PDA

View Full Version : Vé đê ,vé đê



Lâm Đệ
27-06-2012, 05:08 AM
Chữ chúng ta thường nghe là “cò vé”. Sang bên Đông Âu thấy bà con Việt Nam không sử dụng chữ này, họ có hẳn một từ riêng là “phe vé”.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/euro-day-17-nk-06262012123845.html/033_RIA12-1152784_3000-2-305.jpg

Một fan hâm mộ đang tìm một tấm vé cho trận Nga - Balan hôm 12/6/2012,

“Cò” hay “phe” đều có nghĩa như nhau, được dùng để chỉ những người chuyên nghề buôn bán vé chợ đen.

Những ai có dịp đến sân vận động là thấy ngay hoạt động của phe vé. Họ có thể là một nhóm vài ba người đứng gần nhau, sẵn sàng chận đường khách để hỏi có cần vé không, cũng có thể là một người đứng đơn lẻ, trên tay cầm sẵn vài ba chiếc vé giơ thật cao để chào hàng và cho giá. Có cò sẵn sàng cho khách trả giá, nhưng cũng có cò nói thẳng giá vé như thế đồng ý mua thì mua, không có chuyện cò kè bớt một thêm hai. Cũng phải nói thêm là xen kẽ với các cò là những người dân địa phương hay du khách nước ngoài có vé dư muốn bán.

Tựu chung các cò chỉ nói tiếng Anh, may mắn lắm mới gặp một cò biết nói tiếng địa phương. Giá cả thường được tính bằng đồng Euro, nhưng khi khách trả tiền các cò sẵn sàng nhận đồng đô Mỹ, đồng hryvnia của Ukraine hay đồng zloty của Ba Lan (đồng này người Việt ở Đông Âu gọi là đồng “dzua”, tựa như đồng koruna của Cộng Hòa Czech được phe ta gọi tắt là đồng “cu”).

Tập thể này rất giỏi, môi trường hoạt động cực lớn: họ đoán biết show văn nghệ nào ăn khách, chương trình thể thao nào có nhiều người muốn đi xem, và đứng làm công tác trung gian: mua vé của người này bán lại cho người khác kiếm lời. Đương nhiên các giải thể thao cỡ lớn bao giờ cũng nằm trong tầm nhắm của họ, vì “không phải ai cũng có vé nhưng hầu như người nào cũng muốn đi xem ít nhất một lần cho biết”, theo lời “cò” Rafael đến từ Luân Đôn tại phòng tiếp tân của khách sạn Marriott nằm đối diện với nhà ga chính ở Warsaw.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/euro-day-17-nk-06262012123845.html/pheve-1-250.jpg/image

Cò Rafael gốc Trung Đông sống ở Pháp từ nhỏ, làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống “nhưng chủ yếu là đi khắp nơi bán vé chợ đen”, theo lời anh nói. “Chúng tôi là dân phe vé chuyên nghiệp, bán đủ mọi thứ vé, anh muốn gì chúng tôi cũng có thể đáp ứng theo đúng nhu cầu”, thòng thêm lời cam kết đảm bảo làm hài lòng mọi người: “khách hàng khó tính đến đâu cứ dẫn đến tụi này là nở nụ cười mãn nguyện ngay”.

Điều mọi người ngạc nhiên là trong thời gian gần đây, các cuộc thi thể thao cấp thế giới như World Cup, EURO hay Olympic đều bán vé theo thể thức khách hàng đặt mua qua internet, sau đó nhờ may rủi mà có vé đi xem, nhưng cò Rafael khoe với tôi trong túi có cả 1 xấp vé của các trận bán kết (một ở Ukraine một ở Ba Lan) và trận chung kết diễn ra tối Chủ Nhật sắp tới ở sân Kiev.

Tại sao lại có nhiều vé như vậy? Câu trả lời nghe khá dễ: “tụi này có hẳn một kế hoạch mua vé theo giá chính thức, sử dụng nhiều tên, nhiều địa chỉ khác nhau nên tỷ lệ may rủi cao hơn người thường”, cò Rafael vừa cười vừa trả lời. Nhưng đó không phải là cách kiếm cơm vì số vé mua được qua đường chính thức bao giờ cũng rất ít, “nên chúng tôi kiếm sống bằng cách mua lại của những người có vé và bán kiếm lời”.

Làm sao mua được? “Dễ lắm, tụi này quảng cáo trên internet, trên báo chí và thế nào cũng có người sẵn sàng bán vì chẳng phải ai có vé cũng muốn đi xem hay có cơ hội đi xem tận nơi, do đó họ sẵn sàng bán vé của họ lại cho chúng tôi”. Giá cả như thế nào? “Tùy, khó nói lắm” cò Rafael trả lời. “Tùy theo trận banh, tùy địa điểm, tùy mức tiêu thụ, tùy theo mua trước hay mua sau”.

Rafael đơn cử một thí dụ: trận bán kết EURO 2012 giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Donetsk hôm thứ Tư tuần này “giá vé sẽ rẻ hơn rất nhiều” so với giá vé trận Đức gặp Italy ở Warsaw ngày hôm sau. “Dân Ukraine nghèo hơn dân Ba Lan, khán giả tin an ninh ở Warsaw chuẩn hơn an ninh ở Donetsk, khán giả thế giới chuộng Đức đá với Ý hơn là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha”.

Vẫn theo cò Rafael, giá 2 trận này khác nhau một trời một vực. “Nếu anh muốn, tôi có thể kiếm cho anh cặp vé ngồi ngay sau gôn ở Donetsk với giá chừng 100 đô một chiếc, nhưng cũng chỗ ngồi đó mà ở sân Warsaw thì chắc chắn anh phải trả gấp 4 lần”, bảo thêm “nếu Đức mà gặp Anh ở bán kết thì đảm bảo sân Warsaw sẽ cháy vé, lúc đó bèo nhất cũng phải sáu bảy trăm đô một chiếc ở chỗ ngồi xấu nhất, ngồi khu VIP thì đương nhiên phải bỏ vài ba nghìn tới chục nghìn mới có một chỗ thật ưng ý”.

“Tình trạng vé chợ đen là điều không dễ dàng giải quyết”, bà Cathy Vollbrecht của Ban Tổ Chức EURO 2012 nhìn nhận. “Chúng tôi đã tìm đủ cách để các để giải quyết nhưng vẫn chẳng thể nào chận đứng được các đường dây chuyên bán vé chợ đen”.

Bà kể lại cách đây mới 4 năm ở EURO 2008 tại Thụy Sĩ, “chính tôi gặp một anh thanh niên tóc dài, áo thun quần cụt ngồi ở khu vực dành riêng cho VIP, tức những người ăn mặc thật lịch sự đi xem đá banh”. Tức tốc ban tổ chức mở cuộc điều tra xem anh này ngồi chỗ của ai, và “biết được anh ta có chiếc vé mời dành riêng cho gia đình một viên chức cao cấp trong ban tổ chức”.

Cuôc điều tra sau đó cho thấy “cậu con trai của ông sếp đem bán cái vé lấy tiền tiêu”, người mua được chỗ ngồi thật tốt nhưng hoàn toàn không biết là phải mặc đồ vía khi vào chỗ ngồi dành riêng cho ông bà lớn.(st)