Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Hàn Mặc Tử
Close
Login to Your Account
Trang 1 của 6 123 ... CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 57

Chủ đề: Hàn Mặc Tử

  1. #1
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Xứ Thâm Trầm
    Bài viết
    662
    Post Thanks / Like

    Mặc định Hàn Mặc Tử

    Tưởng tượng, hư ảo và vũ trụ luận mới trong thơ Hàn Mặc Tử




    Hàn Mặc Tử dùng tưởng tượng để tạo ra một thế giới hư ảo, nên việc đầu tiên khi khảo sát thơ Hàn là phải xác định thế nào là tưởng tượng và hư ảo

    Những người làm thơ đều biết yếu tố chủ chốt trong thơ là hình ảnh Khi nhà thơ tạo được một hình ảnh lạ, câu thơ tăng thêm giá trị. Thông thường người ta vẫn cho rằng: trí tưởng tượng tạo nên hình ảnh


    Một hình ảnh cố định, không có giá trị cao trong thơ. Một câu thơ hay luôn luôn dẫn ta vào những chuyến viễn du.

    Những bài thơ hay của Hàn Mặc Tử là những chuyến viễn du hư ảo đó.

    Trí tưởng tượng giúp Hàn tạo ra những hình ảnh hư ảo, những quang cảnh hư ảo, tạo ra một vũ trụ luận mới. Và óc tưởng tượng của Hàn dựa trên hai yếu tố vật chất xác định: Nước và trăng.

    Tưởng tượng và hư ảo

    Nhờ trí tưởng tượng phi thường, Hàn Mặc Tử đã hư ảo hoá thực tại, trong một vũ trụ luận mới. Lấy ví dụ trăng, là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong thơ Hàn: tại sao Hàn Mặc Tử có thể tạo ra những trăng khác thường, không giống bất cứ một thứ trăng nào có trước? - Nhờ tưởng tượng.

    Trăng là hình ảnh thông thường trong đời sống hàng ngày và trong thi ca. Dưới mắt chúng ta, trăng là một cái gì cố định, dù trên thực tế khoa học, trăng có di chuyển, nhưng mắt thường không thể thấy được, cho nên mỗi khi nhìn trăng, ta thấy một thực thể bất động trên bàu trời đêm.

    Trong thi ca cổ điển, tác giả thường phản ảnh vừng trăng quen thuộc ấy của chúng ta:

    Vầng trăng ai xẻ làm đôi

    Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. (Kiều)

    Trăng của Nguyễn Du là trăng hiện thực và tâm lý. Nhìn trăng lưỡi liềm, Nguyễn Du liên tưởng đến sự phân chia đôi ngả giữa hai người tình. Nguyễn Du cho trăng những hình ảnh và những ý nghiã gần với những điều mà chúng ta biết về trăng: “Tuần trăng khuất, điã dầu hao”, “Lần lần, ngày gió đêm trăng”, “Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần”. Trăng của Nguyễn Du vẫn còn là trăng, Nguyễn Du sáng suốt, chưa đi vào cõi hư ảo. Và đó cũng là tính chất chung của thơ cổ điển, bởi trong nghệ thuật cổ điển, tưởng tượng chưa đóng một vai trò quan trọng.

    Thơ Mới cũng nhìn trăng trong vị trí cố định như chúng ta, nhưng nhà thơ chiếu những cái nhìn khác nhau vào vừng trăng để tìm ra những khiá cạnh mới, những lối nói mới:

    Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá

    Ánh sáng tuôn đầy các lối đi (Trăng, Xuân Diệu)

    Trăng vẫn là trăng, nhưng Xuân Diệu đã nhân trăng lên nhiều lần: nhiều trăng quá. Hoặc cũng có thể hiểu nhiều trăng quá là nhiều ánh trăng quá viết gọn lại. Nhưng cảnh vẫn là cảnh thật trước mắt, rất nên thơ nhưng chưa hư ảo.

    Bâng khuâng chân tiếc dậm lên vàng

    Tôi sợ đường trăng dậy tiếng vang (Trăng, Xuân Diệu)

    Trăng vẫn là trăng: ánh trăng được nhà thơ gọi là vàng, và con đường đầy ánh trăng được viết tỉnh lược thành đường trăng.

    Tóm lại, dù dưới những hình ảnh nên thơ, trăng trong Thơ Mới vẫn là trăng hiện thực, hiện hữu.

    Hàn Mặc Tử không nhìn trăng như những nhà thơ cổ điển, và cũng không nhìn trăng như những nhà thơ Thơ Mới.

    Trong thơ Hàn, trăng không còn là trăng nữa.

    Hàn không nhìn trăng như một hình ảnh cố định trên bàu trời, mà Hàn cho trăng một nội dung, một ngoại hình khác hẳn. Nhìn trăng trước mắt, Hàn tạo ra những hình ảnh khác và trí tưởng tượng đã giúp Hàn thoát khỏi hình ảnh đầu tiên tiếp nhận được về trăng, để đi đến những hình ảnh khác, vắng mặt, đến một chuỗi hình ảnh đang lang thang đâu đó trong tâm trí của Hàn. Vì vậy, trăng của Hàn luôn luôn thay đổi hình hài, luôn luôn di chuyển, hành động, chứ không cố định, bất động như trăng thật.

    Hỡi trăng hãy chặt khóm thùy dương (Tiếng vang)

    Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha (Vịnh hoa cúc)

    Đêm vắng gần kề say chén nguyệt (Trồng hoa cúc)

    Trăng nằm sóng soải trên cành liễu

    Đợi gió đông về để lả lơi (Bẽn lẽn, trong tập Gái quê)

    Ô kià, bóng nguyệt trần truồng tắm

    Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe (Bẽn lẽn)

    Bóng Hằng trong chén ngả nghiêng

    Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình (Uống trăng, trong tập Gái quê)

    Có ai nuốt ánh trăng vàng

    Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga (Uống trăng)

    Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt

    Khép phòng đốt nến nến rơi châu (trích theo Chế Lan Viên, không biết bài nào)

    Trên đây mới chỉ là những câu thơ trong giai đoạn đầu, khoảng 1931-33, lúc Hàn mới bước vào thơ, mà toàn là tuyệt bút cả. Bởi Hàn có một trí tưởng tượng phi phàm, Hàn đưa trăng vào giấc mơ, thoát trăng ra khỏi ý nghiã thông thường và cho trăng những địa chỉ, những căn cước, những tình huống lạ kỳ, huyền diệu. Chúng ta có thể tìm thấy hàng trăm trăng như thế trong thơ, văn của Hàn, dọc suốt cuộc đời.

    Trăng của Hàn đổi sắc, đổi giống, đổi thể, đổi ngôi, đổi chất, trăng Hàn có thiên hình vạn trạng. Trăng trong câu “Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối” là trăng con trai. “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu” là trăng con gái, là trăng ma nữa. Trăng trong “Có ai nuốt ánh trăng vàng” là trăng ngọc lỏng, trăng trong “Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt” là trăng phản bội ...

    Nhờ óc tưởng tượng kỳ vĩ, Hàn tạo ra nhiều hình ảnh dị kỳ, khiến người ta tưởng những hình ảnh này là siêu thực. Thật ra Hàn không biết đến siêu thực, bởi siêu thực ra đời sau.


    Tóm lại, khoảng1930, khi Hàn Mặc Tử làm thơ, siêu thực chưa đến được Việt Nam. Những hình ảnh trong thơ Hàn, toát ra từ một trí tưởng tượng lạ lùng, trổi dậy trong những giấc mơ, những cơn ác mộng, chết đi sống lại trong thác loạn tình yêu và bệnh tật.

    Trăng của Hàn Mặc Tử muôn mặt, là trăng hư ảo, xác định sức tưởng tượng kỳ vĩ của nhà thơ.

    Ban đầu, khi còn trẻ, trăng và nước ở Hàn là trăng dịu, nước trong, là hương thơm da thịt tỏa lên từ thân thể người con gái, là hương say nồng ấm của dục tình tự nhiên, như gió - mưa - trời - nước:

    Trăng lên, nước lặng, tre la đà

    Rơi bóng im trên đám cỏ hoa

    Tiếng động sau vùng lau cỏ mọc

    Tiếng ca chen lấn từ trong ra.

    Tiếng ca ngắt - Cành lá rung rinh

    Một nường con gái trông xinh xinh

    Ống quần vo xắn lên đầu gối

    Da thịt, trời ơi! trắng rợn mình

    Cô gái ngây thơ nhìn xuống hồ

    Nước trong nổi bật hình dung cô

    Nụ cười dưới ấy và trên ấy

    Không hẹn, đồng nhau nở lẳng lơ (Nụ cười, trong tập Gái quê)

    Đây là bài thơ đầu tiên trong tập Gái quê, có thể coi là bài “thơ mới” đầu đời của Hàn. Thơ còn non, có vài chữ vụng, nhưng đã lộ đủ những yếu tố trăng, nước, nhạc, dục. Hàn đã thể hiện đầy đủ không gian của mình trong mấy câu thơ non trẻ, và đó cũng là bản chất thơ Hàn Mặc Tử: một vũ trụ luận mới.

    Vũ trụ luận mới

    Thơ Hàn không chịu nằm trong mặt bằng của trái đất mà luôn luôn tìm cách chiếm lĩnh không gian. Trong bài Nụ cười trên đây: trăng (trên trời), truyện trò với tre, nước, cỏ hoa (dưới đất), tiếng ca toát ra trong lau lách, tiếng ca ngắt đi, nhường cho tiếng lá rung động những lời thì thầm. Rồi người con gái bước ra ống quần xắn cao, gây rạo rực, nàng nhìn xuống hồ, soi cái lẳng lơ của mình trong đáy nước. Hàn đã choán tất cả không gian và lòng người trong khoảnh khắc thơ.

    Và như thế qua bài thơ đầu đời, Hàn đã tạo ra một vũ trụ luận mới trong thơ: Những thực thể như trăng, nước, tre, cỏ, hoa, tiếng ca, thiếu nữ... chiếu nhau theo đường chéo, như ánh sáng xuyên, xoay đủ chiều, nói chuyện với nhau, hoà nhịp với nhau trong một bức tranh nổi mà các thực thể bay lên, đáp xuống, không ngừng, trong không gian thơm hương nhạc. Thơ Hàn là một vũ trụ hư ảo, khác hẳn những bức tranh bằng phẳng, chưa có nhạc, như trong những cảnh thơ mà ta thường thấy, như:

    Cỏ non xanh rợn chân trời

    Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (Kiều)

    Nguyễn Du bày ra một cảnh đẹp tuyệt vời, nhưng là một cảnh phẳng, theo mặt bằng của trái đất và trong thơ chưa có âm thanh, chưa có nhạc.

    Hoặc:

    Một tối bầu trời đắm sắc mây,

    Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy,

    Hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ

    Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy (Với bàn tay ấy, Xuân Diệu).

    Đây là một trong những câu thơ hay nhất của Xuân Diệu, nhưng Xuân Diệu cũng mới chỉ bày ra một cảnh trời nước, cỏ, cây, giao cảm nhau, chứ chưa thực hiện được sự giao cảm nội tâm trong cây cỏ, như Hàn Mặc Tử.

    Nhờ những động từ: tìm, nghiêng xuống, mà cỏ cây của Xuân Diệu chuyển động, nhưng đó là những chuyển động chưa có âm thanh. Xuân Diệu mới chỉ tạo ra một cảnh lặng của đêm: Một tối bầu trời đắm sắc mây, cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy, hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ nghiêng xuống làn rêu một tối đầy.

    Trong khi Hàn Mặc Tử tạo ra cả chuyển động lẫn âm thanh: Trăng lên, nước lặng, tre la đà rơi bóng im trên đám cỏ hoa. Tiếng động sau vùng lau cỏ mọc, tiếng ca chen lấn từ trong ra, tiếng ca ngắt- cành lá rung rinh... Là một giao hưởng âm thanh, trong những chuyển động xiên chéo, nhiều chiều: trăng lên, nước lặng, tre la đà, rơi bóng im, tiếng ca chen lấn, từ trong ra, tiếng ca ngắt, cành lá rung rinh, nụ cười, dưới ấy, trên ấy... mỗi chữ, mỗi câu, không chỗ nào là không di động, ngay cả những liên từ như dưới ấy và trên ấy.

    So sánh một bài thơ đầu đời, còn non tay của Hàn Mặc Tử với một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu để thấy sự cách biệt sâu xa giữa hai nhà thơ.

    Tình Quê là bài thơ thứ ba trong tập Gái quê, đã đạt sự hoàn mỹ trong vũ trụ luận mới: không gian, trời nước và tâm cảnh, hoà tan trong âm nhạc và chuyển động:

    Trước sân anh thơ thẩn

    Đăm đăm trông nhạn về

    Mây chiều còn phiêu bạt

    Lang thang trên đồi quê

    Gió chiều quên dừng lại

    Dòng nước quên trôi đi

    Ngàn lau không tiếng nói

    Lòng anh dường đê mê

    Cách nhau ngàn vạn dặm

    Nhớ chi đến trăng thề

    Dầu ai không mong đợi

    Dầu ai không lắng nghe

    Tiếng buồn trong sương đục

    Tiếng hờn trong lũy tre

    Dưới trời thu man mác

    Bàng bạc khắp sơn khê

    Dầu ai trên bờ liễu

    Dầu ai dưới cành lê

    Với ngày xuân hờ hững

    Cố quên tình phu thê

    Trong khi nhìn mây nước

    Lòng xuân cũng não nề (Tình quê, trong tập Gái quê)

    Toàn bài là một bản nhạc mà âm thanh bay lên trong không gian mênh mông, trời nước giao hoà, kết nối những hình ảnh trùng trùng trong liên tưởng.

    Những câu thơ trong Tình quê không dứt nhau ra được trong thế liên hoàn như trường hợp bài Người hàng xóm của Nguyễn Bính

    Nhưng thơ Nguyễn Bính mở vào một cảnh thật trước mắt, có cô hàng xóm, có dậu mồng tơi, có con bướm bướm, bay ra bay vào. Còn thơ Hàn Mạc Tử mở ra một quang cảnh hư ảo, chỉ có trong tưởng tượng.

    Bài thơ liên hoàn của Hàn Mặc Tử kết nối những hình ảnh hư ảo, trong một liên tưởng bất tận: bắt đầu đi từ hai hình ảnh tương đối rõ: trước sân anh thơ thẩn, đăm đăm trông nhạn về, đã gợi sự mông lung, bất định, thiên di, qua những chữ thơ thẩn, nhạn về... tiếp theo là những hình ảnh trùng trùng điệp điệp: Mây chiều còn phiêu bạt, lang thang trên đồi quê, gió chiều quên ngừng lại, dòng nước quên trôi đi... cho đến hết, tất cả đều lôi kéo ta đi, ngay đến những hình ảnh như gió chiều quên ngừng lại, như dòng nước quên trôi đi, cũng không cho ta nghỉ ngơi ngừng lại ở một chốn nào. Lời thơ trôi theo một điệu nhạc thầm, dù không đọc lên thành tiếng, chúng ta cũng vẫn nghe thấy, điệu nhạc thầm ẩn trong chữ ấy, lôi cuốn ta đi, bắt ta đọc (thầm) hết câu này sang câu khác, hết bài thơ lại muốn đọc lại, đó là sự quyến rũ huyền bí của âm thanh.

    Hàn Mặc Tử ngay từ buổi đầu đã tạo một không gian âm nhạc và chuyển động mà vạn vật giao hoà, tạo ra một vũ trụ luận mới trong thơ. Tất cả những bài thơ hay của Hàn Mặc Tử như Đà Lạt trăng mờ, Mùa xuân chín, Huyền ảo, Đây thôn Vĩ dạ... đều có cấu trúc không gian hư ảo như thế. Hàn Mặc Tử đã đem tưởng tượng vào thơ mở ra một cõi hư ảo chưa từng có trong thơ Việt nam. Là nhà thơ đầu tiên đã hiện đại hóa thơ Việt nam

    TK
    Nhất thiết hữu vi Pháp
    Như mộng huyễn bào ảnh
    Như thiểm diệc như điện
    Ưng tác như thị quán

  2. #2
    Ngày tham gia
    Jun 2010
    Bài viết
    348
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Gái quê
    Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự
    Tôi đều nhận thấy trên môi em
    Làn môi mong mỏng tươi như máu
    Đã khiến môi tôi mấp máy thèm

    Từ lúc tóc em bỏ trái đào
    Tới chừng cặp má đỏ au au
    Tôi đều nhận thấy trong con mắt
    Một vẻ thơ ngây và ước ao

    Lớn lên, em đã biết làm duyên
    Mỗi lúc gặp tôi che nón nghiêng
    Nghe nói ba em chưa chịu nhận
    Cau trầu của khách láng giềng bên.

    Rũ áo phong sương trên gác trọ.
    Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

  3. #3
    Ngày tham gia
    Jun 2010
    Bài viết
    348
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Rướm máu
    Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
    Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
    Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
    Như mê man chết điếng cả làn da.

    Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
    Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh,
    Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
    Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.

    Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng
    Cho ngây người mê dại đến tâm can
    Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng
    Mà muôn năm rướm máu trong không gian.

    Rũ áo phong sương trên gác trọ.
    Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

  4. #4
    Ngày tham gia
    Jul 2009
    Đang ở
    hai phong
    Bài viết
    3,152
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bác Fan của em cũng lại mê cả Hàn Mặc Tử,cũng thích thế giới ảo của ông giống em hả.
    Em thì thấy giai đoạn đầu thơ Hàn thi sĩ tuy có nét độc đáo trong cách dùng từ ngữ nhưng ý tứ chưa có gì ghê gớm.Đến giai đoạn Hương Thơm Mật Đắng thì trong thơ ông xảy ra phản ứng hạt nhân - nguồn thơ tuôn trào mãnh liệt,có những câu thơ đột biến gien không ai có thể viết nổi.Lúc nhanh lúc chậm,chữ nghĩa như giáng long chưởng với 12 thành cônh lực phun ra tựa đòn thù,không thế lực nào ngăn chặn được. Tuy nhiên có những bài thơ không hoàn chỉnh về cấu trúc,có những câu cực hay nằm trong một bài thơ luộm thuộm.Có lẽ do sức khỏe và tinh thần không ổn định.
    Do rất thích bài thơ Nhớ Thương của ông,em đã tìm hiểu được giai thoại liên qua đến bài thơ,xin gửi đến bác và các kỳ hữu đồng cảm:

    ...Cái chết của nàng cung nữ bất hạnh này, chỉ vì ước mơ được gần vua một lần, dù chết cũng can tâm. Đó là một cung nữ trẻ đẹp trong số mấy ngàn người trong Tam cung, Lục viện sống mòn mỏi không hề có mùa xuân thắm.

    Cung nữ này, được nghe kể lại, xuất thân nhà nghèo, được tiến vào cung nhưng không có tiền lo lót cho nội giám, nên chỉ được quét dọn ở bên ngoài nội tẩm.

    Một lần trông thấy vua Vua (Minh Mạng) một “Ngài Ngự” trẻ đẹp, đem lòng say đắm, mong mỏi được gần gũi một lần thôi, mà chết cũng chịu.

    Vua Minh Mạng nổi tiếng hiếu sắc và hiếu sát tàn nhẫn hơn hết các vì vua Nguyễn triều, không kém Dương Quảng (Tuỳ Đế nước Trung Hoa).

    Một hôm, người cung nữ đẹp mà vắn số này, không biết làm thế nào vào được long sàng, gặp lúc vua đang ngủ. Nhìn sững sờ một hồi, không cầm được nỗi ước mơ, rón rén hôn nhẹ má vua.

    Vua giựt mình tỉnh dậy, nàng hoảng sợ vội vàng bỏ chạy. Còn chưa tỉnh, vua thét nội thị tìm bắt và đem chém. (Có người nói là vua la lên: thích khách). Minh Mạng độc ác nên luôn luôn sợ kẻ ám sát.

    Cung nữ bị đem ra chém. Theo kể lại, nàng bị chém ngang lưng (yêu trảm) không khóc than, chỉ hướng về nội tẩm lạy mấy lạy rồi bình tĩnh thụ hình pháp.

    Trong nội cung nghe nói đều gạt lệ thầm nhưng không ai dám hở môi.

    Hàn Mặc Tử nghe câu chuyện bị xúc động mãnh liệt, anh có làm một bài thơ nhắc lại thảm kịch đó bằng một giọng tuy oán trách nhẹ nhàng nhưng không thiếu phần xót xa đau đớn...

    Trong bài thơ này, Hàn Mặc Tử mượn cuộc đời cô quạnh khao khát yêu đương trong cung cấm, để diễn tả nỗi lòng người Cung nữ bất hạnh đã chết vì thương yêu Vua.

    Các phi tần cung nữ trong Đại Nội, mỗi người một vẻ như bó hoa trăm sắc trăm hương (quần phương) tìm cách phô bày vẻ thướt tha kiều diễm, tươi mát để mong được Ngài ngự lưu ý.

    Nhưng vua chúa (châu báu) vô tình bước qua đi, dẫm chân lên nỗi lòng buồn thảm của họ, tuy ân ái dịu dàng như tấm thảm nhưng, nhưng biết bao cay đắng xót xa.

    "Ôi chao! Thánh thượng vô tâm quá."

    Vậy thì ai là người đẹp nhất, có phúc được vua đoái hoài?

    Ngoài kia bá tánh, đã có bao mùa xuân nên duyên thắm, mà sao nơi đây không hề biết mùa Xuân (yêu đương). Không có trăng không có nhạc, chỉ có Vua là ước mơ thầm lặng của mỗi người trong cuộc đời khép kín.

    Người cung nữ nào đây đã phải trả Mùa Xuân bằng giá máu hồng. (Thiếp viết Xuân trên mảnh lụa hồng).

    Nếu không biết câu chuyện thương tâm này trong thâm cung bưng bít thì bài thơ Nhớ Thương này là một trong những bài thơ kỳ lạ khó hiểu nhất từ xưa nay của Hàn Mặc Tử.





    Nhớ Thương
    Trầm ngán nghê bay trong lãnh cung
    Xuân thơm bối rối ngọt vô cùng
    Ôi chao, thánh thượng vô tâm quá
    Lòng thiếp buồn như một tấm nhung!

    Ở đây châu báu vô tri hết
    Pho sách quần phương lộ ý nhiều!
    Hãy tìm cho được hoa cung cấm
    Xem thử tên hoa có mỹ miều

    Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa ?
    Trời ở trong đây chẳng có mùa
    Không có niềm trăng và ý nhạc,
    Có người cung nữ nhớ thương vua.

    Đừng ai nhắc nhở đến xuân trong
    Vô số là xuân chiếm mọi lòng
    Mỗi người đều có xuân riêng cả
    Thiếp viết xuân trên mảnh lụa hồng...
    Trời cho bao năm để rong chơi...?
    Đến khi gặp người, chân rã rời...!

  5. #5
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Xứ Thâm Trầm
    Bài viết
    662
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bài nhớ thương nghe đau đớn lạ lùng ,Thơ Hàn có nhiều câu đọc không hiểu ,nhưng vẫn thấy hay .Tích xưa Quách Tấn (bạn thân Hàn mặc Tử ) thi nhân chuyên làm thơ theo lối cổ đường luật ,ông nổi tiếng với hai tập thơ Đọng bóng chiều và Mộng Ngân Sơn có lần hỏi Hàn mặc Tử ý nghĩa hai chữ Phượng Trì trong bài ...Marỉa ,linh hồn tôi ớn lạnh ...Hàn trả lời đó là cái ao của Tây Vuơng Mẫu ,Quách vốn giỏi Hán văn hơn Hàn nên nói ,ao Tây Vương Mẫu là Giao trì không phải Phượng trì ,Hàn lẩm bẩm Giao trì Giao trì ,rồi lắc đầu nói nghe không đuọc ,theo tôi vẫn phải là Phượng trì .Quách Tấn cuời xòa Phượng trì không có nghĩa gì cả mà đọc lên vẫn thấy hay ác liệt mới chết chứ! Hàn mặc Tử là thi nhân thần cảm vào bậc nhất thi ca việt nam .Khi trước đọc Điêu tàn của Chế lan Viên thấy hay ,sau lớn rồi đọc lại thấy chán ,Riêng Hàn Mặc Tử đọc lúc nào cũng thích
    Nhất thiết hữu vi Pháp
    Như mộng huyễn bào ảnh
    Như thiểm diệc như điện
    Ưng tác như thị quán

  6. #6
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Đang ở
    DALAT
    Bài viết
    529
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Cảm ơn bác fansifan về giai thoại thú vị này. Nói theo Nguyễn Huy Thiệp, thơ có thể chia thành 2 dạng: ngộ năng và trí năng. Thơ Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng... có thể xếp vào dạng "ngộ năng", không cần đúng nhưng có nhiều câu thơ làm người đọc... lạnh sống lưng.

  7. #7
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Xứ Thâm Trầm
    Bài viết
    662
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    @ Bác cuoiconbo Bùi Giáng thì khó nói cho hết được thiên tài lung linh lạ thường của ông ,ngày mới bỏ sách vở ra chợ đời xoay sở tôi mê nhất hai câu
    Giã từ giấc mộng điêu linh
    Anh về buôn bán đời mình phôi pha
    Cùng thời đó có Quách Thoại ,làm thơ không nhiều ,lại yểu mệnh ,tuy nhiên ông có bài này mà Bùi giáng khen là ...Tuyệt bút
    Hoa Thuợc Duợc
    Đứng im bên hàng dậu
    Em nở nụ nhiệm mầu
    Lặng nhìn em kinh ngạc
    Ta lắng nghe em hát
    Lời ca em thiên thâu
    Ta sụp lạy cúi đầu
    Bùi giáng ít khi khen thơ ai ,hoặc có thì cũng chỉ vài câu như Cao thị Vạn Giã có hai câu mà ông gọi là đạt mức Lô Hỏa Thuần Thanh
    Mù sương phi cảng não nề
    Thôi anh ở lại buồn về em mang
    Mê cho tới độ ông lấy làm hai câu mở đầu cho tập khảo luận văn học Sương Bình Nguyên của mình
    Nhất thiết hữu vi Pháp
    Như mộng huyễn bào ảnh
    Như thiểm diệc như điện
    Ưng tác như thị quán

  8. #8
    Ngày tham gia
    Jun 2010
    Bài viết
    348
    Post Thanks / Like

    Mặc định Lưu luyến

    Chửa gặp nhau mà đã biệt ly
    Hồn anh theo dõi bóng em đi
    Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
    Lưu luyến bên em chẳng nói gì.

    Thơ em cũng giống lòng em vậy
    Là nghĩa thơm tho như ánh trăng
    Mềm mại như lời tơ liễu rủ
    Âm thầm trong ánh gió băn khoăn.

    Anh đã ngâm và đã thuộc làu
    Cả ngàn rung động bởi thương đau
    Bởi vì mê mẩn, vì khoan khoái
    Anh cắn lời thơ để máu trào

    Lời thơ ngậm cứng không rền rĩ
    Mà máu tim anh vọt láng lai
    Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt
    Tiếng vang tha thiết dội khắp nơi.

    Em đã nghe qua em đã hay
    Tình anh sao phải trúng mê say
    Anh điên anh nói như người dại
    Van lạy không gian xoá những ngày.

    Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu
    Những ngày mây lam cuốn dập dìu
    Những mảnh nhạc vàng rơi lả tả
    Những niềm run rẩy của đêm yêu

    Anh đứng cách xa hàng thế giới
    Lặng nhìn trong mộng miệng em cười
    Em cười anh cũng cười theo nữa
    Để nhắn hồn em đã tới nơi.

    Rũ áo phong sương trên gác trọ.
    Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

  9. #9
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Xứ Thâm Trầm
    Bài viết
    662
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Hay quá Toan tôi thích những câu này
    Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu
    Những ngày mây lam cuốn dập dìu
    Những mảnh nhạc vàng rơi lả tả
    Những niềm run rẩy của đêm yêu
    Nhất thiết hữu vi Pháp
    Như mộng huyễn bào ảnh
    Như thiểm diệc như điện
    Ưng tác như thị quán

  10. #10
    Ngày tham gia
    Jun 2010
    Bài viết
    348
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Em lại thích nhất khổ cuối bác ạ
    Anh đứng cách xa hàng thế giới
    Lặng nhìn trong mộng miệng em cười
    Em cười anh cũng cười theo nữa
    Để nhắn hồn em đã tới nơi.
    Càng đọc càng thấy thương cho HMT.

    Rũ áo phong sương trên gác trọ.
    Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

Hàn Mặc Tử
Trang 1 của 6 123 ... CuốiCuối

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68