PDA

View Full Version : Thiếu nữ chơi cờ vây



dohuuthuc
05-11-2009, 05:42 PM
Có một cuốn tiểu thuyết Tầu đang rất thời thượng ở Pháp, từng đoạt giải Goncourt dành cho giới trẻ năm 2001, tên chính xác là "Thiếu nữ đánh cờ vây" (bản Việt ngữ của NXB Văn Học). Tác giả là Sơn Táp, một thiếu nữ sinh năm 1972 tại Bắc Kinh. Không hiểu sao từ xưa tới nay, phụ nữ đã mê chơi cờ thì hầu hết tuổi đời đều rất trẻ.

Có lẽ do niềm say mê kỳ lạ đó chỉ có thể nuôi dưỡng bằng sự ngây thơ lầm lạc mang nữ tính trong trắng. Khi đã lớn và đã già, phụ nữ bỗng đau đáu quay sang quan tâm vài thứ thiêng liêng khác, ví như vàng bốn số chín hay sổ đỏ nhà đất chẳng hạn.

Cuốn sách của Sơn Táp có bối cảnh Không - Thời gian cũ kỹ ở vùng Mãn Châu, tình tiết quanh co dữ dội lằng nhằng, đại loại kể về một cô bé quý tộc sa sút mười sáu tuổi vừa chơi cờ (cờ vây hay còn gọi vi kỳ, rất thịnh hành tại Nhật Bản và Trung Quốc) vừa hoang mang yêu rồi bi thảm trưởng thành làm đàn bà.

Đối thủ của cô bé là một sĩ quan tình báo Nhật Hoàng, bản tính sâu sắc rắn lạnh. Qua liên tiếp nhiều ván cờ, cả hai vô thức chập chờn yêu nhau. (Một điều rất khó xảy ra nếu đôi này chung vốn đầu tư chơi cổ phiếu chứng khoán). Bọn họ đồng một quan niệm "Tôi mê cờ vì các mê lộ của nó. Mỗi nước cờ là một bước dấn sâu vào lối xuống của tâm hồn, vô cùng khó lường trước.

Giống như biến động của cuồn cuộn tầng mây, mỗi thế cờ là một sự phản bội" (sách đã dẫn). Quan niệm này kể ra cũng khá tiêu cực, nhưng biết sao được, lúc ấy cô bé đang bải hoải rơi vào tuyệt lộ. Còn nếu cứ nhí nhảnh vô tư như đám 8X, 9X bây giờ thì chẳng có ma nào lại đi tìm đến cờ cả. Hoặc sẽ ngây ngô ngồi nhà xem truyền hình “Cô gái xấu xí” rồi “Bỗng dưng muốn khóc”, hoặc sẽ tưng tưng đi vào vũ trường mà lúc lắc vật vã.

Do vài thói quen văn hoá, các thiếu nữ ở ta không có nhiều người ham mê chơi cờ. Nhưng cũng giống như việc uống rượu, người nào đã ham thì thăng hoa thành luôn cao thủ. Hồi Hà Nội bao cấp, ở đầu phố Phùng Hưng rẽ sang Hàng Bông có một nữ kỳ thủ độc thân mắt xếch chừng 27-28 tuổi tên Loan, xuất thân phe tem phiếu ở chợ Hàng Da, lừng danh vỉa hè với chiêu khai cuộc Pháo đầu Mã đội.

Đây là một thế cờ thiên về công, rất hợp với đàn bà vừa lắm mồm vừa hấp tấp. Và không may gặp phải đối thủ điềm đạm chơi Bình phong Mã, thì khi lui về thường vỡ trận. Cờ độ rong dạo khó khăn ấy giải không quá to, quy ra thóc ước khoảng chục bát phở bò, nhưng liên miên thua thì cũng đại thảm họa.

Loan cô nương chơi ăn gian cực kỳ, nạn nhân đa phần là mấy gã trung niên ngoại tỉnh ngồi chờ tầu điện. Dưới mạn dốc Thọ Lão gần cửa hàng bán dầu hoả cũng có một tay cờ nữ trẻ chơi Pháo tuần hà hay lắm, đàn ông thua cả mớ. Tất nhiên, cũng khét tiếng giang hồ là tay tháu cáy. Nói như vậy không có nghĩa, cứ thiếu nữ chơi cờ đều tủn mủn ăn gian, ở lịch sử cờ tướng Việt có không ít nữ danh kỳ trẻ lẫy lừng minh bạch.

Đặc cấp quốc tế Đại sư Lê Thị Hương ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn. Lúc chưa lập gia đình, Hương trấn kỳ đàn quốc gia hơn chục năm ròng. Đám kỳ thủ đàn ông sợ xanh mặt, tâm phục khẩu phục tôn xưng cô là Diệt Tuyệt sư thái. Ngoài Lê Thị Hương, làng cờ nữ Việt còn hai quốc tế đại sư đáng kể, Ngô Lan Hương sinh 1979 và Hoàng Hải Bình sinh 1977.

Cờ tướng đang thịnh hành ở ta có xuất xứ bên Tầu với tên gốc là Tượng kỳ. Lịch sử hình thành rồi hoàn thiện nó đẫm đầy không biết bao nhiêu công sức tâm huyết của kỳ sư và kỳ thủ. Bọn họ hầu hết là cao nhân dị sĩ, khi gặp phải hiểm trá của công danh, bạc bẽo của lợi lộc thì chán ngán thế sự quay về ngồi nhà qua cờ mà cao ngạo nhìn đời.

Vì ở cờ cũng có giả dối loanh quanh Tướng, cũng có gian giảo lầm lũi Sĩ. Hoặc xông xáo nghênh ngang như Xe, hoặc lắt léo tiến thoái như Mã. Cái đắc thời của Tốt qua sông vừa tiểu nhân tiểu khí lại vừa cần mẫn chăm chỉ. Cái bơ vơ của Pháo không ngòi sao mà giống sự bi tráng của anh hùng mạt lộ. Không phải ngẫu nhiên cờ được xếp vào tứ đại cao nhã "Cầm Kỳ Thi Họa", bởi qua nó con người ta phát tiết được tận cùng những niềm vui những nỗi buồn.

Các thiếu nữ thế gia vọng tộc, sau khi đã giỏi đàn giỏi thơ giỏi hoạ, bắt buộc phải thật giỏi cờ. Người xưa cho rằng, chơi cờ sẽ khử bớt được cái hấp tấp ham hố kiểu đàn bà, các thiếu nữ cao cờ sẽ không sốt ruột mà nhẫn nhịn yên tâm ngồi chờ ngày cưới.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, hồi chưa đi làm lẽ tương truyền là tay cờ cao cực kỳ. Thơ bà phồn thực nhan nhản những là Tướng Sĩ Tượng. Bài "Đánh cờ người" của bà xếch-xi đến mức các văn bản chính danh đều lưỡng lự đạo đức để ở phần tồn nghi. "Mới vào đầu chàng liền nhảy ngựa. Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên...". Thực ra trò đánh cờ người rất được chuộng ở các lễ hội làng quê Bắc bộ.

Nhiều nơi, quân cờ là những thiếu nữ ngăm ngăm xinh đẹp tuyệt vời. Cờ bàn xem đã thú, cờ người xem thú vị gấp trăm lần. Hiềm một nỗi, trò này cần một bãi đất rộng có "viu" đẹp. Vài năm gần đây, những bãi đất xôi mật kiểu ấy đã bị chuyển thành sân gôn thành chung cư cao cấp.

Trò đánh cờ người có nguy cơ tuyệt tích, hình như chỉ còn phảng phất đâu đấy trong ký ức của vài thiếu nữ muộn chồng.
Nguyễn Việt Hà

THIẾU NỮ ĐÁNH CỜ VÂY
Tác giả : Sơn Táp

Vài lời về tác phẩm
(Lựa tựa của tác giả viết cho bản tiếng Trung)


Cuối tháng 9 năm 2001, tiểu thuyết Thiếu nữ đánh cờ vây của tôi được đề cử giải Goncurt Pháp. Cuối tháng 2, tiểu thuyết đó đoạt giải Goncurt dành cho học sinh Trung học. Trong thời gian này, tôi có tham gia các cuộc tọa đàm do nhà sách FNAC tổ chức tại các tỉnh ở Pháp. Mỗi lần đến đó, tôi luôn nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Tôi nghĩ, điều đó không chỉ do tôi là tác giả của Thiếu nữ đánh cờ vây, mà còn vì tôi là người Trung Quốc, đại biểu cho một nền văn hóa còn rất xa cách và huyền bí.
Mỗi nhà văn đều cảm thấy vô cùng sung sướng khi được giao lưu với độc giả, song điều khiến tôi cảm động nhất là, như ý kiến của các độc giả trẻ, tuy văn hóa Trung Quốc và phương Tây dường như còn một "bức rào ngăn cách" vô hình, thế nhưng, bi kịch tình yêu trong Thiếu nữ đánh cờ vây đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng họ, họ như quên hẳn nhân vật nữ chính là học sinh trung học Trung Quốc những năm 30 thế kỷ XX, mà coi đó là những thanh niên Pháp thế kỷ XXI.


Từ năm 1931, ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc bị địch chiếm đóng, đến năm 1937 Nhật Bản phát động toàn diện cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, Thiếu nữ đánh cờ vây lấy bối cảnh từ những xung đột chính trị, kinh tế, văn hóa Trung Quốc, trong các thế xung đột đẫm máu này, tôi đã tạo nên một khoảng trời hòa bình: tại quảng trường Thiên Phong nho nhỏ, dưới lùm cây tỏa bóng, hai nhân vật chính nam và nữ gặp nhau cạnh chiếc bàn đá có khắc sẵn bàn cờ. Nhân vật nam là một gián điệp Nhật Bản, lạnh lùng tàn nhẫn mà si tình, nhân vật nữ là một cô gái Trung Quốc mới mười sáu tuổi, thuần khiết mà không ngây thơ, thông minh chứ không tàn nhẫn. Một ván cờ vây, cũng đủ để đánh mất mình trong chốn mê cung tình cảm. Mỗi ván cờ bày ra, là một giấc mơ diệu kỳ, khép một ván cờ, ai nấy lại trở về với thực tại phũ phàng. Thế giới của kỳ thủ nam là doanh trại, là phạm nhân chiến tranh, là tù ngục và thuốc súng, còn thế giới của kỳ thủ nữ là một gia đình quý tộc đã sa sút, là đòan thể thanh niên chống Nhật, là ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc đang rên siết dưới gót giầy quân Nhật.


Đến nay, Thiếu nữ đánh cờ vây đã trở thành một trong những tiểu thuyết ăn khách nhất tại Pháp, đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng. Tôi nghĩ cuốn sáh này sở dĩ đoạt giải thưởng văn học, được đông đảo bạn đọc yêu thích, là do nó đã chạm đến đáy sâu về tình cảm, về sự sinh tồn của người hiện đại. Sau sự kiện 11/9 ở Mỹ, xã hội phương Tây đớn đau trong việc kiếm tìm các loại định nghĩa mới, chẳng hạn thế nào là đen, thế nào là trắng, thế nào là phạm tội, thế nào là trừng phạt, thế nào là trung thành, thế nào là phản bội… Thế nhưng, Thiếu nữ đánh cờ vây lại chứng tỏ, trong bối cảnh hai nền văn hóa đối địch, đàn ông và đàn bà vẫn có thể đến với nhau và yêu trong sự đối lập, vẫn có được giây phút thăng hoa của tình yêu.


Khi viết đến trang cuối của Thiếu nữ đánh cờ vây, tôi không sao kìm được nước mắt. Nhiều độc giả viết thư bảo, sau khi đọc xong cuốn sách, họ cũng từng khóc nấc lên.
Thiếu nữ đánh cờ vây là một giấc mơ, mong sao những cảnh trầm luân và ái tình trong giấc mơ sẽ khiến con người có được sự tỉnh táo trước hiện thực, khiến con người có được khát vọng và niềm tin cháy bỏng về hạnh phúc và tương lai.


Trần Sơn dịch
++++++++++++++++

Chiều hôm qua và sáng hôm nay, đọc quyển “Thiếu nữ đánh cờ vây” của Sơn Táp.

Việc đọc một quyển sách, dõi theo một bộ phim hay nghe một chuyện kể, là tự nguyện bước chân vào một cuộc suy tư dài. Khi mọi thứ kết thúc, sẽ vỡ lẽ ra một số điều, bế tắc một số điều, cho đi một số cảm xúc, hài lòng và không hài lòng. Nhưng chung nhất, lằn ranh giữa hư ảo và thực tế cứ ngày một mỏng manh hơn.

Đây là quyển sách lẽ ra đã nên đọc từ rất lâu, nhưng chẳng biết vì lý do gì cứ luôn quên khuấy nó trong những lần đặt mua sách. Cứ quên khuấy như vậy mãi một thời gian, cuối cùng đến tháng tám năm nay cũng đã nhớ ra.

Một quyển sách dễ đọc, nhưng người viết không dễ dãi. Ngôi thứ nhất bao giờ cũng giúp thu hẹp một cách tuyệt đối khoảng cách giữa độc giả và nhân vật. Một cô nữ sinh Trung Quốc mười sáu tuổi. Một sĩ quan Nhật Bản, người con tận tụy của Thiên Hoàng. Vô số lần chơi cờ cùng nhau ở quảng trường Thiên Phong. Ngàn ngọn gió đã lướt qua họ, tạo nên những đồng điệu và xúc cảm vô hình. Chưa một lần hỏi đến tên tuổi, thân phận, gương mặt thật của đối phương. Một cách thầm lặng, anh dõi theo tất cả những xáo động và thay đổi trong cuộc sống của cô. Ai đó đã nói: cờ vây là người. Qua cờ vây sẽ hiểu được người. Bộ môn nghệ thuật tao nhã và cổ xưa đó, với những quân trắng và quân đen đặt xen kẽ, cạnh bên nhau, lồng vào nhau,... nhưng lại là một phương thức hữu hiệu có thể xâm nhập và khám phá được kẻ đấu cờ cùng ta. Gấp lại trang cuối cùng của “Thiếu nữ đánh cờ vây”, lòng tràn ngập một cảm xúc hỗn loạn. Quyển sách không yên bình. Quyển sách nói về một thời đại rối ren và tràn ngập những xung đột. Là một sự đối lập nhau hoàn toàn trong ngôi thứ nhất của đồng thời hai nhân vật mang hai thân phận trái ngược. Nhưng Sơn Táp viết đẹp là một điều không thể chối cãi.

Đẹp ở cách cô miêu tả suy nghĩ và cách nhìn nhận của một người thanh niên Nhật Bản, cái đẹp trong một tâm hồn đã thành tâm tin tưởng và nguyện chọn cái chết không do dự.

Đẹp ở cuộc sống giản đơn nhưng không yên bình của cô thiếu nữ đang ở ngưỡng giữa “trưởng thành” và “non trẻ”.

Bên cạnh đó, còn có câu chuyện về cô gái giúp việc ở tiệm ăn Trung Hoa của đại úy Nakamura. Cô gái có đôi lông mày đen, dày, lúc nào cũng mặc màu áo đỏ, đi trên phố giống như một vệt lửa ở giữa mọi người. Cô gái mỗi buổi hoàng hôn nhập nhoạng luôn mang bánh bao nóng vừa ra lò đến cho anh. Cô gái đã vì chiếc Obi anh tặng mà sau cùng bị giết chết.

Đến Minh, nàng geisha tập sự đã nhờ chính người đàn ông si mê cô tiến hành nghi lễ phá trinh cho mình. Sau đó một lòng bước vào thế giới thượng lưu. Ấn tượng Sơn Táp để lại cho tôi về nhân vật này đó là hình ảnh cô bé con mãi mãi ở tuổi mười sáu. Lễ phá trinh không thành, máu vấy ra trên tấm vải lụa trắng lẽ ra phải từ thân cô, lại được lấy từ tay người đàn ông cô nhờ cậy.

Mẫn, Kinh, Đường,... những thanh niên Trung Hoa trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết, một lòng muốn cống hiến cho Tổ Quốc tài năng và sức lựa của mình. Họ thành lập, gia nhập tổ chức, họat động cách mạng trong bóng tối. Nhưng cái chết thì phơi rành rành ra đấy dưới ánh Mặt Trời. Trong trường hợp này, chết là vinh quang. Sống là hèn mạt. Kinh sống vì một tình yêu dày vò, đơn phương và cháy bỏng với người con gái đã từng lên giường cùng với người bạn thân nhất của mình. Đến cuối cùng, anh trở nên một kẻ dật dờ giữa thời cuộc, ngay cả việc ăn năn hối lỗi trên mộ các đồng chí của mình cũng không đủ can đảm để làm.

Dục tính trong truyện được miêu tả không nhằm khơi gợi bất cứ điều gì. Chỉ đơn thuần là một cái gì đó hiển nhiên trong cuộc sống. Cô gái nhỏ tin rằng đó là hành động vén bức màn bóng tối nhìn ra ánh sáng. Với quân lính Nhật Bản, là cái giúp họ cảm thấy được mình vẫn còn là con người, là phương thức mang lại và duy trì sự sống. Đôi khi, cũng là hành động thiên về bản năng trong một cuộc sống không biết mình sẽ ngã xuống bao giờ.

Tổng hợp những cái đẹp riêng lẻ đó là một vẻ đẹp không phát ra từ những con chữ riêng biệt mà chỉ có thể nhận ra trên cái nhìn tổng thể đối với câu chuyện. Đẹp đến mức không hiểu vì sao thấy mình bật khóc ở những trang cuối. Có cảm giác như thế là không đủ. Có cảm giác bất lực và xuôi theo cái bối cảnh lịch sử tràn ngập những xung đột và nhiễu nhương. Có quá nhiều lý tưởng, quá nhiều bổn phận, quá nhiều nghĩa vụ và quá nhiều ngăn cách giữa hai dân tộc không cùng chung tên gọi.

Tôi bỗng dưng lâm vào một nỗi hoang mang và ngờ vực tột độ khi đến lúc ngồi trước máy gõ những dòng này, mới nhận ra hai nhân vật chính trong “Thiếu nữ đánh cờ vây” không hề có tên gọi. Các nhân vật khác đều có, chỉ họ lại không. Tôi biết gọi họ bằng gì đây? Vẫn cứ là “thiếu nữ” và “Người Lạ Mặt” giống như cách họ gọi đối phương như trong truyện? Hay phải tự mình sáng chế ra những cái tên đặc trưng nhằm dễ dàng hơn trong lúc giúp cho các bạn hiểu tôi đang nói về ai?

Phải, tôi hoang mang và ngờ vực, đồng thời bị nỗi khiếp sợ tỏa ra từ chúng làm cho xúc động. Cái chi tiết nhỏ nhặt ấy, những nhân vật không tên ấy khiến tôi có suy nghĩ sẽ không thể nào, không thể nào tìm lại được một lần nữa hai con người ấy. Điều đó khiến tôi đau lòng, và tôi khóc không kiềm chế được ở lần đầu tiên họ đối diện nhau bằng thân phận thật của mình.


“Em có nhận ra anh không ?”

Link để đọc truyện :
Thiếu nữ đánh cờ vây - Sơn Táp (92/92 phần) (http://www.maiyeuem.net/vtopic73922-0-asc-3.html)

::Nam Trung:: - Thiếu nữ đánh cờ vây (http://www.namtrung.info/content/view/213/54/1/43/)

anhmaiyeuem
05-11-2009, 05:55 PM
hẻ hẻ , kể cũng hay . nhưng nhớ nấu cơm cho chàng xong rồi hãy ôm xe pháo mã !