thống qui vào 1 mục tiêu nhất định và thực hiện trong một thời gian đã tính trước.
-Mỗi nước đi phải nằm trong 1 thế đánh và thế đánh đó phải nằm tróng chiến lược có lợi cho kế hoạch đã định ra. Nếu phương án thứ nhất bị bẻ gãy, ta phải tỉnh táo xem xét ý đồ của đối phương. Họ sẽ làm gì? Ở đâu? Ra sao? Sau đó ta lại đặt phương án mới. Vì vậy, ta phải luôn bình tĩnh chống đỡ, cố tìm chỗ sơ hở của đối phương để lập phương án mà phản công kịp thời.

3.Nguyên lý tự nhiên:
-Tự nhiên bao gồm những yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đại thể, thiên thời có sáng, tối, mưa, nắng, gió, bão v.v… Địa lợi có sông, suối, rừng, núi… Nhân hòa là có bạn đồng minh, người cùng chí hướng ủng hộ ta v.v… Ta phải biết tận dụng tự nhiên, đừng chống lại tự nhiên, cũng như hình thể của nước gặp phải chỗ cao nó sẽ tránh (rẽ sang hướng khác) mà đổ xuống thấp, hình thể cuộc hành binh là tránh chỗ mạnh mà công kích chỗ yếu. Trong nên chọn chỗ sáng, dễ quan sát hơn, phía cao hơn, thoáng mát hơn. Chọn phương tiện thích hợp như : Bàn ghế phải vừa tầm nhìn của ta. Nếu bàn quá cao, ghế quá thấp thì như vậy sẽ khó quan sát. Trước ván cờ (nếu đó là ván cờ quan trọng) cần phải có người cổ động, chỉ bảo cho chúng ta thêm vững vàng. Trong lúc giao đấu không nên để cho mọi người xung quanh rì rào bàn tán về ván cờ. Như vậy sẽ mất tập trung, nghĩa là nhân không được hòa.
-Ta phải tập trung lực lượng nhằm vào chỗ yếu, thiếu phòng bị của đối phương mà tấn công.
-Chính diện thường được phòng thủ cẩn mật, trắc diện thường ít phòng bị. Đánh vào chỗ phòng thủ mỏng là dễ thắng

4.Nguyên lý cầu kỷ:
-Nguyên lý này đòi hỏi lòng tự tin và ý chí quyết thắng. Ta phải luôn đặt mình vào cái thế không thua trước đã. Có nghĩa là khi thấy không thể thắng được thì cố gắng thủ hòa chứ đừng để thua ngược. – “Kẻ thiện chiến biết đứng trên vị trí không thể bị bại mà không mất phần thắng”.
-Khi chơi cờ phải chiếm giữ những vị trí chiến lược quan trọng, không để đối phương khai thác bất cứ một sơ hở nào. Sau đó ta mới tìm cách tấn công đối phương, hoặc vừa thủ vừa công (Thủ để mà công, công để mà thủ). Phải thủ kĩ, tìm mọi cách thắng quân, thắng nước, lấn dần, chiếm dần ưu thế như tằm ăn dâu (ăn ít mà ăn mãi cũng hết nong dâu), đè bẹp đối phương từ từ cho đến khi toàn thắng.

5.Nguyên lý tồn toàn:
-Tồn toàn hiểu nôm na là giữ sao cho trọn vẹn. Ví dụ như cơ thể một người nếu thiếu đi một bộ phận sinh hoạt nào cũng khiến ta khó sinh hoạt và nhất định sẽ yếu thế hơn người toàn vẹn. Các quân cờ là những bộ phận thân thiết của Tướng nên quân cờ nào mất cũng làm Tướng yếu thế, dễ bị vây hãm, đánh bí
-Ở cờ Tướng, tối kỵ là để mất quân (thua quân đối phương), trừ khi đã có kế hoạch nhử cho đối phương ăn quân để ta thắng thế, thắng nước, lợi quân như “Phế Mã tranh tiên”, “Thí Pháo bắt Xe” v.v… lúc nào ta cũng nên bảo toàn lực lượng, cảnh giác việc mất quân. Nếu lực lượng tấn công bị mất một vài quân sẽ giảm hiệu năng kỳ chiến. Nếu lực lượng phòng thủ cũng bị mất đi vài quân như Sĩ, Tượng thì thật khó giữ an toàn cho Tướng. Trong cờ Tướng, có sức mạnh tổng hợp nhờ sự liên hoàn hỗ trợ lẫn nhau. Nếu còn đủ Sĩ, Tượng thì một Xe khó thắng được. – “Tướng, Sĩ, Tượng toàn đơn Xa bất sát” là như vậy. Trong một ván cờ từ khai cuộc đến kết cuộc hẳn phải có nhiều quân cờ bị mất, nhưng sự hy sinh mất mát đó phải có lợi cho ta (lợi quân hoặc lợi nước) hơn đối phương mới được.

6.Nguyên lý chủ động:
-Chủ động tức là nắm quyền chi phối mặt trận, buộc đối phương chống đỡ theo ý đồ của ta. Trong cờ Tướng,muốn nắm quyền chủ động ta phải có bốn cái thắng sau đây:
Thắng nước (lợi nước đi) . Ví dụ như ta được đi tiên (đi trước).
Thắng quân: Còn nhiều quân chiến đấu hơn đối phương.
Thắng thế: Có thế đánh hay.
Thắng trí: Có sự tính toán sâu xa, kỹ lưỡng nhiều nước đi.
-Nếu đi tiên, ta đã lợi 1 nước thì nên áp dụng các chiến lược tấn công từ khai cuộc, tạo thế tấn công liên tục có hiệu quả (thắng quân, thắng nước hay thắng thế) nhằm áp đảo đối phương để nắm quyền chi phối thế trận ‘luôn luôn đứng trên địa vị chủ động mà hãm đối phương vào thế bị động”. Nếu đi hậu (đi sau), ta phải biết tranh thủ để tạo thế phản công làm chủ thế trận. Ta phải làm cho đối phương mất thế tiên (mai phục bắt quân, hoặc kiên trì thủ làm đối phương mất nhiều nước đi vô bổ, phát hiện sơ hở đối phương, phát hiện sai lầm của đối phương ở những vị trí dễ vây bắt). Ta nhanh chóng lập thế đánh vào những nhược điểm ấy để giành quyền chủ động.
-Nắm được quyền chi phối thế trận (chủ động) là thắng lợi đang nằm trong tay ta.

7.Nguyên lý lợi động:
-Tôn Tử có dạy: “Phải xét thấy có lợi mà thúc đẩy binh sĩ mình, lấy lợi mà dẫn dụ địch nhân”. Phàm ở đời, lợi lộc bao giờ cũng là miếng mồi ngon. Nếu việc gì không đem lại lợi ích thì hiếm ai làm. Nhưng ta phải xem xét cái lợi do ta chủ động làm ra thì nên nhận, ngược lại, không do ta làm ra mà do đối phương đem đến thì phải coi chừng mắc bẫy. Khi đi một quân cờ, ta phải xét thấy có lợi rồi mới đi. Nếu quân cờ ta đi, ăn một quân cờ của đối phương mà không có lợi cho kế hoạch tấn công thì cũng không nên ăn. Trong thế phục thủ, gài cạm bẫy, ta cho đối phương phần lợi nhỏ để mắc cạm bẫy như: Thí Pháo bắt Xe, bỏ mã tranh tiên để làm chủ mặt trận hoặc đánh bí đối phương. Thấy lợi mà ham, không suy xét lợi ấy do đâu mà có, lợi ấy thuộc về ai mà cố giữ sẽ mang họa vào thân. Ta lấy lợi dẫn dụ đối phương thì đối phương cũng lấy lợi dẫn dụ ta. Miếng mồi ấy đang ở trong 1 cái bẫy lớn. Ta đừng dại dôt làm một con vật ham ăn mà chui vào bẫy.

8.Nguyên lý tấn tốc:
-“Việc binh cần phải nhanh như gió, dầy động như sấm sét, xâm chiếm như lửa cháy”. Khi kế hoạch đã định, đã có thể đánh hay thì đừng trì hoãn mà phải vận dụng nguyên lý tấn tốc (đánh nhanh) để đối phương không kịp trở tay. Tôn Tử cũng đã nói: “Phép dùng binh cần phải đánh rất nhanh để thu lấy thắng lợi”. Trong thế tấn công, nguyên lý tấn tốc phải được vận dụng một cách triệt để. Hai xe phải ra thật sớm, tung hoành sát quân, lấn nước dọn đường cho Pháo, Mã, Chốt tấn công chớp nhoáng. Như thế, mỗi quân cờ đi một nước là phải lợi thế, lợi nước, đe dọa đối phương hoặc sát quân hoặc chiếm địa lợi và làm tê liệt sức chiến đấu của đối phương. Ta phải thấy được chỗ nào đối phương ít quân, sơ hở, thiếu phòng bị rồi dùng đường tiến quân ngắn nhất, nhanh nhất. Để đoạt mục tiêu, người đánh cờ phải có mắt nhanh, tâm nhanh và tay nhanh. Mắt phải nhìn thấy sơ hở của đối phương, tâm trí phán đoán, tính ngay phương án đối phó.

9.Nguyên lý bí mật:
-Khi đánh cờ, bàn cờ, quân cờ hai bên đều đều ngang nhau, các vị trí sơ khởi, các quân cờ cũng như nhau, được bày ra trước mắt mọi người. Cái bí mật ở đây là quân nào cũng bày ra hết mà nhiều thế đánh hiểm hóc của đối phương ta không thấy được. Nhiều thế mai phục bắt quân, ta cũng không hề biết, các quân cờ của ta sắp mất đến nơi ta cũng không hay. Như vậy chính là do đối phương biết cách che đậy, giấu kín những kế hoạch để ta không ngờ, không biết. Bí mật là ở chỗ đó.
-Người cao cờ không chỉ tính được nhiều nước đi mà còn biết giữ kín mọi mưu kế, thế đánh hay, không để cho đối phương phát hiện nghĩa là “Xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị”. Tấn công chỗ địch không phòng bị, xuất binh khi địch không chú ý. Đây cũng là 1 nguyên nhân làm nên chiến thắng.
-Người đánh cờ có nhiều khi không thấy được đường đi, thế dsnh91 của đối phương là do trí xét đoán không sâu, không kỹ. Do đó không thấy được sự an nguy của mình. Đôi khi bị thua là do không chú ý phòng bị, không tập trung tư duy liên tục, chứ không phải là ta không am tường nghệ thuất cờ Tướng.
-Cũng có trường hợp do bị người ở ngoài mách nước làm lộ bí mật của ta nên đối phương có đủ thời gian điều quân chống đỡ hoặc phản công trở lại. Để chiến thắng khi đánh cờ , ta nên lưu ý vận dụng nguyên lý bí mật.

10.Nguyên lý biến hóa:
-Trong cờ Tướng biến hóa vô cùng, không có một ván cờ nào giống nhau. Cờ Tướng có nhiều chiến lược, chiến thuật, nhiều thế đánh độc đáo, phức tạp. Đã vậy khi đánh cờ người ta lại còn sáng tạo, nghĩ ra nhiều thế đánh mới nữa. Do đó sự biến hóa trong cờ Tướng là không thể nói hết được. Người ta đánh cờ càng tập trung tư duy sáng tạo thì càng có nhiều thế đánh hay, biến ảo khôn lường, càng chắc thắng. Công, thủ phải nhuần nhuyễn. Từ phòng thủ chuyển sang tấn công và ngược lại từ tấn công chuyển sang phòng thủ phải thông suốt, tạo cho thế trận biến hóa khôn lường làm cho đối phương có mắt cũng như mù thì cơ thắng cầm trong tay. Trong binh pháp có nói: “Sự biến hóa của kỳ và chánh là không thể cùng được. Kỳ và chánh sinh nhau ra như một quy luật tuần hoàn không nguồn gốc, ai có thể biết cho cùng được”. Chánh ở đây là những quân cờ thuộc bộ phận tấn công như Xe, Pháo, Mã, Tốt. Kỳ ở đây là các quân cờ thuộc bộ phận tấn công như Sĩ, Tượng (Bồ). Tuy nhiên ta có thể bố trí các quân cờ tấn công làm nhiệm vụ phòng thủ giúp Sĩ, Tượng bảo vệ hữu hiệu cho Tướng. Ta cũng có thể sử dụng lực lượng chánh binh kết hợp với kì binh để tấn công vào một mục tiêu đã định.

-Cờ Tướng biến hóa vô cùng, càng cao cờ càng phải hết sức khiêm tốn, vì không ai dám tự hào là mình là người đã thâu tóm được hết mọi biến hóa kì ảo của nghệ thuật cờ Tướng. Hơn nữa tài năng cũng phát triển có chu kì như trăng tròn rồi lại khuyết. Có khi nào trăng tròn mãi hay khuyết mãi đâu?

Giọt Sương Đêm
04-04-2011, 06:37 PM
KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NGƯỜI:
Ghi chú: Các thành viên như Caocodatviet, Calocxocbaucua, Viethoang, Yenvananh là thành viên của www.xqland.com.

Để chơi cờ tốt bạn nên "luyện" thành thạo 2 yếu tố cơ bản sau:
1/Yếu tố "tâm khảm":
a.Cảm giác cờ
b.Cách suy nghĩ,tính toán
c.Khả năng tưởng tượng vị trí các quân cờ sau 1 số nước đi
d.Tập đánh giá:(thế-hay vị trí của các quân,giá trị của chúng...)

2/Yếu tố "rèn luyện":
a.Các khai cuộc,các biến của khai cuộc...(có thể tham khảo:sách,sotfware)
b.Trung cuộc
c.Tàn cuộc(xem nhiều,chơi nhiều)
Tip: Yếu tố 1 theo tôi là quan trọng vì nó sẽ là yếu tố chủ yếu giúp bạn "chơi cờ" còn yếu tố 2 có thể gọi là "bài" các đấu thủ "ngang cơ "sẽ dùng nó để phân thắng thua

Người viết: Caocodatviet


Một vài kinh nghiệm:
1. Trường hợp cờ "đóng băng":

Sẽ có một lúc ván cờ trở nên "đóng băng", ngột ngạt và cả 2 bên đều không thể đi cờ sao cho hợp lý, lúc đó ai là người nôn nóng phá vỡ thế trận mà không có suy tính kĩ càng, chính xác, thì người ấy là người thua cuộc.

Theo ý kiến riêng của mình khi ấy bạn phải thật "lỳ lợm", không vội vàng tấn công phá vỡ thế cờ đó.

2. Pháo và mã:

Pháo và mã nói chung khá ngang nhau, nữa đầu ván cờ pháo có phần ưu hơn vì linh hoạt và biến hóa nhưng nữa sau ván cờ mã lại ưu hơn vì lúc này bàn cờ trống trải, mã dễ đi còn pháo không có ngòi để tấn công hoặc phòng thủ.

Theo ý kiến riêng của mình lúc tàn cuộc bạn nên giữ mã lại và nhanh chóng đưa mã ra, nếu còn pháo lại nên rút pháo về để dùng quân mình làm ngòi cho nó.

3. Khuyết sĩ và khuyết tượng:

khuyết sĩ thì nên giữ 2 xe và mã lại để tấn công.
Khuyết tượng nên giữ pháo, xe lại để tấn công

4. Lên tượng và lên sĩ:

Theo mình thấy để chống đỡ pháo đối phương ta nên lên tượng và lên sĩ cùng một phía.
Nếu để chống đỡ xe đối phương ta nên lên tượng và lên sĩ khác phía
Nếu để chống đỡ mã đối phương ta nên thượng sĩ lên ( đưa 1 sĩ lên hàng thứ 3, con sĩ còn lại lên hàng thứ 2)

5. Suy nghĩ kỹ khi lên sĩ:

Khi lên sĩ bên nào thì thường trong suốt ván cờ con Sĩ sẽ nằm lâu bên đó, các con cờ khác đi sai có thể đi lại dễ dàng nhưng con sĩ lại ít khi di chuyển nên theo ý mình phải suy nghĩ cẩn thận khi lên sĩ.

6. Lủng cờ phía sau:

Các bạn mới đánh cờ thường có thói quen không tốt là mới khai cuộc đã vội vàng dùng 1 con Xe hoặc con Pháo sang sông bắt Tốt đối phương mà không kết hợp ý định gì khác ngoài việc bắt Tốt, như vậy chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Các bạn còn có thói quen xấu khác nữa là ham tấn công mà quên mất phòng thủ bên sân nhà, để "lủng cờ" như vậy, khi đối phương phản công trở lại sẽ rất nguy hiểm.

7. Nước cờ "lúng túng":

Mình để ý thấy sau khi kết thúc khai cuộc và bắt đầu chuyển sang trung cuộc ( khoảng nước cờ thứ 8- 12) sẽ có một lúc bạn lúng túng không biết nên đi đâu, tấn công vào đâu. Nên trước khi đi một nước cờ mạo hiểm, các bạn phải suy nghĩ kĩ:
-Ta lợi quân hay địch lợi quân.
-Ta lợi thế hay địch lợi thế.

Người viết: calocxocbaucua

Chiến lược, chiến thuật trong cờ tướng:

Đây là vấn đề quan trọng nhất mà mọi người thường nhấn mạnh, kể cả trong cờ tướng lẫn cờ vua. Mình xin tóm gọn trong một câu: khi bạn đi con cờ đầu tiên bạn đã phải hình dung ra diễn biến cuối cùng của ván cờ, nghĩa là bạn phải có một cái nhìn xuyên xuốt từ đầu đến cuối, phải nhất quán trong cả 3 giai đoạn khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc.

Phân tích tình thế, diễn biến của ván cờ:

Cách đây hơn 1 năm mình nghe và nhận thấy câu nói sau đây rất đúng: điểm khác biệt căn bản giữa người cao cờ và thấp cờ không phải ở sự tính toán nước cờ nhiều hay ít mà là ở khả năng phân tích tình thế, diễn biến của ván cờ.
Vậy làm sao để biết ai ưu, ai kém? Căn cứ vào đâu để đánh giá?

Chúng ta có 2 yếu tố cơ bản để căn cứ, đánh giá là: quân cờ và thế cờ.

Ví dụ: bạn ăn được một con mã của đối phương vẫn không khẳng định được bạn đang hơn cờ và ưu thế vì có thể tuy hơn con mã nhưng cờ bạn đang bị dồn ép, tượng sĩ bay lung tung, tướng bị uy hiếp. ( hơn quân nhưng thua thế)

Như vậy để đánh giá tình hình trên bàn cờ ta phải tổng hợp 2 yếu tố quân cờ và thế cờ.

Chiến thuật trung cuộc:

-Mình thấy các sách cờ nói về trung cuộc trình bày các đòn đánh là chủ yếu, trong khi đó tư duy về chiến thuật mới là tinh hoa nhất của giai đoạn trung cuộc.
-Hiển nhiên chiến thuật trong trung cuộc phải thống nhất từ khai cuộc đến tàn cuộc, không thể tách rời, ở đây mình xin chia ra thành từng chiến thuật nhỏ
Chiến thuật thí quân
Chiến thuật ghìm quân ( giữ quân)
Chiến thuật đổi quân
Chiến thuật chuyển quân ( theo mình đây là chiến thuật quan trọng nhất cần phải chú ý)

Chiến thuật thí quân:
-Thí quân có lẽ ai cũng hiểu là khi một bên chủ động dâng con cờ của mình cho đối phương ăn nhằm đặt được một mục đích chiến thuật nào đó.
Mình chỉ có thể nói là khi tình huống thí quân xảy ra thì đó là một bước ngoặt quan trọng của ván cờ, vì vậy chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận lúc thí quân hoặc khi đối phương thí quân ( có nên ăn con cờ thí đó hay không )

Chiến thuật đổi quân:
-Ở đây mình muốn nói đến việc đổi những con cờ có giá trị tương đương nhau, ví dụ như lấy Xe đổi Xe, Pháo đổi Mã, Mã đổi Pháo, Pháo đổi Pháo, Mã đổi Mã...
-Phương pháp mình thường sử dụng là lấy những con cờ tạm thời kém giá trị, tạm thời chưa dùng đổi lấy những con cờ hữu dụng, có giá trị ( về thế cờ) của đối phương.
Thông thường chiến thuật đổi quân thường đi liền với chiến thuật chuyển quân nhằm đạt được chiến thuật, chiến lược chung đã thống nhất từ trước.

Người viết: Calocxocbaucua


Việc lập kế hoạch:
Trong đánh cờ phải có kế hoặch cụ thể từ khi khai cuộc khi đến trung cuộc để bạn không bị bí.
Kế hoạch phải là kế hoặch mở "biến hoá".

Bắt buộc bạn phải có một số thế sở trưòng "thế trung cuộc không phải tàn cuộc" các thế này có thể tham khảo các ván cờ của các cao thủ. muốn cờ cao lên phải nghiên cứu và bổ xung vào "sổ thế sở trường" cành nhièu càng tốt.
-Từ khi khai cuộc phải biết hướng đối thủ lọt vào một trong các thể của mình. Nếu sổ tay sở truờng bạn nhiều thì càng dễ lừa đối phương đi vào thế.
-Còn các bạn có thời gian cứ nghiên cua các thế đánh các ván cờ của các cao thủ từ đó phân tích kỹ các thế thua, thắng bổ xung vào sổ của mình là càng ngày cờ càng cao thôi.

Người viết: viethoang

Mình xin nói những quy tắc rất hay mà mình đọc được trong các sách cờ tướng. Đó là quy tắc điều quân, sao cho:
1. Phong tỏa Xe đối phương
2. Thông Xe của mình
3. Phong bế Pháo Mã đối phương
4. Thông Pháo Mã của mình
Ưu tiên quy tắc theo thứ tự từ 1đến 4, bạn sẽ làm chủ được tình thế. Theo kinh nghiệm của mình thì, ván nào mình thua đều thua là do để xe đối phương chạy lung tung,.. và ngược lại.

Người viết: Yenvananh

Nhim999 rất cám ơn các bạn Caocodatviet, Calocxocbaucua, Viethoang, Yenvananh đã gửi kinh nghiệm

Giọt Sương Đêm
04-04-2011, 06:38 PM
*Những kinh nghiệm về cờ Tướng:
-Thực ra mà nói thì những kinh nghiệm của mình chỉ có thể áp dụng cho những ai có thực lực từ kém đến trung bình, người khá thì còn có thể thu lượm thêm chút ít kinh nghiệm, còn người giỏi thì những kinh nghiệm dưới có lẽ chẳng tác dụng đâu. Vì người khá và giỏi chắc chắn sẽ có những kinh nghiệm cao hơn, sâu hơn. Thậm chí có thể thấy được cái sai của tôi (mong là không có). Nhưng dù sao mình cũng mong tất cả các bạn đọc bài của mình, có gì thì hãy góp ý cho mình. Cám ơn các bạn.

Trong lúc giao đấu:
-Trong 5 nước đi đầu phải sử dụng đến Xe.

-Nếu ta chơi Pháo đầu, đối phương chơi Tượng cuộc (tức là đưa Tượng vào cung vua) thì không được để hai con Tốt của đối phương ở cột 3 và 7 tiến lên 1 bước, vì nếu như thế sẽ làm 2 con Mã của chúng ta khó tiến quân. Ít nhất 1 trong 2 con Tốt của ta ở cột 3 hoặc 7 phải tến lên 1 bước. Dùng 1 con Mã tiến lên, 1 con Mã còn lại giữ Tốt Giữa.

-Khi chơi Pháo đầu mà thấy đối phương chỉ còn 1 con Mã giữ Tốt giữa (con còn lại đi chỗ khác hoặc đã bị ăn), thì hãy dùng 1 Mã của mình ăn Tốt giữa (nếu có điều kiện). Lúc này khả năng lớn là Mã đối phương sẽ ăn Mã của bạn, sau đó bạn lại dùng Pháo của mình ăn Mã của đối phương(Tốt giữa của bạn chính là ngòi Pháo). Như vậy là bạn đã lời 1 con Tốt và chiếm được trung lộ. Khi Pháo đã chiếm trung lộ thì phần thắng của bạn tăng lên 10%.

(Cái này mình không chắc lắm)

-Khi ta chơi Pháo đầu, nếu đối phương cũng chơi Pháo đầu. Có rất nhiều người dùng Pháo đầu của mình ăn luôn Tốt giữa, vì cho rằng nếu con Pháo mà chiếm được trung lộ thì khả năng thắng sẽ tăng cao. Nhưng đây là 1 lối chơi không hay cho lắm. Đồng ý là Pháo chiếm trung lộ thì cơ thắng sẽ tăng, nhưng không nên để Pháo chiếm trung lộ ngay từ đầu. Vì ngay sau khi ta ăn Tốt giữa xong, lúc này Pháo ta đang chiếu Tướng đối phương, đối phương sẽ chống Sĩ hoặc Tượng. Sau đó ta đi Mã, Pháo … hay Tượng thì còn tùy người chơi. Nhưng sau cái nước đi đó thì đối phương sẽ lên Mã để bắt con Pháo vừa ăn Tốt xong. Đương nhiên lúc đó Pháo sẽ lùi về trước mặt Tốt giữa của mình để được Tốt giữa bảo vệ. Nhưng ai là người bảo vệ Tốt giữa? Chính là Mã. Bạn có tới 2 quân Mã và đương nhiên bạn không thể dùng tới 2 quân mã để bảo vệ Tốt được. Quân Tốt đâu được vinh dự lớn đến thế. Bạn phải dùng 1 quân Mã tấn công (thường là dùng Mã của mình ăn Tốt hai bên). Chỉ còn 1 con Mã giữ Tốt. Rồi đến lúc quân Mã đang giữ Tốt giữa mà bị Pháo hay Xe uy hiếp, thì lúc này bạn phải dùng Xe của mình để bảo vệ Mã rồi. Bây giờ bạn thử nhìn lại xem. Chỉ vì để quân Pháo giữ trung lộ, bạn phải dùng Tốt giữ Pháo, Mã giữ Tốt, Xe giữ Mã. Tạo thành 1 chuỗi bảo vệ. Chỉ vì chỉ giữ vị trí trung lộ cho Pháo mà bạn phải tốn từng nấy quân. Trong khi đó, đối phương tuy để bạn giữ trung lộ nhưng người đó lại có thể huy động binh mã tấn công chuỗi bảo vệ. Còn bạn thì phải dùng Xe, Mã giữ cho Pháo. Chắc chắn bạn sẽ bị thua thế. Chuỗi bảo vệ đó trước sau gì cũng bị phá vỡ.(vì không có gì đảm bảo Xe hay Mã giữ đứng đó mãi) Còn bạn lại lãng phí binh lực trong khai cuộc, Xe, Mã phải đứng yên, quân Pháo cũng chỉ lên xuống ở trung lộ chứ không làm gì khác. Đối phương chỉ cho bạn trung lộ nhưng lại làm Xe, Mã, Pháo của bạn gần như tê cứng. Bạn sẽ bị dồn vào thế tù hãm. Dần dần dẫn tới thua cuộc. Mà bạn có thắng thì chẳng qua đối phương chơi không tập trung, tính toán kém hơn bạn nên mới thua. Nói tóm lại, bạn đừng bao giờ cho Pháo ăn Tốt giữa để chiếm trung lộ từ khai cuộc. Đừng quá hấp tấp mà mắc bẫy.

-Phải biết lấy thế chế lực. Tức là lấy thế cờ để áp đảo đối phương, nhiều trường hợp ta thua quân nhưng lại lợi về thế. Ngược lại, khi ta ăn 1 quân phải để ý xem sau khi ăn có mắc phải bẫy không, đôi khi không mắc bẫy nhưng các quân cờ lại rơi vào thế tù hãm, tự cản trở lẫn nhau. Như vậy là đối phương đã lợi về thế.

-Trước khi đi một nước cờ phải nghĩ đến cái lợi và cái hại của nước cờ đó.

-Phải nghĩ đến các nước đi sao cho 1 quân cờ của ta có thể kềm kẹp được 2 quân cờ của đối phương. Ví dụ: khi Xe và Pháo của đối phương cùng đứng trong 1 cột (hay 1 hàng ngang) thì ta nên đưa quân Xe của ta ra trước mặt con Pháo, để kềm kẹp cả Xe và Pháo(vì nếu Xe đối phương đi sang cột khác thì Pháo mất). Như vậy là ta đã lợi thế, liệt 1 quân mà làm đối phương liệt 2 quân.

-Khi đối phương đang đùng 1 quân bảo vệ 2 quân (ví dụ quân Xe đang bảo vệ Pháo ở đường thẳng, bảo vệ Mã ở đường ngang) thì bạn hãy dùng 2 quân của mình nhắm vào 2 quân mà đối phương đang bảo vệ (vd:dùng 2 Xe của mình nhắm vào Pháo và Mã đang được Xe đối phương bảo vệ) .Đến lúc này bạn phải suy nghĩ kĩ xem đố phương có giăng bẫy gì không? Có hơn quân mình không? Đối phương có đang chuẩn bị phối hợp quân để chiếu Tướng liên tục hay không? Nếu điều kiện thuận lợi thì hãy dùng 1 quân của mình ăn 1 quân đang được bảo vệ. (Ví dụ: bạn dùng 1 quân Xe của mình ăn quân Mã ở đường ngang, phía đối phương thấy bạn ăn Mã sẽ dùng Xe ăn ngược lại Xe bạn, lúc này Xe đối phương đã ở đường ngang, không thể bảo vệ Pháo ở đường thắng, lúc này bạn dùng quân Xe còn lại ăn Pháo đối phương.Như vậy là mất 1 xe mà giết được 1 Pháo và 1 Mã, bên ta lợi quân)

-Khi không nghĩ ra được nước đi thích hợp để tấn công, hãy nghĩ đến các nước đi phòng thủ như lên Sĩ, Tượng phòng cho sau này, hoặc đẩy các con Tốt tiến lên.

-Khi 2 quân Xe của ta ít bị cản trở về đường thẳng, hãy dùng Mã hoặc Pháo ăn 1 con Sĩ của đối phương. Vì cổ nhân có câu “Khuyết Sĩ kị song Xa”. Tức là thiếu Sĩ thì rất sợ hai Xe. Khi đối phương còn 1 Sĩ bạn hãy dùng Xe chiếu Tướng, khi đối phương chống Sĩ thì bạn hãy dùng 1 Xe để hỗ trợ 1 Xe (hoặc quân khác cũng được) ăn thẳng vào quân Sĩ còn lại của đối phương. Tướng đối phương sẽ không dám ăn Xe, vì nếu ăn thì bị con Xe còn lại ăn mất. Lúc Tướng đối phương mất hai Sĩ mà bạn còn 2 Xe thì phần thắng nghiêng hẳn về bạn. Nhưng phải cẩn thận, vì nếu đối phương cho 1 Pháo hoặc Mã bảo vệ Sĩ thì kế hoạch thí quân để ăn Sĩ sẽ không thành hiên thực.

-Không được khinh thường Tốt, phải sử dụng hợp lí nước đi của Tốt. Vì Tốt là yếu tố quan trọng trong tàn cuộc, có lúc chúng ta phải dùng Mã để hộ tống Tốt sang sông an toàn.

Cách thức tập luyện của tôi:
-Hãy đấu trung bình 2 ván cờ mỗi ngày. Nhưng phải biết đấu đúng lúc, những khoảng thời gian bận rộn vì công việc thì nên bỏ cờ để tập trung vào việc quan trọng. Đến một lúc nào rảnh ta lại tập bù. Đừng vì quá ham mê cờ Tướng mà suy thoái các công việc khác.

-Khi đấu với người yếu hơn mình, hãy chỉ những khuyết điểm của họ, vì như thế cũng là cách tự nhắc nhở bản thân cẩn thận với những cạm bẫy. Hãy truyền lại những kinh nghiệm cho họ, vì như thế cũng là cách ôn lại kinh nhiệm của mình, nếu có kinh nghiệm mà không đem ra ôn thì đến một ngày nào đó ta sẽ quên đi những kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được. (Sở dĩ tôi nói như vậy là vì có nhiều người trình độ chênh lệch nhau, khi đấu với nhau chẳng trao đổi gì cả, người cao cờ cũng chẳng chỉ bảo gì hết)

-Đừng đấu với người có trình độ yếu hơn mình nhiều ván cờ liên tiếp hoặc trong nhiều ngày. Vì một thời gian dài đấu với người yếu hơn mình sẽ làm trình độ cờ của mình mai một.

-Hãy đấu với người giỏi hơn mình trong 1 thời gian dài để tăng trình độ. Nhưng đừng đấu với người quá cao cờ trong thời gian dài mà người đó không chỉ dạy gì cho chúng ta hết. Ví dụ: bạn 19 tuổi đấu với cao thủ 70 tuổi, như vậy là thực lực đã rất chênh lệch nhau. Nếu đấu với cao thủ đó trong thời gian dài thì bạn sẽ thua liên tục, gây ra mệt mỏi, chán nản và mất đi tinh thần chiến đấu của một cờ thủ. Hơn nữa trình độ của bạn sẽ chẳng lên là bao nếu như cao thủ đó chỉ đấu với bạn mà không chỉ chiêu cờ nào cho bạn. Nếu bạn muốn lên trình độ thì phải đấu từ dễ đến khó. Trước tiên đấu với người cùng trang lứa, rồi người hơn mình chừng 5 tuổi đến 10 tuổi (đương nhiên những người này cũng phải cao cờ hơn bạn), khi trình độ tăng dần thì tìm những người có tuổi cao hơn để đấu.Nếu bạn muốn tập luyện với máy tính thì cũng phải tập luyện từ dễ đến khó. Đấu từ cấp thấp đến cấp cao dần. Sở dĩ tôi viết dài dòng như thế là vì có nhiều người có quan niệm: “Cứ đấu thật nhiều ván cờ với nhiều người có trình độ cao hơn mình thì sẽ giỏi”. Thực ra đó chưa hẳn đã đúng. Phải làm từ dễ đến khó. Còn đấu nhiều ván trong 1 ngày (trên 7 ván, nếu toàn thắng thì không sao) thì sẽ làm cho bạn bị Stress, chán nản, không những không tăng trình độ mà còn chậm phát triển.

-Nói tóm lại bạn không nên đấu với những người yếu hơn bạn nhiều hay mạnh hơn bạn nhiều ván trong thời gian dài (tức là từ ngày này sang ngày khác).

-Khi gặp một thế cờ khó mà không biết phá giải làm sao. Bạn hãy bật máy tính, mở chương trình cờ, chỉnh cấp mạnh nhất và sắp xếp các quân cờ đó theo thế cờ khó mà bạn đang thắc mắc. Máy tính đi như thế nào để thắng bạn thì đó chính là cách để bạn phá thế cờ.

-Khi đã cảm thấy chán nản việc tập luyện cờ Tướng, bạn hãy đọc các bài thơ, văn về cờ. Hay nghe một bản nhạc nào đó giúp con người vực ý chí lên như bài “Khát vọng tuổi trẻ”.

Giọt Sương Đêm
04-04-2011, 06:38 PM
TÍNH CHẤT THIỀN TRONG CỜ TƯỚNG:
(Mình có rút ngắn và sửa một ít)
Ai cũng thấy người đánh cờ có những biểu hiện:
•Ngồi yên không di động.
•Im lặng không ồn ào.
•Gần như quên mọi thứ xung quanh.
•Tập trung tư duy cao độ liên tục vào vấn đề.
•Tìm mọi cách giải quyết vấn đề (cuộc cờ).
•Gần như "không biết" gì ngoài cuộc cờ
•Chỉ vạch ra một con đường quyết tiến.
•Không sợ hãi.
•Không biện luận.
Đánh cờ là một phương pháp :
•Phát triển trực giác.
•Luyện ý chí.
•Tạo dũng khí.
•Biết quên mình.
-Đó là những tính chất thiền trong cờ tướng, cũng giống như Thiền. Hàng ngày hay hàng tuần bạn nên dành chút thời gian đánh vài ván cờ. Ít nhiều bạn sẽ tránh được stress, gạt bỏ được lo toan, ồn ào của cuộc sống, công việc... Đã có nhiều kỳ hữu thức dậy từ 4 giờ sáng đi uống càfê và đánh một vài ván cờ trước khi đi làm. Những ván cờ buổi sáng này chỉ để giải trí. Việc tranh thắng bại không nên đặt nặng - Thắng cũng không vui, mà bại cũng không buồn. Thời gian thư giãn buổi sáng như vậy sẽ làm cho tâm hồn bạn thanh thản và tươi trẻ, trí lực ngày càng mạnh mẽ. Bạn sẽ nhận định tình hình, phán đoán sự việc nhanh chóng, chính xác có hiệu quả.
Đặc biệt thiền trong cờ tướng còn có tính nghệ thuật độc đáo : Đó là TƯ DUY ĐỐI THOẠI.
Tư duy trong thiền là độc thoại mà tư duy trong cờ tướng là tư duy đối thoại. Người đánh cờ phải suy nghĩ tính toán biết được cả hai phía - Biết mình và biết người (biết đối phương đang có âm mưu gì - đi con cờ nào? Nước nào? Như thế nào ? Sẽ ra sao ?). Chỉ nhìn vào cuộc cờ mà biết trong đầu đối phương đang toan tính những gì. Ngược lại đối phương cũng theo dõi cuộc cờ mà biết được ta đang có ý đồ gì.
- NGỒI YÊN KHÔNG DI ĐỘNG chứ không bất động tọa thiền.
Người đánh cờ không di động nhưng có cử động nghĩa là yên vị (tĩnh) đi cờ (động) - có tĩnh có động, nhờ vậy mà ngồi lâu cả ngày vẫn không mệt mỏi.
- IM LẶNG KHÔNG ỒN ÀO chứ không phải là nín thinh như trong tọa thiền - tức là tìm sự tĩnh mịch, bình yên.
- QUÊN MỌI THỨ XUNG QUANH chứ không vứt bỏ mọi thứ.
- TẬP TRUNG TƯ DUY nhưng không bị bức tường "không biết" chặn lại.
- KHÔNG BIẾT GÌ NGOÀI CUỘC CỜ chứ không phải "không biết".
- KHÔNG BIỆN LUẬN nhưng tranh luận.
- KHÔNG CHỈ VẠCH RA MỘT CON ĐƯỜNG QUYÊT TIẾN mà còn vạch ra con đường thoái thủ (Hòa cuộc). Tức là có cương nhu đầy đủ.
Nhờ có tính nghệ thuật uyển chuyển có tính hai mặt của một sự vật nên người đánh cờ không bị quẫn trí (tẩu hỏa). Còn người tập thiền nếu không có chân sư khai ngộ thì dễ bị quẫn trí vì không vượt qua được bức tường "không biết".
Có thể nói thiền trong cờ tướng là nhập thế hành đạo, còn thiền trong Phật pháp là xuất thế vô vi.
Nói cách khác cờ tướng là bộ môn nghệ thuật có tính chất thiền vì cờ tướng có dấu hiệu, ký hiệu nhất định để diễn tả và truyền đạt tình cảm, tư tưởng của con người đồng thời làm cho con người phần nào vơi bớt phiền não hoặc là quên đi phiền não cuộc đời.
Chính vì trong cờ tướng có tính chất thiền nên người xem (các bậc đạo cao đức trọng - tiên thánh) rất ham mộ nghệ thuật cờ tướng.
Tương truyền hai ông tiên say mê đánh cờ, có người phàm tục lại gần, mà không hay biết, đến lúc phát hiện người lạ, hai ông tiên vội vã biến vào quả quít (Quất). Tựa đề cuốn sách cờ tướng "Quân Trung Bí" là lấy từ điển tích này. Trong văn học cổ Trung Quốc như truyện : "Phi Long diễn nghĩa","Phong Thần", "Tây Du Ký" đều có diễn tả cuộc cờ của các bậc tiên thánh.
Ở Việt Nam những bậc văn nhân, thi sĩ có nhiều người làm thơ về cờ tướng như Bác Hồ kính yêu của chúng ta, cụ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương v.v... Những áng văn thơ về cờ tướng ngày càng phong phú cả hình thức lẫn nội đung. Những sách báo lý luận cờ tướng ngày càng nhiều.
Điều đó chứng tố không chỉ có giới bình dân, văn nhân thi sĩ mà cả thánh tiên cũng ham mộ cờ tướng. Như vậy, sự hữu ích của cờ tướng đối với con người không phái nhỏ.
(Trích sách "Cờ Tướng nghệ thuật thiền")

Dương Diên Hồng



CHƠI CỜ CÓ ÍCH LỢI GÌ?

-Câu này đã được trả lời rất nhiều lần trên báo chí, nhưng tiếc thay nó vẫn chưa trọn vẹn và đầy đủ, bởi vì mỗi câu trả lời thường chỉ đề cập đến một vài góc độ về lợi ích của cờ.
Chúng ta thử xem chơi cờ thật ra có những ích lợi gì, xét về mặt tổng thể:
Thứ nhất: Chơi cờ là một thú giải trí, thư giãn. Bạn đang làm việc mệt mỏi ư, hãy để đấy đã, làm một ván cớ, thế là bạn sẽ thấy thoải mái đầu óc. Bạn đang buồn ư, giở bàn cờ ra chơi với ban bè vài ván, bạn sẽ thấy phấn chấn vui vẻ hơn lên. Bạn đang rảnh rỗi, không biết làm gì ư, hãy sắp cờ ra, chơi chăm chú để giết thời gian. Cờ quả là một nguồn giải trí đẩy hứng thú và hấp dẫn. Mà cũng chính do sự hứng thú và hấp dẫn mà con người đến với cờ.

Thứ hai: Bạn tự tin mình là người tài giỏi, nhất là về mặt trí tuệ, thế thì bạn hãy thi đấu đi, để chứng minh mình là một nhà thể thao trí tuệ tài ba. Cờ là cuộc thi đấu rất sòng phẳng, công bằng. Cuộc đấu sẽ hết sức quyết liệt với kẻ ngang tài, ngang sức và khi giành được phần thắng, bạn thấy hả hê, sung sướng biết bao. Bạn đã tự khẳng định được năng lực, sức mạnh và tài nghệ của bản thân mình.

Thứ ba: Cờ là nơi sáng tạo nghệ thuật bởi vì mỗi một đòn phối hợp là do sự bài binh bố trận khôn khéo, tài tình, mỗi một nước chiếu là một cú đột phá táo bạo thông minh. Bạn có thể khôn ngoan tạo ra những cái bẫy chết người để đưa đối phương vào tròng và cũng có thể đang bị đối phương vây hãm chết tới nơi mà bất ngờ tìm được kế phản công, lật ngược tình thế, giành thắng lợi trước sự ngơ ngác, choáng ván của đối phương. Cờ quả là một nghệ thuật sáng tạo vô bờ bến. Dù có chơi cả trăm, cả nghìn ván thì vẫn không có ván nào giống ván nào. Cờ là một nghệ thuật biến hóa tới vô cùng.
Những con số thống kê cho thấy những người chơi cờ đều có chỉ số thông minh cao, tiếp thu kiến thức mới nhanh chóng, biết cách giải quyết tốt những vấn đề phức tạp, lắt léo (học sinh chơi cờ thường là học giỏi, nhiều em còn rất xuất sắc).

Thứ tư: Cờ chống lại được sự trì trệ, chậm chạp của bộ não. Nó giúp cho trí não được thường xuyên làm việc, tư duy sắc sảo, logic hơn, kích thích sự hưng phấn của não chẳng khác nào một loại biệt dược quý báu giúp cho não phát triển và hoàn thiện các chức năng của nó. Như đã nói, não là phần quý báu và quan trọng nhất của con người. Có một bộ óc thông minh không những được mọi người quý trọng mà còn giúp ích rất lớn cho con người suốt cả cuộc đời. Còn nếu anh là người có bộ óc chậm phát triển, đần độn thì đó quả là một tai họa. Trẻ con cần cờ mà người cao tuổi cũng cần cờ để máu luôn lên nuôi não, chống lại sự lão hóa. Cờ cũng là môn thể thao hoàn toàn không bị va chạm hay chấn thương cơ thể dẫn tới tàn tật hay nguy hiểm tới tính mạng.

Thứ năm: Cờ tạo cho người ta nhiều phẩm chất quý.báu như thói quen kiên nhẫn và bình tĩnh, tập trung tư tưởng, suy nghĩ chín chắn, sâu sắc, không bộp chộp vội vàng. Cờ giúp người ta có tầm nhìn xa vì phải tính trước nhiều nước. Chơi cờ đúng với ý nghĩa đích thực của nó sẽ khiến cho người ta khôn ngoan hơn, uyển chuyển hơn, hài hòa hơn, tinh thần hơn trong cuộc sống. Cờ sẽ hỗ trợ không nhỏ cho nghề nghiệp của bạn hay con bạn sau này, nhất là khi nghề nghiệp đó liên quan tới các hoạt động trí tuệ.

Thứ sáu: Cờ tạo cho người ta tư cách của một nhà thể thao, một tính cách cao thượng, một con người chân chính: biết thắng một cách trung thực và biết chấp nhận thua một cách đường hoàng. Không thèm "ăn gian" hay dùng các mánh lới xấu. Cờ là sự giao lưu, tiếp xúc với nhiều người. Từ tạo cho bạn cách cư xử lịch sự nhã nhặn. Cũng từ đó ban sẽ kết thân được với nhiều bạn bè ở mọi lứa tuổi, mọi nơi. Bạn bè luôn là một phần quan trọng của cuộc sống chúng ta. Nếu được tham dự các cuộc thi đấu trong nước và quốc tế bạn sẽ được đi tới nhiều miền đất lạ, thăm được nhiều di tích thắng cảnh, mở mang tầm hiểu biết của mình.

Thứ bảy: Cờ giúp bạn hay con cái, người thân của bạn tránh xa được những tệ nạn xã hội hiện nay như tiêm chích, hút hít, tham gia các loại băng đảng, lêu lổng, “nhàn cư vi bất thiện” làm những việc xấu xa, tệ hại hay vô bổ dẫn tới sự sa ngã, tự đánh mất cả một đời người.

Thứ tám: Cờ sẽ là một nghề nghiệp xứng đáng nếu bạn luôn chơi xuất sắc để thường xuyên được tham gia các giải quốc tế lớn, các giải siêu hạng, các cúp danh giá... với những giải thưởng rất lớn đủ nuôi sống cả đời bạn. Khi đó bạn sẽ trở thành nhà thể thao chuyên nghiệp và sống trong giàu sang, hạnh phúc như Anand, Kasparov, chị em nhà Polgar hay Lý Lai Quần, Từ Thiên Hồng, Lữ Khâm...

Nguồn: Sách "100 câu hỏi - đáp về cờ"

baonhat
04-04-2011, 11:23 PM
Bài viết hay lắm!
Tôi cảm thấy Nguyên thích hợp với công tác đào tạo đó

gianghd1606
05-04-2011, 05:30 PM
Bài viết rất hay và rất có hữu ích cho nhiều người đấy Nguyên à.

TCNguyen
06-04-2011, 12:48 PM
vâng cám ơn mọi người em cũng chỉ đánh máy lại sách vở trước đâu đọc được thấy hay, ngồi lục lại trong máy tính còn lưu thì post lại thôi ạ :D