View Full Version : Quân Sĩ trong cờ Úp
chezz
06-02-2019, 09:19 AM
Các bạn thân mến, tôi đã và đang bỏ khá nhiều công sức để viết một quyển sách về cờ Úp (Cờ Úp Cơ Bản) dành cho những người thích môn cờ này. Sách có mục đích chia xẻ kiến thức và nâng cao nhận thức chung. Tôi đã viết được khoảng 80 - 90% và hi vọng sẽ hoàn thành trong vài tháng tới.
Theo truyền thống từ xưa, năm mới ngày xuân là lúc để khai bút tôi xin chia xẻ với các bạn phần tôi viết về quân Sĩ, một quân có lẽ là tượng trưng cho đa số kẻ sĩ chúng ta. Sĩ là một trong những quân "nhỏ nhặt" nhất của cờ Úp. Thậm chí nó hay được gán cho cái hỗn danh "quân rác", là thứ mà nhiều kỳ thủ không chờ, không mong nhận và cũng sẵn lòng tống khứ đi nhất. Tuy vậy dù cùng tên, cùng ký hiệu thì Sĩ lại là một trong những quân rất khác lạ giữa hai loại cờ (cờ Tướng và cờ Úp), và cũng là một trong những thứ làm nên sức mạnh ngầm của cờ Úp. Nó còn ẩn chứa nhiều bí mật và cả những điều thú vị. Chỉ đến khi bạn nắm vững được các đặc điểm, tính năng của quân Sĩ, biết kính trọng kẻ sĩ, chơi nhuần nhuyễn, dùng Sĩ đúng lúc đúng chỗ (và cùng nhiều điều khác nữa) bạn mới thực sự là người làm chủ thứ cờ thú vị này.
Mục về Sĩ thuộc Phần 3 Trung cuộc của sách. Nó dài nên tôi sẽ post lần lượt góp vui trong những ngày xuân.
Cảm ơn trước các bạn đã vào đọc và cảm ơn thêm lần nữa mọi góp ý!
Người viết: Phạm Hồng Nguyên, xuân 2019
-------
Sĩ
Nếu trong cờ Tướng Sĩ chỉ được đi giới hạn tổng cộng 5 điểm trong Cung thì trong cờ Úp, Sĩ được cởi trói hoàn toàn, đến được mọi vùng, vượt sông sang tấn công đối phương. Tuy vậy do cách đi chéo một quân Sĩ không thể đến được mọi điểm trên bàn cờ mà chỉ được tổng cộng 45 điểm, chiếm một nửa số điểm trên bàn cờ.
Sĩ tiến từng bước giống Tốt. Nếu đi thẳng (Sĩ phải bước dích dắc) chúng cùng tốc độ, từ hàng đầu tiên đến hàng cuối cùng đều cần 9 nước. Nước đi của Sĩ thực chất là đi chéo, bằng hai nước Tốt bao gồm một nước tiến và một nước đi ngang. Do vậy nếu đường đi không thẳng thì Sĩ đến đích nhanh hơn. Ví dụ quân Sĩ ở góc xa nhất chỉ cần 7 nước là đã đến được đỉnh Cung đối phương, trong khi đó quân Tốt cần tới 10 nước. Một quân Sĩ dù ở bên nào cũng có thể kiểm soát tới 4 điểm (nếu không đứng ở biên), trong khi Tốt chỉ 1 điểm khi còn ở sân nhà và 3 điểm khi ở sân đối phương. Đòn tấn công chĩa đôi hoặc bảo vệ đôi hay xẩy ra (hiếm hơn là 3 hoặc 4). Sĩ có thể tiến rồi rút về công thủ toàn vẹn trong khi Tốt không thể đi lùi. Sĩ có thể tấn công tất cả các quân khác mà đối phương không thể phản đòn ngay được. Trong khi đó Tốt có thể bị Xe, Pháo bắt lại ngay nếu ra mặt tấn công. Nhưng cũng vì vậy nếu giao cho Sĩ bảo vệ quân khác thì nó lại khó yên ổn núp sau quân đó tránh đòn truy sát như Tốt. Nếu tính về tốc độ và số điểm tấn công Sĩ phải được coi mạnh hơn hẳn Tốt, đặc biệt nếu so với Tốt còn ở đất nhà. Tuy nhiên do tổng điểm kiểm soát ít hơn và không kiểm soát được mọi điểm đất địch khi tấn công nên nó thường được coi ngang bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn Tốt (đã sang sông) chút ít.
Ván 3.5:
Ván dưới đây Nguyễn Hoàng Lâm (Việt Nam) tiên, đấu Vương Lương Đạt (Trung Quốc) - Giải cờ Úp Việt Trung ngày 8/6/2018:
1. B1.1=s B1.1=b 2. B7.1=b B7.1=b
3. B5.1=b B9.1=s 4. M8.7=p S4.5=x
5. M2.3=b X5-4 6. T7.5=x M8.7=m
7. S4.5=t M2.3=s 8. B5.1 T7.5=p
9. X5.2 S3.4 10. P7-5 B5.1=b
11. X5-6 P2.3=b 12. P5.5 P8-5=b
13. P2.5=t S6.5=p 14. X6.1 S9.8
15. T3.5=x T3.1=t (hình)
https://i.imgur.com/xwq8WaG.png
Đến đây Trắng (Nguyễn Hoàng Lâm) may mắn ra được hai Xe, có thể uy hiếp mạnh Tướng đen. Nhưng Đen cũng có một Xe và Pháo Mã, có thêm hai Sĩ, một Tượng và đã mở được toàn bộ Tốt. Sĩ đen cột 4 được Xe bảo vệ chặt. Đến lượt, nó lại bảo vệ hai Tốt và đề phòng Tốt trắng vượt sông. Cụm Sĩ Tốt đã hình thành lớp phòng ngự tuy toàn quân yếu, rẻ nhưng lại rất rắn chắc, chiếm được các lộ ngang dọc quan trọng, cản đường xuống của Xe và cũng cản trở Xe xuống tấn công theo chiều ngang.
16. X5-4 P5-9 17. X4.5 P9.8 18. X4-3 B2-3 19. P8.5=b B3.1=t
Đến đây Sĩ cột 4 đã gồng mình bảo vệ những 3 quân, lại ngăn được Tốt trắng cột 2 áp vào gần. Nhờ thế đứng liên hoàn với Xe đen nhóm này đủ sức chống đỡ được cặp Xe và mọi mưu toan phá vỡ cụm phòng ngự. May mắn nữa cho Đen là Trắng không có quân nhỏ nào có thể trợ giúp Xe phá cụm Sĩ Tốt. Sĩ (cột 1) và Tượng (cột 2) gần đó đều lệch, không thể tấn công được quân nào của cụm. Tượng 5 ở tâm Cung bị Tốt và Sĩ đen đe doạ không cho lên hỗ trợ.
Hiện tại một Xe trắng đã bị kẹt cứng trong cái túi phòng ngự do cụm Sĩ tạo ra. Xe kia cũng bị giảm tầm hoạt động và không liên kết được với các quân khác.
20. B3.1=b X1-3=m
Đen lật thêm một úp. Do không mất úp nào nên quân úp (Xe giả) còn lại nhất định là Xe. Đến đây Đen đã nắm được đủ lực để phản tiên.
21. B8-9 P9-7!
Nước hay, Đen vào Pháo để đề phòng, ngăn Xe trắng đánh thông lộ.
22. T5.3 S8.7 23. B3.1 B7.1 24. B9.1=p B1.1 25. X9.4=m T3/1 26. M9.8 M3.2
27. S6.5=s B7-8 28. X3-4 B8-9 29. M8/7 T1.3 30. X6/3 B9-8
Trắng thất bại trong việc phá cái túi phòng ngự (giờ là Sĩ Tốt Tượng) nên đành rút Xe về tìm đường khác.
31. X6-8 M2/3 32. X8.7 X4/1 33. X8/1 M3.4 34. X8-9 X4-2
35. X4.1 M4/3 36. X9-7 P7/2 37. X7-8 X2.1 38. X4-8 X9.9=x
Trắng buộc đổi Xe nên khả năng tấn công giảm sút không còn gây nguy hiểm nữa. Đen tung quân Xe còn lại tấn công.
39. S5/4 P7.2 40. S4.5 P7-8 41. T2/4 B8-7 42. M7.9 P8/6
43. S5/4 P8-5 44. Tg5-6 X9-6 45. Tg6.1 X6/1 46. Tg6/1 X6/4
47. X8-6
Trắng cuối cùng cũng phá được cái túi, bắt được Sĩ - ngôi sao của túi phòng ngự, nguyên nhân chính chế ngự thành công sức công phá của cặp Xe. Tuy vậy nỗ lực này đã quá muộn. Với binh lực rải rác xung quanh Đen đủ sức bẻ gẫy mọi cố gắng tấn công cuối cùng của Trắng.
47. … B5.1 48. X6/2 B5.1 0-1
Trắng không thể ngăn cản được Tốt tấn công nên nhận thua. Nguyễn Hoàng Lâm đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để cuối cùng thắng chung cuộc đối thủ này!
(còn nữa)
clbcoq2
06-02-2019, 11:21 AM
Chúc chú một năm mới an khang. Không biết chú có dự định viết phần mềm lưu trữ các ván cờ úp không? Cờ úp chơi dễ bị nghiền hơn cờ sáng, cờ vua. Cờ úp hay nhờ Sĩ tượng qua sông được; kèm theo việc mở úp ra cây đầy bất ngờ khiến vấn đề công thủ trở nên đa dạng, khó nắm bắt. Ai thích chơi xổ số thì dễ mê cờ úp.
chezz
07-02-2019, 08:43 AM
Chúc chú một năm mới an khang.
Thanks :D
Không biết chú có dự định viết phần mềm lưu trữ các ván cờ úp không?
Không rõ ý bạn lắm. Phần mềm để người chơi tự nhập và lưu ván cờ úp hay phần mềm để xem các ván cờ úp (do một người khác sưu tầm) - kiểu Cơ sở dữ liệu ván cờ?
Tôi dự định nâng cấp chương trình XB (Xiangqi browser) phiên bản cho máy iOS và Android, để xem các ván cờ úp, trước mắt là các ván cờ sưu tầm từ CXQ.
Cờ úp chơi dễ bị nghiền hơn cờ sáng, cờ vua. Cờ úp hay nhờ Sĩ tượng qua sông được; kèm theo việc mở úp ra cây đầy bất ngờ khiến vấn đề công thủ trở nên đa dạng, khó nắm bắt. Ai thích chơi xổ số thì dễ mê cờ úp.
Tôi không thích chơi xổ số, nhưng vẫn thích cờ Úp ;)
chezz
07-02-2019, 08:50 AM
(tiếp)
Phòng thủ và tấn công
Sĩ có chức năng nguyên thủy bảo vệ Tướng. Việc đi bước một và đi chéo đảm bảo Sĩ có thể “quấn quít” che đỡ mà không quá vướng chân Tướng. Sĩ có thể nhanh nhẹn xoay vòng quanh Tướng che chắn các hướng. Sang đến cờ Úp Sĩ còn mạnh và nhanh nhẹn hơn vì có thể bao trùm cả vùng xung quanh kể cả các điểm ngoài Cung (nên ít bị hạn chế). Do đó nếu cờ đang bị uy hiếp mà có Sĩ nên điều nó về bảo vệ, đặc biệt nếu đó là Sĩ (soi) tâm nhà (đến được tâm Cung nhà) vì Sĩ về đúng vai trò và vị trí truyền thống, Tướng có thể bảo vệ ngược lại Sĩ mà không cần ra khỏi chỗ. Có Sĩ này Tướng mới yên ổn nằm yên một chỗ.
Trong thực tế các kỳ thủ ít khi dùng Sĩ hộ vệ Tướng. Một phần quân Sĩ đã được cởi trói nên có thể tham gia phòng thủ từ xa thay cho tầm gần. Một phần do Sĩ có thể được lật thành ở ngoài Cung, phải nhiều nước mới điều về được. Một phần loại Sĩ tốt nhất để hộ vệ là Sĩ tâm nhà lại ít khi xuất hiện (bàn ở phần sau). Một lý do nữa là ít khi gặp hai Sĩ và hai Sĩ có thể bảo vệ nhau để cùng bảo vệ Tướng. Chỉ một Sĩ thôi cũng giống như Sĩ khuyết trong cờ Tướng, hiệu quả bảo vệ giảm rõ rệt (có vài thành ngữ cho thấy Sĩ đơn rất khó chống đỡ, phải “sợ” các quân khác như “Khuyết Sĩ kỵ Mã”, “Khuyết Sĩ kỵ song Xa”, “Khuyết Sĩ kỵ song Pháo”, “Khuyết Sĩ kỵ Tốt đâm thọc”...).
Một nhiệm vụ truyền thống khác của Sĩ là cản Mã, giờ Sĩ có phần đắc lực hơn do có thể cản ở bất cứ đâu, kể cả Mã tấn công lẫn phòng thủ. Tuy vậy cần lưu ý Mã phi nhanh gấp đôi Sĩ nên có thể dễ dàng vượt thoát khi cần.
Sĩ cờ Úp khác với Sĩ cờ Tướng ở chỗ nó còn tham gia tấn công. Khi vừa vượt sông Sĩ có thể tham gia ngay một nhiệm vụ quan trọng: diệt Tốt giả lẫn Tốt thật (để cứu Tốt giả của ta). Sĩ có thể dùng để đánh Tốt biên (cả giả lẫn thật) vốn rất khó diệt do nó được quân Xe giả bảo vệ (xem thêm phần trước). Do giá trị được định thấp, Sĩ có thể tham gia những đòn “cảm tử” như thế này mà không sợ bị thiệt chất.
Cũng giống Mã và Tượng nước đi của Sĩ chéo nên khó nhìn ra hơn, đặc biệt khi đòn đánh len lỏi qua các quân dầy đặc. Không ít kỳ thủ đã mất quân vì vô ý đi vào mồm Sĩ. Sĩ không lắt léo, biến hoá và khó đoán như Mã (vì số nước đi chỉ 4, bằng nửa Mã) nhưng cũng đủ đau đầu các kỳ thủ. Sĩ không thể bị cản như Mã, Tượng nên số lựa chọn chống đỡ ít hơn khi Sĩ vào công. Tuy vậy do tầm đánh quá gần nên các đối thủ thường cảnh giác khi Sĩ mon men và cố gắng khống chế, đẩy chúng ra xa. Trung cuộc Sĩ có thể lên tấn công Tướng đối phương từ rất sớm trong khi Tốt gần như không thể (do còn nhiều quân mạnh đối phương và đặc biệt nhiều Tốt trên trung lộ cản trở - bàn kỹ hơn ở mục sau). Sĩ kết hợp các quân khác tấn công cũng nguy hiểm không kém gì các kết hợp của bộ Xe Pháo Mã. Trong nhiều trường hợp Sĩ tỏ ra lợi thế hơn Mã do không bị cản và việc xoay vòng (ngoặt) tấn công nhanh hơn.
Một Sĩ chỉ kiểm soát 4 hoặc 5 điểm trên Cung đối phương do vậy Tướng có thể yên ổn nằm ở những điểm mà Sĩ không với tới. Nhưng thế cũng đủ để Sĩ khoá cứng Tướng tạo điều kiện cho quân khác tấn công hoặc làm bên đó khốn đốn do hết nước đi. Sĩ cũng có thể đánh thẳng vào vị trí Tướng gốc, đẩy bật nó ra tạo cơ hội cho các quân khác tấn công. Đôi khi người ta đặt quân Sĩ tâm địch (đánh được vào tâm Cung địch) rình rập ngay trên đỉnh Cung để khoá đường chạy quan trọng nhất của Tướng và ngăn cản lên Sĩ giả - nếu đối phương lên Sĩ lật thành quân cao là “chén” ngay.
Đến cờ tàn Sĩ có nhiều điểm giống với Mã: một Sĩ thắng Tướng đối phương trơ trụi và hoà khi đối phương còn quân khác. Một Tốt có thể phải hoà với Tướng đối phương (khi thành Tốt lụt) chứ một Sĩ luôn thắng và nếu kết hợp với các quân khác thường có nhiều cơ hội thắng hơn hẳn là Tốt kết hợp với quân đó. Sĩ dễ dàng truy đuổi, dồn ép hoặc khoá chết Tốt trong khi Tốt lại rất ít khi làm được điều đó với Sĩ (chúng tôi có trình bầy cả hai trường hợp trong phần cờ tàn). Trong nhiều ván cờ tàn do “chân ngắn” nên đôi khi bị Tướng đối phương dùng phép lộ mặt không cho Sĩ chuyển cánh dễ dàng. Khi đó có thể phải rất mất công đưa Sĩ vòng về luồn sau lưng Tướng của nó để chuyển sang cánh bên kia.
(còn nữa)
sapa2015
07-02-2019, 03:28 PM
Hay quá anh.
Năm mới chúc anh mạnh khỏe.
Không biết anh có phân tích Sỹ chúa không?
chezz
08-02-2019, 03:13 PM
Hay quá anh.
Năm mới chúc anh mạnh khỏe.
Xin cảm ơn!
Không biết anh có phân tích Sỹ chúa không?
Tôi phải Google. Có phải đó là một biến của cờ Úp không? Không thấy ở đâu nói về luật chơi cả.
chezz
08-02-2019, 03:18 PM
(tiếp)
Đặt tên cho Sĩ
Tính về điểm kiểm soát Sĩ rất giống quân Tượng (Bishop) của cờ Vua, chỉ kiểm soát được các điểm theo đường chéo và chỉ một nửa số điểm bàn cờ. Cũng giống cờ Vua với hai Tượng khác nhau thì thực chất cũng có hai loại Sĩ khác nhau trong cờ Úp. Nếu trong bàn cờ Vua các ô được sơn hai mầu trắng đen so le nên rất dễ gọi tên quân Tượng theo mầu (Tượng trắng và Tượng đen) thì bàn cờ Úp lại không có mầu giống như vậy. Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm nhưng cho đến nay không thấy có cách nào đặt tên đơn giản và xác định (tên) nhanh chóng. Nhưng trong nhiều trường hợp đặc biệt là cờ tàn lại cần phải biết đó là Sĩ nào vì chúng quyết định tới thắng thua. Chúng tôi đề nghị đặt tên các quân Sĩ này là “chẵn” và “lẻ”, tuỳ thuộc theo tổng của dòng và cột trong hình dưới là chẵn hay lẻ. Các dòng và cột của bàn cờ được đánh số “lai" giữa kiểu truyền thống và kiểu đại số. Quân Sĩ trong hình 3.2 là quân Sĩ chẵn (do nó ở cột 7 dòng 3 và 7 + 3 = 10 là một số chẵn). Nếu nhớ được các điểm xanh hình 3.2 là bạn biết được Sĩ chẵn. Bạn cũng thể đi vài nước nhẩm trong đầu xem một quân Sĩ có thể đi qua được tâm Cung của bên Trắng không, nếu được thì đó là Sĩ chẵn, không là Sĩ lẻ. Lưu ý bàn cờ đối xứng trên dưới và Sĩ chẵn lẻ cũng đối xứng nên nếu xét theo bên ta cần đổi ngược lại: những gì Sĩ trắng chẵn làm được cho Trắng thì Sĩ đen lẻ làm được tương tự cho Đen.
https://i.imgur.com/xXdo8vO.png?1
Hình 3.2 Sĩ (chẵn) và các điểm khống chế
Xác suất xuất hiện
Nhìn hình 3.2 ta có thể nhận xét cho bên Trắng: nếu đẩy bất cứ Tốt giả nào mà lật thành Sĩ cũng là Sĩ lẻ. Tương tự các nước tiến Mã, Tượng giả đều chuyển thành Sĩ lẻ. Ngược lại, Sĩ giả luôn lật thành Sĩ chẵn. Còn Xe giả và Pháo giả lại tuỳ theo bước chân mà lúc thành Sĩ chẵn lúc thành Sĩ lẻ, ta tạm coi cơ hội là như nhau, mỗi thứ một quân góp vui. Như vậy cơ hội tạo thành Sĩ chẵn từ 2 Sĩ giả, 1 Xe giả và 1 Pháo giả là (2+1+1)/15 = 4/15 = 0.27. Sĩ lẻ là phần còn lại, 11/15 = 0.73, nhiều gần gấp 3 lần Sĩ chẵn. Số liệu thống kê từ CSDL các ván cờ của chúng tôi cũng khẳng định tỷ lệ này. Do vậy cứ nhìn thấy quân Sĩ Trắng bạn có thể nhanh chóng giả định nó là Sĩ lẻ (rồi xem xét kỹ hơn sau) do xác suất xuất hiện lớn hơn khá nhiều. Sĩ lẻ là Sĩ soi tâm Đen, nó không thể chiếu lôi cổ Tướng đối phương ra nhưng có thể rình rập trên Cung đối phương khoá Tướng rình Sĩ. Sĩ chẵn lại hiếm hơn cho Trắng, nó là Sĩ soi tâm nhà, nếu về bảo vệ Tướng nhà thì rất an tâm. Một lần nữa lưu ý với bên Đen mọi sự ngược lại: Sĩ chẵn là phổ biến nhất và đòn tấn công khoá tâm bên Trắng là nhiều hơn các đòn Sĩ khác.
(còn tiếp)
evolnuk
08-02-2019, 07:19 PM
Khi đã đạt tới trình độ khá thì sẽ biết uy lực của sĩ và tượng trong cờ úp.
Do k có sách và sw cũng chưa đánh giá chính xác trong phần khai cuộc nên chưa biết được có nên bỏ sĩ lấy tiên hay không.
Ví dụ khi mở tốt = sĩ. Đối phương đấm binh đối đầu là tốt đuôi sĩ. Bỏ hay k bỏ?
Tương tự khi mở tốt = sĩ, đối phương mở tốt liền kề là mã bắt sĩ luôn. Bỏ hay k bỏ?
Thứ 3, khi mở tốt biên là sĩ và bị đấm binh trực diện là tốt đuôi sĩ. Có nên phóng sĩ mời đổi pháo giá (đã có pháo gánh) hay k?
chezz
09-02-2019, 05:46 PM
Khi đã đạt tới trình độ khá thì sẽ biết uy lực của sĩ và tượng trong cờ úp.
Do k có sách và sw cũng chưa đánh giá chính xác trong phần khai cuộc nên chưa biết được có nên bỏ sĩ lấy tiên hay không.
Vấn đề khó khăn(cân nhắc bỏ hay không bỏ) muôn thủa. Tuy vậy Sĩ Tượng Tốt vẫn là nhóm quân dễ bỏ nhất để tranh tiên. Nhức đầu hơn là nhóm sĩ quan (Xe Pháo Mã). Quan sát các trận đấu đỉnh cao tôi thấy người ta rất sẵn sàng bỏ nhóm quân "rác" này lấy tiên. Tuy vậy họ cũng rất "ky", nếu không được tiên thì cũng rất giữ gìn quân.
Ví dụ khi mở tốt = sĩ. Đối phương đấm binh đối đầu là tốt đuôi sĩ. Bỏ hay k bỏ?
Tương tự khi mở tốt = sĩ, đối phương mở tốt liền kề là mã bắt sĩ luôn. Bỏ hay k bỏ?
Mấy lựa chọn này đúng là 50/50, tuỳ theo từng thế cờ cụ thể. Ví dụ nếu việc đó xẩy ra chỉ 1, 2 nước đầu đa số sẽ cứu Sĩ bằng cách tấn Sĩ lên doạ ăn một Tốt úp và vẫn giữ tiên. Một số khác bỏ Sĩ tấn Tốt giả với hi vong mở được quân mạnh hoặc cấm được một úp.
Thứ 3, khi mở tốt biên là sĩ và bị đấm binh trực diện là tốt đuôi sĩ. Có nên phóng sĩ mời đổi pháo giá (đã có pháo gánh) hay k?
Tôi thấy trường hợp này đa số bỏ Sĩ, vì nếu nếu đổi Pháo giả đối phương mất một Pháo giả thì bên Sĩ mất cả hai (một đổi, một di chuyển).
chezz
09-02-2019, 06:33 PM
(tiếp)
Sĩ giả
Khả năng tấn công của Sĩ giả rất hạn chế vì nó chỉ có một điểm duy nhất tới tâm Cung, nơi đối phương ít khi dám bén mảng tới. Khả năng bảo vệ cũng rất hạn chế. Trước hết việc che sườn cho Tướng ít khi được giao phó hoàn toàn cho Sĩ giả mà được giao cho cặp Xe giả (xin xem giải thích và minh họa ở phần trước).
Trong cờ Tướng việc lên Sĩ là hành động tăng cường bảo vệ do Sĩ lúc đó có thể che mặt cho Tướng, tăng điểm khống chế từ 1 lên 4, lại liên kết với quân Sĩ còn lại để tăng cường bảo vệ bản thân, phòng hờ khả năng lên tiếp hàng trên che chở và ngăn Mã vào gần (“một Sĩ chỏi ra góc, cóc sợ Mã tấn công”). Mặc dù chắn trước mặt nhưng khi cần chỉ một nước đi là Sĩ có thể “nghiêng người” nhường đường chạy cho Tướng.
Ngược lại Sĩ giả lại là điểm yếu nhất và nguy hiểm nhất trên Cung nên dễ bị đối phương tập trung quân đánh vào đó do không có Sĩ ở tâm liên kết bảo vệ. Việc lên Sĩ cũng vô cùng rủi ro. Khi lên Sĩ giả nó có thể lật thành một quân bất kỳ án ngữ ngay mặt Tướng, khoá đường chạy trốn ngắn nhất. Nếu quân đó không phải là Tốt thì người chơi cần thêm một nước để di dời nó ra khỏi tâm Cung. Nhưng nếu đó là Tốt (khả năng cao hơn các quân khác) thì nó có thể còn bị chặn phía trên và phải di dời quân chặn đó trước. Tức là phải mất tới hai thậm chí ba nước mới giải tỏa được quân Tốt giữa Cung, trong lúc bị tấn công dồn dập thì là điều không thể. Khi đó nếu đối phương thúc quân lao vào chiếu thì Tướng không còn đường chạy. Do vậy người chơi phải rất cẩn trọng khi lên Sĩ, chỉ lên khi đối phương không thể đe dọa trong vài nước tới. Còn không thì đừng đi để dành đường cho Tướng chạy. Một lần nữa xin nhắc lại phải cố giữ cho hai con Xe giả nhìn được Cung, phòng hờ nguy hiểm do lên Sĩ. Nếu trong cờ Tướng có thể lên Sĩ như “nước đến chân mới nhẩy” thì trong cờ Úp nước lên Sĩ phải tính trước nhiều nước với nhiều phòng bị. Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này lần nữa ở phần sau.
Một trong các phương án an toàn là tránh lên Sĩ làm Tướng hết nước chạy hoặc lên thật muộn. Tuy vậy nhược điểm của cách làm này là Tướng khó trốn chạy sang cánh. Ta cũng không thể “nhịn” lên Sĩ hoàn toàn được vì Sĩ giả có tới hai và nhiều khi chúng có thể ẩn chứa những quân cờ mạnh.
Nếu đang bị đối phương tấn công trực diện nên lên Tượng giả trước, Sĩ giả sau (có giải thích kỹ ở phần Khai cuộc).
(còn nữa)
evolnuk
09-02-2019, 08:02 PM
Con sĩ trong cờ úp mạnh gần bằng 1 mã. Nó công không mạnh và k nhanh nhưng k thể cản nó trừ khi sĩ trùng chân. Những đòn phối hợp xe pháo mã có thể thực hiện tương tự với xe pháo sĩ.
Khi kết hợp với pháo trung lộ bắn rất uy lực. Nếu đối thủ mỏng trung lộ thì cặp pháo sĩ liên kết mạnh k kém gì 1 xe.
Đặc biệt con sĩ trong cờ úp có khả năng phòng thủ khủng khiếp nếu liên kết được cặp sĩ giằng ở trung tâm. Thường mọi người sẵn sàng phế pháo hoặc mã để hủy cặp sĩ khi có đòn đánh hoặc đã ăn được hàng úp.
chezz
11-02-2019, 05:23 PM
(tiếp)
Sĩ đôi
Mỗi một Sĩ chỉ kiểm soát được một nửa số điểm trên bàn cờ. Do vậy khi có hai Sĩ sẽ xẩy ra hai trường hợp: chúng có điểm kiểm soát giống nhau (ta gọi là cặp Sĩ trùng) và khác nhau (ta gọi là cặp Sĩ lệch hoặc vênh).
Điểm mạnh của cặp Sĩ trùng (có thể cùng Sĩ lẻ hoặc cùng Sĩ chẵn) là chúng có thể bảo vệ được nhau (khi đó gọi là Sĩ gánh hay Sĩ giằng), cùng tiến cùng lùi an toàn dù đối phương đứng dầy đặc xung quanh. Người ta hay dùng cặp Sĩ trùng để ngăn chặn một hướng tấn công, khá hiệu quả để chống lại bộ ba Xe Pháo Mã. Nếu chúng lên tấn công sẽ phải cần lực lượng đáng kể để ngăn chặn hay hạ được chúng. Đôi khi cặp Sĩ trùng có thể dìu dắt nhau an toàn, đánh tới tận Cung đối phương mà không cần các quân khác giúp sức. Cờ tàn cặp Sĩ trùng có thể thủ hoà một Xe. Nhược điểm là chúng “chấp” một nửa bàn cờ vì cả hai vẫn chỉ kiểm soát được có một nửa số điểm, giống như một quân.
Cặp Sĩ lệch (một là Sĩ lẻ, quân kia là Sĩ chẵn) lại có thể quét kín bàn cờ. Lúc này Tướng đối phương chẳng còn chỗ nấp nào yên ổn. Cờ tàn nếu Tốt đối phương không kịp liên kết có thể bị cặp Sĩ này dễ dàng quét sạch. Nhược điểm là cặp Sĩ lệch không thể bảo vệ lẫn nhau. Đối phương có thể truy bắt từng quân Sĩ mà quân kia dù có luẩn quẩn ngay cạnh cũng đành trơ mắt nhìn, không thể bảo vệ người anh em song sinh.
Từ phần trước ta thấy với bên Trắng cơ hội lật ra Sĩ lẻ là 11/15 gấp 3 lần Sĩ chẵn. Do vậy cơ hội có cặp Sĩ trùng đều là Sĩ lẻ là 11/15 x 11/15 = 121/225 = 0.54 lớn nhất, ra cặp lệch chẵn lẻ là 2 x 4/15 x 11/15 = 88/225 = 0.39 (thực chất là hai cặp chẵn-lẻ và lẻ-chẵn) và cặp Sĩ trùng cùng chẵn là 4/14 x 4/15 = 16/225 = 0.07 hiếm gặp nhất (chỉ bằng 1/8 cặp trùng lẻ). CSDL các ván cờ của chúng tôi cũng khẳng định tỷ lệ này. Như vậy nếu thấy một cặp Sĩ trắng thì bạn có thể giả định nhanh chúng là cặp Sĩ trùng lẻ (hậu phải xét kỹ hơn) vì xác suất là lớn nhất và bạn cần luyện thêm các bài dùng Sĩ trùng để thủ thế và tấn công xuyên tâm đối phương. Hai Sĩ chẵn về bảo vệ Cung là hoàn hảo do chúng rất giống cặp Sĩ trong cờ Tướng. Tuy vậy xác suất hình thành lại khá nhỏ (0.07) nên ít cơ hội có chúng. Một lần nữa xin nhắc lại là Đen sẽ gặp ngược lại: cặp Sĩ thường gặp là cặp Sĩ trùng chẵn.
Ván 3.6
Ván cờ dưới của các đấu thủ hạng khá online.
https://i.imgur.com/LU1APFQ.png
Đến đây hai bên đã lật được hầu hết quân chủ lực. Trắng đưa được Xe và Sĩ vào gần Tướng đối phương và Pháo Sĩ đe doạ một bên cánh. Bên Đen mặc dù không còn quân nào trong Cung bảo vệ cho Tướng nhưng quân xung quanh lại nhiều và rất mạnh, bao gồm hai Xe bảo vệ nhau, có thể đòi đổi Xe Trắng để giảm áp lực. Hai Mã đen cũng cạnh nhau, cản trở Mã trắng tấn công và bảo vệ một phần Cung, Pháo đen quét đường áp đáy. Ngoài ra hai Xe giả vẫn còn tồn tại bảo vệ hai cánh và Tượng giả bảo vệ được đỉnh Cung.
Trắng cần đưa thêm lực lượng vào cận chiến mới bẻ gẫy được hàng phòng ngự mạnh và dầy đặc của Đen. Trắng chọn đưa thêm Sĩ.
24. P6.1! X8.4
Việc đầu tiên Trắng tìm cách chia tách đôi Xe đen, đề phòng nước đổi Xe và cản luôn một Mã cột 3.
25. S5.4 B5.1 26. S4.5 X7/1
Tiến Sĩ để doạ Xe và nhân tiện khi Xe lúng túng chạy vòng quanh đối phó, Trắng tranh thủ đưa quân Sĩ này áp sát Cung. Giờ Trắng đã có đôi Sĩ lệnh sẵn sàng tấn công, đủ sức quét mọi điểm Cung. Chúng lại được Pháo và Xe hỗ trợ đằng sau nên không còn sợ hãi gì.
27. S3.4 Tg5-6 28. S5.6 M3/4 29. S6.5 P2-5
30. S4/5 P5-6 31. X4.1 Tg6-5 32. S5.6 1-0
Các nước tiếp theo đôi Sĩ liên tục “múa”, dồn ép trong Cung Tướng đối phương và cuối cùng phối hợp với Xe chiếu hết.
Nhìn chung Sĩ có sức mạnh vượt một quân Tốt đã sang sông nhưng còn kém Mã. Sĩ đóng vai trò phòng thủ và tấn công đều hiệu quả. Về tâm lý nó tương tự như Tốt: bị coi thường rẻ rúng nhưng rồi có thể tỏa sáng gây bất ngờ cho mọi bên. Nó làm nên sức mạnh ngầm trong cờ Úp và thường đóng vai trò lớp quân dự trữ nhằm xoay chuyển tình thế.
(Hết phần Sĩ)
chezz
11-02-2019, 05:28 PM
Sắp tới tôi sẽ post bài cũng về Sĩ trong cờ tàn (cờ tàn có Sĩ). Mời các bạn đón xem :)
Powered by vBulletin® Version 4.2.1 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.