PDA

View Full Version : 1000 năm Thăng Long



CXQ
23-03-2010, 11:34 PM
Đất Đại La năm xưa vua Lý Công Uẩn dời đô nay đã gần tròn nghìn năm tuổi. Đã có bao thế hệ nhà thơ từng chắp bút viết về mảnh đất rồng bay này: từ những người con ở phương trời Nam cũng đã viết “Ai đi xứ Bắc ta đi với – Thăm lại non sông giống Lạc Hồng – Từ độ mang gươm đi mở cõi – Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”, hay tình cảm của những người chiến sĩ năm xưa rời thủ đô đi chiến đấu “Người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” đã trở thành hình ảnh bất tử trong mảng thơ văn dành riêng cho Hà Nội.


http://dotchuoinon.files.wordpress.com/2010/03/1000namthanglonghanoi.jpg

Hà Nội đó của ta ngàn năm tuổi vẫn đẹp. Cái đẹp mộc mạc và thanh bình, giản dị đấy mà vẫn làm đắm say biết bao lòng người. Vẻ đẹp đó len lỏi trong từng góc phố, núp trong từng gánh hàng rong, luẩn quẩn trong tà áo dài của các thiếu nữ Hà thành, vẻ đẹp đó hiện lên dũng mãnh khi Hà Nội từng bao lần rung chuyển chống lại sự xâm lược của kẻ thù. Con rồng Thăng Long năm xưa đã từng bay lên báo hiệu cho Vua nhà Lý đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, đã từng bừng bừng khí thế trong “cơn lốc” cách mạng tháng 8, đã từng vùng đứng lên trong mùa đông năm 1946 theo lời bác, đã từng ầm ầm rung chuyển trong đau thương bom Mỹ năm 1972… và con rồng đó đã bay cao hơn nữa khi Việt Nam gia nhập WTO… Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Hà Nội vẫn đứng vững vàng là thủ đô của một đất nước đang thuận đà phát triển. Hãnh diện lắm chứ, tự hào lắm chứ. Trong thời kì hội nhập hiện nay, bất lợi có không ít nhưng lợi thế cũng không phải là nhỏ, chúng ta đã và đang nỗ lực hết sức mình để tạo đà giúp con rồng Thăng Long bay cao hơn, xa hơn nữa.


http://dotchuoinon.files.wordpress.com/2010/03/1000-nam-thang-long-ha-noi.jpg

Tháng 10 này, con rồng Thăng long tròn nghìn năm tuổi, một năm tuổi để tái sinh, một năm tuổi hứa hẹn nhiều điều mới mẻ hơn nữa. Bạn và tôi, chúng ta có thể làm một điều gì đó để góp phần kỉ niệm đại lễ 1000 năm này. Dù chúng ta có ở Việt Nam hay đang học tập và làm việc ở khắp các phương trời trên thế giới, chúng ta vẫn có thể làm được điều gì đó dù là nhỏ bé cũng được. Các bạn hãy cùng nhau viết những cảm nhận của mình về Hà Nội qua từng năm tháng thông qua những bài hát, những bài thơ từ xưa đến nay hoặc là những cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm của mình để làm một món quà sinh nhật dành tặng thủ đô văn hiến.

Đừng ai e ngại là muộn, vì “better late than never” ^^, chúng ta đâu có thi đua với ai, chỉ là để bày tỏ tình cảm của mình với Hà Nội thôi mà. Chẳng cần vỗ ngực đi khắp nơi, “tôi yêu hà nội đây này”, chúng ta chỉ cần giữ hình ảnh thân thương của Hà Nội trong trái tim mình là đủ. Hà Nội hào hoa, Hà Nội hào hùng, Hà Nội đổi mới…Hà Nội của chúng ta

Sinh ra và lớn lên ở thủ đô ngàn năm văn hiến, như một lẽ tự nhiên, tôi yêu Hà Nội. Tôi cũng chắc chắn là không chỉ có mình tôi mà đã có hàng ngàn, hàng vạn hàng triệu thế hệ người Hà Nội đã, đang và mãi yêu Hà Nội. Cho dù bạn là ai, bạn ở nơi đâu, bạn đang làm gì, bạn có phải người Việt Nam hay không, tôi tin chắc rằng dù nếu một khi bạn đã từng ở, hay từng gắn bó với nơi này, bạn cũng sẽ yêu Hà Nội như (hoặc thậm chí là yêu hơn) tôi yêu Hà Nội.

Hãy cùng tôi, chúng ta thực hiện “dự án NGHÌN NĂM” này nhé. Cảm ơn các bạn!

Nguyễn Thu Hiền

cuongsym
24-03-2010, 01:20 AM
Các members của “Đọt Chuối Non”

em chẳng hiểu phần này lắm, các pác cho em mở rộng tầm mắt với. Cám ơn các pác.

loan
30-03-2010, 09:11 AM
HÀNG QUÀ Ở HÀ NỘI NGÀY XƯA

Văn Ngọc
Tạp chí Tia Sáng

Mỗi lần nhớ lại những hàng quà ngày xưa ở Hà Nội, là tôi lại nhớ lại cả một quãng đời thơ ấu. Nhớ lại những tiếng rao, tiếng động phố phường, mới ngày nào còn gần gũi ...

Những tiếng xe cộ lúc sớm mai trên đường phố, những tiếng rao quà trong trưa nắng, những tiếng hát của người xẩm loà lúc phố xá lên đèn, tất cả những âm thanh đó, những hình ảnh đó, đã ghi khắc vào tâm hồn tôi.

Ôi, những hàng quà xưa, kỷ niệm êm đềm của một thời xa vắng.

Ở Hà Nội ngày xưa, nhất là ở các phố buôn bán trong khu phố cổ, người ta có thói quen ăn quà từ sáng đến tối, và lúc nào cũng có hàng quà! Bọn trẻ chúng tôi - và ngay cả người lớn - chỉ biết thưởng thức các món quà đó một cách ngon lành, và vô tư, còn tìm hiểu tại sao lại có cái truyền thống “ăn quà” ấy, tại sao Hà Nội lại có những món ăn ngon ấy, thì dường như chẳng ai nghĩ tới!

Ngay cả khi lớn khôn lên, nghĩ lại, tôi cũng vẫn thấy khó lý giải được các hiện tượng này, kể cả cái thị hiếu, nói chung, của người Hà Nội, từ sự chọn các món ăn, cho đến sự lựa chọn các hàng quà!

Người ta thường bảo người Hà Nội ăn uống cảnh vẻ, kén chọn. Hồi nhỏ, mẹ tôi nói thế, và tôi nghe cũng chỉ biết vậy, nhưng chắc hẳn điều đó phải có một phần đúng. Người ở đất cố đô nào mà chẳng thế? Thật ra, ăn uống “kiểu cách”, “đài các” thực sự, thì có lẽ phải nói đến người Huế, nhất là trong các gia đình khá giả, quyền quí! Nhưng đấy là chỉ nói về cách ăn uống và các món ăn trong các bữa cơm thôi, còn quà thì có lẽ không đâu phong phú và “thanh lịch” như ở Hà Nội. Cùng món phở, cùng món bún chả đấy, nhưng chỉ cần đi về một địa phương nào đó, là đã thấy khác rồi!

Sau này, càng lớn lên tôi lại càng nghĩ rằng, nếu cứ thả cửa ra thì người Hà Nội cũng thích ăn uống xô bồ, cũng ưa “nhậu nhẹt” như ai thôi! Bởi một lẽ đơn giản là người Hà Nội, ngay từ xưa vốn vẫn là dân tứ chiếng (tứ trấn: Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Đông, Sơn Nam), từ các vùng quê Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Đông, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Phủ Lý, Nam Định, Thái Bình, v.v. kéo nhau lên Kẻ Chợ làm ăn, rồi định cư ở đây. Có gia đình đã định cư từ lâu lắm rồi, song có lẽ ít ai gốc gác Kẻ Chợ từ quá năm, sáu đời nay!

Tuy nhiên, khi cái vòng luẩn quẩn khép lại, thì những gia đình vốn chỉ là dân buôn bán, gốc gác “tứ chiếng”, từ nông thôn lên kia, lại muốn duy trì một thứ nề nếp nào đó - mà thật ra họ không có - như một kiểu “học làm sang”, một cách làm cho “phải đạo”! Họ cũng dạy con cái “ăn nói” sao cho dịu dàng, lễ phép, và cũng chính họ mới là những người quan tâm đến truyền thống ẩm thực nhất, và biết... ăn quà nhất!

Tầng lớp thương gia, tiểu thương, thủ công nghệ, vẫn luôn luôn đóng một vai trò tích cực trong đời sống đô thị. Còn những gia đình thật sự là cổ ở Hà Nội, thì trước hết là rất hiếm, sau nữa, là vì đã là nhà gia giáo, ông bà cha mẹ có chút ít Nho học, thì giáo dục ở trong nhà cũng nghiêm khắc hơn, ăn uống cũng thanh đạm hơn, con cái có khi không được ra tới ngoài đường để ăn quà nữa!

Hà Nội luôn luôn có những cư dân mới đến nhập cư, từ trong Thanh, trong Nghệ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thậm chí có cả những người tập kết từ trong Nam ra rồi ở hẳn lại ngoài này. Đấy là chưa kể những đợt di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị từ những năm 54 - 55 trở đi, đã du nhập đến đây nhiều tập quán lai tạp, xô bồ, từ trong cách ăn nói, cách phát âm, cho đến phong cách ăn, mặc. Bây giờ “lời ăn tiếng nói” của người Hà Nội cũng không còn như xưa nữa!

Nói chung, từ ngày đất nước thống nhất, văn hoá ẩm thực cũng đã thừa dịp giao lưu tự do, thoải mái! Chẳng thế mà từ nhiều năm nay, ở các “chợ vỉa hè” Hà Nội, thấy có đầy những hàng bán trứng vịt lộn, người ngồi ăn xì xụp, điều mà trước kia không bao giờ có! Cũng như những hàng “cơm bụi”, trước kia đâu có? Có chăng là những hàng “cơm bình dân” dành cho người lao động, thường cũng là những hàng quán kín đáo, chứ không khi nào lại lấn ra vỉa hè! Có lẽ truyền thống “cơm bụi” đã được nhập trực tiếp từ nông thôn, rập theo khuôn mẫu các hàng quán ở “chợ quê” chăng?

Có phải vì Thăng Long là chốn đế đô cũ, là đất “ngàn năm văn vật”, mà người Hà Nội xưa có tập quán ăn uống “cảnh vẻ” và “kén chọn” không? Điều này có thể là đúng, ít ra về mặt cảnh vẻ, “thanh lịch”, còn ăn uống “kén chọn” lại là một chuyện khác nữa, và có những lý do khác.

Kẻ Chợ vốn là nơi tập trung nhiều truyền thống ẩm thực từ nhiều địa phương đem đến, cho nên người Hà Nội có cái thuận lợi là có được một sự chọn lựa rộng rãi. Những gì không ngon đều bị loại đi ngay, còn những gì mới mẻ, độc đáo cũng phải trải qua một cuộc thử nghiệm khe khắt rồi mới được sự đồng thuận của mọi người !

Tôi không tin rằng cái gu ẩm thực của người dân Kẻ Chợ trước kia đã chịu một ảnh hưởng đáng kể nào của các triều đại vua chúa đã từng ngự trị ở đây! Có chăng, thì cái ảnh hưởng đó cũng không phải chỉ một chiều. Có những quà “tiến” vua, như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà (nghe nói vải thiều của ta đã được “cống” cho vương triều nhà Đường (618 - 906), dưới thời Dương Quý Phi). Những thức ngon, vật lạ này thực ra cũng chỉ là những sản phẩm do nhân dân sản xuất ra, tiếng đồn lan truyền, rồi đến một lúc nào đó trở thành quà tiến vua. Song, chắc hẳn cái sự kén chọn của các tầng lớp quí tộc đã ảnh hưởng trở lại lên cái gu của quần chúng.

Ngược lại, cái gu dân dã của “thị dân”, do không bị ràng buộc bởi những ước lệ gò bó, nên đến một trình độ phát triển nào đó, lại hấp dẫn, chinh phục được thị hiếu của các vua chúa: Nghe nói, ngay từ thời Trần, thỉnh thoảng đêm hôm vua vẫn cải trang đi chơi ra ngoài hoàng thành, vào chơi những khu dân ở; thời vua Lê chúa Trịnh, các chúa đều xây cung điện ngay ở trong khu của dân (điều này thì có chứng tích hẳn hoi). Không biết thời đó đã có các hàng quà chưa? Đặc biệt là đã có phở chưa? Và các vua chúa cải trang đi tối, có dám dừng lại ăn quà ở ngoài phố không? Đó cũng là những điều bí ẩn, mà ngày nay ta chỉ có thể phỏng đoán, chứ không thể nào khẳng định được !

Song, cứ nhìn vào kinh nghiệm lịch sử của các nước khác mà suy xét, thì điều đó chắc hẳn đã phải có. Ở Nhật, khi thành phố Edo trở thành kinh đô mới (thế kỷ XVI), khi tầng lớp phú thương, những “nhà giàu mới” rủng rỉnh tiền bạc, có đôi chút uy quyền, lại muốn “học làm sang”, thì cái gu ở đây cũng xuất phát từ tầng lớp thị dân mới này, chứ không phải từ tầng lớp quí tộc nữa: Lúc đó tranh khắc gỗ “phù thế” (Ukiyo-E) được tôn vinh, làm lu mờ hẳn những bức tranh cổ điển, lỗi thời và buồn tẻ, treo trong các cung điện của vua chúa.

Cũng như khu thanh lâu Yoshiwara nổi tiếng của kinh thành Edo thời đó cũng đã hấp dẫn không biết bao nhiêu là các vương hầu, khanh tướng! Cũng vậy, ở Trung Quốc, khi vua Càn Long nhà Thanh cải trang du hành một mình tới Giang Nam, thì nhà vua cũng đã có dịp quan sát, học hỏi được không biết bao nhiêu điều kỳ thú trong đời sống thường ngày của nhân dân.

Một thí dụ cụ thể khác, để thấy rằng cái gu ẩm thực của người Hà Nội luôn luôn được nuôi nấng, bổ sung bởi cái gu dân dã của các “vùng quê gốc” của mình. Chiếc bánh chưng mà người dân Hà Nội thường ăn, thường gói và luộc vào tối giao thừa, chỉ được cái thanh cảnh, còn thì không phải là thứ bánh chưng ngon nhất. Ở Thái Hà ấp, nhà bà ngoại tôi ngày xưa, tôi đã từng được ăn một thứ bánh chưng gói theo truyền thống của làng Bông, Hưng Yên, bánh gói dẹp, to gấp đôi, gấp ba bánh chưng thường, và ngon hơn nhiều, nhất là bánh chưng đường!

Mấy thí dụ nêu trên cốt chỉ để minh chứng rằng cái gu dân dã của quần chúng, dẫu là dân “tứ chiếng”, đôi khi cũng có một ảnh hưởng quyết định lên cái gu của thị dân, nói chung.

Trở lại câu hỏi: Tại sao Hà Nội lại có nhiều hàng quà, và cái truyền thống hàng quà này đã có từ bao giờ?

Ai cũng biết, cái tên Hà Nội mới chỉ có từ thời vua Minh Mạng (1830). Trước kia, người ta thường gọi nơi này là Kẻ Chợ, tên chữ Thăng Long chỉ để dùng trong các văn tự hành chính, hoặc trong văn chương, từ thời nhà Lý trở đi (1010).

Cái tên Kẻ Chợ nôm na, quê mùa, thoạt nghe hơi là lạ, nhưng xét cho cùng, lại thấy rất chính xác!

Hà Nội không biết từ bao đời nay vẫn là một nơi trao đổi buôn bán giữa thành thị và nông thôn, nơi hàng hoá, vật dụng, thức ăn, thức uống, hoa quả, và hàng quà (nhất là hàng quà!), đổ về từ mọi miền đất nước. Phần lớn các mặt hàng là để phục vụ cho người dân thành phố, song cũng có những mặt hàng dành cho khách từ nông thôn lên mua. Bởi thế cho nên, để bảo đảm chức năng ấy, Kẻ Chợ không chỉ gồm có các phường nghề, các chợ, mà còn có cả một hệ thống các hàng rong nữa.

Các phường sau này trở thành phố buôn bán, với các cửa hiệu chuyên về từng thứ mặt hàng một, như: Hàng Gạo, Hàng Khoai, Hàng Đậu, Hàng Bún, Hàng Đường, Hàng Bột, Hàng Cá, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Giò, Hàng Cau (Hàng Bè), Hàng Cân, Hàng Bồ, Hàng Bát, Hàng Khay, Hàng Than, v.v. Đấy là ta chỉ nói đến các phố có liên quan đến vấn đề ẩm thực.

Các chợ, thường được bố trí ở những nơi giao thông thuận tiện, như chợ Gạo ở bờ sông Cái, chợ Bắc Qua, chợ Bạch Mã ở bờ sông Tô Lịch, trước kia trên bến dưới thuyền tấp nập. Các chợ khác, như chợ Đồng Xuân, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Mới Mơ, chợ Bưởi, v.v. đều nằm dọc theo các đường tàu điện nối liền trung tâm thành phố với các cửa ngõ thông ra ngoại ô.

Một số hàng rong, hàng quà được sản xuất ở ngay tại các phường phố cổ, hoặc ở các làng nghề ngoại thành, chẳng hạn như: Bánh gai Hàng Bè, bánh giò Đờ Măng (Phùng Hưng), bánh cốm Hàng Than, phở, bánh tôm, bánh cuốn nhân thịt, bún chả, xực tắc, xôi lúa, xôi xéo, xôi lạc, xôi dừa, xôi đỗ đen, xôi lạp xường, giò, chả, bánh dầy, bánh giò, bánh tây pa-tê, kẹo vừng, kẹo bột, kẹo lạc, kẹo hồng, kẹo mạch nha, ô mai, lạc rang (phá xang), tàu phớ, thạch đen, thạch trắng, chè chân châu glacé, sấu dầm, kem que, xề cớ, lục tàu xá, chí mà phù, bát bảo lường xà, bánh bò chê, thịt bò khô, lốc bểu, v.v. Nhưng một số sản phẩm khác lại được đem đến từ những vùng nông thôn xa, như: Bánh dầy Quán Gánh (Bần Yên Nhân), bánh cuốn Thanh Trì (Hà Đông), cốm Vòng, bánh đậu Hải Dương, nhãn Hưng Yên, vải Thiều (Thanh Hà, Hải Hưng), cam Bố Hạ (Phú Thọ), đào Sa Pa, hồng, mận Lạng Sơn, bưởi Nghệ, Biên Hoà, xoài Cao Lãnh (Tiền Giang), v.v. Một số hàng quà quen thuộc khác ở Hà Nội mà tôi không còn nhớ nơi xuất xứ, như: Bánh trôi, bánh chay, bánh mật, bánh do, bánh gai, bánh khúc, bánh đa, kê, bỏng, bánh đúc nộm, riêu cua, bún bung, bún ốc, v.v. chắc cũng từ các vùng ngoại ô đem vào. Quê của đẻ già tôi ở làng Cói, bên Bắc Ninh, có mấy nhà làm bỏng, kẹo xìu, kẹo lạc, gánh lên Hà Nội bán, nhưng chắc còn nhiều nơi khác chuyên về làm bỏng hơn.

Hàng quà, hàng bánh truyền thống ở Hà Nội tuy nhiều thế, nhưng người Hà Nội cũng đã để lọt không “nếm” hết được tất cả các món quà ngon của các vùng quê xung quanh, lẽ ra cũng hợp với khẩu vị của họ, như món bánh đúc nóng hành mỡ, chẳng hạn: Năm 1944, khi trường tôi dọn xuống Tương Mai, để tránh bom Mỹ - Nhật, tôi đã được nếm một món bánh đúc nóng hành mỡ ngon tuyệt vời ở đây. Chưa bao giờ tôi được ăn một món quà sáng ngon như thế! Bánh đúc nóng được đổ vào một chiếc bát đàn rất nông, miệng xòe ra, và được rưới hành mỡ nóng lên trên! Trông thì đơn giản, nhưng nếu gánh đi bán ở trên đường phố Hà Nội, thì không biết phải sửa soạn trước ra sao, và rồi bày bán thế nào? Có lẽ vì quá diệu vợi và chẳng bõ công gánh gồng, cho nên người ta mới không đem cái món quà rất dân dã, nhưng lại rất ngon này lên tỉnh bán!

Nói về các hàng quà ở Hà Nội, để cho dễ phân biệt, có thể chia ra làm: Quà sáng, quà trưa và quà tối. Tuy nhiên, có những món quà ăn suốt ngày được, như: Phở, bánh cuốn, xôi, v.v., nhưng thông thường, đứng về mặt hàng quà, thì buổi sáng thường có: Phở, bánh tôm, bánh tây cặp patê, xúc xích, bánh tây thịt bò nấu ragu (một phát minh vào những năm 40), bánh tây cặp bánh tôm rưới nước mắm dấm (cũng là một phát minh của đám học trò vào những năm 40), bánh cuốn Thanh Trì, xôi xéo, xôi lúa, xôi lạc, lạp xường lồ mái phàn (xôi lạp xường); buổi trưa có: Bún chả, bún riêu, bún ốc, bún thang, xực tắc, cháo lươn, bánh đa kê, bánh xèo, bánh đúc nộm, bánh dầy đậu, bánh trôi, bánh chay, bánh gai, bánh mật, bánh gio, bánh dầy giò chả, bánh rán, bánh quế, thịt bò khô, bỏng, kẹo (kẹo bột, kẹo vừng, kẹo xìu, kẹo lạc, kẹo kéo, kẹo hồng, kẹo mạch nha); mùa nực có các thứ kem que, thạch, chè; tối đến có: phở, cháo gà, bánh dầy bánh giò, lúa rang, hạt dẻ, chế mà phù (chè vừng đen), lục tàu xá (chè đậu đãi), chè hạt sen, bát bảo lường xà, mùa nực có món xề cớ (một thứ sorbet au citron), các loại kem que, thạch, chè chân châu glacé, v.v.

Đấy là còn chưa kể các món quà đặc biệt, đến mùa mới có, hoặc chỉ mỗi năm có một lần vào dịp lễ, tết, như: Cốm vòng, rượu nếp, chè lam, v.v. Cũng như chưa kể các thứ hoa quả có vào từng mùa khác nhau, như: Na, ổi, nhãn, vải, mít, dứa, khế, hồng, đào, xoài, mơ, mận, doi, lựu, cam, quít, sấu, chám, dâu da, hồng bì, dưa bở, dưa hấu, v.v; các thứ củ, như: củ đậu, củ bột, củ sắn, củ dong, củ ấu, khoai lang, khoai sọ, khoai môn, v.v.
Nhà tôi nằm ngay giữa một phố buôn bán không quá đông đúc và ồn ào như các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, nên dễ quan sát được các hàng rong, hàng quà đi ngang qua, và dễ nhận biết được những tiếng rao của họ trên đường phố.

Có những hàng quà không cần phải rao, mà người ta vẫn phải tìm đến mua ở những địa điểm cố định, nơi các hàng này có chỗ để đặt gánh mỗi ngày. Đó là những hàng phở, bún chả, bánh tôm, bánh cuốn, bánh rán, xôi xéo xôi lúa, bún riêu, bún ốc, v.v.

Do đó, không phải ở phố nào cũng có thể có hàng quà được. Chẳng hạn như muốn đặt gánh phở, cũng phải có chỗ tương đối thoáng đãng, thường là ở một đầu phố, chỗ ngã ba, ngã tư; đặt hàng bún chả, quạt khói um, đương nhiên cũng phải tìm một chỗ trống giữa hai cửa hàng và phải được sự đồng ý của các cửa hàng này. Ngoài ra, các bà hàng quà cũng ưa đặt gánh hàng của mình ở những phố tương đối yên tĩnh nhưng cũng phải có nhiều khách qua lại và có hè đường tương đối rộng rãi, có hiên che mát mẻ.

Ngược lại, có những hàng quà khác thì lại luôn luôn có tiếng rao, như: lạp xường lồ mái phàn, bánh dầy bánh giò, bánh trôi bánh chay, phá xang (lạc rang), kẹo vừng kẹo bột, tàu phở, lục tàu xá, chí mà phù, kem que, xề cớ, lúa rang hạt dẻ,v.v.

Hàng “xực tắc” đặt gánh ở một phố nào đó không xa quá, rồi cho người đi khua mõ rao khắp các phố xung quanh bằng hai khúc tre cật ngắn, gõ vào nhau phát ra hai thanh âm khác nhau nghe như “tục tắc, tục tắc”. Món “xực tắc”, không biết có nguồn gốc xuất xứ từ đâu, chắc cũng lại là của người Tàu, rồi người mình chế biến thêm, làm cho ngon thêm. Món này có lẽ là một trong những món quà sang và ngon vào hạng nhất ở Hà Nội, đương nhiên ngon một cách khác với phở, hoặc hủ tiếu, hay vằn thắn. Không biết sau này có ai còn tiếp tục làm món này bán nữa không, vì nó cũng khá cầu kỳ, lại cần nhiều vật liệu phức tạp?

Trong các tiếng rao hàng quà, có lẽ không có tiếng rao nào ngân dài và giàu âm điệu bằng tiếng rao của hàng “lạp xường lồ mái phàn”.

Tiếng rao về đêm âm thầm và buồn bã nhất là tiếng rao “dầy... giò”.

Tôi còn nhớ, có một đĩa hát của nhà Thiên Nhiên (ở đầu phố Hàng Bồ) hồi đó, bắt đầu bằng những tiếng rao này, rồi lại có cả tiếng chó sủa cứ xa dần, xa dần, trước khi bài hát bắt đầu, nghe rất ngộ, bọn trẻ chúng tôi trong nhà, cứ mỗi lần có dịp được lên gác sân thượng nghe kèn hát cùng với các anh chị lớn, là đòi cho được nghe lại đĩa hát này, và lần nào cũng lấy làm thích thú lắm, không hiểu tại sao?

Các bác vào đây để xem một số hình ảnh:

Hàng quà ở Hà Nội ngày xưa :: Xã hội và Văn hóa - Suy ngẫm, Triết học, Logic, Tư tưởng, triết lý, học làm người, ... cùng ChúngTa.com (http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Van-Hoa/Hang_qua_o_Ha_Noi_ngay_xua)

loan
30-03-2010, 09:18 AM
NHỮNG DI SẢN SỐNG CỦA ĐẤT THĂNG LONG

Lê Thị Trang
Phụ Nữ

Quả thực, có nhiều lúc người ta như không còn tìm thấy những vẻ đẹp của cảnh và người của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nữa. Đô thị hóa và đời sống hiện đại hầu như đã xóa đi tất cả. Nhưng có một lúc nào đó, khi đang chen chúc giữa những dòng người và xe máy hối hả trên phố cùng với sự hỗn loạn của kiến trúc Hà Nội, bạn bỗng phát hiện ra một Hà Nội xưa còn sót lại với một lý do nào đó khiến bạn nao lòng: Đó có thể chỉ là một cây hoàng lan già, một cái cổng nhà rêu phong, một mái ngói đặc trưng phố cổ, một ô cửa sổ gỗ mòn bạc... Đó là một phần những di sản còn lại của đất Thăng Long. Những di sản đó hiện ra như những cái vẫy tay vĩnh biệt. Bạn biết vậy nhưng bạn không thể nào giữ lại được. Bởi có quá ít người mang nỗi tiếc nuối và dày vò như bạn.

Nhưng trong chốn ồn ã và hỗn loạn của một Hà Nội trong thời đại đô thị hóa ít chiến lược này, có một di sản khác mà chúng ta hầu như không để ý: di sản người. Đến một ngày nào đó rất gần, chúng ta không bao giờ tìm thấy những di sản này nữa. Tôi đang nói đến những con người mang trong mình cách sống và văn hóa của một Hà Nội cổ xưa. Đó là những người già trên dưới 90 nổi. Họ sống như những di sản đang bị bỏ quên trong những ngõ phố sâu, hay trong một chung cư cũ kĩ của Hà Nội.

Mấy năm trước, tôi đến thăm một người bạn vong niên ở làng Ngọc Hà vào một ngày tết. Một làng hoa nổi tiếng, nhưng giờ đây tôi không thể nào tìm ra cái làng xưa cũ và hào hoa nhất ở Hà Nội nữa. Mỗi gia đình trong cái Làng xưa ấy bây giờ là một “pháo đài” riêng biệt và phong thái thanh lịch của con người ở đó cách đây hơn nửa thế kỷ giờ không còn nữa. Và tại đây tôi đã gặp một người già, cụ bà thân sinh ra người bạn vong niên của tôi.

Cụ tiếp tôi trong một ngôi nhà được xây hơn 100 năm trước. Một thế giới của những nét đẹp tinh tế và thẳm sâu của một người Hà Nội xưa còn nguyên vẹn. Cách ăn, mặc, cách đọc sách, cách cụ nói về con người, cách ứng xử với họ hàng làng xóm, cách dạy bảo con cháu cho đến cách tặng cho tôi một gói trà sen... tất cả đều ướp đầy hương thơm của Hà Nội văn hiến: tinh tế và huyền ảo thẳm sâu và giản dị. Cũng như ngôi nhà với dãy bờ tường thấp rêu phong, những chậu hoa đặc trưng cho tính cách và tâm hồn người Hà Nội. Đó là những chậu địa lan, một cây mộc đại thụ thân phủ rêu mốc, một khóm hồng bạch tỏa hương thơm mà lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy, một chậu cúc vạn thọ, một khóm đỗ quyên đỏ, một cây mận nở hoa trắng muốt nơi góc vườn nhỏ...

Tuy đã 91 tuổi, nhưng cụ vẫn còn nhanh nhẹn và tinh tường. Chúng tôi ngồi uống trà trên bộ bàn ghế cũ, giản dị nhưng hết sức nho nhã. Trong nhà vẫn có đủ những đồ dùng của thời hiện đại như tủ lạnh, tivi, quạt điện, điện thoại bàn... nhưng tại sao đời sống hiện đại và chủ nghĩa đô thị hóa không xóa được một không khí thanh lịch và ung dung của ngôi nhà này? Bởi lan tỏa trong ngôi nhà ấy là một con người, một di sản văn hóa Hà Nội xưa.

Cụ có hai người con trai. Bạn tôi là con trai cả nên ở với cụ. Anh là một tiến sĩ từng du học nhiều năm ở nước ngoài. Các con anh cũng đều tốt nghiệp đại học. Nhưng tất cả những con người của nhiều thế hệ vẫn sống cùng nhau hạnh phúc trong một văn hóa đồng nhất - văn hóa của Thăng Long. Điều này đã làm thất bại quan niệm cho rằng không thể giữ được phong cách sống của người Hà Nội xưa trong một Hà Nội thời hiện đại.

Bạn tôi nói, mẹ anh vẫn là người chi phối lối sống của toàn bộ các thành viên trong gia đình. Anh kể, mỗi độ xuân về, gia đình anh chuẩn bị đón Tết như ông bà anh đón Tết ngày xưa: quét dọn nhà cửa, lau đồ thờ, chuẩn bị mâm ngũ quả, chuẩn bị các món ăn Tết truyền thống. Cụ vẫn chỉ đạo con dâu và các cháu làm mứt sen, mứt gừng, gói bánh chưng, làm giò xào, làm chè lam, nấu chè kho, nấu thịt đông, ngâm bóng, măng khô, mua hoa giấy, câu đối đỏ... và chuẩn bị cây mùi già để tắm tất niên. Đêm giao thừa, tất cả các thành viên trong nhà quây quần nói chuyện với nhau về gia đình mình với những kỷ niệm đẹp, ấm áp và tự hào rồi cúng tổ tiên ông bà.

Lối sống đó cùng với thiên nhiên gần gũi trong khu vườn nhỏ đã tạo lên một thế giới khác biệt với cuộc sống xô bồ bên ngoài. Tôi nghĩ, gia đình cụ cũng chính là một xã hội thu nhỏ. Bởi mọi người vẫn phải làm việc, phải sống, phải trao đổi thông tin và tham gia mọi hoạt động xã hội. Nhưng họ vẫn giữ được những nét đẹp của văn hóa Hà Nội ngàn năm văn vật trong chính đời sống hiện đại này. Vậy vì sao một gia đình làm được điều đó mà cả xã hội lại không làm được? Thi thoảng tôi lại gặp một người già như cụ bà thân sinh ra bạn tôi trong một Hà Nội hiện đại. Và mỗi lần như thế, họ lại đưa tôi trở về những vẻ đẹp giản dị, nhưng thẳm sâu bền vững nhưng không hề lỗi thời. Bởi những vẻ đẹp đó là văn hóa - năng lượng sống vĩnh hằng cho một đời sống thực sự có ý nghĩa của một con người và của một xã hội. Tôi có cảm giác những người già chứa trong con người họ những vẻ đẹp đích thực của Hà Nội ngàn năm như những hạt giống quý hiếm mà chúng ta đã và đang quên lãng.

Một người bạn của tôi là họa sĩ nói, chỉ cần bỏ ra cho anh ấy một tỷ thì trong sáu tháng, anh ấy có thể dựng lên một ngôi nhà nhỏ trong Làng Ngọc Hà giống như một ngôi nhà đã xây ở đó từ 100 hay 200 năm trước, kể cả những mảng rêu bám ở góc tường. Nhưng để có một con người sống với phong thái của Hà Nội văn hiến, có khi phải mất hàng thế kỷ. Người ta có thể làm nhái mọi thứ nhưng không làm nhái được văn hóa. Bởi văn hóa là tinh thần lan tỏa như khí thiêng trong mỗi con người.

Chúng ta từng đưa ra quá nhiều phương án để bảo tồn phố cổ và các di tích văn hóa, lịch sử của Hà Nội văn hiến. Nhưng chúng ta ít nói đến việc bảo vệ một hồ nước, một ngõ làng trong phố hay một cái cây đặc trưng của đất Thăng Long này. Và chúng ta càng không nói đến việc bảo vệ những di sản sống, những minh chứng sống động nhất của văn hóa Thăng Long. Không ai có thể sống mãi. Nhưng sự hiện thân của thế hệ này ở những thế hệ sau đó là điều ai cũng hiểu. Người bạn vong niên của tôi chắc chắn sẽ là hiện thân của mẹ anh, một di sản sống của Hà Nội văn hiến, sau khi cụ bà đi về cõi Phật. Anh là hạt giống mang đầy đủ gien của cái cây văn hóa trước đó để tiếp tục được gieo giống tốt bên cạnh vô vàn những hạt giống đã thoái hóa. Chính thế mà một Hà Nội văn hiến đang mỗi ngày một chìm sâu trong những ngôi nhà nhỏ bé và dần dần biến mất.

Một số hình ảnh, mời các bác xem tại:

Những di sản sống của đất Thăng Long :: Ngẫm nghĩ Việt Nam - Suy ngẫm, Triết học, Logic, Tư tưởng, triết lý, học làm người, ... cùng ChúngTa.com (http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/NgamNghi-VietNam/Nhung_di_san_song_cua_dat_Thang_Long)

loan
30-03-2010, 09:24 AM
Cùng suy ngẫm...

NHỮNG LÍ DO ĐỂ BẠN TỚI HÀ NỘI

Lê Thị Liên Hoan
Lao động

... Cùng Những lý do để bạn tới Hà Nội nhưng không ở lâu và Những lý do để bạn không tới Hà Nội.

Những lí do để bạn tới Hà Nội

1. Bạn phải biết hồ Gươm khi ở Việt Nam. Cũng như bạn phải biết “Hồ Thiên nga” khi ở nước Nga.

2. Bạn phải ăn kem Tràng Tiền, sau đó tự hỏi kem đã làm nên Tràng Tiền hay Tràng Tiền đã làm nên kem.

3. Bạn phải ăn bánh tôm hồ Tây để hiểu lý do gì họ không có bánh tôm hồ Than Thở.

4. Bạn phải ngồi uống nước chè trên vỉa hè để biết đấy không phải là quán nước. Đấy là diễn đàn.

5. Bạn phải tới phố Hàng Đào, và sẽ hiểu lý do gì ở đấy họ bán đủ các thứ, trừ quả đào.

6. Bạn sẽ được ngửi mùi hoa sữa và được hoa sữa ngửi lại mình bằng cách rắc sữa lên đầu.

7. Bạn sẽ được biết thế nào là một thành phố đang ngủ. Trong khi ngủ, thỉnh thoảng nó cựa mình và nghiến răng.

8. Bạn sẽ gặp những ông lái xe ôm mặc complê và đi giày tây.

9. Nếu may mắn, bạn sẽ được gặp cụ rùa. Bạn nhìn cụ và cụ nhìn bạn. Hai bên đều thán phục lẫn nhau.

10. Bạn sẽ được tới chùa Một Cột, và hiểu vì đâu chả cần đến cái cột thứ hai.

11. Bạn sẽ gặp một nhà thơ nhưng vẽ tranh, một nhà vẽ tranh nhưng lại xây nhà, một ông xây nhà nhưng lại là đạo diễn và một ông đạo diễn nhưng lại thiết kế dự án.

12. Bạn sẽ được ăn bánh chưng nhưng rán lên, sẽ được ăn quả sấu tuyệt ngon nhưng đựng trong những cái lọ tuyệt xấu và ăn những cái bánh gai không hề có gai.

Những lý do để bạn tới Hà Nội nhưng không ở lâu

1. Ở lâu sẽ quen nhiều. Quen thì sẽ phải về nhà ăn cơm. Không ăn sẽ bị coi là khinh người.

2. Ở lâu sẽ có nhiều chiêm nghiệm và tưởng niệm. Sẽ được tìm ra và mời họp lớp từ lớp một đến đại học.

3. Ở lâu thế nào cũng nghiện nước chè. Và nghiện cả cách uống một chén nước bé tí cả giờ đồng hồ.

4. Ở lâu thế nào cũng ăn nhiều ô mai. Và phát hiện ra nhiều thứ ô mai khá giống nhau.

5. Ở lâu sẽ phát hiện ra Hà Nội ít trẻ bán báo, nhưng nhiều trẻ đánh giày.

6. Ở lâu phát hiện ra nhiều chỗ ăn ngon. Nhưng cũng hiểu, muốn ngon phải leo trèo hoặc phải đi vòng vèo.

7. Ở lâu sẽ yêu một cô gái Hà Nội. Và nhận ra cô ấy thông minh, nhưng đáo để.

Những lý do để bạn không tới Hà Nội

1. Tất cả những gì mua ở chợ̣ Đồng Xuân, bạn đều có khả năng mua ở chợ Bến Thành.

2. Khi có một kế hoạch được thông báo chỉ cần năm phút nữa là xong, bạn cứ yên tâm là ít nhất năm năm nữa.

3. Khi vào tiệm mua một món nào đấy, bạn có thể bị mắng là đừng cậy có tiền.

4. Khi có việc đi xa, bạn không sợ đường sá, mà hãy sợ ông lái xe.

5. Đi bộ trên vỉa hè phải cẩn thận, vì đó là đi trên quầy hàng của người ta.

6. Khi ăn bánh cuốn Thanh Trì, phải biết nó được làm ở nhiều nơi, trừ Thanh Trì.

7. Người mặc quần áo đẹp, cả nam lẫn nữ, chưa chắc đã là người không văng tục.

8. Bạn sẽ được gọi là “sếp”, mặc dù chả lãnh đạo ai cả, chỉ cần bước vào một quán karaoke.

9. Bạn sẽ phải bỏ giày hay dép khi vào nhà, không có gì chắc chắn bạn sẽ nhận lại đúng dép và giày của mình khi đi ra.

10. Khi bị ai đó đụng vào - nhất là thanh niên - để an toàn, bạn nên xin lỗi trước.

11. Ghế đá công viên không phải để ngồi. Nó để nằm.

12. Giấy vệ sinh là giấy chùi đũa hoặc chùi mồm.

13. Đừng nhìn đồng hồ taxi. Hãy nhìn vào túi tiền mình.

14. Đừng tưởng gặp họ hàng khi có ai đó gọi mình là “anh giai”.

honglinh_hue
31-03-2010, 06:42 PM
1. Bạn phải biết hồ Gươm khi ở Việt Nam.
cái tên hồ Gươm thật ra hoàn toàn ko chính xác, và phản nghĩa. Đúng phải gọi là hồ Hoàn Kiếm, tức là trả gươm; mang ý nghĩa yêu chuộng hòa bình của người VN ta. Chứ hồ Gươm mang vẻ đao binh ko thể hiện đúng tâm ý của các bậc tiền nhân.

aolam
31-03-2010, 06:53 PM
Trên đây nhiều lí do để không ở lâu tại HN, hoặc để không tới HN mà có thể áp dụng cho nhiều điạ phương khác.

loan
10-04-2010, 08:47 PM
NÉT VĂN HOÁ ẨM THỰC HÀ NỘI

Mỗi vùng đất của Việt Nam, ngoài những điểm chung, lại có lối ẩm thực riêng mang sắc thái và đặc trưng của vùng đất đó, tạo ra một nền văn hóa ẩm thực không lẫn với nơi khác. Hà Nội là một vùng như thế!

Gần nghìn năm tuổi, từng là kinh đô của nhiều triều đại, nếp sống của người Thăng Long - Hà Nội do đó có cốt cách riêng, tầm văn hóa cao hơn, trong đó tập quán, lề thói ăn uống... cũng được nhiều vùng trong cả nước công nhận là đáng làm theo, nếu có thêm điều kiện. Bên cạnh lối ẩm thực cầu kỳ mang tính cung đình, nặng về lễ nghi lại có lối ẩm thực rất bình dân, dung dị, đơn giản. Có “ẩm thực sang trọng” lại có “ẩm thực vỉa hè”; ngoài mấy bữa chính thì Hà Nội là nơi có nhiều món quà ngon ít nơi sánh được.

Văn hóa ẩm thực của người Hà Nội trước hết ở chỗ tinh sành, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, thanh cảnh, ngon và lành, sạch sẽ, chế biến tinh vi với nghệ thuật cao, món nào ra món ấy, đầy đủ gia vị để mỗi món mang một đặc trưng riêng biệt.

Không thể kể hết những cách ăn của người Hà Nội đã quen với cách ăn thanh lịch. Mùa nào thức ấy, giờ nào món ấy. Tháng ba ăn bánh trôi bánh chay, tháng tám ăn bánh trung thu, tháng năm làm rượu nếp, mùa thu ăn cốm với hồng hoặc chuối trứng cuốc...

Buổi sáng là bánh cuốn Thanh Trì, xôi lúa Hoàng Mai, tối mới ăn lục tào xá, đêm ăn lạp xường lồ mái phàn, trưa ăn bún chả... Những món ăn Hà Nội chẳng phải là cao lương mỹ vị gì, chỉ là những món dân dã gợi nhớ hương vị Hà Nội mà những người xa Hà Nội chẳng thể nào quên. Chẳng thế mà nhà văn Vũ Bằng vào Sài Gòn sống hàng chục năm trời, cách xa Hà Nội, ông mang bệnh nhớ nhung, nỗi nhớ cồn cào, se sắt, y như người xưa trong điển cổ Trung Hoa mà Vũ Bằng đã dẫn trong lời nói đầu trong cuốn “Món ngon Hà Nội”: “Tại kinh đô Trương Hàn thấy lá ngô rụng giếng thu thì sực nhớ đến rau thuần, cá lư và muốn treo ấn trở về quê cũ”. Nhà văn Nguyễn Tuân có sở thích ăn phở Hà Nội, đến nỗi trong dịp đi dự Đại hội hòa bình thế giới tại Hensiki (Phần Lan) mới chỉ xa Hà Nội chưa đầy một tuần lễ, cụ Nguyễn đã nhớ đến phở, đó là: “Chúng tôi nhớ heo hắt vì đi xa đất nước, khẩu vị lạc điệu, thấy nhớ nhà, nhớ đất nước, có cả một sự nhớ ăn phở nữa”.

Ẩm thực Hà Nội được nhắc đến nhiều trong thơ ca, các nhà văn, nhà báo như Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn, Mai Khôi... Có thể kể ra đây một loạt các đặc sản ẩm thực Hà Nội qua những câu ca dao, tục ngữ truyền khẩu: bánh trôi làng Gạ, bún làng Sùi và làng Tứ Kỳ, cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây, cam Canh, bưởi Diễn, chuối Sù, cà Láng, bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày làng Kẻ, bánh tẻ làng So, bánh đúc Đơ Bùi, tương làng Sủi, giò Chèm, nem Vẽ...

Riêng các món quà thì Hà Nội đã nâng nghệ thuật ăn uống lên cao nhiều bậc. Nói đến phở, người ta nghĩ ngay đến phở Bắc, mà phở Bắc thì không đâu bằng phở Hà Nội. Vũ Bằng đã từng viết, phở là món ăn điểm tâm của tất cả người Việt. Người Việt có thể không ăn cái này, cái kia, nhưng chắc chắn ai cũng đã từng ăn phở. Mà phở ngon nhất là phở Hà Nội. Hễ cứ trông thấy người Hà Nội ăn phở thì đố ai mà ngưng lại được cái sự phải... ăn theo. Bánh cuốn Thanh Trì làm Thạch Lam phải ví nó như mảng lụa, mát rượi đầu lưỡi. Bún ốc là món kỳ lạ của Hà Nội, có món nóng, món nguội, có món chua hương dấm bỗng, có món mà Thạch Lam thấy mấy cô gái ăn nó, nước mắt ròng ròng vì cay vì chua, ông nhận xét những giọt nước mắt này còn chân thật hơn cả những giọt lệ tình... Rồi nữa, bánh cốm không ai vượt được nhà hàng Nguyễn Ninh, Hàng Than. Ô mai là kỷ niệm “thời áo trắng” nữ sinh thì ở phố Hàng Đường, mứt sen, mứt tết, bánh Trung thu, bột sắn, chè ướp hương sen, ướp hương nhài ngon nhất là trên phố Hàng Điếu.

Ngoài chuyện ăn thì người Hà Nội uống cũng rất cẩn thận, chu đáo. Nhiều gia đình Hà Nội ngày Tết không thể thiếu cái vị thơm dịu, ngọt mát của chén trà sen, đó là thứ trà được ướp hương của hoa sen Hồ Tây rất cầu kỳ. Rượu ngon Hà Nội thì đại thi hào Nguyễn Trãi đã nhắc đến: rượu sen, rượu cúc như một sản vật của đất Thượng Kinh trong tác phẩm dư địa chí. Một số địa danh nổi tiếng rượu ngon như làng Hoàng Mai, làng Thụy, làng Vọng, làng Ngâu, làng Thổ Khối... đều là những nơi nấu rượu nổi tiếng.

Nhà hàng chả cá Lã Vọng đã như một thương hiệu được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Cái món ăn độc đáo này có từ cuối thế kỷ 19, theo truyền lại thì món nổi tiếng này thuộc chi họ Đoàn ở phố Hàng Sơn, Hà Nội, đến khi tiếng tăm vang dội của chả cá Lã Vọng mà đã đổi tên phố Hàng Sơn thành phố Chả Cá.
Nem Vẽ xưa nổi tiếng khắp kinh kỳ, được xếp vào hàng cao lương mỹ vị và không bao giờ thiếu trên mâm cỗ vua ban lộc nước cho các trạng nguyên, tiến sĩ đỗ đạt.

“Cỗ sang nem Vẽ, giò Chèm
Anh giã, em gói nên duyên mặn mà
Phố phường kẻ chợ gần, xa
Miếng ngon nức tiếng quê ta khéo làm”

Mứt sen trần đã có người ví nó là quốc hồn, quốc túy, bởi không biết từ bao giờ, mứt sen trần đã trở thành món quà đặc biệt, được người Hà Nội sử dụng vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi. Chỉ biết rằng, cho đến nay mứt sen đã trở thành những món hảo hạng mà nổi tiếng nhất vẫn là mứt sen Hà Nội, và thương hiệu nổi tiếng là cửa hàng bánh mứt kẹo dân tộc Ninh Hương ở 22 Hàng Điếu bởi nó được làm bằng phương pháp truyền thống theo những bí quyết riêng để giữ được nguyên màu sắc tự nhiên của hạt sen, độ ngọt bùi vừa phải, hương thơm thanh mát của hoa bưởi, giữ được cái thanh ngọt, mát bùi trong mỗi hạt sen.

Mâm cỗ ở Hà Nội các món ăn đều được chế biến một cách rất cầu kỳ, tinh vi mang tính nghệ thuật, có khi phải là các đầu bếp trở thành nghệ nhân ẩm thực như nghệ nhân Đinh Bá Châu, Ánh Tuyết... thực hiện.

Cách ăn của người Hà Nội xưa rất tinh tế, cầu kỳ, một bữa cỗ thường có nhiều món nhưng mỗi món không nhiều. Các cụ quan niệm thưởng thức món ăn chứ không phải ăn để lấy no. Mỗi món ăn được làm tỉ mỉ, cẩn thận vì thế khi thưởng thức cũng là lối nhâm nhi, từ tốn từng miếng nhỏ, cảm nhận từ đầu lưỡi để tận hưởng đến tận cùng những hương vị chứa đựng trong mỗi món ăn.

Những du khách nước ngoài khi được thưởng thức mâm cỗ cổ truyền tại nhà hàng Ánh Tuyết, được tận hưởng những món ăn với hương vị đặc trưng mang đầy đủ nét văn hóa ẩm thực Hà Nội, ẩm thực Việt Nam. Ông Anthony Bourdain - một đầu bếp có tiếng ở Mỹ, đã đi nhiều, ăn nhiều món tại nhiều nước trên thế giới, khi đến thăm và thưởng thức những món ăn theo phong cách truyền thống của đất Hà Thành tại nhà hàng Ánh Tuyết giữa khu phố cổ Mã Mây đã phải thốt lên rằng: Đây là một giá trị văn hóa thực sự của người Việt, hiếm nơi nào sánh được.

Như vậy, chúng ta đã có một Việt Nam “nghìn năm văn hiến”, có một Hà Nội “nghìn năm văn vật” thì tại sao lại không có - và thật ra là bao hàm trong đó - một Di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam - ẩm thực Hà Nội.

Theo: Công an

Tìm hiểu thêm về ẩm thực Hà Nội:

Ẩm thực Hà Nội -- THĂNG LONG - HÀ NỘI NGÀN NĂM (http://thanglong.chinhphu.vn/Home/Am-thuc-Ha-Noi/20097/4472.vgp)

Hà Nội 36 phố phường (http://hanoi36phophuong.vn/Document/Index/Id/28)

...

p/s: Ngon quá! Thèm quá! Ực ực :((