PDA

View Full Version : tượng kỳ trung phong



cothe1412
11-05-2011, 02:12 PM
"Tượng kỳ trung phong" một kỳ thư còn đầy bí mật!
Hồi thập niên 60, làng cờ TP bỗng xôn xao về một tài liệu cờ rất quí được phổ biến hạn chế trong một số cao thủ. Tài liệu được đánh máy chỉ dẫn cách chơi Thuận Pháo, chủ yếu là chiến lược hoành Xa phá trực Xa, không có tựa và cũng không có tên tác giả. Lê Thiên Vị có một bản tự đặt tên là “Kim cương chỉ lực", anh em làng cờ thi nhau mượn chép, học tập để nâng cao "công lực".
Ban đầu người ta cũng không rõ tài liệu này xuất phát từ đâu, sau hỏi mãi mới biết nó xuất phát từ một quyển "kỳ thư" của Phạm Tấn Hòa. Lúc đó trong làng cờ đang hâm mộ đọc sách của Vương Gia Lương, khen các quyển Tượng kỳ tiên phong và Tượng kỳ hậu vệ, còn quyển Tượng kỳ trung phong chỉ thấy quảng cáo chứ chưa thấy sách. Vì vậy nhiều người đặt dấu hỏi: phải chăng tài liệu được phổ biến được sao chép từ "Tượng kỳ trung phong"?
Tìm đến Phạm Tấn Hòa để rõ thực hư thì mới hay: Sách mất bìa, không có lời tựa hay lời giới thiệu; in tại đâu, năm nào và ai là tác giả cũng không rõ. Hỏi nguồn gốc mới biết năm 1963 Lý Chí Hải, kỳ vương Đông Nam Á vào thăm và thi đấu với các cao thủ của TP lần thứ hai đã mang vào. Cảm tấm thạnh tình của ông Hội trưởng Hội Cờ lúc đó là ông Nguyễn Văn Anh đối xử với mình nên khi về, Lý Chí Hải đã tặng cuốn sách này. Vì là sách in tại Trung Quốc nên sợ chính quyền Sài Gòn lúc đó làm khó dễ, Lý Chí Hải xé bỏ bìa, lời tựa, tên tác giả, rồi tháo rời tất cả ra để lót va-li. Không rõ khi tặng, Lý Chi Hải có nói tên sách, tên tác giả không, nhưng lúc đóng lại thì sách mang bìa giả và không ghi gì. Ông Hội trưởng sau đó đã tặng quyển sách này cho Phạm Tấn Hòa, rồi từ đó sách được phố biến bằng cách sao chép như vậy. Bí mật vẫn bao trùm quyển sách này từ khi xuất hiện cho đến tận năm 1985 khi Hội Cờ TP được thành lập lại.
Lúc này, Hội Cờ sưu tập tài liệu, sách báo và hình thành tiểu ban nghiên cứu, mới phát hiện ra một bài phân tích của Vương Gia Lương về ván đấu với Mạnh Lập quốc ngày 5-10-1962. Bài phân tích này có đoạn khen Mạnh Lập Quốc sáng tạo một phương án mới và nói nếu Mạnh chơi theo kiểu cũ thì sẽ kém phân. Vương Gia Lương dẫn cụ thể phương án cũ một số nước đi rồi viết: "Muốn hiểu rõ biến hóa thế nào thì xin đọc Tượng kỳ trung phong từ cuộc 12 đến cuộc 14". Đem quyển kỳ thư kia ra kiểm tra thì hoàn toàn đúng như Vương Gia Lương chỉ dẫn. Như vậy bây giờ đã rõ, sự dự đoán của anh em trong làng cờ kéo dài 20 năm, đã được xác minh, khẳng định. Đấy chính là quyển Tượng kỳ trung phong của Vương Gia Lương.
Trong khi mọi người đang hớn hở vì tìm ra "chân lý" thì có biết đâu ngay tại chính làng cờ ở Trung Quốc lại bị một hỏa mù bốc lên phủ lấy tác phẩm này mấy chục năm qua. Mãi đến tận ngày nay, các vấn đề cũng chưa sáng tỏ!
Sự việc như thế này:
Sau khi quyển Tượng kỳ trung phong ra đời được một thời gian thì bỗng trong làng cờ Trung Quốc người ta chuyền tay nhau đọc say sưa một quyển sách cờ có tựa là: Du hí đại toàn (gọi tắt là Du phổ). Đó là cuối năm 1962. Trong lời nói đầu, những người biên tập viết: "Đây là một quyển sách cờ ra đời trên dưới 600 năm do cố danh kỳ Vương Hạo Nhiên phát hiện, chỉnh lý và lưu giữ. (Vương Hạo Nhiên sống từ cuối thế kỷ 19 đến khoảng giữa thế kỷ 20, nổi tiếng cao cờ từ năm 1917, cùng Châu Hoán Văn, Trương Cẩm Vinh được tôn là "Dương Châu tam kiệt" - ND). Tác giả của Du phổ là Sơn dã cư sĩ thuộc dòng dõi của danh thần nước Tống là Khấu Chuẩn, đã viết cuốn cờ này khoảng cuối đời nhà Nguyên (1341-1367). Viết xong, đem tặng cho bạn là đạo sĩ Nhất Tùng. Đến đầu thời nhà Minh (1383) Nhất Tùng chỉnh lý, bổ sung rồi in ra 100 bản tặng lại cho bạn bè, từ đó lưu truyền đến nay".
Theo mô tả thì Du phổ có 8 tập gồm 237 ván cờ bàn và 200 ván cờ thế, trình bày như kinh Phật, khổ 18,5 x 26 cm gần giống như Quất trung bí loại cổ bản. Nói chung, qua lời nói đầu này những người biên tập trình bày, mô tả ti mỉ nhiều chi tiết để khẳng định đây là một tài liệu cổ thật sự và bác bỏ mọi nghi vấn có thể nêu ra. Đầu năm 1963, tạp chí Tượng kỳ nguyệt san ở Quảng Châu đem Du phố giới thiệu liên tiếp trong các số từ 4 đến 7 cho bạn đọc xa gần đều biết. Tất cả những việc này gây chấn động trong làng cờ Trung Quốc lúc bấy giờ. Vì đối với nhiều nhà nghiên cứu, việc phát hiện một tài liệu cổ cách đây trên 600 năm là một việc bất ngờ, mà nếu đúng thật thì rất đáng mừng rất đáng trân trọng. Còn đối với các tay cờ thì một dấu hỏi lớn đặt ra: Vì sao nhiều ván Thuận Pháo hoành Xa phá trực Xa giống y quyển Tượng kỳ trung phong của Vương Gia Lương? Và nếu đây là sự thật thì rõ ràng Vương Gia Lương đã sao chép "sách cổ" mà thôi! Một hỏa mù được tung ra từ đó, không ai biết "chân, giả" ra sao.
Vì thiếu thông tin, ở đây không ai rõ lúc đó Vương Gia Lương phản ứng như thế nào. Mãi sau này đọc được một bài viết đăng trong Bắc phương kỳ nghệ số tháng 6 năm 1981, chúng tôi mới thấy có bài của Bắc Lâm nêu trở lại "Chân tướng của Du Hí đại toàn". Chúng tôi dự đoán Bắc Lâm chính là Lý Đức Lâm, người cùng hợp tác với Vương Gia Lương biên soạn và xuất bản các quyến "Tiền phong - Hậu vệ và Trung phong".
Bắc Lâm đã viết như thế nào? Tất cả nội dung trên chúng tôi biết được đều từ bài viết này. Nhưng Bắc Lâm tế nhị khi nhắc đến họ người biên tập là họ Châu và họ Vương mà không nêu rõ tên để phê phán. Ông nhắc lại hồi năm 1963 khi Tượng kỳ nguyệt san giới thiệu Du phổ thì làng cờ xôn xao, nửa tin nửa ngờ và nổi lên nhiều cuộc tranh luận trong làng cờ. Đa số không tin vì đi sâu nghiên cứu nội dung thấy có nhiều vấn đề đặt ra để khẳng định Du phổ do Châu, Vương biên tập là nguy tạo chứ không phải cổ phổ như trong lời nói đầu giới thiệu.
Có ba lý do:

Trong Du phổ có 20 ván hoàn toàn giống với 20 ván Thuận Pháo in trong Tượng kỳ binh pháp xuất bản tại Hông Kông hồi tháng 11-54. Có lý nào một người cao cờ và biên soạn, trước tác sách có tiếng (muốn ám chỉ Lý Chí Hải) mà lại đem một cuốn sách cổ giá trị rất lớn làm thành tập sách nhỏ như vậy sao?
Nếu quả thật cố danh thủ Trấn Giang Vương Hao Nhiên có "Tàng bản Du phổ" thì hẳn nhiên hồi còn sống ông phải đọc kỹ và trong thi đấu ông sẽ vận dụng kiểu chơi này. Thế nhưng xem kỹ những ván cờ còn lưu lại của ông thì không thấy ông đã tiếp thu kinh nghiệm gì của quyển cổ phổ này.
Thời kỳ cuối của nhà Nguyên, sách vở, văn phong và phương pháp ghi chép lúc đó khác xa với phương pháp ngày nay. Ấy vậy mà nội dung, phương pháp của Du phổ rất giống ngày nay. Có thể nào như vậy được chăng?
Sau đó Bắc Lâm còn tường thuật rằng ngay từ tháng 8 năm 1964 ông đã đi nhiều nơi để điều tra, xác minh và cố tìm cho ra "tàng bản" nguyên bản. Thậm chí tìm gặp cả Trần Tùng Thuận, lúc đó là phó tổng biên tập của Tượng kỳ nguyệt san để thẩm tra, làm rõ sự thật. Thế nhưng các nhà biên tập lờ đi về yêu cầu cho xem nguyên bản và những người liên hệ dính dáng đến việc giới thiệu Du phổ không có người nào thấy tận mắt chính bản của nó.
Cuối cùng bài viết kết luận: "Đây là một vụ làm nhiễu loạn lịch sử cờ, dễ dàng cùng nói láo với nhau, gầy tác động tiêu cực cho lớp người sau vì ngộ nhận. Mặt khác cần thấy trong công tác khảo chứng chỉnh lý sách cổ, chúng ta cần nghiêm túc tôn trọng sự thật..."
Đó là ý kiến của Bắc Lâm, tiêu biểu cho nhóm "Hắc Long Giang" hay đúng hơn là nhóm biên soạn Tượng kỳ trung phong. Còn đối với những nhà nghiên cứu khác thì thận trọng hơn, không vội bày tỏ ý kiến. Đồ Cảnh Minh viết quyển Trung Quốc tượng kỳ từ điển đã nêu tên quyển Du hí đại toàn và xếp trên cả Mộng nhập thần cơ nhưng cuối cùng có nói: Chân giả hãy chờ khảo chứng thêm một bước.


Có thể quyển Tượng kỳ trung phong có mối "liên quan" sao đó với quyển Du phổ, Hội Cờ TP không đi sâu tìm hiểu mà chủ yếu nghiên cứu nội dung để đánh giá nhận định giá trị thực của nó.
Qua nghiên cứu, có thể khẳng định rằng: Tượng kỳ trung phong là một bước phát triển, nâng cao hơn nữa trình độ chơi Thuận Pháo của Quất trung bí chủ yếu là "Chiến lược hoành Xa phá trực Xa" hoặc nói khác hơn: Tượng kỳ trung phong đã tổng kết có hệ thống và rất phong phú thế trận Thuận Pháo hoành Xa phá trực Xa. Công lớn của nhóm biên soạn này là phân tích khá sâu nhiều phương án, nước biến và cũng xây dựng nhiêu đòn phối hợp kết thúc đẹp mắt. Sách rất phù hợp và hấp dẫn đối với những người mới học chơi, nhất là những người chưa có khái niệm rõ về chiến lược, chiến thuật sẽ mau tiếp thu các khái niệm này bằng những bài học cụ thể, sinh động.

ntcong8
11-05-2011, 02:53 PM
Tượng kỳ trung phong: cuốn sách nghe nổi danh từ lâu, nhưng đáng tiếc không có bán trên thị trường. Chỉ có Tượng kỳ trung phong tiếng trung [-(

cotuongvn
11-05-2011, 06:35 PM
Tượng kỳ trung phong: cuốn sách nghe nổi danh từ lâu, nhưng đáng tiếc không có bán trên thị trường. Chỉ có Tượng kỳ trung phong tiếng trung [-(

thực ra theo mình biết tk trung phong đã " gộp" trong cuốn thế trận thuận pháo cổ va hiên đại của bộ 4 tác giả trứ danh vn đó bạn.
còn tk tiền phong , hậu vệ thì ra nhà sách cũ kiếm hay gần đây thấy có tái bản mới rồi :d

ntcong8
11-05-2011, 06:57 PM
Cảm ơn bạn nhiều.

TCNguyen
11-05-2011, 10:00 PM
Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 3: "Thuận pháo vương"

Năm 1974, giới chơi cờ đồng cảm phục phong danh hiệu "Thuận pháo vương" cho kỳ thủ Phạm Tấn Hòa, một trong những tinh hoa của làng cờ tướng thành phố với bí kíp khai triển hai ngọn pháo xuất quỷ nhập thần.

Bí kíp lót vali

Năm 1959, kỳ vương Hồng Kông Lý Chí Hải sang Sài Gòn thi đấu, mang theo một cuốn sách quý về cờ tướng. Hồi đó, sách Trung Quốc bị cấm ở Việt Nam vì nhiều lý do. Để trót lọt, kỳ vương Hải đã phải tháo bỏ bìa sách, xé từng trang sách rời rạc đem lót dưới đáy vali, hành lý... xem như những tờ giấy lộn. Sang tới Sài Gòn, kỳ vương được kỳ thủ Việt Nam Nguyễn Văn Anh đãi đằng thân mật lắm, nói như ông Hòa thì "sáng cháo, chiều cơm, tối yến"... Cảm phục tình thâm giao, kỳ vương Hải gom những trang sách đó lại, tặng cho người bạn cờ Việt Nam. Ông Anh mới đóng lại thành một cuốn, coi như sách gối đầu giường.

Năm 1969, như duyên trời định, ông Anh tặng lại Phạm Tấn Hòa cuốn sách quý, thậm chí lúc đó ông Hòa cũng không biết nó tên gì nhưng ông dám chắc "ngoài tôi ra không ai có cuốn thứ hai". Đọc nghiến ngấu cuốn sách, ông Hòa thấy nó quá hay, biến hóa khôn lường, đặc biệt ông rất tâm huyết thế trận thuận pháo. Năm 1971, ông Hòa đã phần nào cảm nhận được tinh hoa của thế trận, bắt đầu sử dụng vào những ván cờ, qua đó chiếm nhiều thượng phong. Phải đến 3 năm sau, ông Hòa mới cho rằng mình tạm thời đã nghiên cứu và lĩnh hội xong cuốn sách, lúc đó ông mới biết tên nó là Tượng kỳ trung phong của soạn giả Vương Gia Lương người Trung Quốc.
Ông Hòa giảng giải: "Thuận pháo, hiểu nôm na là 4 con pháo của hai bên đứng cùng một phía của bàn cờ. Tôi đánh thuận pháo, cũng giống như người ta đá banh, sẵn sàng thủ hoặc tiến đôi công với đối thủ". Ông tâm đắc: "Trận thuận pháo, tôi sử dụng thoáng cờ, hoạt động được 2 xe, 2 pháo mạnh mẽ trong khi 2 ngựa tấn công không hiệu quả, đôi khi tôi để ở nhà".

Một thế trận, một đời người

Năm 1974, thế trận thuận pháo lừng danh bắt đầu đăng đàn. Trước giải, ông Hòa đã ngẫu hứng tuyên bố "tôi sẽ dùng thuận pháo để chiến đấu" nhưng các đối thủ dù biết vẫn không thể đối phó nổi. Và "pháo" đã giật đùng đùng! Ông Hòa oanh liệt hạ gục hết đối thủ này đến đối thủ khác để vô chung kết với cao thủ tiền bối Thanh Mai Phạm Nam Đài. Thuận pháo lại giành chiến thắng vang dội. Phạm Tấn Hòa chính thức đăng quang ngôi vị "Thuận pháo vương", qua đó ít nhiều làm lu mờ danh hiệu "Phi pháo vương" của danh thủ Trần Đình Thủy, một phần cũng vì trận "phi pháo" đã không còn bén nhọn, bị đối phương bắt bài nhiều.

Hai năm sau, trước một giải đấu khác, ông Hòa lại tự tin tuyên bố là mình vẫn dùng thuận pháo để chiến đấu. Dù theo ông, lúc đó các cao thủ người Hoa ở Q.5 đã có nhiều tài liệu nghiên cứu để phá thế trận này. Thực tế khi vô giải, đôi lúc thuận pháo đã không còn chiếm nhiều thượng phong ở khai cuộc và trung cuộc. Đến lúc này, bản lĩnh Phạm Tấn Hòa lại một lần nữa thể hiện ở chữ "nhẫn". Trận chung kết, mặc dù cờ về tới tàn cuộc với ưu thế thuộc về đối phương, pháo - ngựa - 3 chốt đối lại với bên Hòa chỉ có pháo - ngựa - 1 chốt nhưng ông Hòa vẫn thắng nhờ "mình chơi cờ tàn bén, yếu quân nhưng tiến công ráo riết nên giành thắng lợi".

Cờ là nghệ thuật - không phải nghiệp mưu sinh

Phạm Tấn Hòa sinh năm 1940 tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống yêu nước và yêu cờ. Ngôi nhà ông ở hiện nay ở đường Cô Bắc, Q.1, đã từng là nơi chứa vũ khí và nuôi dưỡng lực lượng cách mạng. Cha ông là Tư Ngọc, cao thủ cờ hạng tiền bối; chú ông là Năm Sáng cũng là bậc "thượng tướng" trong làng cờ; anh ruột ông là Phạm Tấn Nghĩa có biệt tài chơi cờ mù rất giỏi. Có lẽ do truyền thống vậy mà Phạm Tấn Hòa cũng như nhiều đồng môn danh vọng viên mãn hiện nay - không chú trọng cờ là nghiệp mưu sinh: "Tôi hay anh Tú, anh Vị đều có chung nguyên tắc lấy cờ làm nghệ thuật. Không lấy đó làm nghề kiếm sống".

Phải biết rằng, hoàn cảnh ông Hòa trước đây cũng giống với nhiều kỳ thủ đã trót vận vô "nghiệp cờ", đó là không có điều kiện học hành, thiếu bằng cấp bài bản. Nhưng lối thoát của ông lại hoàn toàn khác: "Nhà tôi trước rất khó khăn. Chơi cờ đã tập cho tôi tính kiên nhẫn, cũng vì đó nó giúp cho tôi tự học văn hóa rất nhiều". Trước năm 1960, Sài Gòn không có nhiều nhà máy, xí nghiệp, để xin được việc làm lúc đó là rất khó. Ông nhớ lại: "Hồi đó, kể cả người bằng cấp đàng hoàng, để kiếm việc làm cũng khó. Có kiếm được việc, mất trước 3 tháng lương tiền "cò" cho người giới thiệu là cũng mừng muốn chết rồi".

Nhờ người quen từ cờ, ông Hòa chẳng bằng cấp gì hết nhưng lại xin được vô làm một hãng dược phẩm của Pháp, cũng chẳng mất trước tháng lương nào. Ông kể: "Trước đó, tôi phải đi coi tiệm bán nón nỉ cho một chủ ở đường Nguyễn An Ninh, coi từ 7 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều, không có thời gian đi học". Tự trang bị cho mình kiến thức, ông Hòa đăng ký học hàm thụ, họ gửi bài vở đến cho ông qua đường bưu điện, ông vừa làm vừa học ở nhà. Rồi ông học thêm tiếng Pháp... "Tôi đến phỏng vấn xin việc với người phiên dịch. Ông chủ Pháp nói, tôi không quen nên nghe không được. Nhưng tôi nói, ổng nghe được. Tôi hứa với ổng, nếu được nhận vô làm, tôi sẽ rèn luyện tiếng Pháp hơn". Vậy là ông Hòa đậu.

Con ông Hòa giờ thành đạt lắm, 5 người thì ai nấy đều có bằng cử nhân, ông còn có đến 7 đứa cháu nội, ngoại. Giờ nghĩ chuyện xưa, ông thấy tự hào: "Nhớ lại quá khứ sao thấy khó khăn quá. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy tự hào về hồi đó, cũng nhờ làm việc cho hãng Pháp mà tôi có điều kiện đầu tư cho gia đình, dù tiền bạc không nhiều". Năm 1971, Phạm Tấn Hòa tham dự giải Tuệ Thành lần 2, vô tận trận chung kết gặp kỳ thủ khét tiếng Trần Đình Thủy. Trước giải, ông kêu thợ mộc tới, hỏi họ muốn nâng thêm cái gác gỗ cho căn nhà đang ở thì hết khoảng bao nhiêu tiền? Vợ ông mới càm ràm "ông bày đặt, tiền đâu mà sửa nhà". Ông Hòa cười, nói vợ rằng "tôi linh cảm sẽ có tiền".
Y như rằng, lần đó ông Hòa giật giải nhất, phần thưởng rất cao là một kim bài bằng vàng, khoảng 2 lượng. Số vàng đó, cộng với những lần đấu thắng giải chắt chiu được tiền thưởng, ông Hòa cất được căn gác gỗ. Chuyện đang rất vui, chợt ông Hòa chùng xuống, tiếc nuối cho lớp kỳ thủ đàn em: "Nhiều đứa coi cờ là nghiệp, từ cờ chuyển sang cả cờ bạc. Giờ dòm lại, không thấy anh nào khá cả. Đứa đạt giải nhiều nhất, được thưởng nhiều nhất lại là đứa nghèo nhất, nợ nần nhiều nhất". Nghe mà xót xa...

Gần 3 năm nay, "Thuận pháo vương" đã giã từ làng cờ để về vui vầy với con cháu, một phần vì mắt ông cũng đã mờ, không thấy đường vì bị "teo gai thị". Một ngày tháng 12.2008, tới thăm ông ở căn nhà nhỏ, gặp một phong thái đĩnh đạc, nói chuyện rất say sưa về cờ, về đời. Ông Hòa kể, hồi chưa hỏng mắt, thỉnh thoảng ông vẫn bày trận thuận pháo "chiêu đãi" anh em đến giao lưu, học hỏi. Thế trận vẫn vững mạnh như năm nào, dù tuổi ông đã cao...


(Sưu tầm)

sakuraminami
13-05-2011, 12:39 PM
hay thật,biết thêm nhiều điều về thuận pháo,mình cũng thích chơi thuận pháo nhưng chỉ thuộc được có biến đầu tiên trong quất trung bí àh =)),nhưng cũng bẫy được nhiều đồng chí lắm rồi :D

cotuongvn
13-05-2011, 01:13 PM
thuận pháo mà 2 bên cùng trình dộ thì bên di sau chỉ từ hòa tới thua thôi.
vậy lên các ván dâu quan trọng ít khi có thuận pháo.

sonhanh
08-07-2011, 01:37 AM
tượng kỳ hậu vệ sakuraminami post lên file cbr làm sao đọc được trên máy tính hả các bạn. tớ muốn in ra thành sách mà, các bạn giúp tớ với

sakuraminami
12-07-2011, 03:01 PM
dung ccbridge3.exe mà đọc bạn ah,không in ra thành sách được đâu :|