PDA

View Full Version : Khuê Oán - Chinh Phụ Ngâm của thơ Đường !



nhachoaloiviet
04-08-2009, 12:27 AM
Khuê oán (閨怨) là tác phẩm tiêu biểu của Thi Thiên tử Vương Xương Linh, một trong những tác giả lớn thời Thịnh Đường. Khác với những bài thơ thuộc chủ đề biên tái, miêu tả tâm trạng, tình cảm… của người trực tiếp ra chiến trận, Khuê oán mang nỗi sầu của người thiếu phụ có chồng đang tham gia chinh chiến. Khuê oán thường được một số dịch giả, nhà nghiên cứu Việt Nam chọn làm ví dụ tiêu biểu cho khoảnh khắc đốn ngộ trong Đường thi Trung Hoa.

閨怨
閨中少婦不知愁
春日凝妝上翠樓
忽見陌頭楊柳色
悔教夫婿覓封侯

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.



Cô gái phòng the chửa biết sầu
Ngày xuân trang điểm dạo lên lầu
Đầu đường chợt thấy tơ xanh liễu
Hối để chồng đi kiếm tước hầu.

Cái đáng thương của người khuê phụ và cũng là bi kịch của nàng là đương hồi tuổi trẻ và sống cảnh êm đềm. Người thiếu phụ trong bài thơ được nhắc đến như một biểu tượng gợi cảm về vẻ đẹp của tuổi thanh xuân. Trong Đường thi, thi nhân miêu tả vẻ đẹp người con gái thường gắn với tính âm, nhu, mềm, thanh...thể hiện sự dịu dàng, nét tinh tế cũng như giá trị trong tính chất ước lệ của ngôn ngữ.

Người con gái khuê phòng bất tri sầu là vì vốn dĩ nàng vẫn say mê một quan niệm chừng như rất bình thường trong xã hội lúc bấy giờ: muốn chồng có công danh sự nghiệp rạng rỡ, bằng khoa cử, bằng chinh chiến trận mạc, hoặc bằng một cách nào đó hợp với đạo người quân tử. Ý niệm này quả không có gì sai trái và đáng trân trọng.

Ngày xuân trang điểm, lên lầu đều là những chuyện thường tình, những từ ngữ, hình ảnh này xuất hiện không mới trong thơ cổ nhằm biểu hiện vẻ đẹp uyển chuyển, duyên dáng khi miêu tả động tác, phong thái của người khuê phụ. Đăng cao trong mọi hình thức đều là mô-típ quen thuộc của Đường thi.

Dục cùng thiên lý mục
Cánh thướng nhất tằng lâu (Vương Chi Hoán).
Thơ Lý-Trần cũng vận xu hướng này:

Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Không Lộ thiền sư).
Vì đăng cao nên người khuê phụ bất chợt gặp được màu dương liễu!

Hốt kiến chỉ là một khoảnh khắc nhưng nó đập vỡ mọi giá trị của một quan niệm. Từ chỗ bất tri đến tri, từ chỗ mờ mịt đến ý sáng tâm sáng là cả một khoảng cách rất xa ẩn trong một khung cửa hẹp mà ngày ngày vẫn bày ra trước mắt nhưng con người không hề nhìn thấy. Bi kịch tâm trạng nằm trong cái biết, cái sáng rõ của nhân tâm.

Màu dương liễu xanh khiến nàng hối tiếc, sầu, oán.

Trong bao nhiêu ẩn ngữ của một bài thơ tứ tuyệt như Khuê oán, Thi Thiên tử cũng dụng phép vẽ mây nẩy trăng, giữ được lời ít mà ý nhiều, lời hàm súc chứa ý mênh mang nên không thấy có lời nào khuê oán mà rất nhiều khuê oán; thậm chí nói một mà hàm chứa bao nhiêu hình ảnh khuê oán lúc bấy giờ. Tài của thi nhân và cũng là tuyệt của thể loại bốn câu bảy chữ trong Đường thi chính là chỗ này vậy!