CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TRÍCH DẪN LUẬT CHƠI
(V/v: Áp dụng hoạt động CLB Cờ Tướng B3 Cầu Diễn)


Điều 1. GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ
1. Bắt quân hay ăn quân: Quân của một bên thay thế vào vị trí của một quân đối phương và nhấc quân đó của đối phương bỏ ra ngoài một cách hợp lệ.
2. Chiếu Tướng: là nước đi quân trực tiếp tấn công vào Tướng của đối phương. Hai quân cùng chiếu một lúc gọi là “lưỡng chiếu”.
3. Dọa hết: Đi một nước cờ dọa nước sau chiếu hết Tướng đối phương.
4. Dọa bắt: Đi một nước cờ dọa nước sau bắt quân của đối phương (trừ quân Tướng).
5. Đổi quân: Nước đi mà hai bên bắt quân lẫn nhau.
6. Cản quân: Đi quân làm cản trở đường di chuyển của quân đối phương.
7. Thí quân: Đi quân cho đối phương bắt để đổi lại một lợi thế khác hoặc chiếu hết Tướng đối phương.
8. Nước chờ: Là nước đi không thuộc các nước chiếu hết, dọa hết, dọa bắt, đổi quân, chặn quân, thí quân.
9. Chiếu mãi: Là nước chiếu liên tục, không ngừng.
10. Dọa hết mãi: Là nước liên tục dọa hết.
11. Đuổi bắt mãi: Đuổi bắt mãi một quân của đối phương, lặp đi lặp lại nhiều lần không thay đổi.
12. Nước đỡ: Là nước chống đỡ một nước chiếu hoặc nước dọa bắt quân của đối phương.
13. Chiếu lại: Đi một nước phá bỏ được nước chiếu của đối phương, đồng thời chiếu lại đối phương.
14. Có căn, không căn: Quân cờ được quân khác bảo vệ thì gọi là “có căn” (hay “hữu căn”). Ngược lại nếu quân cờ không có quân khác bảo vệ thì gọi là “không căn” (hay “vô căn”).
15. Căn thật: Khi bị quân đối phương bắt mà quân bảo vệ của mình có thể bắt lại ngay quân của đối phương thì đó là “căn thật”.
16. Căn giả: Nếu quân bảo vệ của mình không ăn lại được quân đối phương thì đó là “căn giả”.
17. Một chiếu, một dọa hết: Chiếu Tướng đối phương một nước, tiếp sau đi một nước dọa hết. Điều giải thích này cũng được dùng cho “một chiếu, một bắt”.

18. Hai chiếu, một chiếu lại: Một bên đi mãi nước chiếu, còn bên kia chống đỡ nước chiếu thì cứ hai nước có một nước chiếu lại.
19. Hai đuổi bắt, một bắt lại: Một bên đuổi bắt liên tục quân đối phương, còn bên kia trong hai lần giải thoát có một lần bắt lại quân đối phương.
20. Hai đuổi bắt, hai đuổi bắt lại: Một bên đi liên tục hai lần đuổi bắt quân đối phương, còn bên kia hai lần giải thoát lại là hai lần đuổi bắt lại quân đối phương.
Điều 2. QUÂN CỜ
Trên sách báo, quân nào chữ đen trên nền trắng được gọi là quân Trắng, quân nào có chữ trắng trên nền đen được gọi là quân Đen.
Đấu thủ cầm quân Trắng được đi trước.
Nếu đấu trực tiếp một ván thì phải bốc thăm chọn người đi trước. Nếu đấu hai hoặc nhiều ván thì bốc thăm quyết định người đi trước ván đầu, sau đó thay phiên nhau cầm quân Trắng, Đen. Thi đấu theo hệ vòng tròn, mỗi ván căn cứ vào số (còn gọi là mã số, ấn định cho mỗi đấu thủ trước khi bắt thăm) của đấu thủ trong bảng để xác định ai là người được đi trước.
Điều 3. CHIẾU TƯỚNG
3.1. Quân của một bên đi một nước uy hiếp để nước tiếp theo chính quân đó hoặc quân khác bắt được Tướng (Soái) của đối phương thì gọi đó là nước chiếu Tướng. Bên bị chiếu Tướng phải tìm cách chống đỡ ứng phó, tránh nước chiếu Tướng. Nếu không sẽ bị thua ván cờ. Khi đi nước chiếu Tướng, bên đi có thể hô “chiếu Tướng!” hay không cần hô cũng được. Tướng bị chiếu từ cả bốn hướng (đều chiếu cả từ phía sau).
3.2. Ứng phó với nước chiếu Tướng.
a) Di chuyển Tướng sang vị trí khác để tránh nước chiếu.
b) Bắt quân đang chiếu.
c) Dùng quân khác cản quân chiếu, đi quân che đỡ cho Tướng.
Điều 4. THẮNG CỜ, HÒA CỜ VÀ THUA CỜ
4.1. Thắng cờ: Trong một ván cờ, đấu thủ thắng cờ nếu:
a) Chiếu bí được Tướng đối phương.
b) Khi Tướng (hay Soái) của đối phương bị vây chặt hết nước đi và các quân khác của đối phương cũng không thể di chuyển được thì tuy chưa bị chiếu hết, đối phương vẫn bị tuyên bố thua cờ.
c) Chiếu Tướng đối phương mà đối phương không chống đỡ cho Tướng mình được.
d) Đối phương không đi đủ số nước quy định trong thời gian quy định.
e) Đối phương tới chậm quá thời gian quy định để bắt đầu ván đấu.
g) Bất kể tình huống nào, đối phương dùng một quân chiếu mãi hoặc dùng nhiều quân thay nhau chiếu mãi, thì phải thay đổi nước đi, nếu không bị xử thua.
h) Đối phương phạm luật cấm, còn bên này không phạm luật, bên phạm luật không chịu thay đổi nước đi.
i) Khi mở niêm phong tiếp tục ván hoãn, nếu bên niêm phong ghi sai nước đi mà không giải thích được thì bị xử thua. Nếu đấu thủ có lượt đi ghi sai nước đi trong niêm phong nhưng đối phương bỏ cuộc thì cả hai đều bị xử thua.
k) Đối phương tự tuyên bố xin thua.
l) Đối phương vi phạm luật bị xử thua.
m) Đối phương không ghi 3 lần biên bản mỗi lần gồm 4 nước liên tục.
n) Đối phương mắc lỗi kỹ thuật 3 lần, mắc lỗi tác phong 3 lần.
o) Đối phương vi phạm các trường hợp bị xử thua cụ thể trên các thế cờ (xem chương V).
4.2. Hòa cờ khi gặp các tình huống sau đây:
a) Trọng tài xét thấy ván cờ mà hai bên không thể bên nào thắng, tức là cả hai bên không còn quân nào có thể tấn công đối phương để chiếu bí được Tướng đối phương.
b) Hai bên đều không phạm luật cấm và đều không chịu thay đổi nước đi.
c) Hai bên cùng một lúc phạm cùng một điều luật cấm (như đuổi bắt quân nhau...).
d) Một bên đề nghị hòa, bên đối phương đồng ý thì ván cờ mặc nhiên được công nhận là hòa.
e) Một bên đề nghị hòa, sau khi trọng tài kiểm tra mỗi bên đi đủ 50 nước mà không có một nước bắt quân nào thì ván cờ được xử hòa.
f) Khi một bên đang vào thế bị chiếu hết, bị vây chặt không còn nước đi thì không được phép đề nghị hòa.
Điều 5. CHẠM QUÂN
Chạm quân có nghĩa là đụng vào quân cờ, vừa có nghĩa là cầm lấy quân cờ. Có hai trường hợp chạm quân:
a) Chạm quân vô ý: do tay vô tình chạm quân, do khi đi quân ống tay áo chạm vào quân, do mất thăng bằng cơ thể mà đụng vào quân hay làm đổ quân...
b) Chạm quân cố ý là cầm một quân, có ý định đi quân đó nhưng khi nhấc quân đó lên đi thì đổi ý muốn đi lại quân khác, hoặc đã cầm quân đối phương để bắt quân đó nhưng lại muốn thay đổi không bắt quân đó nữa, hoặc khi đã đặt quân vào vị trí mới rồi, lại muốn hoãn để đi quân khác...
Với trường hợp vô ý, trọng tài chủ yếu là nhắc nhở hoặc cảnh cáo.
Với trường hợp cố ý thì bắt lỗi theo các quy định cụ thể dưới đây.
5.1. Đấu thủ tới lượt đi, nếu chạm tay vào quân nào của mình thì phải đi quân đó. Nếu nước đi này bị luật cấm thì được đi quân khác, nhưng phạm lỗi kĩ thuật. Nếu chạm hơn một quân thì phải đi quân chạm trước tiên. Không thể xác định chạm quân nào trước thì được phép đi một trong các quân đó.
5.2. Chạm quân nào của đối phương thì bắt quân đó. Trường hợp không có quân cờ nào của mình bắt được quân đó thì được đi nước khác nhưng bị ghi một lỗi kĩ thuật. Chạm số quân đối phương hơn một lần thì phải ăn quân chạm trước, khi không thể xác định quân nào trước sau khi ăn một trong số đó, không được phép không bắt quân đối phương.
5.3. Chạm quân mình trước, sau đó chạm quân đối phương, thì:
a) Quân mình chạm trước phải bắt quân đối phương chạm sau.
b) Nếu quân mình không thể bắt quân đối phương đó thì phải đi quân mình đã chạm.
c) Nếu quân mình không đi được thì phải dùng quân khác bắt quân bị chạm của đối phương.
d) Nếu không có quân nào của mình bắt được quân bị chạm của đối phương thì được đi nước khác, nhưng phạm một lỗi kỹ thuật.
5.4. Đấu thủ có lượt đi, chạm quân đối phương trước rồi chạm quân mình sau, thì:
a) Quân mình bị chạm phải bắt quân đối phương.
b) Nếu quân mình đã chạm không bắt được quân đối phương đó, thì phải dùng quân khác bắt quân bị chạm của đối phương.
c) Nếu không có quân nào bắt được quân của đối phương, thì phải đi quân mình đã chạm.
d) Nếu quân mình đã chạm cũng không đi được thì đi quân khác, nhưng phạm một lỗi kĩ thuật.
5.5. Cùng một lúc chạm quân của cả hai bên thì bị xử theo Điều 4.4.
a) Quân cờ phải được đặt đúng vị trí trên bàn cờ. Nếu đấu thủ muốn xếp lại quân cờ cho ngay ngắn thì phải báo trước cho trọng tài hay đối phương “tôi sửa quân này” và chỉ được phép sửa quân khi đến lượt mình đi.
b) Đi quân rồi không được đi lại. Khi quân đã đặt tới một vị trí khác trên bàn cờ, thì dù chưa buông tay cũng không được thay đổi.
5.6. Động tác chạm lần đầu do vô ý, trọng tài nhắc nhở; nếu vô ý lần thứ hai, trọng tài cảnh cáo, nếu tái phạm lần thứ ba thì xử lý như chạm quân cố ý.
5.7. Đi quân chạm nhiều giao điểm thì phải dừng quân cờ đó ở giao điểm chạm trước tiên.
5.8. Đấu thủ cầm quân vô ý rơi giữa 2 điểm nào đó của bàn cờ thì trọng tài nhắc nhở, tái phạm bị xử một lỗi kỹ thuật.
Điều 6. GHI BIÊN BẢN
6.1. Trong quá trình diễn ra ván đấu, mỗi đấu thủ phải tự ghi chép nước đi vào tờ biên bản được phát trước khi ván cờ bắt đầu. Mỗi đấu thủ phải ghi cả nước đi của mình và nước đi của đối phương. Đi nước nào phải ghi kịp thời nước đó. Nước đi phải được ghi chính xác và rõ ràng.
a) Trong trường hợp còn thời gian ít hơn 5 phút, đấu thủ được phép không ghi biên bản. Khi đó trọng tài giúp ghi biên bản cho đấu thủ tới khi ván đấu kết thúc. Khi ván đấu kết thúc, các đấu thủ phải ghi bổ sung các nước mình còn thiếu trong thời gian 5 phút đó để nộp đầy đủ biên bản cho trọng tài.
b) Quy trình hoàn thành biên bản được tiến hành như sau:
- Sau khi kết thúc ván đấu, biên bản phải được ghi hoàn chỉnh, mỗi đấu thủ tự ghi tỷ số ván đấu vào biên bản của mình rồi đưa cho trọng tài.
- Trọng tài nhận biên bản, ghi phán quyết bên nào thắng, thua hay hòa rồi ký vào biên bản.
- Sau đó trọng tài đưa biên bản cho hai đấu thủ để cả hai ký tên vào biên bản của mình và của đối phương. Chỉ khi ký xong biên bản, đấu thủ mới được rời khỏi phòng thi đấu.
- Nếu phát hiện có sự nhầm lẫn, sai sót về tỷ số thì đấu thủ yêu cầu trọng tài sửa đổi hay giải thích. Nếu chưa đồng ý, được đề đạt ý kiến của mình lên tổng trọng tài hay ban tổ chức để xử lý.
6.2. Cách ghi các ký hiệu của quân cờ được quy ước như sau:
Tướng (Soái): Tg
Sĩ: S
Tượng: T
Xe: X
Pháo: P
Mã: M
Tốt (Binh) B
Cách ký hiệu ghi các nước đi:
a) Ở Việt Nam, hướng quân đi được quy ước:
Tiến (quân của mỗi bên tiến về phía đối phương), hoặc dùng ký hiệu dấu chấm (.).
Thoái (quân của mỗi bên lùi về phía của mình), hoặc dùng ý hiệu gạch chéo (/).
Bình (đi ngang), hoặc dùng ký hiệu gạch ngang (-).
Khi ghi mỗi một nước cờ vào biên bản phải ghi lần lượt từ trái qua phải như sau: Số thứ tự nước đi, tên quân cờ (bằng chữ in lớn), số hiệu cột quân đó xuất phát, hướng quân đi và số hiệu cột (nếu là đi ngang hay chéo) hay số bước tiến hay lùi (nếu đi theo cùng một cột dọc).
Ví dụ một ván cờ có thể ghi:
1) Pháo 2 bình 5 Mã 2 tiến 3
2) Mã 8 tiến 7 Pháo 8 bình 5
Hoặc có thể ghi theo ký hiệu:
1) P2-5 M2.3
2) M8.7 P8-5
Nếu trên cùng một cột dọc có hai quân của một bên giống nhau thì sẽ dùng thêm chữ “t” chỉ quân trước, chữ “s” chỉ quân sau. Đối với Tốt thì ngoài chữ trước và sau còn dùng chữ “g” để chỉ Tốt giữa. Ví dụ:
12) Pt/1 Bg.1
13) Xs.2 Bt-3
b) Ở các giải châu Á và thế giới, các ký hiệu tiến, thoái, bình được ký hiệu như sau:
Tiến là dấu cộng (+)
Thoái là dấu chấm (.)
Bình là dấu bằng (=).
Điều 7. HẠN ĐỊNH SỐ NƯỚC ĐI DẪN TỚI HÒA CỜ
Trong quá trình tiến hành ván cờ mà một đấu thủ hoặc cả hai đấu thủ phát hiện trong 50 nước đi liên tiếp không bên nào thực hiện nước ăn quân thì có quyền đề nghị trọng tài xử hòa ván cờ. Trọng tài cho dừng đồng hồ và kiểm tra theo yêu cầu.
a) Nếu đúng có 50 nước đi trở lên liên tục, kể từ bất cứ thời điểm nào của ván cờ thì ván cờ đó mặc nhiên được xử hòa dù cục thế ván cờ trên bàn cờ ra sao.
b) Nếu trọng tài phát hiện ra chưa đủ 50 nước thì sẽ phạt người đề nghị bằng cách tăng thêm thời gian 2 phút cho đối phương rồi cho tiến hành tiếp ván cờ.
c) Nếu sau đó một đấu thủ lại đề nghị, thì trọng tài lại dừng đồng hồ; nếu ván cờ vẫn tiếp diễn tình trạng không bên nào bắt quân thì sẽ cộng số nước không có bắt quân trước đó với số nước đã tiếp diễn để xác định có đủ 50 nước hay không để xử hòa hoặc cộng tiếp 2 phút cho đối phương. Những nước chiếu hợp lệ tính tối đa 5 nước.
Điều 8. TƯ CÁCH ĐẤU THỦ
Trong quá trình thi đấu, đấu thủ phải làm đúng các quy định dưới đây:
a) Trước khi bắt đầu ván cờ, đấu thủ phải tự kiểm tra vị trí các quân cờ, màu quân mà mình đi, đồng hồ, tờ ghi biên bản. Nếu phát hiện ra những gì bị thiếu hay không đúng phải báo cáo trọng tài để kịp thời bổ sung, sửa chữa.
b) Không được tự ý rời phòng thi đấu, nói chuyện, trao đổi ý kiến với người khác. Khi cần thiết phải rời phòng đấu, đấu thủ phải thông báo cho trọng tài biết và được sự đồng ý của trọng tài.
c) Không được sử dụng bất cứ sách báo, tài liệu hoặc công cụ gì để tham khảo hay phân tích ván cờ trong khi đang thi đấu.
d) Không được gây ồn ào hoặc làm các động tác gây ảnh hưởng không tốt đến tinh thần và sự tập trung tư tưởng của đối phương như: Đập mạnh quân cờ hoặc đập mạnh vào núm đồng hồ, làm cử chỉ khiêu khích hay bất lịch sự với đối thủ như: gõ tay lên mặt bàn, rung đùi, vỗ tay... Nếu làm hư hỏng, mất mát các dụng cụ, trang thiết bị thi đấu thì phải bồi thường.
e) Động tác đi quân phải dứt khoát, gọn ghẽ. Nhấc quân lên và đặt ngay quân vào vị trí mới rồi đưa tay nhanh ra khỏi bàn cờ. Không được phép cầm quân giữ lâu trên tay hay vừa cầm quân vừa huơ tay phía trên bàn cờ. Không được chỉ, gõ hay di tay trên mặt bàn cờ hay dùng tay chỉ để tính toán nước đi từ vị trí này tới vị trí kia trên mặt bàn cờ. Không được đẩy quân cờ qua lại trên mặt bàn cờ.
g) Không được tính toán bằng lời nước đi của mình hay bình luận nước đi của đối phương trong thời gian diễn ra ván đấu.
h) Quân bị nhấc ra khỏi bàn cờ phải để riêng ra một chỗ trên mặt bàn. Không được phép nắm giữ quân đã bị loại ra khỏi bàn cờ trong tay mình.
i) Không được phép nhận ám hiệu, tín hiệu mách nước từ người bên ngoài. Không được thông báo, trao đổi nước đi của mình cho người ngoài.
k) Đấu thủ muốn đề nghị hòa chỉ được đưa ra lời đề nghị hòa khi tới lượt mình đi, tức là trong thời gian suy nghĩ của mình.
Điều 9. BAN TRỌNG TÀI
9.1. Ban trọng tài do cấp có thẩm quyền (hoặc ban tổ chức) thành lập tùy theo quy mô của giải, gồm: Tổng trọng tài, một hoặc nhiều phó tổng trọng tài, một thư ký trọng tài và các trọng tài bàn. Ban trọng tài phụ trách điều hành công tác thi đấu.
9.2. Tổng trọng tài:
Tổng trọng tài là người am hiểu và có kinh nghiệm về công tác trọng tài, đủ tư cách, nắm vững luật cờ, đủ trình độ năng lực chuyên môn điều hành giải.
9.3. Chức trách của tổng trọng tài:
a) Đại diện thường trực của ban tổ chức điều hành toàn diện quá trình thi đấu giải.
b) Phân công trọng tài cho các trận đấu.
c) Nắm vững điều lệ thi đấu và có khả năng giải thích bất cứ điều luật nào cho đấu thủ thông hiểu và chấp hành. Khi có vấn đề phát sinh thì căn cứ vào luật, điều lệ giải để xử lý và quyết định kể cả những vấn đề mà luật và điều lệ chưa quy định chi tiết. Khi gặp trường hợp phức tạp liên quan tới nhiều bên thì tổng trọng tài báo cáo ban tổ chức để cùng giải quyết.
d) Khi thi đấu giải, do nguyên nhân đặc biệt không thể thi đấu được thì tổng trọng tài có quyền tuyên bố tạm đình chỉ giải đấu và định lại thời gian, địa điểm để tiếp tục giải đấu.
e) Giải quyết những thắc mắc kiến nghị và khi cần thiết triệu tập Hội nghị các lãnh đội khác hoặc với các ban được lập ra để giải quyết kịp thời các vấn đề trên.
g) Đình chỉ công tác của các trọng tài không làm tròn nhiệm vụ, mắc sai lầm nghiêm trọng và thay bằng trọng tài khác.
h) Giữ vững kỷ cương và đảm bảo điều kiện thuận lợi cho giải. Nếu có đấu thủ hoặc đội cờ vi phạm nghiêm trọng luật thì tổng trọng tài có quyền tước bỏ tư cách thi đấu.
i) Phụ trách việc thu nhận biên bản và phân công thư ký ghi điểm của các đấu thủ, thực hiện bắt thăm, lập các bảng điểm, tổng hợp kết quả.
k) Quyết định thưởng phạt theo quy định của điều lệ.
l) Hoàn tất mọi văn bản và báo cáo quy định gửi cho ban tổ chức giải và công bố kết quả khi bế mạc giải.
m) Phán quyết của tổng trọng tài về các vấn đề chuyên môn và kỹ thuật là phán quyết cuối cùng.
Phán quyết của ban tổ chức về các vấn đề khác là phán quyết cuối cùng.
Điều 10. MƯỜI ĐIỂM CHÍNH KHI XỬ VÁN CỜ
Điểm 1: Chiếu mãi bị xử thua.
Điểm 2: Dọa hết mãi, một chiếu một dọa hết, một chiếu một bắt, một chiếu một dừng, một chiếu một đòi rút ăn quân, một bắt một rút ăn quân, nếu hai bên không thay đổi nước đi thì xử hòa.
Điểm 3: Một quân đuổi bắt mãi một quân thì xử thua (trừ đuổi bắt mãi Tốt chưa qua sông). Hai quân hoặc nhiều quân bắt mãi một quân cũng xử thua.
Điểm 4: Một quân lần lượt đuổi bắt mãi hai hoặc nhiều quân thì xử hòa. Hai quân thay nhau bắt mãi hoặc nhiều quân cũng xử hòa.
Điểm 5: Hai bắt một bắt lại, thì bên hai bắt (chỉ bắt cùng một quân) cũng là phạm luật bắt mãi, phải thay đổi nước đi, nếu không sẽ bị xử thua.
Điểm 6: Đuổi bắt mãi quân có căn thật thì xử hòa, bắt mãi quân có căn giả thì xử thua. Nhưng quân Mã hoặc quân Pháo nếu đuổi bắt mãi quân Xe có căn thật cũng bị xử thua.
Điểm 7: Đuổi bắt mãi quân có căn thật thì xử hòa, nhưng nếu quân ấy bị ghim không dịch chuyển được thì vẫn coi là bắt mãi, nếu không đổi thì xử thua. Quân Mã chạy đuổi bắt mãi quân Mã bị cản vẫn coi là đuổi bắt mãi, phải đổi nước đi, nếu không đổi thì xử thua.
Điểm 8: Đuổi bắt hai nước nhưng trong đó có một nước thực chất là đổi quân mà đối phương không chịu thì vẫn coi là bắt mãi. Bắt mãi kèm đòi đổi mãi đều coi là bắt mãi, bắt buộc phải thay đổi nước đi.
Điểm 9: Tướng hoặc Tốt bắt mãi bất kỳ quân nào nếu không thay đổi nước đi thì xử hòa. Nếu chúng phối hợp với một Xe, một Mã hoặc một Pháo để bắt mãi một quân thì cũng xử hòa.
Điểm 10: Các nước cản mãi, thí quân mãi, đòi đổi mãi, dọa mãi chiếu rút bắt quân đều cho phép, nhưng nếu không đổi nước đi, đều xử hòa.
Trích lục theo Luật Cờ tướng
Số: 1409/2004/QĐ-UBTDTT/TT1
Ngày 23 tháng 09 năm 2004


Cầu Diễn, ngày tháng 10 năm 2013
Ban chủ nhiệm CLB