PDA

View Full Version : Về việc đọc sách (sưu tầm)



loan
04-04-2010, 08:49 PM
10 LÍ DO THÚC ĐẨY CHÚNG TA ĐỌC SÁCH

1) Bồi đắp sự thông minh.

2) Tạo ra sự tưởng tượng phong phú.

3) Tăng sự hiểu biết.

4) Có thể đi du lịch qua đọc sách.

5) Cho phép độc giả tự đánh lừa giữa khoảng cách của sự sống và cái chết giúp độc giả chấp nhận sự hiện hữu - những ước muốn không thể thực hiện được.

6) Mang lại những điều tốt đẹp nhất, cho độc giả hiểu rằng bản thân con người không phải là một cái máy, mà là một thực thể văn hóa.

7) Đời sống đầy những nghịch lý. Đọc và viết xóa bỏ những nghịch lý ấy.

8) Đọc có khuynh hướng dẫn đến viết, là một trong những "sở thích và thú vui” đẹp nhất của con người.

9) Đọc và viết là hành động tự do, không bi ép buộc, là hành động “cho không". Điều “cho không biếu không” này trong đời sống rất khó xảy ra!

10) Từ đọc -> viết -> có thể mang lại cho tác giả một quyền lực khi chính mình tạo dựng cốt chuyện và nhân vật.

9 SAI LẦM TRONG VĂN HÓA ĐỌC CỦA NGƯỜI VIỆT.

1) Chúng ta tích lũy tri thức qua việc đọc báo thay vì đọc sách

Và kết quả là tri thức của chúng ta bao gồm những thứ được nhắc đến trong chuyên mục phóng sự xã hội, quốc tế hay tâm lý của báo chí (Showgame và phim dã sử truyền hình cũng là một kênh, nhưng có lẽ xin bản ở bài khác). Với một số người hiện đại hơn, tri thức nằm trong những trang báo điện tử và các diễn đàn. Thông thái hơn nữa thì Wikipedia và Google hay Yahoo là những ông thánh sống.

2) Chúng ta đọc sách theo kiểu đọc báo

Và chúng ta chỉ mang máng nhớ là trong chiến tranh và hòa bình có một anh chàng tên là Andrei đi đánh giặc, trong Hamlet có một câu "Tồn tại hay không tồn tại”, trong Trăm năm cô đơn hình như có một đuôi lợn.

3) Chúng ta rất lười ghi chép

Và nếu có ghi chép thì chúng ta cũng luời cả việc đọc lại nó.

4) Chúng ta đọc theo phong trào

Cứ sau mỗi mùa trao giải hoặc mỗi scandal nào đó, là một cuốn sách được nhắc đến lại bán chạy như tôm tươi, dù trước đó cả tháng trời chịu phận “cá thối". Đơn giản bởi rất ít người trong số chúng ta có được định hướng đọc và kế hoạch đọc, cho mình.

5) Chúng ta giả vờ đọc

Nghĩa là chúng ta chỉ mua sách, gáy càng đẹp, bìa càng cứng càng tốt, để bày cho sang phòng chứ ít khi giở ra. Nếu có giở thì cũng là để khoe chữ ký của nhà văn nổi tiếng để tặng chủ nhân trong đó. Ngày xưa Nguyễn Tuân từng sốt sắng tả cái cảm giác mua sách về rồi nắn nót cầu kỳ đọc từng trang, sờ cái lề giấy… Bây giờ, điều đó là xa xỉ khi vô số cuốn sách xén lỗi chẳng bao giờ bị lo phát hiện vì nhiều người đâu có giở chúng ra lần nào.

6) Nếu đọc, chúng ta sẽ đạo

Rất nhiều khi chúng ta đương nhiên coi những gì chúng ta đọc được là của mình. Và chúng ta nhại lại như thể chúng ta viết ra nó.

7) Chúng ta thiếu sự hoài nghi

Thường thì sách báo nói thế nào, chúng ta tin như vậy. Rất ít khi chúng ta thử dừng lại, nhìn lại vấn đề theo quan điểm riêng. Trong khi nghi ngờ sách là một thái độ đáng tôn trọng không kém gì tôn sùng sách.

8) Chúng ta dễ dãi với những sai sót

Ngày trước, kèm theo mỗi cuốn sách xuất bản thường có một tờ đính chính. Nhưng đính chính đó đôi khi chỉ là lỗi chính tả tên riêng... Mẩu giấy nhỏ nhưng hàm chứa một ý thức lớn của người làm sách. Bây giờ, công nghệ hiện đại hơn, in ấn rẻ hơn, nhưng những mẩu giấy đính chính lại gần như thất truyền mặc dù lỗi in rõ ràng là nhiều hơn. Cả ý thức của người làm sách lẫn người đọc sách đều kém hơn trước.

9) Chúng ta chỉ đọc những gì mình thích

Điều đó không xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể đọc cả những điều mình không thích, nhưng cần. Bởi đọc không chỉ là để giải trí. Đọc cần phải có mục đích, và rất nhiều sự kiên nhẫn.

CÁCH ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ

1. Tạo sự tập trung cho chính mình bằng cách xem lướt qua bài đọc trước khi bạn thật sự ngồi đọc từng chữ:

Xem tựa đề bài đọc, các tiêu đề lớn nhỏ, những chỗ đánh dấu, in nghiêng hoặc in đậm.

Xem qua những hình vẽ hay minh họa, đồ thị hay biểu đồ.

Xem qua toàn bộ bài đọc bằng cách đọc đoạn đầu và đoạn cuối, lướt nhanh qua những câu đầu của từng đoạn trong bài (trường hợp sách giáo khoa về kinh tế thường có phần tóm tắt ở cuối mỗi chương cùng những thuật ngữ quan trọng).

Gấp sách lại và tự hỏi: ý chính của bài là gì, văn phong ra sao và mục đích của tác giả là gì?

Trả lời được những câu hỏi này sẽ phần nào giúp các bạn có được một ý tưởng khái quát về nội dung bài đọc, từ đó dễ tập trung hơn và bài đọc sẽ trở nên dễ nhớ hơn.

2. Không đọc thành tiếng vì kiểu đọc này sẽ khiến bạn đọc chậm. Cố gắng xem việc đọc sách như thể đang ngắm một cảnh đẹp, hình dung một ý tưởng bao quát trong tâm trí thay vì chú ý đến từng viên đá dưới chân.

3. Đọc theo ý. Các nghiên cứu cho thấy khi đọc, mắt chúng ta luôn dừng sau những câu chữ trong một dòng. Số lần dừng của người đọc chậm nhiều hơn so với người đọc nhanh. Dừng nhiều lần không chỉ làm cho ta đọc chậm mà còn cản trở khả năng nắm bắt vấn đề, do ý nghĩa thường đi theo cả câu hay cụm từ thay vì từng chữ một. Hãy cố đọc theo những nhóm từ, đặc biệt đọc hết những câu hoàn chỉnh và những câu có tính bổ nghĩa.

4. Không nên đọc một câu nhiều lần. Đây là thói quen của người đọc kém. Thói quen “nhai lại” này thường làm tăng gấp đôi hoặc gấp ba thời gian đọc và cũng không cải thiện mức độ thông đạt. Tốt nhất là cố tập trung ngay từ lần đầu tiên, đó là lý do tại sao chúng ta có gợi ý thứ nhất.

5. Thay đổi tốc độ đọc nhằm thích ứng với độ khó và cách viết trong bài đọc. Người đọc kém luôn có tốc độ đọc chậm. Người đọc hiệu quả thường đọc nhanh phần dễ và chậm lại ở phần khó. Trong một bài đọc có đôi chỗ chúng ta phải đọc cẩn thận hơn những chỗ khác. Có những điều được viết ra không phải để đọc thoáng. Với những tài liệu pháp lý hay các bài viết khó thì cần phải đọc chậm. Những tài liệu dễ hơn như kinh tế hay báo chí thì ta có thể đọc nhanh.

dark_blue
04-04-2010, 09:36 PM
bài viết rất hay, cảm ơn bạn nhiều :)