Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Cách sửa nói ngọng N và L cho mọi người và bàn về lỗi chính tả - Trang 2
Close
Login to Your Account
Trang 2 của 2 Đầu tiênĐầu tiên 12
Kết quả 11 đến 17 của 17
  1. #11
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Bài viết
    255
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    NÓ LUÔN NÓI LÊN NỖI LÒNG NÔ LỆ !
    các bạn từ từ mà tập nhé.

  2. #12
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Bài viết
    365
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Người miền Bắc chữa L với N còn dễ hơn nhiều so với người miền Trung chữa ngọng Ngã và Hỏi
    Chiều dần trôi ánh hoàng hôn mờ tắt
    Lòng ta hiu hắt nỗi buồn tha phương;
    Hỡi lòng trai đã mấy mùa xa quê
    Hoài niệm năm xưa, biết khi nao trở về.

  3. #13
    Ngày tham gia
    Jun 2010
    Bài viết
    292
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bàn về chính tả tiếng Việt

    Xếp hạng Văn bản - Thông tin sự kiện

    Nhân WTT đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về chính tả tiếng Việt, hôm nay chủ nhật rảnh rỗi, mình cũng xin có một bài viết về vấn đề này. Tất nhiên mình không phải là nhà ngôn ngữ học, nhưng do hoạt động khá nhiều trong lĩnh vực báo chí và ngôn ngữ nên cũng muốn có đôi dòng bàn luận cho vui.

    Tiến sĩ ngôn ngữ học Phạm Văn Tình (viện Ngôn ngữ học) viết như thế này: “Chính tả là một vấn đề vừa mang tính quy tắc, nhưng cũng lại là vấn đề thuộc về thói quen, thuộc phạm trù văn hóa.” Chính vì thế, trừ những cách viết chính tả phân biệt đúng/sai rõ ràng, như “bánh chưng” chứ không phải “bánh trưng”…, thì có một số trường hợp viết như thế nào cho đúng vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, ví dụ: “chia sẻ” hay “chia xẻ”, “i ngắn” hay “y dài”, “dông” hay “giông”…

    Sau một quá trình thường xuyên tiếp xúc với thứ tiếng Việt lưu hành trên văn bản, báo chí, từ điển… thì mình có kết luận về cặp “chia sẻ”/ “chia xẻ” như thế này:

    “Chia sẻ” và “chia xẻ” đều là những từ đúng trong tiếng Việt, nhưng ý nghĩa có khác nhau nên được sử dụng trong những ngữ cảnh khác nhau. “Sẻ” ở đây là san sẻ, từ “chia sẻ” thường được dùng khi nói đến sự đồng cảm và san sẻ một nỗi niềm, một trạng thái tinh thần, ví dụ: chia sẻ niềm vui nỗi buồn. “Xẻ” nghĩa là cắt xẻ, chia ra làm nhiều phần, ví dụ: chia năm xẻ bảy.

    Cũng có ý kiến cho rằng từ “chia sẻ” dùng để chỉ thứ trừu tượng (chia sẻ tình cảm) còn “chia xẻ” dùng cho thực thể (xẻ đất, xẻ gỗ), tuy nhiên mình thấy điều đó chỉ đúng với đa số trường hợp chứ không phải là tất cả. Mình vẫn bảo lưu ý kiến dùng “chia sẻ” hay “chia xẻ” là tùy theo ngữ nghĩa. Chẳng hạn như cùng nói đến một thứ trừu tượng là “quyền lực”, nhưng “chia sẻ quyền lực” lại có nghĩa nhường bớt quyền lực của mình cho người khác, trong khi “chia xẻ quyền lực” nghĩa là phân tách quyền lực, mang tính vị kỷ hơn nhiều. Hay như trong trường hợp “nhường cơm sẻ áo” thì dù chiếc áo là thực thể, nhưng nghĩa ở đây là san sẻ chứ không phải xẻ cái áo làm đôi nên không viết “nhường cơm xẻ áo”. Tất nhiên nếu ai bảo tôi cứ xẻ cái áo làm đôi đem cho một nửa hoặc đem bán thì lại là chuyện khác, nhưng nó lại không mang nghĩa của câu nói đã được xếp vào danh sách các thành ngữ tiếng Việt.

    Từ “dông” và “giông” (theo nghĩa chỉ hiện tượng thời tiết) thì mình thấy cả hai đều được sử dụng rất nhiều trên các văn bản chính thức và đều được chấp nhận là cách viết đúng. Tác phẩm “Giông tố” của cụ Vũ Trọng Phụng – người được mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc” – được tái bản rất nhiều lần. Tuy nhiên, khi tra Từ điển Tiếng Việt thì cách viết đúng phải là “dông”.

    Lại có ý kiến tranh cãi nên viết “i” hay “y”. Đây quả là một câu chuyện tốn nhiều bút mực. Theo “Quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục” của Bộ Giáo dục và Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam thì có một số quy tắc về viết “i" và “y” như sau:

    - Nguyên âm trong các âm tiết mở, theo quy định là phải viết i ngắn: kĩ (thuật), lí (thuyết), mĩ (thuật), hi (vọng), (nghệ) sĩ...

    - Nguyên âm đứng một mình (âm tiết độc lập) thì sẽ viết i ngắn nếu là từ thuần Việt : ỉ (eo), ì (à) ì (ạch), (béo) ị, (ầm) ĩ,... và y dài, nếu là từ Hán Việt: ý (kiến), (lưu) ý, y (sĩ), (chuẩn) y...

    - Nguyên âm đứng đầu âm tiết, có tổ hợp nguyên âm hoặc nguyên âm đôi, viết y dài: yêu (quý), yểu (điệu), yến (tiệc), yêng (hùng), huỳnh huỵch...

    - Trong các âm tiết nửa mở, có nhiều trường hợp thể hiện bằng hai con chữ i, y nhưng thực chất có sự khác biệt (do sự nhầm lẫn chính tả). Nếu là tổ hợp nguyên âm [wi], như trong các từ quy (tắc), (thâm) thúy, (ma) túy, (xương) tủy, quỵ lụy... thì viết y dài. Nếu là tổ hợp nguyên âm [uj], như trong các từ cúi (đầu), túi (quần), tủi (hổ), xúi (bẩy), (tàn) lụi... thì viết i ngắn.

    Quy định này được áp dụng cho các sách giáo dục và từ điển tiếng Việt. Thế nhưng, quay trở lại vấn đề thói quen ngôn ngữ và văn hóa mà TS. Phạm Văn Tình đã đề cập, trong nhiều trường hợp cả “i” và “y” vẫn đều được chấp nhận là cách viết đúng, đặc biệt là tên riêng thì dù không đúng với chuẩn mực vẫn cần được tôn trọng. Chính GS. Nguyễn Lân Dũng từng nói rằng ông đã viết quen những từ như “kỹ thuật”, “lý thuyết”…, bây giờ mà sửa lại thấy khó quá. Bản thân chúng ta, với tâm lý sử dụng ngôn ngữ theo thói quen, đôi khi là theo sự thuận tiện, cảm thấy những từ kiểu như thế này mà dùng “i ngắn” trông cứ ngường ngượng thế nào. Chuyện dùng “i” hay “y” cũng từng được bàn luận khá hay trên tạp chí “Ngôn ngữ & Đời sống”.

    Về cách sử dụng các âm tiết ch/tr, s/x, d/gi/r, Hoàng Phê (chủ biên cuốn “Từ điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học đã tái bản lần thứ tám”) đã có một bài viết khá hay trong cuốn “Chính tả Tiếng Việt”, nêu bật một số quy tắc chính tả thông dụng.

    Nói chuyện chính tả thì chẳng bao giờ cho hết, và nó đã luôn là vấn đề “thời sự” từ khi ông A. de Rhodes lập ra chữ Quốc ngữ đến nay. Tranh luận về chuyện này cũng vỡ lẽ ra nhiều điều, hẹn khi khác lại bàn thêm cho vui vậy.

  4. #14
    Ngày tham gia
    Jun 2010
    Bài viết
    292
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Tiếng Việt là thế này sao?

    Xếp hạng Văn bản - Thông tin sự kiện

    Phát triển xã hội và quá trình hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng nhiều đến tiếng Việt. Bên cạnh những mặt tích cực, tiếng Việt đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng xấu.
    “Thường xuyên tiếp cận với học sinh, tôi cảm thấy choáng trước sự sáng tạo của các em về ngôn ngữ. Thương và thông cảm lắm nhưng vẫn thấy giận. Giận bởi thái độ thiếu trách nhiệm của người viết đối với ngôn ngữ dân tộc, thiếu tôn trọng với đối tượng giao tiếp”. Cô Dương Thu Trang, giáo viên trường PTTH Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) đã thốt lên như vậy trước tình trạng tiếng Việt trong trường học đang bị học sinh “nỗ lực” sáng tạo những kiểu chữ, câu văn mà nói vui theo nhiều người là “đọc hiểu được, chết liền”. Cô Trang kể, trong một bài nghị luận về vấn đề “Học phương pháp học”, một học sinh lớp 12 đã tỉnh bơ viết: “em sẽ cố gắng thay đổi cách học bài, dù có pùn ngủ mún chit cũng phải giải quyết hết bài tập”; một học sinh khác thì viết: “dùng riết vik sai chính tả lun”…





    Thầy Nguyễn Văn Thạch, giáo viên trường PTTH Trần Khai Nguyên (TP.HCM) cũng có lần ngỡ ngàng khi đọc được trong bài kiểm tra của học sinh những “từ…lạ”: lun mún (luôn muốn), làm shao (làm sao)… “Tôi không thành kiến với cái gọi là ngôn ngữ chat của các em. Nếu dùng giới hạn trong những cuộc tán gẫu trên mạng thì có thể chấp nhận được nhưng nếu đưa những ngôn ngữ dị dạng đó vào trường học là điều không nên. Chưa kể các em sử dụng thường xuyên sẽ dẫn đến quen tay, quen miệng và khó tự kiểm soát được khi nói hay viết. Từ đó dẫn đến lười suy nghĩ tìm từ hay, ý đẹp và không nhận biết được giá trị văn hoá của tiếng mẹ đẻ”, ông Thạch bức xúc

    Sính ngoại ngữ, bóp méo tiếng mẹ đẻ

    Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, giảng viên đại học Sư phạm TP.HCM cho biết tiếng Việt nổi tiếng đa dạng ngữ nghĩa và điều khiến âm điệu hay hơn các ngôn ngữ khác chính là vì có dấu. “Vậy mà hiện nay trong giới trẻ xuất hiện một tình trạng đáng buồn là không còn giữ được cái thuần Việt trong sử dụng tiếng Việt. Họ vô tư bóp méo, làm biến dạng tiếng mẹ đẻ, tự tạo ra những chữ không hề có trong từ điển tiếng Việt như rồi thì viết thành roài, không thành hông hoặc hem, biết thành bít…”, ông Thịnh nói. Ông Thịnh dẫn chứng thêm một số trường hợp khác tự chế ra những tiếng lóng chẳng giống ai và vô tư “bê” vào trong giao tiếp hàng ngày như: nộp tiền ngu (nộp lệ phí thi lại), đứt cước (hỏng việc hay thất bại), vitamin T (tiền); Trần Văn Chuồn (trốn, bỏ đi)…

    PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang, viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ cho biết, vấn đề mà bà cũng như nhiều nhà ngôn ngữ học lo lắng là việc sử dụng thái quá tiếng nước ngoài, nhất là trong giới trẻ. Nếu bất chợt nghe những người trẻ trí thức nói những câu sau hẳn nhiều người sẽ giật mình vì “hàm lượng” tiếng nước ngoài quá cao: “Me không lốp du, du gô đi cho khuất mắt me” (tạm dịch: tôi không yêu bạn, bạn đi đi cho khuất mắt tôi), “hôm qua tụi mình vô thư viện học mấy môn chemistry (môn hoá học) và mathematics (môn toán)”… “Việc lạm dụng quá mức tiếng nước ngoài, không đúng mức, đúng chỗ, đúng đối tượng là một biểu hiện coi thường và tẩy chay tiếng mẹ đẻ”, bà Lang nói.

    Văn bản nhà nước cũng “lai căng”

    Sính ngoại ngữ một cách vô tội vạ, gây phản cảm, đánh mất tính thẩm mỹ của ngôn ngữ, trong khi hoàn toàn có thể dùng từ ngữ của tiếng Việt, không chỉ xảy ra phổ biến trong giao tiếp và trên văn bản của người dân mà ngay cả trong nhiều văn bản hành chính nhà nước cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những từ nước ngoài như: building, villa (nhà cao tầng, biệt thự), website (trang điện tử), festival (liên hoan)… “sự lạm dụng, “lai căng” như vậy chẳng những làm mờ đục tiếng Việt mà còn làm giảm hiệu quả các mệnh lệnh nhà nước bởi đại đa số người dân không biết tiếng nước ngoài nên dễ thực hiện sai”, ông Thịnh nói.

    Cũng chung nỗi lo tiếng Việt đang ngày càng “lai căng”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, phó chủ nhiệm uỷ ban văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết ngay trong luật Thương mại được Quốc hội ban hành cũng có cả một chương về dịch vụ logistics, mặc dù nhiều đại biểu đã đề nghị dùng cụm từ “dịch vụ hậu cần thương mại” để chỉ khái niệm này. Bên cạnh đó, chỉ cần dạo quanh một vài góc phố ở bất kỳ đô thị nào cũng có thể thấy hàng loạt biển hiệu, biển quảng cáo hoàn toàn viết bằng tiếng Anh hoặc viết tên tiếng Anh ở bên trên và to hơn tên tiếng Việt rất nhiều. “Điều này rõ ràng vi phạm pháp lệnh Quảng cáo mà chẳng có ai quan tâm điều chỉnh. Thậm chí, đã có lúc hàng loạt tên đường ở một thành phố lớn viết toàn bằng tiếng Anh, đến mức lạc vào đó, người ta cứ ngỡ đang ở nước nào”, ông Thuyết nói.

  5. #15
    Ngày tham gia
    Jun 2010
    Bài viết
    292
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Khái niệm về lỗi chính tả và tình hình lỗi chính tả

    Xếp hạng Văn bản - Thông tin sự kiện

    1. Lỗi viết hoa:
    Lỗi viết hoa là một trong những loại lỗi chính tả xuất hiện rất nhiều trong bài viết của học sinh.
    Lỗi viết hoa bao gồm hai kiểu lỗi nhỏ : viết hoa sai quy định chính tả và viết hoa tùy tiện.

    1.1. Viết hoa sai quy định chính tả :
    Viết hoa sai quy định chính tả là viết hoa hay không viết hoa theo đúng quy định chính tả về viết hoa. Chẳng hạn như học sinh không viết hoa chữ cái mở đầu bài viết, đoạn văn, không viết hoa sau dấu chấm (.),dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!), dấu chấm lửng hết câu (...), hay vi phạm các quy định về cách viết hoa các loại tên riêng.
    Ví dụ : Vũ trọng Phụng, Phan bội Châu, Nam cao, Vũ đại, Tố như, chị út Tịch, hai Thép, ba Rèn, trường trung học phổ thông Lưu văn Liệt, chí Phèo, tác phẩm người mẹ cầm súng, cách mạng tháng 8, cách mạng tháng 10....
    Lẽ ra, theo quy định chính tả, học sinh phải viết :
    Vũ Trọng Phụng, Phan Bội Châu, Nam Cao, Vũ Ðại, Tố Như, chị Út Tịch, Hai Thép, Ba Rèn, Trường trung học phổ thông Lưu Văn Liệt, tác phẩm Chí Phèo, Người mẹ cầm súng, Cách mạng tháng Tám, Cách mạng tháng Mười...

    1.2. Viết hoa tùy tiện :
    Viết hoa tùy tiện là viết hoa những đơn vị từ vựng bình thường, không nằm trong quy định chính tả về viết hoa.
    Ví dụ: quá trình Giác ngộ lí tưởng Cách mạng của nhà thơ, Chế độ Phong kiến tàn ác, giai cấp Tư sản, cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa, giai cấp Vô sản....
    Lỗi viết hoa là loại lỗi chính tả thông thường, dễ tránh, dễ khắc phục, nhưng học sinh THPT vẫn mắc phải. Ðiều đó có nguyên nhân của nó, xét về mặt khách quan lẫn chủ quan.



    2. Lỗi viết tắt :
    Lỗi viết tắt xuất hiện trong bài viết của học sinh thấp hơn nhiều so với lỗi viết hoa. Tuy nhiên, trong việc rèn luyện chính tả cho học sinh, lỗi viết tắt cũng cần được lưu ý đến.
    Thông thường, lỗi viết tắt bao gồm hai kiểu lỗi nhỏ : viết tắt sai quy định chính tả và viết tắt tùy tiện.

    2.1. Viết tắt sai quy định chính tả :
    Viết tắt sai quy định chính tả là viết tắt không theo đúng quy định chính tả về viết tắt. Chẳng hạn như người viết dùng mẫu chữ thường, dùng dấu chấm hay dấu gạch xéo giữa các chữ cái viết tắt...
    Ví dụ : P/V, đ/c, T.P, H.Ð.N.D v.v...
    Lẽ ra, theo quy định chính tả, phải viết : PV, ÐC, TP, HÐND (phóng viên, đồng chí, thành phố, hội đồng nhân dân).
    Trong bài viết của học sinh mà chúng tôi đã khảo sát, lỗi viết tắt sai quy định chính tả gần như không có. Nguyên nhân là do trong các bài kiểm tra, bài thi, ít xuất hiện các từ ngữ, tên gọi có thể viết tắt theo quy định chính tả. Lỗi này chỉ xuất hiện ở một vài bài, khi học sinh viết tắt tên trường ở góc trái bài viết.
    Ví dụ : Trường P.T.T.H.L.X. (Trường trung học phổ thông Long Xuyên), Trường P.T.T.H Lưu Văn Liệt.


    2.2. Viết tắt tùy tiện :
    Viết tắt tùy tiện là dùng các kí hiệu viết tắt mang tính chất cá nhân vào bài viết chính thức. Ðây là các kí hiệu bằng chữ viết Việt Nam hay chữ viết nước ngoài, được chế biếnlại, lẽ ra chỉ được dùng khi ghi chép, nhưng học sinh lại đưa vào bài kiểm tra, bài thi, do đó trở thành lỗi chính tả.
    Ví dụ : ( ta (người ta), ( vật (nhân vật), ( (nhấn), ( (nhận), ( (sau), ((trước), ( (trên), ( (dưới), ( (trong), of (của), on (trên), ...... (những), ...... (nhưng), fê fán (phê phán), ffáp (phương pháp), tình thg (tình thương), fg tiện (phương tiện), ndung (nội dung), t2 (tư tưởng), hthức (hình thức), chnghĩa (chủ nghĩa), chthắng (chiến thắng), xlc (xâm lược) v.v...
    Hiện tượng viết tắt tùy tiện rất dễ khắc phục, nếu như học sinh có ý thức tránh loại lỗi chính tả này khi làm bài thi, kiểm tra.


    3. Lỗi dùng số và chữ biểu thị số :
    Kiểu lỗi chính tả này có hai biểu hiện chính: lẫn lộn giữa hai loại số và lẫn lộn giữa số với chữ biểu thị số.


    3.1. Lẫn lộn hai loại số :
    Trong bài viết, có những trường hợp học sinh phải biểu đạt bằng số, chẳng hạn như khi đề cập đến ngày, tháng, năm, thế kỉ... Theo quy định chính tả, tùy trường hợp mà dùng số Á Rập, còn gọi là số thường (1,2,3...), hay số La Mã (I, II, III...). Do không nắm được quy định chính tả, nên học sinh thường sử dụng lẫn lộn hai loại số.
    Ví dụ : Thế kỉ 20, Ðại hội Ðảng lần thứ 6.
    Lẽ ra, theo quy định chính tả, phải viết bằng số La Mã những trường hợp này mới đúng.


    3.2. Lẫn lộn số và chữ biểu thị số :
    Bên cạnh một số trường hợp phải viết số, theo quy định chính tả, có khá nhiều trường hợp phải viết bằng chữ, khi biểu thị số chỉ số lượng, số chỉ thứ tự, số chỉ số lượng phỏng chừng v.v... Do không nắm rõ quy định chính tả và do viết theo thói quen, học sinh dễ lẫn lộn giữa số và chữ biểu thị số trong rất nhiều trường hợp.
    Ví dụ:
    Ngày ba, tháng hai, năm một ngàn chín trăm ba mươi; 1 đám tang; 3 đứa con thơ dại ; 1 cuộc sống ; đẹp I , lần gặp gỡ thứ 2 ; vài 3 người bạn...
    Theo quy định chính tả, phải viết :
    Ngày 3, tháng 2, năm 1930 ; một đám tang ; ba đứa con thơ dại ; một cuộc sống ; đẹp nhất ; lần gặp gỡ thứ hai, vài ba người bạn...
    So với hiện tượng lẫn lộn hai loại số, hiện tượng lẫn lộn số và chữ biểu thị số xuất hiện trong bài viết của học sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, cả hai loại lỗi sai này cũng dễ tránh, nếu như học sinh nắm được quy định chính tả về việc dùng số và chữ biểu thị số.


    4. Lỗi chính tả âm vị :
    Lỗi chính tả âm vị là hiện tượng vi phạm diện mạo ngữ âm của từ thể hiện trên chữ viết. Nói đơn giản hơn, đó là hiện tượng chữ viết ghi sai từ.
    Dựa vào cấu trúc của âm tiết tiếng Việt, có thể chia lỗi chính tả âm vị thành hai kiểu nhỏ : lỗi chính tả âm vị siêu đoạn tính và lỗi chính tả âm vị đoạn tính.


    4.1. Lỗi chính tả âm vị siêu đoạn tính :
    Âm vị siêu đoạn tính là loại âm vị không được định vị trên tuyến thời gian khi phát âm, mà được thể hiện lồng vào các âm vị đoạn tính. Trong âm tiết tiếng Việt, thanh điệu là âm vị siêu đoạn tính. Lỗi chính tả âm vị siêu đoạn tính là hiện tượng chữ viết ghi sai thanh điệu của âm tiết.
    Tiếng Việt có tất cả sáu thanh điệu, được ghi bằng năm dấu thanh (/\( ~ .), thanh ngang không có dấu thanh. Hiện tượng ghi sai thanh điệu chỉ xảy ra ở hai thanh hỏi, ngã. Trong bài viết của học sinh phổ thông và đại học mà chúng tôi đã khảo sát, kiểu lỗi sai này xuất hiện khá nhiều. Hầu như bài nào cũng có lỗi hỏi, ngã. Thậm chí, chép đề cũng sai hỏi, ngã. Dưới đây là những từ sai hỏi, ngã trong bốn trang viết của một học sinh lớp 11 :
    Lảng mạng, nỗi bật, (khác) hẵn, vội vả, chán nãn, diển đạt, diển tả, giục giả, giử (lại), gỏ (cửa), dẩn (tới), ngắn nguỗi, hởi, nổi niềm, lửng thửng, phủ phàng, rực rở, dỏng dạc, đẹp đẻ, phẫm chất, nuôi dưởng, mảnh liệt, tội lổi, mâu thuẩn.
    Chưa kể các lỗi chính tả khác, chỉ tính lỗi hỏi, ngã, bài viết này đã có 26 lỗi.
    4.2. Lỗi chính tả âm vị đoạn tính :
    Âm vị đoạn tính là các âm vị được phân bố nối tiếp nhau trên tuyến thời gian khi phát âm. Trong âm tiết tiếng Việt, âm vị đoạn tính gồm có phụ âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối / bán âm cuối. Lỗi chính tả âm vị đoạn tính là hiện tượng chữ viết ghi sai các âm vị vừa nêu. Cụ thể là :


    a) Ghi sai phụ âm đầu :

    Hiện tượng ghi sai phụ âm đầu trong bài viết của học sinh thường thể hiện ở sự lẫn lộn các chữ cái hay các tổ hợp chữ cái ghi phụ âm đầu sau đây :
    - ch / tr : chung thành, trà đạp, chống chả, từng chải, chăng chối, chủ chương, chông đợi, chầy chật, xáo chộn...
    - s / x : sương máu, xum họp, sâu sa, đi xứ, đổi sử... xúc vật, xúc tích, xi mê, sống xót, xỉ nhục...
    - v /d : dĩa hè, dâng lệnh, dang dội, vùng vậy, dùi dập, dĩ dãng, dỗ dề...
    - gi / d : thúc dục, dan dối, dành lại, giả man, để giành, dèm pha, che dấu, dòn dã, gia chạm, vấn thân, bởi gì.
    - g (gh) / r : ranh tị, hàn rắn , gàn buộc, đói ghét, gắn gỏi...
    - h /q : huênh quang, quang vắng , quyển quặc, quyền bí, quà quyện, quyên náo...


    b) Ghi sai âm đệm :
    Trong âm tiết tiếng Việt, âm đệm /-u-/ phân bố sau phụ âm đầu, được ghi bằng hai chữ cái u và o, tùy trường hợp. Trong bài viết của học sinh, hiện tượng ghi sai âm đệm thường có biểu hiện thiếu chữ cái ghi âm đệm.
    Ví dụ : lẩn quẩn, lạn đả, lanh quanh, lay hoay, lằng ngoằng, lắt chắt, ngó ngáy, ngọ ngậy v.v...


    c) Ghi sai âm chính :
    Trong bài viết của học sinh, hiện tượng ghi sai âm chính thường có hai biểu hiện chính :
    Thứ nhất là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi nguyên âm đơn, cụ thể là giữa :
    - ă / â : câm phẫn, che lắp, tái lặp, trùng lập, tối tâm, xăm lăng, hâm hở, đầm thấm, e ắp, hắp tắp v.v....
    *- o / ô/ ơ : bốc lột, tận góc, mưa mốc, chốp bu, chốp lấy, hồi hợp, đớp chát, họp nhất, bộp tai v.v...
    Thứ hai là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi nguyên âm đơn với các chữ cái ghi nguyên âm đôi, nhất là giữa :
    - ê / i / iê : điều đặn, điu đứng, điểu cáng, kiềm kẹp, chiệu đựng, hiêu quạnh, nâng niêu, tìm ẩn, thất thiểu v.v...
    - u / uô : tuổi thân, muổi lòng, đen đuổi, theo đui, hất huổi, xuôi khiến, xui tay v.v...
    - ư / ươ : chưởi mắng, cữi cổ, tức tửi, rác rửi, sửi ấm v.v...




    d) Ghi sai âm cuối / bán âm cuối :
    Hiện tượng ghi sai âm cuối trong bài viết của học sinh thường có hai biểu hiện chính :
    Thứ nhất là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi phụ âm cuối, cụ thể là lẫn lộn giữa :
    - c /t : biền biệc, buộc miệng, chất phát, heo húc, lẩn lúc, lũ lược, mất mác, man mát, mua chuột, phó mặt, phúc chốc, tấc bậc, tiếc hạnh v.v...
    - n / ng : dun túng, hiên ngan, hoang hỉ, lãng mạng, làm lụn, phản phất, rung sợ, rung rẩy, sản khoái, tang hoang, vung trồng, vụn về ...
    Thứ hai là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi bán âm cuối, cụ thể là giữa :
    - o /u : báo vật, cao có, lao lách, láo lỉnh, mếu máu, trao chuốt, trao dồi v.v....
    - i /y : ái nái, đai nghiến, đài đọa, lai động, mai mắn, mỉa may, phơi bài, tai chân, sai mê, van lại ...
    Giữa bốn kiểu lỗi chính tả âm vị đoạn tính, trong bài viết của học sinh, hiện tượng ghi sai âm cuối xuất hiện nhiều hơn. Kế đến là ghi sai âm chính và ghi sai phụ âm đầu. Lỗi ghi sai âm đệm xuất hiện ít nhất.

  6. #16
    Ngày tham gia
    Jun 2010
    Bài viết
    292
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    'Sửa lỗi chính tả để chấn chỉnh kỷ cương quốc gia'

    VietNamNet

    Báo cáo tình hình chính tả văn bản Tiếng Việt “ thực hiện vào tháng 6/2010 nổi bật hiện trạng những cơ quan đầu tàu, những thành phố lớn có tỷ lệ lỗi chính tả cao nhất, thậm chí vượt hàng chục lần so với chuẩn dưới 1%.

    Lỗi chính tả thành “bệnh” của nhiều đơn vị đầu tàu?

    Mô tả ảnh.

    Tập lỗi được sử dụng để đánh giá trong đợt này là một số lỗi phổ biến như "bổ xung", "sử lý", "xử dụng", "sáng lạn", "cọ sát", "soi mói",.. Kết quả, những từ có tỷ lệ lỗi cao nhất là “soi mói” 76,07%, “sáng lạn” 43,54%, cọ sát “25,37%, “thăm quan” 19, 77%...

    Theo thống kê trung bình, khu vực cơ quan nhiều lỗi nhất là báo chí, xuất bản và truyền thông (9,58%). Tiếp đến là cơ quan thuộc chính phủ và thuộc Bộ (8,63%), chính quyền địa phương (8,15%), Đại học và Viện nghiên cứu (7,13%)…

    Cụ thể, trong các đơn vị báo chí và truyền thông, một số cơ quan lớn có tỷ lệ lỗi chính tả lên đến trên 30%. Trong các cơ quan thuộc chính phủ và thuộc bộ có Cục vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đầu tất cả các đơn vị được khảo sát với tỷ lệ lỗi lên đến 38,46%, tiếp đến là Viện năng lượng nguyên tử với 31,49%.
    Ở các địa phương, đơn vị có nhiều lỗi chính tả nhất lại thuộc về các thành phố lớn và phát triển, chủ yếu tập trung ở phía nam: TP.HCM dẫn đầu với 18,98%, Đồng Nai 17,31%, Đà Nẵng 15, 83%, Bắc Ninh 11,69%, Hải Phòng 11,19%... Địa phương ít lỗi nhất là Lâm Đồng với 2,08%.

    Nhóm khá nhất về tỷ lệ lỗi là nhóm doanh nghiệp nhà nước và các bộ (7,47-19.98%) thì vẫn còn vượt xa mức chuẩn yêu cầu và cao hơn cả trung bình xã hội. Xếp hạng chung, 5 đơn vị có ít lỗi nhất đều đạt chuẩn dưới 1%, trong đó có tới 3 ngân hàng.

    Trong đợt đánh giá này, mức độ một lỗi chính tả còn được coi là một lỗi là dưới mức 30%, lỗi ở mức 30-70%, theo các chuyên gia, có thể được chấp nhận như một cách viết khác của từ viết trong từ điển.

    Theo tiêu chí trên, từ “soi mói” và “sáng lạn” đã chính thức “gia nhập” từ điển Tiếng Việt, các lỗi “cọ sát” và “thăm quan” đều đạt mức báo động đỏ.

    Bao giờ mới thống nhất chuẩn chính tả Tiếng Việt?

    GS.TS Ngôn ngữ học Trần Trí Dõi cho hay: Từ năm 1983 đến nay, các bộ, ngành đã liên tiếp ban hành các văn bản quy định về vấn đề chính tả trong văn bản Tiếng Việt

    Năm 1983, Hội đồng “Chuẩn hoá chính tả” và “Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ” đã ký chung một Quyết định có nội dung về “Những quy định về chính tả tiếng Việt”.

    Một năm sau đó, chúng ta có Quyết định 240/QĐ của Bộ GD-ĐT Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt.

    Đến năm 2002, lại có “”Quy định tạm thời về chính tả trong sách giáo khoa mới” và 2003 có thêm “Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa”...

    Đến năm 2006, Bộ Nội vụ lại tiếp tục có dự thảo quy định về viết hoa và phiên chuyển tiếng nước ngoài sang văn bản Tiếng Việt.

    “Rõ ràng, tính nhiều quy định như vậy đã nói lên rằng, chữ quốc ngữ vẫn chưa được sử dụng thống nhất trong cộng đồng sử dụng tiếng Việt.” – GS Dõi đánh giá.

    Nói về vấn đề tiến đến chuẩn hoá chính tả tiếng Việt, GS Trần Trí Dõi cho rằng, cần làm sáng tỏ và thống nhất các khái niệm cũng như nội dung cơ bản của việc chuẩn hoá Tiếng Việt như: viết hoa tên riêng và các địa danh, phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài, xử lý những trường hợp thuộc vào “hiện tượng chính tả chưa thống nhất như dùng “i” hay “y”, “d” hay “gi” v.v..

    Đặc biệt, GS Trần Trí Dõi cho rằng, đối với vấn đề sai lỗi chính tả trong các văn bản chính thức của các cơ quan nhà nước, cần đưa ra chế tài nghiêm khắc để xử phạt cũng như việc ban hành các quy định có giá trị pháp lý. Bên cạnh đó là những quy định chính thức có tính bắt buộc về chuẩn chính tả của một cơ quan nhà nước có trách nhiệm.

    TS Nguyễn Ái Việt bổ sung: “Có lẽ vì lỗi chính quá nhiều, chúng ta trở nên chai lỳ với chúng đến mức thờ ơ. Hãy nhớ rằng quan tâm tới chính tả cũng là quan tâm đến quyền lợi thiết thực của mỗi người. Sửa lỗi chính tả để cũng là bước đầu để chấn chỉnh kỷ cương quốc gia, nâng cao chất lượng công việc và trách nhiệm của công dân.”

    Tiếp tục chiến dịch quét lỗi chính tả này, TS Nguyễn Ái Việt cho biết, trang web xephangvanban.com.vn sẽ tiếp tục tiến hành các đợt đánh giá thường xuyên 3 tháng một lần. Kết quả sẽ được sắp xếp theo tiến trình thời gian, giúp người sử dụng quan sát diễn biến của lỗi chính tả.

    *
    Nguyễn Hường

  7. #17
    Ngày tham gia
    Jun 2010
    Bài viết
    292
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    “Những con số về lỗi chính tả làm tôi rất sốc”

    “Những con số về lỗi chính tả làm tôi rất sốc” - Sự kiện trong ngày - Dân trí

    (Dân trí) - TS Nguyễn Ái Việt, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, dù biết trước tình trạng lỗi chính tả trong văn bản tiếng Việt là rất tệ, nhưng sau khi có kết quả nghiên cứu về vấn đề này, ông vẫn rất… “sốc”.

    Viện Công nghệ thông tin, nơi TS Nguyễn Ái Việt làm Phó Viện trưởng là đơn vị vừa đưa ra Báo cáo về Tình hình chính tả trong văn bản tiếng Việt. Phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông xung quanh bản báo cáo này.

    Thưa ông, những con số, kết quả từ đợt nghiên cứu lỗi chính tả trong văn bản tiếng Việt vừa qua có khác nhiều so với hình dung ban đầu của ông về thực trạng lỗi chính tả?

    Trước khi có kết quả nghiên cứu mình cũng biết lỗi chính tả trong văn bản ở tình trạng rất tệ. Nhưng khi mình thấy các con số thống kê, mình không ngờ lại đến mức độ như thế.

    Trước đây mình chỉ biết chung chung, nhưng các con số từ thực tế làm mình rất… sốc. Đúng là con số nói lên nhiều điều hơn mình cảm giác. Mình cảm giác còn có ít nhiều mơ hồ và dẫu sao cũng lẩn tránh được sự trực diện, còn khi con số đưa ra mình phải đối diện với nó.

    Từ kết quả nghiên cứu các ông đã đưa ra nhận định, lỗi chính tả của khu vực đại học và viện nghiên cứu xấp xỉ mức chung của xã hội. Điều này có vẻ… phi lý?

    Kết luận đó được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu tổng số mấy chục ngàn mẫu của khu vực đại học, viện nghiên cứu (sai sót 7% - PV) nên không thể nói là “oan” được. Trong bản báo cáo tôi đã viết, viện nghiên cứu và đại học được chờ đợi đi trước xã hội, làm khuôn mẫu cho xã hội, nói cách khác, khu vực đó là mực thước.

    Nhưng ông thầy là mực thước mà trung bình so với xã hội thì… có vấn đề. Không phải ông thầy kém chính tả mà bộ phận truyền thông của các trường đại học, các viện nghiên cứu kém chính tả, nhưng chưa được quan tâm của các thầy.

    Các thầy phải quan tâm đến những gì mình phát ngôn ra, những sản phẩm của mình đưa ra xã hội… Khu vực của các thầy chưa phản ánh được mực thước của xã hội thì đúng là điều đáng buồn.

    Sinh viên không thuộc đối tượng nghiên cứu trong công trình của các ông, nhưng nếu thực hiện nghiên cứu với đối tượng này, theo cá nhân ông tình trạng lỗi chính tả liệu có lớn?

    Nghiên cứu tình trạng lỗi chính tả với đối tượng này cũng là một gợi ý và có thể làm được. Nếu mình muốn đánh giá chính xác về sinh viên mình phải đánh giá qua luận văn, qua niên luận, bài tập… Theo kinh nghiệm riêng của tôi, lỗi rất nặng.
    Tôi đã từng đi chấm luận án và từng gặp những luận án sai chính tả… kinh khủng. Tôi cũng đã phỏng vấn rất nhiều thầy và ai cũng kêu về lỗi chính tả của sinh viên.

    Nếu tìm lỗi chính tả của sinh viên trên diễn đàn thì nặng hơn nhiều, nhưng tại các diễn đàn là văn nói, văn nói trên internet lại là chuẩn mực khác.

    Kết quả nghiên cứu của các ông đã chỉ đích danh các tổ chức, đơn vị có tỷ lệ lỗi chính tả cao. Có thể các ông sẽ nhận được phản hồi của các đơn vị này?

    Thứ nhất, nếu xếp hạng để đo hơn kém hay đấu chọi thì tất cả các mục tiêu của đợt đánh giá này thất bại hoàn toàn. Mục tiêu ở đây là để nâng cao nhận thức chung của xã hội về một vấn đề chung của chúng ta.

    Lỗi của một tờ báo, lỗi của một đơn vị thuộc Bộ nào đó cũng chính là lỗi của chúng ta. Đó là một hiểm họa nói chung và chúng ta phải cùng sửa. Của ai đó nhiều hơn thì cả xã hội cùng xúm vào sửa và chúng tôi công bố lên cũng là hành động đầu tiên để giúp họ sửa.

    Thứ hai, phương pháp thống kê không thể nói hoàn toàn chính xác, nhưng cũng nói lên phần nào thông tin về chất lượng chính tả.

    Ông có nói, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành tiếp các đợt đánh giá tiếp theo với quy mô rộng hơn, nhằm mở đường cho một chiến dịch cộng đồng về quét lỗi chính tả. Lỗi chính tả ngày càng trầm trọng hơn trong thời gian qua nên nhiều người vẫn băn khoăn về tính khả thi của điều ông nói?

    Tôi từng nói, có lẽ vì lỗi chính tả nhiều quá nên người ta đã trở nên chai lỳ với lỗi, không thể làm gì được. Nhưng tôi hi vọng, các tờ báo đồng lòng vào cuộc thì có thể khả thi. Mình phải tạo sức ép rất lớn và liên tục.

    Chính vì vậy, tôi không nghĩ chỉ đánh giá một lần mà cứ ba tháng một lần và theo đuổi đến khi nào chuyển thì thôi.

    Xin cảm ơn ông!

    Cấn Cường (thực hiện)

Cách sửa nói ngọng N và L cho mọi người và bàn về lỗi chính tả
Trang 2 của 2 Đầu tiênĐầu tiên 12

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68