PDA

View Full Version : ‘Con nhím’ Điện Biên – ván cờ giữa tướng Giáp và Navarre



VNWin
16-10-2013, 06:55 AM
Vì sao Điện Biên Phủ – địa danh nằm cách xa khu căn cứ của Pháp và Việt Minh – lại trở thành điểm quyết chiến kết thúc cuộc giao tranh giữa ta và địch?

Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã buộc hơn 10.000 quân Pháp ra hàng, kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ. Điện Biên là trận quyết chiến quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, do đó hai bên đấu trí, đấu sức rất quyết liệt. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, xin được đề cập đến một khía cạnh những tính toán của đôi bên trước khi giao tranh diễn ra. Những chi tiết về diễn biến chiến dịch đã có nhiều sách báo đề cập nên trong bài viết không nhắc lại nữa.

Chấp nhận quyết chiến

Cuối năm 1953, phát hiện quân ta di chuyển lên Tây Bắc, tướng Henri ra lệnh cho Cogny – tư lệnh chiến trường Bắc Bộ, điều quân lên Điện Biên để ngăn chặn quân ta nhằm bảo vệ vùng Thượng Lào khỏi bị uy hiếp. Ngày 20/11/1953, Cogny tổ chức cuộc hành binh Hải Ly cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên. Liên tục sau đó, lực lượng quân Pháp đồn trú ở Điện Biên cứ tăng cường thêm. Đến tháng 12/1953 đã lên tới 6 tiểu đoàn.

Lúc đầu, Navarre chỉ coi Điện Biên là một cứ điểm bình thường để ngăn chặn một hành động quân sự của đối phương. Nhưng khi phát hiện thêm hai đại đoàn nữa là 308 và 312 đang di chuyển lên Tây Bắc, Navarre đã chú trọng tăng cường cho Điện Biên Phủ để nơi đây trở thành trận quyết chiến của hai bên. Trung tuần tháng 12/1953, Navarre thông báo cho quân đồn trú ở Điện Biên là ông ta chấp nhận cuộc giao chiến với Việt Minh tại đây.

Vậy, vì đâu dẫn đến sự thay đổi tư duy của Navarre? Các tài liệu của Pháp sau này chỉ ra rằng, quyết định này dựa trên các yếu tố so sánh lực lượng mà người Pháp thấy rất có lợi.

Trước hết, về hậu cần, trong khi quân Pháp có máy bay vận tải để tiếp tế Điện Biên rất nhanh chóng thì họ biết rằng quân Việt Minh chỉ có thể dùng sức người là chính vì đường sá tiếp cận Điện Biên rất xấu. Phép tính của người Pháp cũng không hề lầm lẫn khi họ biết rằng nguồn tiếp tế lương thực của Việt Minh chỉ có 3 nguồn: Khu 4, Việt Bắc, Trung Quốc. Cả 3 nguồn tiếp tế đó, khoảng cách quãng đường đến chiến trường từ 300 đến 400 km trong tình trạng đường rất xấu và dễ bị khống chế bằng không quân.

Hỏa lực là yếu tố quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Quân Pháp ở Điện Biên có máy bay ném bom ngay tại chỗ, lại có nhiều máy bay cất cánh từ Hà Nội, Hải Phòng có thể ứng cứu. Ngoài ra, còn có 24 khẩu pháo 105 mm và 4 khẩu đại pháo 155mm cùng gần 30 khẩu cối 120 mm. Trong khi đó, Việt Minh khó có thể đưa được pháo lớn vào đánh Điện Biên do khó khăn về đường di chuyển. Nếu như có thể đưa được vào thì phải đặt pháo ở sườn núi đối diện thung lũng mới đủ tầm bắn vào các cứ điểm vì thung lũng Mường Thanh dài 15 km và rộng hơn 5 km.

Với lực lượng pháo binh áp đảo, lại có riêng 2 máy bay trinh sát chuyên lo việc phát hiện trận địa pháo, trung tá Piroth – chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên tự tin hứa với Navarre rằng, sẽ tiêu diệt bất cứ khẩu pháo nào của Việt Minh sau 3 phút khai hỏa.

Bên cạnh ưu thế tuyệt đối về máy bay, Pháp cũng có ưu thế tuyệt đối về thiết giáp. Trong khi lực lượng Việt Minh chỉ là các đơn vị bộ binh thuần túy thì Pháp có ở đây 10 xe tăng. Địa hình bằng phẳng trong khu vực Điện Biên Phủ là một yếu tố địa lợi giúp quân Pháp phát huy ưu thế hỏa lực của máy bay ném bom, của xe tăng… còn Việt Minh thì không còn chỗ ẩn núp.

Bản thân cứ điểm Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm phòng ngự có hỏa lực mạnh. Toàn bộ khu vực gồm 49 cứ điểm được chia làm 3 phân khu. Các cứ điểm có sự liên kết chặt chẽ với nhau theo những tính toán rất chi tiết. Khi địch quân tấn công vào một cứ điểm, hỏa lực mà họ gặp phải không chỉ của bản thân cứ điểm mà còn có hỏa lực của các cứ điểm xung quanh cùng với bom của máy bay và pháo từ các trận địa trong trung tâm cứ điểm hỗ trợ.

Với những ưu thế đó, tướng lĩnh Pháp thậm chí lo lắng Việt Minh không tấn công thì công sức xây dựng cứ điểm Điện Biên sẽ vứt đi. Cuốn sách Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ của Jean Pouget kể rằng: Vào ngày 17/12/1953, Navarre cùng với Cogny lên thăm Điện Biên, ông ta tỏ ý rằng, cuộc chiến ở Điện Biên nếu xảy ra sẽ ác liệt, khó khăn hơn ở Nà Sản. Nhưng Cogny ngay lập tức đứng lên phát biểu thay mặt cho toàn bộ tướng lĩnh ở Điện Biên. Cogny nói: “Về phía ta, vị trí phòng ngự của chúng ta cũng mạnh hơn Nà Sản nhiều. Pháo binh của ta không chỉ mạnh hơn mà còn được đặt ở vị trí hoạt động có hiệu quả hơn. Quân Việt Minh phải vượt 500 kilômét đường bị ném bom để có thể tới đây. Không nên làm điều gì để Việt Minh không tiến đánh”.

Không chỉ Cogny, hơn 50 tướng tá và chính khách của Pháp, Mỹ đến thăm Điện Biên đều cho rằng đây, là một pháo đài “bất khả xâm phạm”. Niềm tin đó được người Pháp duy trì cho đến trận mở màn của Việt Minh đánh vào Him Lam ngày 13/3/1954.

Tử huyệt của “con nhím” Điện Biên

Quyết tâm tiêu diệt Điện Biên Phủ để tạo bước ngoặt trong kháng chiến, Trung ương Đảng đã động viên cả nước vào cuộc chiến. 260.000 dân công được huy động phục vụ chiến dịch. Gần như toàn bộ lực lượng quân đội chủ lực được tung vào trận.

Trong khi Pháp rất sung sướng vì chiếm mọi ưu thế thì Tướng Giáp cũng đã nhanh chóng nhìn thấy cơ hội chiến thắng của mình. Trong hồi ký Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, ông viết: “Chúng ta đã nhìn thấy hai nhược điểm lớn của “con nhím” Điện Biên Phủ. Trước hết là tính cứng nhắc và thụ động của hệ thống phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm mà quân địch đã lựa chọn. Tập đoàn cứ điểm là một kết cấu chặt chẽ của nhiều cứ điểm, nhưng trong thực tế, vẫn là những cứ điểm tách rời. Quân địch ở đó tuy đông, nhưng khi một cứ điểm bị tiến công thì lực lượng đối phó chủ yếu vẫn là lực lượng của bản thân cứ điểm, cộng thêm với sự yểm trợ hỏa lực từ xa, và sự can thiệp của một lực lượng quân ứng chiến không đông mà ta có điều kiện để hạn chế. Nhược điểm này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt từng cứ điểm do ta lựa chọn, vào thời gian thích hợp.

Thứ hai là tính cô lập của bản thân “con nhím Điện Biên Phủ”. Điện Biên Phủ nằm chơ vơ giữa vùng rừng núi mênh mông đã hoàn toàn giải phóng, rất xa những căn cứ hậu phương, nhất là những căn cứ không quân lớn của địch, mọi việc tăng viện và tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Nếu đường không bị hạn chế hay cắt đứt nó sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu. Khống chế sân bay, hoặc cắt đứt sân bay Mường Thanh không còn là điều khó khăn với bộ đội ta hiện nay”.

Bên cạnh đó, Tướng Giáp còn giữ được 2 bất ngờ để “tặng” quân Pháp khi nổ súng khai hỏa. Đó là lực lượng pháo binh và pháo cao xạ. Sự xuất hiện của pháo mặt đất hạng nặng (105 mm) và pháo cao xạ đã làm mọi tính toán của Pháp đảo lộn. Cầu hàng không – con đường tiếp tế duy nhất cho quân Pháp ở Điện Biên bị cắt đứt vì pháo mặt đất của Việt Minh từ trên núi bắn phá sân bay khiến máy bay không lên xuống được. Khi quân Pháp quyết định thả dù thì bị pháo cao xạ bắn quyết liệt khiến hoạt động này không thu được bao nhiêu kết quả. Phần nhiều dù rơi vào trận địa của Việt Minh. Bị khống chế về hậu cần là một nguyên nhân khiến quân Pháp thua trận Điện Biên.

Thế giới bàn gì về Chiến thắng Điện Biên Phủ?

Ý chí sắt đá và tinh thần hy sinh quật cường của quân, dân ta đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Không chỉ đánh đuổi quân đội viễn chinh của Pháp ra khỏi bán đảo Đông Dương, chiến thắng Điện Biên Phủ còn là loạt pháo mở đầu báo hiệu sự sụp đổ vĩnh viễn của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, khiến báo chí và dư luận quốc tế không khỏi kinh ngạc và than phục.

Theo Nhân Dân, trong bài viết “Nguyện vọng của nhân dân Việt Nam” trên báo Sự Thật (Liên Xô) ngày 8/5/1964, tác giả A.Phi-líp-pốp khẳng định: Chữ Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và bất khuất của nhân dân Việt Nam.

Báo Tiếng nói nhân dân (An-ba-ni), ngày 7/5/1964 cũng ca ngợi: Thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn nhân dân Việt Nam và trong phong trào giải phóng dân tộc và chống đế quốc Mỹ ở Đông – Nam Á. Một dân tộc dù nhỏ bé vẫn có thể đánh bại kẻ thù dù lớn mạnh và hung bạo, nếu dân tộc đó có tinh thần cách mạng, được sự lãnh đạo của một đảng cách mạng, biết đoàn kết đấu tranh cho độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội, chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân và được nhân dân thế giới ủng hộ.

Năm 1974, nhân dịp Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm Cu-ba, đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô phát biểu: “Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường, vạch ra chiến lược, chiến thuật và đã không tính toán quá nhiều về những vũ khí mà nhân dân Việt Nam có trong tay. Người biết rằng Việt Nam có một đảng, có một tổ chức quần chúng, có lòng yêu nước và có lẽ phải. Vì vậy, năm 1946, lúc đế quốc Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, Người đã nói ai có súng thì dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Một dân tộc hầu như không có vũ khí đã khởi đầu cuộc đấu tranh như vậy mà… kết thúc với chiến thắng hết sức quan trọng ở Điện Biên Phủ”.

Nhân dịp kỷ niệm 57 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2011), báo Pasason, cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, số ra ngày 6/5 cũng có bài viết với nhan đề: “Thế giới mãi ghi nhớ chiến thắng Điện Biên Phủ” ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tờ báo khẳng định, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ làm “rung chuyển cả thế giới,” Đảng Cộng sản Việt Nam đã quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân theo tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tờ báo khẳng định.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình, sáng tạo của Đảng, nhân dân Việt Nam một lòng đi theo Đảng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trên mọi chiến trường, trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu, mở ra một thời kỳ mới cho đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Vào năm 2004, Thời báo Nhật Bản cũng có bài viết đánh giá cao vai trò chỉ đạo chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng nhất sau Chiến tranh thế giới II.

“Chiến thắng này đã dẫn đến việc chấm dứt ách cai trị kéo dài gần một thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam. Ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đại diện của ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia cùng đại diện của Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành hội nghị tại Geneve để xác định tương lai của Đông Dương”, tờ báo nhấn mạnh.

VŨ TIẾN ĐỨC (KIẾN THỨC)

Chiến tranh Việt Nam (http://chientranhvietnam.wordpress.com/2013/06/28/con-nhim-dien-bien-van-co-giua-tuong-giap-va-navarre)