Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Cà Phê Hàng Hành
Close
Login to Your Account
Kết quả 1 đến 10 của 10

Chủ đề: Cà Phê Hàng Hành

  1. #1
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Đang ở
    Racoon City
    Bài viết
    1,293
    Post Thanks / Like

    Mặc định Cà Phê Hàng Hành

    CAFÉ HÀNG HÀNH

    Nguyễn Huy Thiệp

    “ Ngủ đi, hãy ngủ đi em,
    Đời là như thế dậy xem làm gì.
    Dậy đi, em hãy dậy đi,
    Đời là huyễn mộng có gì mà mơ?”
    ( Nguyễn Bảo Sinh)


    Như một cánh cung, phố Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn, hàng café, gallery, shop quần áo. Nghe nói ngày xưa đây là nơi bán hành tỏi, sau chuyển sang nghề tiện gỗ. Đền thờ tổ nghề tiện gỗ ở trong nhà số 11. Nghề tiện gỗ vốn là nghề truyền thống của làng Nhị Khê quê hương Nguyễn Trãi.
    Ở phố Hàng Hành có mấy di tích cổ là đình và đền làng Tả Khánh Thuỵ ở trong nhà số 23. Ngoài ra ở nhà số 40 còn đền Trúc Lâm là đền thờ các ông tổ của nghề thuộc da giầy là các ông Phạm Đức Chính, Phạm Sĩ Bân và Phạm Thuần Chính. Trước cửa đền Trúc Lâm bây giờ là nơi rửa xe máy.
    – Hà Nội đất Thánh! – Ông Vũ nhà ở phố Hàng Giầy trước đây vẫn ngồi ở gác hai nhà café Nhân thường nói – Hà Nội là đất Thánh nên đi đến đâu cũng là di tích!

    Ông Vũ là khách đặc biệt của café Nhân. Ông biết rõ café Nhân từ khi mới lập, cách đây năm mươi năm, khi ấy chỉ là một gian nhà hẹp ở phố Cầu Gỗ. Một dạo, ông Vũ chuyển sang uống ở café Lâm phố Nguyễn Hữu Huân. Lâm nổi tiếng vì chơi với nhiều văn nhân nghệ sỹ, về già lại hay cúng tiền công đức lên cho các chùa. Lâm mất, ông Vũ chuyển về uống ở café Mai phố Lương Ngọc Quyến. Năm 2000, Mai bị bắt vì buôn ma tuý, ông Vũ chuyển về uống ở café Nhân Hàng Hành. Ngày nào cũng vậy, cứ 9 giờ sáng và 5 giờ chiều, ông Vũ đều đặn hai lượt đến ngồi ở trên ban công gác hai nhìn xuống mặt đường, uống một ly café đen đá và hút thuốc lá Camel, đôi mắt xa xăm nhìn ngắm bóng chiều cứ xuống dần dần qua tán lá bàng. Thời gian trôi đi, tất cả rồi mất hút vào trong quên lãng, qua khói thuốc, qua ly café. Chớp mắt hốt nhiên đã hết veo một đời người : ông Vũ chết vì bệnh ung thư ác tính vào năm 2003 thọ sáu mươi tuổi.
    Café Nhân là nơi bọn giai phố và đám thanh niên trẻ rất thích ngồi. Một nhóm họa sĩ thời thượng ở Hà Nội để râu xồm xoàm cũng hay ngồi đây, có một bàn đặt hẳn hoi được trả tiền trước. Bên cạnh bàn đặt của nhóm hoạ sĩ là bàn của hoa hậu Mai Phương Thuý và đám thuộc hạ của cô thỉnh thoảng cũng hay đến tán phét. Khách thập phương và Tây ba-lô cũng thích đến đây ăn sáng với món bánh mỳ sốt vang và trứng ốp-lếp.

    Café Nhân không phải là đệ nhất café Hà Nội. So với café Bằng ở chợ Hàng Da thì thâm niên của café Nhân chẳng ăn thua gì. Café Bằng có từ khi Hà Nội vừa mới Tây hoá. Con thạch sùng ghép bằng sứ ở chợ Hàng Da là biển hiệu của café Bằng. Đấy mới đích thị là đệ nhất đồ cổ café Hà Nội.

    Ở phố Hàng Hành, café Nhân chưa hẳn đã là chỗ ngồi đẹp nhất. Vỉa hè ở mấy dãy nhà số 39 mới là chỗ ngồi đắc địa. Ở đây người ta có thể quan sát cả đoạn phố dài, có thể tha hồ ngắm nhìn thiên hạ đi qua đi lại. Bầu không khí bảng lảng thậm chí còn hơi hiu hắt ở đây quãng tầm giờ chiều gợi nhớ vô biên đến những phố huyện ở vùng Hà Nam Phủ Lý hay ở vùng đồi trung du Phú Thọ. Ngồi trên gác hai café nhà số 20 trông xuống mặt đường, nhất là vào những đêm hè, người ta cũng có cảm giác như đang ngồi trên gác một quán cao lâu ở trong phố cổ Hội An cơ nữa...

    Đối với nhiều người trong đám dân chơi Hà Nội, ly café Hàng Hành buổi sáng cũng là bắt đầu một ngày. Ngày ấy sẽ dài hay ngắn, sẽ vui hay buồn? Tất cả đều là ẩn số sau ly café này đây.

    – Nếu ta coi ly café buổi sáng là ranh giới xác định bắt đầu một ngày cũng hay! – Tay hoạ sĩ để râu xồm xoàm nói với người bạn café ngồi bên – Chào buổi sáng!
    – Thế thì chết! – Người bạn café ngồi cạnh bật cười – Một ngày mới của ông bắt đầu vào lúc 9 giờ. Ông uống café đến khoảng 10 giờ. Thế là hết buổi sáng còn gì! Người khác ai cũng như ông thì chết!

    Ừ! Vậy một ngày mới ở đây bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ lúc mấy giờ?
    24 giờ đêm, cánh cửa kính Hotel nhà số 14 khép lại, ông khách Tây đi chơi khuya cuối cùng đã về, mấy ngọn đèn đường vụt tắt, căn phố nhỏ bắt đầu mơ màng vào giấc ngủ say. Cùng lúc ấy ở ngõ nhà số 20, một người phụ nữ mảnh khảnh đi ra, có một chiếc taxi vọt đến đón cô ra ga cho kịp chuyến tàu buôn lên Yên Bái. Một ngày mới, một cuộc phiêu lưu mới bắt đầu với người phụ nữ này ngay từ 0 giờ.
    1 giờ sáng, có nhiều tiếng động lao xao ở trước cửa đền Trúc Lâm. Ông Dương – một tay cao bồi già, trước đây vốn là võ sỹ quyền Anh, mấy năm nay mắc bệnh mất ngủ quả quyết vẫn thường nhìn thấy các vị sơn thần thổ địa ở quanh hồ Hoàn Kiếm vẫn đến “giao ban” ở đây:

    – Cũng giống hệt như đội dân phòng! – Ông Dương nói – Chỉ có điều các cụ đều mặc áo đỏ, áo vàng, ống tay áo rộng, cụ nào cũng để râu, để ria, chân đi hài, đi hia. Khi đi, cảm tưởng như chân các cụ đều không bén đất, tất cả đều nhấc là là cao hơn mặt đất khoảng chừng gang tay!
    Chẳng ai tin lời ông Dương vì ông này suốt ngày uống rượu, lúc nào cũng trong trạng thái tây tây.
    – Tây tây là thế nào? – Ông Dương cáu – Tớ trông thấy cả cụ Rùa, đầu húi trọc, mặc quần áo trắng (đúng rồi, y hệt như trong phim Bao Công!). Cụ Rùa khật khà khật khưỡng cũng cùng đi nữa!

    Ông Dương không phải là người dân chính gốc ở phố Hàng Hành. Ông Dương mới về ở phố Hàng Hành độ chục năm nay nhưng lại là nhân vật nổi tiếng nhất phố. Trước đây, ông Dương nhà ở dưới đê Tô Hoàng, sau vượt biên sang tận Hồng Kông, đã từng xưng bá trong trại tị nạn, nổi tiếng anh hùng nghĩa khí. Về già rửa tay gác kiếm, mấy đứa con lại kế nghiệp cha, đi ra ngoài không ai bắt nạt được họ. Có một thứ trật tự vô hình được thiết lập ở phố Hàng Hành hình như có vẻ như có bàn tay của cha con ông Dương cầm chịch.

    2 giờ sáng, có tiếng reo hò ở phía đầu phố Lương Văn Can. Người ta đang bật ti vi xem trận bóng đá ngoại hạng Anh giữa Arsenal và Manchester United. Sau trận cầu này sẽ có kẻ khóc người cười. Gần đây, dân chơi Hà Nội đã quen với những cuộc cá độ lên tới cả triệu đô.

    3 giờ sáng, có tiếng gáy te te của con gà tre trong một nhà nào giữa phố. Đây là thời khắc của cô hồn ma quỷ hiện hình. Bà Phú có mẹt thuốc lá vẫn thường ngồi bán ở trước cửa nhà số 4 bảo rằng cứ vào đêm 30 cuối tháng bao giờ cũng thấy có bóng mấy bà cô ông mãnh xuất hiện vào đúng giờ này. Đấy là hồn ma của mấy thanh niên đua xe máy chết hồi năm ngoái ở trước cửa đền vua Lê Thái Tổ. Những cô hồn này vừa đi vừa khóc than ai oán. Bọn họ đều là con cái nhà giàu trên chợ Đồng Xuân đang độ tuổi teen.

    4 giờ sáng, anh Quyền người vẫn chở thịt bò từ trong Chuông Vác mang cho các cửa hàng bít-tết có tiếng ở Hà Nội phi xe máy từ phố Bảo Khánh đi vào. Cậu Quyết, đầu bếp của cửa hàng “ Fast food - Snack bar - Restaurant” hé cửa nhận hàng. Anh Quyền người cao lớn, lưng gù trông như con gấu. Cậu Quyết em trai anh ta đứng cạnh trông chẳng khác gì một đứa bé con.

    5 giờ sáng, khoảng trời phía trên Tháp Rùa ở hồ Hoàn Kiếm bắt đầu hưng hửng bừng lên một thứ ánh sáng thật huyền ảo và rực rỡ. Hàng xôi gà, bún thang ở nhà số 29 bắt đầu lục tục dọn hàng. Mấy vị khách ở Sài Gòn đi công tác ra Hà Nội vẫn quen ngủ đêm trong mấy khách sạn dưới phố Cầu Gỗ thường đi bộ đến đây ăn sáng. Họ coi việc ăn sáng ở phố Hàng Hành là một trong những “nét đẹp văn hoá” của chuyến đi ra miền Bắc của mình. Khi về Nam, vị béo ngậy của xôi gà và thanh thanh của bát bún thang Hàng Hành sẽ làm cho các anh hai, chị hai ngơ ngẩn nhớ đời.

    6 giờ sáng, các hàng café bắt đầu lục tục mở cửa dọn hàng. Từ lúc này tới khoảng nửa đêm, phố Hàng Hành bước vào phiên chợ đô hội thường ngày của nó. Phù hoa ư? Hay phù phiếm? Phù du ư? Hay phù thời...
    Khuôn mặt tinh thần của phố Hàng Hành thường thường không có nét gì là sâu sắc cả. Nó không mơ ngủ. Không nồng nhiệt. Nó không gay cấn. Không sát phạt. Có sự điệu đà, có sự khinh mạn. Có phởn phơ cùng sĩ diện. Đôi khi có những ưu tư và vô nghĩa lý... Khuôn mặt tinh thần của phố Hàng Hành thường thường ít khi thay đổi ở trong một ngày, ở trong một tháng, ở trong một năm... Có thể nhận ra những định đề gì (định đề hay châm ngôn?) từ trong nhịp sống bề ngoài đều đều, vô cảm của con phố phù hoa vào loại bậc nhất của thành phố này?

    Khoảng 9 giờ trở ra, phố Hàng Hành bắt đầu cực kỳ sầm uất. Những khách hàng quen thuộc cứ đến lại đi. Một năm, rồi mười năm, hai mươi năm nữa có còn những khách hàng quen thuộc như thế này không:
    Đôi vợ chồng tỷ phú một gallery nổi tiếng trên phố Hàng Bông đèo nhau trên xe máy để đi ăn sáng. Ăn xong, họ ngồi ở vỉa hè nhà café Nhân với vẻ mãn nguyện hài lòng... Mãn nguyện hay thụ động?
    Ông họa sĩ đi 40 cây số từ Xuân Mai về khoan khoái ngồi tựa cửa nhà số 39 mộng mơ... Mộng mơ hay ảo tưởng?
    Ông giáo già ở phố Ấu Triệu ăn mặc comple caravát trắng tinh như đi dự tiệc... Dự tiệc hay hẹn hò?
    Tay nhà văn ở phố Nhà Chung gác chân ngồi đọc báo cọp một mình... Một mình hay đa nhân cách?
    Một đám công chức tụ đầu ngồi xem ảnh nuy ở trong điện thoại di động Nokia N81... Xả hơi hay suy đồi?
    Mấy cô buôn bán chứng khoán đều là vợ con mấy vị cảnh sát bên đồn Tràng Thi cười như nắc nẻ... Cười người hôm trước hôm sau người cười...
    Khoảng giữa trưa, khách uống café bắt đầu van vãn. Mấy cô sinh viên kiêm làm gái gọi đi học về, da tái mét vì đói bụng hay vì ăn kiêng, bồn chồn ngồi đợi nhân tình đi xe ô-tô đến đón.

    1 giờ chiều, mấy cậu nhân viên giữ xe máy, rửa xe máy với đánh giày ngủ gà ngủ gật.

    3 giờ chiều, hàng bún cua ở cạnh café nhà số 38 mở hàng. Mấy cô trên phố diện short và áo hai dây ngồi ăn khế chua trước cửa café nhà số 39. Một tay buôn bán ma tuý lảng vảng lướt qua. Một ông nhà văn trông tầm thường như tay lái xe ôm ngoại tỉnh đang ngồi đọc sách, đăm chiêu, bất động

    5 giờ chiều, một ông linh mục trong Nhà thờ Lớn đi uống café, ăn mặc như một ông giáo cấp Hai trường huyện nhà quê.

    6 giờ tối, một bà thầy bói vận áo dài lụa mầu nâu mon men đi đến bên cạnh các cặp tình nhân ở quán café gạ gẫm. Phố xá đã lên đèn, bóng tối bắt đầu xoá dần đi những tia sáng ngày nhợt nhạt...


    Một buổi chiều có một vị tôn sư đi cùng với một cô gái là học trò của ông ta đến phố Hàng Hành. Họ ngồi trên gác hai nhà café Nhân trông xuống mặt đường. Chỗ này trước đây khi còn sống, ông Vũ ở phố Hàng Giầy vẫn hay đến ngồi. Đây cũng là chỗ của nhóm hoạ sĩ thời thượng để râu xồm xoàm vẫn đặt bàn hàng ngày vào các buổi sáng.
    Cô gái hỏi:
    – Thưa Thày, nhiều người hàng ngày vẫn đến uống café ở phố Hàng Hành. Đấy thường là lúc bắt đầu một ngày của họ. Thưa Thày, đấy có phải là thời khắc để phân biệt ranh giới giữa đêm với ngày, giữa bóng tối và ánh sáng ở trong lòng họ hay không?
    Vị tôn sư đáp:
    – Không phải con ạ! Ranh giới phân biệt giữa đêm với ngày, giữa bóng tối và ánh sáng không phải ở ly café. Lòng nhân ái bao dung mới là ranh giới phân biệt giữa đêm với ngày, giữa bóng tối và ánh sáng. Khi trong lòng ta đầy rẫy oán thù, đầy rẫy nhỏ nhen thì đấy là đêm đen, là bóng tối. Còn khi ở trong lòng ta chan chứa tình người, chan chứa tình thương thì ta nhìn ai ta cũng thấy có bóng dáng Thượng đế ở trong lòng họ. Đấy mới chính là ban ngày, chính là ánh sáng ở trong lòng ta. Có rất nhiều người đi giữa ban ngày mà lòng trĩu nặng như đi ở trong đêm đen phủ đầy bóng tối. Họ không biết rằng chỉ có lòng nhân ái, sự bao dung mới giúp cho họ phân biệt được ranh giới giữa đêm với ngày, mới thấy ánh sáng mặt trời rực rỡ ở đâu... Tình yêu giữa người với người chính là ánh sáng...
    Cô học trò trìu mến nhìn vị tôn sư. Ông nhắm mắt trong sự im lặng, trong sự linh thiêng và trong bình an tuyệt đối.
    Cô gái nói:
    – Con cám ơn Thày. Con sẽ ghi nhớ điều Thày vừa nói...
    Ánh sáng hoàng hôn rực rỡ chiếu vào căn gác nhỏ trong nhà café Nhân. Đây là thứ ánh sáng đặc biệt làm cho ta có thể bàng hoàng sực tỉnh ra rất nhiều điều. Cho đến mãi về sau này, cả đến khi về già, cô gái kia vẫn không bao giờ quên được buổi trò chuyện với vị tôn sư, vẫn không bao giờ quên được cái ánh sáng kỳ diệu tuyệt vời ở trong buổi chiều hôm ấy.
    Ấy thế mà đã sáu năm rồi đấy.
    Ấy thế mà đã sáu mươi năm rồi đấy..
    .
    Lần sửa cuối bởi Lâm Đệ, ngày 31-08-2012 lúc 01:01 AM.
    Chưa gạp êm, anh vẵng ngỡ rèng
    Có nòang thíu nữ đệp như treng
    Méc xanh lòa bóng dừa huơn dựa
    Au ím nhìn anh không nóa neng …

  2. #2
    Ngày tham gia
    Jul 2009
    Đang ở
    hai phong
    Bài viết
    3,152
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Chào mừng lão đi chơi xa về
    Trời cho bao năm để rong chơi...?
    Đến khi gặp người, chân rã rời...!

  3. #3
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Đang ở
    Đơn Dương - Lâm Đồng
    Bài viết
    6,124
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bác Lâm lặn 1 hơi mất tăm giờ mới xuất hiện - lâu nay sức khỏe của bác thế nào ?

  4. #4
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Đang ở
    Racoon City
    Bài viết
    1,293
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi Congaco_H1R5 Xem bài viết
    Bác Lâm lặn 1 hơi mất tăm giờ mới xuất hiện - lâu nay sức khỏe của bác thế nào ?
    Kém bác ạ ,có chút việc riêng với bác mà phải đến cuối tháng tới mới nói đuợc Mong bác tha lỗi cho vài trục trặc

  5. #5
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    722
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bác Lâm Đệ quả có mắt nhìn về HN thật bình dị mà tinh tế. Những đặc trưng nhất của "văn hóa HN - 36 phố phường" dường như cô đọng hết trong bài viết này. Cám ơn bác vì bài viết sâu sắc, thú vị này rất nhiều.

    Vợ chồng cháu thì chưa ngồi cà phê Nhân bao giờ (quả là đáng tiếc nhỉ) mà chỉ mòn ghế tại bàn số 8 cà phê Lâm thôi. Giờ về lại cà phê Lâm đã nhiều thay đổi, không gian tuy vẫn cũ nhưng hương vị cà phê đã tản mát ít nhiều...
    Tiền bất kiến cổ nhân
    Hậu bất kiến lai giả
    Niệm thiên địa chi du du
    Độc sảng nhiên nhi thế hạ



  6. #6
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Đang ở
    Simaica
    Bài viết
    2,061
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Khỏe không anh lâm vẩn ổn chứ?
    Bài này Thiệp viết lâu rồi, văn Thiệp viết khái quát về Hà Nội có vài chuyện tiêu biểu khác như "không có vua, Tướng về hưu, và chuyện gì kể về anh lính giải ngũ đi bán phân tự nhiên em quên mất ... văn ông này em đọc đi đọc lại vẫn thấy mới mẻ, không thừa một chữ nào.
    Chúc huynh mau khỏe nhé

  7. #7
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Đang ở
    Simaica
    Bài viết
    2,061
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Thiệp có chuyện "gọt máu" hay tên gì lâu rồi em quên he he
    Chuyện kể gia đình phú gia mấy đời bán thịt lợn có cháu đít nhôm học hành thành tài rồi làm quan, truyện này Thiệp viết lạnh lùng quá đọc đi đọc lại vẫn gai hết cả người.
    Bác Lâm nhớ chuyện này bình em mấy câu nhen

  8. #8
    Ngày tham gia
    Feb 2011
    Đang ở
    Hà Nội
    Bài viết
    1,885
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Chào mừng chú Lâm đã lấy lại lửa . Cháu luôn tin vào những gì mình nghĩ, và cháu nghĩ chú sẽ trở lại vào một ngày gần nhất. Chú giữ gìn sức khoẻ và tinh thần tốt nha .
    Kẻ thực sự hào hoa tiêu một đồng trông vẫn thấy thích

  9. #9
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,092
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Chào bác Khoai, mừng bác trở lại!

  10. #10
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Đang ở
    Racoon City
    Bài viết
    1,293
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    @ laotot một số tiểu luận hay gửi bạn như yêu cầu


    Một trong những truyện ngắn rất hay gần đây của Nguyễn Huy Thiệp là "Chuyện ông Móng". Ông Móng là một nhân vật "độc nhất vô nhị", ông làm chủ một cái chợ cũng "độc nhất vô nhị": chợ phân, ngay bên thềm thủ đô văn vật. Sự tinh vi của ông Móng trong cách hành nghề làm ta giật mình. Hãy xem cách ông phân giải giữa chợ, hệt như Bao Công:


    "Người phụ nữ cầu cứu "ông chủ chợ":
    - Bác Móng! Phân này của cháu mà chê là chua thì có ức không?
    Ông Móng đến gần xem xét. Ông ta dùng một cái gắp phân bằng cật tre, trông hơi giống một cái đũa cả sục sâu vào đáy sọt phân rồi rút ra, đưa lên mũi ngửi. Một con nhặng xanh bay nhoằng ở ngay trước mặt ông ta. Ông ta lùi một bước, quắc mắt, chuyển cái gắp phân từ tay trái sang tay phải rồi ước lượng đón đầu đường bay của con nhặng xanh, đập vèo một cái vào không trung. Ông ta hô lớn:
    - Chết này!
    Sau tiếng hô người ta thấy con nhặng xanh ngã vật ngay xuống ở giữa sọt phân. Ông ta bình thản bảo người mua hàng:
    - Phân tốt đấy, không chua đâu! Chắc hố xí nhà này gần chỗ làm đậu phụ nên có nước tương lẫn vào!"



    Ông Móng là "người hiền" đã nhìn thấy những hỗn độn pha chế giữa thực phẩm, hư phẩm và phế phẩm, thời mở cửa một chiều, trong toàn diện cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Dường như ông muốn nhấp nháy cho chúng ta thấy nguy cơ của những giao lưu nửa mùa, trộn trấu, chỉ tiếp nhận những phế thải của người mà không biết. Và những môi trường xập xí xập ngầu nước tương và nước xí là những "mô hình" ô nhiễm trầm trọng nhất mà Nguyễn Huy Thiệp muốn trình bày trong các tác phẩm vừa hoàn tất. Giăng lưới bắt chim khoắng vào những ô nhiễm trong "thế giới tư tưởng" của người lớn và Tuổi hai mươi yêu dấu trình bày hệ quả tác quái của các chế độ xập xí xập ngầu.

    Dòng đầu cuốn sách mới nhất, Nguyễn Huy Thiệp viết như thế này: "Khi xem xét thế giới nội tâm của mình đa số nhà văn có lương tri đều ngượng. Các sự kiện thảy đều vụn vặt, chắp vá, nhem nhuốc, những suy luận duy tâm duy vật đan kẽ nhau thậm chí bỉ ổi". Samuel Beckett có một ý khác, tương tự: chẳng có gì để nói, chẳng có gì để viết, vậy mà vẫn cứ bắt buộc phải nói, phải viết những thứ chẳng có gì đáng nói đáng viết. Nguyễn Tuân gọi tất cả những thứ lẩm cẩm này là pháp trường trắng, ông có ý bảo: tờ giấy trắng là đoạn đầu đài của nhà văn.


    Tóm lại, nhà văn là một kẻ luôn luôn ở trong trạng thái khốn cùng, chung thân hắn bị đặt trước pháp trường trắng, chung thân hắn bị xử tử vì bí chữ, bí ý, mà cũng lại chung thân hắn bị người ta gán cho những sứ mệnh lớn lao, ấy là chưa kể hắn còn bị những cơ chế chính trị đặt ra một loạt tabou, cấm kỵ, đụng vào là rồi đời. Bàn về tất cả những khổ ải này của nhà văn, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng : "Tôi đã suy nghĩ nhiều điều đó và tôi thường ngờ rằng chuyện này có bàn tay chính trị nhúng vào.

    Điểm đầu tiên có thể gây thích thú hay ác cảm là cái giọng viết như chơi, như đùa, vậy mà làm chơi ăn thật. Ai muốn lên tiếng phê phán hay tưởng thưởng một cuốn sách như vầy là mắc nỡm ngay. Nhưng chơi không phải chuyện đùa, chỉ những Tú Xương, Tản Đà... mới dám chơi và chơi ngông.

    Làm cho người cười đã không dễ. Cười thâm thúy lại càng chẳng dễ tí nào. Người Việt Nam, theo Nguyễn Văn Vĩnh, gì cũng cười. Nhưng cái cười mà ông Vĩnh nói đến, hình như, nếu không phải cười ruồi thì cũng là cười trừ, cười vô duyên, rất nhạt, ít "tư tưởng". Có thể vì ta có ít tác giả trào phúng lớn, hay vì ta không biết cười cho hay, hoặc cả hai.


    Ở Nguyễn Huy Thiệp là cái cười tủm tỉm, có khi cả năm phút sau nghĩ ra mới cười, đôi khi cười ra nước mắt, cũng có lúc thì cười khì, nhưng không bao giờ cười nhạt, cười chay. Những người không thích cười chớ đọc Thiệp.



    Khi đem chữ nghĩa bác học để cạnh ngôn ngữ nông dân thuần túy, đôi khi họ nói rất tục, mới thấy cái duyên của những con chữ cởi trần, và sự thiếu mắm muối của những cô chiêu cậu ấm chữ con các đồng liêu trong triều. Nguyễn Huy Thiệp chọn lối chữ trần, lối nói nông dân, cách viết nông dân, cách luận nông dân... Cả cách viết truyện ngắn của Thiệp cũng xẩy ra theo diệïn nông dân như thế, nghĩa là chỉ biết "kể", toàn diện nông dân, nghĩa là hà tiện chữ, ít chữ, khiến cho nhiều người phải chép miệng chê Thiệp ít học. Nói như Thiệp, từ ít chữ đến ít học ranh giới chỉ là cái tặc lưỡi.

    Thiệp kể: "Hồi bé tôi rất hãi hùng truyện cô Tấm lấy xác cô Cám làm mắm để gửi cho dì ghẻ ăn, đến khi ăn đến đầu lâu mới biết là con gái mình. Tôi cũng rất hãi sợ một gã chôn sống mẹ mình vì bà đứng ra nhận tội cho con dâu khi sàng gạo đã đánh chết con gà chọi yêu dấu của gã, truyện này có tên là "Đứa con trời đánh"[/I]. Kho tàng truyện cổ ở ta đầy rẫy những thằng ngốc, thằng khù khờ nhưng rút cục đều "ăn nên làm ra", những anh hùng thì bị chém cổ mà phụ nữ thì đức hạnh tuyệt vời"


    -Với tập sách nhỏ này, bạn có thể đọc kiểu bói Kiều bạn sẽ vấp phải những câu phương ngôn ngắn, đôi khi đắng ngắt như bồ hòn, đôi khi mặn chạt như muối bể, đôi khi chua loét như dấm thanh, chúng nằm vất vưởng trên đường đi của mắt bạn. Những lời đại loại như sau:



    - Đa số người cho đến chót đời mình vẫn quẩn quanh trong khuôn khổ giáo khoa thư.

    -Trong lịch sử văn học nước ta, cả dân tộc đã vài lần bị một hai con ranh con hoặc vài ba chú mục đồng thôi miên bởi thứ văn chương ỡm ờ nửa thiên thần nửa quỷ sứ. Hình như trong việc này có sự đóng góp của một số nhà lý luận phê bình văn học nào đó. Số này nếu không đểu cáng thì chắc chắn phải là thiển cận.

    -Chúng ta cần phải tỉnh táo nhận ra rằng tình trạng hiện nay của dân tộc ta là thê thảm. Tôi không muốn nói đến thế giới vật chất mà muốn nói đến thế giới tinh thần.

    -Tôi rất khó chịu với những câu thơ đầu môi chót lưỡi về lòng nhân từ bản năng, tính thiện bản năng hoặc là trò ngâm ngợi thứ lòng tốt nhỏ kiểu từ thiện xã hội. Tác giả của nó mới chỉ la liếm ở vành ngoài của tính thiện. Ở vành ngoài của tính thiện bao giờ cũng nhơ bẩn:nó là máu ... me, là cuống nhau sót lại của bà mẹ Ác.
    -Cần lưu ý là bọn đê tiện cũng có "thơ" và "thơ" của chúng còn nhiều là khác. Tôi không dám khẳng định rằng một dân tộc đi đâu cũng thấy tiếng thơ véo von là một dân tộc suy
    đồi nhưng bất hạnh là cái chắc.

    ...


    Cách viết tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp có ngông, nghĩa là đôi khi nói toẹt ra những điều mà nhiều người có chút nhân phẩm, tự trọng đều muốn nói, nhưng nhát, chỉ dám rỉ tai thì thầm to nhỏ với nhau, hoặc chẳng dám thì thầm với ai cả, chỉ lâm râm cắn rứt bụng mình. Dùng lối trực luận, pha mật đắng, Nguyễn Huy Thiệp, đi từ bình văn bình thơ, sang số phận nhà văn nhà thơ, sang tư cách và phong cách của họ, sang mối tương quan giữa chính trị và văn học, sang tính chất song song giữa nhà văn, nhà chính trị, giữa sự bất chính trong văn chương và sự bất chính trong chính trị. Nhà văn nằm giữa cửa ải trống rỗng mênh mông của tờ giấy trắng và sức ép của bốn trùm băng đảng Mafia: dục vọng, quyền lực, tiền bạc và tôn giáo.(st)

Cà Phê Hàng Hành

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68