PDA

View Full Version : "Ý nghĩa cuối cùng của đánh cờ độ"



trung9th
10-04-2011, 11:50 PM
"Ý nghĩa cuối cùng của đánh cờ độ"

Đọc trên mạng thấy có người hỏi về "Ý nghĩa cuối cùng của đánh cờ độ" (tức là đánh cờ lấy tiền-thường là cờ tướng) rồi thì bàn tán lam nham, người biết thì không nói, người nói thì không biết. Tôi viết cái này định cho bọn y đọc, may thì có người ngộ, bớt người mê. Xong thấy chắc gì có người hiểu đúng-rủi nó hiểu lầm lại mất công giải thích.Bèn cất mang về để đây, ai đọc chơi thì đọc.

ĐÁNH CỜ ĐỘ PHẢI NHÌN TỪ CÁC GÓC KHÁC NHAU và HIỂU ĐƯỢC ĐỐI TƯỢNG NÀO SẼ NHÌN THEO GÓC NÀO.

1. Đối với người đang rèn luyện cờ: Chơi cờ độ có 1 ý nghĩa duy nhất-giúp ván cờ có sự nghiêm túc. Vì mấy lẽ như sau: Một là nhiều khi chơi cờ ở ngoài đường, nếu không có độ thì người xem rất tự do chỉ trỏ, phải bảo là "đánh độ đấy" thì họ mới im được một lát. Hai là khi người luyện cờ chưa đủ mức độ trân trọng ván cờ, thì ván cờ không có độ rất nhạt nhẽo vô vị, rất khó tập trung.

2. Đối với người dùng cờ kiếm sống (thợ cờ): thì chả cần nói cũng biết, chơi cờ độ là lẽ sống của họ, chuyên nghiệp của họ. Họ không hẳn tất cả đều là người xấu, chẳng qua thời gian mà người khác đi học nghề này nghề kia, thì họ mê mải với những quân cờ, lúc chưa giỏi cũng có phen tốn tiền bạc vào trận cờ, giờ chẳng có cách kiếm sống khả thi, đành đi ngược lại con đường "nộp" lúc trước, tức là con đường "thu" bây giờ-mà vì không phải tất cả bọn họ đều giỏi, cho nên con đường "thu" này cũng chông gai lắm.
Là một sự bất công nếu ta rủ họ đánh cờ không có độ - cũng như tôi làm nghề vẽ, người dưng đến bảo vẽ hộ cái nhà, chắc tôi cười mỉm quay đi.

3. Đối với bọn tào lao chi khươn, trong đầu nghĩ đc 2-3 nước cờ, học đc 5-7 cái tên khai cuộc hay phi đao gì đó hay ho, lại làm quen thêm 5-3 anh cao thủ làm bùa cứu mạng (lỡ bị rủ đánh cờ tiền thì gọi cao thủ ra cứu ). Đôi anh trong nhóm này tự cho là hiểu về cờ và yêu cờ-chắc chắn không bao giờ đánh độ, vì các anh ý nói rằng đánh độ là nhơ bẩn nghệ thuật của các anh ý.

4. Đối với người trân trọng nghệ thuật cờ - khi đã trân trọng nghệ thuật cờ hẳn sẽ đủ bản lĩnh, trình độ tiếp các loại khách cờ: gặp thợ cờ sẵn lòng đánh độ vài ván để giao lưu-bất kể được thua, gặp bạn cờ sẵn lòng đánh vui-bất kể cao thấp, chỉ cần người đối diện cũng có thái độ trân trọng đúng mực.

Triết lí của Cờ rất rõ ràng, đơn giản-thấu triệt triết lí thì cũng tùy người mà trình độ cờ đạt đến giới hạn cuối cùng của bản thân họ, nhưng dù cao, dù thấp đều có quan niệm minh bạch. Không biết tại sao mà loại 1 thấy rất đông, nhưng ít thấy lên cấp, loại 2 thì nản học rẽ ngang, loại 3 thì nhút nhát không dám xông vào. Loại 4 thì chả mấy khi gặp.

P/S: Bài viết trên được copy từ trang TTVNOL (http://ttvnol.com).
Bài viết này xin phép anh Vũ Thiện Bảo - Go_player, tác giả bài viết được phép post tại đây.

skeleton
14-04-2011, 12:51 PM
CỜ TƯỚNG GIANG HỒ
Đã ngồi vào bàn cờ thì bất luận là công chức, viên chức hay giới xe ôm, cắt tóc đều bình đẳng để cùng được thoả cái thú “điều binh khiển tướng”. Nhưng giới hạn của niềm đam mê và trò cờ bạc thì mong manh, bởi người ta sẵn sàng chơi “độ” với nhau, nhẹ thì điếu thuốc, cốc nước, nặng thì những số tiền lớn. Chính vì “có màu” nên xuất hiện những “kỳ thủ” chuyên kiếm sống bằng việc chơi cờ ăn tiền. Và các sới cờ giang hồ cũng ra đời từ đó…

Những chuyện cười ra nước mắt

Chơi cờ tướng không tốn nhiều diện tích, chỉ cần đủ chỗ cho 2 người ngồi với một bàn cờ là đủ. Bởi thế, trong xã hội có nhiều người đam mê trò chơi trí tuệ này. Song vì phải lao tâm khổ tứ nên cũng có lắm chuyện dở khóc, dở cười…

“Làng cờ” từng kháo nhau một chuyện có thật: Hai bố con nhà nọ ở xứ Thanh vì mê cờ mà đưa nhau ra toà. Số là ngày nông nhàn, ông bố rủ con ngồi “giết thời gian”. Do con cao cờ hơn bố nên bố thường… về nhì. Bố cay cú đòi chơi tiếp để gỡ. Chơi đến quá ngọ, bụng réo ầm ĩ, con muốn nghỉ lắm nhưng bố cứ chúi vào bàn cờ. Bực quá, người con liền văng một câu: “Đầu ông đúng là chỉ để… gãi!”. Cơn giận bùng lên, người bố vác bàn cờ choảng cho con một phát khiến con lăn ra ngất, phải đưa đi cấp cứu. Sau khi xuất viện, người con nghe vợ xui bèn đâm đơn kiện bố đẻ “đánh người gây thương tích”…

Còn có chuyện một “ma cờ” ở Hà Nội, mê đến nỗi “cúng” hết gia sản cho một tay cờ độ chuyên nghiệp. Vợ con khuyên thế nào cũng không nghe, thế là một ngày nọ, Toà án gọi đến xử li dị. Tan cửa nát nhà, con cũng chẳng nhìn mặt cha, cơ quan thì cho thôi việc vì toàn “trốn việc quan” đi… chơi cờ! Thân bại danh liệt, bây giờ tay cờ ấy thỉnh thoảng vẫn lảng vảng quanh sới cờ phủi gần trường Trung Tự, xin “điếu thuốc, chén nước”…

Sóng gió trên bàn cờ

Thế gian có nhiều nghề để sinh sống, nhưng kiếm sống bằng cách lang thang chơi cờ phủi khó có thể gọi là nghề. Vậy mà nhiều người lại xem đó là “cần câu cơm”.

Với cao thủ giang hồ, tối thiểu cũng phải nắm được nghệ thuật đánh cờ chấp và cờ lừa. Khác với chơi tại kỳ đài hay các giải đấu, đánh cờ độ, cờ chấp, yêu cầu tối quan trọng là phải biết thủ dẻo, lạng khéo, đưa ván cờ đến chỗ phức tạp để đối phương “chẳng biết đằng nào mà lần”. Khi đối phương sai lầm là cơ hội của mình và phải nắm chắc rằng cũng là con xe, con pháo nhưng con xe, con pháo ở trong tay mình phải mạnh hơn con xe con pháo của họ…

“Buôn có bạn, bán có phường”, phần lớn cao thủ giang hồ thường tụ thành nhóm, để có thể cùng góp vốn độ một ván nhiều tiền. Nguyên tắc bất di bất dịch là “thắng cùng ăn, thua cùng chịu và có số đông khi biến cố xảy ra”. Với “công nghệ thịt gà, xẻ nai”, họ ít khi để cho ai thoát. Tuy nhiên, cũng có chuyện “ăn lẻ” như trường hợp một cựu đương kim vô địch quốc gia. Hồi năm 2000 – 2001, kỳ thủ này đơn thương độc mã kiếm tiền bằng cờ độ, từ Móng Cái đến Cà Mau, không kỳ đài nào chưa đặt chân đến, thậm chí còn sang cả Trung Quốc. Anh không sang Quảng Đông, nơi tập trung nhiều kỳ thủ Trung Quốc mà qua cửa khẩu Lào Cai đến đất Côn Minh (tỉnh Vân Nam), nơi có nhiều tay máu mê nhưng trình độ có hạn. Mỗi lần sang đất khách, anh lưu lại 3 đến 5 ngày, tuỳ theo số “khách giang hồ” kiếm được. Anh thường chọn khách sạn loại trung bình để nghỉ, đồng thời là địa điểm “làm ăn”, thuê thông dịch viên, còn nhờ họ bắt mối giúp. Do “biết mình biết người” nên thắng nhiều hơn thua. Mỗi chuyến trừ chi phí cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Giờ đã “rửa tay gác kiếm”, kỳ thủ này vẫn không quên những ngày bôn ba chốn giang hồ một thân một mình, luôn đối diện với hiểm nguy: nhẹ thì bị xù tiền, nặng thì bị “đòn hội đồng”, thậm chí bị lột hết những thứ có giá trị…

Giang hồ hiểm ác nên dù chính hay tà thì cũng khó có đất dung. Thế nên nhiều tay cờ độ chuyên nghiệp thường ăn non để tránh hậu hoạ. Song thực tế thì số người biết điều ấy không nhiều nên cờ tướng giang hồ luôn dậy sóng…

Ngàn lẻ một kế… gian lận

Trong giới giang hồ, những người chuyên bày cờ thế chỉ ở hàng “tiểu yêu”. Bởi lẽ, nếu có đẳng thì đã không chỉ kiếm tiền loanh quanh với dăm ba thế. Dù thuộc nằm lòng cách vận hành cũng như những biến thể, những nếu phải tỉ thí tay đôi, dân cờ thế chưa chắc đã ăn được người. Đó cũng là lí do các cao thủ giang hồ coi thường giới chơi cờ thế.

Ngay các cao thủ cũng không dám lộ mình mỗi khi đụng đối thủ mới mà thường đánh thăm dò, thậm chí thua một vài ván rồi mới tung độc thủ. Tuy nhiên, nhiều người dù trình thấp nhưng vẫn muốn lăn thân vào chốn giang hồ để mưu sinh. Muốn thế, bắt buộc họ phải dựa vào một cao thủ để làm người “gà bài”. Chả thế ngày xưa đã có chuyện vua nước Nam phải nhờ Trạng Cờ để thắng sứ thần Trung Quốc, chỉ chưa đầy 20 nước cờ đối phương đã chịu thua tâm phục khẩu phục.

Ngày nay, nhiều người trình thấp cũng dụng chiêu này. Họ chơi với “gà” trong khi “trạng” ngồi quán nước hay chỗ nào đó thuận lợi cho việc quan sát. Đôi này thống nhất ám hiệu như xoa đùi là bình (đi ngang), vuốt đùi từ dưới lên là tiến, vuốt từ trên xuống dưới là thoái. Về quân thì ám hiệu bằng tay: 1 ngón là con xe, 2 ngón là pháo, 3 ngón là mã, 4 ngón là tốt, 5 ngón là tượng, 6 ngón là sĩ, 7 ngón là tướng. Trong bộ ám hiệu, báo quân trước, báo nước đi sau và cuối cùng là vị trí đi. Ví dụ: “Trạng” giơ 1 ngón tay, xoè 4 ngón tiếp theo, sau đó xoa đùi, rồi lại xoè 5 ngón tay nữa, thế nghĩa là “xe 4 bình 5”… Sau khi “tập luyện” nhuần nhuyễn, đôi này bắt đầu tìm “gà” để “chăn”, để “gà” bị vét nhắn túi mà không biết mình bị “thịt”.

Còn nhiều cách “chăn” khá đa dạng trong giới cờ giang hồ. Và không ít người vì mê muội đến điên cuồng và vì thiếu hiểu biết mà bị vét sạch túi nhưng vẫn không hề biết mình bị bịp, còn “cay mũi” vì trình của mình thấp nên mới thua.

Thế giới 30 con cờ úp ngược

Trong làng cờ phủi, có 3 dạng: cờ sáng, cờ úp và cờ mù. Tuy nhiên giới giang hồ thường dùng cờ úp để kiếm ăn.

Cái may rủi đồng thời là sức hấp dẫn của cờ úp ở chỗ, chỉ trừ 2 con tướng được mở mặt, còn lại 30 quân kia đều giấu mặt. Sau khi các quân cờ kia được hai đấu thủ úp mặt xuống bàn, họ thay nhau xáo trộn trước khi đậy những cái nắp hộp màu đỏ để che kín con cờ. Họ đổi qua xáo lại lần nữa rồi mới sắp 30 con cờ đó vào các vị trí thông thường. Khi di chuyển, con cờ ấy mới được “mở mặt nhìn đời”, khi ấy, con pháo có thể trở thành con sĩ hay con xe… Và khi ấy các quân cờ mới bắt đầu được đi theo đúng cách đi của con cờ đó trong bàn cờ tướng. Thế là sĩ, tượng cũng được qua sông, có khi chỉ bằng một nước đi… Vì vậy, cờ úp biến hoá hơn cờ sáng nhưng yếu tố rủi ro cũng chiếm tới 30%.

Bởi tính bất ngờ của cờ úp nên việc các quân cờ có giá trị như xe, pháo sớm lộ diện ảnh hưởng rất lớn đến kết quả ván đấu. Cũng chính vì tính may rủi mà các kỳ thủ có thể đánh mãi không chán, có thể “xuống tay” độ đến vài triệu đồng một ván. Đối với dân cờ úp, trong các ván cờ chỉ có 3 phần may mắn, còn lại là tài năng. Hai đối thủ ngang ngửa nhau vẫn có thể ăn nhau cả chục ván, nếu gặp hôm “đỏ”.

Tuy nhiên, đã là cờ bạc giang hồ thì chẳng có gì gọi là “xanh – chín” cả, chủ yếu vẫn là lừa bịp. Bí quyết quan trọng nhất trong cờ úp là phải biết được quân xe, pháo sau khi úp nằm ở đâu. Có 3 cách để nhận biết, đó là điểm, mài và lên máy. Điểm đơn giản là đánh dấu lên quân cờ hoặc nắp hộp úp cờ. Còn mài cầu kỳ hơn, phải mài mấy con xe, con pháo thấp hơn con cờ khác 1 đến 2 mm, đủ để người dùng quen bộ cờ đó có thể nhận biết khi sắp cờ. Hai cách này đều có nhược điểm là phải sử dụng đúng bộ cờ đó mới có thể bịp được, chứ gặp bộ cờ lạ thì “bó tay”! Cách khó nhất thường chỉ cao thủ mới dùng là lên máy. Cách này có thể phân biệt trình cao hay thấp. Phàm đã là cao thủ thì dù có úp, xáo lên trộn xuống, đổi tay người khác xáo trộn, đậy nắp, thậm chí nhờ người khác úp, nhưng họ vẫn biết quân xe hay quân pháo nằm ở đâu. Nhưng cách này đòi hỏi cao thủ mắt phải nhìn cực nhanh, trí nhớ cực tốt. Khi chơi, dân lên máy thường đội mũ lưỡi trai sùm sụp để đối thủ không nhận ra mắt họ đang đảo như rang lạc!

Có lẽ, không có môn thể thao nào được “xã hội hoá” rộng như cờ tướng, bởi nó có mặt hầu khắp “hang cùng ngõ hẻm”. Có nhiều cao thủ cờ độ kiếm sống bền lâu với nghề, nhưng cũng không ít người gặp hệ luỵ vì trót quá đam mê…

Theo Việt Hà
(Nguồn: Báo Hà Nội mới cuối tuần)

hoàng trọng muôn - Ngày xuân kể chuyện cờ tướng giang hồ (http://hoangtrongmuon.blogtiengviet.net/2010/02/25/ngany_xuacn_kar_chuyar_n_car_tadar_ng_gi)