PDA

View Full Version : Chuyện về gia sư cờ



CXQ
04-11-2011, 01:57 PM
Hiện nay, nhu cầu học thêm của các em học sinh đã trở nên chuyện không phải 1 xã, mà nhà nhà học thêm, người người dạy thêm. Lắm hôm, đi học về chưa kịp ăn cơm, các em lại đến nhà thầy cô học nữa, nhà có điều kiện kinh tế khá giả thì mời gia sư đến kèm.

Thế nhưng, có lẽ bạn cũng sẽ hơi ngạc nhiên khi biết rằng, không chỉ có gia sư dạy kèm toán, lý, hóa…., mà còn có những gia sư dạy kèm cờ tại nhà.

Gia sư cờ, họ là ai?

Khác với những gia sư dạy kèm toán, lý, hóa…, gia sư dạy cờ không thể là tay lơ tơ mơ, hay sinh viên mới “ra ràng” kiếm tiền lấy ngắn, nuôi dài. Theo tìm hiểu và trò chuyện, đa phần họ là những bậc thầy, hoặc chí ít cũng là VĐV từng đoạt được thành tích nhất định. Theo HLV trưởng đội tuyển cờ tướng quốc gia Hoàng Đình Hồng, nhẩm tính sơ sơ cũng có hơn chục HLV gắn bó và “sống đủ” từ công việc tay trái này. Ông Đình Hồng cho biết: “Do tính đặc thù của bộ môn cờ, nên việc dạy và học cũng diễn ra âm thầm, ít ai bảo ai, chỉ khi anh em ngồi lại tâm sự mới biết được. Trong số những người tôi quen, có HLV Võ Đại Hoài Đức, Nguyễn Văn Viện, Phan Hồng Chí, Hoàng Thiên, Thanh An, Đàm Thị Thùy Dung… Cả bản thân tôi trước đây cũng đôi lần đến tư gia dạy cờ”.

Mối duyên đến nhà dạy cờ cũng không ai giống ai, có người do thấy học trò cần được bồi dưỡng thêm, nên gợi ý với phụ huynh; cũng có người được phụ huynh tìm đến nhà mời về dạy. Là 1 HLV cờ vua trẻ tuổi, song Hoàng Thiên (sinh năm 1984) đã có hơn 2 năm dạy cờ tại nhà. Trong một lần huấn luyện cờ tại trung tâm Văn hóa Gò Vấp, thấy một số bé có năng khiếu, Thiên gợi ý gia đình nên tập trung bồi dưỡng cho các em và anh rất vui khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía phụ huynh. Còn về phần Hoàng Đình Hồng, vốn là người giao tiếp rộng, vậy mà ông cũng rất ngạc nhiên khi có nhiều người tìm đâu ra số điện thoại của ông, gọi điện đến nhờ ông kèm cặp riêng. Trong số đó, có tiến sĩ y khoa Võ Minh Tuấn, dù bận rộn với công việc cũng như công tác ở nước ngoài, song vẫn dành thời gian để thọ giáo người thầy nổi tiếng này. Mới đây, lại nghe HLV Hồng cho biết: “Có một anh làm giám đốc một công ty, gọi điện nhất định nhờ tôi dạy kèm tại nhà, hoặc công ty, hoặc bất cứ đâu cũng được, miễn là được học với tôi. Từ chối thì sợ phụ lòng người yêu cờ, nhưng lịch huấn luyện tại đội tuyển kín hết, tôi đành khất lại một thời gian nữa xem sao”.

1001 mối nhân duyên

Nếu như thu nhập từ dạy kèm đối với Hoàng Thiên, Hoàng Đình Hồng... và rất nhiều HLV khác “chủ yếu là vui” thì cũng có không ít “người trong cuộc” xem đó là “nồi cơm chính”. Theo tìm hiểu, học phí trung bình dao động từ 25.000-50.000 buổi, nếu cố gắng “cày”, mỗi tháng HLV cũng sẽ có thêm 400.000-500.000 đồng/học trò.

Do kinh tế khó khăn, cộng với sức khỏe không được tốt vì thường xuyên chạy thận, Phan Hùng Chí luôn tất tả với công việc dạy kèm. Chỉ tính 2 ngày cuối tuần thôi, HLV Phan Hùng Chí đã phải “chạy sô” ít nhất 2 nơi. Buổi chiều, HLV Hùng Chí lại “đánh xe” sang Q.Tân Bình để dạy kèm cờ vua cho 2 trẻ học lớp 1, rồi tranh thủ vọt về Q.Gò Vấp huấn luyện 2 anh em Bùi Nguyên Khang, Bùi Khánh Trang (học sinh tiểu học). Phan Hùng Chí tâm sự: “Thật ra, từ khi còn là VĐV Cần Thơ, tôi đã dạy kèm cờ ở nhà, nên vừa vào TPHCM, đã nhờ người quen giới thiệu học trò để trang trải kinh phí” . Trong số các VĐV đó, có Quách Phương Minh (năng khiếu Cần Thơ), Nguyễn Tấn Hoàng Nam (HCV ĐNA 2007), 2 cô bé Thảo chị - Thảo em…

Tương tự, Đàm Thị Thùy Dung (HCB cờ tướng châu Á 2007) cũng xem công việc dạy kèm cờ là thu nhập chính để cô phụ giúp cha mẹ già sau cái chết bất ngờ của anh trai. Hàng ngày, sau khi phụ mẹ bán phở cho công nhân gần nhà, rồi đến trung tâm TDTT Thủ Đức dạy cờ hay trở ngược vào Q.l để tập trung đội tuyển cờ TPHCM, Thùy Dung tranh thủ “gánh lớp” vào các buổi tối và sáng cuối tuần, mỗi tháng kiếm được gần 1,5 triệu đồng. Thùy Dung tâm sự: “Theo lịch, cứ sáng thứ 7, chủ nhật, dù muốn ngủ “nướng” chút sau 1 tuần mệt mỏi nhưng Thùy Dung vẫn phải dậy, phóng xe vào Bình Thạnh để dạy cho 3 em Hải An, Minh An, Nhật Minh. Dạy xong, phải chạy về lại Thủ Đức để huấn luyện cho VĐV Lê Quốc Kiên (tuyến trọng điểm TP), Nguyễn Châu Gia Phúc tại nhà các em.

Trăm điều khó

Không rộ lên thành phong trào như bóng rổ đường phố sau khi truyền hình công chiếu bộ phim Hàn Quốc Cú nhảy cuối cùng, cũng chẳng ồn ào như phong trào break dance, thế nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, cộng với hiệu quả rõ ràng thu được khi chuyển địa bàn từ trung tâm về “4 bức tường nhà riêng”, không ít người đã bắt đầu cho con rèn luyện cờ theo “dịch vụ” mới này. Do “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nên khi tiếp xúc lâu ngày và trực tiếp với mỗi không gian gia đình khác nhau, từng HLV phải tự tìm cách “truyền nghề” cho học trò một cách hiệu quả nhất.

Đầu tiên là vấn đề về chính - phụ. HLV Hoàng Thiên chia sẻ: “Không chỉ có VĐV, mà ngay cả phụ huynh cũng bị vướng tâm lý: môn cờ là môn chơi, học cũng được mà không học cũng chẳng sao. Trong khi đó, việc học văn hóa thì được đặt lên hàng đầu, đôi khi tạo sự chênh lệch, vô tình cản trở quá trình đào tạo”. Để lý giải, Hoàng Thiên chia sẻ 1 kinh nghiệm về cô bé học trò Hoàng Minh Thư. Cô bé này học cấp 1, tính rất ngoan, vâng lời nhưng lại có tật mê xem ti vi. Thay vì tranh thủ thời gian làm bài tập văn hóa ở lớp, Thư cứ “dán mắt” vào truyền hình, gần đến giờ học cờ thì mới hoảng hồn, lấy bài tập ở trường ra làm. Thấy vậy, HLV Thiên đành phải “ra tay”, giảng bài tập cho bé. Thiên cho biết: “Không phải mình chiều bé Thư, lại càng không phải kéo dài thời gian, nhưng bởi đặc thù của cờ, nếu cứ lo lắng, không tập trung vào các nước đi thì cũng “xôi hỏng, bỏng không” thôi”.

Ngược lại, do tính đặc thù của môn cờ là có ảnh hưởng đến phong thái, tính cách của con mình, nên phụ huynh lại kỳ vọng vào tầm lan tỏa của các gia sư cờ. HLV Hoàng Đình Hồng cho biết: “Thường khi trò chuyện về việc học cờ tại nhà, phụ huynh hay hỏi: con có thích học thầy/cô này không, chứ ít khi hỏi đã học được những gì. Bởi kết quả nào có thể hiện được ngay tức thời”. Nếu học tại trung tâm, HLV khó quan sát hết, hiểu hết tâm tính học trò mình, thì chỉ khi ở nhà, khi trực tiếp đối diện nhau suốt gần 2 tiếng đồng hồ, gia sư mới có thể quan sát từng nét chau mày, ánh mắt giận dữ, tiếng thở dài nôn nóng… Để từ đó, hiểu nên phát triển kỹ thuật đánh cờ của học trò mình theo trường phái nào (đánh bình lặng - phòng thủ hay tấn công ồ ạt), cũng như góp ý nếp sinh hoạt, ứng xử của các em. Phan Hùng Chí kể lại kinh nghiệm của mình: “Tôi chỉnh các em từng ly từng tí, từ thói quen nhỏ nhất là phải trân trọng khi cầm 1 quân cờ, chứ không được ném, quăng cẩu thả”.

Chưa hết, bên cạnh mặt có lợi hiển nhiên: Nếu như học cờ tại trung tâm, giáo án sẽ không thay đổi dù rằng trong lớp, trình độ tiếp thu có sự chênh lệch, thì khi ở nhà, giáo viên có thể làm chủ được thời gian, biết “nhấn” chỗ nào để rèn cho nhọn “mũi tấn công” của học trò, thì việc dạy kèm tư gia cũng gây cho người thầy không ít những áp lực tâm lý riêng. HLV Hoàng Thiên tâm sự: “Dạy cờ ở nhà cho trẻ con không dễ chút nào vì các em có khuynh hướng nhõng nhẽo hơn khi tập tại trung tâm, vì bé biết mình được quan tâm nhiều hơn, mà cực nhất là các bé trai. Có bé cầm chặt quân cờ trong tay, nhất quyết không cho thầy “ăn”, thậm chí phụng phịu, không chịu tập tiếp. Giằn co như vậy mãi, phụ huynh nhiều khi cũng không hài lòng”. Còn Thùy Dung thì thẳng thắn: “Dạy tại cơ ngơi nhà riêng của người khác, thông thường HLV sẽ cảm thấy luôn có người giám sát mình, gặp nhà học trò không có phòng riêng thì càng căng thẳng hơn nữa”.

Nằng nặng một gánh ân tình

Đối với nghề dạy cờ kèm tại nhà này, tiền không phải là mục tiêu chính. Mặc dù được phụ huynh hết lòng hỗ trợ để em làm quen với cờ vua, nhưng sau một thời gian dẫn dắt, HLV Hoàng Thiên phát hiện Gia Linh có năng khiếu múa, nên gợi ý nên đưa Gia Linh tập trung vào lĩnh vực này. HLV Hoàng Thiên khẳng định: “Không nên vì đồng tiền dạy kèm mà làm mất thời gian của các em. Nếu em nào không có năng khiếu và thực sự yêu cờ, tôi sẽ không nhận dạy. Song nếu muốn học cho biết, thì cứ đến trung tâm TDTT nơi tôi dạy đại trà, tôi sẽ dạy”.

Tính tình vui vẻ, ít khi “để bụng” ai điều gì nhưng “quái khách” Hoàng Đình Hồng đã 1 đi không trở lại khi nghe được lời “tâm sự” của phụ huynh về “cái sự dạy của mình”. Chuyện đã lâu nhưng ông Hồng vẫn còn nhớ rõ. Biết tiếng thầy Hồng, vị phụ huynh giàu có này đã đến tận nơi để mời thầy Hồng về nhà dạy kèm cho con trai mình đang học trường Nguyễn Du. Vị này đối đãi với HLV rất chu đáo, niềm nở, luôn có cà phê, tách trà nóng đúng gu của vị gia sư. Thế nhưng, một lần trò chuyện, nghĩ rằng thân thiết rồi nên vui miệng hé răng: “Nói thật với ông chứ, vì tôi chiều con quá nên mới để cháu học cờ. Thấy mất thời gian quá”. Vốn bản tính trầm tĩnh, HLV Hồng nghe xong, vẫn cởi mở ngồi tiếp chuyện, nhưng sau đó ông “lặn” mất, một đi không trở lại, chỉ thương cho cậu học trò “nửa đường gãy… thầy”.

Buồn thì nhiều mà vui cũng không ít. Quý cô giáo Thùy Dung hiền lành, chịu thương chịu khó, gia cảnh lại khó khăn, “bác học trò” tên Hào, công tác tại nhà mở cũng thường xuyên lui tới hỗ trợ, đỡ đần phần nào. Ngoài ra, thấy Thùy Dung lọc cọc chiếc Cup 81 hư lên hư xuống nhiều lần, phụ huynh bé Gia Phúc thấy xót quá, ngỏ lời “cô giáo đổi xe, gia đình cho mượn tiền”. Cũng nhận được rất nhiều ân tình của phụ huynh trong suốt thời gian phải thay thận, chạy thận nhân tạo, HLV Phan Hùng Chí cho biết: “Tiền lương mỗi tháng tôi kiếm được chẳng thấm tháp vào đâu so với tiền nhà, tiền ăn và nhất là tiền thuốc thang. Có thể nói, tôi sống mạnh khỏe đến ngày hôm nay là nhờ sự động viên, hỗ trợ rất nhiều của phụ huynh, học viên mà tôi đến nhà dạy kèm”.

Dẫu biết rằng nghề dạy cờ tại nhà chưa thịnh hành, nhưng không thể phủ nhận những hiệu quả mà loại hình này mang lại cho phong trào tập luyện bộ môn cờ nói riêng và phong trào rèn luyện TDTT nói chung. Hơn nữa, dạy kèm cờ còn trực tiếp giúp các HLV có thêm “kênh” mới để tuyển chọn cũng như đào tạo chuyên biệt cho những cá nhân mà họ nhận định là có năng khiếu, đam mê học hỏi. Đồng thời, khoản thu nhập nho nhỏ chính đáng ấy cũng có thể giúp cuộc sống vật chất của lực lượng HLV, VĐV bộ môn cờ đỡ vất vả đôi phần.

Và biết đâu sau này, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, phong trào lành mạnh này sẽ được nhân rộng. Và khi ấy, sẽ có thêm rất nhiều kỳ thủ tài ba xuất hiện trong làng cờ VN, từ… 4 bức tường nhà mình.

Bài và ảnh: Hạnh Dung

ntigger
04-11-2011, 08:00 PM
ở vũng tàu mà có người dạy cờ như vầy em cũng xin học. :D