Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Đôi Mắt Rồng Cao Nguyên Đá_Hà Giang..
Close
Login to Your Account
Trang 1 của 3 123 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 28
  1. #1
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Đôi Mắt Rồng Cao Nguyên Đá_Hà Giang..



    Giữa miền khô khát bậc nhất cực Bắc của Tổ quốc, từ bao đời nay người dân hai thôn Lô Lô Chải và Thèn Tả (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) đã chứng kiến hai hồ nước trong xanh, quanh năm không bao giờ cạn.
    Hai hồ nước này từ lâu đã được coi như một biểu tượng của Cao nguyên đá, cũng từ đó đã có rất nhiều câu chuyện truyền thuyết kỳ lạ được truyền trong dân gian.

    "Nơi rồng ở"

    Nhắc đến Cao nguyên đá Đồng Văn ai cũng nghĩ ngay đến một vùng toàn đá. Nơi đây được nhiều người biết đến là địa danh khan hiếm nước nhất nước ta. Để có nước sinh hoạt cho bà con, hàng tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng khoảng 300 hồ treo trữ nước.



    Tuy nhiên, những hồ nước nhân tạo đó cũng không cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho bà con là bao, vì hằng năm vào mùa khô nhiều hồ vẫn trong tình trạng trơ đáy. Đó vẫn đang là bài toán chưa có lời giải của tỉnh Hà Giang và nhiều nhà khoa học tâm đắc.

    Ấy vậy mà, từ bao đời nay, ngay dưới chân đỉnh núi Rồng đã xuất hiện hai hồ nước lớn được ví như đôi mắt rồng với diện tích mặt hồ lên đến hàng nghìn mét vuông, nước trong hồ quanh năm không bao giờ cạn. Đây cũng là nguồn nước chính cung cấp cho 86 hộ, 411 nhân khẩu đồng bào Lô Lô ở Làng văn hóa Lô Lô Chải, và gần 100 hộ dân thôn Thèn Tả. Điều đặc biệt hai hồ nước này cách nhau khoảng 200m ngay dưới chân đỉnh núi Rồng. Trên đỉnh núi Rồng là cột cờ Lũng Cú.


    Đứng trên cột cờ Lũng Cú du khách có thể "gói gọn" trong tầm mắt cả Làng văn hóa Lô Lô Chải và trung tâm xã Lũng Cú. Theo chị Đặng Thị Thanh, người dân làng văn hóa Lô Lô Chải, là hướng dẫn viên du lịch thì: "Lũng Cú là tên gọi theo tiếng Lô Lô còn gọi là "Long Cư", nghĩa là nơi rồng ở.

    Chuyện kể rằng, xưa kia một con Rồng từ trên trời bay xuống và đậu trên ngọn núi cao nhất của khu vực hình chóp nón trên bản đồ Việt Nam. Rồng say sưa ngắm cảnh núi non hùng vĩ và rất hài lòng về điểm ngụ cư này. Song có điều làm Rồng động lòng trắc ẩn, đó là nơi đây rất thiếu nước sinh hoạt, bà con nhân dân vô cùng cực khổ.



    Vì vậy, trước khi về trời, Rồng đã để lại đôi mắt cho dân làng như một nguồn nước cho cuộc sống sinh sôi nảy nở. Cũng từ đó hai hồ nước này được dân gian gọi là hồ mắt rồng, ngọn núi cao nhất này được gọi là núi Rồng".

    Hồ nước không bao giờ cạn

    Điều khó tin nhất là tại sao ở độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển mà hai hồ nước không bao giờ cạn, trong khi đó nhiều hồ nước nhân tạo mới được xây dựng đến mùa khô lại cạn. Ngay cả con sông Nho Quế nước cuồn cuộn chảy cũng gần như cạn kiệt vào mùa khô.


    Theo các cụ cao niên trong Làng văn hóa Lô Lô Chải và thôn Thèn Tả thì sở dĩ hai hồ nước không bao giờ cạn vì đây là đôi mắt của rồng tiên để lại, khi hồ nước vơi đi ít nhiều thì lại có những trận mưa cấp nước cho hồ.

    Ở giữa hai hồ nước lớn là một quả núi nhỏ. Vì nó nằm ở giữa hai hồ nước nên nhiều người cho rằng đó chính là mũi của rồng. Trên núi là những ngôi nhà của người Lô Lô nhưng ít ai biết được trong lòng núi đó là hang nước. Đó là con suối nhỏ trong vắt, là nguồn nước uống chính của 411 người dân tộc Lô Lô và hàng trăm bà con dân tộc khác xung quanh. Nơi đây được bà con rất coi trọng, họ rất kiêng kỵ và gìn giữ, chính vậy mà bao đời nay hang nước này vẫn không hề có gì thay đổi.


    Ông Trình Dỉ Gai, trưởng bản Lô Lô Chải khi được hỏi về hai hồ nước được dân gian truyền rằng là hai mắt của rồng cũng không thể lý giải. Nhưng dù sao chăng nữa, nơi đây vẫn là nơi được người dân coi trọng nhất, đó là nguồn sống, là biểu tượng của cả vùng Cao nguyên đá bao gồm 4 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc khô khát.

    Hồ mắt rồng được hình thành trên dải núi cao cấu tạo từ đá vôi cứng xen với các dải đá vôi mềm có lẫn đất sét. Loại đất đá này rất cổ, khác với loại đá vôi ở phía nam Đồng Văn và Mèo Vạc - đá vôi tương đối thuần, là ở các dải đá mềm ở Lũng Cú chứa nhiều lớp đá sét (trên Lũng Cú, nơi nào núi cao là đá vôi cứng. Nơi nào thấp thường là đá vôi lẫn sét mềm).


    Mặt khác, khi phong hóa, đá này để lại lớp đất sét dày, rất thuận lợi cho cây cối phát triển và con người sinh sống. Lớp đất đá sét này chính là tác nhân chắn nước để hình thành nên hồ nước. Các trũng thấp thường là nơi giao nhau của các dải đá mềm, nơi mà đá vôi, do quá trình phong hóa đã hòa tan theo nước mưa thấm chảy qua hang hốc vào lòng đất, đất sét không hòa tan, còn lưu lại.


    Ở một số trũng, mức độ hòa tan của đá vôi mạnh hơn, hạ thấp nhanh, tạo nên phễu thu nước từ các khu lân cận. Trong các đợt mưa lớn, nước chảy mạnh, có thể cuốn theo đất đá và cây cối, chẹn lấp một phần đường thoát, giữ nước lại trong phễu, hình thành dần nên hồ nước. Vì phễu nằm thấp, nên nước ngầm trong các đồi núi xung quanh thấm dần vào hồ, giữ cho hồ có nước gần như quanh năm.


    Ngoài ra, có thể phễu hình thành do sập hang động, hoặc con người xưa kia đã lấy đất đá lấp hang động để giữ nước - song có lẽ ít khả năng hơn. Cái chính là khu vực này có đá vôi xen đá sét nên mới có điều kiện chắn nước và giữ nước lại

    (theo Bee)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  2. #2
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Suối Khoáng Bản Mòng Sơn La..



    Là người được đi khá nhiều nơi và được tắm suối khoáng ở nhiều địa danh khác nhau trong cả nước. Tuy nhiên, nơi khiến tôi “nghiền” nhất vẫn là suối nước nóng bản Mòng, xã Hua La (Thành phố).
    Bởi lẽ, nơi đây ngoài việc được đắm mình trong dòng suối khoáng, du khách còn được thưởng thức những món ăn dân tộc cùng những nét văn hóa đậm sắc Tây Bắc...

    Không biết dòng suối khoáng bản Mòng có từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ ngày thành lập bản Mòng, người dân nơi đây đã biết sử dụng nguồn nước này trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

    Suối nước nóng bản Mòng là một trong điểm đến của du khách trong và ngoài nước, nằm trong quần thể du lịch sinh thái, cách trung tâm Thành phố chừng 5 km



    Khu vực này bắt đầu được chính thức khai thác theo hình thức dịch vụ từ năm 1997, còn trước đó chỉ là tự phát do một số hộ đầu tư xây bể tắm công cộng phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn. Dòng suối khoáng có nhiệt độ 38 độ C, với các đặc tính lý hóa, thành phần khoáng chất tự nhiên mà theo các nhà khoa học có tác dụng chữa trị một số bệnh ngoài da, thấp khớp, thần kinh, tim mạch...

    Giờ đây, với sự khai thác hợp lý theo quy định của Thành phố, khu vực này đã trở thành một điểm đến không chỉ du khách trong nước mà còn thu hút cả du khách nước ngoài. Trải dài hai bên con đường nhựa tại khu vực suối khoáng đã có 16 hộ kinh doanh dịch vụ tắm suối khoáng. Những ngôi nhà sàn mang đậm bản sắc của dân tộc Thái vùng Tây Bắc cùng những phòng tắm được thiết kế, trang trí hợp lý của các hộ kinh doanh dịch vụ nơi đây luôn thu hút đông đảo du khách lui tới. Tại đây, họ còn được tham quan, thưởng thức những nét văn hóa Thái, mua sắm những đồ dệt thổ cẩm của người Thái vùng Tây Bắc hay được thưởng thức những điệu múa, lời khắp của các cô gái Thái “ngực câu, eo ong với bộ trang phục áo cóm, khăn piêu cùng tiếng xà tích kêu leng keng khi xòe” đẹp đến hút hồn..



    Nhiều người cho rằng cái thú của tắm suối khoáng bản Mòng là vì nhiệt độ nước của dòng suối khoáng nơi đây thay đổi thích hợp theo mùa. Cũng bởi, do cấu trúc địa tầng nơi đây thẩm thấu nước mưa tan hóa cùng dòng khoáng, nên vào mùa hè độ nóng dịu hơn. Mùa đông thì lại khác, nước nóng phù hợp, nghi ngút hơi nước tỏa lên khiến cho người tắm không còn cảm giác của mùa đông lạnh giá nữa... Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, điều thú vị nhất khi về đây tắm suối nước nóng chính là vì: nơi đây đã lồng ghép được những nét đẹp văn hóa dân tộc cùng phong cách phục vụ du khách tận tình, đậm chất vùng cao Tây Bắc. Chả vậy, nhiều du khách mỗi khi đặt chân tới đây luôn có trong mình cảm giác như được về nhà.



    Sau cảm giác sảng khoái, tinh thần phấn chấn khi hòa mình trong dòng suối khoáng, du khách sẽ tiếp tục được cảm nhận những nét văn hóa đặc sắc của Tây Bắc khi hòa mình trong điệu xòe, lời Khắp Thái mượt mà bên ánh lửa bập bùng dưới những ngồi nhà sàn hay thưởng thức những món ăn của dân tộc Thái do chính những người phụ nữ Thái đảm đang nội trợ.

    Đến với suối khoáng bản Mòng, không một du khách nào có thể quên được hình ảnh quây quần quanh chiếc mâm đan của dân tộc Thái làm từ mây, tre đan với món “cáy pỉnh” (gà nướng) vàng đượm - gà tơ bản ướp với các loại gia vị đặc trưng của người Thái, được nướng đều trên than củi rực hồng có một mùi thơm hấp dẫn, hòa trong làn gió chiều thổi về từ những cánh đồng lúa hay như mùi thơm của các loại gia vị, rau thơm, cùng vị cay cay của ớt trong món “pa pỉnh tộp” (cá nướng)



    Tiếp đến, du khách còn được thưởng thức món thịt hun khói, lòng khô, lòng nướng đậm đà cũng được ướp từ các loại gia vị đặc trưng của người Thái, làm từ thịt hoặc lòng phèo của trâu, bò hoặc lợn; rồi món rau rừng đồ, hoa ban xào măng chua, măng lay, canh bon đặc mùi Mắc khén rừng cùng chút ngầy ngậy của da bò, đuôi bò hòa trong bát canh. Cùng những món ăn đặc trưng trên, du khách còn được thưởng thức vị thơm dẻo của món cơm lam nướng trên than hồng hay món cơm nếp đồ được đựng trong những chiếc Ếp khẩu chỉ người Thái mới có...

    Đi khắp vùng Tây Bắc, không ai không biết tới món chẩm chéo - một loại nước chấm được làm từ muối rang, ớt nướng, hạt mắc khén cùng với tỏi và các loại rau thơm được giã nhuyễn. Đây là món nước chấm đặc trưng duy nhất cũng chỉ của người Thái mới có. Điều đặc biệt, chỉ với món nước chấm đó nhưng lại phù hợp để làm đồ chấm cho các món ăn của người Thái Tây Bắc từ món gà, cá, măng hay xôi.


    Cũng bởi “nghiền” cái cảm giác đắm mình trong dòng suối khoáng bản Mòng cùng nét văn hóa Tây Bắc với những món ăn đậm sắc dân tộc, nên sau những ngày làm việc căng thẳng, giữa lòng thủ đô Hà Nội tôi thường bất chợt nhớ về dòng suối khoáng bản Mòng; nhớ những đêm trăng tròn, trăng khuyết bên ánh lửa bập bùng, hòa mình trong điệu xòe tình tứ với tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã; nhớ cảm giác thăng hoa trong những ngôi nhà sàn khi cùng nhau chụm đầu bên chum rượu vít cần hay cảm giác sảng khoái khi đắm mình trong dòng suối khoáng...

    Những cảm giác, nỗi nhớ đó cứ vậy òa về với âm điệu của lời hát “Inh lả ơi, sao noong ời; khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời; mùa xuân đến ngàn hoa hé cười; inh lả ơi, sao noong ơi...

    (theo báo Sơn La)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  3. #3
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Nàn Sán Trong Nắng Chiều..



    xã biên giới giáp Trung Quốc, nằm liền kề với xã Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, xã Nàn Sán cách trung tâm huyện lỵ Si Ma Cai khoảng 2km.

    < Dưới ánh nắng chiều, Nàn Sán thật yên bình với những đứa trẻ dạo chơi trên lưng trâu.

    Phía đông Nàn Sán giáp xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai. Phía nam giáp các xã Si Ma Cai và Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai. Phía tây giáp xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai và xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương (ranh giới tự nhiên là sông Chảy). Phía bắc giáp xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương và giáp với Trung Quốc (ranh giới tự nhiên là sông Chảy).




    < Một phụ nữ về nhà sau buổi cắt cỏ cho trâu.

    Xã gồm các thôn: Sảng Chải 1, Sảng Chải 2, Sảng Chải 3, Sảng Chải 4, Sảng Chải 5, Hóa Chư Phùng, Lũng Choáng, Quan Thần Súng, thôn Đội 1, thôn Đội 2, thôn Đội 3, thôn Đội 4.

    < Nhà ở Nàn Sán hầu hết là nhà trình tường đất.




    Nàn Sán có 614 hộ dân với 6 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Thu Lao, Mông và La Chí.

    < Với địa hình miền núi, ngựa vẫn được người dân nơi đây dùng làm phương tiện đi lại, chuyên chở.

    Người Nàn Sán với phong tục tập quán phong phú, mang bản sắc văn hóa riêng, là điểm sáng về xây dựng đời sống văn hoá ở vùng cao Si Ma Cai




    < Người Nùng ở Nàn Sán ngoài làm nông nghiệp còn có nghề làm bánh tráng, đây là loại bánh đặc sản của người Nùng.

    < Một căn bếp của người H’ Mông ở Nàn Sán.

    < Những đứa trẻ ở Nàn Sán rất thân thiện.



    < Con trâu không thể thiếu với mỗi gia đình ở Nàn Sán, cũng như người nông dân ở đồng bằng thời trước “con trâu là đầu cơ nghiệp” của người dân nơi đâ



    < Chiều về, khói cơm chiều tỏa khắp các ngôi nhà trong các bản.


    Người dân Nàn Sán có truyền thống làm nông nghiệp với các sản phẩm chính là rau, đậu tương, lúa gạo đặc biệt là chăn nuôi rất phát triển.Nhân dân đã được cấp nhiều giống cây trồng vật nuôi và được hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ. Ở Nàn Sán có rất nhiều hộ gia đình nuôi tới 9-10 con trâu. Ở nơi đây, con trâu đúng nghĩa là đầu cơ nghiệp.
    Nếu bạn muốn khám phá, còn chần chừ gì nữa, hãy chọn Nàn Sán ngay:

    (theo ViệtNamNet)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  4. #4
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Vương Quốc Trình Tường..



    Tôi thật sự ấn tượng khi lần đầu tiên chứng kiến cách dựng cũng như chất liệu làm nên những ngôi nhà này vào năm 2004 khi 20 người thợ dân tộc Hà Nhì từ xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) về Hà Nội trình tường những ngôi nhà của dân tộc mình tại khuôn viên của Bảo tàng Dân tộc học.
    ^ Dịp cuối năm (nhất là tháng 12 âm lịch) đến Lao Chải sẽ chứng kiến nhiều gia đình trong thôn làm nhà mới để ăn tết và đón năm mới. Sau khi gia cố móng, người ta lấy khung gỗ làm khuôn, đổ đất và nện chặt làm tường nhà.

    Sau gần hai tháng thi công, nhà ở và tổ hợp chuồng ngựa, chuồng trâu cùng các địa điểm thờ cúng làm theo nguyên mẫu từ thôn Lao Chải hiện là điểm nhấn cho bộ sưu tập nhà ở của đồng bào dân tộc ít người tại khuôn viên bảo tàng này


    < Ngoài khuôn gỗ để định hình, công cụ trình tường đất còn lại chỉ là chày và vồ đều bằng gỗ. Đất trình tường không có gì đặc biệt, được lấy ngay cạnh nền nhà.

    Đó là “vương quốc” của gần 100 căn nhà trình tường trông xa giống như những cây nấm khổng lồ mọc bên sườn núi với độ cao trên 2.000m ở thôn Lao Chải, phía bắc huyện Bát Xát (Lào Cai). Đến đây, người ta như lạc vào thế giới trình tường của người Hà Nhì đen với những huyền thoại như "trâu bò húc vào tường không rung rinh, đạn AK bắn gần không thể thủng"


    < Chiều ở vùng biên giới đầy hơi lạnh càng làm những ngôi nhà xinh xắn, thiết kế riêng biệt không lẫn vào đâu được nằm lưng chừng thung lũng mờ ảo đẹp và hư vô đến khó tin.

    Quần cư trong một thung lũng vùng biên giới, những ngôi của người Hà Nhì trông cục mịch như những cây nấm mọc trên sườn núi, nơi thường được chọn để dựng nhà. Nếu nhà trình tường của người Dao, người Mông ở các nơi có hình chữ nhật thì nhà của người Hà Nhì gần như hình vuông với chiều rộng 4 sải tay, chiều dài 4,5 sải tay của gia chủ, cao chừng 5m.


    < Để làm móng cho tường nhà, người Hà Nhì phải chọn loại đá núi bằng phẳng ở các con suối, khe sâu. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống lòng đất như ở dưới xuôi xây nhà, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như ta đổ bêtông

    < Nhà thường được kết cấu hình chữ nhật, có một cửa chính và cửa tò vò thông gió ở trên cao, không có cửa sổ.

    Diện tích trung bình mỗi ngôi nhà dao động 65-80m2 với một cửa ra vào chiều cao không quá đầu người, rộng chừng 80cm, thêm một "cửa tò vò" thông gió ở trên cao. Tường nhà được nện bằng đất rất dày, 30-40cm. Mái nhà được lợp bằng gỗ hoặc cỏ tranh theo hình tròn hoặc hình chóp lợp cỏ, địa y mọc xanh rờn trên mái.



    < Bên trong nhà của người Hà Nhì, đồng bào còn làm thêm một bức tường phụ cũng bằng đất nện chạy song song tường chính cách cửa ra vào 1-2m. Sau bức tường phụ này là bếp và giường ngủ của người làm chủ gia đình.

    Từ tháng 8 đến 12 âm lịch trong năm là mùa trình tường của người Hà Nhì để ăn tết và đón năm mới. Đây cũng là khoảng thời gian mùa vụ đã xong, lại làm nhà bởi tường trình bằng đất nên phù hợp mùa khô.



    < Ngôi nhà trình tường hai tầng duy nhất ở Lao Chải trước đây được dùng làm UBND xã Ý Tý bây giờ đang được Phân hiệu Lao Chải (Trường Tiểu học Ý Tý) sử dụng


    < Nhưng chủ nhân tương lai của “vương quốc” trình tường.

    Tường nhà được trình rất công phu, quan trọng nhất là làm khuôn thẳng, chuẩn. Đất được đổ vào khuôn và đầm bằng chày gỗ cho chặt và chắc làm sao khi rút khuôn ra đất thành hình vuông thành, sắc cạnh. Công đoạn tiếp theo người Hà Nhì dùng táp làm cho mặt tường phẳng và bóng



    < Buổi trưa bên bậu cửa ngôi nhà trình tường của anh Sì Xe Phả. Cuộc sống thường nhật của những người dân tộc Hà Nhì đen như bố con anh Phả dễ bắt gặp khi lên thăm “vương quốc” trình tường Lao Chải.

    Nếu là người ưa khám phá, thôn Lao Chải (Ý Tý) là điểm du lịch mới có thể ghé thăm từ Sa Pa qua những địa danh Tả Giàng Phìn, Pa Cheo, Bản Xèo, Mường Hum, Sáng Ma Sáo, Dền Sáng, Ngải Chồ... Cung đường với hơn 120km nép mình trong mây ngàn, thoắt ẩn thoắt hiện giữa lưng trời, chơi vơi quanh những dãy núi hùng vĩ đệ nhất địa đầu Tây Bắc

    (theo Tuổi Trẻ dulich)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  5. #5
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Tắm Sương Tam Đảo..


    Những ngày hè nắng nóng, có một điểm du lịch gần Hà Nội được “dân phượt” gọi là “cái tủ lạnh của đồng bằng Bắc bộ” đáng để bạn cùng gia đình tìm đến dịp cuối tuần.

    Tam Đảo nằm cách Hà Nội chừng 89 km, nếu đi từ 8 giờ sáng, khoảng hơn 10 giờ bạn đã có thể nghỉ chân ở thị xã Vĩnh Yên giữa những con phố cổ rợp bóng cây xanh trước khi “lên núi”.

    Nhà nghỉ ở Tam Đảo có nhiều hạng, nếu đi ngày thường bạn không cần đặt phòng trước, cứ lên đó gặp chỗ nào trông ưng ý là hỏi (hỏi đúng chủ nhà để tránh gặp “cò”) và nhớ mặc cả, hiện giá phòng ở bình dân khoảng 300 - 400 ngàn đồng/tối.

    Giá ngày cuối tuần thông thường sẽ đắt gấp đôi. Nếu chịu khó đi theo con đường nhựa lên đến điểm cao nhất, bạn có thể tìm thấy nhà nghỉ Tư Phương - một địa chỉ được “Tây ba lô” ưa thích và truyền tai nhau.



    Đây là một căn villa cũ xây lại, được tổ chức kiểu nhà trọ, có sân, vườn và sườn đồi thoai thoải phía sau. Từ chỗ này, có thể tận hưởng không gian yên tĩnh cách xa mọi ồn ào và nhìn được toàn cảnh Tam Đảo, cũng có thể đốt lửa trại khi đêm xuống.

    Chủ nhà vốn dễ tính, nhiệt tình, sẵn sàng nấu cơm cho khách với thực phẩm tự chăn nuôi. Nếu cần chỗ nghỉ “sang” hơn, bạn có thể tham khảo và đặt phòng trước ở khách sạn Ánh Dương, một điểm được nhiều người đánh giá tốt.



    Đặc sản ở Tam Đảo chủ yếu là rau su su, bình dân nhất thì có thể đến quán xôi gà ở chợ trung tâm, gọi thêm món gì đơn giản, song tuyệt đối bạn không nên gọi thịt thú rừng, vì vừa không ngon vừa dễ gặp thịt... lợn nhà.

    Điểm chơi ở Tam Đảo không có nhiều, ban ngày có thể đến vườn Quốc gia Tam Đảo, suối bạc, nhà thờ đá cổ, phế tích khách sạn Metropole hoặc lên chơi tháp truyền hình, cái duy nhất bạn cần chuẩn bị là... sức khỏe vượt qua những bậc thang dốc đá.

    Buổi tối, khi nền nhiệt độ xuống thấp, bạn có thể ngồi ăn khoai nướng, ngô, trứng nướng và lên “bến Hàn Quốc” ngắm thị xã Vĩnh Yên đẹp lung linh và lãng mạn.
    (theo qangdai blog)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  6. #6
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Người Mông Ở Đồng Văn..



    Chợ phiên, nét đặc trưng của các dân tộc miền núi phía Bắc. Với nhiều dân tộc, chợ không chỉ là nơi giao thương hàng hóa đơn thuần mà còn là nơi giao lưu văn hóa, gìn giữ những di sản văn hóa của người dân tộc cho thế hệ sau.

    < Cao nguyên đá Đồng Văn.

    Chợ phiên ở huyện Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, là một trong những phiên chợ đặc trưng nhất của Đồng Bào Mông và các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn.

    Đồng Văn là một huyện của tỉnh Hà Giang, đồng thời cũng là huyện cực Bắc của Việt Nam, có diện tích 446,66 km² và dân số 57.715 người (2006), gồm 2 thị trấn và 17 xã. Huyện lỵ trước đây là thị trấn Phó Bảng, nay chuyển về khu phố cổ thuộc xã Đồng Văn, nay là thị trấn Đồng Văn.


    Rộn ràng phiên chợ

    < Các cô gái vùng cao ở chợ phiên Đồng Văn.

    Cách thủ đô gần 500km, Đồng Văn nằm bình yên giữa mênh mông, núi non hùng vĩ. Dãy phố cổ nằm tĩnh mịch dưới chân núi Đồn Cao, phố cổ Đồng Văn được hình thành từ đầu thế kỷ 20 do người Tày, người Mông và người Hoa sinh sống.


    < Theo mẹ xuống chợ.

    Chợ phiên Đồng Văn họp mỗi tuần một lần vào chủ nhật tại trung tâm thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Chợ không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi giao lưu văn hóa, tâm tình của rất nhiều đồng bào người Mông, Hán, Dao, Giáy, Tày..


    < Tấp nập chợ phiên.

    Chợ nằm nép mình dưới chân núi Đồn Cao. Phiên chợ bắt đầu từ sớm. Mới tinh mơ đã nghe tiếng bò kêu, lợn, cùng tiếng hát xuống chợ, lọc cọc trên đường tiếng xe ngựa thồ hàng, tiếng người gọi nhau í ới

    < Chàng trai Mông cõng trên lưng những chú lợn ra chợ bán.

    Các bà, các mẹ địu con, thanh niên nam, nữ xuống chợ mang theo những thứ thổ cẩm, sản vật của mình xuống chợ bán. Những thứ mang xuống chợ đôi khi chỉ là tấm vải rệt, chục trứng, lợn mán, chó con và không thể thiếu rượu…

    Các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em chơi chợ. Chợ còn là nơi mối lái tình duyên. Sau vài phiên chợ nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng.


    < Còn đàn ông đi chợ để uống rượu ngô và thổi khèn gọi bạn.

    Chợ Đồng Văn cũng như chợ truyền thống cho người Mông, không bao giờ thay đổi cấu trúc. Đồng bào đã quen đến chợ là có chỗ buộc ngựa, phải có chỗ đặt quẩy tấu, có chỗ để chảo để nấu thắng cố, mèn mén, chợ bò... Đến Đồng Văn sẽ thấy đỏ lừ một màu thổ cẩm. Người Mông ở quanh vùng coi chợ phiên Đồng Văn là chợ rất quan trọng, chợ vui nhất của cả vùng


    < Đàn bà đi chợ mua hàng.

    Bất kể là ai đến ngày phiên chợ đều bỏ lại bể nước ngọt đã cạn khô ở nhà, những thửa ruộng còn lẫn trên cao nguyên đá, nơi mà ngô, lúa phải lựa từng chỗ, gạn từng giọt nước để nảy mầm… ra chợ để tìm đến bạn, để tâm tình.

    Tình chợ

    Người Mông có tính tự tôn dân tộc rất cao. Họ ghét kẻ nói dối. Sống với họ, phải hiểu và thông cảm thì mới sống được. Người Mông ở Đồng Văn, Hà Giang thì gần như một cánh rừng nguyên sinh, chưa hề bị tàn phá mai một, còn đầy ắp bản sắc


    ngày chợ phiên. Trong phiên chợ các đôi trai gái tự tình với nhau bằng tiếng khèn gọi bạn, các cô gái e ấp bên người mình yêu bằng điệu xòe ô đặc trưng. Tự tình với nhau bằng lời của núi, lời thật dành cho nhau:

    "Tao có cái yếm bằng lưỡi cày
    Tao không cho mày thì cho ai"

    < Nụ cười rạng rỡ của cô gái miền sơn cước.

    Đến phiên chợ, hầu như chàng trai nào cũng biết thổi khèn. Đến đứa trẻ nhỏ nhất cũng thổi được khèn! Không chỉ dân ca, dân vũ, cả nền văn hoá phi vật thể giàu bản sắc của người Mông đều được đem đến chợ.



    < Tiếng khèn của một chàng trai Mông trong phiên chợ.

    Người Mông rất quan tâm giữ gìn bản sắc văn hoá. Các cặp vợ chồng người Mông gặp nhau trên chợ và khi cưới họ rất ít bỏ nhau. Đi chợ cũng phải có đôi, nếu chồng có quá chén say rượu nằm ven đường, vợ ngồi đợi, dây ngựa buộc vào chân, một tay quạt, một tay che ô, mặc nắng mặc mưa, đến khi chồng tỉnh mới về...

    Họ tìm vợ ở chợ. Họ quan niệm: "lòng dạ có tốt thì ra chợ mới biết". Sang hơn người chính là sang hơn số lần xuống chợ,
    Chợ tan, tiếng sáo, tiếng khèn lại vang lên cung bậc của lời hò hẹn làm ửng hồng những cặp má của những thiếu nữ miền sơn cước khi đã yêu thương nhớ nhung:



    < Và cũng như bao nhiêu lần khác, khi chiều về, chợ tan, người vợ lại đưa chồng trở về nhà trong cơn say bằng cách quen thuộc như thế này.

    "Chợ đã tan nhưng nỗi nhớ không tan
    Anh vẫn đợi và em vẫn đợi
    Ta đếm ngày mong phiên chợ tới
    Ta đếm đêm mong ở bên nhau"

    Đồng Văn không chỉ có chợ phiên mà còn nhiều di tích lịch sử khác như cột cờ Lũng Cú, di tích lịch sử Dinh nhà Vương, khu phố cổ Đồng Văn. Đồng Văn trước kia là lãnh thổ của vua Mèo Vương Chí Sình. năm 1945 ông này theo chính phủ Hồ Chí Minh, thành một đại biểu quốc hội khóa I

    (theo Việt Báo)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  7. #7
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Lũng Cú Mảnh Đất Địa Đầu Tổ Quốc..



    Với bất cứ ai yêu thích du lịch và có chút mạo hiểm thì cung đường đến với Hà Giang hùng vĩ và đầy huyền thoại luôn là sự thôi thúc mãnh liệt, không chỉ thế, đây còn là nơi địa đầu Cực Bắc Tổ quốc với điểm mốc là cột cờ Lũng Cú.

    "Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang
    Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa"
    (Lê Anh Xuân)

    Từ Hà Giang, chúng tôi đến với Lũng Cú sau một ngày ròng rã băng qua những cung đường gian nan, hiểm trở nhưng đầy đam mê huyền hoặc. Vẫn nhớ như in những cung đường ngoằn ngoèo dài hàng trăm cây số, hết những con dốc lên cao chênh vênh bám hờ bên sườn núi, lại đến những dốc thăm thẳm rớt xuống tận vực sâu. Mỗi khi qua những khúc ngoặt nguy hiểm, tim tôi như muốn bật ra ngoài, phải nín thở, tay gồng cứng, mắt nhìn căng, tập trung cao độ


    Thế nhưng, khi xe vượt qua con dốc chạm đến đỉnh, cảm xúc thật sự choáng ngợp trước không gian mênh mông hùng vĩ của núi rừng mở ra trong tầm mắt. Từ trên cao nhìn xuống, những dãy núi xanh ngắt chạy từ dưới thung sâu rồi vươn lên chất ngất đỉnh trời hòa cùng tơ mây dệt nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.

    Mây trắng trời, mây lờ lững, chúng tôi một bên và mây một bên. Bên phải chúng tôi là những dãy núi cao ngất, sừng sững ẩn hiện trong sương, bên trái là những thung sâu hun hút, những bản làng nhỏ vây quanh là ruộng bậc thang uốn lượn, không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được sự tuyệt mỹ mà thiên nhiên và con người nơi đây đã ban tặng.



    Chúng tôi không thể nhớ đã dừng xe bao nhiêu lần để ngắm nhìn. Hai kẻ lang thang trong cõi trần mà cứ như ngỡ mình say trong cõi mộng.

    Đang còn ngất ngây trong bức tranh thêu tuyệt mỹ của thiên nhiên và con người thì mây lại về núi. Cả một vùng mây khổng lồ nương theo gió ào tới, chớp mắt đã che phủ cả bản làng. Thoảng đâu trong gió hương rượu ngô thơm nồng, men cay chưa nhắp nhưng hồn đã ngất ngây.

    Nhớ khi chiều xuống mà chúng tôi vẫn còn lang thang giữa mênh mông núi rừng, mờ sau làn mây, tuốt tận trên cao, con đường như sợi chỉ nhỏ mà cô gái Mông nào đó để quên lại vắt ngang lưng chừng núi. Một cảm giác liêu trai đến tột cùng.



    Từ Hà Giang đến Lũng Cú, chúng tôi đi qua nhiều điểm thú vị như đèo Pắc Sum với hàng chục góc cua xiết, núi đôi Quản Bạ nên thơ và hữu tình, cổng trời Quản Bạ mở ra không gian thiên nhiên mênh mông khoáng đạt, những rừng thông Yên Minh xanh mướt chạy dài tít tắp và còn rất nhiều nữa...

    Nhưng trong đó tuyệt nhất có lẽ là Sũng Là (nơi quay bộ phim Chuyện của Pao), đây có thể xem là xã đẹp nhất của cao nguyên đá Đồng Văn, trải trên nền đen của vách đá tai mèo lởm chởm là mảng vàng đất của những ngôi nhà Trình Tường, vây quanh màu xanh của lúa non, hòa thêm chút vàng của đỗ tương vào mùa chín và những váy hoa sặc sỡ của các cô gái H'mông vẽ nên bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên và con người



    Đi mãi rồi cũng đến nơi, từ xa, cột cờ Lũng Cú hiện ra thật vững chãi, giữa mênh mông núi rừng hùng vĩ, trên đỉnh cao nhất của ngọn Long Sơn, cột cờ sừng sững, hiên ngang với màu cờ đỏ thắm.

    Cột cờ Lũng Cú được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Lý Thường Kiệt (1075-1105) bằng cây gỗ sa mộc, năm 1887, thời Pháp thuộc có xây dựng lại. Đến năm 2002, cột cờ mới được dựng lại, cao khoảng 20m, nằm trên đỉnh Long Sơn cao hơn 1.700m so với mực nước biển, chân chạm khắc hoa văn trống đồng Đông Sơn


    Cột cờ dài tầm 9m, lá cờ dài 9m rộng 6m, có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Ngày 25/9/2010, Nhà nước đã cho xây dựng lại cột cờ này lần nữa.

    Bao mệt mỏi của cả chặng đường dài vụt tan biến, chúng tôi để xe dưới chân núi và bắt đầu leo lên, đến khi chạm tay vào cột cờ mới cảm nhận hết được hồn thiêng sông núi đang ào ạt ùa về. Lá cờ phần phật tung bay giữa trời xanh quyện lấy nhiệt huyết tuổi trẻ chúng tôi, rồi hòa theo gió cuốn đi khắp nơi.

    Tôi đứng lặng im để cho cảm xúc ào ạt đổ về. Những câu chuyện huyền sử con cháu Lạc Hồng, con rồng cháu tiên, những bài học lịch sử ngàn năm giữ nước trở về trong thước phim quay chậm của cảm xúc. Nước non này đã hàng nghìn năm gìn giữ, mảnh đất này bao xương tan máu đổ, để phút giây này, chúng tôi được đứng nơi đây với dạt dào lòng tự hào dân tộc.

    (theo Trần Anh An)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  8. #8
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Tắm Suối Khuổi Tẳng..



    Từ đỉnh Mẫu Sơn (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cao 1.541m quanh năm mây phủ có con suối Khuổi Tẳng, tiếng địa phương mang nghĩa dòng suối dựng đứng.

    Xuất phát từ xã Bằng Khánh (Lộc Bình – Lạng Sơn) qua những con đường nhựa rồi bêtông quanh co với những cánh đồng lúa xanh mượt, du khách sẽ bắt đầu cuộc hành trình khám phá dòng suối đầy thơ mộng này. Vừa đi du khách có thể nghe tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim rừng kêu ríu rít... ở hai bên bờ suối.

    Nếu đến đây vào đầu mùa hè, du khách được chiêm ngưỡng dưới lòng suối là những tảng đá lúc phơi mình trên không, lúc ẩn mình trong làn nước trong veo. Cảnh tượng trên trời, dưới suối, hai bên bờ sắc tím hoa sim, hay vàng, đỏ của phong lan rừng.



    Đến suối Khuổi Tẳng du khách nên ghé thăm những ngôi nhà của người Dao náu mình dưới tán cây xanh và nếu gặp may, du khách sẽ nghe cư dân nơi đây kể về truyền thuyết của dòng suối này. Chuyện xưa, các tiên nữ khi cưỡi mây dạo chơi bỗng nhìn thấy suối Khuổi Tẳng trong mát nên rủ nhau xuống tắm.

    Các tiên nữ còn hoá phép tạo ra những tảng đá to, phẳng để nghỉ ngơi mà ngày nay người dân nơi đây gọi là Soong Cải. Nơi đây những ngọn thác đổ dài theo vách đá, vẽ vào không gian bức tranh thiên nhiên đẹp lạ kỳ



    Càng lên cao, không gian suối Khuổi Tẳng cứ mở ra, mở ra đẹp một cách kỳ lạ. Những dòng thác nhỏ đổ xuống hang, hốc tạo thành hồ nước tự nhiên có độ sâu vừa phải, nơi tắm mát lý tưởng cho du khách.

    Ngày hè nóng bức, được ngâm mình trong dòng nước mát lạnh của suối Khuổi Tẳng tạo cảm giác thư thái, an bình. Nếu được đầu tư đúng mức thì trong tương lai không xa, nơi đây sẽ là một địa chỉ hấp dẫn, bởi danh thắng này nằm song song với khu du lịch Mẫu Sơn.

    (theo SGTT)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  9. #9
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Trải Nghiệm Pù Luông ..



    Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được nối liền với phần đuôi của vườn quốc gia Cúc Phương bằng hai dãy núi đá vôi màu xám chạy song song. Ở giữa là những thung lũng lúa trù phú và bản làng êm ả. Những cánh rừng nguyên sinh tại Pù Luông còn được bảo quản khá tốt với những thảm thực vật phong phú, có rất nhiều cây cổ thụ to.

    Đỉnh Pù Luông cao 1.700 mét vời vợi mây trời nằm trên xã Thành Sơn. Bên cạnh là rừng Kim Giao rộng lớn, sâu trong núi có loài vọoc quần đùi trắng sinh sống -một loại động vật có tên trong Sách Đỏ ở Việt Nam.

    Ở Pù Luông, dù đi theo bất kỳ cung đường nào thì hình ảnh ấn tượng nhất luôn là những mảng màu rực rỡ của cánh đồng, ở giữa là những con đường đất đỏ vạch ngoằn ngoèo. Lúa chen với đá nhấp nhô trên sườn núi, nhà chen với cau cọ. Nếu đi Pù Luông đúng mùa gặt, sẽ vui lây với niềm vui kĩu kịt quang gánh đưa thóc về của bà con.



    Lúa ở Pù luông không gieo trồng cùng một thời điểm nên con đường mang rất nhiều cung bậc, lúa vào đòng đang xanh thì con gái, lốm đốm vàng như buổi chiều nhạt nắng, óng ả chín vàng rực cả khoảng trời, lác đác có những thửa ruộng đã gặt chỉ còn trơ cuống rạ, lộ ra khoảng đất nâu ẩm ướt


    - Các cung đường dành cho trekking bao gồm: đoạn Kho Mường – Phố Đoàn là cung đẹp nhất, dài khoảng 10km, đường mòn nhỏ quanh co men theo sườn núi, tầm nhìn hùng vĩ và hoang dã, thi thoảng lại có vài con suối cắt ngang đường. Buổi sớm, sương bay la đà trên các thung lũng, mặt trời lấp ló đỉnh núi, gió se se lạnh luồn qua các tán cây. Nếu đi đúng phiên chợ Phố Đoàn (họp vào thứ năm và chủ nhật) sẽ gặp người Thái, người Mường đi chợ phiên đông như mắc cửi, váy áo chen với nón tơi, giao thương tấp nập.

    - Bạn cũng có thể đi theo cung đường khác là đoạn Phố Đoàn đi bản Trình, bản Hin, bản Nủa thuộc xã Lũng Cao. Cung này đường thấp, bằng phẳng và có thể chạy xe máy nếu muốn. Bản nào cũng có một vài nhà nghỉ sinh thái phục vụ. Hoa nở ven cổng nhà, dọc bờ rào, đầy các lối đi, tràn căng sức sống.

    - Có thể bắt đầu chuyến đi từ bản Đuổm, bản Hang, bản Eo Kến hoặc ngã ba Pà Khà, Kho Mường để tới các bản nằm sâu hơn trong núi cao. Những bản làng dựa lưng vào núi, dựa vào những đồi cọ xanh mướt và nhìn xuống thảm thung lũng lúa mượt như nhung ngay dưới chân nhà.


    - Cũng có thêm một lựa chọn thú vị từ Phố Đoàn là đi trekking khoảng 8km để tới bản Eo Điếu thuộc xã Cổ Lũng. Đường đi vào Eo Điếu rất dốc, núi đá lô nhô, xuyên qua rừng luồng. Những cây cầu bằng tre mỏng tang bắc ngang dòng chông chênh lắt lẻo, đặc biệt có nhiều cọn nước nằm ven suối nom rất thanh bình và êm dịu. Bản nằm trên núi rất cao, nếu đi vào cuối thu sẽ gặp rất nhiều hoa trạng nguyên đỏ thắm.

    - Từ bản Nủa nếu có nhiều thời gian, dân trekking sẽ tiếp tục đi sâu hơn đến bản Cao Hoong và bản Kít, là hai bản đẹp nhất ở Pù Luông với những mái nhà sàn nằm chênh vênh trên sườn núi, lẫn trong cau cọ, giữa núi rừng nguyên sơ và hoang dại. Từ Kho Mường cũng có đường tới bản Nủa mất độ hai giờ đồng hồ đi bộ



    - Một cung đường khác hay được dân đi trekking truyền khẩu là đoạn Phố Đoàn đi bản Trình, bản Hin, bản Nủa thuộc xã Lũng Cao. Cung này đường thấp, bằng phẳng và có thể chạy xe máy nếu muốn. Bản nào cũng có một vài nhà nghỉ sinh thái phục vụ.

    Nhắc đến Pù Luông, với cả những người đã biết và chưa biết, chắc hẳn thứ đầu tiên mọi người nghĩ đến sẽ là những thửa ruộng bậc thang, những cánh đồng lúa trải dài trên những con đường,



    Dọc khắp các bản làng, thôn xóm. Không thực sự tráng lệ như Mù Cang Chải hay Tú Lệ, không ngút ngàn tầm mắt như Y Tý hay Sapa…nhưng ruộng bậc thang Pù Luông vẫn toát lên vẻ đẹp đặc trưng vốn có của miền Tây Thanh Hóa.. đó là hình ảnh những thửa ruộng gắn với những con suối uốn lượn, những lũy tre, những cái đập tràn, những mái nhà sàn, những cây cầu tre lắc lẻo và cả những con quay nước…

    Nhưng điều ấn tượng nhất của tôi về Pù Luông lại không fải là những thửa ruộng bậc thang. Hai năm, 2 lần đến Pù Luông, điều thực sự khiến tôi cảm thấy thích thú với Pù Luông, đơn giản chỉ là những con đường đất - cũng bởi, chỉ những con đường đất mới cho ta hình dáng thật sự của một làng quê. Và với tôi, theo định nghĩa đó, làng quê này đang dần bị mất đi..

    (theo Tuaankid)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  10. #10
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Bảo Lộc Sương Mù..



    Chỉ cách 180km (3 giờ ô tô) trên đường đến Đà Lạt, Bảo Lộc là đô thị cao nguyên gần Sài Gòn nhất. Bảo Lộc còn có nhiều cái "nhất" rất dễ nhìn thấy hoặc có thể nhận ra...

    Hai chữ Bảo Lộc mới xuất hiện từ năm 1958, khi tỉnh Lâm Đồng thay tên Đồng Nai Thượng. Lúc đó tỉnh Lâm Đồng chỉ có hai huyện là Di Linh và Bảo Lộc. Trung tâm Bảo Lộc được chọn làm tỉnh lỵ. Địa giới của huyện kéo dài đến dưới chân đèo Chuối, bọc theo thượng nguồn sông Đồng Nai.

    Vùng đồi núi, sông suối và trảng cỏ chập chùng này nay chia ra đến 5 đơn vị hành chính. Thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm bao quanh nằm trên cao độ 800 - 900m có cái lạnh dễ chịu, còn ba huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên ở phía dưới chân đèo chỉ cao chừng 200 - 300m nên nắng mưa không khác miền Đông, ban đêm se lạnh, ban ngày oi bức..


    Ngày xưa chốn này là xứ B'Lao. Nay B'Lao chỉ là tên của một phường trong thị xã. Nhưng dẫu sao, âm nhẹ "b'lao" đã trở thành tên gọi của một xuất xứ thương hiệu, như trà B'Lao chẳng hạn.

    Từng là kinh đô dâu tằm tơ

    Bảo Lộc trong một năm có đến 85 ngày phủ sương mù, 300 ngày rải đều trong 12 tháng có mưa. Lên đỉnh đèo B'Lao, mây trắng gần như lan vào trong ngực. Người Pháp thật tinh ý khi chọn vùng cao nguyên nhiệt đới này để thành lập Trường cao đẳng Nông lâm súc đầu tiên - tiền thân của Đại học Nông lâm hôm nay.
    Nhờ đó Bảo Lộc trở thành nơi xuất phát của vùng chè, nghề nuôi ong, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa... Sau 1975, Bảo Lộc trở lại làm một huyện (tỉnh lỵ Lâm Đồng đặt tại Đà Lạt), nhưng chính nhờ cây dâu, con tằm mà nhà tầng, phố sá đường nhựa mọc lên đông vui, đến năm 1994 lại trở thành thị xã



    Giám đốc Liên hiệp Dâu tằm tơ đóng tại Bảo Lộc, ông Nguyễn Văn từng đảm nhận chức chủ tịch của Hiệp hội Tơ lụa thế giới nên những năm đầu thập kỷ 90 Bảo Lộc từng đón đủ khách năm châu bốn biển. Nhưng rồi do giá cả thị trường thế giới, tơ Việt Nam không cạnh tranh nổi, đồi dâu hẹp dần. Ông Văn về hưu, lập công ty tư nhân, liên doanh mở nhà máy gia công vô chai rượu vang, rượu mạnh cho hãng rượu Merlot của Đức.

    Những dòng thác say lòng người

    Ở Bảo Lộc còn có thác Đam B'Ri cao 60m nằm ở phía tây thị xã. Đam B'Ri - tiếng dân tộc Mạ có nghĩa "chờ đợi" - là thắng cảnh đẹp của Tây Nguyên. Sự tích thác đơn sơ và hiền hậu: có đôi trai gái yêu nhau nhưng bất ngờ chàng ra đi không về, nàng lên đỉnh núi chờ đợi, nước mắt hai hàng chảy xuống vực lâu ngày thành ngọn thác. Khu du lịch Đam B'Ri được quy hoạch rộng tới hàng trăm hecta. Cạnh thác chính còn có hồ nước và vườn thú hoang dã. Cách đó không xa, một trảng cỏ bằng phẳng xanh tươi mới được phát hiện. Đó là nơi thơ mộng để đôi tình nhân dắt nhau lên đồi



    Ngoài các di tích thắng cảnh được công nhận, Bảo Lộc còn khá nhiều suối thác hoang vu. Vừa qua khỏi đèo Bảo Lộc là xã Đại Lào có một ngã ba vào núi hướng đông. Giữa thập niên 90, ông Lê Minh Ngọc, một tiến sĩ khoa học xã hội của Đại học Văn Lang từ Sài Gòn lên thám hiểm đã choáng ngợp trước ngọn suối bảy tầng nên đã quyết định làm đơn nhận hơn 50 ha đất bao quanh để làm trang trại, trồng cà phê và cây rừng gần ngọn thác chính.

    Vị giảng viên đại học quê miền cố đô cao hứng đến mức đưa luôn một đoàn thợ mộc từ xứ Huế vào, cất một ngôi nhà rường kiểu cung đình hoàn toàn bằng gỗ quý ở trang trại giữa rừng. Ông không kinh doanh du lịch nhưng người từ các nơi nghe tiếng cũng băng đồi vào ghé thăm ngôi nhà rường và ngọn thác.

    Những nhân vật ấn tượng

    Đất Bảo Lộc tập trung khá nhiều người rất cá tính. Ngay giữa trung tâm phố chính trên đường quốc lộ là hãng trà Trâm Anh khá nổi tiếng vì mở đầu kiểu quảng bá bằng cách trưng bày bàn ghế sạch sẽ sang trọng bên showroom để mời khách đi đường vào uống trà, cà phê miễn phí. Chủ nhân hãng trà, ông Vũ Hùng Anh quê ở một vùng chè miền Bắc, từng học đến năm thứ 4 Đại học Y khoa trước 1975



    Có lẽ vì "nghiệp trà" nên ông đã tự bỏ học về quê hương thứ hai là xứ trà Bảo Lộc phụ gia đình kinh doanh. Ông thuộc làu các nền "văn hoá trà" cũng như cách pha trà, khách quen, đặc biệt liền được ông biểu diễn pha chế. Nhà nghề nói rằng trà Bảo Lộc luôn ngọt hậu và có vị thơm vì nhà chế biến đã sắc bỏ lớp nước chát đầu tiên của lá trà trước khi sấy. Rồi tẩm vào đó hoa sói là loại hoa rất hợp với thổ nhưỡng Bảo Lộc...
    Tuyệt đối không dùng hương hoá học.

    Lão ông Nguyễn Văn Toàn tuổi ngoài 60 có nhà vườn ở phường Lộc Phát khá nổi tiếng vì sưu tập để đầy nhà nhiều "hàng độc" là đồ dùng, nhạc khí của đồng bào dân tộc. Vài ba ngày ông lại đến sống nơi các buôn làng, cùng ở trần, đóng khố uống rượu ca múa với đồng bào dân tộc ít người



    Anh Võ Hà Lâm vốn là một thợ chụp ảnh ở xứ rừng nhưng khi ngoài tuổi 40 lại nổi máu thích sưu tầm vật lạ, từ khúc cây hoá thạch đến những gốc rễ hình thù quái dị. Nghe chỗ nào có vật lạ là ông mò tới. Năm 2000, có một thợ đá vùng Biên Hoà vô tình chẻ ra viên đá in hình con cá hoá thạch. Bảo tàng tỉnh rồi Đoàn địa chất khoáng sản đều đến tranh giành để "tịch biên" vì viện cớ đây là tài sản Nhà nước.

    Người thợ đá kiên quyết không đưa, đem đá về nhà sau khi trả lời không có luật nào quy định viên đá chẻ vốn để dùng lót đường lại phải nộp cho Nhà nước. Báo chí đưa tin ì xèo, nhiều nhà sưu tập đến trả giá cao, anh vẫn không bán.



    Vậy mà cuối cùng hai mảnh đá lại vào tay anh Võ Hà Lâm từ miền Bảo Lộc xuống! Một bữa khác đi vào một buôn dân tộc ít người, Lâm tình cờ gặp viên đá tảng hình dáng con rùa lớn ba thước ngang, nặng cỡ 5 tấn. Nơi đây dân làng vẫn thường ra cúng tế mỗi khi vào mùa lễ hội.
    Vậy mà không hiểu Lâm nói thế nào mà sau một lễ tiệc, dân cả buôn đồng ý cho mang viên đá rùa về đặt tại sân nhà anh là một quán cà phê ở thị xã Bảo Lộc!

    "Mô Phật, mọi việc ở trần gian đều do nhân quả!". Cô ái nữ của hãng trà Đỗ Hữu có pháp danh là Phương Nghiêm thường nói với mọi người như vậy khi có vị tò mò hỏi về những sự việc khó giải thích trên đời. Phát tâm xuất gia lúc ngoài 30, nay ni cô đã qua hơn 10 năm kinh kệ. Tiếp chúng tôi là khách thân từ Sài Gòn lên, khi cao hứng, ni cô vẫn có thể hát lại những bài tình ca nổi tiếng một thời. Tịnh xá của ni cô ở ngay vòng cua đầu thuộc xã Đam B'Ri, trên đường vào thác



    Ni cô Phương Nghiêm giới thiệu nhiều căn biệt thự ẩn mình dưới vườn sầu riêng ven trung tâm thị xã. Nhiều Việt kiều ở châu Âu, châu Mỹ và một số văn nghệ sĩ từ Sài Gòn đã lặng lẽ về đây mua vườn, lập nhà và bố trí người thân ở trông vườn giúp. Vài ba tuần, vài tháng chủ nhân lại xuất hiện, như một cách tĩnh dưỡng.

    Chắc không lâu nữa, đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt sẽ hình thành. Đường không qua đèo Bảo Lộc hiện tại mà qua hướng huyện Đạ Tẻh lên, chạy theo hướng phía tây trung tâm thị xã hiện nay. Đường rút ngắn nhiều thời gian và người muốn có thể sớm đẫm mình trong sương khói phù vân.

    (theo blog dulich)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

Đôi Mắt Rồng Cao Nguyên Đá_Hà Giang..
Trang 1 của 3 123 CuốiCuối

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68