PDA

View Full Version : Những người thầy của Qtđs Mai Thanh Minh



trung_cadan
12-10-2014, 10:23 PM
NHỮNG NGƯỜI THẦY CỦA QTĐS MAI THANH MINH

http://d.f21.photo.zdn.vn/upload/original/2014/10/12/22/15/3086408641_718372489_574_574.jpg (http://me.zing.vn/jpt/photodetail/bachdienthusinh6789/3086408641)

Danh kỳ Mai Thanh Minh là một người hiền lành, dễ mến và rất kiệm lời. Anh Minh chỉ tâm sự và trãi lòng với bạn bè trong những cuộc vui trà dư tửu hậu, có một lần tôi hỏi : - Trước khi nổi tiếng anh đã tầm sư học cờ với những danh thủ nào ?. Anh đã trả lời : - Trong cuộc đời của tôi, tôi có may mắn là đã được rất nhiều danh thủ chỉ dẫn cho tôi ít, nhiều và tôi luôn biết ơn họ. Tuy nhiên để thành danh như ngày hôm nay có dấu ấn của 3 danh thủ mà tôi kính trọng gọi là THẦY đều là những người cờ cao - đức trọng và tôi học mỗi người một sở trường khác nhau. Vế cờ tàn tôi học thầy Lý Anh Mậu, trung cuộc sát đấu và cờ chấp tôi học thầy Phạm Thanh Mai, còn về khai cuộc thì tôi học thầy Thái Văn Hiệp vì thầy có đủ tài liệu về sách cờ, lúc đó sách cờ rất quý và thông tin tài liệu để photo rất đắt và không rộng rãi như bây giờ, muốn học phải chép mỏi cả tay. Anh cười xòa : - Bây giờ tụi nhỏ học cờ sướng quá không như ngày xưa...

LÝ ANH MẬU : TÀN CUỘC
Lý Anh Mậu sinh năm 1926 là con của một viên chức làm ở Sở Kiểm Lâm Biên Hòa,. Ông là em ruột của nhà văn nổi tiếng Lý Văn Sâm, cả 2 anh em sinh ra và lớn lên ở Bình Long, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Biên Hòa cũ nay là thị trấn Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai. Có người nhầm lẫn quê của Lý Anh Mậu ở huyện Tân Uyên trước thuộc Biên Hòa nay phân về tỉnh Bình Dương. Bởi làng cờ xưa nay không ai nghĩ ông là người Bình Dương mà vẫn gọi ông là "Vô địch Biên Hòa" và gọi thân mật ông là Lý Anh Mô. Từ 1956 ông về cư ngụ lâu dài ở sau tòa hành chính Gia Định, gần chợ Bà Chiểu, nên làng cờ liệt ông vào hàng cao thủ của đất Gia Định.
Thuở nhỏ Lý Anh Mô theo học ở trường tiểu học Biên Hòa và bắt đầu học chơi cờ chủ yếu tự mày mò nghiên cứu từ các bài báo in trong quảng cáo của nhà thuốc Võ Văn Vân, Lý Anh Mô kể lại :
"Hồi đó khoảng năm 1939-1940, gần nhà có một ông phú hộ rất mê cờ nhưng không đọc được chữ quốc ngữ. thấy tập quảng cáo của nhà thuốc Võ Văn Vân có in những bài viết dạy cờ, ông ta đưa tiền cho tôi mua giùm cho ông ta học, Hàng tuần, cứ mỗi sáng thứ bảy, tôi phải đi xe đạp từ thành phố Biên Hòa xuống Đa kao - Sài Gòn mua một quyển, xong quay trở về, đường đi về dài trên 60km..."
Mới 14-15 tuổi đầu mà phải đi xe đạp một quãng đường dài như thế, Lý Anh Mô không hề phàn nàn mà còn tỏ ra rất phấn khởi. Thì ra chú nhóc con này còn mê cờ hơn ông phú hộ nọ, đam mê nghiên cứu các bài dạy cờ, dịch từ Quất Trung Bí và Mai Hoa Phổ. Nhờ vậy Lý Anh Mô sớm lĩnh hội tinh hoa của nghệ thuật cờ tướng và nhanh chóng trở thành một tay cao cờ. Thời ấy khắp xứ Biên Hòa không ai địch lại ông. Đầu năm 1943, vừa đúng 17 tuổi, hùng tâm nổi lên Lý Anh Mô xuống Sài Gòn tìm Hứa Văn Hải để thử tài. Kỳ vương Hải thông cảm tính khí bồng bột của anh bạn trẻ, không hề giận mà còn tỏ ra thương mến, đem một số tài liệu quý lưu giữ từ lâu của mình giao cho Mô (việc làm rất hiếm thấy) mong muốn Mô sẽ thay mình thống lĩnh làng cờ. Năm 1946, Lý Anh Mô thủ đài ở sòng bạc Đại Thế Giới thỉnh thoảng có dịp giao đấu cùng Hà Quang Bố và được ông dạy cho nhiều bài học nhớ đời, Và cũng nhờ đó mà giáo Bố rất thương và chỉ dẫn cho Lý Anh Mô như một đệ tử thực thụ của mình. Trong gần 10 năm thủ đài, Lý Anh Mô đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt phát triển quan điểm coi cờ là nghệ thuật cao quý, đòi hỏi là phải chơi cho đẹp, tức là phải chiến thắng đối phương nhưng không chiến thắng bằng bất cứ giá nào. Nhiều trường hợp phải chiến thắng bằng cách phối hợp các quân, tạo ra một nghệ thuật phối hợp liên hoàn chứ không chiến thắng bàng mọi thủ đoạn và danh thủ Mai Thanh Minh đã thấm nhuần triết lý người thầy của mình cho đến tận cuối đời.
Lý Anh Mô có nhiều đệ tử, nhưng công đóng góp đáng ghi nhận nhất của ông là để lại cho đời hơn 10 quyển sách nhằm phổ cập cờ tướng cho đông đảo người chơi. Nhiều tay cờ trẻ của thập niên 60 của thế kỷ trước nhờ học sách của ông mà lĩnh hội được tinh hoa của cờ và sau này đã trở thành cao thủ như Lê Thiên Vị, Dương Thanh Danh, Mai Thanh Minh .... Cũng như Thái Sanh Bính , ông đã cố gắng đưa lý luậ vào cờ tướng ông gọi là "Kỳ lý", để hướng dẫn người chơi có những "nguyên tắc" phải tuân thủ khi đánh cờ. Phần lý luận này thực sự chưa được đào sâu, tính tổng kết còn hạn chế, nhưng cách đây nữa thế kỷ mà nêu được như vậy đã là một cố gắng rất đáng khen.
... Ông không lập gia đình, cả cuộc đời dành cho cờ.... Ông mất vào cuối năm 1978 sau một cơn tai biến mạch máu não để lại sự ngậm ngùi thương tiếc cho người thân và bạn bè.

KỲ VƯƠNG PHẠM NAM ĐÀI : TRUNG CUỘC SÁT ĐẤU
Ông sinh ngày 19/10/1918 tại xã Yên Để, huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) tỉnh Thái Bình, tên thật là Nam Đài, tên tự là Thanh Mai, là con trai của cụ Phạm Mộng Châu. Khi đánh cờ , ông thường dùng tên tự nên Phạm Thanh Mai nhiều người biết hơn là Phạm Nam Đài. Cụ Phạm Mộng Châu là người theo nho học, trước CMT8 cụ có làm chánh tổng ở quê nhà, vì vậy nhiều người biết đến với cái tên cụ Chánh Kiều. Do đam mê chơi cờ, thời làm quan cụ dành nhiều thời gian nghiên cứu cờ thế giang hồ, đặc biệt nghiên cứu quyển Bách cuộc tượng kỳ phổ nên cụ am tường tất cả các thế biến của những ván cờ thế trứ danh. Nhờ vậy khi di cư vào Nam, không có việc làm, cụ lấy việc bày cờ thế làm kế sinh nhai. Có thể nói đa số những người bày cờ thế có nhiều thủ đoạn gian trá để lừa gạt những người cờ kém để ăn tiền. Nhưng trường hợp cụ Mộng Châu thì rất cá biệt, cụ đi giang hồ kiếm sống nhưng cũng chơi vì nghệ thuật, ai nghiên cứu sâu thì chiến thắng và cụ chấp nhận chơi một cách sòng phẳng. Cụ không bày cờ thì thôi, chứ khi chơi , cụ rút từ tay nãi ra bày 4-5 thế.
Phạm Nam Đài từ nhỏ đã được cha giáo dục theo nho giáo rất nghiêm khắc đồng thời cha cũng dạy cả việc chơi cờ. Đối với cờ thì Thanh Mai tỏ ra rất có năng khiếu, còn tư tưởng nho giáo cũng đã rèn luyện cho ông kiểu chính nhân quân tử của thời xưa.....
Phạm Thanh Mai là người có tư chất thông minh, lúc chưa đầy 15 tuổi ông đã nổi tiếng cao cờ khắp làng, đánh thắng nhiều cao thủ tên tuổi cùng quê. Năm 1953, hãng bào chế thuốc bắc Việt long muốn quảng cáo thuốc của mình, đã đứng ra tổ chức giải vô địch cờ tướng tại thị xã Nam Định, Phạm Thanh Mai tham dự và đoạt giải quán quân, nhân đấy tên tuổi của ông bắt đầu nổi lên ở các tỉnh phía Bắc, Năm 1954 , ông ra Hà Nội tham dự một giải cờ lớn nhưng không thành công, Nguyễn Tấn Thọ đã đoạt giải này. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông di cư vào Nam, sinh sống cùng thân phụ tại đướng Trần Quang Diệu. Quận 3. Mặc dù kỳ nghệ của ông đã đạt trình độ khá cao nhưng so với các danh thủ đầu đàn của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn như Phạm Văn Sáng, Tất Kiến Dương, Trần Mỹ, Trần Dụ Thám... thì ông có phần hạ phong. Nhưng nhờ đam mê nghệ thuật, luôn cần cù chịu khó học tập, rèn luyện không ngừng, không bao lâu kỳ nghệ của ông tiến bộ vượt bậc.
Năm 1959 ông oanh liệt đánh bại kỳ vương Lý Chí Hải trong một trận giao hữu danh dự với tỉ số 1 thắng 3 hòa. Thời đó Lý Chí Hải tuy không phải là tay cờ số 1 của Hồng Kông nhưng đã nhiều lần Nam du đến các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia,, Indo, Philippin, Myanmar và Việt Nam, đánh bại hảo thủ các nước như chẻ tre! Năm 1963, Lý Chí Hải một lần nữa sang Chợ Lớn, một trận giao hữu lại diễn ra, thực chất là trận phục thù, mỗi bên 1 thắng, 1 bại, 2 hòa coi như Lý Chí Hải vẫn còn nợ Thanh Mai. Từ sau khi đánh thắng Lý Chí Hải báo chí ca ngợi Thanh Mai và tôn vinh ông là kỳ vương Sài Gòn. Làng cờ cho là sự tôn vinh xứng đáng nên rất đồng tình, vị trí của ông lúc đó trở thành danh thủ số 1 miền Nam.
.....Năm 1970 tên tuổi của ông mới thực sự sáng chói : Hội Thể Thao Tuệ Thành tổ chức giải Vô địch Cờ tướng lần 1 dành cho cả nam lẫn nữ. Bảng nam có 128 kỳ thủ được chia ra làm 2 hạng : hạng A dành cho những người từ 25 tuổi trở lên, hạng B cho những người dưới 25 tuổi. Còn bảng nữ chỉ có 19 kỳ thủ, Giải chơi theo thể thức loại gián tiếp tức là loại 2 lần.
Từ rất lâu rồi Sài Gòn chưa tổ chức một giải cớ nào nghiêm chỉnh có phần thưởng lớn như vậy. Dưới sự chỉ đạo của ông Hội trưởng Nguyễn Văn Anh, Hội Thể Thao Tuệ Thành quyết tổ chức một giải thật lớn, vì vậy hầu hết các cao thủ đều ghi tên tham gia, trừ một số cao thủ quá lớn tuổi không dự như Đặng Đình Yến, Trần Dụ Thám, Huỳnh Thi Biện và Phạm Văn Sáng. Tại giải này Phạm Thanh Mai đánh bại tất cả các danh thủ đoạt quán quân hạng A, bên hạng B Lê Thiên Vị đoạt chức quán quân. Phần thưởng dành cho ông Phạm Thanh Mai là một kim bài bằng vàng y khoảng 2 lượng cùng nhiều tặng phẩm có giá trị khác. Những năm kế tiếp Tuệ Thành cũng treo giải nhưng ông Mai không thành công, một phần vì lớn tuổi, một phần vì số kỳ thủ trẻ tuổi nổi lên và chơi rất mạnh. Điều đáng khâm phục và đáng ca ngợi là không giải cờ nào thiếu vắng ông. Ở ông thể hiện là một con người đam mê nghệ thuật cờ khó ai sánh kịp. Hầu hết anh em trong làng cờ nhỏ hơn ông từ 10-15 tuổi hoặc nhỏ hơn nữa đều gọi ông là "Ông Thầy" nhằm tỏ lòng kính trọng, tôn vinh ông là bậc tiền bối khả kính và có đức độ của làng cờ. Mà đúng như vậy ông là người ít nói, trầm tỉnh, khiêm tốn, sống nội tâm, không bao giờ làm mất lòng ai. Sự nghiệp cờ của ông tưởng như đã chấm dứt sau 30/04/1975 nhưng năm 1977 Sở VH-TT TP.HCM tổ chức giải vô địch cờ tướng mừng Xuân, một lần nữa ông đánh bại tất cả đoạt Cúp Vô địch rất vẻ vang. Năm 1979 Nhà Văn Hóa Quận I tổ chức giải dành cho 8 danh thủ hàng đầu thành phố đánh vòng tròn tính điểm. Năm này ông đã 61 tuổi nhưng kết quả ông xếp thứ 4 sau Trần Quới, Nguyễn Văn Minh, Hứa Kim Thành khiến làng cờ đầu bái phục.
Ông bị bệnh già mất vào ngày 27/07/1997 tại tư gia.

Người lấy thủ làm công, lấy thoái làm tiến'
THÁI VĂN HIỆP : KHAI CUỘC
Người ta thường gọi ông là thầy ba Hiệp chứ không gọi là giáo Hiệp mặc dù ông nhận rất nhiều đệ tử đẻ truyền nghề. Ông sinh năm 1919 mà không rõ quê quán ở đâu, một vài người nói rằng ông ở Chợ Lớn, nhưng có người khẳng định quê ông ở Gò vấp ( Gia Định).
Thái Văn Hiệp là người rất mê sách cờ và ông luôn tuân thủ lý thuyết ra quân. Ngoài những quyển Mai Hoa Phổ, Quất Trung Bí, Thạch Dương di cục, ông còn nghiên cứu cách chơi của nhóm Tứ đại thiên vương, cách chơi của Châu Đức Dụ, Chung Trân, Tạ Hiệp Tốn. Đầu năm 1947, ông mượn được quyển Tượng hí câu huyền của Châu Đức Dụ nghiên cứu rất tâm đắc, sau đó công lực của ông tăng tiến rất nhiều, được liệt vào hàng các danh thủ đầu đàn của làng cờ miền Nam. Triết lý đánh cờ của ông rất rõ : ông đánh cờ để mưu sinh, không đi giang hồ như những tay cờ chuyên nghiệp khác. Ai biết ông cao cờ muốn đến đánh độ với ông để học tập, ông rất vui lòng chỉ dẫn. Tư tưởng của ông khi chơi cờ là "phòng thủ vững tức là lấy công vững,lấy thoái làm tiến, lấy nhu thắng cương"..... Đây là quan điểm độc đáo của thầy Ba Hiệp.... Nói chung ông là người thận trọng, không chấp nhận liều lĩnh, táo bạo, một là sống hai là chết . Do tư tưởng như vậy nên ông rất thích trận Bình phong Mã chơi theo các phương án cổ điển. Và khi gặp những tay cờ có máu phiêu lưu mạo hiểm , liều lĩnh tấn công đã gây nhiều khó khăn cho ông. Sau này ông quan tâm nghiên cứu thế trận Thuận Pháo để tích cực trả đòn nhưng phong cách chơi của ông vẫn là phong cách cổ điển.
Từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, sức cờ của ông bắt đầu sa sút vì tuổi cao và vì lực lượng trẻ tiếp thu nhiều thông tin mới, thế trận ra quân hiện đại, đã uy hiếp vị trí đầu đàn của ông. Dù vậy trước sau làng cờ vẫn kính trọng và đánh giá cao sự đóng góp của ông đối với làng cờ.... Các cao thủ Nguyễn Văn Tòng, Mạch Hữu Nghĩa, Trần Ngọc Lâu, Mai Thanh Minh .... đều nhận mình là đệ tử của thầy Ba Hiệp.

Bài viết có tham khảo tài liệu "Kể chuyện Cờ tướng" của tác giả Quách Anh Tú, đã được chỉnh sửa và biên soạn lại. (Hlv Phạm Mạnh Thừa)

Thợ Điện
13-10-2014, 12:58 AM
Danh kỳ Mai thanh Minh là người rất khiêm tốn và đạo đức .Ông tuy gọi các vị trên là thầy nhưng phần lớn ông chỉ học hỏi họ gián tiếp qua sách vở thôi chứ ít ai chỉ dạy ông trực tiếp .Tài nghệ ông có được nhờ thiên khiếu và khổ luyện .Nhất là trong giai đoạn ông bị sốt rét sau khi đi thanh niên xung phong về

Danh thủ Tất kiên Dương nổi tiếng về cờ thế và tàn cục .Ông là thầy danh kỳ Trần Quới về cờ tàn

Danh thủ Phạm văn Sáng còn có biệt danh Tiêu diêu khách .Cờ ông cao nhưng đánh với ông ai cũng sợ vì ông nghĩ lâu quá .Có lần danh thủ Trần Quới khi đánh với ông một ván cờ ở cà phê Mỹ Lợi chợ Thiết đã phải kêu lên

-Cờ mới ra quân có 3,4 nước mà ông ngồi nghiệm như muốn hết bàn cờ luôn ,lâu quá thôi cho ông ăn đó ,kiếm người khác đánh cho rồi

Khi cụ Phạm thanh Mai đuơng thời cùng nhóm cờ Đồng Tâm chinh chiến khắp mọi nơi .Cụ chỉ hơi ngại danh kỳ Phạm tấn Hoà về cuộc thuận pháo .Đánh với ông dù đi tiên cụ đa số né cuộc bằng cách chơi tấn chốt .Khi đó ông Hoà lừng lẫy cuộc này tới độ giang hồ đồn thổi -Ai đi hậu mà dám chui thuận pháo hoà ông cũng cho ăn .Vậy mà sau này lại bị thua Trần Quới ở trận tranh giải vô địch Tuệ Thành bằng cuộc thuận pháo mới đau

Sau này thế hệ thứ hai của Chợ Lớn như Tiều chuối Trần đình Thuỷ ,Tiều Nam Vang Hứa kim Thành nổi lên thống lĩnh kỳ đàn ,rồi tiếp đến nhóm Đề ngạn ngũ chảy .Lắc chảy Trần Quới , Hoà chảy Âu thiếu Huê ,Xíu chảy Truơng a Minh ,Hài chảy Trịnh a Sáng ,Phán chảy (ông này sau bị khùng quên mất tên rồi)Hùng cứ vùng Sài Gòn Chợ Lớn một thời gian dài cho đến khi danh thủ Mai thanh Minh vô đich 1985 mới chấm dứt huyền thoại này

Nhừng kì thủ người Việt gốc Hoa có cái hay là họ giữ phong độ một thời gian rất lâu. Già rồi vẫn hay như bác Sáng ,bác Minh ,bác Nguyên.Thật đáng ngưỡng mộ !

dqhuydhtn
13-10-2014, 07:20 AM
Video phóng Sự Độc Cô Cửu Kiếm Mai Thanh Minh


https://www.youtube.com/watch?v=cxlyF1aZA4Y&index=1&list=PLkIpMBox-lRxoxMBxzCL7pK6IDg6wryGT