PDA

View Full Version : Thủ đoạn bác Chu



Thợ Điện
24-06-2013, 02:41 AM
Tháng 12 năm 1936, Tưởng Giới Thạch, người lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Đảng, bị bắt bởi một nhóm lính của chính ông, những người này bất bình với những chính sách mà ông đưa ra: thay vì chiến đấu với người Nhật vừa mới xâm lược Trung Hoa, ông lại tiếp tục cuộc nội chiến chống lại quân đội cộng sản của Mao Trạch Đông. Những người lính này không thấy có mối đe dọa nào từ phía quân của Mao Trạch Đông – quân Tưởng đã gần như hoàn toàn đánh bại được những người cộng sản. Thực tế, họ nghĩ Tưởng Giới Thạch nên liên kết lực lượng với Mao Trạch Đông để chống lại kẻ thù chung – đó là cử chỉ của lòng yêu nước duy nhất có thể làm được. Những người lính nghĩ khi bắt giữ ông họ có thể buộc Tưởng Giới Thạch thay đổi quyết định của mình, nhưng Tưởng Giới Thạch là một kẻ cứng đầu. Vì Tưởng Giới Thạch là trở ngại chủ yếu đối với cuộc chiến tranh đoàn kết chống lại người Nhật, vì thế những người lính cân nhắc liệu có nên xử tử ông hay giao ông cho người cộng sản.

Khi Tưởng Giới Thạch bị giam trong tù, ông chỉ có thể tưởng tượng ra viễn cảnh bi thảm nhất. Nhiều ngày sau ông được Chu Ân Lai đến thăm – ông này là một người bạn cũ của Tưởng Giới Thạch và hiện là một người cộng sản có quyền lực. Lịch sự và trân trọng, Chu Ân Lai biện minh cho một mặt trận thống nhất: những người cộng sản và Trung Hoa Quốc Dân Đảng cùng chống lại người Nhật. Tưởng Giới Thạch không thể lắng nghe những lời như thế, ông căm ghét người cộng sản tận xương tủy, và ông trở nên kích động cực độ. Ông la lớn, ký một hòa ước với người cộng sản trong tình thế này sẽ là nỗi sỉ nhục, sẽ làm ông mất đi tất cả danh dự trong quân đội của chính mình.

Không có gì phải bàn cãi. Hãy giết tôi nếu ông buộc phải làm như thế. Chu Ân Lai lắng nghe, mỉm cười, và hầu như không nói một lời nào. Khi cơn trách móc của Tưởng Giới Thạch chấm dứt, Chu Ân Lai nói với người đứng đầu của Trung Hoa Quốc Dân Đảng rằng nỗi lo lắng về danh dự là điều ông có thể thấu hiểu, nhưng thực sự điều danh dự mà họ cần làm là quên đi những điều khác biệt của hai phe và chung tay chống lại kẻ xâm lược. Tưởng Giới Thạch có thể lãnh đạo cả hai phe.

Cuối cùng, Chu Ân Lai nói, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng sẽ không cho phép những đồng chí của mình hay bất kỳ ai được quyền xử tử một người vĩ đại như Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch quá đỗi kinh ngạc và xúc động. Ngày hôm sau, Tưởng Giới Thạch được những người lính cộng sản hộ tống ra khỏi nhà tù, đưa ông lên một trong các máy bay của quân đội ông, sau đó gởi trả ông về trụ sở chính của mình. Dường như Chu Ân Lai đã tự mình tiến hành kế hoạch này vì khi những người lãnh đạo cộng sản nghe được tin này, họ vô cùng giận dữ: lẽ ra ông phải buộc

Tưởng Giới Thạch chiến đấu chống lại quân Nhật bằng không thì phải ra lệnh hành quyết ông ta – phóng thích Tưởng Giới Thạch mà không có sự đồng thuận là cực đỉnh của sự nhu nhược, và Chu Ân Lai phải trả giá cho điều này. Chu Ân Lai không nói gì mà cứ chờ đợi. Vài tháng sau, Tưởng Giới Thạch đã ký một hòa ước tạm nhưng chiến tranh lạnh và hợp tác với người cộng sản để chống lại Nhật. Có vẻ như Tưởng Giới Thạch đã tự mình đi đến quyết định này và quân đội ông đã tôn trọng quyết định ấy – họ không thể nghi ngờ động cơ của ông. Kề vai sát cánh bên nhau, những người theo Trung Hoa Quốc Dân Đảng và những người cộng sản đã trục xuất quân Nhật ra khỏi Trung Quốc.

Thế nhưng phe cộng sản, trước đó gần như đã bị Tưởng Giới Thạch tiêu diệt, lại tận dụng lợi thế trong giai đoạn hợp tác để hồi phục sức mạnh của mình. Khi quân Nhật đã rời khỏi Trung Quốc, phe cộng sản lại bất ngờ tấn công quân Tưởng và năm 1949, quân Tưởng bị buộc phải di tản khỏi địa lục Trung Quốc tới đảo Formosa, hiện nay là Đài Loan.

Lúc bấy giờ Mao Trạch Đông tới thăm liên bang Xô Viết. Trung Quốc bị chiến tranh tàn phá nặng nề và rất cần được sự giúp đỡ, nhưng Stalin lại dè chừng người Trung Quốc, và họ còn diễn giải cho Mao Trạch Đông nghe về rất nhiều những sai lầm ông đã mắc phải. Mao Trạch Đông phản biện lại. Stalin quyết định dạy cho nhà lãnh đạo non trẻ một bài học; liên bang Xô Viết sẽ không giúp đỡ Trung Quốc. Giận dữ sục sôi. Mao Trạch Đông cấp tốc cho gọi Chu Ân Lai đến vào ngày hôm sau và bắt tay ngay vào việc.

Trong những phiên đàm phán dài đằng đẵng, Chu Ân Lai chỉ ngồi thưởng thức rượu vốtca của nước chủ nhà. Chu Ân Lai chẳng bao giờ tranh luận và trên thực tế còn thừa nhận rằng Trung Quốc đã mắc nhiều sai lầm, và còn rất nhiều điều phải học hỏi từ những người Liên Xô dày dạn kinh nghiệm hơn: ông nói, “Thưa người đồng chí Stalin, chúng tôi là quốc gia Châu Á lớn đầu tiên tham gia hàng ngũ các quốc gia cộng sản dưới sự hướng dẫn của đồng chí.” Chu Ân Lai đã chuẩn bị tất cả mọi loại đồ thị và biểu đồ được trình bày trật tự vì biết rằng người Liên Xô rất thích những thứ như thế. Stalin chào đón ông nồng nhiệt.

Cuộc đàm phán được tiến hành suôn sẻ, vài ngày sau khi Chu Ân Lai đến Liên Xô, hai bên đã ký hiệp ước hỗ trợ lẫn nhau – một hiệp ước có lợi hơn nhiều cho Trung Quốc hơn là cho Liên Xô. Năm 1959, Trung Quốc lại lâm vào cảnh khó khăn cùng cực.

Chính sách Đại Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông, một nỗ lực nhằm phát động một cuộc cách mạng công nghiệp bất ngờ ở Trung Quốc đã trở thành một thất bại gây tổn hại nặng nề. Người dân giận dữ: họ thì đói khát trong khi những quan chức ở Bắc Kinh lại sống trong nhung lụa. Nhiều quan chức Bắc Kinh trong đó có Chu Ân Lai trở về quê quán của họ để cố gắng lập lại trật tự. Đa số họ đều thi hành bằng các khoản đút lót – hứa hẹn đủ điều – nhưng Chu Ân Lai lại làm khác: ông viếng thăm nơi chôn cất tổ tiên mình, nhiều thế hệ gia đình ông đã được chôn cất ở đây, và ông ra lệnh dỡ bỏ tất cả các nắp mộ và chôn các quan tài sâu hơn. Giờ thì khu đất này đã có thể được trồng để lấy lương thực.

Trong Nho Giáo,( Chu Ân Lai là một Nho tử ngoan đạo) điều này bị coi là phạm thượng nhưng mọi người đều biết hành động này có nghĩa gì: Chu Ân Lai sẵn lòng chịu đựng cho bản thân mình. Ai cũng phải biết hy sinh kể cả người lãnh đạo. Cử chỉ của ông quả là có tác động tượng trưng to lớn. Lúc Chu Ân Lai qua đời vào năm 1976, một đám tang quần chúng tự phát và phi chính thức dạt dào niềm tiếc thương đã khiến cho chính phủ Trung Quốc phải ngạc nhiên. Họ không hiểu làm thế nào mà một người chỉ đứng sau ‘cánh gà chính trị’, đã tránh sự tôn thờ của công chúng, lại có thể giành được niềm yêu thương lớn lao đến thế. Việc Tưởng Giới Thạch bị bắt giữ là một bước ngoặt trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc. Hành quyết Tưởng Giới Thạch có thể đã là tai hại: chính Tưởng Giới Thạch là người đã đoàn kết quân đội của Trung Hoa Quốc Dân Đảng lại với nhau, nếu không có ông họ có lẽ đã chia đàn sẻ nghé, tạo cơ hội cho quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc. Buộc Tưởng Giới Thạch ký hòa ước có lẽ cũng chẳng đi đến kết quả tốt hơn: ông sẽ mất mặt trước quân đội của mình, ông sẽ chẳng bao giờ trân trọng hòa ước đó, và sẽ làm mọi thứ có thể để rửa nỗi nhục của mình. Chu Ân Lai biết rằng việc hành quyết hay ép buộc một tù nhân sẽ chỉ tăng thêm sĩ khí cho kẻ thù và sẽ để lại những hậu quả không thể kiểm soát.

Ngược lại, dụ dỗ chính là một vũ khí dẫn dụ che giấu được nét dẫn dụ của chính nó, bạn sẽ có được chiến thắng mà không hề gợi nên ham muốn trả thù. Chu Ân Lai đã quyến rũ Tưởng Giới Thạch một cách hoàn hảo, tỏ ra tôn trọng Tưởng Giới Thạch, đóng vai kẻ dưới quyền, khiến Tưởng Giới Thạch chuyển từ cảm giác sợ hãi khi bị xử tử sang cảm giác thở phào nhẹ nhõm của sự giải tỏa bất ngờ. Vị đại tướng được phóng thích mà vẫn giữ được nguyên vẹn phẩm cách của mình.

Chu Ân Lai biết tất cả điều này sẽ khiến Tưởng Giới Thạch mềm lòng, gieo hạt giống của ý nghĩ cho rằng có lẽ những người cộng sản rốt cuộc cũng không đến nỗi tệ hại cho lắm, và rằng mình có thể thay đổi suy nghĩ của mình về phe cộng sản mà không hề tỏ ra yếu thế, đặc biệt là nếu ông đưa ra quyết định một cách độc lập thay vì là trong lúc còn ngồi tù. Chu Ân Lai cũng áp dụng cùng một triết lý cho mọi hoàn cảnh: hãy tỏ ra thua kém, không đe dọa và khiêm tốn. Điều này thì có gì là quan trọng nếu cuối cùng bạn có được điều mình muốn: thời gian để hồi phục sau cuộc nội chiến, một bản hiệp ước, uy danh đối với quần chúng.

Thời gian chính là vũ khí hiệu quả nhất mà bạn có. Hãy kiên nhẫn giữ trong đầu một mục tiêu lâu dài thì sẽ chẳng có người hay kẻ thù nào có thể cự tuyệt bạn. Và quyến rũ chính là cách tốt nhất để kéo dài thời gian, để gia tăng thêm lựa chọn của bạn trong bất kỳ tình huống nào. Thông qua quyến rũ bạn có thể dụ dỗ kẻ thù thoái lui, cho khoảng trống về tâm lý để hoạch định lên một kế hoạch tác chiến hiệu quả. Mấu chốt là khiến cho người khác xao động trong khi bạn vẫn cứ “phớt tĩnh ăng lê.” Họ có thể cảm thấy biết ơn, hạnh phúc, cảm động, tự kiêu – không có gì là quan trọng chừng nào họ vẫn còn cảm giác ấy. Hãy cho họ những gì họ muốn, thích thú với lòng vị kỉ của họ, làm cho họ cảm thấy họ cao trọng hơn bạn. Khi một đứa bé vớ được một con dao sắc bén, đừng cố lấy lại; thay vào đó, hãy bình tĩnh, cho đứa bé vài thanh kẹo, rồi đứa bé sẽ thả con dao mà bắt lấy miếng mồi hấp dẫn bạn chìa ra.(st)