PDA

View Full Version : SÀI GÒN CỜ THẾ GIANG HỒ ĐỘ (STTừ báo thanh niên )



Congaco_H1R5
16-06-2009, 09:15 AM
Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” -
Bài 1: “Võ lâm nhất sát”

Vang danh chốn giang hồ cờ độ; nhiều lần bước lên đỉnh vinh quang ở các giải thi đấu lớn; nhưng có phải cuộc đời của các kỳ vương sẽ “hoành tráng” như các danh hiệu họ đã đoạt được? Hay là nghiệp cờ vốn bạc? Loạt bài này nói về quá khứ lẫy lừng và hiện tại của một số kỳ vương còn sống ở Sài Gòn, qua đó hầu giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về thế giới “cờ thế giang hồ độ”.



Trái ngược với lời đồn đại trong giang hồ – kẻ đứng đầu “Võ lâm tam sát” Lê Thiên Vị lại là một bậc đức cao trọng vọng. Có thể nói, đến giờ, ông là một trong số ít các kỳ vương sống được bằng nghề chính đáng, tuy không giàu sang nhưng viên mãn, có phúc phần.
Người đặt tên cho giang hồ
Đọc sách cờ tướng bán ở nhà sách, siêu thị hay lên mạng internet tham khảo, sẽ luôn thấy “phấn khích” bởi những thế cờ rặt mùi binh pháp như “Bác Vọng thiêu đồn”, “phục binh yếu lộ”... Còn ở làng cờ tướng Sài Gòn, biệt danh của các kỳ thủ thường rất... kiếm hiệp, nào là “Phong trần quái khách”, “Kim mao sư vương”, “Bạch mi ưng vương”... Và người đứng ra đặt cho họ các tên hiệu này không ai khác lại là “nhất sát” Lê Thiên Vị. Có thể nói, đây là một trong những cái “công” lớn nhất của ông đối với Hội cờ TP.HCM.
Nghe qua những “thương hiệu” đó, người đời thường cảm thấy tò mò, thu hút bởi tài năng, tính cách của các kỳ thủ; làm sống động một cách rất “đời” môn thể thao tưởng chừng khô khốc. Ông Vị kể: “Xưa tôi hay đọc tiểu thuyết Kim Dung, cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi chuyện kiếm hiệp, những biệt danh này xuất phát từ đó”. Tỷ như kỳ thủ Dương Thanh Danh, có dáng người ốm, lòng khòng, ông Vị đặt hiệu cho là Khô Mộc thiền sư. Anh Trương A Minh, kỳ thủ có cặp lông mày bạc trắng được đặt hiệu Bạch mi ưng vương. Ông Vị nói: “Đặt tên, gọi hoài, đến giờ chết tên luôn”. Riêng giới nữ, ông Vị còn đặt tên cho 2 người: Diệt Tuyệt sư thái Lê Thị Hương và Kim Hoa bà bà Nguyễn Hoàng Ngọc Thảo.
Bản lĩnh “nhất sát”
Để đánh được cờ giỏi, trước hết phải có trí nhớ tốt. Lê Thiên Vị nổi lên bằng tư chất này. Hồi nhỏ, xem bố đánh cờ với khách, cậu bé Vị đứng sau chăm chú, cố nhớ lại rồi tự bày ra, chơi với nhóm bạn trong làng mình ở Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Lê Thiên Vị tuổi Quý Mùi, sinh năm 1943.
Một ngày tháng 12.2008, hẹn gặp ông ở Hội cờ 143 Nguyễn Du, Q.1, kẻ hậu bối là tôi thử “kiểm tra” mới thấy Lê Thiên Vị còn minh mẫn lắm. Năm 1965, ông có được một cuốn sách cờ được coi là “quý hiếm” vào giai đoạn đó, cuốn Toàn đồ bách cuộc phổ của Trung Quốc. Thoăn thoắt bày các quân cờ lên bàn, ông Vị nhớ lại: “Đây là ván cờ thế “khưu dẫn hàng long” trong sách, một trong những thế cờ thuộc hàng giang hồ danh cuộc”. Hồi đó, để phá thế này, ông Vị đã phải mày mò, nghiên cứu cả tháng trời. 43 năm sau, Lê Thiên Vị vẫn nhớ về nó như một thế cờ tâm đắc nhất.
Ông Vị kể đời đánh cờ của mình, có những ván xem qua người khác đánh nhưng không thể quên được. Hay có những ván ông đánh thắng, hoặc thua cũng không thể quên được. Năm 1978, tại giải cờ mừng xuân diễn ra ở Nhà văn hóa Lao động TP.HCM, ông Vị đã đấu thắng kỳ thủ Huỳnh Văn Hồng. Bày bàn cờ ra bàn, ông kể: “Tôi quân đen, đi sau. Ông Hồng đi nước tiên, vô pháo đầu”. Ở ván này, ông Vị “nhớ suốt đời” nước đánh pháo vọt sĩ, chọc thẳng vô cung của tướng đỏ. Chính vì nước cờ xuất thần này mà ông Vị đoạt thế thượng phong dù phải đi sau. Đến nước thứ 26, dù chưa bị chiếu bí nhưng đối phương phải buông cờ xin thua.
Hồi còn ở Hà Nội, khoảng năm 2005, tôi đã được may mắn nói chuyện với một trong “Bắc kỳ tứ kiệt” là ông Lê Uy Vệ, lúc đó tuổi đã cao lắm rồi. Nay lại được gặp “nhất sát”, mới nghiệm thấy ai đạt được đẳng cấp kỳ vương thì tính cách điềm đạm. Được diễm phúc hầu “nhất sát” một ván, đương nhiên tôi thua, nhưng ông Vị vẫn thận trọng cho rằng không thể chấp người mới biết chơi 2 quân xe vì “lực yếu, không thắng được”. Ông Vị nói: “Tính cách con người biểu lộ qua một ván cờ. Văn hóa cư xử cũng lộ ra ở đó. Có thể nhận thấy từ những nước khai cuộc”.
Sương gió giang hồ
Chuyên đặt tên hiệu cho kỳ thủ nhưng bản thân Lê Thiên Vị cũng không thoát khỏi việc bị giới giang hồ “phong danh”. Từ khoảng năm 1981 - 1988, ông được liệt vô “Võ lâm tam sát” gồm Lê Thiên Vị – Lê Nhị Trí – Trần Quới. Nhớ lại, ông Vị có vẻ thích thú: “Tụi tôi tàn sát võ lâm nhiều, thắng trận rất nhiều, đi đâu thắng đó. Họ mới đặt vui như vậy”. Qua năm 1988, thiên tài bạc mệnh Trần Quới mất mạng trong một chuyến vượt biên, coi như “Võ lâm tam sát” mất số.
Nói chuyện Trần Quới, rồi nhắc chuyện xưa của kỳ vương thiên tài yểu mệnh Hứa Văn Hải, chợt thấy ông Vị buồn hẳn: Năm mới 14 – 15 tuổi, vua cờ Triệu Khôn từ Trung Quốc qua Việt Nam, thấy cậu bé Hải có thiên tư bèn bày thế “đình xa vấn lộ” để thử. Hải đã phá thế bằng những nước cờ tuyệt hay, hiếm gặp ở độ tuổi. Triệu Khôn mới nhận Hải làm đệ tử. Năm 1943, tức là lúc ông Vị mới chào đời, Hứa Văn Hải đã vô địch giải “tứ hùng” dù phải chơi với ba bậc kỳ tài là Nguyễn Văn Ngoan, Hà Quang Bố, Nguyễn Thành Hội. Cùng năm đó, Hải đoạt luôn giải “Vô địch Nam kỳ”.
Rồi kỳ vương lại chết vì cờ! Nghe mà sầu thảm. Bởi Hứa Văn Hải sức cờ mạnh, suy đoán cao thâm nên đi đâu đánh độ cũng phải chấp rất nhiều, luôn phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ. Trong khi đó, kỳ vương mắc phải bệnh lao, ăn uống thất thường mỗi khi đánh độ, chế độ dinh dưỡng kém, sức khỏe ngày càng yếu dần. Năm 1944, biết mình không qua khỏi, kỳ vương phải lui về quê nhà ở Đồng Tháp và an nghỉ giấc ngàn thu ở đây khi mới 26 tuổi.
Cái chết của thiên tài Trần Quới còn mang lại cho ông Vị nỗi buồn nhiều hơn. Hồi “tam sát” còn, ông Vị và Quới đã đi khắp nơi khiêu chiến, đánh độ, đánh đâu thắng đó. “Có thể nói, Quới là người thắng nhiều nhất trong làng cờ. Nhưng cũng chính Quới là người nợ nần nhiều nhất”, ông Vị kể. Chỉ có điều, “nó tính toán cờ hay nhưng tính cho đời mình thì dở”. Cuối cùng, Trần Quới đã phải ra đi trong cảnh nợ nần, để lại biết bao điều tiếng...
Nghe ông Vị đúc rút về lớp kỳ thủ sau này đã trót vận vô “nghiệp cờ” càng thấy buồn và tiếc: “Đã vô nghiệp cờ rồi, hầu như không đủ sống. Rồi đã bập vô đánh “độ” rồi thì quên ăn quên ngủ, sức khỏe không đảm bảo. Thiếu thốn đủ đường, từ đó lại sinh ra tiêu cực”. Biết làm gì ngoài đánh cờ độ khi mà ông Vị nói “các kỳ thủ hầu hết học vấn ít, trình độ không có, bỏ cờ cũng chẳng có việc gì mà làm”.
Nguyễn Lê Nguyên

Congaco_H1R5
16-06-2009, 09:16 AM
Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 2: “Diệt tuyệt sư thái”

29/12/2008 22:30
Khoảng thập niên 80, làng cờ TP.HCM bỗng nổi lên một nữ kỳ thủ chẳng màng gia đình, chồng con, chỉ mê đánh cờ độ, đánh đâu thắng đó. Vì coi thường “bóng hồng” lẻ loi mà không biết bao kẻ trượng phu đã phải thất cơ. Cảm phục tài năng, “nhất sát” Lê Thiên Vị đã gọi cô là “Diệt tuyệt sư thái”. Cô là Lê Thị Hương, hiện là tuyển thủ Hội cờ TP.
Diện kiến
Theo lời giới thiệu của một đạo diễn rất mê cờ, rằng “nói đến kỳ nhân vỉa hè, phải tới được cỡ Diệt tuyệt sư thái, bà này sáng sáng xách giỏ đi chợ, kiếm tiền đánh độ về nuôi chồng con...”. Chúng tôi đã tới khu Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, nơi sư thái vẫn hay “hành hiệp” ở các quán cà phê nhưng không thấy. Hỏi ra, mới biết cô đã chuyển nhà về dưới Q.1, chẳng biết ở đâu...
Phải hỏi đến hội cờ, mới biết nhà Lê Thị Hương hiện ở đường Trần Quang Khải. Mới đến đầu ngõ, hỏi nhà “chị Hương đánh cờ” thì hàng xóm ai cũng biết. Nhà sư thái tối om, cũ kỹ, trong nhà dựng xe máy nhưng cửa ngoài mở, gọi mãi chẳng thấy ai thưa. Bấm chuông thì chuông hỏng. Kêu bà hàng xóm tới, gọi thật to thì mới thấy trong nhà có tiếng mở cửa cái “rầm”. Một người đàn bà gầy ốm, tóc rối bù xù bước ra “có chuyện chi không”. Đó là Diệt tuyệt sư thái! Hôm nay sư thái bệnh, ngủ dậy hơi muộn. Lúc đó đã hơn 10 giờ sáng.
Tôi lại phải chạy về cơ quan vì sư thái hẹn “nói chuyện” tại nhà cô vào lúc chính ngọ, cái giờ mà bụng người đời đã sôi sùng sục lên vì đói. Đúng 12 giờ trưa, quay lại thì sư thái đã tỉnh ngủ nên đem lại một sự vững tâm hơn. Hóa ra sư thái cũng hiền lành, nói chuyện đến cờ, cô vui vẻ hẳn, cười liên tục.
Đường vào “cờ thế giang hồ độ”
Lê Thị Hương sinh năm 1961, đàn bà tuổi con trâu, Tân Sửu. Nghe nói, hồi nhỏ bé Hương nghịch ngợm khác người, ông bố muốn con đằm tính lại nên dạy cho cô chơi cờ tướng. Chẳng ngờ bé Hương lại có năng khiếu bẩm sinh. Khi đã lần lượt vượt qua bố, qua các anh thì tên tuổi Hương cũng đã lẫy lừng cả xóm, đánh đâu thắng đó. Mê cờ, bé Hương bỏ học sớm, vừa phụ giúp gia đình buôn bán vừa kiếm tiền từ đánh cờ độ. Rồi biến cố đã ập đến với Hương khiến đời cô chuyển hẳn sang ngã rẽ khác. Năm 1976, mẹ cô mất. Rồi đến năm 1978, bố Hương qua đời. Hương bỏ hẳn buôn bán, mưu sinh bằng đánh cờ độ.
“Đánh độ, lúc thắng, lúc thua. Thua hết tiền lại về buôn bán kiếm tiền đánh tiếp. Cả chục năm trời”, Hương kể. Khi quanh khu vực nhà cô ở đã không còn đối thủ, mình Hương thân gái dặm trường đã dám tìm tới khiêu chiến ở những sòng cờ khác quận. Tiền lận lưng cũng đâu có nhiều, giỏi ra thì được khoảng 1 chỉ vàng vào thời đó. Vừa mưu sinh, vừa mê cờ, bẵng đi một quãng đời thanh xuân tươi đẹp, Hương mới lấy chồng, sinh con...
Câu chuyện chợt đứt mạch khi cậu con trai trông tuấn tú của cô kêu Hương chở đi học sớm. “Hổ mẫu sinh hổ tử”, cậu con duy nhất của Hương năm nay mới đoạt giải nhất cờ vây TP, độ tuổi 7 – 12. “Học mấy tháng được giải”, chợt thấy sư thái vui hơn. Cô nói mình đã không còn sống với chồng từ bốn năm nay. Bây giờ sư thái nuôi con, chở con đi học một mình, thỉnh thoảng mới đưa con về nhà nội thăm bên Gò Vấp.
Quốc tế đại sư
“Diệt tuyệt sư thái” kể: “Thường thì đàn ông thích chơi cờ với nhau hơn, ít khi đánh với nữ”. Cái ưu thế của cô chính là đem lại cho họ sự tò mò khi đánh độ: “Đôi khi, họ muốn đánh thử với mình xem, cách đánh mình thế nào. Cũng có lúc, họ xem thường con gái”.
Một lần, khoảng giữa thập niên 80, Hương có khách bắt độ là một “ông già 80” như người đời vẫn gọi. Ông già cao tuổi nhưng rất mê cờ, tính lại nóng nên hễ thua là chửi, xin khất tiền. Cáp độ với “đứa con gái” là Hương, ông kêu phải chấp 1 xe. Đánh hoài, đánh hoài ổng cũng chẳng thắng nổi “đứa con gái”. Có trận, đánh nhiều ván từ 10 giờ sáng đến 6, 7 giờ chiều vẫn chưa buông bàn. Được cái ông già chỉ mê cờ thôi chứ không máu cờ bạc nên ván nào cũng đánh độ số tiền như nhau, không đánh “đôn”, đánh “bồi” tiền. Có lần, thua nhiều quá, hết sạch tiền rồi nhưng “ông già 80” vẫn bắt Hương đánh tiếp, xin khất mai trả. Nhưng đánh hoài cũng chẳng thắng nổi một “đứa con gái”.
Có một lần “nhớ đời” trong quãng thời gian hành hiệp, Hương nói “đến già cũng không dám đi nữa”. Đó là lần cô được ông anh giang hồ dẫn vô đánh cờ độ trong một hẻm lạ. Tin tưởng tài nghệ Hương, ông anh quả quyết: “Đi kiếm tiền, chắc chắn ăn được”. Hai anh em tướng tá ốm yếu mới liều mạng “vào hang bắt cọp”. Đối thủ sức cờ không cao nhưng đòi đánh “đôn”, tiền độ ván sau gấp đôi ván trước. Hương dễ dàng thắng ngay hai ván. Đến lúc này, đối thủ bắt đầu nóng mặt. Trong khi, dân trong hẻm chẳng biết ở đâu bu lại như kiến, chửi thề rần rần bởi tưởng bị gài độ. Bị cả chủ lẫn khách gây sức ép, ván thứ 3 Hương tiếp tục phải đánh “đôn”. Cô buộc phải xin thua rồi đứng dậy, “bận chuyện đi về”. Trả lại hết tiền, qua khỏi hẻm mà trống ngực vẫn đập thình thình vì sợ: “Sợ dân xóm đánh ông anh thôi, họ nghĩ ổng gài độ mình vô đây để lấy tiền người xóm”. Mới biết, bản lĩnh giang hồ cũng như sức cờ của Hương lúc đó đã mạnh như thế nào.
Đến năm 1993, TP bắt đầu có giải cờ nữ, bên Q.4 thấy Hương đánh hay nên kêu vô đội. Tất nhiên là Hương vô đối. Rồi cô được diện kiến “ngũ ca” Quách Anh Tú của nhóm Thất Đang, lúc đó làm Chủ tịch Hội cờ TP. Chỉ qua vài nước đi, “ngũ ca” đã phát hiện ngay tài năng đầy hứa hẹn của “con họa mi đá”. Chẳng cần tuyển trạch, ông Tú cất luôn Lê Thị Hương vào đội tuyển TP, năm đó cử đi ngay Bắc Kinh thi tài. Trời chẳng phụ lòng người. Ngay lần đầu tiên bước khỏi thế giới cờ độ giang hồ đến với sân chơi quốc tế, “Diệt tuyệt sư thái” đạt hạng 4 giải vô địch thế giới. Cùng năm đó, cô giành luôn hạng 3 giải Các danh thủ châu Á tại Thái Lan, rồi được phong ngay là Quốc tế đại sư. Từ đó đến năm 2001, Lê Thị Hương đăng đàn, liên tục giành các danh hiệu vô địch trong nước, giải thứ hạng cao cấp quốc tế...
***
“Nhất sát” Lê Thiên Vị nói rằng những năm gần đây, sức cờ của Diệt tuyệt sư thái đã không còn mạnh như trước. Tương lai, Hương sẽ được bồi dưỡng, quy hoạch làm công tác huấn luyện. Bản thân cô cũng mong muốn làm huấn luyện viên dù cho các sếp vẫn nói “còn đánh được cứ đánh đi”. Vậy là hằng tuần, sư thái vẫn sang bên Q.4 luyện cờ, học hỏi thêm kinh nghiệm với thầy Mai Thanh Minh. Những ngày không học, cô phải lặn lội xuống tận khu người Hoa ở Q.5, Q.6 để đánh độ “dợt cờ”. Tập luyện là chính chứ cáp độ cũng chẳng được bao nhiêu nữa, có ngày chẳng được độ nào, cà phê chán rồi lại về đón con. Khi đồng lương tuyển thủ không đủ sống, hỏi Hương sao không tham gia dạy thêm, cô nói rất thật: “Phụ huynh cũng nhiều người xin dạy cho con họ nhưng trình độ phổ thông mình không cao, không dám nhận”.
Nghe chuyện “Diệt tuyệt sư thái” lừng lẫy một thời, giờ vẫn còn phải đối mặt nỗi lo cơm áo, chợt thấy buồn và tiếc.
Nguyễn Lê Nguyên

Congaco_H1R5
16-06-2009, 09:18 AM
Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 3: "Thuận pháo vương"

Năm 1974, giới chơi cờ đồng cảm phục phong danh hiệu "Thuận pháo vương" cho kỳ thủ Phạm Tấn Hòa, một trong những tinh hoa của làng cờ tướng thành phố với bí kíp khai triển hai ngọn pháo xuất quỷ nhập thần.
Bí kíp lót vali
Năm 1959, kỳ vương Hồng Kông Lý Chí Hải sang Sài Gòn thi đấu, mang theo một cuốn sách quý về cờ tướng. Hồi đó, sách Trung Quốc bị cấm ở Việt Nam vì nhiều lý do. Để trót lọt, kỳ vương Hải đã phải tháo bỏ bìa sách, xé từng trang sách rời rạc đem lót dưới đáy vali, hành lý... xem như những tờ giấy lộn. Sang tới Sài Gòn, kỳ vương được kỳ thủ Việt Nam Nguyễn Văn Anh đãi đằng thân mật lắm, nói như ông Hòa thì "sáng cháo, chiều cơm, tối yến"... Cảm phục tình thâm giao, kỳ vương Hải gom những trang sách đó lại, tặng cho người bạn cờ Việt Nam. Ông Anh mới đóng lại thành một cuốn, coi như sách gối đầu giường.
Năm 1969, như duyên trời định, ông Anh tặng lại Phạm Tấn Hòa cuốn sách quý, thậm chí lúc đó ông Hòa cũng không biết nó tên gì nhưng ông dám chắc "ngoài tôi ra không ai có cuốn thứ hai". Đọc nghiến ngấu cuốn sách, ông Hòa thấy nó quá hay, biến hóa khôn lường, đặc biệt ông rất tâm huyết thế trận thuận pháo. Năm 1971, ông Hòa đã phần nào cảm nhận được tinh hoa của thế trận, bắt đầu sử dụng vào những ván cờ, qua đó chiếm nhiều thượng phong. Phải đến 3 năm sau, ông Hòa mới cho rằng mình tạm thời đã nghiên cứu và lĩnh hội xong cuốn sách, lúc đó ông mới biết tên nó là Tượng kỳ trung phong của soạn giả Vương Gia Lương người Trung Quốc.
Ông Hòa giảng giải: "Thuận pháo, hiểu nôm na là 4 con pháo của hai bên đứng cùng một phía của bàn cờ. Tôi đánh thuận pháo, cũng giống như người ta đá banh, sẵn sàng thủ hoặc tiến đôi công với đối thủ". Ông tâm đắc: "Trận thuận pháo, tôi sử dụng thoáng cờ, hoạt động được 2 xe, 2 pháo mạnh mẽ trong khi 2 ngựa tấn công không hiệu quả, đôi khi tôi để ở nhà".
Một thế trận, một đời người
Năm 1974, thế trận thuận pháo lừng danh bắt đầu đăng đàn. Trước giải, ông Hòa đã ngẫu hứng tuyên bố "tôi sẽ dùng thuận pháo để chiến đấu" nhưng các đối thủ dù biết vẫn không thể đối phó nổi. Và "pháo" đã giật đùng đùng! Ông Hòa oanh liệt hạ gục hết đối thủ này đến đối thủ khác để vô chung kết với cao thủ tiền bối Thanh Mai Phạm Nam Đài. Thuận pháo lại giành chiến thắng vang dội. Phạm Tấn Hòa chính thức đăng quang ngôi vị "Thuận pháo vương", qua đó ít nhiều làm lu mờ danh hiệu "Phi pháo vương" của danh thủ Trần Đình Thủy, một phần cũng vì trận "phi pháo" đã không còn bén nhọn, bị đối phương bắt bài nhiều.
Hai năm sau, trước một giải đấu khác, ông Hòa lại tự tin tuyên bố là mình vẫn dùng thuận pháo để chiến đấu. Dù theo ông, lúc đó các cao thủ người Hoa ở Q.5 đã có nhiều tài liệu nghiên cứu để phá thế trận này. Thực tế khi vô giải, đôi lúc thuận pháo đã không còn chiếm nhiều thượng phong ở khai cuộc và trung cuộc. Đến lúc này, bản lĩnh Phạm Tấn Hòa lại một lần nữa thể hiện ở chữ "nhẫn". Trận chung kết, mặc dù cờ về tới tàn cuộc với ưu thế thuộc về đối phương, pháo - ngựa - 3 chốt đối lại với bên Hòa chỉ có pháo - ngựa - 1 chốt nhưng ông Hòa vẫn thắng nhờ "mình chơi cờ tàn bén, yếu quân nhưng tiến công ráo riết nên giành thắng lợi".
Cờ là nghệ thuật - không phải nghiệp mưu sinh
Phạm Tấn Hòa sinh năm 1940 tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống yêu nước và yêu cờ. Ngôi nhà ông ở hiện nay ở đường Cô Bắc, Q.1, đã từng là nơi chứa vũ khí và nuôi dưỡng lực lượng cách mạng. Cha ông là Tư Ngọc, cao thủ cờ hạng tiền bối; chú ông là Năm Sáng cũng là bậc "thượng tướng" trong làng cờ; anh ruột ông là Phạm Tấn Nghĩa có biệt tài chơi cờ mù rất giỏi. Có lẽ do truyền thống vậy mà Phạm Tấn Hòa cũng như nhiều đồng môn danh vọng viên mãn hiện nay - không chú trọng cờ là nghiệp mưu sinh: "Tôi hay anh Tú, anh Vị đều có chung nguyên tắc lấy cờ làm nghệ thuật. Không lấy đó làm nghề kiếm sống".
Phải biết rằng, hoàn cảnh ông Hòa trước đây cũng giống với nhiều kỳ thủ đã trót vận vô "nghiệp cờ", đó là không có điều kiện học hành, thiếu bằng cấp bài bản. Nhưng lối thoát của ông lại hoàn toàn khác: "Nhà tôi trước rất khó khăn. Chơi cờ đã tập cho tôi tính kiên nhẫn, cũng vì đó nó giúp cho tôi tự học văn hóa rất nhiều". Trước năm 1960, Sài Gòn không có nhiều nhà máy, xí nghiệp, để xin được việc làm lúc đó là rất khó. Ông nhớ lại: "Hồi đó, kể cả người bằng cấp đàng hoàng, để kiếm việc làm cũng khó. Có kiếm được việc, mất trước 3 tháng lương tiền "cò" cho người giới thiệu là cũng mừng muốn chết rồi".
Nhờ người quen từ cờ, ông Hòa chẳng bằng cấp gì hết nhưng lại xin được vô làm một hãng dược phẩm của Pháp, cũng chẳng mất trước tháng lương nào. Ông kể: "Trước đó, tôi phải đi coi tiệm bán nón nỉ cho một chủ ở đường Nguyễn An Ninh, coi từ 7 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều, không có thời gian đi học". Tự trang bị cho mình kiến thức, ông Hòa đăng ký học hàm thụ, họ gửi bài vở đến cho ông qua đường bưu điện, ông vừa làm vừa học ở nhà. Rồi ông học thêm tiếng Pháp... "Tôi đến phỏng vấn xin việc với người phiên dịch. Ông chủ Pháp nói, tôi không quen nên nghe không được. Nhưng tôi nói, ổng nghe được. Tôi hứa với ổng, nếu được nhận vô làm, tôi sẽ rèn luyện tiếng Pháp hơn". Vậy là ông Hòa đậu.
Con ông Hòa giờ thành đạt lắm, 5 người thì ai nấy đều có bằng cử nhân, ông còn có đến 7 đứa cháu nội, ngoại. Giờ nghĩ chuyện xưa, ông thấy tự hào: "Nhớ lại quá khứ sao thấy khó khăn quá. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy tự hào về hồi đó, cũng nhờ làm việc cho hãng Pháp mà tôi có điều kiện đầu tư cho gia đình, dù tiền bạc không nhiều". Năm 1971, Phạm Tấn Hòa tham dự giải Tuệ Thành lần 2, vô tận trận chung kết gặp kỳ thủ khét tiếng Trần Đình Thủy. Trước giải, ông kêu thợ mộc tới, hỏi họ muốn nâng thêm cái gác gỗ cho căn nhà đang ở thì hết khoảng bao nhiêu tiền? Vợ ông mới càm ràm "ông bày đặt, tiền đâu mà sửa nhà". Ông Hòa cười, nói vợ rằng "tôi linh cảm sẽ có tiền".
Y như rằng, lần đó ông Hòa giật giải nhất, phần thưởng rất cao là một kim bài bằng vàng, khoảng 2 lượng. Số vàng đó, cộng với những lần đấu thắng giải chắt chiu được tiền thưởng, ông Hòa cất được căn gác gỗ. Chuyện đang rất vui, chợt ông Hòa chùng xuống, tiếc nuối cho lớp kỳ thủ đàn em: "Nhiều đứa coi cờ là nghiệp, từ cờ chuyển sang cả cờ bạc. Giờ dòm lại, không thấy anh nào khá cả. Đứa đạt giải nhiều nhất, được thưởng nhiều nhất lại là đứa nghèo nhất, nợ nần nhiều nhất". Nghe mà xót xa...
*
Gần 3 năm nay, "Thuận pháo vương" đã giã từ làng cờ để về vui vầy với con cháu, một phần vì mắt ông cũng đã mờ, không thấy đường vì bị "teo gai thị". Một ngày tháng 12.2008, tới thăm ông ở căn nhà nhỏ, gặp một phong thái đĩnh đạc, nói chuyện rất say sưa về cờ, về đời. Ông Hòa kể, hồi chưa hỏng mắt, thỉnh thoảng ông vẫn bày trận thuận pháo "chiêu đãi" anh em đến giao lưu, học hỏi. Thế trận vẫn vững mạnh như năm nào, dù tuổi ông đã cao...
Nguyễn Lê Nguyên

Congaco_H1R5
16-06-2009, 09:19 AM
Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 4: "Khô mộc thiền sư"

Mang danh "Khô mộc thiền sư", nhưng Dương Thanh Danh đem lại cho người đối diện cảm giác chạnh lòng nhiều hơn là "sợ". Ông nhỏ nhắn, ít nói, năm nay gần 60 tuổi nhưng vẫn chưa vợ con.
Vượt lên số phận, bước qua nghiệp cờ
Hẹn gặp qua điện thoại, nhiều lần nghe giọng nói nhát gừng, nhỏ tiếng của Danh, dễ tưởng ông là người Hoa, không thích báo chí "xoi mói" đời tư. Cũng nghĩ, chắc ông đánh độ, cờ bạc nhiều nên ngại gặp. Chỉ khi biết ý định nghiêm túc của người viết, ông mới chủ động hẹn giờ gặp tại nhà riêng. Ông sống giản dị cùng với đại gia đình mình tại một căn nhà bề thế ở đường An Dương Vương, Q.5. Đúng 5 rưỡi chiều, một người đàn ông nhỏ bé, áo đút vô quần, nhẹ nhàng đẩy xe đạp vô nhà. Ông anh chân khập khiễng ở nhà vui hẳn lên khi giới thiệu: "Danh về rồi kìa!". Đó chính là "Khô mộc thiền sư". Dương Thanh Danh sinh năm 1950 tại Sài Gòn, là người Việt.
Khoảng hơn hai chục năm trước, giới giang hồ cờ độ Sài Gòn bắt đầu chú ý đến một "thằng nhỏ" đánh cờ tuyệt hay, tính toán cực kỳ thông minh, sắc nét. "Thằng nhỏ" còn hay đi chung với thiên tài "lác chảy" Trần Quới nên càng được chú ý nhiều hơn. Nhưng khác với kỳ vương Trần Quới - chuyên đánh độ, cờ bạc, dính vô nhiều điều tiếng - "thằng nhỏ" kia đi xem đánh cờ, chơi cờ chỉ để học hỏi kinh nghiệm. "Thằng nhỏ" đó chính là Dương Thanh Danh. Rồi đường đời rẽ đôi hai ngả: Trần Quới cùng một nhóm bạn cờ khác leo thuyền vượt biên, mất tích từ năm 1988. Dương Thanh Danh thì lặng lẽ với đời, với cờ; kể cả đến khi "nhất sát" Lê Thiên Vị đặt cho tên hiệu "Khô mộc thiền sư" lẫy lừng thiên hạ thì anh vẫn thế...
Dương Thanh Danh kể mình bị bệnh lao phổi, một trong tứ chứng nan y thời đó, không thuốc gì chữa được. Cũng chính căn bệnh này đã cướp đi nhiều tài hoa của của làng cờ TP khi tuổi đời họ còn rất trẻ. Đậu xong tú tài, bệnh phổi nổi lên nặng, ông phải bỏ học ngang. Vừa lo tập luyện, vừa phải mưu sinh bằng những việc nhẹ, chỉ lúc rảnh rỗi Danh mới đến được với cờ. Nhờ tập thái cực quyền với quyết tâm bền bỉ, Danh qua được cơn hiểm nghèo. Và cũng chính nhờ đức tính thật thà, không thích cờ bạc mà Danh thoát khỏi cái bẫy của "nghiệp cờ" luôn giăng ra với các kỳ thủ: Vì đánh độ nhiều, ăn uống thất thường, lao tâm khổ tứ suy nghĩ, nhiều kỳ thủ mắc bệnh lao phổi đã phải chết "nhanh" hơn người thường.
Hỏi thật ông, đến giờ có nợ nần, bài bạc gì không, Danh nhỏ nhẹ: "Mình tiêu xài cũng ít, không nợ nần gì ai". Ông cũng chẳng hút thuốc hay bia rượu. Nói về đánh cờ độ, thấy ông cũng không hứng thú: "Ngày trước, cũng có thời gian 1 - 2 năm đánh độ nhưng do hoàn cảnh. Đánh để học hỏi, cũng bị nhiều người kêu chơi giùm, họ hùn tiền vô cho mình đánh. Quan trọng là mình không thích cờ bạc. Từ hồi đó đến giờ không đánh độ nữa". Tóm tắt về con người "Khô mộc thiền sư", theo "Thuận pháo vương" Phạm Tấn Hòa là: "Danh có nhân cách đáng kính, biết vượt lên số phận".
Đạp xe đi dạy đánh cờ
"Từ 19, 20 tuổi trở đi, người mình lúc nào cũng chỉ được 36, 37 ký. Đi đánh giải, ngồi lâu chịu không được vì đau đầu. Cũng bị thua nhiều ván vì lý do sức khỏe" - ông Danh tâm sự. Mãi cho đến bây giờ, ông mới mập, rắn chắc hơn. Ông kể: "Mình mới mập lên được 5-6 năm nay, chắc cũng được hơn 45 ký". Cũng nhờ ông bền bỉ tập luyện thái cực quyền, tháng ăn chay 4 ngày.
Bước lại xe đạp, lấy bộ cờ trong túi bỏ trước giỏ xe, "Khô mộc thiền sư" nói vừa mới đạp xe đến trường dạy cờ cho một học sinh. Từ 10 năm nay, Dương Thanh Danh được ăn lương hội cờ. Anh phụ trách đào tạo cho lớp năng khiếu gồm các em học ở Q.5. Nhắc đến học sinh, thấy anh vui lắm: "Các em còn nhỏ, 7-8 tuổi, có năng khiếu. Các em gọi mình bằng thầy".
Hằng tuần, thứ bảy, chủ nhật là "Khô mộc thiền sư" lại đều đặn đạp xe đến các trường học, chỉ dẫn cho các em ở đội cờ năng khiếu Q.5. Có những bữa, các em kẹt học văn hóa không tập trung được, thầy Danh lại đạp xe đến từng trường, dạy từng em một như bữa hôm nay. "Mình gặp các em là vui. Các em phải học chữ nhiều, cũng thông cảm, chỉ dạy tại lớp, không ra bài về nhà". Nói chuyện về các học sinh thông minh hiếu động, chẳng nghe thầy Danh phàn nàn một tiếng, chỉ thấy khen: "Mình dạy các em khai cuộc, sửa cho các em các lỗi căn bản, hay gặp. Mong các em tiến bộ, sau này thi đấu giành giải".
"Khô mộc thiền sư" kể: "Hôm 20.11 rồi, phụ huynh có tặng mình thiệp chúc, bao thơ". Hỏi bao thơ có bao nhiêu tiền, ông nói: "Bao thơ một trăm ngàn". Những đợt lễ tết, phụ huynh và học sinh cũng tới nhà thăm thầy Danh, cho quà. Người thì nửa ký lạp xưởng, người thì hộp nước ngọt hay thùng bánh...
Dương Thanh Danh tâm sự: "Đời mình cuối rồi, không có niềm vui gì hơn dạy các em học. Ngoài dạy ra thì chỉ ở nhà xem tivi, đọc báo, thỉnh thoảng có hội mới đi xem đánh cờ cho khỏi quên". Hỏi ông còn muốn lập gia đình không, "Khô mộc thiền sư" không nói...
*
Chia tay thầy Danh để ông nghỉ ngơi cuối ngày, trời bên ngoài đã tối, lắc rắc mưa. Một người vì bệnh, phải bỏ học ngang, chưa được đào tạo kỹ năng sư phạm nhưng giờ được người đời tôn trọng gọi bằng "thầy". Một kỳ thủ danh tiếng lừng lẫy nhưng cuối đời sống giản dị, trong sạch, "chỉ mình ta với cờ", với các em học sinh. Chia tay, tự dưng thấy mắt mình ướt, không phải vì những giọt mưa.
Nguyễn Lê Nguyên

Congaco_H1R5
16-06-2009, 09:20 AM
Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 5: "Trần Đình giáo chủ"

Ở làng cờ TP, có hai chuyện mà chỉ mình Trần Đình Thủy làm được; đó là hạ gục kỳ vương Lê Huệ Đông và được phong cấp Quốc tế đại sư ở tuổi trên 60. Giang hồ làng cờ bái phục gọi ông là "Trần Đình giáo chủ".
Thời oanh liệt còn đâu
Trần Đình Thủy là người Hoa gốc Triều Châu, sinh năm 1940. Mới đây, anh em chơi cờ còn "nghe nói ổng mới đi đánh giải mà". Khi đó Trần Đình Thủy đã gần 70 tuổi! Nhưng những người quan tâm đến ông nhiều hơn thì biết "ổng mới bị bệnh, không biết nặng nhẹ thế nào". Một ngày cuối tháng 12.2008, mày mò tìm tới địa chỉ được hội cờ chỉ cho, chúng tôi loay hoay mãi mà không tìm được nhà "anh Thủy đánh cờ". Hóa ra, nhà "Trần Đình giáo chủ" ở đường Xóm Chiếu, Q.4 đã được thay số mới. Vợ "giáo chủ" đon đả rước vô nhà. Bà nói: "Ổng ở đây hồi nào đến giờ".
"Giáo chủ" đang ngồi ăn cơm sáng. Một bàn cơm lớn, nhiều đồ ăn. Thân hình "giáo chủ" vững chãi như cái đình, chỉ thấy gương mặt hơi mệt mỏi. Nhìn qua, không ai biết ông đang mắc bệnh. Bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông buồn bã: "Cách đây hai tháng, ổng ngồi ngoài sân, chỉ cờ cho mấy đứa cháu. Một hồi thấy ổng kêu nhức đầu, đỡ vô nhà ngồi thì không biết gì nữa". Ông Thủy đã bị tai biến. "Nhờ chữa trị kịp thời, giờ ổng mới được như thế này". Bây giờ "giáo chủ" bị liệt nhẹ một bên, cử động rất khó, đi lại hay ngồi ở đâu vợ con cũng phải theo sau trông chừng. Mặc cho bà Dung vui hơn khi nói về sự nghiệp của ông nhưng "giáo chủ" liên tục lắc đầu, "không biết, đau đầu, không nói được". Người con trai nói: "Sư phụ (ông Thủy - PV) giờ thua rồi!".
Năm 1973, kỳ vương Lê Huệ Đông nổi tiếng Hồng Kông được mời sang Sài Gòn thi đấu và đã thắng như chẻ tre. Gặp tới Trần Đình Thủy, một "thượng tướng" trong làng cờ lúc bấy giờ, ai cũng nghĩ giỏi lắm là hai bên hòa. Vậy mà "Trần Đình giáo chủ" đã hạ đo ván kỳ vương bằng 2 ván thua trắng! Ở ngay ván đầu, Trần Đình Thủy đi tiên, chỉ sau 22 nước đã đánh cho kỳ vương tan tác thế trận, đến mức các tờ báo Hoa ngữ đã phải thán phục giật tít: Trần Đình Thủy quá quan trảm tướng. Kỳ vương Hồng Kông bỏ giáp chạy dài!". Dân làng cờ Sài Gòn vô cùng hoan hỉ. Bà Dung hồ hởi: "Chỉ mình ổng đánh thắng được vua cờ Lê Huệ Đông!”.
"Ngũ ca" nhóm Thất Đang Quách Anh Tú, một trong những kỳ thủ hiếm hoi thắng được Trần Đình Thủy khen ngợi: "Ông Thủy là người cao tuổi nhất làng cờ còn đánh giải đến giờ". Ông kể: năm 1965, tay cờ trẻ Trần Đình Thủy được "thượng tướng" Sáu Mẹo chấp một nước tiên nhưng không thắng được. Kể cả khi Sáu Mẹo không dám chấp nữa, đánh phân tiên vẫn thua Thủy dài dài, mất rất nhiều tiền độ. Chuyện này lập tức lan ra giang hồ nhanh hơn cánh chim đại bàng và Trần Đình Thủy được phong ngay lên bậc "thượng tướng". Thời đó, ông Tú có đánh với Trần Đình Thủy, dù thắng nhưng cũng phải khiếp đảm vì Thủy tấn công xuất thần. Các bậc trưởng thượng hồi đó như Ba Hiệp, Năm Sáng, Phạm Thanh Mai… chứng kiến ván đấu của "hai con cọp dữ" cũng hết lời ca ngợi. Sau lần đó, "ngũ ca" mới lấy được danh hiệu "thượng tướng" trong làng cờ độ.
Đeo đuổi "nghiệp cờ", cuối đời về với vợ...
Bà Dung kể: "Trước khi lấy tôi, lúc 23 tuổi, ổng đã đánh cờ. Có giải là đi miết, chẳng mấy khi ở nhà". Dù vậy nhưng vợ chồng "giáo chủ" cũng kịp có tới 10 mặt con, cháu nội - ngoại giờ cũng trên chục đứa, nói như bà Dung thì "mùâng một Tết về thăm đầy nhà". Bà kể: "Tính ổng hồi nào đến giờ có cờ là đi, chẳng điện báo gì cho vợ con hay". Và bà Dung thì "biết tính ổng vậy, cũng chẳng khi nào tôi đi kiếm". Có lần, "giáo chủ" xuất ngoại đi đánh giải, đi từ buổi trưa mà mãi mấy ngày sau, nghe hội cờ báo bà Dung mới biết ổng đi Trung Quốc, khoảng hai ba chục ngày mới về. Bà kể, đời "giáo chủ" đi xa nhiều lắm, từ Vũng Tàu - Bà Rịa (nơi ông đầu quân đánh giải) tới Trung Quốc, Macau, Indonesia, Singapore…
Trong nhà Trần Đình Thủy giờ còn lưu giữ rất nhiều cúp, huy chương ghi dấu những chiến tích vang dội. Hỏi bà Dung "ông có mang tiền thưởng về cho vợ con làm này làm nọ không", bà bảo: "Tính ổng đi xa không bao giờ mua quà cáp. Có thắng thì ổng cho ít tiền, còn lại ổng giữ riêng ăn xài chơi. Chuyện gia đình tôi lo hết". Bà Dung chỉ nhớ có một lần ông Thủy thắng giải, hai vợ chồng mới lấy tiền mang vô bệnh viện làm từ thiện". Còn lại thì "bạn bè ổng đến cũng nhiều lắm, ở chật nhà, đến để dợt cờ, rồi rủ nhau đi tỉnh đánh độ". Bà khoe: "Trần Quới cũng là đệ tử ổng!".
Có lần bà Dung nhớ thế này: Sau giải phóng, có "ông tướng làm lớn lắm", ngoài Bắc tìm đến nhà. Thấy ông Thủy lập tức họ "bắt cóc" lên xe hơi chở đi đâu không biết. Chỉ một ngày một đêm sau, khi "giáo chủ" về được đến nhà, bà mới rõ chuyện. Hóa ra ông cán bộ nào đó vì quá hâm mộ ông Thủy nên cho xe đến nhà, rước đến biệt thự riêng ở đường Nguyễn Thông để đàm đạo, dợt cờ thâu đêm suốt sáng. Lần đó, vợ con "giáo chủ" sợ hết hồn. Tôi nhờ bà Dung phiên dịch hỏi ông Thủy: "Anh ơi, đời cờ anh thích nhất đánh với ai?". Chẳng biết sao mà lúc đó ông Thủy nói được thành tiếng rõ, nói rất nhanh: "Phạm Thanh Mai!". Ông Phạm Thanh Mai là một bậc "thượng tướng" làng cờ, xét ra thì Trần Đình Thủy là hàng hậu bối.
"Lão ngũ" Quách Anh Tú kể, hồi xưa ông Thủy bán thịt heo ở Q.4, ổng là người rất thích cờ và đánh độ. Đi đâu, ổng cũng có các ông chủ đi theo để "ra tiền" cho đánh độ lớn. Cũng chính vì có nhiều tiền, "giáo chủ" mới dễ "cáp độ" được với nhiều cao thủ, qua đó trình độ cờ được lên cao. Lần ông Tú thắng ông Thủy ở sòng cờ trên đường Công Lý, thực ra là tình cờ. Bởi trước đó, ông Thủy chở ông chủ mình tới đây để tìm người "cáp độ" là Sáu Mẹo. Không có Sáu Mẹo, chủ ông Thủy mới kêu tìm tay khác, đánh cho ổng xem. Quách Anh Tú được giới thiệu, hai người đánh phân tiên và ông Thủy thua. Giờ nhớ lại, thấy ông Tú vẫn vui: "Sau giải phóng, tôi về Sài Gòn, gặp lại ổng rủ: Ông thầy ăn em 2 bàn, giờ cho em gỡ lại, lấy danh dự. Tôi hồi đó không có tiền, nói đánh chơi mấy chục thì được. Ông Thủy không chịu, đòi đánh lớn. Tôi không theo…".

Congaco_H1R5
16-06-2009, 09:22 AM
Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 6: “Ngũ ca Thất Đang”

Từ lúc hẹn gặp, cho đến khi cảm nhận được phần nào về ông, tôi mới hiểu tại sao giang hồ lại nói Quách Anh Tú là một tài tử - coi cờ tướng là tinh hoa trong tứ tuyệt “cầm, kỳ, thi, họa” chứ không phải nghiệp mưu sinh.
Trong nhóm cờ Thất Đang xưa, vai vế ông Tú đứng hàng thứ năm, dân cờ hay gọi ông là “ngũ ca” hoặc “lão ngũ”.
“Ngũ ca” ra trận
Trước lúc gặp, tôi đã được “Thuận pháo vương” Phạm Tấn Hòa “phi lộ” đại loại rằng ông Tú “đã nghỉ làm” dù cho là người đóng góp công sức thuộc hàng nhiều nhất cho làng cờ. Tôi không quan tâm đến lý do. Chỉ thấy phấn khích hơn khi sẽ gặp một nhân cách mà theo ông Hòa là “ổng đàng hoàng, thấy cái gì lem nhem là nói”.
Quách Anh Tú đã 69 tuổi, hưu được cả chục năm. Thế mà khi nói về những ván đánh để đời, thấy ông Tú nhớ và hăng máu lắm: “Đây là ván tôi đấu với Trần Ngọc Lâu, lúc đó hai đứa đánh sắc và tươi lắm!”. Ông Tú vừa bày cờ vừa giảng: “Lâu đi tiên, vô pháo đầu. Tôi cũng vô pháo đầu, đánh thuận pháo”. Tiếp theo, ông Tú dâng quân xe bên Lâu một nước rồi bình: “Nó hoành xe ngay, nước rất hỗn, nó khiêu khích tôi đấy. Tôi kệ, cứ dâng mã giữ tốt đầu, đúng phép ra quân”. Rồi ông Tú cứ điềm đạm dâng sĩ, dâng tượng lên cho “ấm”, tạo thế trận phòng thủ. Cùng lúc đó, tại Hội quán Tinh Võ ở Q.5, ván đấu giữa kỳ vương Lý Chí Hải và Tất Kiên Dương cũng đang khai quân. Ông Tú liếc qua, thấy bàn bên cũng khai cuộc giống y chang với ván ông đang đánh! Nước tiếp theo, chợt thấy Tất Kiên Dương dâng xe tuần hà – phép ra quân rất bài bản. Chẳng biết thế nào, cũng vị trí đó từ điểm xuất phát, “ngũ ca” lại đem xe... kỵ hà. Hội quán “ồ” lên!
Ông Tú giảng: “Nếu theo sách vở, nước của tôi sai bét. Nhưng thực ra tôi có tính riêng”... Rồi đến một nước “không theo sách vở” nhưng “rất giang hồ” khác, ông Tú đánh pháo vọt tốt giữa. Hội quán lại “ồ” lên. Trần Ngọc Lâu với bản lĩnh giang hồ đầy mình nên ngỡ “nước giang hồ” này Tú không thạo, bị đánh hố. Lâu chộp quân đi liền – điều tối kỵ khi thi đấu đỉnh cao. Và “cọp dữ” Quách Anh Tú lập tức ra đòn. “Bắn chậm thì chết!”. Thế là song pháo của “ngũ ca” cứ bắn trước ầm ầm, phá toang thế trận bên địch. Nước 26, Tú thọc xe xuống đáy, chưa bị chiếu bí nhưng Lâu đã buông cờ xin thua.
Tài tử - quân tử
Những nước cờ nói trên phần nào nói được tính tài tử của ông Tú mỗi khi “hành hiệp” hay cư xử đường đời. Ông Tú kể, trước đó “tôi đã thấy Lâu đánh nhiều ở sòng cờ Gia Long, Lâu đánh rất dữ, tôi nhìn qua cũng hết hồn, nhưng mình đàn anh đi trước, sao sợ được”. Nên lần gặp ở Hội quán, thâm tâm Tú rất muốn “ăn” Lâu. Bây giờ thì hai ông già “hòa bình” rồi. Ông Tú kể: “Ổng vẫn sống ở dưới Cần Thơ, thỉnh thoảng lên tôi chơi, tôi phải đãi cơm, cho sách cờ mang về, quý lắm”.
Nghe chuyện giữa ông Tú và ông Đặng Đình Yến - một trong “Bắc kỳ tứ kiệt” di cư vô Nam sống cũng vui và cảm động. Tú hồi đó chỉ là hậu bối, xem ông Yến còn hơn cả thần tượng: “Ổng đi đâu cũng xách theo cây ba-toong, xem đánh cờ, ổng lấy cây ba – toong chọc chọc, chỉ nước cho bạn, tôi thấy toát lên một ma lực khủng khiếp”. Có lần, ông Tú xem “thượng tướng” Yến đánh người mà còn “hết hồn” đến giờ: “Cờ tàn, ổng chỉ còn xe – mã trong khi bên kia còn xe – bền sĩ tượng, ai cũng nghĩ giỏi lắm là hòa. Ấy vậy mà ổng quần cho một hồi, bên kia phải thua”. Ông Tú “nhớ đời” nước đánh ma quái của kỳ vương Yến: để đảo thế trận, ông Yến đem xe cánh trái thọc đáy chiếu tướng, tướng phải dâng lên, ông Yến thả mã phải... nhập cung, ngay dưới đít tướng đỏ, rồi từ đó mã lộn sang cánh trái tăng cường tấn công.
Năm 1966, kỳ vương Yến tìm tới khiêu khích, đòi đánh Lý Anh Mô, sư phụ Tú. Ông Mô kẹt chuyện, mọi người cáp cho Tú đánh với ông Yến. Khi đó, Tú đã lên tay lắm, ông Yến cũng không muốn đối đầu nhưng bởi mọi người nói vun vô, không thể từ chối. Hai bên cá cược số tiền nhỏ, 100 đồng/1ván. Ván đầu, ông Yến đi tiên nhưng không tấn công nên cờ hòa. Ván thứ hai, Tú đi tiên, tấn công dũng mãnh, ông Yến thua nhanh vội móc tiền trả. Tú chỉ cười: “Ông cất tiền đi, mình chơi cho vui thôi”, bởi thâm tâm Tú nể trọng ông Yến lắm. Xưa ổng danh trấn giang hồ cả nước, giờ già rồi, “lấy số” ổng Tú không lấy làm ham.
Tôi bỗng giật mình khi nghe ông Tú đúc rút: “Nghiệp cờ coi vậy không tình nghĩa bằng nghiệp võ đâu”. Ông bảo: “Ra giang hồ, tụi nó sống như bầy sói. Khi mình mạnh thì chúng gờm. Mình yếu rồi là quay lại rủ đánh độ, vặt ngay”. Ông kể ra vài trường hợp, khi trò mạnh hơn đã quay lại rủ cả thầy đánh độ,“vặt” luôn cả thầy. Với ông Tú, chuyện đó không bao giờ xảy ra.
Ước muốn chưa thành
Khoảng năm 1956, Quách Anh Tú lần đầu ra giang hồ đã dám chấp 1 xe, đánh cho một ông già khoác lác “đái ra quần”. Đó là lần ở sòng cờ dưới dốc Cầu Mới vùng Bà Chiểu. Ông già nói mình đã cầm cự được với giáo Bố hay kỳ vương Hứa Văn Hải khi hai người này chấp ông một mã. Hùng tâm nổi lên, Quách Anh Tú khảng khái chấp hẳn ông già 1 quân xe! Thế rồi chuyện không ai ngờ xảy ra: Tú tuổi trẻ tài cao, tấn công ào ạt với những nước xuất quỷ nhập thần, ông già nọ tối tăm mặt mày không biết đâu mà chống. Hai ván thua trắng lẹ làng, ông già chung độ rồi lầm lũi bỏ đi, mọi người nhìn lại thấy chỗ ổng ngồi còn có vũng nước... màu vàng. Tú ân hận lắm, bẽn lẽn chào giang hồ rồi biến. Sau lần đó, Quách Anh Tú mới được Lý Anh Mô để mắt, bắt đầu dìu dắt vô làng cờ.
Sau tổng công kích Mậu Thân 1968, người thanh niên cao cờ đó bỗng tuyệt tích. Giang hồ đồn anh đã chết. Sự thật không phải. Quách Anh Tú bỏ cờ, theo cách mạng. Giải phóng thành công, chàng trai yêu cờ người Sài Gòn lại là một trong những thành viên đầu tiên tiếp quản Mỹ Tho. Tại đây, Sáu Mẹo - tay cờ đã được Tú dợt cho lên tay để thọ đài với Trần Đình Thủy - đã là người đầu tiên tìm lên thăm Tú. Cũng bởi Sáu Mẹo “cảm” tâm đức Tú lần trước, đã chỉ cho ông những non kém trước Trần Đình Thủy.
Càng bất ngờ hơn, cũng tại Mỹ Tho, khi là người Việt nhưng ông Tú lại được hội cờ người Hoa dưới Chợ Lớn “tự ý” bầu làm Tổng thư ký hội cờ của họ. Một phần, họ rất nể phục tài năng ông Tú. Phần khác, chỉ có uy tín và sự khảng khái của ông Tú mới giúp họ lấy được lại uy thế cho Hội cờ người Hoa ở đất Sài Gòn – Chợ Lớn. Nói chuyện đến đây, chợt thấy Quách Anh Tú trùng xuống: “Nói vậy chứ về cờ giờ mình thua người Hoa xa quá...”.
Đó là một câu chuyện dài về công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân tài mà đến cuối đời, ông Tú coi như là “ước muốn không thể thành được”. Ông tâm sự: “Mình thiếu một đội ngũ nghiên cứu lý luận. Anh em thì giỏi đấy nhưng đánh giang hồ quen, đánh theo quán tính. Gặp người giỏi ở nước ngoài, không ăn được”. Ông kể ra vài kỳ thủ dưới Cần Thơ, An Giang... đánh giang hồ rất giỏi nhưng thi đấu quốc tế lại không được như mong muốn: “Tụi nó ngoài đánh cờ, còn phải chạy xe ôm, kiếm cơm qua ngày. Điều kiện đâu mà nghiên cứu, lý luận”. Ông Tú yêu cờ tướng nhưng lại coi “bên cờ vua, thấy người ta đàng hoàng hơn”. Ông cũng chính là người đầu tiên mua sách cờ vua bên Pháp về, tự bỏ tiền ra dịch thành sách, phổ biến, giảng dạy cho anh em cờ vua. Nhờ đó mà anh em bên đó bài bản hơn, từ nghiệp cờ cho đến nhân cách.
Nguyễn Lê Nguyên

Congaco_H1R5
16-06-2009, 09:23 AM
Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài cuối: Quỷ kế sòng cờ

Từ “cờ úp”, cờ thế...
Khoảng hai chục năm trở lại đây thì “cờ úp” bắt đầu được biết đến nhiều trong giới giang hồ cờ độ. Ban đầu, nó là một môn thể thao xuất phát từ Hồng Kông, kỳ thủ nổi tiếng nhất là ông Triệu Nhữ Huyền.
“Nhất sát” Lê Thiên Vị nói: “Cờ úp” hiểu nôm na là các quân cờ bị lật úp xuống, trừ hai quân tướng được ngửa mặt lên, xếp đúng vị trí”. Còn lại, các quân khác bị úp mặt và được xếp ngẫu nhiên vô các vị trí như bình thường. Chẳng hạn, tại vị trí quân xe, lúc úp xuống, nước đi đầu tiên, nó sẽ được đi theo cách của quân xe. Đi xong nước đó, người chơi mới được ngửa mặt quân này lên. Lúc đó, nó sẽ được “hóa kiếp”: Có thể là con tốt, hoặc con mã, thậm chí là con sĩ; hoặc có thể là đúng quân xe, từ đó trở đi, quân cờ này sẽ đi theo cách thông thường của nó. Bởi vậy, thế trận “cờ úp” sẽ biến hóa khôn lường và... buồn cười. Chẳng hạn, đôi khi sĩ - tượng là “cận vệ” của tướng, theo luật thì chỉ ở nhà giữ cung, thì nay bỗng nhảy vọt qua hà, xông pha chiến trận ầm ầm...
Sang đến Sài Gòn, “cờ úp” được dân cờ độ gọi là “cờ tối”, khác với “cờ sáng” là ngửa mặt quân như thông thường. “Cờ úp” được đem ra giang hồ làm kèo đánh độ, “khách” là những người cờ thấp, chơi “cờ úp” hy vọng vận may nhiều hơn là tính toán. “Nhị sát” Lê Nhị Trí nói: “Người thấp cờ, nếu nước đầu bắt trúng con xe cũng đã có khả năng thắng độ đến 60 - 70%”. Để chắc thắng, giang hồ thường đánh dấu rất kín dưới đáy quân cờ, một vết dao rạch nhỏ hay một vết bút bi. Lúc lâm trận, cứ tìm quân cờ có vết đó mà lật lên trước, thường là quân xe, “hỏa lực” mạnh, dễ tàn phá thế trận từ khai cuộc. Một thời gian sau, mánh này đã lộ ra ít nhiều, khách dày dạn kinh nghiệm có cách đối phó là tìm cách “úp” lên các quân cờ úp một lần nữa, chẳng hạn là cái nắp chai, hay hộp đựng hột xoàn.
Ngoài “cờ úp”, cờ thế cũng hay được đặt tại nhiều bến xe, rạp hát để dụ khách chơi. Cách này đúng là “cờ gian” bởi chỉ sơ sẩy một chút, “gà” sẽ bị đánh tráo quân hoặc bị đặt quân cờ sai so với vị trí ban đầu của thế cờ. Điển hình là thế “Thất tinh tụ hội”. Thế này, mỗi bên còn 7 quân, nhưng quyết định việc thắng hay thua phụ thuộc vô con chốt đỏ ở biên. Con chốt này thường bị đặt ở vị trí... lấp lửng, nhìn qua không ai để ý. Khi “gà” chọn xong bên sẽ đặt cược, dân giang hồ sẽ áp tay lên con tốt này, đẩy lên hoặc lùi xuống một nước để chọn phần thắng về mình.
Đến cạm bẫy “morse” (tín hiệu)
Đây là đòn đánh sát thủ của dân giang hồ. Nó có thể hạ gục một tay đánh độ lão luyện nhưng tham tiền, thậm chí đả bại một kỳ vương nếu không cảnh giác chứ chẳng kể “gà”. Đơn giản nhất là “morse” bằng tay. Người chơi sẽ được cao thủ ngồi bên nhắc nước đi bằng cách ra dấu tay. Rồi đến “morse” bằng điếu thuốc lá. Cao thủ hơn thì “morse” bằng... lời hát, bằng những con số. Qua những tín hiệu này, người được “morse” cứ việc đi cờ theo mà “thịt” đối phương.
Theo “nhị sát” Lê Nhị Trí thì trước đây, bị “morse” nhiều nhất là ông T. chủ một tiệm thuốc Tây rất giàu có. Ông này cực kỳ mê cờ. Đánh độ, mới đầu chỉ là một ly nước, đến một vài phân vàng, vài chỉ vàng; đến khi độ lớn đến hàng lượng, hàng chục lượng, ông T. bị thua hoài mà vẫn mê. Có một dạo, ông T. chuyển sang đánh độ với ông L. bán phở. Ông L. sức cờ yếu, phải kêu cao thủ đến “morse”. Và không chỉ một người, ông L. kêu đến 3 người, cứ thế 4 tay vờn cho ông chủ T. thua lên bờ xuống ruộng. Thua nhiều cay cú, ông T. cũng nhờ đến cao thủ “chỉ giáo”. Để tránh “morse”, gặp nhau một điểm, ông T. lại lôi ông L. ra một điểm khác để bày bàn cờ đánh.
Ấy vậy cũng không thoát. Bên cạnh bàn cờ, thường xuyên xuất hiện những vị khách không mời. Khi thì ông đạp xích lô. Lúc lại là mấy tay bán hàng rong hiếu kỳ... Thực ra đó là những cao thủ “morse” của ông L.
Xưa bên Q.8 có ông T.C mê đánh cờ độ, dù sức cờ yếu nhưng sắp xếp đánh “morse” thì thuộc hàng mưu trí bậc thầy. Lần đó, có ông U.G qua chơi, đòi đánh độ. Ông này cờ cao hơn lại rất giàu có nên T.C đành phải nhờ tới Hứa Kim Thành, biệt danh “đại ma đầu”, kỳ thủ khét tiếng cao thâm. Để “morse” được, T.C phải ngồi áp lưng vô một tấm vách đã được khoét thủng lỗ. Từ đó, “đại ma đầu” mới nhìn xuyên qua, rồi “morse” bằng cách... lấy cọng chổi chọt chọt vô lưng T.C. T.C mới thắng như chẻ tre. Chuyện chỉ bị phát hiện ra khi một lần U.G tình cờ mò vô nhà trong tìm chỗ đi tiểu. Mới thấy tấm lưng thù lù của “đại ma đầu” ngồi sau tấm vách...
Những trận đánh kinh thiên động địa
Khoảng năm 1980, “song kiếm hợp bích” Lê Nhị Trí - Trần Quới ra giang hồ và được Thập Tam tìm đến. Lúc này, có cao thủ Hồng “quán trọ” mới ngoài Bắc vô đòi cáp độ với Thập Tam để đánh lớn. Thập Tam sức cờ yếu, thua Hồng “quán trọ” khoảng một nước rưỡi, bèn nhờ “nhị sát”. Cuộc đấu được diễn ra ở một căn nhà yên tĩnh. Ông Trí nhớ lại: “Hồng “quán trọ” cực kỳ khôn ngoan, đánh cờ chỉ cho hai người vô phòng. Trước lúc đánh ổng cũng đi một vòng kiểm tra trần nhà, bức vách xem có bị hở khe nào không”. Phải đợi cho hai bên đang say máu thì “nhị sát” mới lẻn vô phòng sát bên. Trần Quới phải khẽ khàng trèo lên cao, nhìn qua bức vách để xem thế trận. Ở bên dưới, ông Trí mới luồn qua đáy bức vách một sợi dây. Chờ lúc Hồng “quán trọ” mất cảnh giác, Thập Tam ngoắc đầu sợi dây vô ngón chân cái. Thế là Trần Quới ở trên cao “morse” xuống cho ông Trí, ông Trí lại giật dây “morse” sang cho Thập Tam. Trận đó thắng lớn, sau này Hồng “quán trọ” mới biết chuyện. “Đi dạo gặp nhau, ổng chỉ mặt tụi tôi là ba con vịt khôn nhất Sài Gòn!”, “Nhị ca” nhớ lại.
Cũng phải nhắc lại rằng vào những thập niên 70 - 80, vùng Sài Gòn - Chợ Lớn có nhiều ông chủ Việt, nhiều “xì thẩu” người Hoa giàu có và rất mê cờ tướng, thích chơi độ lớn. Đây có thể coi là “nguồn thu” chủ yếu của giang hồ cờ độ. Chưa kể nhiều đại phú miệt đồng bằng sông Cửu Long cũng xách tiền xuống Sài Gòn, tìm gặp đánh độ với các “kỳ vương”. Tất nhiên là họ thua nhiều nhưng ông Trí lý giải: “Mấy ổng vẫn thích gặp tụi tôi, có người coi đánh độ là học hỏi, có người lại coi được đánh với Trần Quới là vinh dự, cũng có người mê quá, thua rồi ghiền, đòi đánh hoài”.
Kể ra thì có ông T.Th. Lúc đầu, ổng được Trần Quới chấp... cặp mã, rồi chấp hẳn pháo - mã, ổng vẫn thua, Trần Quới phải chấp lên 1 xe, vẫn thua, Trần Quới phải chấp thêm 1 xe đánh phân tiên, ổng cũng thua tiếp. Ấy vậy mà chỉ thích đánh với Trần Quới. Đến mức, Trần Quới phải chấp thế này: Nếu đánh hòa, ông T.Th sẽ được thắng. Nếu ông T.Th thắng bằng chiếu bí, Trần Quới thua hết, ngoài ra phải mất thêm 20% số tiền cược coi như “thưởng ông T.Th đánh giỏi”.
Một lần, “nhị ác” ngồi ở hội cờ Q.5, nhác thấy bóng ông T.Th đậu xích lô ngoài đường, ông Trí nói: “Lác chảy (biệt danh Trần Quới) chuẩn bị nha”. Y như rằng, T.Th xộc vô hối: “Lác chảy hôm nay dám “cự” không?”. Hôm đó “thiên tài” mệt mỏi, với lại cũng không có nhiều tiền nên nói “không”. “Suốt cả buổi sáng, thấy ổng cứ đi ra đi vô xem cờ nhưng vẫn rủ thằng Quới miết” - ông Trí kể: “Tới buổi trưa, thấy ổng ngoắc xích lô, chắc là đi ăn, tụi tôi mới gọi lại kêu ổng ăn xong rồi đánh. Tính giờ đó, người già không minh mẫn, ăn xong sẽ buồn ngủ”. Chẳng dè, ông T.Th tỉnh queo, hối sắp bàn cờ đánh luôn. Anh em ông Nhị mới hùn tiền vô, “đậu” ra cho ổng coi trước rồi mới được đánh. Rồi ông T.Th lại thua tiếp...
Nguyễn Lê Nguyên

trung_cadan
16-06-2009, 10:31 AM
Những thông tin thật bổ ích , cám ơn bác Gà nha !!!

themgaidep
16-06-2009, 10:42 AM
Bác gà có những thông tin đọc sướng nhể =:)=:)

trung_cadan
16-06-2009, 10:52 AM
bấm cảm ơn bác gà đê 'd gái đẹp !!!

themgaidep
16-06-2009, 10:53 AM
Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 3: "Thuận pháo vương"

Năm 1974, giới chơi cờ đồng cảm phục phong danh hiệu "Thuận pháo vương" cho kỳ thủ Phạm Tấn Hòa, một trong những tinh hoa của làng cờ tướng thành phố với bí kíp khai triển hai ngọn pháo xuất quỷ nhập thần.
Bí kíp lót vali
Năm 1959, kỳ vương Hồng Kông Lý Chí Hải sang Sài Gòn thi đấu, mang theo một cuốn sách quý về cờ tướng. Hồi đó, sách Trung Quốc bị cấm ở Việt Nam vì nhiều lý do. Để trót lọt, kỳ vương Hải đã phải tháo bỏ bìa sách, xé từng trang sách rời rạc đem lót dưới đáy vali, hành lý... xem như những tờ giấy lộn. Sang tới Sài Gòn, kỳ vương được kỳ thủ Việt Nam Nguyễn Văn Anh đãi đằng thân mật lắm, nói như ông Hòa thì "sáng cháo, chiều cơm, tối yến"... Cảm phục tình thâm giao, kỳ vương Hải gom những trang sách đó lại, tặng cho người bạn cờ Việt Nam. Ông Anh mới đóng lại thành một cuốn, coi như sách gối đầu giường.
Năm 1969, như duyên trời định, ông Anh tặng lại Phạm Tấn Hòa cuốn sách quý, thậm chí lúc đó ông Hòa cũng không biết nó tên gì nhưng ông dám chắc "ngoài tôi ra không ai có cuốn thứ hai". Đọc nghiến ngấu cuốn sách, ông Hòa thấy nó quá hay, biến hóa khôn lường, đặc biệt ông rất tâm huyết thế trận thuận pháo. Năm 1971, ông Hòa đã phần nào cảm nhận được tinh hoa của thế trận, bắt đầu sử dụng vào những ván cờ, qua đó chiếm nhiều thượng phong. Phải đến 3 năm sau, ông Hòa mới cho rằng mình tạm thời đã nghiên cứu và lĩnh hội xong cuốn sách, lúc đó ông mới biết tên nó là Tượng kỳ trung phong của soạn giả Vương Gia Lương người Trung Quốc.
Ông Hòa giảng giải: "Thuận pháo, hiểu nôm na là 4 con pháo của hai bên đứng cùng một phía của bàn cờ. Tôi đánh thuận pháo, cũng giống như người ta đá banh, sẵn sàng thủ hoặc tiến đôi công với đối thủ". Ông tâm đắc: "Trận thuận pháo, tôi sử dụng thoáng cờ, hoạt động được 2 xe, 2 pháo mạnh mẽ trong khi 2 ngựa tấn công không hiệu quả, đôi khi tôi để ở nhà".
Một thế trận, một đời người
Năm 1974, thế trận thuận pháo lừng danh bắt đầu đăng đàn. Trước giải, ông Hòa đã ngẫu hứng tuyên bố "tôi sẽ dùng thuận pháo để chiến đấu" nhưng các đối thủ dù biết vẫn không thể đối phó nổi. Và "pháo" đã giật đùng đùng! Ông Hòa oanh liệt hạ gục hết đối thủ này đến đối thủ khác để vô chung kết với cao thủ tiền bối Thanh Mai Phạm Nam Đài. Thuận pháo lại giành chiến thắng vang dội. Phạm Tấn Hòa chính thức đăng quang ngôi vị "Thuận pháo vương", qua đó ít nhiều làm lu mờ danh hiệu "Phi pháo vương" của danh thủ Trần Đình Thủy, một phần cũng vì trận "phi pháo" đã không còn bén nhọn, bị đối phương bắt bài nhiều.
Hai năm sau, trước một giải đấu khác, ông Hòa lại tự tin tuyên bố là mình vẫn dùng thuận pháo để chiến đấu. Dù theo ông, lúc đó các cao thủ người Hoa ở Q.5 đã có nhiều tài liệu nghiên cứu để phá thế trận này. Thực tế khi vô giải, đôi lúc thuận pháo đã không còn chiếm nhiều thượng phong ở khai cuộc và trung cuộc. Đến lúc này, bản lĩnh Phạm Tấn Hòa lại một lần nữa thể hiện ở chữ "nhẫn". Trận chung kết, mặc dù cờ về tới tàn cuộc với ưu thế thuộc về đối phương, pháo - ngựa - 3 chốt đối lại với bên Hòa chỉ có pháo - ngựa - 1 chốt nhưng ông Hòa vẫn thắng nhờ "mình chơi cờ tàn bén, yếu quân nhưng tiến công ráo riết nên giành thắng lợi".
Cờ là nghệ thuật - không phải nghiệp mưu sinh
Phạm Tấn Hòa sinh năm 1940 tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống yêu nước và yêu cờ. Ngôi nhà ông ở hiện nay ở đường Cô Bắc, Q.1, đã từng là nơi chứa vũ khí và nuôi dưỡng lực lượng cách mạng. Cha ông là Tư Ngọc, cao thủ cờ hạng tiền bối; chú ông là Năm Sáng cũng là bậc "thượng tướng" trong làng cờ; anh ruột ông là Phạm Tấn Nghĩa có biệt tài chơi cờ mù rất giỏi. Có lẽ do truyền thống vậy mà Phạm Tấn Hòa cũng như nhiều đồng môn danh vọng viên mãn hiện nay - không chú trọng cờ là nghiệp mưu sinh: "Tôi hay anh Tú, anh Vị đều có chung nguyên tắc lấy cờ làm nghệ thuật. Không lấy đó làm nghề kiếm sống".
Phải biết rằng, hoàn cảnh ông Hòa trước đây cũng giống với nhiều kỳ thủ đã trót vận vô "nghiệp cờ", đó là không có điều kiện học hành, thiếu bằng cấp bài bản. Nhưng lối thoát của ông lại hoàn toàn khác: "Nhà tôi trước rất khó khăn. Chơi cờ đã tập cho tôi tính kiên nhẫn, cũng vì đó nó giúp cho tôi tự học văn hóa rất nhiều". Trước năm 1960, Sài Gòn không có nhiều nhà máy, xí nghiệp, để xin được việc làm lúc đó là rất khó. Ông nhớ lại: "Hồi đó, kể cả người bằng cấp đàng hoàng, để kiếm việc làm cũng khó. Có kiếm được việc, mất trước 3 tháng lương tiền "cò" cho người giới thiệu là cũng mừng muốn chết rồi".
Nhờ người quen từ cờ, ông Hòa chẳng bằng cấp gì hết nhưng lại xin được vô làm một hãng dược phẩm của Pháp, cũng chẳng mất trước tháng lương nào. Ông kể: "Trước đó, tôi phải đi coi tiệm bán nón nỉ cho một chủ ở đường Nguyễn An Ninh, coi từ 7 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều, không có thời gian đi học". Tự trang bị cho mình kiến thức, ông Hòa đăng ký học hàm thụ, họ gửi bài vở đến cho ông qua đường bưu điện, ông vừa làm vừa học ở nhà. Rồi ông học thêm tiếng Pháp... "Tôi đến phỏng vấn xin việc với người phiên dịch. Ông chủ Pháp nói, tôi không quen nên nghe không được. Nhưng tôi nói, ổng nghe được. Tôi hứa với ổng, nếu được nhận vô làm, tôi sẽ rèn luyện tiếng Pháp hơn". Vậy là ông Hòa đậu.
Con ông Hòa giờ thành đạt lắm, 5 người thì ai nấy đều có bằng cử nhân, ông còn có đến 7 đứa cháu nội, ngoại. Giờ nghĩ chuyện xưa, ông thấy tự hào: "Nhớ lại quá khứ sao thấy khó khăn quá. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy tự hào về hồi đó, cũng nhờ làm việc cho hãng Pháp mà tôi có điều kiện đầu tư cho gia đình, dù tiền bạc không nhiều". Năm 1971, Phạm Tấn Hòa tham dự giải Tuệ Thành lần 2, vô tận trận chung kết gặp kỳ thủ khét tiếng Trần Đình Thủy. Trước giải, ông kêu thợ mộc tới, hỏi họ muốn nâng thêm cái gác gỗ cho căn nhà đang ở thì hết khoảng bao nhiêu tiền? Vợ ông mới càm ràm "ông bày đặt, tiền đâu mà sửa nhà". Ông Hòa cười, nói vợ rằng "tôi linh cảm sẽ có tiền".
Y như rằng, lần đó ông Hòa giật giải nhất, phần thưởng rất cao là một kim bài bằng vàng, khoảng 2 lượng. Số vàng đó, cộng với những lần đấu thắng giải chắt chiu được tiền thưởng, ông Hòa cất được căn gác gỗ. Chuyện đang rất vui, chợt ông Hòa chùng xuống, tiếc nuối cho lớp kỳ thủ đàn em: "Nhiều đứa coi cờ là nghiệp, từ cờ chuyển sang cả cờ bạc. Giờ dòm lại, không thấy anh nào khá cả. Đứa đạt giải nhiều nhất, được thưởng nhiều nhất lại là đứa nghèo nhất, nợ nần nhiều nhất". Nghe mà xót xa...
*
Gần 3 năm nay, "Thuận pháo vương" đã giã từ làng cờ để về vui vầy với con cháu, một phần vì mắt ông cũng đã mờ, không thấy đường vì bị "teo gai thị". Một ngày tháng 12.2008, tới thăm ông ở căn nhà nhỏ, gặp một phong thái đĩnh đạc, nói chuyện rất say sưa về cờ, về đời. Ông Hòa kể, hồi chưa hỏng mắt, thỉnh thoảng ông vẫn bày trận thuận pháo "chiêu đãi" anh em đến giao lưu, học hỏi. Thế trận vẫn vững mạnh như năm nào, dù tuổi ông đã cao...
Nguyễn Lê Nguyên


Đọc đến phần in đậm này sao nghe chua xót quá, cay đắng quá, thú chơi cờ tao nhã nhưng cũng bạc bẽo lắm thay!3:-O3:-O3:-O

Huy_Hp
20-06-2009, 11:56 PM
Nghe nhiều chuyện giang hồ trong làng cờ độ VN thật thú vị . Ko biết ở bên Tàu , 1 đất nước cờ tướng mạnh số 1 thế giới , họ đánh độ và luyện tập ra sao . Các tay cờ kiệt xuất nhất của họ có đi đánh độ giang hồ như mình không . Các danh thủ của họ có đánh độ với nhau không ? Nếu có thì hình thức đánh như nào ... Có bác nào biết kể cho bà con nghe với :D .

anhtuan138
12-10-2009, 11:52 AM
Ngay cả 1 cao thủ cờ tướng còn nói là "bên cờ vua người ta đàng hoàng hơn, còn cờ tướng thì đánh theo kiểu giang hồ, theo quán tính ko nghiên cứu" . Ko lẽ cờ tướng thua cờ vua chỗ đó sao