PDA

View Full Version : Các biệt danh trong làng cờ



ngoa_long
22-06-2009, 05:55 AM
Bài này đã lâu, đăng lại cho những anh em chưa đọc

Thể thao VN từ xưa đã có những biệt danh đi vào lòng người hâm mộ như “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng, "trung ứng vách sắt" Trương Tấn Bửu (bóng đá), “phượng hoàng” Lê Thành Các, “hùm xám” Vũ Văn Thân (xe đạp), “bức tường đồng” Mai Văn Hòa (bóng bàn)...

Tuy nhiên, chiếm số lượng áp đảo nhất vẫn là ở môn cờ tướng khi chỉ cần... xuất hiện trên đấu trường là đã có biệt danh.

"Mộc Thanh Cốc” của Võ Đang thất hiệp

Trong nhóm bảy anh hào của “Võ Đang thất hiệp” tại Sài Gòn trước năm 1975, tuy là em út nhưng thất đệ “Mộc Thanh Cốc” - Lê Thiên Vị (L.T.V.) nhờ có ưu thế hoạt bát và “nội công” thâm hậu nên rất được dân làng cờ nể trọng.

So với đàn anh đại ca Tống Viễn Kiều - nhà giáo Lê Văn Đặng hay nhị ca Nguyễn Hữu Quang, tam ca Nguyễn Minh Nhật, tứ ca Châu Diễm Diệu, lão ngũ Quách Anh Tú và lục huynh Tô Hòa Dương, L.T.V. thành công hơn cả về nghiệp cờ tướng khi hiện là ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Cờ tướng châu Á, HLV trưởng đội tuyển cờ tướng VN.

Tuy nhiên, cũng như nhiều “hiệp khách” cờ tướng lúc bấy giờ, thời trai trẻ của L.T.V. cũng không thể tránh khỏi chuyện cơm áo gạo tiền. Được xem là thất đệ của Võ Đang chính phái với bảng thành tích: vô địch Sài Gòn năm 1970, đạt đẳng cấp quốc tế đại sư tại giải vô địch thế giới lần 4-1995 với tấm HCB Phi Hoa Duệ; ấy vậy mà đôi khi vì hết tiền, L.T.V. đã phải “xé rào” kiếm tiền ở các bàn cờ độ.

Với nội công thâm hậu được tôi luyện tại môi trường chính phái của Võ Đang thất hiệp, nhờ vậy mà khi “xuống núi” tìm kế sinh nhai, L.T.V. có thành tích bất khả chiến bại với trăm trận trăm thắng.

Lúc đó, khi gặp ông người ta thường hỏi hôm nay thắng được bao nhiêu, chứ ít ai hỏi thắng thua thế nào. Vì thường xuyên triệt hạ đối thủ bằng các chiêu độc nên L.T.V. còn có biệt danh khác là “Thiên hạ đệ nhất sát”. Cùng với nhị sát Trần Quới và tam sát Lê Nhị Trí, bộ ba này được xem là “giang hồ tam ác” ở các bàn cờ độ lúc bấy giờ.

Những ngày lui về “ẩn dật”, L.T.V. bắt đầu nghĩ đến chuyện phải làm một cái gì đó cho môn thể thao đã làm nên tên tuổi của mình và ông đã làm HLV cho đội tuyển TP.HCM. Theo ông, biệt danh là một trong những cách dễ đi vào lòng người nhất bởi nó giúp dân mê cờ dễ nhớ và chỉ cần nghe qua là nhớ liền đến sở trường, sở đoản quái chiêu, tuyệt kỹ... của từng thần tượng của mình!

Và bằng kinh nghiệm tích lũy được của những ngày hành hiệp giang hồ cộng với cặp mắt tinh tường của mình, nên các biệt danh mà tiền bối L.T.V. đặt đều được dân làng cờ chấp nhận.

http://i641.photobucket.com/albums/uu134/tu_phong/lethienvi.jpg
Lê Thiên Vị (trái) nhận kỷ niệm chương do Ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao tặng

1.001 biệt danh trong làng cờ!
Có thể nói nếu nhà văn Kim Dung đã có công xây dựng các nhân vật trong tiểu thuyết của mình đến với đông đảo công chúng, thì ở góc độ nào đó L.T.V. đã làm cho các nhân vật của Kim Dung gần gũi hơn, đặc biệt là với người mê cờ tại VN.

Những biệt danh mà L.T.V. đặt cho các kỳ thủ trong làng cờ tướng không chỉ là tên gọi cho vui mà đã phản ánh một phần ngoại hình, tính cách của nhân vật. Chẳng hạn như quốc tế đại sư Trềnh A Sáng được đặt cho tên gọi “Túy kỳ tiên” bởi anh uống rượu chẳng thua gì nhân vật Tiêu Phong trong Thiên long bát bộ - Lục mạch thần kiếm.

http://i641.photobucket.com/albums/uu134/tu_phong/aminh-asang.jpg
Trương Á Minh(trái) và Trềnh A Sáng(phải) .

Dân làng cờ có truyền nhau một câu chuyện vui là tại một giải đấu, vì cả nể bằng hữu mà “Túy kỳ tiên” uống say bí tỉ đến nỗi ban tổ chức không cho vào bàn thi đấu! Tuy nhiên, đây cũng là một kỳ thủ đặc biệt bởi khi tửu vào càng nhiều thì anh chơi cờ càng hay! Cùng đẳng cấp với Trềnh A Sáng còn có “Độc cô cửu kiếm” Mai Thanh Minh, bởi anh này có tuyệt kỹ là dùng chiêu độc “vô chiêu thắng hữu chiêu” giống Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ.

http://i641.photobucket.com/albums/uu134/tu_phong/maithanhminh.jpg
Đông đảo bạn trẻ theo dõi đấu cờ và chiêm ngưỡng “Độc cô cửu kiếm” Mai Thanh Minh

Còn nhớ vào đầu những năm 2000, làng cờ VN xuất hiện bốn anh em của gia đình họ Diệp: Khai Nguyên, Khai Dương, Khai Hằng và Khai Hồng thi đấu khá ấn tượng, liền sau đó xuất hiện biệt danh “Diệp gia tứ hổ”! Tương tự, trong giới nữ, VN cũng có lắm hảo thủ mà mỗi khi nghe đến tên cánh mày râu cũng rùng mình, và dĩ nhiên L.T.V. cũng tìm cho họ một biệt danh thật xứng đáng!

Nổi bật trong số đó là quốc tế đại sư Lê Thị Hương với biệt danh “Diệt tuyệt Sư Thái”! Cũng như chưởng môn phái Nga Mi trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Lê Thị Hương rất thích đi “giang hồ”... gài độ! Và mỗi lần Lê Thị Hương xuất chiêu được ví như Diệt tuyệt Sư Thái rút Ỷ Thiên kiếm khiến không biết bao phen làm đối thủ ôm hận.

Có thể nói trong làng cờ tướng, mỗi biệt danh là một tính cách, mỗi tên gọi là một giai thoại. Một ngày nào đó nếu tình cờ nghe được những tên gọi mang đậm màu sắc kiếm hiệp như “Đông phương bất bại” Trần Văn Minh, “Bạch mi ưng vương” Trương Á Minh, “Sát nhân vô ảnh” Trần Quốc Việt, “Khô Mộc thiền sư” Dương Thanh Danh, “Tía Sam long vương” Trần Thị Ngọc Thơ, “Thiết chưởng lão nhân” Trịnh Mỹ Linh, “Thiếu Lâm Không Kiến thần tăng” Phạm Tấn Hòa, “Phong trần quái khách” Hoàng Đình Hồng..., dù chưa phải là tín đồ của cờ tướng chắc bạn cũng vui vui.

trung_cadan
22-06-2009, 10:04 AM
Bác lê Thiên Vị viết bài chuyên trang cờ tướng trên báo TTTPHCM cực hay và sâu sắc !!!

honglinh_hue
28-06-2009, 01:24 PM
thế các đại cao thủ sau này ai đặt ngoại hiệu cho?

Tuanvuaco
15-05-2013, 04:15 PM
Nghe giang hồ đồn đại, muốn trở thành cao thủ thì phải qua " QUỶ CỐC TIÊN SINH "

Xin hỏi là ai vậy ?