Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Rồng rắn lên mây
Close
Login to Your Account
Kết quả 1 đến 6 của 6

Chủ đề: Rồng rắn lên mây

  1. #1
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Đang ở
    Racoon City
    Bài viết
    1,293
    Post Thanks / Like

    Mặc định Rồng rắn lên mây



    Trẻ con nhà quê từ nghìn xưa đã có trò chơi rồng rắn. Ấy là một lũ trẻ, đứa nọ nối đứa kia túm lưng áo nhau đi quanh sân hoặc lòng vòng trong các ngõ xóm. Đứa đi đầu bịt mắt bằng một dải khăn đen, hai tay quờ quạng tìm lối đi. Sao lại phải bịt mắt? Bịt mắt mà lại dẫn đầu nghĩa là cái đám rồng ấy không có đầu, thế nghĩa là “quần long vô thủ” (lũ rồng không đầu, chính là quẻ “Càn” trong kinh Dịch). Hay đó là con rồng mù? Mỗi lần đứa bịt mắt đụng phải bức tường hay vật cản thì cả đám lập tức ùn lại, uốn khúc. Uốn khúc rồi lại dãn ra, rồi lại uốn… nom rất sinh động. Rõ ràng đứa đi đầu ấy nếu không bịt mắt thì sẽ không thể làm thành con rồng. Ghê thật. Trò chơi rồng rắn ấy khác gì một bài đồng dao?

    Thời Lê sơ có câu chuyện rồng rắn rất kì lạ. Kể rằng hoàng tử Nguyên Long (con thứ Lê Lợi) sinh năm quý mão (1423), giờ dậu. Lúc sinh ra, dưới đất thì hương thơm ngào ngạt, trên trời có mây lành quấn quýt. Bình Định Vương Lê Lợi mời một vị thầy tướng tới xem. Thầy tướng phán hoàng tử có chân mạng đế vương, lại có cốt cách chân long, bèn đặt tên là Nguyên Long. Lúc bấy giờ con trưởng là Tư Tề đã được phong thái tử. Nay thấy xuất hiện thêm đứa em có mạng đế vương thì làm sao mà vui được. Tư Tề nghĩ đến cái ngôi thái tử của mình, không khéo thì thằng em chân long này nó đoạt mất, bèn rắp tâm rình cơ hội để hãm hại. Bấy giờ ở trước sân hành cung Bình Định Vương có đặt một con rồng bằng đá rất to đang há miệng phun châu. Năm Nguyên Long lên 3 tuổi, một hôm chơi ở sân, không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà trong một lúc, những người trông coi nhất loạt bỏ đi đâu hết cả. Tình cờ đúng lúc ấy thái tử Tư Tề đi qua. Thấy chú bé Nguyên Long đang lẫm chẫm tìm cách trèo lên lưng con rồng. Tư Tề bèn tiện tay xách Nguyên Long bỏ quách vào miệng rồng. Nguyên Long chẳng tỏ vẻ sợ hãi gì hết, lại còn tỏ ra thích thú, vừa cười khanh khách vừa bò sâu vào phía trong. Bỗng miệng con rồng đá từ từ khép lại. Tư Tề thấy thế kinh ngạc, toát mồ hôi ướt đầm lưng áo. Bụng nghĩ Nguyên Long thế là đi đứt, Tư Tề tuy có hơi hoảng, song chợt nghĩ đến cái ngôi thái tử của mình, biết đâu ấy là do trời muốn giúp mình trừ bỏ kẻ tranh cạnh sau này. Mà việc vừa xảy ra lại không hề có ai chứng kiến, bèn yên chí đổi sợ làm mừng mà nhanh chóng rời khỏi chỗ ấy.

    Hoàng tử Nguyên Long mất tích không đầy một khắc sau đó thì được phát hiện. Ngay lập tức, cả hành cung Bình Định Vương náo loạn. Những người theo hầu hoàng tử lúc đó hoảng hốt rụng rời. Phen này khối kẻ rơi đầu. Bao nhiêu người được huy động, song tìm mãi vẫn không thấy tăm hơi hoàng tử đâu. Điều kì lạ là không ai để ý đến miệng con rồng đá trước há to là thế, mà giờ lại khép chặt. Cho đến tận ngày hôm sau, Bình Định Vương Lê Lợi đành phải mời thầy về cúng. Thầy cúng bày hương án khấn suốt một canh giờ, gọi đủ tên các thổ địa, thần linh rồi đốt sớ, rút thẻ… Rút ngay được tấm thẻ có chép mấy câu: “cửu canh nhập long; cửu niên tại vị; xuất dương cận xà”. Thầy cúng nghĩ mãi vẫn không hiểu thế nghĩa là gì. Bất chợt ngẩng lên nhìn thấy con rồng đá. Ngay lúc ấy, miệng con rồng từ từ mở ra. Bên trong có một làn hơi phả ra ngoài, nhẹ như làn khói. Hoàng tử Nguyên Long từ trong họng con rồng đá lụi cụi bò ra, mặt mũi tươi tỉnh nhoẻn một nụ cười… Mọi người ai cũng kinh ngạc cho là chuyện lạ. Lúc ấy vừa đúng 9 canh giờ, kể từ khi hoàng tử mất tích.

    Thái tử Tư Tề tất nhiên cũng chứng kiến cảnh đó, một lần nữa kinh sợ mất vía. Tư Tề biết chắc thế là Nguyên Long có thần giúp. Từ đó bỏ hẳn ý định, tuyệt không dám tìm cơ hội hãm hại Nguyên Long nữa. Về sau, Lê Lợi quả nhiên giáng Tư Tề xuống quận vương, song vì một lý do hoàn toàn khác chứ không dính gì đến câu chuyện trên. Nguyên Long được phong hoàng thái tử thay cho Tư Tề. Năm Lê Lợi mất, Nguyên Long mới lên 11 tuổi, thế mà đường hoàng chấp chính, đứng (vì còn nhỏ quá) nhận lễ triều hạ của trăm quan, tự mình nghe và xử lý chính sự mà không cần Thái Hậu hay bất cứ một vị đại thần nào phụ chính (quả đúng là chân long). Nguyên Long (tức Lê Thái Tôn) làm vua cho đến khi mất chỉ quá tuổi vị thành niên một ít, vậy mà đã thiết lập được kỉ cương triều chính, lại thẳng tay trừng trị một loạt khai quốc công thần cậy có công lộng quyền nhũng nhiễu…

    Bấy giờ quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi đã về hưu, trở về quê ở làng Nhị Khê – Côn Sơn mở trường dạy học. Một đêm nằm mơ, Nguyễn Trãi thấy một người đàn bà có chửa đến cầu xin ông cứu mạng. Nguyễn Trãi nhận lời song vẫn không hiểu câu chuyện thực ra là thế nào. Hôm sau, trong lúc học trò phát cây dựng trường, thấy một con rắn bụng chửa từ trong lùm cây bò ra, đám học trò hò hét đuổi theo chặt đứt một khúc đuôi, làm giập cả bụng trứng. Tối hôm đó Nguyễn Trãi đang chong đèn đọc sách, bỗng từ trên nóc nhà, một con rắn cụt đuôi ở đâu bò lên, nó há miệng nhả một giọt máu tươi xuống giữa quyển sách, giọt máu thấm ướt đúng ba trang giấy. Nguyễn Trãi rùng mình nghĩ đến một điềm gở, trong lòng bỗng giày vò một nỗi ân hận mơ hồ…

    Lê Thái Tôn lên ngôi, vì ghét đám khai quốc công thần đã sớm tối mắt vì quyền, lợi, chỉ nhăm nhe đấu đá tranh giành địa vị, lại cấu kết bè phái để bóp nặn thiên hạ, bèn vời Nguyễn Trãi trở lại làm quan, song vẫn cho phép ông ở tại Côn Sơn, chỉ thỉnh thoảng mới phải vào triều chầu vua. Nguyễn Trãi lúc ấy mới cưới một người thiếp là Nguyễn Thị Lộ. Thị Lộ nguyên là một cô gái bán chiếu, vừa đẹp người vừa hay chữ. Hai người làm quen, tình tự với nhau qua bài thơ xướng họa “chiếu gon” về sau nổi tiếng cả chính sử lẫn dã sử. Thị Lộ thường ra vào triều cùng Nguyễn Trãi. Và sắc đẹp cùng sự thông minh, hay chữ của nàng [chẳng may] đã khiến ông vua trẻ Lê Thái Tôn mê mẩn. Nhà vua lập tức vời nàng vào cung, phong làm Lễ nghi học sĩ, tiếng là dạy các cung nữ, song thực chất là để tiện việc gần gũi với nàng.

    Và thế là bi kịch của chính Lê Thái Tôn, của Nguyễn Trãi cùng cả 3 dòng họ của mình bắt đầu từ đây. Sử chép Lê Thái Tôn một hôm đi duyệt binh ở Chí Linh, lúc trở về ghé qua Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, tiện thể ngủ đêm ở đấy. Nhà vua thức suốt đêm cùng Thị Lộ, gần sáng bỗng đột ngột băng hà… Khi ấy ngài mới 20 tuổi, làm vua vừa được chín năm.

    Ngay lập tức Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ bị bắt giam. Nguyễn Trãi bị khép vào tội chủ mưu giết vua, tru di 3 họ. Ngày Nguyễn Trãi ra pháp trường, lại thấy một con rắn cụt đuôi ở đâu bỗng bò đến chứng kiến. Xong việc, nó lẩn nhanh xuống sông, bơi đi tuyệt tích.

    Tất cả những việc kinh người ấy có phải là sự trả thù ghê gớm của con rắn bụng chửa ngày trước? Chỉ biết rằng đến lúc ấy, mấy câu trên tấm thẻ trước kia mới được giải nghĩa. Hoàng tử Nguyên Long nằm trong họng con rồng đá đúng 9 canh giờ (“cửu canh nhập long”); lên làm vua đúng 9 năm (“cửu niên tại vị”). Ôi, giá như cái sự “nhập long” trước kia của ngài kéo dài thêm ít canh giờ nữa, thì Nguyễn Trãi cùng cả 3 họ của mình chắc đã không phải gặp nạn, và lịch sử, hẳn sẽ phải khác đi nhiều lắm. Chỉ còn câu cuối (“xuất dương cận xà”), không biết có phải nghĩa là, ngài rốt cuộc đã bị xuất hết dương khí bên cạnh cái tinh con rắn (xà) hay không mà thôi.(st)

  2. #2
    Ngày tham gia
    Oct 2010
    Bài viết
    1,270
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Đọc thấy thú vị, lục lọi google ra được lời bình trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư về vua Lê Thái Tông:

    Vua thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di Địch. Trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ; xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi biết nối giữ cơ đồ. Song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy tai họa.

    Đúng là có tật có tài

    Nhân vật Thị Lộ này thật là thú vị. Làm cho một Nguyễn Trãi mê sắc mến tài không phải là người bình thường. Nhân vật này cần được một pho truyện tầm cở; Nguyễn Huy Thiệp có viết một truyện ngắn về bà, phải chi ông viết một truyện dài. Chắc bà cũng một lòng thương yêu Nguyễn Trãi, nhưng bị/được vua Thái Tông sàm sở ("Nguyễn Thị Lộ người đẹp, hay chữ, vua cho ra vào cung và sàm sỡ với bà.") mà phải chịu đựng (hay không chịu đựng ?) tâm lý ra sau? Mỗi tình tay ba này phía trong thế nào?
    Lần sửa cuối bởi roamingwind, ngày 25-02-2013 lúc 01:19 AM.
    Anh có thể biết tôi, tạm gọi là vậy, qua ngọn gió trên đồi
    Anh sẽ không biết tôi bằng danh xưng nào khác.

    You can know me, if you will, by the wind on the hill
    You'll know me by no other name.
    (No Other Name - Peter, Paul and Mary)

  3. #3
    Ngày tham gia
    Mar 2012
    Đang ở
    Bình Dương
    Bài viết
    1,981
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Tóm lại chuyện này có liên quan đến Rồng và Rắn .

    Nói về rắn thì đấy là loài mà con người vừa kính sợ vừa thù ghét. Nó cũng là con vật hay xuất hiện trong giấc mơ của nhiều người. Theo nhiều người bảo nằm mơ thấy rắn là tốt, nhưng nếu nằm mơ thấy mình giết rắn thì đó là điềm gở. Rắn vừa là vị thần bảo hộ vừa là quỷ thù dai. Phải chăng quan niệm đó có liên quan với giấc mơ của Nguyễn Trãi? Tôi thì thường nằm mơ thấy 2 thứ. 1 là rắn. 2 là nước. Chả biết điềm gì .
    Bận lòng chi nắm bắt

  4. #4
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Đang ở
    Racoon City
    Bài viết
    1,293
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Chà chà ông Gió nhà mình rành văn học ghê ,đọc toàn thứ vàng ròng .Nguyễn Huy Thiệp là người xưa nay hiếm .Văn học truớc ông thì tù mù lặng lẽ ,sau ông lại lặng lẽ tiêu điều .Ông viết truyện này trong thời kì sung sức .Lịch sử đuợc nhìn dưới góc độ sử thi thật tuyệt .Đoạn này ông viết hay quá

    Khi Nguyễn gặp vua Lê Thái Tôn bày tỏ những ý tưởng của ông, thực ra trong thâm tâm Nguyễn cũng thừa hiểu sự vô nghĩa của việc mình làm. Những năm gắn bó với vua Lê Thái Tổ từ ngày khởi nghiệp đã cho ông những kinh nghiệm cay đắng về thế sự. Những buổi trò chuyện với Nguyễn Thị Lộ giúp Nguyễn nhiều điều. Trong vắt như nước suối, nàng lặng lẽ để cho ông gạn lọc những ý tưởng của mình. Hoàn toàn giản dị, nàng chảy một cách từ từ, chậm rãi, tự tin, vừa độ lượng, vừa ích kỉ chính trong dòng đời. Chỉ nhìn thấy nàng, Nguyễn nhận ra ngay ông đã sai lầm hoặc ông đã đúng trong các suy luận. Nàng chẳng hỏi ông nghĩ gì và các suy luận ấy của ông đầu cuối ra sao, xuất phát từ đâu, đến đâu chấm dứt. Nguyễn so sánh những ý tưởng mơ hồ trong đầu óc ông với cách nàng quét nhà hoặc nàng ngáp ngủ. Chỉ có nàng mới có khả năng siêu phàm giúp ông đối chiếu cái thế giới ảo vô hình với cái thế giới thực hưu hình quanh mình, điểu mà ông biết chắc chắn ông có hoài công đi khắp thế gian ông cũng chẳng tìm ra được một người phụ nữ thứ hai như vậy.

    Từ nhỏ, Nguyễn đã sớm nhận ra sự lạc loài của ông giữa đám đông. Ông như khoai giữa ngô, như lạc giữa vừng. Ông là một thứ chất liệu khác. Ông cô đơn chính với đồng loại của mình. Gặp Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn sống ráo riết hơn và nghiêm nhặt hơn. Ông rà xét lại mình và nhận ra một loạt yếu kém trong phương diện tinh thần cũng như cách tổ chức cuộc đời. Cho đến lúc này, Nguyễn mới có thể cắt nghĩa được bản chất các sự kiện đã từng diễn ra với ông và cả triều đại.
    ........

    Nguyễn xem xét lại mình và ông hoảng sợ bởi những tham vọng mơ mộng của mình. Nguyễn hiểu những khó khăn của việc thi hành đạo. Oái oăm ở chỗ đạo là thứ danh không phải là danh, điều ấy đẻ ra những khó khăn trong xuất xứ. Chính Khổng Tử cho rằng người làm quan là để thi hành điều nghĩa chứ đạo thì chẳng thi hành được. Nguyễn Thị Lộ lo lắng bởi những đổi thay trong tinh thần Nguyễn. Nàng cũng không hiếu Nguyễn đến với nàng với mong muốn gì? Thực ra, Nguyễn mong muốn ở chính bản thân. Ông cô đơn giữa đời như một hành tinh hoặc một ngọn gió. Điều ấy khiến nàng xót xa. Nguyễn biết gắn bó với nàng là ông chuốc họa vào mình. Nhưng biết thế, Nguyễn vẫn gắn bó với nàng. Bởi nàng là Nguyễn Thị Lộ.

    Vì nàng là Nguyễn Thị Lộ.

    Chỉ có một Nguyễn Thị Lộ

    Còn Nguyễn, Nguyễn đâu có hai cuộc đời? Rồi ngày nào đấy Nguyễn cũng chết đi, trên nấm mộ chỉ có cỏ xanh. Như bao người khác.


    Cám ơn ông Gió hàn huyên với ông thật là thống khoái
    Lần sửa cuối bởi Lâm Đệ, ngày 25-02-2013 lúc 01:45 AM.

  5. #5
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Đang ở
    Racoon City
    Bài viết
    1,293
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi ChienKhuD Xem bài viết
    Tôi thì thường nằm mơ thấy 2 thứ. 1 là rắn. 2 là nước. Chả biết điềm gì .
    Còn điềm gì nữa nếu ông có chém con rắn tức là giống Lưu Bang dấy binh khởi nghĩa (ứng vào điềm bỏ công ty cũ sang công ty mới hehe)

  6. #6
    Ngày tham gia
    Oct 2010
    Bài viết
    1,270
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi Lâm Đệ Xem bài viết
    Nguyễn Huy Thiệp là người xưa nay hiếm .Văn học truớc ông thì tù mù lặng lẽ ,sau ông lại lặng lẽ tiêu điều.
    Như tôi đã hay nói, đã rất lâu rồi tôi không đọc sách cho đến 1, 2 năm nay. Hồi đó thì chỉ biết có hai người trong văn chương VN cận đại mà đọc thấy rất hay: Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Duy. Một phần có lẽ là tại tôi thiếu thông tin, những năm 90 muốn kiếm sách trong nước không phải là chuyện dể.
    Về VN tôi khiên ra một thùng sách, ông cậu lắc đầu không hiểu thằng cháu.

    Nhớ có năm đi cắm trại với đám bạn, lở đem theo cuốn tập truyện ngắn của NHT, cuối cùng bọn nó đi trèo non vượt suối mình cứ nằm trước cabin đọc cho hết cuốn sách của ông rồi tính sao thì tính.

    Từ nhỏ, Nguyễn đã sớm nhận ra sự lạc loài của ông giữa đám đông. Ông như khoai giữa ngô, như lạc giữa vừng. Ông là một thứ chất liệu khác. Ông cô đơn chính với đồng loại của mình.
    Đây đây... bửa trước đọc hai câu thơ của thiền sư Không Lộ bác post

    Hữu thì trực thuợng cô phong đỉnh
    Truờng khiếu nhất thanh hàn thái hư

    Tôi liên tưởng đến Nguyễn Trãi hoặc Nguyễn Du. Những người mà cái tài hoa và thâm sâu vượt qua những tài hoa thâm sâu cùng thời đại. Cái cô đơn nó mới khủng khiếp thế nào !! Tuy nhiên, , bài thơ này tôi cảm thấy có vấn đề khi bảo là của thiền sư Không Lộ. Thiền sư mà cô đơn đến độ tâm thức làm rung lạnh cả không gian thì có vấn đề. Thiền sư có thể tịch mịch, có thể lặng lẽ, nhưng không là cô đơn.

    Những lời văn của NHT thật hay, cám ơn bác đã post (nói đến đâu ông "sổ" ra đến đó. Kinh thật.) . Sáng chủ nhật vừa nhâm nhi cà phê vừa được đọc từng chử văn chương thế này "Hoàn toàn giản dị, nàng chảy một cách từ từ, chậm rãi, tự tin...". Một dòng nước tấm mát và cuộn tròn Nguyễn Trãi. Hay thật.
    Lần sửa cuối bởi roamingwind, ngày 25-02-2013 lúc 02:49 AM.
    Anh có thể biết tôi, tạm gọi là vậy, qua ngọn gió trên đồi
    Anh sẽ không biết tôi bằng danh xưng nào khác.

    You can know me, if you will, by the wind on the hill
    You'll know me by no other name.
    (No Other Name - Peter, Paul and Mary)

Rồng rắn lên mây

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68