PDA

View Full Version : Chấp nhất



Lâm Đệ
23-12-2012, 02:25 AM
Triết lý Phật giáo chia ra nhiều thang bậc của “chấp“. Trong đó “chấp“ vào cái “ngã“ (tôi) là cái “chấp“ trước tiên, mạnh mẽ nhất, khó xóa nhất. Lúc xóa được, lúc không thì mới nằm trong khoảng gọi là Thanh văn, Duyên giác mà thôi. Bậc Thanh văn, Duyên giác cũng tương đương với người đạt tới một phần chữ “Nhân“ trong Khổng học. “Nhân“ có thể nói là người đã xóa được “ngã chấp“ rồi. Song từ đó giữ được lòng mình, bền được chí mình, không để cho cái “ngã chấp“ kia nó “tái lập“ lại thì không phải chuyện đơn giản. Khổng Tử bảo “Nhân“ mà (kéo dài) được ba tháng kể như khá lắm rồi… Vượt qua được “chấp ngã“, bấy giờ lại vướng vào một cái “chấp“ khác. Đó là “chấp“ vào “pháp“ (Phật pháp). Tiếp tục tu tập công án để xóa được “chấp pháp“, nghĩa là đã đến bực Bồ tát rồi đấy. Vậy mà vẫn còn “chấp không“. .. cứ gọi là cái sự “chấp“ nó trùng trùng điệp điệp. Khi nào đạt đến “phi tâm, phi vật“, “vô tu vô chứng“, không “chấp“ vào bất cứ cái gì nữa thì nghĩa là đã thành tiên, thành Phật từ lúc nào không hay rồi.

Con người ta vốn chỉ hơn nhau ở khả năng hóa giải các thứ “chấp“, mà chia ra kẻ ngu, người giỏi, kẻ thông minh, người đần độn… đó thôi. Những khoảnh khắc sáng tạo đích thực chính là những khoảnh khắc mà một số cái “chấp“ nào đó được hóa giải. Kể cả những sáng tạo thiên tài, những kiệt tác cũng được tạo ra trong các tình huống tương tự. Cái “sợ“ thâm căn cố đế, cái “sợ“ thường trực trong mỗi con người đã được biến thành “chấp“. Nghĩa là thời cuộc, xã hội chẳng qua chỉ đóng vai trò là “nhân“ (nguyên nhân = “sợ“). Còn “quả“ (kết quả = “chấp“) chính lại sinh ra trong mỗi con người cụ thể.

Phải mất bao nhiêu năm mới tạo ra những “phản xạ“ (sợ) thường trực ấy ở trong mỗi con người? Chắc cũng không lâu lắm đâu. Ấy là mới chỉ quanh quẩn trong chuyện văn chương, chữ nghĩa… thôi đấy. Chưa kể đến những nỗi “sợ“ khác ở ngoài đời như: Nhập cư sợ không có hộ khẩu. Có con đi học từ mẫu giáo trở lên sợ cô, sợ thầy. Có bệnh sợ bác sĩ kê đơn, sợ nhà thuốc mặc tình hét giá. Đi siêu thị sợ mua phải hàng giả. Ra đường sợ cảnh sát giao thông. Đến cơ quan sợ xếp, sợ công đoàn… Đi buôn sợ hải quan, thuế vụ… Về nhà sợ vợ/chồng, con cái bất hòa. Nằm ngủ sợ gặp phải ác mộng…

Cứ gọi là trăm nỗi sợ đã ngấm vào cốt tủy. Nó phong phú như rừng, thấm nhuần như gió, lại biến ảo muôn hình vạn trạng. Nó trở thành những phản xạ tự nhiên, nó biến mỗi con người đều trở nên một kẻ hèn từ lúc nào không biết. Mà đối với một kẻ hèn thì triết lý “yên thân“ chính là một tôn giáo hạng nhất. Nói cách khác, một khi con người đã biến thành hèn hạ, thì sự thật không còn chốn nương thân. Cái “sợ“ đương nhiên là những chuyện hết sức bình thường, bình thường như cơm ăn nước uống, như không khí đang thở hàng ngày, bình thường đến mức không thể nhận ra. Những nỗi “sợ“ đã “hóa“ thân vào hẳn cuộc đời như thế đó. Kết quả là nó bật lên trong mọi trường hợp, ở mọi lúc, mọi nơi, ở trong mỗi con người… cũng “tự nhiên“ đến nỗi khó mà tin được.

Việc đạt tới trạng thái “tự do sáng tạo“ được hay không, chính là nằm ở chỗ liệu anh ta có hóa giải được cái sự “chấp“ đó của mình hay không. Tự giải phóng mình ra khỏi trạng thái “chấp“, chính là thời điểm của đỉnh cao sáng tạo. Đó cũng là thời điểm tuyệt đối tự do của thiên tài. Xã hội, thời cuộc… chỉ can thiệp được vào những thứ tự do tầm thường. Còn tự do của thiên tài thì không một thế lực nào có thể can thiệp vào được.

Chợt nhớ chuyện một số nhà văn thời Liên Xô cũ đào hầm mà viết, để sau đó vẫn để lại cho đất nước, cho nhân loại những tác phẩm lớn, những kiệt tác. Có lẽ họ là những bậc thiên tài đã tự giải phóng mình ra khỏi những cái “chấp“ mà thời cuộc đã giáng xuống số phận của họ chăng? Còn ở ta, trong suốt những đêm trường mang tên “Nhân văn-Giai phẩm“… kia, hình như chẳng có tác phẩm nào được viết ở “trong hầm“ thì phải.(st)

ChienKhuD
23-12-2012, 07:11 PM
Chỉ riêng chấp ngã thôi thì bản thân nó cũng có vô cái chấp ở bên trong, không là một cái chấp riêng biệt. Không phải đùng một cái mà phá được mà phải đi từ từ. Giống như một bụi tre gai có rất nhiều gai (mành mành), mỗi gai là một chấp, gốc tre là chấp ngã. Muốn nhổ bỏ gốc tre thì người ta trước tiên phải chặt bỏ gai tre trước đã, sau đó chặt tre rồi mới bứng được gốc. Ai sung nhảy vô đào bụi tre đi thì bị nó đè chết à. Cái chấp này tôi đã trải qua khá nhiều. Bây giờ thì đã phá được một số cái. Có lẽ người bình thường phải cần có tuổi tác để mà phá: càng lớn tuổi thì càng dễ phá. Bởi vì lúc đó họ đã ít cần, ít muốn thì sẽ ít chấp :). Nếu có tu tập thì sẽ phá mau hơn.