PDA

View Full Version : 1. Sự cân bằng về lãnh thổ



Trùm cờ vây
06-07-2011, 02:53 PM
1. Sự cân bằng về lãnh thổ
Sự cân bằng về lãnh thổ, có thể hiểu là sự cân bằng về vùng đất chắc chắn của mình so với vùng đối thủ đã chiếm được. Điều này có thực sự quan trọng? Hẳn rồi, bởi vì người chiếm được nhiều lãnh thổ hơn ở cuối ván cờ là người chiến thắng! Sự cân bằng lãnh thổ ở giai đoạn trung cuộc tuy chưa mang tính quyết định nhưng rất quan trọng. Vì lẽ cờ vây là trò chơi chiếm đất, nên sự cân bằng về lãnh thổ luôn là nhân tố quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, cờ vây cũng là một trò chơi chiến lược, hiểu biết về sự cân bằng lãnh thổ là điều cực kì quan trọng khi vạch ra chiến lược. Hiểu rõ sự cân bằng về lãnh thổ giữa mình và đối thủ, bạn sẽ biết mình cần phải làm gì với những vùng đất tiềm năng và những vùng đất trống, đó chính là mục tiêu kế tiếp! Khi xác định được mục tiêu thì khả năng tìm ra chiến lược để giành thắng lợi là rất cao. Kì thủ chuyên nghiệp trong những trận đấu quan trọng luôn luôn để mắt đến sự cân bằng lãnh thổ, thậm chí ước lượng đất sau từng nước cờ. Bạn chưa cần phải làm được như vậy - nhưng chí ít khi đang giao tranh căng thẳng ở một nơi thì hãy chú ý không bỏ quên những vị trí khác. Sau mỗi trận đánh kết thúc và bạn và băn khoăn không biết làm gì tiếp theo, đó sẽ là lúc bạn bắt đầu chú ý ước lượng sự cân bằng lãnh thổ.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ước tính được lãnh thổ. Những vùng đất thường chưa có biên giới cụ thể ở giai đoạn trung cuộc nên rất khó để biết chính xác mình giành được bao nhiêu đất. Ta có thể ước đoán một cách tương đối về những gì sẽ xảy ra trong giai đoạn thu quan và qua đó xác định được giá trị cụ thể cho mỗi vùng đất, thông thường bằng cách ước lượng trung bình, nhưng ngay cả kì thủ chuyên nghiệp cũng không dễ để thực hiện được điều này một cách hoàn hảo, vì vậy nó đòi sự rèn luyện lâu dài và kiên nhẫn.

Chúng ta có thể ước đoán sơ bộ lãnh thổ, với những tính toán tỉ mỉ từ 5 đến 10 mục ở đây, hay 30 đến 35 mục ở kia, vân vân. Phương pháp này có thể hữu ích, nhưng nó khá mất thời gian và độ chính xác lại không cao. Chỉ cần một vài ước tính sai lầm là có thể phá vỡ sự cân bằng tổng thể từ 10 đến 20 mục hay nhiều hơn nữa. Nói như vậy để thấy việc tính toán chi tiết cũng không có nhiều hiệu quá lắm!

Cách đơn giản nhất để ước tính cân bằng lãnh thổ mà chúng tôi khuyến khích sử dụng trong giai đoạn trung cuộc là so sánh những vùng lãnh thổ chiếm được của Đen và Trắng. “Vùng này của Đen cũng ngang với vùng kia của Trắng; vùng đất này của Đen lại to bằng hai vùng đất kia của Trắng cộng lại”,..v.v.. Phương pháp này nhanh hơn bất kì phương pháp đếm đất nào khác và nó lại đủ chính xác để tránh phải mắc vào một chiến lược sai lầm toàn diện.

Nhóm dịch: Nhược Lạc, Mộc Miên, Chu Tước @ Thư Viện Cờ Vây (Thư viện Cờ Vây (http://www.thuviencovay.com))

Trùm cờ vây
06-07-2011, 02:54 PM
2. Nhiều lãnh thổ hơn - Chơi thận trọng
Lấy ví dụ từ ván cờ trong hình 1. Đây là diễn biến của Đen, hãy xét các vị trí tương đối của những quân tam giác để xem A hay B là nước thích hợp. Nếu là một kỳ thủ vội vàng, anh ta có thể chơi ngay tại một trong những điểm này. Điều gì sẽ xảy ra nếu Đen tính toán cân bằng về lãnh thổ?
Phía bên trên được chia thành hai phần. Đen có nửa bên phải, và nếu chúng ta xem như Trắng kiểm soát nửa bên trái thì hai vùng đất này là bất khả xâm phạm.

Trắng có một phần lãnh thổ ở phía dưới bên phải và khung đất phía dưới bên trái. Tuy không an toàn tuyệt đối, nhưng chúng ta không xét đến điều này mà hãy chú ý tới nhóm Trắng ở giữa. Đây là đám quân chết; Trắng rất khó để tạo được dù chỉ một mắt, chứ không nói đến tạo sống hai mắt. Do một điểm đất có được từ một quân tù binh sẽ được tính gấp đôi, nên đất Đen ở đây gần như to gấp hai lần so với những gì bạn thấy, đồng thời cũng lớn gấp hai lần so với đất của Trắng ở cả phía dưới bên phải và bên trái gộp lại. Đen vượt lên với một vùng lãnh thổ cực lớn.

Giờ chúng ta hãy quan sát động thái kế tiếp của Đen. Ở hình 2, Đen đi tại 1 (điểm A) thì thế nào?
Đây là một nước tấn công, nếu Đen chơi như vậy Trắng sẽ phản công bằng cách nhảy tại 2. Với một bức tường vững chắc bên phải, sẽ không hề khó hiểu nếu Đen bị vây bắt một đám lớn về sau. Thực tế Trắng sẽ thành công khi dồn Đen về phía nửa phải của bàn cờ tuy không chắc chắn anh ta sẽ thắng ván cờ này. Vấn đề là Trắng sẽ sử dụng những chiến thuật táo bạo, liều lĩnh, và nếu Đen lún sâu vào chiến lược đầy rủi ro này thì Trắng sẽ có cơ hội tổ chức cuộc tấn công mạnh mẽ đánh úp quân Đen. Kết quả cũng tương tự như vậy khi Đen chơi ở B trong hình 1.

Vậy Đen nên làm gì với quân tam giác của mình trong Hình 1? Sự thật là vì đã vượt trội về lãnh thổ, Đen hoàn toàn có thể hy sinh quân ấy. Đen có thể đi ở 1 và 3 như Hình 3. Nếu tiếp tục duy trì tinh thần đó và đi ở 5, 7 thì Đen sẽ thu được đất ở trung tâm để bù đắp cho phần đã mất. Đen khi ấy vẫn nhiều đất hơn Trắng. Nếu tránh những cuộc tấn công phức tạp và chơi như thế này thì Đen khó có thể thua.

Người Việt có câu nói: “Nhà giàu tiếc gì con lợn con”. Đối với một kỳ thủ đang dẫn đất đối phương thì điều quan trọng là nên cố gắng giữ nhịp thật tốt, duy trì sự ổn định trong ván cờ bằng những nước đi an toàn và đơn giản. Đối thủ của anh ta mới chính là người phải chiến đấu để giành lại lợi thế đã mất.

Nhóm dịch: Nhược Lạc, Mộc Miên, Chu Tước @ Thư Viện Cờ Vây (Thư viện Cờ Vây (http://www.thuviencovay.com))

2. Nhiều lãnh thổ hơn - Chơi thận trọng - Thư viện Cờ Vây (http://www.thuviencovay.com/Home/cach-choi-co-vay/can-ban-co-vay/tan-cong-phong-thu/nhieu-lanh-tho-than-trong)

Trùm cờ vây
06-07-2011, 02:55 PM
3. Ít lãnh thổ hơn - Chơi mạnh dạn
Tiếp theo chúng ta hãy cùng nghiên cứu những vị trí trong Hình 4: Trắng đi trước. Ai đang hơn đất vào lúc này? Trắng nên làm gì? Trắng cần cân nhắc ở A và B.
Trắng không thể sánh được với vùng lãnh thổ rộng lớn của đen ở góc trên bên trái, bởi vậy lúc này Đen đang dẫn trước đất. Vậy Trắng có thể cân bằng lãnh thổ khi cắt ở A (nước 1) trong Hình 5 hay không? Đen sẽ buộc Trắng chơi đến nước 11, sau đó phòng thủ bên dưới bằng nước 12. Đến lúc này thì lãnh thổ của hai bên so với nhau thế nào? Vùng lãnh thổ khá lớn Trắng vừa chiếm được biên phải tương đương với góc trên bên trái của Đen, nhưng ở phía trên góc phải Đen lại có nhiều đất hơn đám quân Trắng nhỏ cạnh bên. Đồng thời, ở biên trái, đất Đen lớn hơn Trắng, và tại vùng bên dưới, sau khi Đen đi nước 12 (Hình 5) thì lãnh thổ tại khu vực này của Đen cũng to hơn Trắng. Đen dẫn trước một cách đáng kể. Ta có thể thấy nếu để Đen phòng thủ ở nước 12 thì Trắng không thể thắng.

Nếu Đen có bất kỳ điểm yếu nào ở đây, thì đó chính là ở nhóm quân phía dưới bên phải, nơi tuy lớn nhưng lại mở bên dưới và chưa có hình mắt. Cơ hội duy nhất của Trắng là lợi dụng điểm yếu này, bỏ qua điểm cắt quá nhỏ ở A để chơi mạnh dạn hơn với nước đả nhập tại B. Từ B Trắng có thể thoát về một trong hai bên phải hoặc trái.
Xét Hình 6. Đây là một trong những ván cờ có thật của tác giả (Akira Ishida - người Nhật), và diễn biến ở đây chính là những diễn biến thật trong ván đấu. Trắng đả nhập tại 1. Đen để Trắng chạy về bên phải, chấp nhận hy sinh 2 quân để đi tiếp ở 10 và 12 trong sente (tiên thủ), sau đó thủ ở 14, nhưng vì Trắng chơi 15, Đen không chắc có hai mắt nên chưa thể nối tại A. Như thế Trắng đã xâm nhập thành công vào lãnh thổ của Đen. Sau đó vài nước, Trắng quay lại cắt tại A, và với những lợi ích thu được ở bên dưới của Trắng, ván cờ trở nên cân bằng hơn. Đen vẫn dẫn trước, nhưng Trắng đã có thể dồn đuổi đám quân yếu của Đen về phía trái, rồi sau đó đe doạ cả đám quân ấy lẫn góc dưới của Đen. Đen dưới sức ép đè nặng từ Trắng, đã phòng thủ không chính xác và bị mất góc. Chiến lược của Trắng được tưởng thưởng bằng chiến thắng.

Tấn công, đả nhập, và làm ván cờ trở nên phức tạp là chiến lược thường được sử dụng khi đang thua đất và ngược lại khi đang thắng đất. Việc tính toán cân bằng lãnh thổ và lựa chọn một chiến lược sao cho phù hợp không phải là khó, nhưng nhiều người chơi rất dễ mắc lỗi ở bước này.

Nguyên nhân có thể do họ quá mải mê nên bị mắc vào sự cuốn hút của cuộc chơi mà không kịp dừng lại để cân nhắc những gì thực sự diễn ra, nhưng cũng có thể họ bị thôi thúc bởi phản xạ tự nhiên của con người. Hầu hết các loài động vật, kể cả con người đều có một bản năng về lãnh thổ. Lịch sử nhân loại đã nhiều lần chứng kiến các cuộc chiến đấu tranh giành lành thổ. Con người luôn bị kích động nhất mỗi khi lãnh thổ, đất đai của họ bị đe doạ xâm chiếm. Chúng ta có thể thấy những bản năng này cũng xuất hiện trên bàn cờ vây.

Trên thực tế, có những kỳ thủ bảo vệ lãnh thổ của mình một cách cực đoan trước bất kì đợt tấn công nào của đối thủ. Họ quá thiên về phòng thủ, quên đi tấn công và rồi thường thất bại bởi sự rụt rè của mình. Mặt khác, chúng ta lại thấy những kỳ thủ luôn muốn nhấn chìm cả ván cờ, họ quyết không để cho đối thủ của mình có được bất kỳ một vùng lãnh thổ nào, họ thường kết thúc ván đấu với việc “chết rồng” (tức là chết một đám quân quá lớn) bởi cứ để cho đám quân phải chạy dài. Đấy là những sai lầm cơ bản thường thấy. Họ hiểu khái niệm lãnh thổ nhưng lại thiếu sự nhận thực đúng đắn về ý nghĩa của sự cân bằng trong cờ vây.

Nhóm dịch: Nhược Lạc, Mộc Miên, Chu Tước @ Thư Viện Cờ Vây (Thư viện Cờ Vây (http://www.thuviencovay.com))
3. Ít lãnh thổ hơn - Chơi mạnh dạn - Thư viện Cờ Vây (http://www.thuviencovay.com/Home/cach-choi-co-vay/can-ban-co-vay/tan-cong-phong-thu/it-lanh-tho-tan-cong)

Trùm cờ vây
06-07-2011, 02:57 PM
4. Cân bằng về sức mạnh
Giới thiệu
Như chúng ta đã biết sự cân bằng lãnh thổ trong trung cuộc không mang tính quyết định vì nó liên tục thay đổi. Điều gì tạo ra sự thay đổi đó? Kỹ năng và những thế mạnh khác của hai kỳ thủ là một yếu tố quan trọng, nhưng khi họ ngang sức với nhau, thì những sự thay đổi cân bằng lãnh thổ lại phụ thuộc vào sự cân bằng sức mạnh.

Kì thủ có khả năng cân bằng sức mạnh tốt là người xây dựng những nhóm quân mạnh hay có ảnh hưởng lớn. Họ luôn chủ động trong việc mở rộng lãnh thổ của mình, thu hẹp đất đối thủ và giành thế chủ động. Họ có thể chơi rất tự do, sáng tạo. Đối thủ của họ khi tạo ra những nhóm quân yếu hoặc bị vây chặt vào trong sẽ buộc phải phòng thủ, đồng thời cũng rất khó khăn trong việc mở rộng lãnh thổ hay tìm kiếm sự chủ động trong cuộc chơi. Nếu như sự cân bằng lãnh thổ chỉ ra mục tiêu của ván cờ, thì sự cân bằng sức mạnh lại là chìa khoá để ta đạt được mục tiêu ấy.

Đánh giá sự cân bằng sức mạnh dễ hơn ước lượng sự cân bằng lãnh thổ. Có thể vì vậy mà, khi được hỏi về người đang dẫn trước trong ván đấu, một kỳ thủ chuyên nghiệp Nhật Bản sẽ trả lời Đen hoặc Trắng đang atsui. Từ này nghĩa đen là “dày”, và “dày” trong cờ vây có thể được hiểu là thực lực, hay sức mạnh. Điều ông ấy nói đến ở đây là việc Đen hay Trắng đang có ưu thế, không nhất thiết phải cân bằng lãnh thổ ngay lúc đó, nhưng chính sự cân bằng về sức mạnh sẽ dẫn đến sự cân bằng lãnh thổ.

Sức mạnh có thể được sử dụng bằng nhiều cách khác nhau và rất khó để bắt đầu đưa ra ví dụ. Sau đây là ba trong số cách thức phổ biến nhất để tận dụng ưu thế về sức mạnh thường được sử dụng.
1. Tấn công
Hình 7. Đen đã để cho Trắng lấy đất hàng 5 ở phía trên, đổi lại Đen tạo dựng thế mạnh bên ngoài với tường dày. Cách Đen tận dụng thế mạnh này được chỉ ra ở Hình 8.
Hình 8. Đen nên tấn công và dồn Trắng về phía tường của mình; tiếp tục tấn công với 3 và 5, rồi khóa góc với 7. Thế này Đen sẽ chiếm được một vùng đất khá tốt mà Trắng khó có thể đả nhập. Tường dày mang lại lợi thế cho Đen, nhưng không phải ở ngay xung quanh, mà là cho những nơi khác trên bàn cờ. Đây chính là cách để nhận thấy thực lực hai bên.
2. Đả nhập
Hình 9. Đen cũng nắm giữ sự cân bằng sức mạnh ở chỗ này. Tường ngoài của Đen chắc trong khi đám Trắng phía trên thì thưa, nên trường hợp này đả nhập là tất yếu.

Hình 10. Đen vào ở 1, Trắng không còn cách nào khác là phải để Đen nối về với 3 và 5. Lợi thế sức mạnh của Đen đã hóa thành lợi thế về lãnh thổ.

Hình 11. Nếu Trắng cố bắt Đen bằng cách đi ở 1, Đen đi nước hane (nước bẻ đầu) ở 4, nối ở 6, cắt ở 8 và vị trí của Đen bỗng phát huy sức mạnh. Atari (nước bắt quân) ở 'a' cũng không xoay chuyển được tình thế, vậy nên 4 quân Trắng này chết.
3. Cắt và giao chiến
Hình 12. Tường ngoài của Đen rất dày và mạnh ở phía dưới bên phải. Thấy được điều đó, Đen nên chơi thế nào ở đây?
Hình 13. Đen nên cắt với 1 và 3. Với diễn biến từ 4 tới 10, Trắng hoàn toàn có thể thoát, nhưng đám Trắng vẫn yếu trong khi Đen lại dần mạnh lên vùng trung tâm. Nếu Đen tiếp tục tận dụng sức mạnh bằng cách đả nhập tiếp tại A, thì kết cục là sự hình cờ dày của Đen ở phía dưới bên phải sẽ mang lại thêm lợi thế cho Đen ở trên.

Ba ví dụ trên cho thấy người nào giữ được sự cân bằng sức mạnh có thể chơi rất mạnh mẽ. Cứ nhắm vào điểm yếu của đối phương và tấn công trước khi họ có cơ hội phòng thủ. Ngược lại, nếu bạn đang mất sự cân bằng sức mạnh, hãy chơi thận trọng và kiềm chế cho đến khi lấy lại được sự cân bằng sức mạnh.

Nhóm dịch: Nhược Lạc, Mộc Miên, Chu Tước @ Thư Viện Cờ Vây (Thư viện Cờ Vây (http://www.thuviencovay.com))
4. Cân bằng về sức mạnh - Thư viện Cờ Vây (http://www.thuviencovay.com/Home/cach-choi-co-vay/can-ban-co-vay/tan-cong-phong-thu/can-bang-ve-suc-manh)

Trùm cờ vây
06-07-2011, 02:58 PM
5. Một ví dụ về cân bằng sức mạnh
Hình 14. Đây là một ví dụ khác của tác giả người Nhật. Ở đây, không nghi ngờ gì nữa, Đen 1 hẳn là sai lầm, vì Trắng 2 đáp lại ở vị trí quá đẹp. Nước cờ này (Trắng 2) mặc dù không trực tiếp lấy đất, nhưng nó lại gia tăng sức mạnh cho toàn bộ đám quân ở nửa phải bàn cờ. Hơn nữa, với việc vô hiệu hóa tesuji của Đen ở A, Trắng 2 đã củng cố vị thế cho Trắng. Hơn nữa, từ đây Trắng giành được sente (tiên thủ).

Hình 15. Nếu Đen bỏ qua mà tiếp tụ với 1 ở góc trái bên dưới chẳng hạn, Trắng tiếp tục đè ở 2, 4 và 6, với mỗi nước như vậy đám trắng ở đây lại mạnh lên. Đen lúc này bị ép thành cụm hình lòng chảo và tầm ảnh hưởng bị gói gọn ở biên trái, trong khi tường Trắng lại chi phối đến 2/3 bàn cờ. Điều này không thể chấp nhận được.

Hình 16. Vậy nên người chơi đã dùng Đen 3 để đáp lại Trắng 2, và sự cân bằng sức mạnh gây áp lực lên cả hai phía, khiến cả hai liên tiếp đẩy về phía còn lại. Kiểu giao tranh này xảy ra thường xuyên trên bàn cờ. Tất cả những nước đi ở đây là cần thiết.
Bạn đọc có thể bày lại thế cờ này này và ở từng nước đi hãy suy nghĩ nếu bỏ qua nước đó thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Hình 17. Nếu Trắng không đánh ở 'a', Đen đi 1 và 3. Trắng hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Hình 18. Nếu Đen bỏ qua 1, Trắng atari và nối về.

Hình 19. Nếu Trắng bỏ 1, Đen quay lại đe dọa ‘a’.

Hình 20. Nếu Đen không đánh ở 'a', Trắng bẻ tại 1 và 3. Bất cứ tình huống nào trong bốn trường hợp trên cũng sẽ trở thành thiệt hại nặng nề nếu người chơi không thận trọng.

Hình 21. Nếu Trắng bỏ qua nước cuối của Đen ở hình 16, nước tiếp theo Đen sẽ kéo dài ở 1. Bên cạnh việc làm tăng ảnh hưởng và sức mạnh của quân mình, Đen còn chuẩn bị cho một mục tiêu tấn công mà hình tiếp theo đây ta sẽ rõ.

Hình 22. Đen 1 tesuji. Nếu Trắng không nhìn ra điểm này, các nước từ 3 đến 7 Đen sẽ thành tường và rào đám Trắng bên trong. Nếu điều này xảy ra Trắng nên đầu hàng; những nước ép trước đó của Trắng trở nên vô nghĩa.
Hình 23. Sau đen 7 Trắng sẽ không bỏ qua mà cắt ngay ở 8. Nó làm ta phải tính toán những nước tiếp theo một cách cẩn trọng (Đen 17 tốt hơn nên chơi ở 'a'). Mặc dù vậy, Trắng đã thành công trong việc đạt tới sự cân bằng sức mạnh tại vùng trung tâm và giành phần thắng ở cả ván cờ. Chú ý, nếu Đen chạy quân 11, Trắng sẽ xuống theo từ 14, sẵn lòng hy sinh 4 quân 10, 12, 16 và 18 để đổi lấy thế mạnh ở trung tâm.
Hình 24. Để so sánh, ta thử đặt giả thiết, Trắng đáp lại Đen 1 tại 2. Đen cứ theo đó đè xuống với 3 đến 7 rồi chiếm vị trí mấu chốt ở trung tâm tại 9, cơ bản là làm điều Trắng đã làm ở hình 23 bên trên (thật ra Đen 1 nên được chơi ở 9). Hình này, Trắng 2 giúp Đen tạo dựng khung lớn bao lấy vùng cánh trái, điều đó thể hiện sự thiếu sót trong việc đánh giá đúng tầm quan trọng của việc̣ cân bằng lãnh thổ. Trắng đã nắm chắc trong tay một vùng đất lớn ở góc trên bên trái, nên chiến lược của Trắng lúc này không nhằm vào việc chiếm thêm lãnh thổ mà là phá hủy thế mạnh của Đen ở vùng ngoài.

Bản năng của con người là khao khát thôn tính đất đai lãnh thổ và quyền lực. Lịch sử vốn chứa đầy những cuộc tranh giành lãnh thổ và quyền lực dai dẳng. Điều thú vị ở đây là giai đoạn trung cuộc trong cờ vây cũng y như vậy. Giữa đất đai và quyền lực, yếu tố nào quan trọng hơn, quả thật khó nói cho chính xác, có thể là cả hai đều quan trọng như nhau. Điều chúng tôi muốn nói đến ở đây là có tồn tại "cân bằng lãnh thổ" và "cân bằng sức mạnh" trong một ván cờ. Chúng ta hãy quan sát và lưu ý những chuyển biến liên tục giữa chúng, và từ đó vạch ra chiến lược phù hợp cho mình.

Nhóm dịch: Nhược Lạc, Mộc Miên, Chu Tước @ Thư Viện Cờ Vây (Thư viện Cờ Vây (http://www.thuviencovay.com))
5. Một ví dụ về cân bằng sức mạnh - Thư viện Cờ Vây (http://www.thuviencovay.com/Home/cach-choi-co-vay/can-ban-co-vay/tan-cong-phong-thu/vi-du-gia-tang-suc-manh)

uminhgiaochu
11-08-2011, 05:10 PM
Bài viết cực kỳ chất lượng về dịch thuật cũng như chuyên môn, phải tội thiếu mỗi cái hình minh họa zzzz