PDA

View Full Version : “Quái khách” phong trần giữa đời thường..., Hoàng Đình Hồng



Congaco_H1R5
23-06-2009, 08:53 PM
HLV trưởng đội tuyển cờ tướng Quốc gia: Hoàng Đình Hồng: “Quái khách” phong trần giữa đời thường...
http://www.thethaohcm.com.vn/Imagethethaohcm.php?path=pic_new/HoangDinhHong1181203281.jpg Ảnh : Dư Hải
Hơn 2 chục năm qua, biệt hiệu “Phong Trần Quái Khách” gắn với tên ông. Thoạt nghe đã thấy toát lên cái vẻ “bụi đời” trong nét phong trần của một đời người gắn với nhiều giai thoại thú vị. Nhưng có tiếp xúc với ông, hiểu ông, mới hay thật ra vị “quái khách” ấy chẳng hề “quái” mà rất đỗi bình dị, dễ gần, dễ mến.

Còn từ góc độ công việc, ông chẳng khác nào một “ngọn đuốc sống”, luôn có thể “cháy” đến tận cùng...

Từ một cao thủ cờ giang hồ khét tiếng...
Ngay từ lúc còn nhỏ xíu, cậu bé Hoàng Đình Hồng đã bị cái trò đấu trí trên bàn cờ vuông hút hồn khi phục vụ “điếu đóm” cho ông bác ruột Hoàng Đình Không và các bằng hữu. Lớn lên chút nữa, Hồng được thụ giáo ông thầy... hàng xóm Đỗ Quốc Sang, được thầy chỉ tận tình từ cách đọc Hán tự đến cách khai thác mấy cuốn sách cờ bằng tiếng Tàu.

Sau giải phóng, Hoàng Đình Hồng bắt đầu tham gia giới cờ độ - vốn phát triển rất mạnh ở TPHCM thời điểm ấy. Với bản tính ham học hỏi, Hồng được thụ giáo thêm danh thủ Hứa Kim Thành, và được các danh thủ khác như Thái Văn Hiệp, Quách Anh Tú, Lê Thiên Vị cho mượn tài liệu tự nghiên cứu nâng cao trình độ... Trong thời gian hơn 10 năm, Hoàng Đình Hồng gần như có mặt tại mọi sới cờ giang hồ của thành phố, và nằm lòng mọi mánh khóe “câu độ”, “gài độ” để có thể... sống khỏe trong môi trường phức tạp nhưng luôn thấm đẫm cái nghĩa khí giang hồ rất riêng của làng cờ tướng.

Quãng thời gian “hành hiệp” đã để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm. Một lần, Hồng vét gần sạch túi một đối thủ mà trước đó cứ đinh ninh là chủ hãng xà bông (như giới thiệu của một số kỳ hữu) sau gần 1 tuần “gài” độ. Tới ngày so tài cuối cùng, mới hay ông ta chỉ là một anh... bán ve chai (sở dĩ túi ông ta rủng rỉnh tiền là do chủ vựa ve chai cho mượn), gia cảnh cực kỳ khó khăn với 1 vợ và 6 con nheo nhóc sinh sống trong một cái chòi vịt. Thế là trong mấy ngày liền sau đó, “quái khách” bỗng dưng... sút giảm phong độ lạ kỳ, bao nhiêu tiền “ăn” được trước đó lần lượt... trở lại túi cái ông bán ve chai mê cờ (đến nỗi quên mất cả vợ con) trong sự ngỡ ngàng của chính ông ta.

Một lần khác, “tay cờ lạ” Hoàng Đình Hồng quần một ông thầy bói người Tàu mê cờ ở Chợ Lớn tơi tả. Cuối cùng, thầy bói hỏi: “Anh tuổi gì?”, Hồng đáp bừa: “Tuổi Dần” (thực ra là tuổi Tí). Thầy bói gật gù: “Chả trách. Tôi tuổi Hợi, anh tuổi Dần, tôi thua là phải”. “Độc hành đại đạo” (biệt danh được làng cờ đặt cho, ám chỉ việc ông Hồng thường đi đánh cờ độ một mình) phải bấm bụng, tới khi rời xa hẳn khỏi “sới” mới dám cười một trận tưởng bể bụng...

Làng cờ đều biết kỳ nghệ siêu phàm của danh thủ Trần Quới (người Hoa, biệt hiệu “Lác Chảy”), người từng được ví von là “Nhất bộ đăng thiên” (một bước là tới trời). Nhưng ít ai biết đến câu chuyện về những trận so tài giữa danh kỳ này với “độc hành đại đạo” hơn 20 năm trước. Thoạt tiên, Trần Quới chấp Hoàng Đình Hồng tới 3 nước tiên kèm theo điều kiện: hòa được là thắng Quới. Những lần so tài đầu tiên, ông Hồng thua. Lần cuối cùng 2 người đấu với nhau, Trần Quới vẫn chấp 3 nước, nhưng bỏ điều kiện “hòa ăn”, Hoàng Đình Hồng thắng một lèo 5 ván... Nhưng với Hoàng Đình Hồng, mãi tới bây giờ Trần Quới vẫn là bậc kỳ tài đáng phục nhất. “Trước đây và mãi sau này khó có ai đạt tới trình độ như anh ta. Tiếc rằng họ Trần đoản mệnh...

Nếu có một tay cờ cỡ ấy trong đội tuyển Việt Nam, chúng ta không ngại gì đối thủ Trung Quốc!”, ông Hồng tâm sự. Trong nghiệp cờ giang hồ của mình, Hoàng Đình Hồng vẫn nhớ như in 3 lần đọ tài cùng các cao thủ đất Bắc. Hai lần đầu, ông đều thất thủ trước các danh kỳ Nguyễn Tấn Thọ (cựu vô địch Bắc Kỳ, người đứng đầu nhóm “Ngũ Tốt” lừng lẫy của Hà Nội hồi những năm 50-60) và Đinh Trường Sơn (cựu vô địch Hà Nội, sau là HLV của đội cờ tướng Quân đội). Tới lần thứ 3, ông mới thắng được danh thủ Cao Bá Dũng (vô địch Hải Phòng). Đáng nói ở chỗ, sau mỗi lần đọ sức, ông Hồng đều trở thành bạn tri kỷ với đối thủ do tìm thấy ở nhau sự đồng cảm, sẻ chia.

...tới một huấn luyện viên hết lòng vì nghiệp cờ
Sự nghiệp HLV của ông Hoàng Đình Hồng bắt đầu khá muộn: năm 1988 (khi đã tròn 40 tuổi) tại Trung tâm TDTT quận 8. Nhưng phải tới năm 1994, khi được một đàn anh – ông Lê Thiên Vị (cựu HLV đội tuyển QG, từng nổi tiếng trong giới cờ giang hồ những năm 60-70 với biệt danh “Mộc Thanh Cốc”) mời về làm HLV của quận 1 thì ông mới thực sự có chỗ đứng ổn định trong nghiệp... thầy cờ.

Vốn tính tình phóng khoáng, lại rất tận tình trong công việc, HLV Hoàng Đình Hồng luôn có được sự tín phục, tin yêu của các thế hệ học trò. Chẳng quản nắng mưa, ông từng phóng xe tới mấy chục cây số để đón một học trò có năng khiếu về rèn luyện; ông từng xuống tận Bình Dương để “bắt” một tài năng nhí có năng khiếu rất đặc biệt về huấn luyện đội năng khiếu quận 1... Năm 1996, ông được bổ nhiệm là HLV đội tuyển nữ TPHCM, sau đó là HLV tuyến năng khiếu của TPHCM.

Suốt 2 thập kỷ qua, HLV Hoàng Đình Hồng tham gia đào tạo nhiều học trò xuất sắc cho làng cờ thành phố HCM. Lớp trước có Lê Tân Ngọc Thơ, Nguyễn Thị Kim Anh, Trần Thị Thúy Hồng, Trần Thu Hà, Vũ Thị Thu... Lớp nhỡ có Lý Thanh Phương, Nguyễn Tuyết Nhung, Đoàn Thị Anh Vũ, Trương Lê Hoàng... Lớp sau có Trần Nguyễn Thế Toàn, Trần Thanh Tân, Bùi Châu Ý Nhi, Đàm Thị Thùy Dung, Trần Thùy Trang, Võ Thị Thu Hằng... Một cái tên khá đặc biệt nữa là cựu VĐQG Hoàng Hải Bình (gốc Bình Định). Ít người biết rằng ngay khi Bình còn thi đấu cho Bình Định, cô đã được sự chỉ giáo tận tình của thầy Hồng. Khi quyết định rời đất Võ, cô nhất quyết đầu quân cho TPHCM, dù chính HLV Hoàng Đình Hồng giới thiệu cô về... Bà Rịa Vũng Tàu (để tránh tiếng dị nghị lôi kéo người của địa phương khác).

và nghĩa khí giữa đời thường
Có một kỷ niệm rất sâu sắc với HLV Hoàng Đình Hồng về cái gọi là “nghĩa khí” của dân cờ. Nhân dẫn quân dự giải VĐQG năm 1996 (tại Hà Nội), ông được danh thủ Nguyễn Tấn Thọ mời qua “sới” cờ Ngõ Trạm để tỉ thí với một kỳ thủ giang hồ khét tiếng Hà Nội khi ấy là Hưng “con” kèm theo điều kiện: phải chấp Hưng 2 nước tiên. Ông thắng 2 ván liên tiếp. Tới ván thứ 3, khi cờ đã ở thế ưu, ông Hồng sực nhớ phải chuẩn bị lên tàu về thành phố trong đêm, nên chủ động đề nghị hòa, đồng thời lấy số tiền thắng được mời nước tất cả các kỳ hữu có mặt lúc ấy. Ai ngờ trên đường đi xe xích-lô về KS, có cả đoàn 7-8 chiếc xe máy chặn ngang. Hóa ra chỉ vì phục tài lại mến cái nghĩa khí của ông, mà đám thanh niên ấy đuổi theo mời ông ở lại để chiêu đãi rồi mua vé máy bay cho ông về sau. Vất vả lắm ông mới có thể khước từ, nhưng trong hành trang của ông về TPHCM có thêm một mớ quà Hà Nội, bia và thuốc lá “để thầy hút trên tàu”.

Chủ trương sống hòa đồng, và “trải lòng với tất cả mọi người”, ông Hồng thường xuyên gửi tài liệu nghiên cứu cho rất nhiều kỳ hữu khắp mọi miền đất nước. Mới mấy ngày trước, ông còn nói chuyện điện thoại hàng tiếng đồng hồ để bổ sung tài liệu cho chàng sinh viên Hoàng Ngọc Khánh (Trường Đại học TDTT I) ở tận Bắc Ninh hoàn tất đề tài tốt nghiệp về cờ tướng.

“Niềm trăn trở lớn nhất của tôi là cờ tướng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp lãnh đạo. Trong môn thể thao trí tuệ này, chúng ta có tiềm năng nhân lực cực kỳ mạnh mẽ. Nếu được đầu tư chu đáo, bài bản thì dứt khoát cờ tướng Việt Nam sẽ còn rạng danh hơn trên kỳ đài quốc tế, thậm chí có thể cạnh tranh mạnh với Trung Quốc”, ông Hồng cả quyết.

Những điều ít người biết

2 năm nằm viện và... 7 lần mổ!
Trong thời gian làm công nhân ở công ty Xây dựng điện số 1, thi công phần điện cho SVĐ Long An và KS Vàm Cỏ chuẩn bị phục vụ giải bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa (SKDA) 1984, ông Hồng bị tai nạn nghiêm trọng, bị đứt dây niệu đạo. Hậu quả của tai nạn ấy là 2 năm gắn với... giường bệnh và 6 lần mổ. Nếu tính thêm 1 lần mổ vì thủng dạ dày, tổng cộng ông Hồng đã phải trải qua tới 7 lẫn phẫu thuật ổ bụng: một kỷ lục không giống ai? “Tôi không thể mập nổi là vì thế”, ông lý giải!

HLV đội tuyển QG từng là nhà... quản lý 3 lò bánh mì
Năm 1986, sau 2 năm trị bệnh, ông Hồng tình cờ quen một kỳ hữu, được ông ta mời quản lý giúp 3 lò bánh mì. Duyên số đẩy đưa, ông “mến” cô em của ông chủ bánh mì ấy, rồi hai người nên nghĩa vợ chồng.

Kỷ lục gia viết sách cờ
Năm 2004, trung tâm sách kỷ lục Việt Nam từng xác nhận HLV Hoàng Đình Hồng là một kỷ lục gia viết sách cờ khi ông là tác giả, đồng tác giả của 41 tác phẩm cờ tướng. Tất cả đều thuộc dạng best-seller. Không thật thông thạo tiếng Hoa, ông Hồng thường hợp tác với một chuyên gia Hoa ngữ – anh Lý Kim Tường - cựu sinh viên trường Đại học Đà Lạt, đồng thời tham khảo thêm nơi các danh thủ Quách Anh Tú, Lê Thiên Vị, Diệp Khai Nguyên... và viết theo lối phân tích tổng hợp chứ không biên dịch đơn thuần. Cuốn sách đầu tiên của ông là bản dịch “Pháo cuộc bách biến” của danh thủ Hà Thuận An (TQ). Một số tác phẩm ưng ý: “Chiến thuật tấn công và phòng thủ”, “Khai cuộc hiện đại”, “Tinh hoa kỳ nghệ”, “Những cạm bẫy trong khai cuộc”...

“Bình luận viên cờ số 1 Việt Nam”
Điều này vốn đã được thừa nhận từ lâu. Lần đầu tiên ông chính thức trở thành bình luận viên cờ là tại giải VĐQG năm 1996. Tới nay, ông là “cộng tác viên ruột” của nhiều kỳ đài (Nhà VH Thanh niên, Kỳ Ngộ, Bằng Hữu...), đồng thời tham gia viết bình luận về cờ cho một số tờ báo, tạp chí. Ông từng là người đứng mục cờ tướng cho báo Hậu Giang.

“Huấn luyện viên nhân dân”
Ấy là cách gọi vui của đồng nghiệp về khí khái dân dã và sẵn sàng giao lưu với bất kỳ người hâm mộ cờ nào của ông. Trong các học trò “ngang” của thầy Hồng có một cái tên khá đặc biệt: ca sĩ nổi tiếng Ngọc Sơn. Cách nay khá lâu, khi còn tập bóng bàn tại CLB Nguyễn Du, ca sĩ Ngọc Sơn đã lên tiếng... thách đấu HLV Hoàng Đình Hồng. Được chấp 1 con Mã vẫn thua, Ngọc Sơn phục sát đất, bèn xin học cờ và được theo học thầy Hồng trong 1 tháng. Trong số các học trò ngoài đời của ông hiện nay có cả 1 tiến sĩ y khoa, anh Võ Minh Tuấn (du học tại Mỹ)...
HỮU BÌNH
Nguồn: Blog Cờ Tướng Việt Nam

Huy_Hp
24-06-2009, 09:05 AM
Hí hí hí có bác Dũng nhà mình .Bác Cao Bá Dũng cũng 1 thời vang bóng chứ bộ . Tiếc là những lúc có tiền thì chả bao giờ thấy bác ấy ở sới cờ mà toàn gà chọi , với lô đề .

trannhien
24-06-2009, 09:55 AM
Không hiểu ai đặt cho Bác Hoàng Đình Hồng danh hiệu "phong trần quái khách" ? người Bác ấy ốm nhom, nên đặt là "Khô mộc thiền sư" thì đúng hơn.:-?

Congaco_H1R5
24-06-2009, 02:27 PM
Không hiểu ai đặt cho Bác Hoàng Đình Hồng danh hiệu "phong trần quái khách" ? người Bác ấy ốm nhom, nên đặt là "Khô mộc thiền sư" thì đúng hơn.:-?

Khổ nổi , Bác Tú đã đặt cho anh Danh biệt hiệu " Khô Mộc Thiền Sư" mất rồi ,
Vì thế Bác H Đ H phải là " Phong Trần QK" ... vì Phong Trần quá chắc cũng ốm đấy bạn trannhien ạ . Vài dòng tán phéc cho vui , rất vui khi làm quen với bạn @};-

cuoiconbo
24-06-2009, 11:53 PM
Bác Hoàng Đình Hồng quả là một người rất tâm huyết với cờ. Tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm khó quên khi công đài ở Cung văn hóa lao động,ván đấu tôi tưởng đã thắng chắc nhưng vì thiếu kinh nghiệm để hòa cờ, bác đã an ủi tôi và nói tương lai cờ của tôi sẽ rất sáng. Đáng tiếc, đến bây giờ, cờ tôi lại ngày một vịt đi mới buồn chứ, hihihi

maisieuphong
25-06-2009, 01:19 AM
Phải nói rằng chú Hồng là người rất có trác nhiệm với công việc. Tôi đã từng chứng kiến điều này rồi tại giải quốc gia 2007- 2008. Môt điều quan trọng nữa xin bật mí với bạn nào yêu cờ hãy liên hệ với chú Hồng sẽ có ngay những tài liệu cần thiết và mơi nhất đẻ tham khảo với giá rẻ nhất.

balasat
25-06-2009, 09:33 AM
qua câu chuyện trên tôi thấy thực nực cuời vì vào thời điêm năm 95.96 ơ hà nội chăng có cao thu nào khét tiếng giang hồ tên là hưng con chi có cao thu nôi tiếng nộp tên là hưng xoăn anh ruột cua độc cô cầu bại cường épti sen mà thôi các bạn có thê hoi cường kl thì biết

tieunhulai
25-06-2009, 04:29 PM
Ông HDH quả thật là người sôi nổi dễ gần, dễ mến. Khi chơi cờ (dợt cờ nhanh vui) thấy ông cũng vui tính, vui nết, lâu lâu thấy ông hay cung cấp tài liệu cho các kỳ thủ rất nhiệt tình. Ngay cả bản photo ông cũng tự mình đi tìm chỗ photo chất lượng rồi mới giao cho họ. Một người hay.

Mecolam
21-07-2009, 03:36 PM
Hà Nội thời gian đó có Tứ Cường: Cường Đồng Xuân, Cường Yên Phụ, Cường Mơ, Cường Kim Liên. Bây giờ còn mỗi Cường Kim Liên; còn mấy bác kia đã đi XA.

Honda-Fit
21-07-2009, 09:16 PM
Hoàng Đình Hồng còn có bút danh khác là Trọng Nhân thì phải ?

dohuuthuc
21-07-2009, 09:57 PM
Mời các bạn đọc thêm bài này về Thầy Hồng
HLV cờ tướng ĐTQG VN Hoàng Đình Hồng: “Lòng mình chưa chai sạn” - Invision Power Board (http://forums.xiangqiclub.com/index.php?showtopic=2779)

hunterghost
23-10-2009, 08:39 PM
ban co the cho minh biet cach de lien lac voi chu HDHong ko? ban gui vao mail hunter_ghost2003@yahoo.com gium nha ban!
thank ban nhieu!

dohuuthuc
17-11-2009, 10:27 AM
Hoàng Đình Hồng " Quái khách phong trần giữa đời thường " .Một biệt danh được cả làng mến tặng gắn liền với phong cách và đẳng cấp của một người Thầy tận tâm với nghiệp cờ mà mình đã theo đuổi ước mơ .

Em chỉ mong rằng với ngày nay tạm gọi là công thành danh toại sẽ không vì chút tiền tài và quan cách làm mất đi tính cách đặc thù của 1 "quái khách " vào cuối đời mình ( mua danh ba vạn bán danh ba đồng)

CXQ
27-01-2010, 11:27 AM
Không hiểu ai đặt cho Bác Hoàng Đình Hồng danh hiệu "phong trần quái khách" ? người Bác ấy ốm nhom, nên đặt là "Khô mộc thiền sư" thì đúng hơn.:-?

Theo mình biết, thầy Lê Thiên Vị đặt cho thầy HĐH thì phải 8->

reporter
27-01-2010, 11:33 AM
Lâu lâu tự nhiên thấy bài của mình được post lại, cũng thấy vui vui, xin cảm ơn các kỳ hữu, cảm ơn "Phong trần quái khách" vì cái Tâm, cái Tình và đặc biệt là những cống hiến của ông cho làng cờ!

Congaco_H1R5
27-01-2010, 11:41 AM
Oh hóa ra Phong viên Hữu Bình là bác Reporter đấy à . Lâu nay biết bác là nhà báo , tên Bình nhưng khi sưu tầm bài viết này chỉ để tên tác giả là Hữu Bình chứ không hề biết là bác viết bài này .
Bài viết hay quá , cám ơn bác .

reporter
27-01-2010, 12:29 PM
Oh hóa ra Phong viên Hữu Bình là bác Reporter đấy à . Lâu nay biết bác là nhà báo , tên Bình nhưng khi sưu tầm bài viết này chỉ để tên tác giả là Hữu Bình chứ không hề biết là bác viết bài này .
Bài viết hay quá , cám ơn bác .

Cảm ơn anh Gà. Em kém anh một số tuổi (em mới 35), nên đừng gọi em là bác nữa nhé. Lúc nào có dịp anh em gặp nhau hàn huyên sau. Chúc anh kỳ nghệ thăng tiến!

pdhien
27-01-2010, 09:25 PM
bác Repoter là nhà báo, vậy bác biết những bài viết của bác Lê Thiện vị Viết về Danh thủ Trần Quới và những câu chuyện về Cờ thế rất dài đã đang ở Báo Thể thao thành phố hồ chí minh những năm 1996.... nếu bác sưu tầm đc đăng lại cho mọi người thưởng thức đc không vậy ?

reporter
27-01-2010, 09:52 PM
bác Repoter là nhà báo, vậy bác biết những bài viết của bác Lê Thiện vị Viết về Danh thủ Trần Quới và những câu chuyện về Cờ thế rất dài đã đang ở Báo Thể thao thành phố hồ chí minh những năm 1996.... nếu bác sưu tầm đc đăng lại cho mọi người thưởng thức đc không vậy ?


Đúng là trước đây Báo Thể Thao TPHCM từng đăng một loạt bài dài kỳ về danh thủ Trần Quới của tác giả Lê Thiên Vị. Tuy nhiên, do tôi cũng chỉ là độc giả (công việc chính của tôi khi còn công tác tại báo Thể thao TP là viết về mảng bóng đá và thể thao trong nước), chỉ đọc chứ không cất công sưu tầm lại, nên không thể đáp ứng mong muốn của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn có nhu cầu, có thể liên lạc trực tiếp tới Tòa soạn của Báo Thể thao TPHCM tại 40/25 Bùi Viện, Q1 (thông qua bộ phận công tác bạn đọc) để xin được tìm và photo lại những bài viết mà mình muốn.

Nếu bạn ở TPHCM thì sẽ rất tiện nếu có thể liên lạc trực tiếp với thầy Vị. Muốn tìm thầy, bạn cứ tới CLB TDTT Nguyễn Du (nơi thầy Vị dạy cờ) hỏi thăm là gặp được.

Thân mến.