PDA

View Full Version : Ván cờ xuân ( Phạm Minh Hoàng)



Detuphatmon
19-06-2009, 12:47 PM
Chung kết đấu cờ đón xuân làng Sở đang bước vào tàn cục.

Tết này đúng vào đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường, trời lạnh tái tê. Từng đợt gió quạt qua sân đình, thổi lá cờ đại treo cao giữa sân bay phần phật, cuốn đám lá vàng khô rụng ào ào chạy về phía hồ bán nguyệt. Người người háo hức kéo đến xem trận chung kết “Cờ người” mỗi lúc một thêm đông. Ai nấy như đang rung lên theo nhịp tiếng trống cái đang dồn dập, thúc giục, lại như mời như gọi. Dù co ro trong những chiếc áo to sụ kềnh càng, đầu chụp kín trong khăn hoặc mũ nhưng mắt mọi người lại chăm chắm nhìn vào bàn cờ, khe khẽ bàn nhau thế này, thế khác...
Đấu thủ Lê Tiến Hưng thấy mặt mình ngột nóng, trán lấm tấm như có mồ hôi vì nước cờ quá bí. Đối thủ bên kia là ông Hảo thì lại bình tĩnh ung dung, cứ nhẩn nha nhấc chiếc điếu cày lúc nào cũng kè kè bên hông, thong thả xoè diêm và rít sòng sọc rồi há mồm phả từng cục khói cuộn lên không trung, vừa như khiêu khích, vừa như chắc thắng.
Thực ra thì Hưng không sợ thế cờ mà ông Hảo đang giăng bẫy chờ anh- cái thế cờ mà mọi người đang mải mê hồi hộp theo dõi- trong ván cờ cuối cùng sau ba ngày đấu loại để phân định nhất nhì, để nhận cái giải quán quân của làng trị giá hơn trăm nghìn bạc này. Anh bí là bí cách giải quyết một nỗi éo le đang canh cánh trong lòng.
Đã thế số người đứng quanh nhòm ngó, xem xét, bàn luận cũng chia ra hai phe rõ rệt, sự bình luận hoặc thầm thì mách nước nghe ra có vẻ thiên lệch bên này bên kia tuy ai cũng cố làm ra vẻ khách quan, công bằng.
Mà đúng là thế thật! Thua cờ là sự lép vế cho cả một dòng họ chứ đâu phải chuyện đùa.
Theo các cụ kể lại, Thành Hoàng làng trước đây là một thủ lĩnh trong ba mươi sáu sứ quân, qui thuận Vạn Thắng Vương, trở thành vị tướng tài ba đánh Đông dẹp Bắc. Khi tử trận, được phong “Nhất dẳng Linh thần”, thờ phụng tại bản quán, chính là làng Sở này. Truyền rằng Thành Hoàng đặc biệt yêu thích môn Cờ tướng, trong trướng trận bao giờ cũng bày sẵn bàn cờ chờ đấu thủ. Tướng cầm quân đảm trách tiên phong công kích đối phương phải là tướng quán quân trong trận đấu cờ nội bộ đầu năm.
Chính vì thế mà trai gái làng Sở ai cũng biết đánh cờ. Hàng trăm năm nay vào ngày Tết, ngày hội, dù đủ thứ trò vè nhưng đấu Cờ tướng thì không thể thiếu. Trước đây, quân cờ là các nam thanh nữ tú vào vai. Bây giờ, kinh phí ít, các cụ đã tiết giảm, quân cờ bằng gỗ như những tấm thẻ bài ngất ngưởng trên các que tre cắm vào bàn vạch vôi và có đục sẵn lỗ trên sân... Không biết tự bao giờ đã thành tục lệ: Mỗi dòng họ được cử ra hai đấu thủ để chọi với nhau. Đấu thủ chiếm giải quán quân làng mang lại vinh quang cho dòng họ, cả họ phải làm cái lễ mâm xôi con gà để tạ Thành Hoàng, và đâu có hội cờ thì đấu thủ chiến thắng ấy được lý dịch trong làng cử đi đấu với thiên hạ. Đã có nhiều cụ cờ cao nổi tiếng một vùng còn lưu truyền tên tuổi đến tận ngày nay. Bởi vậy ngoài sự giải trí, đấu cờ ngày Tết ở cái làng này còn là sự giành giật trí tài hơn kém, còn là danh dự đồng tộc, còn là tướng soái chủ công của vị Thánh làng, oai oai lẫm lẫm cùng vế ngang vai với các loại chức sắc trong làng. Chả thế mà hồi Pháp thuộc có cụ thắng cờ, về nhà mổ lợn khao cả họ.

*
Hôm nay đã là Mùng ba Tết, ngày cuối cùng của hội cờ. Làng có 6 họ thì đấu thủ 4 họ Ngô, Lý, Trần, Phạm đã bị loại khỏi giải nhất nhì. Còn lại cặp sừng sỏ cao cờ của hai họ Lê - Nguyễn quyết chiến để giành giật cái giải trị giá suýt soát nửa tạ thóc này! Quyết không thể nhường nhau giải nhất, mặc dù giải nhì cũng trị giá những bẩy chục nghìn đồng.
Oái oăm thay, Hưng lại là một thanh niên vừa tốt nghiệp Đại học, mặt còn non choẹt còn đối thủ lại là ông Hảo ngang tuổi bố Hưng đã từng dọc ngang trên chiến trường đánh Mỹ và cũng đã “vác chuông đi đấm làng ngoài” có tiếng tăm trong làng cờ tướng. Trước lúc gắp thăm ai đi trước, đi sau, ông Hảo đã giương mắt nhìn Hưng và cười cười đe nẹt:
- Anh học giỏi nhất làng nhưng xem các nước đi của anh chưa phải là giỏi cờ. Cố gắng giữ cái giải nhì cho họ Lê là được rồi.
Có tiếng anh choai choai nào bên ngoài, nói chõ:
-Thế nếu bố thua thì họ Nguyễn phải gán cái Hoa con gái bố cho nó nhá! Hưng cố gắng lên chiến thắng bố Hảo đi, giành giải nhất để bố hết phét lác!
Tất cả cười ran khoái trá. Nhưng tiếng người khác lại át đi:
-Thắng làm sao được bố Hảo? Năm ngoái bố ấy chả giật liền mấy giải của các làng bên đó à? Bố già mà thua thằng chưa vợ thì có...
Vậy mà, một già một trẻ đấu trí nhau đã sắp hết giờ rồi vẫn chưa phân thắng bại. Bàn cờ xơ xác quân binh, mỗi bên còn lẻ tẻ vài quân đang lừa nhau từng miếng...phần thắng mỗi lúc một nghiêng về ông già hiếu thắng luôn luôn nghĩ “ cái bọn trẻ người non dạ, cờ quạt ra cái thá gì, có thắng chẳng qua cũng ăn may chó ngáp phải ruồi!”

*
Trên bàn cờ con “cầm trịch” đặt tại hiên đình, những quân cờ cũng được sao lục nguyên si như ngoài bàn chính. Chỉ có số ít người xúm quanh chỗ ấy, để làm” thầy dùi “ một cách tự do, họ thả cửa phán đoán những nước đi rồi chê bên này kém, phê bên kia khờ, đáng nhẽ phải thế này, phải thế kia... Ông nào cũng làm như mình là Đế Thiên, Đế Thích giáng trần, nước đi của mình mới là chuẩn, là đúng. Họ cãi nhau, văng tục và kháy nhau:
- Giỏi thế sao không vào đấu thử!
Hai người “ Cầm trịch “ ngồi đối diện nhau ở bàn cờ con này cũng đang nóng tai đỏ mặt trước những lời bàn. Một là ông Nghệ- bác trưởng họ của Hưng, người kia là ông Hếch em họ ông Hảo. Cả hai người đều mâm mẩm giải nhất sẽ thuộc người họ mình “ Đợi đấy, rồi sẽ biết tay nhau “
Chả thế mà lúc nghỉ trưa nay để chiều vào trung kết, ông Hếch đã nói với ông Hảo:
- Mấy năm nay ông chưa thua ai ở cái làng này. Năm nay lại có thằng trẻ ranh tranh giải với ông, liệu liệu đừng để mang tiếng cho cả họ.
Ông Hảo cười toá lên:
- Chú đứng có lo. Bọn thanh niên chỉ “chộp” là nhanh, tôi lừa cho mấy nước là “ bó giáo quy hàng” ngay ấy mà...
Còn ông Nghệ đến tận nhà Hưng nghiêm mặt mà nói:
- Mày phải thắng cái lão Hảo ấy cho tao, năm nay quyết không để cái giải nhất cho họ Nguyễn nữa!
- Ông ấy cao cờ có tiếng vùng này, nhỡ cháu không thắng nổi ông ấy thì sao?
- Thì sao? Thì sao?... Thì mày đừng ở cái họ này nữa. Tao đã mất bao nhiêu công đi tìm mượn sách cờ thế cho mày nghiên cứu, lại huy động mấy đứa làm mọi việc cho mày luyện cờ. Thắng gần hết làng rồi chỉ còn cái lão già kỳ cựu bảo thủ này mà không hạ nổi, thì nhục cho họ này lắm con ạ. Tao chọn mày ít tuổi để hạ lão là có chủ ý của tao..
Ngưng một lát bác lại nói:
- Trước Tết, họp Hội Người Cao tuổi bàn chuyện các họ cử người đấu cờ, cái lão Hếch còn nói mỉa: “Chả biết các họ đỗ đạt làm vương làm tướng ở đâu. Chứ riêng môn cờ thì cái giải nhất năm nào cũng biết điều chui vào họ tôi tuốt”. Chẳng họ mình học hành cao nhất, lại có cả chức Giám Đốc, Trưởng Phòng cơ quan Tỉnh, Huyện thì còn cái họ nào ở cái làng này nữa?
A, Thì ra các cụ tức nhau mà định chơi xấu nhau đây. Đúng vậy thì Hưng quyết hạ bệ cái nhà ông Hảo cho cả họ này bõ tức. Nhưng còn....
Chưa nghĩ hết, ngoài ngõ đã có tiếng con gái eo éo gọi to:
- Anh Hưng, anh Hưng ra đây em hỏi?
Hưng vừa chạy ra, Hoa đã ghé vào tai nói nhỏ:
- Nghe chiều nay anh tranh giải cờ với bố em phải không? Liều liệu mà đánh, ông “ bô” hay tự ái lắm đấy. Để ông thua thì khó khăn cho việc của chúng mình... Hai họ đang mâu thuẫn ngấm ngầm, việc của chúng mình lại chưa công khai báo cáo với hai gia đình...
- Sao việc của mình lại liên quan đến đánh cờ?
- Anh cao học mà chẳng hiểu gì cả. “Bố vợ phải đấm” thì tức anh ách, ai mà chịu được.
Về nhà hỏi mẹ mới té ra là: Cái thời thằng Tây chiếm đóng vùng này, họ Nguyễn theo địch. Ông Hảo làm Hội Tề mang Tây về đốt nhà họ Lê Việt Minh Cộng sản, lại lợi dụng thế địch cuỗm luôn cô người yêu bác Nghệ, lúc ấy bác đang là cán bộ thoát ly.
Ôm hận từ đấy, trai gái hai họ một thời không được lấy nhau. Nay Hưng, Hoa cùng đi học ngoài Hà Nội lại đã chót hẹn hò, chỉ định hè này là Hưng bảo mẹ có cơi trầu chạm ngõ.

*
Trống vẫn thúc vội, người quây quanh lúc càng đông thêm.
Một già một trẻ đang điều quân khiển tướng trên bàn cờ xơ xác sau những tiêng reo của bọn trẻ bên ngoài: “ Chặt xe, giết mã, thịt tốt, phạt sĩ, chém tượng, nổ pháo, chiếu tướng...” Chỉ nghe mà không nhìn thì dễ dàng tưởng tượng ra một cuộc sát phạt đẫm máu trên chiến trường đâu đó.
Trong bàn trịch, ông Nghệ đã nóng gáy lắm rồi, ông chửi tục:
- Đ.mẹ cái thằng. Không chọc xe xuống làm nước chiếu tướng còn ngẫm nghĩ cái gì...
Ông Hếch cười mỉa:
- Chọc đi! Chọc đi, không sợ thằng pháo nổ vỡ đầu à?
Bỗng ngoài bàn chính reo to:
- Đấu xe! Đấu xe.
- Mất xe thì bố Hảo thua là cái chắc.
Quả thật bố Hảo đang vênh vang chắc thắng, vừa đưa xe vào giữ mặt tướng thì Hưng như chộp được cơ hội gỡ thế bí trong lòng, liền tạt xe vào chân sĩ đấu luôn. Buộc phải đấu, thế mã tốt bên Hưng hơn hẳn thế trơ một pháo một sĩ của đối phương khiến bố Hảo vã mồ hôi thật sự.
Ngoài bàn trịch, ông Nghệ vỗ đen đét vào đùi:
- Thằng bé thế mà giỏi! Khối kẻ chuyến này hết khoác lác.
Ông Hếch chạm lòng, chả vì lâu nay ông thường vỗ ngực: chỉ có họ Nguyễn nhà ông là cao cờ nhất làng nhất xã, nay thua thằng nhãi nhép thì ê mặt quá còn gì. Sự bực tức ấy làm ông xám mặt và dồn vào ông anh họ cầm quân ngoài bàn chính:
- Đi nước thấp quá, cờ quạt như cái con c.!
Ngoài sân lại ồn ào:
- Ơ kìa sao thằng Hưng lại đánh cờ lạ thế, hai bên hết sạch quân còn trơ tướng sĩ thì còn đánh chác gì. Hoà rồi! Hoà rồi.
Trống cái đổ hồi kết thúc. Ông Hảo nắm chặt tay Hưng:
- Cháu đánh khá lắm. Bác biết cháu cố tình làm cho ván cờ hòa khi phần thắng dã nghiêng về phía cháu.
Vơ quân trên bàn cờ trịch, ông Nghệ vừa tiếc thế cờ hay, vừa giận cháu, chửi đổng:
- Cha bố nó, đồ dại gái!
Ngẫm một lát, như chợt nghĩ ra điều gì, ông gật gật cái đầu hói:
- Hoà thì hoà. Ừ! Cái thằng trẻ người non dạ thế mà sâu sắc hơn mình một cái đầu.
Ông Hếch thì cũng như cất được gánh nặng trong lòng, cả cười hơ hớ:
- Hoà! Hoà, hai họ cờ hoà, chẳng họ nào thắng họ nào. Hay! Hay! Nước cờ thế mà hay.
Trong đình, Ban Giám Khảo bàn luận sôi nổi, không có lẽ giải nhất lại chia đôi. Thôi đành gắp phiếu là công bằng nhất. Lúc mời hai đấu thủ cho ý kiến thì Hưng lại chủ động:
- Xin giao cả cho bác Hảo đại diện hai họ nhận ạ. Hai họ chúng cháu cùng đón nhận, rồi cùng bàn bạc giải quyết ạ.
Mọi người hoan hô khen ngợi. Ông Trưởng Ban còn vỗ vai Hưng:
- Ý kiến chú mày còn giúp cho địa phương giải quyết được vấn đề lớn tồn tại lâu nay giữa hai họ đấy.
... Lúc nhận giải ra về, ông Hảo cứ dặn đi dặn lại Hưng rằng:
- Mai mồng bốn Tết, bác mới hoá vàng tiễn các Cụ, thế nào cháu cũng mời mẹ cháu và bác Nghệ cùng sang dự liên hoan với bác nhé. Mày không nói, Bác lại phải cho con Hoa đi mời đấy.
Ngoài đường, người ra về sau khi xem hội cờ, người đi chơi Tết tấp nập, tiếng cười nói ran ran. Trong đám thanh nữ đang ríu rít có một cô, mặc cho đám bạn trêu đùa và chỉ trỏ vào đình, hai má đỏ ửng vì sung sướng, vì kiêu hãnh, vì tình yêu của cô đã thắng...
Bầu trời u ám của buổi chiều vừa rạng bừng một dải nắng xuân./.

Hết.

ngoa_long
19-06-2009, 02:07 PM
Hehe truyện đọc vui phết,
Lời khuyên : nếu biết trước nhạc phụ tương lai ham mê cờ thì anh em cố mà tu luyện để thắng ông ta thì kiểu gì cũng cua được cô con gái . Chính vì vậy anh em nên lo xa ngay từ bây giờ là vừa .

themgaidep
14-07-2009, 03:57 PM
Lời bình về Ván cờ Xuân

Nó chỉ là một giải cờ cấp làng vào ngày xuân năm mới. Giải không cao chỉ đáng nửa tạ thóc. Thế mà cũng gay go quyết liệt không khác gì một giải cấp quốc gia. Nó là danh dự của cả một dòng họ. Chuyện làng quê mình ngày xưa và cả bây giờ vẫn thế. Dòng họ này có nhà cao cửa rộng ư, thì dòng họ kia cũng không thể muối mặt nhìn dòng họ mình ăn ở rách rưới. Sự so kè từng chút, từng chút một là một tập tục cho đến hôm nay hình như vẫn chưa thể mất đi trong những làng quê Việt Nam chúng ta. Nếu nhìn vào góc độ tích cực thì sự ganh đua ấy lại tạo ra ở thôn quê Việt Nam một không khí làm ăn, tạo dựng quê hương mỗi ngày một tươi đẹp hơn, giàu sang hơn, phú quý hơn. Nhưng ở một góc độ nào đó nhiều khi chính sự ganh đua ấy là tạo ra những hiềm khích không cần có.

Truyện ngắn VÁN CỜ XUÂN của Phạm Minh Hoàng dựa vào khía cạnh thứ 2 này mà khai thác cốt truyện. Chuyện chỉ đơn giản như thế này thôi: ván cơ chung cuộc của làng diễn ra giữa một ky thủ vào loại lão làng đại diện cho họ Nguyễn với một cậu thanh niên mới lớn, tốt nghiệp đại học, đại diện cho họ Lê. Nhưng chuyện không chỉ diễn ra trên ván cờ với niềm kiêu hãnh của hai dòng họ Lê và Hoàng. Nó còn là cuộc cờ mà thắng thua đã diễn ra từ mấy đời nay cùa hai dòng họ này. Thắng không chỉ là nửa tạ thóc mà còn thể hiện cái thế trên cơ giữa dòng họ này với dòng họ kia. Trong đó có những món nợ được coi là truyền kiếp giữa hai họ. Họ Nguyễn thì tự hào bao nhiêu năm nay giải nhất bao giờ cũng vào tay họ. Nhưng họ Nguyễn lại có cái " phốt" ngày xưa theo địch, đó là nỗi nhục của làng, không thể để họ thắng được. Còn họ Lê, chưa có địch thủ với họ Nguyễn, hôm nay lại đưa một đứa trẻ ra thì đấu thì xem ra có vẻ coi thường họ Nguyễn quá. Thế trên bàn cờ chẳng qua chỉ là một cái cớ, mà cái thế vênh vang dòng họ mới đang phải lao tâm khổ tứ.

Vàn cờ tàn. Cái thắng cái thua tưởng như đã an bài. Người dày dạn kinh nghiệm của dòng họ Nguyễn đã đẩy đứa trẻ của dòng họ Lê vào thế bí. Nhưng thật bất ngờ, tuổi trẻ có sức sáng tạo bằng một nước cờ mà kỳ thủ dòng họ nhà Nguyễn phải kinh ngạc. Thế thắng đã bày ra. Niềm vui của dòng họ Lê đang chờ phút vỡ òa. Thì thêm một nước cờ nữa của cậu thanh niên làm mọi người ngơ ngác. Cờ hòa. Ý tứ của người viết, điều người viết muốn lóe sang ở đây. Một nước cờ thôi mà hóa giải và chấm dứt tất cả mọi hiềm khíchcùa hai dòng họ. Không có niềm vui chiến thắng nhưng có niềm vui lớn hơn đó là kết lại tình làng nghĩa xóm, tạo dựng lại tình thương yêu giữa người với người trong một cộng đồng truyền thống của người Việt. Tình tiết mối tình giữa cậu trai họ Lê và cô gái họ Nguyễn đã khép lại câu chuyện nhẹ nhàng của Phạm Minh Hoàng nhưng có ý nghĩa: bằng tình duyên của họ đã tạo dựng được sự gắn bó chặt chẽ hơn trong thôn xóm, làng quê.


(St)

trung_cadan
14-07-2009, 04:41 PM
Gái đẹp giỏi nhặt nhạnh nhể !!! :D

themgaidep
14-07-2009, 04:44 PM
Gái đẹp giỏi nhặt nhạnh nhể !!! :D

UH, Super mod lười như hủi ấy >:P>:P>:P>:P

trung_cadan
14-07-2009, 04:49 PM
Ta đang bận nha , nhà ngươi biết rồi còn j :-??