View Full Version : Văn Hóa Bóng Đá Anh: Những Điều Chưa Biết
Trước khi giải Ngoại Hạng trở thành giải đấu siêu lợi nhuận và hấp dẫn trên toàn thế giới, bóng đá Anh đã nổi tiếng khắp toàn cầu. Không phải vì họ sở hữu những CLB mạnh nhất Châu Âu, cũng không phải vì họ là người đã sáng lập ra những quy tắc bóng đá mà chúng ta đang sử dụng cho đến ngày nay; Trên cơ bản: Nét văn hóa bóng đá đầy sức thu hút mà không kém phần quý tộc mới là trọng điểm để bóng đá Anh tồn tại và phát triển vượt bậc. Nói đến bóng đá Anh nói riêng hay các nền bóng đá khác trên thế giới nói chung, trước hết hãy tìm hiểu văn hóa bóng đá của họ. Từ đó ta sẽ có những luận điểm chắc chắn và hợp lý khi đánh giá bức tranh đời sống muôn màu muôn vẻ của Liên Hiệp Anh (LHA).
http://i71.photobucket.com/albums/i138/nguyenanhduy_se7en/ManUtd/3936473120.jpg
Theo “BrE History” và “London Times”, có hai loại văn hóa bóng đá tồn tại trong đời sống người Anh bản xứ và người Anh ở Scotland, xứ Wales hay Bắc Ireland. Như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, sự phân chia lãnh thổ và vùng miền của LHA có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa bóng đá từng vùng kể trên. Nhưng may mắn, vì là những đồng sáng lập ra một môn thể thao toàn cầu là bóng đá nên dù ít hay nhiều, các nét văn hóa cơ bản đặc trưng nhất của người Anh vẫn hiện hữu trong từng tế bào của họ. Nói một cách không khoa trương, không có nơi nào trên thế giới mà khái niệm về văn hóa bóng đá lại định hình rõ ràng và liên thông với đời sống văn hóa tinh thần như người Anh vậy.
Một câu nói nổi tiếng mà hẳn không ai quên được “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh”, niềm tự hào của người Anh về những thuộc địa mà họ xâm chiếm được trên toàn thế giới. Dĩ nhiên, ngoài vấn đề chính trị, phải kể đến những giá trị văn hóa mà người Anh đã mang lại cho những nước thuộc địa của họ: Những thú tiêu khiển tao nhã, những môn thể thao quý tộc cùng với một môn thể thao có thể hàn gắn mọi vết thương: Bóng đá! Ít nhất đó chính là điều mà người ta cảm thấy cần phải kính trọng đất nước Anh.
Khác với nền bóng đá Châu Mỹ, nơi mà niềm vui và sự phóng túng được thể hiện trên sân cỏ. Người Anh thể hiện nó một cách điềm đạm mà không kém phần rạo rực. Bóng đá là cuộc đời của họ nhưng họ không sinh ra chỉ để sống chỉ vì bóng đá. Vì thế dù có yêu thích đến bao nhiêu, cuồng nhiệt đến bao nhiêu người Anh vẫn cư xử đúng mực, trầm tĩnh và đôi phần khuôn phép. Họ luôn nghĩ rằng trong dòng máu của mình luôn có chút gì đó thuộc dòng dõi quý tộc đang chảy. Trừ những người nhập cư đến từ Châu Phi, Tây Ban Nha, người Pakistan, văn hóa bóng đá của người Anh có thể tóm gọn trong 2 chữ: Chuẩn mực.
Các CĐV ở các thành phố công nghiệp như Manchester, London hay Liverpool, cách hành xử đối với bóng đá của họ khác biệt hẳn so với các thành phố và vùng nông thôn còn lại. Cũng chính bởi thế, Liverpool và Manchester là cái nôi của những Holligan nổi tiếng trên toàn thế giới. Nếu nói về lịch sử của Holligan, hẳn ta phải dành hơn trăm trang viết để nói riêng về họ. Nhưng dù sao điều này cũng cho thấy, nơi nào bóng đá càng phát triển, nơi đó càng nảy sinh những nền văn hóa bóng đá kì lạ, mới mẻ, đôi khi cực đoan và lập dị.
Chúng ta đều biết London chính là trọng điểm kinh tế và văn hóa của nước Anh. Nó cũng là nơi sản sinh ra nhiều huyền thoại trên mọi lĩnh vực đời sống. Ngoài ra vì London còn là “thủ phủ” của bóng đá Anh với những cái tên các CLB nổi tiếng như Arsenal, Chelsea, Spurs,... nên hầu như các đạo luật bóng đá cũng được cải tổ và phát triển dần từ đây. Người dân London tự hào họ là “trọng tâm của vũ trụ” vì thế họ càng tin rằng những nét văn hóa bóng đá ở đây cần phải có sự khác biệt, trang nghiêm và độc đáo. Vì thế không lạ gì họ chính là những người cực đoan và bảo thủ nhất nước Anh.
Vậy thế nào là văn hóa bóng đá của nước Anh nói chung?
Như đã nói sơ lược ở trên, người Anh không đem màu sắc chính trị hay tâm linh của họ vào trong bóng đá. Ngược lại, họ tôn trọng sự sáng tạo, các giá trị lịch sử và nguồn gốc nơi họ ra đời. Một người London nói chung (có thể là fan Chelsea, Arsenal hay Spurs) chỉ có một kẻ thù duy nhất: Đội bóng đang bất bại! Còn việc thù hận giữa Spurs và Arsenal thật ra chỉ là chuyện của vài nhóm CĐV, không phải là tất cả.
Nếu bóng đá Anh được xây dựng trên cơ sở khoa học, tư duy logic và sáng tạo thì văn hóa bóng đá của họ bù trù lại sự lãnh cảm đó bằng phong cách, bằng nét cổ động, hành vi ứng xử với bạn bè quốc tế và tình yêu với CLB. Một người Anh có thể tạm hoãn ca phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến tính mạng của họ để xem nốt trận Arsenal – MU vào cuối tuần. Họ yêu bóng đá chăng, họ là fan cuồng nhiệt của 2 đội này? Một phần thôi, phần khác có thể là bởi vì họ đã mua vé xem trận này và không thể hoàn trả lại (!)
Truyện vui:
Một nhóm nghiên cứu về bóng đá Anh từng gặp một người gốc Ấn khi ông này đang tham quan cạnh hồ Loch Ness. Ông mặc một chiếc áo màu đỏ có in logo của MU. Họ tiến đến làm quen và hỏi ông cuối tuần này có xem trận MU và Man city không. Ông tỏ ra hơi bực mình và nói một tràng tiếng Anh tạp âm, đại loại như: “Các anh đùa à, các anh không thấy tôi đang mặc gì sao?”. Cuối tuần đó, nhóm này gặp lại ông ta đang có mặt tại London và đứng trước sân vận động Highbury của Arsenal, lần này ông mặc một chiếc áo vàng có in logo của The Gunners. Nhóm nghiên cứu rất ngạc nhiên và vội vã đến chào ông. Ông ta có vẻ làm ngơ và tỏ ra không quan tâm đến nhóm nghiên cứu. Một người trong nhóm liền hỏi: “Sao ông bảo cuối tuần này ông đến Manchester?”. Người đàn ông gốc Ấn quay lại và nhẹ nhàng đáp: “Có lẽ anh nhầm tôi với Roman, người em trai sinh đôi của tôi chăng?”
Sự hài hước, đó là điều không khó để nhận ra ở các CĐV Anh. Họ xem sự hài hước thông minh chính là liều thuốc để tổng động viên các cầu thủ của họ. Người London có thể châm biếm người Manchester bằng tranh, ảnh, thơ, kí họa hay bài hát nhưng họ rất ít bao giờ hạ nhục cầu thủ của đối phương thông qua những hành vi ngoài sân cỏ. Việc Rooney từng đi nhà thổ hay Dennis Wise từng choảng cả vợ đều không quá quan trọng đối với các CĐV (dĩ nhiên đối với báo chí Anh thì khác), chỉ cần anh đóng góp cho thành công của CLB, anh vẫn là anh hùng của mọi người.
http://i71.photobucket.com/albums/i138/nguyenanhduy_se7en/ManUtd/3079145819_9ac39a5e1c.jpg
Nói về văn hóa bóng đá Anh không thể không nói qua một chút về vấn đề tôn giáo và sắc tộc. Cơ bản, Liên hiệp Anh (LHA) vẫn tồn tại “vấn đề bắc Ireland” mà cho đến nay không thể nào giải quyết dứt điểm. Khác biệt với nó, tín ngưỡng tôn giáo lại rất được coi trọng nhưng thoải mái hơn. Anh giáo hầu như chiếm hơn phân nửa tín đồ trong LHA, kế tiếp là Do thái, đạo Hindu,... Cho mãi đến những năm 60 người ta đã cởi bở sợi dây vô hình này bằng chiến thắng vĩ đại (và có lẽ là duy nhất của nước Anh trong một thời gian dài nữa) tại WC 1966 - được xem là chiến thắng chung của quốc gia 4 trong 1 này. Tuy nhiên, đó cũng là quãng thời gian hiếm hoi mà người Anh được tận hưởng những khoảng khắc say đắm, bùng nổ và chan hòa của bóng đá. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của bóng đá England, các quốc gia còn lại như xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đành phải ngậm ngùi xếp sau. Nhưng hãy cảm ơn điều đó, không có nhiều quốc gia trên thế giới mà văn hóa bóng đá lại sâu sắc, quyến rũ và kì vĩ như vậy.
Bóng đá hay mọi loại hình nghệ thuật nói chung đều lấy con người làm chủ đạo. Một cá nhân xuất sắc sẽ tạo lên quần thể xuất sắc. Mà một quần thể xuất sắc không bao giờ tồn tại một nền thể thao chậm tiến. Hãy lấy Brazil là một ví dụ: Họ còn không biết phải chơi bóng như thế nào nếu không có Charles William Miller (một người có nửa dòng máu Scotland, nửa Brazil) khai sáng cho họ. Thế mà trong vòng 10 năm, từ 1884 – 1894, trên mọi ngả đường của đất nước Samba đến đứa bé 2 tuổi cũng có thể điều khiển được trái bóng!
Từ một đứa trẻ đến một cầu thủ bóng đá
Bóng đá Anh từ đầu sơ khai đến nay chưa bao giờ thiếu nhân tài. Nhẩm tính người ta cũng có thể kể ra hàng chục cái tên lừng lẫy trong thế kỷ 20. Có lẽ chính vì được sống trong một môi trường bóng đá phát triển siêu hạng nên mọi đứa bé đều có cơ may trở thành biểu tượng CLB. Từ Billy Wright, Bobby Moore, Bobby Charlton, Bryan Robson, Ray Wilkins,... cho tới Tony Adams, David Seaman, Campbell, David Beckham, Owen,... và cuối cùng là thế hệ hôm nay như Joe Cole và Theo Walcott hầu hết đều trưởng thành từ những CLB nơi họ sinh thành. Việc trở thành thủ lĩnh trong một nhóm thanh thiếu niên cùng thời là niềm tự hào của cả gia đình, cả địa phương đó.
Người Anh không hề đề cao khái niệm anh đến từ đâu mà anh đã làm gì nhưng họ đề cao sự lựa chọn của cầu thủ. Quá trình trưởng thành của Ian Wright, Raul Merson, George Graham, Dennis Wise, Robbie Fowler, Steve McManaman (England); Roy Keane, Denis Irwin, George Best (Ireland, Bắc Ireland); Don Hutchison, Denis Law, Graeme Souness, Steve Clarke (Scotland); Neville Southall, John Toshack, Mark Hughes, Ryan Giggs, Gary Speed (xứ Wales) đều bắt đầu từ những câu chuyện gia đình vào mỗi tối. Thông thường người Anh sẽ bắt đầu buổi “Early morning tea” vào lúc 7h với vài câu hỏi luôn được lập đi lập lại: “Chúng ta sẽ bắt đầu lúc mấy giờ?” – Ám chỉ trận đấu của CLB mà họ là CĐV sẽ diễn ra khi nào. Thật ra đây không phải là một câu hỏi mà chỉ là câu nhắc nhở lẫn nhau mà thôi.
Tiếp theo là “Breakfast”, “The elevenses”, “Lunch”, “Tea”, “Hight Tea”, “Dinner” và có khi là cả “Supper” (bữa ăn tối muộn), ở bất cứ nơi nào có dịp ngồi lại với nhau là họ lại lạm bàn về bóng đá. Đó là một điều khá lạ nếu nhìn vào phong cách “hoàng gia” của dân Anglo - Saxon. Ở Pháp, người ta tuyệt đối không nói nhiều trong bữa ăn gia đình. Nhưng lưu ý, họ không có thói quen nói nhiều về đối thủ của mình, việc đó sẽ có một “Anorak” ghi chép và phân tích sau đó đăng tải lên web. Công việc của một CDV là chuẩn bị một tinh thần tốt nhất để hò hét trên các khán đài. Từ đó cho thấy, dù là bóng đá phong trào hay chuyên nghiệp người Anh luôn lập kế hoạch tỉ mỉ và phân công sức lao động một cách rất khoa học.
Những học viện hàng đầu nước Anh hiện nay vẫn là Aston Villa, Westham, Arsenal, Spurs và Liverpool. Chính tại nơi này những đứa trẻ 3 năm trước còn nhặt bóng – đánh giày cho các đàn anh nay đã là trụ cột của đội bóng, hưởng lương ngất ngưỡng và đi những chiếc xe đời mới nhất. Và để đạt đến thành tựu đó đầu tiên phải kể đến công lao của các bậc phụ huynh.
Nếu người Brazil coi bóng đá là cuộc đời thì người Anh xem nó là nghề nghiệp. Các bậc cha mẹ luôn hướng con cái đi theo con đường chuyên nghiệp dù ở bất kỳ môn thể thao nào. Trước mọi kỳ thi tuyển hạch, phụ huynh là người đóng vai trò như một trợ lý cầu thủ. Họ có thể bỏ ra một năm để tìm hiểu các học viện, thông tin và kiểm tra chất lượng các học viện. Trong trường hợp những tài năng đã quá nổi tiếng khi còn trẻ như Gerrard, Owen, Paul Scholes,... họ đã được các tuyển trạch viên của CLB đề nghị ký hợp đồng từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc sẽ được đào tạo tri thức tại các học viện bóng đá. Tuy nhiên, phương châm dạy dỗ của họ vẫn luôn là “Chăm nom + khuyến khích + phát triển tài năng”; Vì thế, quyết định cuối cùng vẫn là ở chính các cầu thủ nhí. Owen từng đến thử việc với đội trẻ Arsenal dù gia đình anh là CĐV suốt đời của Liverpool. Trong khi đó, Tony Adams trở thành thần tượng của hầu hết thiếu nữ Anh thời đó với câu nói: “Vì sự trung thành với CLB, vì các CĐV, tôi sẽ sống đời độc thân cho đến khi giã từ sự nghiệp”. Biểu tượng mạnh mẽ của Bắc London chỉ chơi bóng cho một CLB duy nhất là Arsenal và cả 3 thế hệ trước đó của đại gia đình anh đều là CĐV của “The Gunners”.
Các bậc phụ huynh không bao giờ bảo con mình: “Hãy đến với MU vì họ là đội bóng số một nước Anh”, họ chỉ nói: “Nếu con yêu thích bóng đá đến vậy thì MU và Arsenal có thể là nơi đầu tư sự nghiệp tuyệt vời”. Gerrard từng nhiều lần tâm sự với các fan rằng: “Lớn lên trong âm nhạc của The Beatles và những câu chuyện huyền thoại về Liverpool tôi không thể không yêu thành phố này, CLB này. Nhưng trên hết tôi đến với Liverpool bằng một giấc mơ, tôi muốn đeo băng đội trưởng của CLB này, tiếp bước những huyền thoại như Phil Thompson, Emlyn Hughes nâng cao chức vô địch Champions League một lần nữa”. Gia đình và môi trường văn hóa xung quanh đã tạo nên một Gerrard bản lĩnh và mạnh mẽ. Mel C – thành viên chủ chốt của Spice Girls từng nói: “Màu áo đỏ là một biểu tượng đặc biệt, có lẽ còn to lớn hơn là màu áo đội tuyển quốc gia. Chúng tôi sinh ra để làm CĐV của Liverpool”.
Săn đuổi vinh quang!
Nhưng không hẳn tất cả người Anh đều yêu thích CLB của họ bởi vì tình yêu chân chính. Thuật ngữ “Glory Hunter” ám chỉ một số CĐV được khai sinh sau chiến thắng thần kỳ của MU 1999. Họ thừa nhận đã có đôi lúc họ không còn phân biệt đâu là tình yêu thực sự là khát khao tìm kiếm vinh quang từ những chiếc Cup. Zola từng nói về bóng đá Anh với một sự hài hước: “Nhiều khi các CĐV Chelsea kháo nhau rằng, nếu Chelsea mà có được một chức VĐQG thì họ sẽ tặng mỗi cầu thủ một mảnh đất. Hãy nhìn MU mà xem, họ đạt Cup C1 và bây giờ tất cả họ đều trở thành triệu phú”. Vinh quang là một đặc tính mà người Anh khao khát, dĩ nhiên cuộc đời này không phải lúc nào cũng đẹp như một bức tranh; Việc một nhóm CĐV đã rời bỏ Leeds khi CLB này xuống hạng lập tức biến họ trở thành những “Glory Hunter” của các CLB khác và họ cũng chẳng bao giờ thèm phản đối điều này.
http://i71.photobucket.com/albums/i138/nguyenanhduy_se7en/ManUtd/3032458397_430c439286.jpg
“Thảm họa Munich” vào ngày 6-2-1958 đã cướp đi tương lai của MU trong một thời điểm quan trọng. Trong khi người Anh còn chưa hết bàng hoàng sau cú sốc đó thì đến ngày 29 tháng 5 năm 1985 tại Brussels - Bỉ, “thảm họa Heysel” đã khiến cho họ phải gánh vết nhơ trong lịch sử bóng đá thế giới - Một giờ sau khi trận đấu giữa hai CLB Liverpool và Juventus trong khuôn khổ vòng chung kết cup UEFA, các CĐV Liverpool đã vượt qua làn phân cách giữa 2 nhóm CĐV câu lạc bộ và gây sự. Trước tình thế này, các CĐV người Italia buộc phải rút lui, tạo thành một áp lực lên bức tường phía trên họ và hậu quả là 39 người thiệt mạng. Liên đoàn bóng đá Châu Âu quyết định cấm các CLB bóng đá Anh không được tham gia bất kỳ các giải thi đấu nào bên ngoài phạm vi nước Anh trong vòng 5 năm. Sự liên đới này đã tạo thành một tâm lý khủng hoảng của cả nước Anh lúc đó. Bóng đá Anh tạm lui vào hậu trường và đau đớn chứng kiến sự tung hoành của các nền bóng đá khác như Tây Ban Nha, Ý. Kết quả một thế hệ vàng của thập niên 80 rơi tự do sau đó.
Vinh quang là một đặc tính mà người Anh buộc phải khao khát, cũng chính điều này mà sự kiêu hãnh lại nổi lên như một phần tính cách mà tạo hóa đã bù trừ cho họ. Lòng kiêu hãnh của người Anh là một nét đẹp bởi nó không sinh ra từ hận thù hay đố kị, tự kỷ mà nó sinh ra từ tinh thần bóng đá chân chính và sự thừa hưởng của một loại gene hài hước hiếm có. Lòng kiêu hãnh của người Anh thể hiện rõ ràng nhất ở các fan sống ở đô thị - một số quận nổi tiếng như Chelsea chẳng hạn. Những “Anorak” của CLB này từng khuấy động một cuộc thăm dò hoàng tráng: “CLB nào có nhiều CDV nổi tiếng nhất?” Kết quả, nếu các fan của Arsenal thu thập được hơn trăm cái tên, MU cũng không kém cạnh thì Chelsea lại đường hoàng chiến thắng với 500 cái tên từ tất cả mọi lĩnh vực. Không những thế các “Anorak” của The Blues còn ghi rất rõ nghề nghiệp, địa chỉ, thông tin liên lạc của tất cả những ai có tên trong danh sách này. Sự kiện này đã khiến các CDV Liverpool không khỏi tức giận: “Được thôi, nếu thực tế như vậy thì hãy cho chúng tôi xem thẻ hội viên của họ”. Nhóm CDV The Blues đáp trả: “Người giàu có quen biết với người nổi tiếng thì có gì lạ, cũng như The Kop thì có nhiều Hooligan vậy mà!”.
Lòng kiêu hãnh thể hiện trên các khán đài SVĐ. Dù ai cũng biết các Hooligan Anh nổi tiếng là những kẻ hiếu chiến bậc nhất Châu Âu nhưng tại sân nhà họ vẫn giữ một phép “lịch sự” là không bao giờ truy đuổi đội khách trong trận đấu. Một trong những quyển tự truyện nổi tiếng viết về Hooligan có tên “Frontline” có đoạn tác giả thừa nhận: Việc đánh nhau với một nhóm CDV ít ỏi từ nơi khác đến là hành vi làm giảm đi lòng tự trọng. Họ chỉ muốn khẳng định quyền lực của đội chủ nhà bằng cách gây áp lực lên đối thủ, họ là người “bảo vệ trung thành” nhất trên SVĐ và thị trấn khỏi sự “xâm lược” của người khác. “Không ai đánh nhau chỉ vì họ mặc áo khác màu” - một Hooligan hùng hồn nói!
Ngày nay những Hooligan thế hệ mới lại suy nghĩ rất khác: “Chúng tôi chống lại cảnh sát để đòi lại công bằng của chính mình” – đa số họ đều là nạn nhân của bạo lực gia đình, hôn nhân đổ vỡ và thất nghiệp tràn lan.
Ảo tưởng về đẳng cấp?
Trên thực tế đến nay chỉ có hai người Anh là Sir Bobby Charlton và Nobby Stiles là giành được cả Cup C1 và chức vô địch World Cup. Vì thế dù người Anh có tự hào về nền bóng đá văn minh và vĩ đại của họ đến đâu thì họ luôn tự nhắc mình phải biết ơn những người ngoại quốc đã đến với giải Ngoại Hạng và làm rạng rỡ nó lên. Nếu không kể Bill Shankly (Liverpool), Matt Busby (MU), Sir Alex (MU) - những người Scotland vĩ đại thì những cái tên như Arsene Wenger, Dennis Bergkamp, Cantona, Mourinho đã biến Premiership thành một thứ gì đó rất xa xỉ mà hiện thực: Một mô hình kinh doanh - giải trí về thể thao mà cả thế giới đều ao ước. Dĩ nhiên nhân vật hưởng lợi nhất ở đây chính là FA và các CDV của họ. Người Anh tin rằng tuy họ không tự sản sinh ra những siêu sao nhưng họ lại nắm giữ được những siêu sao từ khắp nơi trên thế giới. Sau việc vài năm trở lại đây, bóng đá Anh luôn đóng góp tối thiểu là 3 cái tên ở các vòng tứ kết C1 và nằm trong top 8 đội tuyển xuất sắc nhất thế giới tại WC, người Anh lại càng tin trình độ bóng đá Anh vốn đã xuất sắc giờ lại càng nâng cao. Trên thực tế, ngoại trừ chiếc cúp vô địch thế giới cách đây hơn 40 năm 2 chiếc cúp vô địch C1 mà MU và Liverpool mang về, 15 lần sinh nhật của Ngoại Hạng chỉ là những cuộc cạnh tranh khốc liệt các danh hiệu cá nhân của các cầu thủ lê dương. Trong 15 năm giải Ngoại Hạng diễn ra, người ta vẫn chưa tìm ra được một cái tên gốc Anh có thể khiến cả thế giới phải xưng tụng, ngoại trừ...David Beckham!
Dĩ nhiên người Anh cũng có những siêu sao của riêng họ, một vài cái tên được nhắc đến là Beckham, Owen, Terry, Lampard, Gerrard, Rooney. Trong đó dường như Beck chỉ được xem như một biểu tượng văn hóa hơn là một tài năng đích thực thì Owen lại liên tiếp chấn thương bởi mật độ dày đặc mà bóng đá hiện đại đòi hỏi. Gerrard chỉ là thủ lĩnh của Liverpool còn ở cấp đội tuyển thì anh không phải là linh hồn của toàn đội. Terry và Lampard cũng chưa bao giờ là người hùng ở những trận đấu quan trọng của tuyển quốc gia. Cuối cùng chỉ còn lại Rooney - người được báo chí so sánh với Pele thì lại không phải là mẫu cầu thủ có tư chất lãnh đạo “dải thiên hà”. Sau thất bại của tuyển Anh trước Bồ Đào Nha tại WC 2006 người ta chợt nhận ra một nghịch lý nhưng lại rất giản đơn mà bấy lâu họ cố tình phớt lờ: “Một đội bóng lớn là đội bóng có nhiều siêu sao nhất” hay “Một đội bóng lớn là đội bóng biết chiến thắng những đội xuất sắc nhất”?? Và họ đã có câu trả lời sau thẻ đỏ của Rooney trước lời khích tướng của Cris Ronaldo!
“Sinh ra ở đâu thì chết cũng tại đó!”
Đây là câu cửa miệng của các CDV Leeds, CLB không quá nổi bật về thành tích nhưng tính cách và phẩm giá của họ thì luôn là niềm tự hào của người Anh. Nhìn chung các CDV Anh luôn thẳng thắn nhìn nhận các mặt yếu kém của đội bóng và họ nghĩ rằng cách duy nhất để thay đổi điều này là nâng cao chất lượng. Arsenal, Chelsea là những tấm gương cho trường hợp này. Các CDV thành London là những người đầu tiên công kích việc CLB đầu tư quá nhiều vào cầu thủ ngoại quốc. Nhưng sau công kích họ vẫn là điểm tựa tài chính quan trọng để Chelsea hay Arsenal có thể tồn tại. Bình quân một năm, các CDV thành London tốn hơn 3000 bảng cho những trận đấu, đó là chưa kể những khoản phí riêng nếu họ là hội viên chính thức của CLB. Trên thực tế, rất ít gia đình nào ở Anh mà con cái của họ lại không trở thành hội viên trong một CLB địa phương mà bố mẹ đã tham gia. “Hạt nhân gia đình” là trọng tâm cho sự phát triển tổng thể của CLB.
Arsenal, MU hay Liverpool luôn nổi tiếng bởi họ có những nhóm hội viên có khi lên đến 50 người chỉ ở một gia đình. Nhóm CDV 3 thế hệ này chính là nguồn động lực to lớn cho việc hình thành văn hóa cổ động của “đại gia đình” LHA. Ngoài ra, nếu trở thành “Red member” hay “Gold member” họ còn có cơ hội được hưởng những chuyến du lịch miễn phí cùng với CLB khi họ du đấu nước ngoài. Đó chính là một nét đẹp trong văn – hóa – chia - sẻ của bóng đá Anh.
Nhưng bóng đá Anh không chỉ có khoa học và tốc độ. Cũng như mọi nền văn hóa khác, tình cảm con người luôn là nấc thang cao nhất của mọi cung bậc. Có thể 10 năm nữa những cậu bé lớn lên từ âm nhạc của “The Beatles” như Robbie Fowler hay Teddy Sheringham - người hùng không tuổi hoặc chàng trai đáng yêu sinh ra tại Bedford – Andy Johnson sẽ chỉ còn là một ký ức xa xưa trong lòng người hâm mộ thì tên tuổi của họ vẫn là một phần của bóng đá Anh – nơi khai sinh ra thứ bóng đá “cuốn hút, nỗ lực và khả năng chịu đựng thất bại”. Họ sẽ là tấm gương cho tinh thần ý chí Anh: Không bao giờ nản lòng trước mọi hoàn cảnh – Sinh ra trong cái đẹp và có thể chết vì nghệ thuật!
Lời cảm tạ - Những giai điệu du dương
Người Anh luôn hài hước cho dù sự hài hước của họ không quá nổi tiếng theo kiểu “Scotland” thì họ vẫn là những CDV đáng mến nhất. Các CDV luôn sáng tạo ra những câu chuyện cười có liên quan đến tính cách cầu thủ mà họ yêu thích. Có một mẫu chuyện từng được “BrE History” đăng tải:
“Sau một mùa giải thất bát, Leeds Utd quyết định cải tổ lại đội hình của mình. HLV của họ ra lệnh triệu tập tất cả thành viên chủ chốt lại thành một vòng tròn, ông phát biểu: “Hôm nay tôi sẽ kiểm tra chất lượng từng người một bằng một câu hỏi, ai trả lời được thì ở lại đội hình chính thức, không thì xuống dự bị”. Một sự im lặng bao trùm cả đội, HLV bắt đầu hỏi:
_ Hãy cho tôi biết 2 nhân 2 bằng mấy? Alan Smith, anh trả lời trước!
Alan Smith lúc này mồ hôi đã vã ra như tắm, gượng gạo đứng lên. Cuối cùng anh ta rụt rè đáp: “Thưa HLV, tôi nghĩ là 4”. HLV trưởng rít qua kẻ răng: “Nào, nói lại xem siêu sao, anh bảo là 4, anh có chắc là 4 không. Chắc không? – Ông gằn giọng.
Gần như tất cả các cầu thủ còn lại bắt đầu đồng thanh: “Thôi mà, Coach, cho anh ta thêm một cơ hội nữa đi mà...”
Kết luận: Đó là nguyên nhân lớn nhất về việc Leeds bị xuống hạng vào mùa bóng 2003-2004.
“Yesterday, all my troubles seemed so far away
Now it look as through they’re here to stay
Oh I believe in yesterday
Suddenly, I’m not half the man I used to be
There’s shadow hanging over me
Oh Yesterday came suddenly...”
Yesterday - The Beatles
Ngày hôm qua, tất cả mọi lỗi lầm của tôi dường như chỉ còn là ký ức
Giờ kỳ lạ sao tất cả lại tồn tại ở đây
Vâng, tôi vẫn tin vào Ngày hôm qua
Đột nhiên, tôi không còn là chính mình
Có những bóng ma đang lơ lửng quanh đây
Ôi! Ngày hôm qua bỗng dưng hiện hữu...
Âm nhạc “The Beatles, âm nhạc của nước Anh, âm nhạc từ “chiếc nôi bóng đá”. Âm nhạc từ những khán đài nổi tiếng – “The Kop” hay “Old Trafford”. Âm nhạc khiến cho người Anh cảm thấy gần nhau hơn. Ngoài việc sáng tác ra các bài hát cổ động người Anh cũng tiên phong trong việc biến âm nhạc thành một vũ khí đáng sợ trên sân cỏ. Hầu như trong mỗi trận đấu, các CDV không có việc gì khác là hát và hò reo, gọi tên các cầu thủ. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến những bài nhái lại từ các Hit trên thế giới như “You’ll never walk alone”, “We will rock u”, “Let it be”,... Nhưng không có gì ngạc nhiên khi bài hát yêu thích nhất của các CDV Anh vẫn là “Back Home” do các tuyển thủ Anh trình làng 1970 và lọt ngay vào top những bài hát hay nhất trong các bảng xếp hạng âm nhạc tại Anh khi đó. “Back Home” chính là bài hát ca ngợi về thành tựu đoạt chức VDTG của đội tuyển Anh vào năm 1966 và niềm mong đợi của cả một dân tộc vào chiến thắng thần kỳ kế tiếp (tuy nhiên tại WC 1970 diễn ra tại Mexico, Anh đã thất bại trước CHLB Đức với tỉ số 2-3 tại vòng tứ kết).
Dù thế, dường như thành công với bóng đá Anh vẫn chỉ là một ký ức của ngày hôm qua, như Paul McCartney từng hát:
“Yesterday, love such an easy game to play
Now I need a place to hide away
Oh I believe in Yesterday”
Ngày hôm qua, tình yêu cũng đơn giản như một trò chơi
Và bây giờ tôi cần một nơi để bình tâm lại
Ôi! Tôi vẫn tin vào Ngày hôm qua...
http://i71.photobucket.com/albums/i138/nguyenanhduy_se7en/ManUtd/3046209995_1014a7ba2d_o.jpg
(Sưu tầm)
Powered by vBulletin® Version 4.2.1 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.