View Full Version : Cảm ơn Bộ GD&ĐT đã tăng lương GV gấp 2,1 lần! ( Thầy Văn Như Cương )
laotam
21-06-2010, 08:18 AM
Bộ trưởng: 'Lương giáo viên đã tăng gấp đôi'
"So với năm 2006, đến nay (2010), lương giáo viên đã tăng gấp 2,1 lần, vào khoảng 2,5 - 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác", Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết, khi ông Thuyết đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả thực hiện lời hứa "đến 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương".
http://vietnamnet.vn/chinhtri/201006/Bo-truong-Luong-giao-vien-da-tang-gap-doi-914742/
Cao hơn các ngành khác
Bên hành lang phiên thảo luận kết quả giám sát chất lượng đại học hôm qua (7/6), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho hay, vừa rồi ông đã gửi tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân một số câu liên quan đến việc thực hiện lời hứa của ông Nhân. ĐB Thuyết đã nhận được câu trả lời bằng văn bản.
"Tôi cho đây là một cơ hội để trước khi rời Bộ Giáo dục - Đào tạo, Phó Thủ tướng giải thích những việc ngành đạt được cũng như bản thân mình đã làm được", ĐB Thuyết nói.
Câu hỏi mà ông Nguyễn Minh Thuyết gửi đến ông Nguyễn Thiện Nhân cho phiên chất vấn cuối tuần này là: "Một số cán bộ, viên chức trong ngành và cử tri băn khoăn về việc thực hiện lời hứa của Phó Thủ tướng. Ví dụ đến năm 2010, giáo viên sống bằng lương. Rồi hiệu quả một số cuộc vận động mà Bộ trưởng đã phát động như phong trào hai không, trường học thân thiện, học sinh tích cực?".
Không xuất hiện ở phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời bằng văn bản: Ngay từ năm 2006, Bộ GD&ĐT đã xác định cần xây dựng đề án tăng thu nhập cho giáo viên. Bộ đề xuất phương án tăng hệ số ưu đãi trong tương quan với hệ số ưu đãi của lực lượng cũ trang (bộ đội, công an là 1,8).
Tuy nhiên, Chính phủ đã bàn bạc và chưa chấp thuận với lý do còn phải tính đến nhu cầu tăng thu nhập của lao động làm việc trong ngành y tế, văn hoá, giáo dục và các ngành khác.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay giáo viên vẫn đang được hưởng hệ số phụ cấp đứng lớp ưu đãi với mức bình quân là 1,35. Chưa kể những ưu đãi cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, các cơ sở giáo dục đặc biệt...
Gần đây, lương giáo viên cũng đã được tăng, theo lộ trình tăng lương của Chính phủ.
Và như vậy, so với năm 2006, đến nay (2010), lương giáo viên đã tăng gấp 2,1 lần, vào khoảng 2,5 - 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác.
"Tuy nhiên, với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, mức lương này vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho giáo viên, nhất là khi đã có con nhỏ, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn không ít khó khăn", Bộ trưởng thừa nhận.
"Theo đề án đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục, thu nhập của đội ngũ nhà giáo sẽ tăng trong thời gian tới", ông Nhân cho biết.
Cảm ơn Bộ GD&ĐT đã tăng lương GV gấp 2,1 lần!
Dẫu sao cũng phải cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng lương cho chúng ta gấp 2,1 lần so với năm 2006. Thế là chúng ta có thể cố mà sống bằng đồng lương của chính mình, chứ không phải bằng lương của… ai khác.
Thầy Văn Như Cương
Cảm ơn Bộ GD&ĐT đã tăng lương GV gấp 2,1 lần! (http://boxmath.vn/4rum/f150/cam-boi-gd-dt-dai-tang-luong-gv-gap-2-1-lan-9187/)
Mấy năm trước, các nhà giáo chúng ta rất phấn khởi khi Bộ GD&ĐT tuyên bố “năm 2010 giáo viên có thể sống bằng lương của mình”. Tuy vậy, có người tin, có người không tin…
Bây giờ đã là giữa năm 2010. Vừa rồi đại biểu quốc hội đã chất vấn Bộ GD&ĐT về vấn đề này và Bộ đã trả lời: So với năm 2006 thì tiền lương giáo viên năm 2010 đã tăng lên gấp 2,1 lần. Ví dụ một Giáo viên tốt nghiệp Đại học ra trường năm 2010 có mức lương 2.306.000 đồng. Nếu có thâm niên 10 năm thì mức lương là 3.300.000 đồng.
Có giáo viên cho rằng với mức lương như thế cũng sống được, cũng có người cho rằng không sống được…
Thưa các thầy cô giáo mới ra trường!
Theo thiển ý của tôi thì các thầy cô hoàn toàn có thể sống bằng mức 2.306.000đ/tháng, nếu biết cách ăn tiêu cho khoa học, theo truyền thống thắt lưng buộc bụng… Sợ các thầy cô còn trẻ quá chưa có kinh nghiệm quản lí quỹ lương của mình, nên tôi muốn các thầy cô đọc mấy lời khuyên sau đây của tôi, một nhà giáo già có kinh nghiệm lâu năm trong việc sống bằng lương thầy giáo:
Trước hết, về nhu cầu ăn, chúng ta cần thấm nhuần câu cách ngôn tuyệt vời: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Chúng ta có thể ăn ngày ba bữa: buổi sáng 5 ngàn, buổi trưa 15 ngàn, buổi tối 15 ngàn. Thế là một ngày chi cho việc ăn là 35 ngàn, một tháng vị chi là 1.050.000 đ. Như thế cũng là khá lắm rồi, nếu chúng ta biết rằng nhiều nhà máy cho công nhân ăn bữa trưa một bát mì giá chỉ 5 ngàn mà thôi.
Tuyệt đối không nên uống bia, uống rượu vì rất tốn tiền, rất có hại cho sức khỏe, và nhất là rượu vào lời ra ảnh hưởng đến tư thế tác phong của thầy giáo. Tốt nhất là uống nước đun sôi để nguội, mát mẻ và vệ sinh lắm.
Sau chuyện ăn uống là chuyện ở. Cũng nên nhớ là “ăn hết nhiều chứ ở thì hết bao nhiêu” để mà đừng chi quá nhiều cho chuyện ở. Nếu chưa có nhà ở thì cố nhiên tạm thời phải đi thuê, rồi ta sẽ góp tiền dần dần để mua nhà giá rẻ. Cố tìm mà thuê lấy một căn phòng bình dân với giá khoảng 1 triệu đồng một tháng, nhưng nên rủ thêm một thầy giáo cùng giới ở chung cho vui, cho có bạn cùng đàm đạo nhân tình thế sự. Vậy là ta chỉ tốn 500.000đ cho khoản ở.
Về phương tiện sinh hoạt và làm việc thì cũng nên mua lấy cái quạt, nhưng đừng cho nó chạy nhiều quá, phải chú ý đến tiền điện. Khoản tivi thì có thể xem nhờ nhà nào đó nếu người ta dễ tính và mến khách. Máy vi tính thì cố gắng chờ đợi, tôi tin chắc rằng đến một lúc nào đó, Bộ sẽ phát không cho thầy giáo mỗi người một cái (hôm nay đọc báo, thấy học sinh tiểu học ở Uruguay được phát không máy tính rồi). Còn khoản điều hòa nhiệt độ thì đừng nghĩ đến, đó là chuyện dành cho tương lai. Nên cố gắng chỉ chi khoảng 100.000 đ cho tiền điện, tiền nước, tiền bột giặt, xà phòng tắm, xà phòng đánh răng…
Vấn đề trang phục nên hết sức giản dị, không nên chạy theo thời trang; nhà giáo thì phải ăn mặc đứng đắn để làm gương cho học sinh. Nên mặc quần áo mầu sẫm để đỡ tốn bột giặt. Giầy dép, áo vét , áo da… nên mua hàng Tàu giá rất rẻ so với hàng Việt.
Nếu chưa có xe máy thì đừng mua vội. Xe đắt mà giá xăng tăng theo tốc độ lớn hơn lương tăng. Nên mua vé ô tô tháng để đi dạy, chỉ dăm chục ngàn một tháng là nhiều. Nếu không tiện thì nên mua một cái xe đạp Xuân Hòa, đi làm bằng xe đạp là cách tập thể dục tốt nhất.
Đừng mua sách, mua báo làm gì, đến trường tranh thủ vào thư viện mà đọc báo ngay ở đó, còn sách thì mượn về nhà mà đọc.
Đừng mua vé xem phim, xem kịch, mất thì giờ vào trò nhảm nhí, nhố nhăng… lại khổ vì nóng nực và đông người.
Có đám tang thì nên đi vì nghĩa tử là nghĩa tận, còn đám cưới thì cố mà trốn (lấy cớ là bận dạy, hoặc bận đi họp, hoặc phải về quê…). Một tháng mà đi dự vài ba tiệc cưới là tiêu đời rồi đó.
Một điều hết sức quan trọng là hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe bằng cách sống điều độ và thanh đạm. Cương quyết “nói không” với đau ốm, bệnh tật…, “nói không” với bệnh viện, với bác sĩ với thuốc men…. Nếu không “nói không” như thế thì khó mà sống bằng lương.
Với cách phân bổ quỹ luơng như trên, tính toán lại tôi thấy mỗi tháng các thầy giáo mới ra trường sẽ phải chi không đến 2 triệu đồng, vẫn còn thừa ba đến bốn trăm ngàn đồng để gửi vào sổ tiết kiệm và mua vài cái vé sổ số…
Cố nhiên tính toán trên chỉ đúng đối với các thầy cô giáo chưa xây dựng gia đình, chưa có con cái, không phải nuôi bố mẹ già đau ốm, không phải giả tiền vay của nhà nước để học đại học, không phải đóng học phí cho em…
Đối với các trường hợp sau thì phải điều chỉnh cho phù hợp hoàn cảnh thực tế. Chẳng hạn ăn sáng thì có thể xơi vài củ khoai lang, bắp ngô luộc, hoặc cùng lắm là một gói mì ăn liền; hai bữa ăn trưa và ăn chiều có thể giảm từ 15 ngàn xuống 10 ngàn… có nghĩa là “liệu cơm mà gắp mắm”.
Dẫu sao cũng phải cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng lương cho chúng ta gấp 2,1 lần so với năm 2006. Thế là chúng ta có thể cố mà sống bằng đồng lương của chính mình, chứ không phải bằng lương của… ai khác.
Nhà giáo Văn Như Cương
Nguồn Bee.net.vn
Lời toà soạn: Chiều 15/6, một ngày trước khi Quốc hội có quyết định về nhân sự của Bộ GD-ĐT, chúng tôi nhận được bài viết của Thứ trưởng Trần Quang Qúy với tựa đề "bốn năm đổi mới giáo dục qua các con số".
http://vietnamnet.vn/giaoduc/201006/Nhung-con-so-giao-duc-duoi-thoi-Bo-truong-Nguyen-Thien-Nhan-916378/
Bài viết hơn 2.400 chữ này điểm lại những kết quả đã được "số hóa" trong suốt 4 năm, kể từ khi GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nắm vai trò nhạc trưởng ngành giáo dục.
Để giúp bạn đọc thêm góc nhìn từ phía cơ quan quản lý ngành, VietNamNet giới thiệu bài viết này (dài gấp đôi so với dung lượng bài báo thông thường). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả (các tiêu đề nhỏ và chữ in đậm được toà soạn đặt lại và trình bày nhằm giúp bạn đọc theo dõi thuận tiện).
BỐN NĂM ĐỔI MỚI GIÁO DỤC QUA CÁC CON SỐ
Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã có nhiều tiến bộ: trật tự kỷ cương trong các nhà trường được thiết lập, cơ sở vật chất được tăng cường, quy mô giáo dục được mở rộng, năng lực quản lý được nâng cao, đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá:
Những con số của giáo dục phổ thông
Trước tình hình tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục gây bức xúc trong xã hội, ngăn cản việc nâng cao chất lượng giáo dục và làm triệt tiêu động lực đổi mới và sáng tạo trong ngành, Bộ GD - ĐT đã chủ động tham mưu với Chính phủ ban hành Chỉ thị về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và bắt đầu từ năm học 2006-2007, toàn ngành đã tích cực triển khai thực hiện thông qua cuộc vận động “Hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) của ngành.
Cuộc vận động “Hai không” là khâu đột phá để đổi mới giáo dục phổ thông và mầm non giai đoạn 2006-2010. Qua 4 năm triển khai, trật tự kỷ cương trong thi cử đã tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT: Số thí sinh bị đình chỉ thi năm 2007 là 2.612, thì năm 2008 chỉ còn 833, năm 2009 là 299 và năm 2010 chỉ còn 90, giảm gần 97% so với năm 2007; Số giám thị bị đình chỉ công tác coi thi do vi phạm năm 2007 là 32, năm 2008 là 15, năm 2009 là 3 và năm 2010 là 1, giảm gần 97% so với năm 2007 (trong hơn 120.000 cán bộ coi thi chỉ có 1 người bị đình chỉ); Số học sinh bị tại nạn giao thông khi đi thi cũng đã giảm: năm 2007 có 85 vụ, năm 2008 là 84 vụ, năm 2009 là 73 vụ và năm 2010 là 54 vụ, chỉ chiếm 0,005% số thí sinh dự thi (100.000 học sinh đi thi có 5 em bị tai nạn).
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng trong bối cảnh các cuộc thi được triển khai ngày càng nghiêm túc hơn: năm 2007 tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông (lần 1) chỉ đạt 66,7%, có nhiều địa phương đạt dưới 50% (năm 2006 đạt 94%,); năm 2008 (lần 1) tỷ lệ tốt nghiệp là 76% (tăng hơn 9% so với năm 2007); năm 2009 tỷ lệ tốt nghiệp là 83,8% (không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2), tăng 7,8% so với năm 2008. Với kết quả thi đã được qua 3 năm 2007, 2008, 2009, như vậy, có thể dự báo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sẽ đạt khoảng 90%.
Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể: học kỳ I năm học 2007-2008 cả nước có 147.005 học sinh bỏ học (chiếm 0,94 %); học kỳ I năm học 2008-2009 còn 86.269 học sinh bỏ học (chiếm 0,56%), giảm 60.736 học sinh, bằng 41% so với năm học trước; học kỳ I năm học 2009-2010 còn 75.531 học sinh bỏ học (chiếm 0,51%). Như vậy, năm học 2009-2010, số học sinh bỏ học giảm 71.474 em, bằng 49% so với năm 2007. Tức là tỷ lệ học sinh bỏ học từ gần 1% năm 2007 xuống còn 0,5 % năm 2010.
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có sức lan toả mạnh mẽ, đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về cảnh quang trường lớp, về môi trường giáo dục nhân văn, về chất lượng dạy và học, về giáo dục kỹ năng sống, về gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn ngành đã nhận chăm sóc 2.063 di tích lịch sử cấp quốc gia; chăm sóc và phụng dưỡng 15.810 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sỹ; trồng mới được hơn 2,2 triệu cây các loại phù hợp với điều kiện môi trường; chỉ trong vòng 2 năm học đã có hơn 8.000 nhà vệ sinh được xây mới ở các trường học cũ, số trường có công trình vệ sinh đã tăng thêm 20% so với trước, nâng tổng số trường có công trình vệ sinh là 38.893 trường đạt 96,7% trên tổng số trường trong cả nước, trong đó có 83,9% công trình vệ sinh đạt chuẩn.
Tỷ lệ trẻ đi học mẫu giáo tăng mạnh: năm 2006 có 59% trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học, năm 2010 là 71 %. Tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn năm 2006 là 78%, năm 2010 là 93%.
Cơ sở vật chất được nâng cấp với tốc độ cao nhất từ trước đến nay: năm 2006 tỷ lệ phòng học được kiên cố chiếm 52%; năm 2010 số phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 41.695/57.563 phòng (đạt 72,4% kế hoạch); số phòng học đang xây dựng là 14.088 phòng (đạt 24,5% kế hoạch).
Công tác phổ cập giáo dục THCS đã được triển khai tích cực, đến tháng 6/2010 có 61/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, đạt 96,8% (năm 2006 có 30/64 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS). Như vậy, toàn quốc sẽ hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục THCS đúng vào năm 2010.
Năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo các trường phổ thông được nâng lên đáng kể, trong 2 năm học 2008-2009 và 2009-2010 đã có 25.000 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông (chiếm tỷ lệ 89%) được bồi dưỡng theo chương trình mới, hiện đại (hợp tác với Bộ Giáo dục Singapore).
Nhằm phát triển hệ thống các trường THPT chuyên, năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết và định hướng phát triển các trường THPT chuyên cả nước (đây là lần tổ chức đầu tiên sau hơn 45 năm).
Những con số của giáo dục đại học
Từ cuối năm 2007, Bộ GD - ĐT đã quyết định triển khai chủ trương “Đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Đến nay, Bộ đã tổ chức 17 hội nghị quốc gia đào tạo theo nhu cầu xã hội cho các ngành kinh tế xã hội trọng điểm, qua đó hơn 600 thoả thuận, hợp đồng đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp, bệnh viện và ngân hàng đã được ký kết với số người được đào tạo là trên 10.000 người. Tăng cường đào tạo theo chương trình của các đại học có uy tín ở nước ngoài, bằng tiếng nước ngoài: năm 2006 có 10 chương trình, năm 2010 có 27 chương trình. Xây dựng thư viện giáo trình điện tử dùng chung với hơn 1.100 giáo trình và đã có hơn 15 triệu lượt người truy cập. Triển khai và hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cả nước.
Nhằm khắc phục sự yếu kém kéo dài về chất lượng và quản lý trong giáo dục đại học, năm 2009, Bộ đã chọn khâu đột phá là đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, trong đó giải pháp đầu tiên là thực hiện 3 công khai tại mỗi cơ sở giáo dục: Công khai cam kết chất lượng đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; công khai tài chính tại 100% các trường đại học, cao đẳng (có thể truy cập qua trang web của trường). Đồng thời, tăng cường năng lực lãnh đạo cho hơn 500 lượt hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng thông qua chương trình mới được xây dựng.
Bộ đã tích cực triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GD - ĐT đã ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng đã ban hành chương trình hành động với 11 nhóm giải pháp và ban hành mới 23 văn bản quản lý nhà nước của ngành và Bộ về quản lý giáo dục đại học.
Bộ đã tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ về vổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 qua 6 cầu truyền hình (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ); chỉ đạo 8 trường đại học tại 3 miền tổ chức 8 hội thảo điểm triển khai. Đến nay, gần 100% các trường đã thực hiện việc thảo luận ở cấp lãnh đạo trường (Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên) về các giải pháp đổi mới quản lý của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng Chương trình hành động và Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2015.
Từ ngày 09/3/2010, Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức Diễn đàn: “Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo”. Sau hơn 2 tháng tổ chức diễn đàn, đã liên tiếp đăng 34 bài viết trên ấn phẩm in và 45 bài viết báo điện tử. Tác giả là cán bộ quản lý các nhà trường, các nhà khoa học, giảng viên đại học, các vị tướng lĩnh, lãnh đạo các nhà trường trong Quân đội và Công an, đại diện Đoàn Thanh niên.
Tăng học phí và sắp xếp lại bộ máy
Trên cơ sở Nghị quyết số 35/NQ/QH12 của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, Bộ đã triển khai hệ thống học phí mới, hợp lý hơn tại 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học, cao đẳng trung cấp chuyên nghiệp.
Bộ GD - ĐT đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức để đáp ứng tốt các nhiệm vụ của ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay: thành lập 5 cơ quan trực thuộc để sự lãnh đạo, quản lý của Bộ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của ngành: Vụ Giáo dục dân tộc (năm 2006); Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (năm 2007); Cục Đào tạo với nước ngoài, Cục Công nghệ Thông tin và Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và Đồ chơi trẻ em (năm 2008). Năm 2009, Bộ sáp nhập Trung tâm Công nghệ giáo dục và Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc vào Viện Khoa học giáo dục Việt Nam để hoàn thiện các tổ chức nghiên cứu của ngành và thành lập Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực nhằm hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, các địa phương, các ngành, là đầu mối tiếp nhận nhu cầu và hỗ trợ triển khai đào tạo theo đặt hàng các doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập Báo Giáo dục Thời đại điện tử, sau 1 năm đạt mức truy cập 110.000 lượt một ngày.
Tóm lại, các giải pháp đổi mới giáo dục và đào tạo đã được triển khai trong gần 4 năm qua là đúng hướng, phù hợp quy luật, vừa có nhiều giải pháp tác động trên diện rộng, đồng thời luôn có giải pháp có tính đột phá, đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo, từng bước giải tỏa các bức xúc của xã hội và đáp ứng các nhu cầu phát triển dài hạn của ngành giáo dục.
PGS.TS Trần Quang Quý (Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Siêu thành tích ( http://www.tuanvietnam.net/2010-06-20-sieu-thanh-tich )
Tác giả: Trần Nam Hà
Nhiều người rất lấy làm ngạc nhiên với những thành tích mà ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được trong mấy năm vừa qua. Có người phải kêu lên đó là siêu thành tích.
Cây gậy thần "Hai không"
Đọc bài "Bốn năm đổi mới giáo dục qua những con số" đăng trên VietNamnet, Báo Giáo dục và Thời đại (17/06/2010) nhiều người rất lấy làm ngạc nhiên với những thành tích mà ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được trong mấy năm vừa qua. Có người phải kêu lên đó là siêu thành tích. Có người cho rằng bài báo này chứng minh giáo dục đã đạt thành tựu nhảy vọt. Lại có người đánh giá, thành tích nêu trong bài viết thông qua các con số là vô tiền khoáng hậu.
Bởi vì lịch sử của giáo dục Việt Nam chưa có bao giờ có những thành tích "nhanh" như thế. Nó trái với quy luật dục tốc bất đạt và lời dạy của Bác Hồ: "Giáo dục phải làm theo hoàn cảnh điều kiện. Phải ra sức làm nhưng không được vội. Từ đây ra cửa, thứ nhất là bước thứ nhất, thứ 2 mới đến bước thứ 2, thứ 3 là bước thứ 3, vội thì ngã. Làm phải có kế hoạch có từng bước".
Người ta chỉ còn cách giải thích cuộc vận động "Hai không" đã được phù phép tài tình để biến thành cây gậy thần, đưa số thí sinh bị đình chỉ thi năm 2007 là 2612 em đến năm 2010 chỉ còn 90 em, giảm 97%. Số giám thị vi phạm từ 32 còn 1 người, cũng giảm 97%. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT đã tăng từ 66,7% năm 2007 lên trên 90% năm 2010. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 1% năm 2007 xuống còn 0,5% năm 2010. Trong lúc các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất không cải thiện được bao nhiêu, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn.
GSTS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc Hội nói: "Lấy tiêu chí nào để đánh giá "Hai không" có kết quả đây. Về tỷ lệ đỗ bao nhiêu % tôi cho rằng điều đó không quan trọng và không nói lên điều gì về chất lượng dạy học".
PGS Văn Như Cương: "Từ khi chưa biết đề thi tôi đã đoán tỷ lệ tốt nghiệp năm nay sẽ rất đẹp, nghĩa là đỗ cao, thậm chí rất cao... Chúng ta đã đến lúc kết thúc 4 năm cuộc vận động "Hai không", ta phải có kết quả đẹp. Tuy nhiên tôi biết có những con số nói dối, có những con số nói thật. Nếu tôi là người chỉ đạo một kỳ thi, tôi muốn tỷ lệ đỗ bao nhiêu thì nó sẽ được bấy nhiêu" (TP 18/06/2010).
Có lẽ tâm lý và tư duy "thành tích" của ngành giáo dục luôn thường trực trong tâm thức cán bộ quản lý của ngành nên có những phát ngôn lý giải kết quả thi tốt nghiệp THPT mới đây của ngành cũng rất ấn tượng. Khi được các nhà báo chất vấn vì sao tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT năm nay quá cao, người phụ trách công tác báo chí của Bộ GD và ĐT đã khẳng định có 4 nguyên nhân, nhưng trong đó, có 2 nguyên nhân thuộc "thiên thời, địa lợi": Đó là thời tiết mát mẻ, và thí sinh quyết tâm thi tốt để hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội"(!)
Thực ra, nói dối trong giáo dục vừa dễ mà cũng vừa rất khó. Những người chạy theo thành tích có thể đánh tráo khái niệm, đưa ra những con số mà họ muốn, và "lòe" xã hội. Tuy nhiên, với những người am hiểu giáo dục, từng làm công tác giáo dục thì dễ dàng nhận thấy đó vẫn chỉ là con số nói dối.
Ví dụ như về học sinh bỏ học, tác giả bài báo đã lấy số học sinh bỏ học ở học kỳ I để so sánh, rồi lại đánh tráo giữa tỷ lệ bỏ học của học kỳ sang tỷ lệ bỏ học của một năm học. Cụ thể bài báo có đoạn viết: "Học kỳ I năm học 2007- 2008 cả nước có 147.006 học sinh bỏ học, chiếm 0,94%. Học kỳ I năm 2008 - 2009 còn 86.269 học sinh bỏ học, chiếm 0,56%. Năm 2009-2010 còn 75.531 học sinh bỏ học chiếm 0,51%...
Người ta thường lấy tỷ lệ học sinh bỏ học trong một năm học vì số học sinh bỏ học nhiều là thời kỳ sau Tết âm lịch hàng năm và trong hè. Theo dõi nhiều năm về tình hình học sinh bỏ học, có thể thấy số học sinh bỏ học trong hè là 50%, bỏ học sau Tết là 30% và chỉ còn 20% học sinh bỏ học trong hai học kỳ, nhưng ở học kỳ I chiếm tỷ lệ ít nhất khoảng 5%.
Nếu chỉ tính số học sinh bỏ học trong kỳ I thì rất ít, có nhiều trường chưa có em nào bỏ học. Nếu lấy tỷ lệ học sinh bỏ học ở học kỳ I so với cả năm học thì rõ ràng tỷ lệ học sinh bỏ học sẽ giảm đi hàng chục lần và chỉ những người nói dối và chạy theo thành tích mới có cách tính như vậy. Muốn biết số học học sinh bỏ học trong năm 2009 - 2010 phải đến hết hè năm 2010 và bước vào đầu năm học mới 2010 - 2011 mới tính được số học sinh bỏ học.
Tại sao mới đầu tháng 06/2010 mà tác giả bài báo đã viết: 2009 - 2010 chỉ còn 75.531 học sinh bỏ học, và từ đó suy ra tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm 0,51%. Như vậy năm 2009 - 2010 số học sinh bỏ học giảm 71.474 học sinh, bằng 49% so với năm 2007. Tỷ lệ bỏ học từ gần 1% năm 2007 xuống còn 0,5% năm 2010. Đúng là một sự so sánh khập khiễng để chứng tỏ sự nhảy vọt về thành tích chống học sinh bỏ học.
Mối an nguy cho sự phát triển
Thực ra số học sinh bỏ học trong những năm qua còn chiếm một tỷ lệ cao, thể hiện số lượng học sinh của các cấp phổ thông đều giảm trong khi dân số nước ta vẫn tăng hàng năm trên 1.000.000 người.
Theo số liệu thống kê của Cục Công nghệ thông tin Bộ GD và ĐT thì từ năm học 2005 - 2006 đến năm học 2008 - 2009, số học sinh tiểu học đã giảm 7.318.000 - 6.745.016 = 572.984 học sinh (giảm 7,8%). Số học sinh THCS giảm 6.445.000 - 5.5515.123 = 929.877 học sinh (giảm 14%). Số học sinh THPT giảm 3.030.000 - 2.951.889 học sinh = 78.111 học sinh (2,6%).
Tổng số học sinh đã giảm 3 năm qua (chưa tính được năm học 2009 - 2010) là 1.580.972 học sinh. Người viết bài này xin trích dẫn tỷ lệ học sinh bỏ học mà văn phòng Bộ GD và ĐT đã thống kê những năm trước đây. Ví dụ năm học 1999 - 2000 năm cuối cùng của thế kỷ 20: Tiểu học bỏ học 4,67%. THCS bỏ học 8,51%. THPT bỏ học 7,68%.
Không thể có tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học năm 2010 là 0,5% như bài báo đã nêu. Lịch sử giáo dục nước nhà không chấp nhận những con số ngụy tạo vị thành tích như thế. Mặt khác những con số của bài báo đã nêu trên không nói lên được nhiệm vụ chức năng chính của Bộ GD và ĐT đã hoàn thành trong những năm đổi mới vừa qua.
Đó là tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối chủ trương, chính sách chấn hưng nền giáo dục nước nhà, như đổi mới chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy của các cấp học, ngành học, là đổi mới về quản lý chuyên môn nâng cao chất lượng dạy và học...
Nếu căn cứ vào những tiêu chí nói trên, thì ai cũng thấy, nền giáo dục của nước ta vẫn là nền giáo dục của sự truyền thụ một chiều: Thầy đọc - trò chép. Chương trình, SGK quá nặng. Cung cách quản lý giáo dục thể hiện tư duy giáo dục xơ cứng, lạc hậu, khó thay đổi. Chủ trương đổi mới thi cử "2 trong 1" đến giờ vẫn còn lúng túng như "gà mắc tóc" chưa biết bao giờ mới có kết luận chính thức và rõ ràng, để yên dân.
Đó mới chính là mối an nguy cho sự phát triển của thế hệ trẻ trong tương lai, cũng chính là sự phát triển của một dân tộc trên con đường hiện đại hóa và hội nhập.
Bộ GD và ĐT vừa được quyết định có Bộ trưởng mới. Mong rằng Bộ hãy có những quyết sách đúng, triển khai tích cực và trung thực khi thông tin cho xã hội, tránh vết xe đổ chạy theo thành tích nhảy vọt như những năm qua, như trong bài báo mới đây. Bởi thông tin xã hội giờ đây rất đa dạng, cởi mở và trình độ nhận thức của nhân dân giờ đây đã nâng cao hơn trước rất nhiều
cotuongvn
21-06-2010, 08:26 AM
thực ra với ý nghĩa lớn lao " ươm mầm " tài nag cho nước nhà thì mức lương dó quả là quá ít trong xh vật giá leo thang hiện nay.
chúc mừng thầy cô và hy vọng tình hình sẽ ngày càng cải thiện.
quac_quac
21-06-2010, 09:57 AM
Thảo nào tôi thấy mấy cô giáo dậy
lớp học thêm của con tôi ( cháu học trung học cơ sở ) cô nào cũng có ô tô !
mtuan2
21-06-2010, 10:46 AM
Thầy cô nhiều tiền thật, gần bằng dân đánh cờ...
123456
21-06-2010, 10:51 AM
Thảo nào tôi thấy mấy cô giáo dậy
lớp học thêm của con tôi ( cháu học trung học cơ sở ) cô nào cũng có ô tô !
nhỡ do chồng cô giàu thì sao hả bác?
bác đóng tiền học cho cháu nó bao nhiêu mà nói vậy??
quac_quac
21-06-2010, 12:29 PM
Chồng cô giáo mà giàu thì cô dạy thêm làm gì cho mệt xác hả bác?
cotuongHaNoi
21-06-2010, 01:08 PM
có bàn tới mùa quít thì cũng huề cả làng.ông nào giỏi thì đi mà to mồm phản đối.tôi e chưa được dăm câu nửa chữ là bị gô cổ cho lên phường mà làm kiểm điểm rồi.việc ta ta làm việc các ông lãnh đạo nói gì thì kệ các ông đó.quan tâm làm gì cho mệt.
123456
21-06-2010, 01:24 PM
Chồng cô giáo mà giàu thì cô dạy thêm làm gì cho mệt xác hả bác?
giàu thì ko cần làm việc hả bác?
biết bao nhiêu là đủ giàu để ko phải đi làm?
bác đóng tiền học cho cháu nó bao nhiêu mà phải mỉa mai vậy?
nếu đúng như bác nói,thì nghề giáo viên xứng đáng là nghề hot nhất hiện nay rồi
laotam
21-06-2010, 01:38 PM
Mong mọi người đừng bàn tản mạn sang vấn đề khác :-h
themgaidep
21-06-2010, 02:16 PM
Chuyển bài này sang góc giang hồ nhé.
dohuuthuc
21-06-2010, 03:51 PM
Năm 1983 khi mới ra trường thì nhà nước đã thực hiện chủ trương " GIÁ -LƯƠNG-TIỀN ".Lúc ấy giá cả không tăng như bây giờ .Lương hiện nay tăng có 1 mà giá cả sinh hoạt tăng 10 thì chỉ có vàng,bất động sản mới theo kịp.
Lời văn của thầy toán Văn Như Cương sao mà nhẹ nhàng và nghiêm túc đến thế ! Đây sẽ là bài toán hóc búa cho Đảng ,bộ ,sở của ngành giáo dục đào tạo VN.Biết đến khi nào mới có lời giải đây?
laotam
23-06-2010, 11:30 AM
Nhận diện các địa phương "siêu thành tích" (I)
Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nguyên
Bài đã được xuất bản.: 22/06/2010 06:00 GMT+7
Nhận diện các địa phương "siêu thành tích" (I) (http://tuanvietnam.net/2010-06-21-nhan-dien-cac-dia-phuong-sieu-thanh-tich-i-)
Bệnh hình thức trong giáo dục có thể hiểu như là tình trạng thành tựu giáo dục được nâng cao hơn khả năng thực tế một cách có hệ thống (nhằm đáp ứng yêu cầu hay áp lực chính trị).
Trong vài năm gần đây, hầu như bất cứ một kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông nào cũng để lại nhiều dấu hỏi trong công chúng. Kì thi năm nay, 2010, cũng không phải ngoại lệ, với nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ tốt nghiệp năm nay quá cao, và có lẽ bệnh thành tích trong giáo dục đang có nguy cơ quay lại hay đang tái phát.
Tuy nhiên, chưa ai tìm ra cách định lượng bệnh thành tích, và cũng chưa ai chỉ ra những địa phương nào có bệnh thành tích. Bài viết này sử dụng các số liệu về tỉ lệ tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên trong các năm từ 2006 đến 2010 (số liệu trích từ các nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ GD và ĐT, Báo VietNamNet, và Báo Dân trí 18/06/2010) để nhận ra những địa phương có dấu hiệu bệnh thành tích.
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2010 có gì đáng chú ý?
Theo phân tích của chúng tôi, có 3 điểm đáng chú ý trong tỉ lệ tốt nghiệp năm 2010: Tỉ lệ tăng nhanh từ năm 2007, độ dao động trong mỗi tỉnh cao hơn mức độ khác biệt giữa các tỉnh, và mối tương quan về kết quả của năm 2010 với tỉ lệ tốt nghiệp năm 2006 (năm được cho là đỉnh cao về bệnh thành tích).
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay xấp xỉ tỉ lệ tốt nghiệp năm 2006. Theo số liệu mới nhất mà chúng tôi thu thập được (có thể tham khảo ở đây), thì tỉ lệ tốt nghiệp trung bình trên toàn quốc năm 2010 là 90,2%. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ năm 2006 ( ~92%), nhưng cao hơn hẳn so với các năm 2009 đến gần 10%, năm 2008 khoảng 17%, và năm 2007 đến 27% (Biểu đồ số 1 và 2). Nếu lấy thời điểm 2007 làm điểm khởi đầu, thì số liệu năm 2010 có nghĩa là tỉ lệ tốt nghiệp tăng trung bình khoảng 9% mỗi năm trong thời gian 4 năm qua.
Tuy nhiên, tỉ lệ tốt nghiệp năm 2010, cũng như các năm trước dao động rất lớn giữa các tỉnh thành và vùng (Bảng 1). Năm 2010, tỉ lệ tốt nghiệp THPT được ghi nhận cao nhất ở các tỉnh thành đồng bằng sông Hồng (97,8%) và vùng Bắc Trung Bộ (97,7%). Các tỉnh thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, có tỉ lệ thấp nhất (82,3%).
Một đặc điểm đáng chú ý khác là mức độ dao động về tỉ lệ tốt nghiệp trong mỗi tỉnh thành trong thời gian 2006 - 2010 rất cao. Biểu đồ 2 dưới đây trình bày tỉ lệ tốt nghiệp trung bình cho 63 tỉnh thành. Có một số tỉnh (chủ yếu là vùng Đông Bắc và Tây Bắc) có tỉ lệ tốt nghiệp giảm rất nhanh giữa năm 2006 và 2007 (từ 90% năm 2006 xuống dưới 20% vào năm 2007), nhưng sau đó thì cũng tăng rất nhanh.
Trong khi đó, độ khác biệt giữa các tỉnh cho từng năm thì có xu hướng giảm theo thời gian. Điều này nói lên một nghịch lí là mức độ biến chuyển tỉ lệ tốt nghiệp trong mỗi tỉnh cao hơn mức độ khác biệt giữa các tỉnh!
Căn bệnh luôn tái phát
Một cách có thể dùng để thẩm định xu hướng "bệnh thành tích" có tái phát hay không là xem xét đến mối tương quan về tỉ lệ tốt nghiệp giữa các năm, mà thước đo là hệ số tương quan (coefficient of correlation). Hệ số tương quan là một chỉ số đo sự tương đồng giữa hai biến số, hay trong trường hợp này là tỉ lệ tốt nghiệp giữa 2 năm.
Hệ số này dao động từ 0 (tức hoàn toàn không có liên quan) đến 1 (tức hoàn toàn tương quan). Khi hệ số tương quan giữa năm t và t+1 gần bằng 1, điều đó có nghĩa là tỉ lệ tốt nghiệp của năm t+1 có thể tiên đoán từ tỉ lệ tốt nghiệp của năm t. Áp dụng khái niệm đó, chúng tôi đã phân tích tỉ lệ tốt nghiệp của tất cả các năm 2006 - 2010 (Biểu đồ 3)
Phân tích cho thấy một xu hướng rất thú vị và cũng có ý nghĩa. Mối tương quan giữa tỉ lệ tốt nghiệp của năm 2010 với các năm 2009, 2008, 2007 giảm dần. Tỉ lệ tốt nghiệp giữa năm 2010 và 2009 là 0,59, giữa năm 2010 và 2008 là 0,26 ; và giữa năm 2010 và 2007 chỉ còn 0,11, thậm chí không có ý nghĩa thống kê.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tỉ lệ tốt nghiệp năm 2010 và năm 2006 là cao nhất (r = 0,70). Kết quả này cho biết, những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp cao trong năm 2006 cũng chính là những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp cao trong năm 2010. Thật vậy, tỉ lệ năm 2006 có thể tiên đoán khoảng 50% độ dao động về tỉ lệ tốt nghiệp năm 2010!
"Bệnh thành tích" hay áp lực chính trị ?
Để định lượng bệnh thành tích, chúng ta cần một định nghĩa khả dĩ. Thật ra, cho đến nay, chúng ta chỉ hiểu ngầm bệnh thành tích, chứ chưa có ai định nghĩa nó như thế nào. Có tác giả như Huỳnh Bảo Sơn chẳng hạn, xem bệnh thành tích là một hậu quả của chủ nghĩa hình thức.
Theo tác giả này "Bệnh thành tích là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và chính nó là mẹ đẻ của bệnh sao chép, học thuộc lòng và hiện tượng đào tạo hình ống của hệ thống đại học ở nước ta." Nhưng đó vẫn chưa phải là một định nghĩa của bệnh, mà chỉ là căn nguyên của bệnh.
Theo chúng tôi, bệnh hình thức trong giáo dục có thể hiểu như là tình trạng thành tựu giáo dục được nâng cao hơn khả năng thực tế một cách có hệ thống (nhằm đáp ứng yêu cầu hay áp lực chính trị). Chẳng hạn như, một trường trung học vùng sâu vùng xa, dù thiếu khả năng và phương tiện để nâng cao trình độ học sinh bằng các trường ở thành phố, nhưng vì địa phương (tỉnh) cần con số đẹp để báo cáo lên trung ương, nên phải gây áp lực cho giáo viên và hiệu trưởng nâng cao điểm cho học sinh sao cho tương đương với điểm của học sinh thành phố.
Chiếu theo định nghĩa trên, có ba vế: Thứ nhất là thành tựu giáo dục. Thứ hai là khả năng thực tế. Thứ ba là dùng cơ chế để đạt được thành tích ảo. Nếu dựa theo đó, chúng tôi có thể định lượng bệnh thành tích bằng các chỉ số cụ thể. Để định lượng bệnh, chúng ta cần một vài chỉ số thống kê để đo lường qui mô và xu hướng phát sinh của bệnh thành tích.
Trong bài phân tích này, chúng tôi sử dụng tỉ lệ tốt nghiệp như là một chỉ số đo lường một "thành tựu" giáo dục, bởi vì con số này phản ảnh tình hình chung liên quan đến đầu ra của một địa phương. Nói đến xu hướng là nói đến thời gian, cho nên chúng ta cần phải xem xét đến tỉ lệ tốt nghiệp THPT trong thời gian qua.
(Còn nữa)
laotam
23-06-2010, 11:36 AM
Giáo dục tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng...tiêu cực (II)
Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nguyên (tiếp theo và hết)
http://www.tuanvietnam.net/2010-06-21-giao-duc-tiep-tuc-chuyen-bien-theo-chieu-huong-tieu-cuc-ii-
Một trong những tư duy cần xóa bỏ ngay là tư duy bệnh thành tích, bất kể tư duy này xuất phát từ áp lực chính trị hay mặc cảm địa phương.
Vì số liệu không đầy đủ, nên chúng tôi phải tạm sử dụng số liệu đã được qua "chế biến", hiểu theo nghĩa các tỉ lệ tốt nghiệp của mỗi tỉnh đã được tính toán từ con số thí sinh dự thi và số thí sinh tốt nghiệp. Tuy nhiên, vì số học sinh dự thi thường cao (trên 1.000) nên những con số tỉ lệ tốt nghiệp cũng không chịu sự chi phối của các yếu tố mẫu và nhiễu.
Hai phương pháp đo lường bệnh thành tích
Về mặt phương pháp, 2 phương pháp để đo lường bệnh thành tích là: Hệ số biến thiên (coefficient of variatio, tức CV) và so sánh tỉ lệ tốt nghiệp trên thực tế với tỉ lệ dự báo thu được bằng phân tích hồi qui đa tầng (hierarchical model).
Chỉ số thứ nhất: Hệ số biến thiên
Nếu địa phương có triệu chứng bệnh thành tích, thì chúng ta có thể đoán rằng độ dao động về tỉ lệ tốt nghiệp của địa phương đó ắt phải cao một cách bất thường. Biểu đồ 4 dưới đây cho thấy một sự khác biệt rất rõ nét về độ dao động của tỉ lệ tốt nghiệp giữa 3 miền đất nước. Nói chung, các tỉnh miền Bắc có tỉ lệ dao động (giữa các năm) lớn nhất, kế đến là các tỉnh miền Trung. Riêng các tỉnh, thành miền Nam có tỉ lệ tốt nghiệp khác biệt thấp nhất.
Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải có một chỉ số thống kê định lượng, cụ thể hơn để đánh giá độ dao động, độ khác biệt giữa các năm trong một địa phương. Chỉ số đó là độ lệch chuẩn (standard deviation, SD). Theo định nghĩa, CV được tính bằng cách lấy SD chia cho số trung bình (average). Bởi vì SD và số trung bình có cùng một đơn vị đo lường (trong trường hợp tỉ lệ tốt nghiệp, thì đơn vị đo lường là phần trăm). Cho nên với CV, là một tỷ số, có thể sử dụng để so sánh giữa các địa phương một cách dễ dàng. Thí dụ:
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian 5 năm 2006 - 2010 lần lượt là 96,1 ; 95,1 ; 93,3 ; 94,6 ; và 94,6%. Như vậy, tính trung bình, tỉ lệ tốt nghiệp của TPHCM (%) là 94,7 ; và SD = 1,01. Do đó, chỉ số biến thiên CV = 0,0107 hay 1,07%, tức là rất thấp.
Ở Cao Bằng, tỉ lệ tốt nghiệp THPT trong cùng thời gian trên là 86,8% (2006), xuống còn 27,8% (2007), và nhanh chóng tăng lên 40,6% (2008), 64,2% (2009), đạt đỉnh 89,65% (2010). Do đó, tỉ lệ trung bình của 5 năm qua là 61,8%, nhưng với độ dao động rất lớn vì SD = 27,4%. Nói cách khác độ lệch chuẩn cao 44% (CV = 44%) so với chỉ số trung bình.
Hai ví dụ trên cho chúng ta thấy rõ ràng rằng chỉ số CV có thể là một thước đo có ích để nhận ra các địa phương có tín hiệu bệnh thành tích. Nhưng bản thân chỉ số CV cũng dao động giữa các tỉnh thành, do đó, chúng tôi cần một ngưỡng (cut-off level) để đánh giá bệnh thành tích.
Gọi số trung bình CV của 63 tỉnh thành là aCV, và độ lệch chuẩn của độ biến thiên trong 63 tỉnh thành là sdCV, chúng ta có thể phát biểu rằng những tỉnh thành nào có CV cao hơn aCV + sdCV là địa phương có thể xem là "bất thường".
Qua phân tích thực tế, chúng tôi thấy chỉ số biến thiên trung bình cho toàn bộ 63 tỉnh thành là aCV = 17%, với độ lệch chuẩn sdCV = 11%. Do đó, chúng tôi chọn ngưỡng CV trên 30% để nhận dạng các địa phương có thể "có bệnh thành tích". Kết quả trình bày trong Bảng 2 cho thấy các tỉnh sau đây có CV trên 30%.
Biểu đồ tỉ lệ tốt nghiệp trong 5 năm cho thấy từ năm 2006 - 2010, xu hướng chung là tỉ lệ tốt nghiệp gần như tăng theo một hàm số của phương trình bậc 2. Qua so sánh thì mô hình hồi qui đa tầng (multilevel regression) phản ánh xu hướng tỉ lệ tốt nghiệp chung và cho từng tỉnh tốt hơn so với mô hình đường thẳng (kết quả không trình bày ở đây). Nên mô hình này được áp dụng để đánh giá bệnh thành tích.
Qua khảo sát các mô hình khả dĩ, mô hình ước tính tỉ lệ tốt nghiệp cho mỗi tỉnh tối ưu nhất là một hàm số mà thời gian tuân theo mô hình đa thức bậc 2, và phụ thuộc vào yếu tố vùng: TLTN = a + b*năm + c*năm^2 + d*vùng + e (1); trong đó TLTN là tỉ lệ tốt nghiệp, a là thông số ước lượng tỉ lệ tốt nghiệp chung cho năm 2006, b và c là thông số phản ảnh tốc độ tăng trưởng của TLTN, d là thông số phản ánh mức độ TLTN thay đổi theo vùng địa dư, và e là yếu tố ngẫu nhiên.
Từ đó, chúng tôi ước tính và nhận dạng địa phương có tín hiệu bệnh thành tích qua 2 bước như sau :
(a) Dùng mô hình (1) để ước tính các thông số cần thiết cho 4 năm 2006 đến 2009, và dùng thông số đó để ước tính tỉ lệ tốt nghiệp cho năm 2010.
(b) Lấy tỉ lệ tốt nghiệp thực tế trong năm 2010 trừ cho tỉ lệ tốt nghiệp dự báo dựa vào mô hình trong bước (a), và gọi kết quả là D; D chính là một thước đo về bệnh thành tích.
Nếu địa phương nào có D là số dương, thì điều này có nghĩa là địa phương đó có tỉ lệ tốt nghiệp tăng cao hơn so với xu hướng trong 4 năm qua. Tuy nhiên, bởi vì mô hình hồi qui vẫn còn có sai số, cho nên vấn đề là cần phải một ngưỡng của D để nhận dạng địa phương "có vấn đề".
Bởi vì tỉ lệ tăng trung bình là 8,8% mỗi năm với sai số chuẩn là 0,8%, cho nên chúng tôi chọn ngưỡng D, được tính bằng một trị số trung bình (8,8) ± 2*sai số chuẩn (khoảng 10%) để nhận dạng địa phương có tỉ lệ tăng trưởng cao một cách "bất thường".
Diện mạo các tỉnh có tín hiệu "bệnh" rõ rệt
Dựa vào cách tính và ngưỡng trên, chúng tôi nhận ra 17 địa phương sau đây có sai lệch đáng chú ý, tức là một tín hiệu của "bệnh thành tích" (Biểu đồ 5): Bắc Cạn, Thừa Thiên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Kon Tum, Thanh Hóa, Lai Châu, Quảng Trị, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, và Sơn La.
Trong số này, có đến 12 tỉnh thuộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc! Những tỉnh thành này cũng nằm trong kết quả khi phân tích bằng hệ số biến thiên ở phần trên. Như vậy, có sự nhất quán giữa hai kết quả phân tích, và điều này cho thấy rằng các tỉnh thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc quả thật có tín hiệu bệnh thành tích rất đáng chú ý.
Vài nhận xét
Kết quả phân tích chúng tôi trình bày trên đây cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp THPT dao động rất lớn giữa các tỉnh thành trong cùng một vùng, và giữa các năm trong cùng một địa phương. Mức độ khác biệt giữa tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp cao nhất (Nam Định, 99,8%) và thấp nhất (Ninh Thuận, 69,1%) là 30,7%, một mức độ rất lớn so với các năm trước.
Nhưng điểm quan trọng hơn là ngay trong cùng một tỉnh, mức độ biến chuyển về tỉ lệ tốt nghiệp còn cao hơn cả mức độ khác biệt giữa các tỉnh thành. Qua phân tích thống kê, chúng tôi nhận thấy phương sai của tỉ lệ tốt nghiệp giữa các tỉnh, thành là 30,6, nhưng phương sai trong mỗi tỉnh thành là 221,2, cao hơn 7 lần so với phương sai giữa các tỉnh.
Đây là một điểm bất bình thường, bởi vì chúng ta kì vọng rằng mức độ khác biệt về tỉ lệ tốt nghiệp giữa các tỉnh, thành phải cao hơn so với độ dao động trong mỗi tỉnh, thành do điều kiện học hành khác nhau rất lớn giữa các địa phương.
Tại sao mức độ biến chuyển trong mỗi địa phương cao hơn so với mức độ khác biệt giữa các điạ phương? Chúng tôi nghĩ đến 4 giải thích khả dĩ như sau: (a) Trình độ học sinh cao hơn trong thời gian qua. (b) Trình độ giáo viên đã được cải thiện. (c) Đề thi trở nên dễ hơn. (d) Tác động từ những "yếu tố ngoại tại".
Theo nhận xét của chúng tôi, trình độ học sinh có thể cải thiện trong thời gian 5 năm qua, nhưng chưa có bằng chứng trực tiếp nào để công nhận như thế, và cũng rất khó có một sự biến chuyển về trình độ trong một thời gian ngắn. Nói một cách khác, yếu tố học sinh gần như là yếu tố biến đổi rất ít trong cùng một thế hệ. Tương tự, vì sự bổ nhiệm nhân sự trong các trường học, nên trình độ giáo viên cũng không thể nâng cao nhanh trong một vài năm được. Hơn nữa, lực lượng giáo viên trong cùng một tỉnh cũng gần như rất ít thay đổi với một khoảng thời gian ngắn.
Trong khi đó, có nhiều bằng chứng cho thấy đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái và các năm trước. Như vậy, thực chất, sự biến chuyển lớn về tỉ lệ tốt nghiệp trong 5 năm qua, và nhất là năm 2010, không thể nào do trình độ học sinh và giáo viên được cải thiện nhanh, mà rất có thể là do yếu tố đề thi và yếu tố ngoại tại mà chúng ta khó có thể định lượng một cách trực tiếp và chính xác.
Ngoài ra, các kết quả trình bày trong bài này còn cho thấy bệnh thành tích giáo dục có xu hướng tái phát nhanh. Tỉ lệ tốt nghiệp năm 2010 (90%) tương đương với tỉ lệ tốt nghiệp năm 2006 (92%). Ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào "Hai không", và tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007 đột nhiên giảm xuống chỉ còn 63% (tức giảm 29% so với năm 2006). Nhưng ngay sau thời điểm đó, tỉ lệ tốt nghiệp liên tục tăng một cách nhanh chóng theo đường thẳng, gần 9% mỗi năm!
Quan trọng hơn, như đã trình bày ở trên, các tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp cao hay rất cao năm 2006 cũng chính là những tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp cao năm 2010. Độ tương quan giữa tỉ lệ năm 2010 và năm 2006 lên mức cao nhất so với những năm khác. Đây chính là một tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy bệnh thành tích đang tái phát, và lần này, tốc độ tái phát rất nhanh.
Vậy, làm sao chúng ta có thể tin tưởng rằng có trường chỉ mấy năm trước đây có tỉ lệ tốt nghiệp 0%, mà nay thì tăng lên 90%? Nếu đó không phải là triệu chứng của bệnh thành tích, thì rất khó giải thích bằng một lí giải khác logic hơn!
Do đó, trái lại với cách diễn giải của Phó TT, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân rằng "Chất lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông tăng", chúng tôi nghĩ rằng những biến chuyển về con số tỉ lệ tốt nghiệp không phản ảnh chất lượng giáo dục tăng, mà chỉ phản ảnh bệnh thành tích đang tăng.
Một trong những "phát hiện" thú vị của phân tích này là các tỉnh phía Bắc có tín hiệu bệnh thành tích cao hơn các tỉnh phía Nam. Dù sử dụng bất cứ thước đo thống kê nào, các địa phương có tín hiệu về bệnh thành tích thường là các tỉnh phía Bắc, nhất là Đông Bắc và Tây Bắc. Trong cả hai phương pháp định lượng, Sơn La là tỉnh có độ dao động về tỉ lệ tốt nghiệp bất thường nhất.
Năm 2006, tỉ lệ tốt nghiệp THPT ở Sơn La là 91%, nhưng giảm xuống chỉ còn 39% trong năm 2007, tăng lên 55% vào năm 2008, rồi lại giảm xuống còn 24% trong năm 2009, và nay thì tăng lên 89%. Thật khó có thể tưởng tượng ra một yếu tố nào khác gây ra một sự biến chuyển bất thường như thế, nếu không do bệnh thành tích!
Ngược lại với những gì Phó TT Nguyễn Thiện Nhân và Thứ trưởng Trần Quang Quý nhận xét về tình hình giáo dục theo chiều hướng tích cực, các kết quả phân tích này cho thấy tình hình giáo dục đang tiếp tục biến chuyển theo chiều hướng tiêu cực. Phong trào "Hai không" mà cựu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động trong thời gian đầu nhậm chức xem ra chỉ có kết quả ngay sau đó, nhưng nay thì căn bệnh thành tích đã tái phát, và mức độ tái phát đã tương đương với thời điểm ông mới nhậm chức.
Có lẽ bài học ở đây là chúng ta không cần những phong trào với chữ "không" mà cần những thay đổi về tư duy một cách triệt để, và một trong những tư duy cần xóa bỏ ngay là tư duy bệnh thành tích, bất kể tư duy này xuất phát từ áp lực chính trị hay mặc cảm địa phương.
........... Giáo dục tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng...tiêu cực (II) (http://www.tuanvietnam.net/2010-06-21-giao-duc-tiep-tuc-chuyen-bien-theo-chieu-huong-tieu-cuc-ii-)
laotam
23-06-2010, 06:21 PM
Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh
Hơn một tuần nay, dư luận tỉnh Phú Thọ xôn xao khi được biết ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ đã có học vị tiến sĩ với đề tài “Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ”.
Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh - Giáo dục - Khuyến học - Dân trí (http://dantri.com.vn/c25/s25-403025/lam-tien-si-o-my-nhung-khong-biet-tieng-anh.htm)
Sự việc bắt đầu từ khi ban tổ chức hát Xoan tỉnh Phú Thọ giới thiệu ông Ân là “tiến sĩ” làm nhiều người ngỡ ngàng, vì trước đó ông Ân chỉ là cử nhân tại chức kinh tế - quốc dân khóa 24 (lớp học được tổ chức tại thành phố Việt Trì).
Ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết, ông có ý định làm tiến sĩ về đề tài này đã lâu. Tháng 6/2008, ông được bổ nhiệm làm giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì mọi việc mới bắt đầu với sự giúp sức của các cán bộ chuyên môn trong sở. Ông cũng cho biết học vị của mình là tiến sĩ kinh tế quản trị kinh doanh chứ không phải là tiến sĩ khoa học. Viện kinh tế (Bộ Tài chính) là nơi giới thiệu ông đi làm tiến sĩ tại trường đại học Nam Thái Bình Dương của Mỹ.
Ông Ân khẳng định trong thời gian làm tiến sĩ từ tháng 2/2007 đến 9/2009, ông có sang trường đại học này để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt và ngay cả khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối.
Ông Nguyễn Ngọc Ân khẳng định trong thời gian làm tiến sĩ có sang trường đại học Nam Thái Bình Dương để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt và ngay cả khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối.
Và ông cũng khẳng định ông tự học là chính thông qua tài liệu của trường đại học Nam Thái Bình Dương soạn bằng tiếng Việt và đĩa CD. Trường đại học Nam Thái Bình Dương cũng không yêu cầu những nghiên cứu sinh như ông Ân phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào mà chỉ cần gửi đề cương sang cho họ… chỉnh sửa là được.
Ông Ân cũng cho hay, luận án tiến sĩ quản trị kinh doanh của ông không có người hướng dẫn nhưng lại có tới ba người phản biện!
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo tỉnh Phú Thọ (xin được giấu tên) cho biết, khi ông Ân đi đào tạo tiến sĩ, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí. Sau khi hết thời gian “tu nghiệp” ở Nam Thái Bình Dương (thực chất là ông vẫn làm việc tại tỉnh nhà), ông Ân cũng trình văn bằng tiến sĩ với Ban tổ chức tỉnh ủy và bằng đó là bằng thật.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết, quy trình đào tạo tiến sĩ của ông Ân “có vấn đề” vì Bộ Giáo dục - đào tạo đã có quy chế đào tạo tiến sĩ. Theo đó, nghiên cứu sinh phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên, có thư giới thiệu của hai giáo sư hoặc phó giáo sư có uy tín giới thiệu. Và một điều kiện bắt buộc là phải có đủ trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án.
Theo Hữu Lực - Hà Tuấn
Sài Gòn tiếp thị
laotam
23-06-2010, 06:23 PM
“Tôi làm tiến sĩ tốn 17.000 USD!”
"Tôi có học tại trường đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) tại Hoa Kỳ. Trường này tọa lạc tại thành phố New York!".
“Tôi làm tiến sĩ tốn 17.000 USD!” - Giáo dục - Khuyến học - Dân trí (http://dantri.com.vn/c25/s25-403642/toi-lam-tien-si-ton-17000-usd.htm)
Ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc sở Văn hóa - thông tin và du lịch tỉnh Phú Thọ (nhân vật được đề cập trong bài “Làm tiến sĩ tại Mỹ nhưng không biết tiếng Anh”) khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị online chiều 17/6.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị muốn xem tấm bằng tiến sĩ của ông thì ông Ân nói “để dịp khác”.
Theo thông tin của một đồng nghiệp được đăng tải trên một tờ báo mạng, chúng tôi dễ dàng tìm được trường đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) mà ông Ân “tu nghiệp”. Theo đó, Trường đại học Southern Pacific University nằm trong danh sách 50 trường đại học bị chính quyền bang Hawaii khởi tố, thua kiện và bị đóng cửa. Trường Southern Pacific University đã bị giải thể từ ngày 28/10/2003 theo phán quyết của tòa án Hawaii. Bằng cấp của trường Southern Pacific University không được Mỹ công nhận.
Còn trường đại học Nam Thái Bình Dương với tên chính thức là “The University of South Pacific” của Fiji, một quốc đảo gần Úc, mới là trường thật. Chúng tôi trao đổi với ông Ân về điều này và hỏi ông học ở Fiji hay Mỹ, ông Ân nói: “Có thể chỗ tôi học ở New York chỉ là phân viện của trường Southern Pacific University!”.
Thưa ông, ông có thể cho biết chi phí học để lấy bằng tiến sĩ của trường Southern Pacific University hết bao nhiêu?
Chắc cũng tốn hơn chục ngàn USD gì đấy!
Ông có thể nói rõ hơn?
17.000 USD!
Thưa ông, đó là kinh phí của tỉnh Phú Thọ hỗ trợ ông đi đào tạo tiến sĩ?
Không, đó là tiền cá nhân, còn tiền kinh phí hỗ trợ của tỉnh thì tôi chưa lấy, mặc dù tỉnh đã có quyết định rồi!
Khóa học cùng ông có bao nhiêu người Việt Nam học cùng ông, ở Phú Thọ có ai học cùng ông không?
Khoảng chín, mười người gì đó, họ đều ở Hà Nội, Thái Nguyên; còn ở Phú Thọ không có ai.
Ông có thể cho chúng tôi xem giáo trình, đĩa CD của trường phát cho ông để ông tự học?
Như tôi đã nói, tôi học trường này là theo kiểu đào tạo từ xa, nên tôi học qua mạng, nộp trả bài cũng qua mạng.
Vậy ông có thể cung cấp cho chúng tôi trang web của trường đại học của ông không?
Không, tôi không nhớ.
Cảm ơn ông!
Theo Hữu Lực- Hà Tuấn
Sài Gòn Tiếp Thị
laotam
23-06-2010, 06:37 PM
http://tuoitre.vn/Giao-duc/382846/Dai-hoc-lon-xon-khong-ai*chiu-trach-nhiem.html
http://tuoitre.vn/Giao-duc/382846/Dai-hoc-lon-xon-khong-ai chiu-trach-nhiem.html
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Các đời bộ trưởng cùng... chia sẻ trách nhiệm
Theo nguyên tắc chung, giáo dục của chúng ta nằm trong sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, quản lý chung của Chính phủ. Nếu để tình hình như hôm nay, mặt được hoặc chưa được thì các bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ năm 1975 đến giờ chắc cùng được chia sẻ và chịu trách nhiệm.
Về phần nhiệm kỳ của chúng tôi, năm 2008 chúng tôi có nói là không thể tiếp tục phát triển tăng số lượng mà không giám sát chất lượng. Năm 2009 chúng tôi xác định được nguyên nhân, cách làm đó là chúng ta mong muốn nâng cao chất lượng, làm rất nhiều nhưng chất lượng không hiệu quả.
Vậy chứng tỏ có nhiều biện pháp chúng ta làm chưa đúng quy luật. Hoạt động giáo dục không chỉ chi phối bởi các quy luật sư phạm, mà còn quy luật của quản lý hệ thống, quy luật về kinh tế, quy luật về lợi ích của người trong xã hội và quy luật phát triển hoạt động khoa học - công nghệ. Cho nên, sửa yếu kém của giáo dục không phải chỉ sửa hoạt động sư phạm mà chính là sửa các hoạt động quản lý phù hợp với các quy luật như vậy.
Chúng tôi xác định giáo viên thiếu, đúng; cơ sở vật chất thiếu, đúng. Nhưng tất cả những cái đó suy cho cùng do người quản lý các cấp góp phần tạo ra. Cho nên sửa ở đây là sửa quản lý, nhưng sửa như thế nào? Chúng tôi xác định một số nhiệm vụ, chẳng hạn như đầu năm nay tổ chức thảo luận trong toàn ngành, toàn xã hội, trong đó khẳng định cần tổ chức thảo luận để thống nhất nhận thức không thể tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà buông lỏng quản lý chất lượng như trong thời gian vừa qua.
(Trích phát biểu của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại phiên thảo luận)
LÊ KIÊN ghi
http://tuoitre.vn/Giao-duc/382846/Dai-hoc-lon-xon-khong-ai*chiu-trach-nhiem.html
laotam
24-06-2010, 02:52 AM
Nhu cầu dẫn đến bằng giả từ trường dỏm
Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Garvan
Câu chuyện chung quanh sự việc quan chức văn hóa một tỉnh có bằng tiến sĩ nhưng không biết tiếng Anh, thực chất là bằng dỏm là một hệ quả của sự nghịch lí về chức vụ và bằng cấp ở nước ta.
Nhu cầu dẫn đến bằng giả từ trường dỏm (http://www.tuanvietnam.net/2010-06-18-nhu-cau-dan-den-bang-gia-tu-truong-dom)
Dư luận công chúng bức xúc về trường hợp một quan chức văn hóa của một tỉnh có bằng tiến sĩ nhưng không biết tiếng Anh. Thật ra, bằng tiến sĩ của vị quan chức này là một bằng dỏm từ một cơ sở kinh doanh bằng cấp bên Mĩ, và do đó không có giá trị học thuật gì cả.
Nghịch lí tạo nhu cầu
Ở nước ta đang tồn tại một nghịch lí về chức vụ và bằng cấp. Theo logic thông thường và qui trình bao đời nay ở nước ta và trên thế giới, người có năng lực chuyên môn (thể hiện qua kinh nghiệm và bằng cấp) được bổ nhiệm vào các chức vụ công quyền thích hợp.
Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta có tình trạng đi ngược lại qui trình trên: bổ nhiệm trước, rồi hợp thức hóa sau. Thật vậy, trong thực tế, đã có biết bao trường hợp người được chỉ định (hay "cơ cấu") vào các chức vụ công quyền dù chưa có bằng cấp thích hợp. Điều này dẫn đến một hệ quả là người được bổ nhiệm phải hợp thức hóa bằng cách "chạy" bằng cấp.
Đây là một nghịch lí phổ biến ở nước ta ngày nay, nhưng rất hiếm thấy trên thế giới.
Có thể nói rằng nhu cấp bằng cấp rất lớn ở nước ta. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển nhanh đặt ra nhu cầu cho rất nhiều vị trí công tác trong hệ thống quản lí và công quyền. Hàng năm, có lẽ có hàng vạn người được bổ nhiệm vào các chức vụ hành chính và quản lí, dù họ chưa có bằng cấp thích hợp, và dẫn đến nhu cầu bằng cấp. Trong nhiều trường hợp, việc hợp thức hóa bằng cấp được cấp trên khuyến khích và tạo điều kiện.
Có lẽ do nhu cầu này mà hàng trăm đại học ồ ạt ra đời trong thời gian gần đây trên khắp các tỉnh thành ở nước ta. Tình trạng này dẫn đến một hệ quả có thể đoán được là chất lượng đào tạo bị suy giảm, do thiếu thầy cô và cơ sở vật chất cho giảng dạy và thực hành. Chất lượng đào tạo xuống cấp làm cho công chúng nghi ngờ tất cả những bằng cấp xuất phát từ các đại học ở Việt Nam.
Dù muốn hay không, cũng phải ghi nhận một thực tế là người Việt chúng ta rất vọng ngoại. Tâm lí vọng ngoại nhìn người nước ngoài, nhất là người phương Tây, bằng con mắt nể phục. Từ nể phục, chúng ta xem cái gì của phương Tây hay xuất phát từ phương Tây cũng đều có giá trị hơn, có chất lượng cao hơn những gì xuất phát từ trong nước. Do đó, không ngạc nhiên khi bất cứ thời nào, những gia đình có điều kiện đều muốn gửi con em ra nước ngoài du học, lấy được một mảnh bằng với tiếng Anh hay tiếng Pháp làm chứng từ cho việc tiến thân sau này.
Trong tình hình giáo dục Việt Nam xuống cấp thê thảm và hỗn loạn như hiện nay, không ai ngạc nhiên khi thấy một làn sóng mà có người ví von là "tị nạn giáo dục" ở nước ngoài, với hàng vạn học sinh và sinh viên từ VN đang theo học tại các trường trung học và đại học ở Mĩ, Úc, Anh, Pháp, Canada, Singapore, v.v... Các quan chức Việt Nam gửi con em ra ngoài học khá nhiều.
Thật ra, chính các quan chức này cũng có nhu cầu kiếm một tấm bằng từ nước ngoài để làm phương tiện thăng quan tiến chức. Tiêu biểu cho tình trạng này là các quan chức ở tỉnh Phú Thọ tìm cách theo học ở Mĩ để có một học vị tiến sĩ, dù các vị này không biết tiếng Anh!
Thông tin này làm công chúng hết sức bức xúc vì họ không ngờ ở Mĩ cũng có những trường đào tạo tiến sĩ mà nghiên cứu sinh không biết tiếng Anh!
Nhận dạng trường dỏm
Nhưng trong thực tế, thị trường giáo dục ở nước ngoài cũng có tình trạng vàng thau lẫn lộn. Bên cạnh những trường nổi tiếng như Harvard, Stanford, Yale, Cornell, Princeton, Columbia, v.v... cũng có hàng trăm trường xoàng xĩnh.
Nguy hiểm hơn, bên cạnh những trường xoàng xĩnh, còn có hàng ngàn cơ sở thương mại giáo dục xuất hiện dưới danh xưng "đại học" chuyên bán bằng cấp. Đây là những "trường" dỏm, những trường mà chẳng có một tổ chức kiểm định giáo dục nào trên thế giới công nhận.
Những cơ sở kinh doanh bằng cấp (tức trường dỏm) thường có một số đặc điểm chính sau đây:
Thứ nhất, họ có những tên giống như trường thật. Vì để đánh lạc hướng người tìm hiểu và "lặp lờ đánh lận con đen", nên các cơ sở buôn bán bằng cấp thường lấy những tên mà đọc lên có âm tiết giống như các trường nổi tiếng. Chẳng hạn như thay vì đại học Harvard, họ nhái tên là đại học Horvard, hay đại học Harward.
Vị quan chức tỉnh Phú Thọ cho biết ông theo học tại trường đại học Nam Thái Bình Dương. "Trường" này có tên tiếng Anh là Southern Pacific University, nhái theo tên trường thật của Fiji là University of South Pacific!
Thứ hai, các cơ sở bán bằng cấp thường thay đổi địa chỉ rất thường xuyên. Chẳng hạn như trường "đại học Nam Thái Bình Dương" danh nghĩa là ở Hawaii (Mĩ), nhưng đăng kí thì ở... Malaysia! Trong thời đại internet, có rất nhiều "trường" chẳng có địa chỉ cụ thể, mà chỉ một website. Với công nghệ web và thông tin, họ có thể thiết kế một trang web "hoành tráng" giống y như trang web của trường đại học thật.
Thật vậy, có thể nói rằng trang web của các doanh nghiệp bán bằng cấp còn hoành tráng hơn nhiều so với các trang web của đại học thật ở Việt Nam!
Thứ ba, tài liệu trình bày thường sai chính tả và sai văn phạm tiếng Anh. Sự thật là những người chủ doanh nghiệp "đại học" không thạo tiếng Anh, hay xuất thân từ Phi châu. Chính vì thế mà tiếng Anh của họ có rất nhiều sai sót. Ngay cả "bằng cấp" họ cấp cũng có nhiều lỗi chính tả và văn phạm! Đương nhiên, đối với phần đông người Việt thì những lỗi này khó phát hiện.
Thứ tư, họ thường nhấn mạnh thời gian hoàn tất học rất nhanh. Thay vì phải bỏ ra 3, 4 năm để hoàn tất chương trình cử nhân, các cơ sở này quảng cáo rằng chương trình cử nhân chỉ cần... 7 ngày. Ngay cả tiến sĩ cũng chỉ cần... 1 tháng!
Bằng cấp của họ cũng rất mù mờ, không có gì là cụ thể. Thay vì gọi "cử nhân kinh tế", họ cố tình đổi thành "Cử nhân kinh tế quản trị kinh doanh" - một ngành học chẳng ai biết có ý nghĩa gì! Cố nhiên, vì đây là doanh nghiệp mua bán, nên không có vấn đề tiêu chuẩn về đầu vào và đầu ra. Bất cứ ai cũng có thể "ghi danh" theo học, miễn là có khả năng trả tiền.
Thứ năm, những "trường" dỏm này không có giáo sư, không có giảng đường, và cũng không có chương trình học. Điều này thì ai cũng có thể hiểu được, bởi vì trong thực tế, những cơ sở kinh doanh này thực chất chỉ là một nhà để xe (garage) hay một khu nho nhỏ trong phòng ngủ hay phòng khách cũng đủ để thiết lập một "đại học" dỏm.
Thời đại internet là cơ hội lí tưởng để các "đại học" dỏm này sinh sôi nảy nở. Những cơ sở thương mại này cũng chẳng khác gì những doanh nghiệp làm đồng hồ dỏm. Tức là cơ sở thương mại có đăng kí tên doanh nghiệp đàng hoàng, và hàng hóa của họ là bằng cấp.
Cũng như đồng hồ dỏm, bằng cấp dỏm của họ rất giống bằng cấp thật. Họ bán những bằng cấp từ cấp cử nhân, thạc sĩ, đến tiến sĩ, với những cái giá khác nhau. Bằng cấp càng cao, giá càng cao. Một bằng tiến sĩ có khi giá khoảng 5000 USD. Là cơ sở thương mại, nên họ cũng cạnh tranh, và trong khi cạnh tranh, họ cũng... giảm giá (discount)!
Cố nhiên, bằng cấp của họ không được ai công nhận. Khách hàng của họ thường là những người nhẹ dạ từ các nước thiếu thông tin và kém tiếng Anh như nước ta.
Học tiến sĩ ở Mĩ nhưng không biết tiếng Anh
Trong thực tế, đã có không ít người ở nước ta là nạn nhân của các cơ sở bán bằng cấp. Hai hôm nay, dự luận công chúng bức xúc về một số trường hợp giám đốc sở văn hóa tỉnh Phú Thọ lấy học vị tiến sĩ ở Mĩ nhưng không biết tiếng Anh. Vị quan chức này cho biết ông theo học tại trường "Đại học Nam Thái Bình Dương của Hoa Kỳ". Tuy nhiên, tôi e rằng vị quan chức đó là nạn nhân của một cú lường gạt.
Qua tìm hiểu, tôi được biết trường này có tên là Southern Pacific University (tên pháp lí là Southern Pacific University, Inc, a Hawaii corporation). "Trường" có hẳn một website khá hoành tráng. Tuy nhiên, theo tài liệu của Bộ Thương mại và Tiêu thụ vụ (Department of Commerce and Consumer Affairs) thì "trường" đã bị giải thể từ ngày 28/10/2003 (nguyên văn: "Although incorporated in Hawaii, SPU was based in Malaysia. SPU's Hawaii corporation was dissolved on October 28, 2003.")
Đây là một trường dỏm, và đã được đưa vào danh sách các trường dỏm. Trường này thậm chí còn được liệt kê vào danh sách scam, tức là những nơi chuyên lừa gạt người nhẹ dạ để lấy tiền bằng cách bán bằng cấp dỏm. Bằng cấp của trường Southern Pacific University không được các cơ quan kiểm định giáo dục của Mĩ công nhận.
Nói tóm lại, tôi nghĩ vị quan chức này đã bị lừa gạt và chắc tốn nhiều tiền để có cái giấy tiến sĩ đó. Tờ giấy gọi là tiến sĩ đó chỉ là chứng từ của một sự lường gạt, chứ không phải là một học vị gì cả.
Kinh doanh giáo dục không chỉ giới hạn trong việc buôn bán bằng dỏm, mà còn bao gồm buôn bán chức danh dỏm. Những chức danh hay danh xưng như "danh nhân thế giới" (Who is Who in the World), bộ óc vĩ đại, viện sĩ hàn lâm, v.v... đều có thể mua từ các nhóm kinh doanh qua mạng, thậm chí qua các tổ chức mà đọc qua tên thì có vẻ như thật. Vấn đề trở nên phức tạp khi phân biệt giữa tổ chức thật và giả.
Chẳng hạn như Viện hàn lâm khoa học New York là một tổ chức khoa học thật sự, nhưng cách họ cấp bằng "viện sĩ" thì không nên hiểu là viện sĩ mà chỉ là hội viên. Khoảng 6 năm trước đây, người viết bài này đã giải thích những khác biệt đó, nhưng rất tiếc là mãi đến nay vẫn còn nhiều người ở Việt Nam bị sa đà vào cái bẫy danh xưng và tốn tiền một cách không cần thiết.
Điều đáng nói là có cơ quan Nhà nước khuyến khích, chi tiền để nhân viên mình có được những danh xưng dỏm, những học vị dỏm đó! Trong tình trạng vàng thau lẫn lộn như hiện nay ở Việt Nam, những danh xưng tiến sĩ hay giáo sư, nhất là trong giới quan chức, càng ngày càng trở thành chuyện tiếu lâm dân gian. Nhưng nghiêm chỉnh và bình tâm mà nói, phải gọi đó là một quốc nạn giáo dục.
Trong khoa bảng, không có phương cách gọi là "đi tắt đón đầu". Tri thức tích lũy theo thời gian chứ không thể nào một sớm một chiều mà có được. Tất cả những học vị khoa bảng hay bằng cấp nói chung là một chứng nhận về một quá trình học tập để tiếp thu kiến thức trong một thời gian dài, có khi rất dài và rất gian nan.
Tiến sĩ là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục hiện đại, và người có học vị này được công chúng phương Tây kính cẩn gọi là "Doctor". Người có văn bằng đó phải trải qua một quá trình học và nghiên cứu với những thành quả được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Điều cốt lõi và cũng là đặc điểm để phân loại bằng tiến sĩ với các bằng cấp khác là nghiên cứu. Không có nghiên cứu khoa học thì không thể là tiến sĩ được.
Do đó, văn bằng tiến sĩ thích hợp và giá trị cao nhất trong khoa bảng và nghiên cứu khoa học, chứ không phải trong hệ thống công quyền và quản lí hành chính.
Bằng tiến sĩ càng không phải là món hàng để người ta mua làm vật trang sức hay làm phương tiện để thăng quan tiến chức.
So với các nước trong vùng, nước ta có nhiều tiến sĩ và giáo sư. Tính đến nay, Việt Nam đã phong hàm giáo sư và phó giáo sư cho hơn 8300 người. Con số tiến sĩ còn cao gấp 4 lần con số giáo sư. Chúng ta không biết bao nhiêu tiến sĩ ở Việt Nam được cấp bởi những "trường" dỏm, nhưng chúng ta có thể nói rằng những tiến sĩ dỏm này làm cho năng suất khoa học Việt Nam thấp hơn các nước trong vùng.
Thật vậy, hàng năm Việt Nam chỉ công bố được khoảng 1000 công trình khoa học trên các tập san quốc tế, tức chỉ bằng khoảng 1/5 Thái Lan và 1/10 Singapore. Lí do đơn giản là vì Việt Nam có nhiều giáo sư và tiến sĩ không làm việc trong khoa học, mà chỉ làm quản lí và hành chính. Rất nhiều các quan chức trong các bộ của chính phủ đều có bằng tiến sĩ. Phân nửa những bộ trưởng VN có bằng tiến sĩ. Nhưng trớ trêu thay, chỉ có khoảng ~20% giảng viên trong các đại học lớn ở VN có văn bằng tiến sĩ! Đó là một nghịch lí.
Đã đến lúc phải phục hồi qui trình tuyển dụng quan chức theo logic thông thường: dựa vào kinh nghiệm và bằng cấp đã có, chứ không nên "cơ cấu" xong rồi mới hợp thức hóa sau. Đã đến lúc phải nhận thức rằng văn bằng tiến sĩ là để nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học, chứ không phải là một chứng chỉ để thăng quan tiến chức.
laotam
24-06-2010, 03:07 AM
Thi tuyển sinh vào lớp 10: Bỏ được không?
Nhiều năm nay, học sinh THCS đã không còn phải thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, vì áp lực trường lớp, học sinh đã phải dốc sức cho kỳ thi vào lớp 10.
Kỳ thi trở thành nỗi ám ảnh của phụ huynh và học sinh khi phải vừa dốc sức ôn thi vừa căng đầu tính toán nguyện vọng...
Thi tuyển sinh vào lớp 10: Bỏ được không? - Giáo dục - Pháp Luật TPHCM Online (http://phapluattp.vn/20100623125145324p0c1019/thi-tuyen-sinh-vao-lop-10-bo-duoc-khong.htm)
Với góc nhìn của người trong cuộc, các nhà quản lý, lãnh đạo của ngành giáo dục đã lên tiếng lý giải về sự cần thiết và khả năng bỏ kỳ thi này
Đủ trường lớp sẽ bỏ thi!
Ngành giáo dục TP.HCM xây dựng động cơ học tập của học sinh là học để biết, để trưởng thành, để phục vụ chứ không phải học để đối phó với thi cử. Hiện nay một số quận, huyện của TP đã thực hiện xét tuyển. Các quận, huyện còn lại vì áp lực học sinh đông, không đủ chỗ học nên nhất thiết phải thi tuyển mới công bằng, khách quan. Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ngay sau khi kết thúc chương trình học THCS một tháng nhằm rút ngắn thời gian để các em không phải đi luyện thi, chỉ tự ôn tập ở nhà. Thi tuyển sinh lớp 10 thực ra là để sắp xếp lại chỗ học cho các em, trên cơ sở đó lựa chọn học sinh ưu tú, có năng khiếu vào các trường danh tiếng.
Để giảm áp lực thi cử, Sở đã tham mưu với lãnh đạo thành phố xây dựng trường lớp, thúc đẩy thực hiện quy hoạch trường lớp để đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân. Khi trường lớp đã đủ chỗ cho học sinh vào học thì không cần tổ chức thi nữa.
TS HUỲNH CÔNG MINH, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
Cần có hệ thống trường nghề hiệu quả!
Hiện nay, học sinh học xong THCS là phải cố thi đậu vào lớp 10 công lập. Dân ta còn nghèo, con cái không đậu trường công thì lấy tiền đâu mà học trường dân lập, tư thục. Ở lứa tuổi 14-15, nếu các em thi rớt, không vào được lớp 10 mà học nghề cũng không xong thì các em dễ bị khủng hoảng tâm lý, tệ nạn xã hội rình rập. Hơn nữa, có một nghịch lý là chúng ta đang chủ trương phổ cập THPT, tức là tạo điều kiện cho rất nhiều học sinh học hết THPT, vậy mà chúng ta tổ chức thi tuyển, kỳ thi chẳng khác gì tạo ra một rào chắn.
Ở Pháp, hệ thống trường nghề đầu tư rất bài bản, trang bị thiết bị dạy nghề cũ, mới đều có. Học sinh được tiếp cận, học cách sử dụng và làm chủ thiết bị rất tốt, không bao giờ lo chuyện thất nghiệp. Học sinh của họ được doanh nghiệp đặt hàng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1996, tôi có dịp đến một trường dạy nghề của Pháp. Tôi hỏi một học sinh ở đây: “Tại sao cháu không học tiếp THPT?”, cậu ta trả lời rằng: “Nếu học tiếp THPT thì trong ba năm đó bố mẹ phải lo. Bởi vậy cháu chọn học trung học chuyên nghiệp, chỉ sau ba năm cháu có một nghề trong tay, tự kiếm tiền nuôi sống mình rồi đăng ký học lên ĐH”.
Chúng ta chưa hệ thống đào tạo nghề có uy tín và chất lượng để thu hút học sinh. Tầm nhìn giáo dục của chúng ta rất dở. Chúng ta hay tuyên truyền việc cha đạp xích lô, mẹ bán vé số, làm thuê làm mướn đủ kiểu để nuôi con học tới nơi tới chốn. Nhưng dân ta còn nghèo lắm, không phải ai cũng đủ sức lo cho con đi học. Nếu chúng ta có hệ thống trường nghề chuẩn như các nước thì tôi tin chắc các học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn sẽ không học tiếp THPT mà sẽ chọn con đường học nghề. Lúc ấy, trường THPT sẽ… trống chỗ, việc thi tuyển sinh lớp 10 sẽ không còn!
Ông NGUYỄN HỮU DANH, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Học bạ có đáng tin?
Theo quy định hiện nay, học sinh vào lớp 10 chỉ cần thi hai môn văn, toán và kèm bảng điểm trong bốn năm học cấp hai. Chính vì vậy, phần lớn học sinh chỉ tập trung ôn hai môn văn, toán và bỏ bê các môn khác. Khi nhận học sinh vào trường, tôi thấy các em học các môn khác rất đại khái, kiến thức thì hổng nhiều, nhất là môn khối tự nhiên lý, hóa. Nếu bỏ kỳ thi này ngay thì thật sự nguy hiểm. Đặc biệt, với căn bệnh thành tích tràn lan như hiện nay thì ai dám chắc chỉ cần điểm học bạ cũng đảm bảo đánh giá chính xác chất lượng học sinh.
Để giảm áp lực thi cử thì ngành giáo dục phải khắc phục hình thức đào tạo kiểu “đầu voi, đuôi chuột” và đào tạo cho học sinh theo kiểu “nước rút”, tất cả dồn vào những năm cuối cấp. Tôi đề nghị nếu không thi vào lớp 10 thì bắt buộc phải thay thế bằng hình thức tuyển chọn nào đó để đánh giá chất lượng của học sinh trong cả quá trình học tập. Đồng thời phải thống nhất việc xét tuyển học bạ và thi vào lớp 10 tại nhiều vùng, địa phương. Chứ kiểu nơi có xét, nơi không; miền Bắc thi hai môn, miền Nam thi ba môn như hiện nay thì sẽ khó đảm bảo chất lượng một cách đồng đều
GS VĂN NHƯ CƯƠNG, Hiệu trưởng Trường dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội
Căng thẳng và mệt mỏi
Chị Huyền Nga, phóng viên một tờ báo thường trú tại TP.HCM, đang có con dự thi vào lớp 10 chia sẻ: “Thấy con trai ôn tập mệt mỏi trong vòng một tháng mà sốt ruột! Cháu học đêm học ngày, lại cứ mang tâm lý nơm nớp sợ thi rớt. Tôi phải tìm mọi cách để cân bằng tâm lý, sức khỏe cho cháu. Cũng may, giờ thì áp lực căng thẳng và vẻ mệt mỏi của cháu đã giãn ra khi cả ba môn cháu đều làm bài rất tốt”... Không chỉ chị Huyền Nga lo lắng mà hàng chục ngàn phụ huynh có con dự thi trong kỳ thi này cũng có cùng tâm trạng trên.
Hiện nay, các TP lớn luôn bị sức ép tăng dân số, trường lớp xây mới nhiều nhưng vẫn thiếu chỗ học. Bởi vậy học sinh muốn vào học hệ công lập (học phí thấp, có uy tín) không còn cách nào khác là phải tham gia thi tuyển. Với tỉ lệ đậu vào lớp 10 công lập ở TP.HCM khoảng 85%, Cần Thơ 75%-80%, Hà Nội khoảng 70%... nên học sinh nào cũng dốc hết sức để vượt qua kỳ thi. Chưa hết, phụ huynh cũng khổ sở không kém khi phải cùng con mình chiến đấu với bài toán lựa chọn nguyện vọng. Và thực tế, nhiều năm qua, không ít học sinh giỏi không vào được lớp 10 công lập vì tính toán sai nguyện vọng.
Liệu có nên duy trì một kỳ thi mà chỉ có một ý nghĩa duy nhất là để sắp xếp chỗ học?
QUỐC VIỆT - TỐ NHƯ
Ngày 17-7, các trường ở TP.HCM công bố điểm chuẩn
Chiều 22-6, tại TP.HCM, thí sinh dự thi vào lớp 10 thường và lớp 10 chuyên đã hoàn tất các môn thi. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Kỳ thi kết thúc an toàn, nghiêm túc, không có thí sinh, giám thị vi phạm quy chế. Tổng cộng có 517 thí sinh bỏ thi không lý do.
Theo ông Sơn, dự kiến ngày 17-7, các trường sẽ công bố điểm chuẩn. Ngày 22-7, thí sinh nộp đơn xin phúc khảo nếu có khiếu nại về điểm thi. Điều kiện phúc khảo là thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm trung bình của môn đó ở năm học lớp 9 là 1 điểm.
Cùng ngày, hơn 13.000 học sinh Đà Nẵng cũng kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Mục tiêu chọn trường của những thí sinh khá, giỏi năm nay vẫn là hai trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Phan Châu Trinh. Theo đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển vào trường trong ba ngày 24, 25 và 26-6.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết kết thúc hai môn thi văn, toán, có hơn 800 học sinh vắng mặt không rõ lý do. Theo đánh giá nhanh của các giám thị, không có vụ vi phạm quy chế nào xảy ra. Hôm nay (23-6), khoảng 9.000 thí sinh thi môn chuyên sẽ thi thêm môn ngoại ngữ và ngày 24-6, thi môn chuyên.
QV - LP – TN
laotam
24-06-2010, 03:11 AM
Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 927/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020. Ban chỉ đạo có 22 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban.
Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập - Chính trị - Pháp Luật TPHCM Online (http://phapluattp.vn/2010062305007391p0c1013/thanh-lap-ban-chi-dao-quoc-gia-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap.htm)
3 Phó Trưởng ban gồm Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo (Phó Trưởng Ban thường trực), Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Các ủy viên Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan.Ban chỉ đạo có Tổ thư ký do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp xây dựng xã hội học tập.
Ban chỉ đạo cũng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về xây dựng xã hội học tập; kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, có nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban chỉ đạo này.
Theo Chí Kiên (Chinhphu.vn)
laotam
24-06-2010, 09:45 PM
Nỏ thần giả và bằng Tiến sĩ dỏm
Tác giả: Hiệu Minh
Chuyện bằng cấp dỏm thời nay có khác chi lẫy nỏ giả của Triệu Đà cách đây mấy ngàn năm. Sự dối trá đã len lỏi vào xã hội, vào giáo dục, vào y đức, vào quan trí, dân trí và được một số người chấp nhận như một việc bình thường...
Nỏ thần giả và bằng Tiến sĩ dỏm (http://www.tuanvietnam.net/2010-06-18-no-than-gia-va-bang-tien-si-dom)
Bằng dỏm ở trường giả mang danh quốc tế
Hơn 20 năm trước, tôi có người đồng nghiệp được mời sang giảng dạy bên AIT (Thái Lan) nhưng tiếng Anh hơi yếu. Khi hỏi, với ngoại ngữ yếu thì có mệt không, anh thản nhiên đùa "Chỉ có sinh viên nghe giảng mới mệt. Còn mình chả thấy vấn đề gì".
Mấy anh lái xe cho văn phòng nước ngoài, vốn tập tọe tiếng Anh, kể vui rằng "Cha nội Chris Shaw gốc UK chính hiệu mà tiếng Anh rất...yếu. Lão ấy chả hiểu bọn em nói gì".
Trong bối cảnh hội nhập, một lái xe và một giáo sư "tự tin"như thế là đáng khâm phục. Ít ra còn biết chút ngoại ngữ để mang chuông đi đánh nước người.
Tuy nhiên, chuyện một vị cán bộ của ta sang Mỹ bảo vệ Tiến sỹ bằng tiếng Việt, rồi trong lúc làm luận án bên đó mà không cần biết tiếng Anh mới đáng khâm phục hơn cả, đáng ghi vào kỷ lục thế giới.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị đưa tin, dân chúng tỉnh Phú Thọ đang bàn về chuyện ông Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh, có học vị tiến sĩ với đề tài "Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ".
Khi được hỏi, ông nói có sang trường đại học này để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt. Khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho từ đầu đến cuối. Đại loại vị "tiến sĩ" này thuộc dạng một từ tiếng Anh bẻ đôi không biết.
Đương nhiên còn nhiều chi tiết khá thú vị không tiện bàn ở đây như, vị tiến sỹ này tự học, đọc tài liệu của trường đại học Nam Thái Bình Dương soạn bằng tiếng Việt và đĩa CD. Trường đại học này cũng không yêu cầu nghiên cứu sinh phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào mà chỉ cần gửi đề cương sang cho họ...chỉnh sửa là được.
Một giáo sư có uy tín với nhiều năm công tác ở nước ngoài, đã tìm hiểu kỹ về trường ĐH Nam Thái Bình Dương và đi đến kết luận, bằng "tiến sỹ dỏm này được lấy từ trường giả".
Trong bối cảnh ở nước ta bằng giả nhiều như đất thì chuyện trên của vị "tiến sỹ" nọ không có gì lạ. Lấy bằng dỏm ở trường giả mang danh Quốc tế cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Thật lòng, chuyện ấy ở quốc gia nào cũng có.
Chỉ có điều vị "tiến sỹ" nọ có thể giải thích với dư luận một cách đàng hoàng mới là chuyện lạ. Vị cán bộ này làm tới chức Giám đốc sở Văn hóa của tỉnh. Bỗng tôi ước, giá như ông có được sự "tự tin" về ngoại ngữ của vị giáo sư hay mấy bạn lái xe yếu tiếng Anh kể trên. Một chút thế thôi cũng là mừng lắm.
Bằng dỏm hay nỏ thần giả
Phú Thọ là vùng đất tổ cội nguồn, nơi đây các vua Hùng đã dựng nước. Miền đất này vốn giàu có về lịch sử, truyền thống và di sản văn hóa.
Cách đây gần 6 thập kỷ, cụ Hồ về thăm Đền Hùng, gặp mặt và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô, từng căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Giữ nước có nhiều cách. Xây dựng quốc gia hùng cường, mạnh về kinh tế và quân sự, dân trí và quan trí cao, gồm cả sức mạnh cứng và mềm, trong đó lấy văn hóa làm gốc cho phát triển. Gìn giữ, kế thừa và phát triển văn hóa là chìa khóa cho tương lai của một đất nước.
Vì thế, quản lý văn hóa tại một nơi gọi là cái nôi sinh ra dân tộc Việt, cần một người đủ tâm, đủ tầm, đủ lượng tri thức cần thiết, nhưng không nhất thiết phải là... tiến sỹ.
Thủa trước, người ta thường bàn tới những vị quan "nhân-nghĩa-lễ-trí-tín". Có trí mà không có tín cũng hỏng. Làm quan mà không có trí, không có tín lại càng hỏng.
Dưới danh tiến sỹ dỏm của một trường giả để làm quan thì hỏi rằng ai có thể tin thành Cổ Loa được bảo vệ bởi một bàn tay tin cậy?
Những lễ hội gần đây đã chứng minh rằng, chuyện bằng rởm đã được tái hiện lại trong những lễ hội được gọi là văn hóa, truyền thống hay lịch sử. Bánh chưng dâng vua bằng nệm mút. Cướp hoa trong lễ hội hoa. Rồi lễ hội xin ấn, chai rượu to, mâm cao, cỗ đầy chẳng phải để nhớ người xưa mà chỉ mong được làm quan. Lễ hội rất lớn nhưng chứa đựng toàn những điều không thật, phản ánh thực trạng quan trí nước nhà.
Viết tới đây, tôi chợt nhớ chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy. An Dương Vương có chiếc nỏ thần mà bảo vệ được thành Cổ Loa trước giặc Triệu Đà vì thần Kim Qui cho chiếc lẫy nỏ là móng của mình. Nỏ này bắn một phát diệt hàng vạn tên địch. Địch không thể chiếm được thành.
Trọng Thủy là con Triệu Đà sang nước Nam tìm cách yêu Mỵ Châu và đổi được chiếc lẫy nỏ thật bằng một chiếc dỏm. An Dương Vương đã mất thành, mất nước. Ngày nay vẫn còn giếng Mỵ Châu - Trọng Thủy để người đời sau nhớ về bài học nỏ thần đắt giá.
Chuyện bằng cấp dỏm thời nay có khác chi lẫy nỏ giả của Triệu Đà cách đây mấy ngàn năm. Sự dối trá đã len lỏi vào xã hội, vào giáo dục, vào y đức, vào quan trí, dân trí và được mọi người chấp nhận như một việc bình thường. Niềm tin đôi khi lại được đặt vào sự giả dối.
Một lúc nào đó, chúng ta chợt nhận ra, di sản văn hóa được xây nên bởi những lâu đài tri thức không có thật mà sự bắt đầu chính là những tấm bằng tiến sỹ giả giúp cho đường quan lộ hanh thông. Sự suy vong của một quốc gia đôi khi cũng từ những lẫy nỏ "tiến sỹ dỏm" đó.
Lời cụ Hồ năm xưa dặn ai còn nhớ. Nếu quên lời cố nhân và không nhớ bài học lẫy nỏ bị làm rởm từ mấy nghìn năm trước, rất có thể, một ngày nào đó không còn cả cái giếng Mỵ Châu rửa ngọc trai làm bài học cho đời sau.
laotam
24-06-2010, 09:48 PM
Nhận diện địa phương "học giỏi" nhất
Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn
Nếu lấy ngưỡng 70% là tín hiệu của “bệnh thành tích” thì có thể nói rằng hầu hết các tỉnh thành đều có triệu chứng này không phải chỉ năm 2010 mà trong 4 năm qua..
http://www.tuanvietnam.net/2010-06-23-nhan-dien-dia-phuong-hoc-gioi-nhat-
Một trong những câu hỏi mà có lẽ công chúng muốn biết là trong số 63 tỉnh thành, địa phương nào có tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) cao nhất? Đây cũng là một câu hỏi chiếm khá nhiều thời lượng suy nghĩ của tôi. Nhận diện những địa phương có thành tích tốt (và những địa phương có kết quả kém) có thể dẫn đến những nghiên cứu chuyên sâu tìm hiểu căn nguyên và yếu tố liên quan, từ đó tìm biện pháp giảm những khoảng cách về chất lượng GD giữa các địa phương, là điều cần thiết.
Dễ mà không đơn giản!
Có lẽ đối với nhiều người, câu trả lời quá đơn giản: Chỉ cần tìm tỉ lệ tốt nghiệp THPT của một năm nào đó (như năm 2010 chẳng hạn), sắp xếp tỉ lệ tốt nghiệp từ cao xuống thấp, và nhận diện địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp cao nhất. Thật ra, đây cũng chính là phương pháp mà các quan chức trong Bộ GD và ĐT từng làm. Phương pháp này có lợi thế là đơn giản, dễ hiểu, ai làm cũng được, kể cả học sinh tiểu học cũng có thể dùng máy vi tính để xếp hạng.
Nhưng phương pháp đơn giản đó có ít nhất là 2 khiếm khuyết lớn: Chưa tính đến độ dao động trong từng địa phương qua các năm, và chưa điều chỉnh cho hiện tượng "hồi qui" (sẽ giải thích dưới đây). Để thấy sai lầm của phương pháp đơn giản đó, chúng ta có thể xem qua Biều đồ 1 dưới đây.
Đặc điểm quan trọng nhất của biểu đồ này là tỉ lệ tốt nghiệp dao động rất lớn trong mỗi địa phương. Chẳng hạn như tỉnh Sơn La (ID số 63, ô bên góc phải, dòng đầu tiên) có tỉ lệ tốt nghiệp tăng và giảm một cách vừa liên tục vừa bất thường; nhưng trong cùng thời gian có những địa phương (như TP Hồ Chí Minh, ID số 1, ô đầu tiên góc trái của dòng cuối cùng) thì không có khác biệt gì đáng kể giữa các năm.
Điểm thứ hai là trong mỗi năm, tỉ lệ tốt nghiệp rất khác biệt giữa các địa phương. Thật ra, phân tích kĩ cho thấy phương sai của tỉ lệ tốt nghiệp trong mỗi địa phương cao gấp 7 lần phương sai giữa các địa phương! Những sự thật này nói lên rằng không thể sử dụng số liệu của một năm để đánh giá và so sánh tỉ lệ tốt nghiệp THPT.
Số trung bình đơn thuần không thể dùng để xếp hạng. Một cách khác để thấy khiếm khuyết của phương pháp xếp hạng dựa vào số trung bình có thể xem qua số liệu thực tế về tỉ lệ tốt nghiệp THPT của 2 tỉnh Quảng Nam và Phú Thọ trong 4 năm 2007 - 2010:
Tỉ lệ tốt nghiệp (trung bình) của Quảng Nam là 77.7%, và Phú Thọ là 77.8%. Nhìn vào bảng trên, chúng ta có thể kết luận rằng Phú Thọ tương đương, "học giỏi" như nhau? Cố nhiên là không. Bởi vì nếu nhìn kĩ, chúng ta sẽ thấy độ dao động của Phú Thọ cao hơn Quảng Nam. Thật vậy, phương sai của tỉnh Phú Thọ là 456, còn của Quảng Nam là 212.
Nói cách khác, tuy hai tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tương đương, nhưng tỉ lệ của Quảng Nam đáng tin cậy (hiểu theo nghĩa dao động ít hơn) Phú Thọ. Do đó, không thể xếp hạng bằng cách đơn giản dựa vào tỉ lệ trung bình, và càng không thể dựa vào tỉ lệ tốt nghiệp của một năm, bởi vì độ dao động khá lớn giữa các năm trong một địa phương.
Một khía cạnh khác cũng có phần phức tạp hơn là mối tương quan giữa tốc độ tăng trưởng tỉ lệ tốt nghiệp và tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007 (năm đầu khi Phó TT Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu phong trào "Hai không"). Tính trung bình cho cả nước, tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng 9% mỗi năm (tôi gọi đó là "tốc độ tăng trường"). Nhưng không phải tỉnh thành nào cũng có cùng tốc độ tăng trưởng, mà tốc độ này dao động từ dưới 0 đến 25% mỗi năm!
Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng có liên quan nghịch đảo với tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007 (xem Biểu đồ 2 dưới đây). Theo biểu đồ này, những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp thấp trong năm 2007 thì trong những năm sau tỉ lệ tốt nghiệp tăng rất nhanh. Ngược lại, những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp cao (như TPHCM, Nam Định) thì tốc độ tăng trưởng khá chậm.
Đây còn gọi là hiện tượng "regression toward the mean effect", tức là ảnh hưởng hồi qui trung bình. Một "triệu chứng" của hiện tượng hồi qui trung bình này là các địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp quá thấp thường biến chuyển tăng dần gần tỉ lệ trung bình của cả nước, và những tỉnh khởi đầu với tỉ lệ quá cao có xu hướng giảm trong thời gian sau đó. Trong thực tế, chúng ta thấy hiện tượng này ở rất nhiều tỉnh thành trong thời gian qua. Đây là một đặc điểm quan trọng, vì nó gợi ý rằng phương pháp phân tích đơn giản không thể giải quyết được vấn đề phương sai.
Phương pháp khách quan hơn
Do đó, phương pháp xếp hạng khách quan phải dựa vào hai chỉ số: Trung bình và phương sai. Một phương pháp xếp hạng dựa vào 2 chỉ số đó là mô hình mà giới thống kê học gọi là Empirical Bayes (EB), có lẽ tạm dịch là "Phương pháp Bayes thực tế" (nghe ngô nghê quá, nhưng ai hay chữ hơn, xin góp ý).
Thật ra, đây là phương pháp mà giới nghiên cứu về chất lượng GD và xếp hạng trường học thường hay sử dụng và kết quả rất thành công. Nhưng trong thực tế, chúng ta có đến 63 địa phương. Do đó, chúng ta có 63 giá trị thật, và 63 sai số. Chúng ta giả định rằng tập hợp các tỉ lệ thật tuân theo luật phân phối chuẩn với trung bình là m và phương sai là u, và tập hợp các sai số tuân theo luật phân phối chuẩn với trung bình 0 và phương sai v. Tôi dùng số liệu về tỉ lệ tốt nghiệp THPT của 63 tỉnh thành từ năm 2006 đến 2010 để ước tính các thông số m và u.
Theo phương pháp EB, tỉ lệ thật của một địa phương chính là một trọng số trung bình (weighted average) giữa tỉ lệ của địa phương đó và tỉ lệ toàn quốc, với trọng số là số đảo của phương sai của địa phương và phương sai của quần thể.
Theo cách tính này, những địa phương nào có phương sai cao (tức mức độ biến chuyển về tỉ lệ tốt nghiệp qua các năm) sẽ bị "phạt", vì tỉ lệ trung bình kém tin cậy so với những địa phương có phương sai thấp. Chẳng hạn như trong ví dụ trên, tỉ lệ của tỉnh Quảng Nam có độ tin cậy cao hơn tỉ lệ của tỉnh Phú Thọ, mặc dù 2 tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp trung bình tương đương nhau.
Như vậy, mỗi địa phương sẽ có 2 thông số: Tỉ lệ trung bình về lâu về dài (tỉ lệ "thật") và phương sai sau khi đã điều chỉnh cho hiện tượng hồi qui trung bình và độ dao động trong mỗi địa phương. Vấn đề kế tiếp là tìm một ngưỡng để xác định thứ hạng. Bởi vì tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc năm 2010 là 90%, nên tôi chọn ngưỡng 90% để so sánh tỉ lệ thật của một địa phương với "ngưỡng chuẩn" đó.
Gọi Ti là tỉ lệ "thật" của địa phương, và Wi là phương sai, tôi có thể tính một chỉ số (tạm gọi là Z90) như sau: Z90 = (Ti - 90) / sqrt(Wi). Chú ý kí hiệu "sqrt" là căn số bậc 2 (và căn số bậc 2 của phương sai là độ lệch chuẩn). Nói cách khác, công thức trên ước tính khoảng cách về tỉ lệ thật của một địa phương với ngưỡng chuẩn 90%, và đơn vị đo lường là độ lệch chuẩn của mỗi địa phương. Nếu địa phương có Z90 là số dương thì địa phương đó có tỉ lệ tốt nghiệp cao hơn ngưỡng chuẩn 90%; ngược lại, nếu địa phương có số âm thì tỉ lệ tốt nghiệp địa phương đó thấp hơn 90%.
Có sự mất cân đối nghiêm trọng
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của 63 tỉnh thành có thể xem qua Biểu đồ 1 ở phần đầu. Nếu dựa vào tỉ lệ tốt nghiệp (tính trung bình từ 2007 - 2010) thì 5 địa phương đứng đầu bảng là: Nam Định, 95.7%, kế đến là TPHCM 94.4%; Hà Nam 92.5%; Hải Phòng 89.9%; và Bắc Ninh 89.1%. 5 địa phương đứng cuối bảng là: Bắc Kạn 48.6%, Sơn La 52.3%, Cao Bằng 55.6%, Sóc Trăng 62.1%, và Yên Bái 62.6%. Tuy nhiên, như tôi trình bày trên, cách xếp hạng này không khách quan, vì chỉ dựa vào chỉ số trung bình, mà chưa tính đến độ dao động trong mỗi địa phương.
Kết quả phân tích theo phương pháp EB được trình bày trong Biểu đồ 3. Theo kết quả này, TPHCM được xếp hạng 1, và Nam Định xếp hạng 2. Mặc dù có tỉ lệ thực tế (trung bình 2007-2010) của Nam Định là 95.7%, cao hơn TPHCM (94.4%), nhưng vì phương sai của Nam Định là 17.75, cao hơn TPHCM (chỉ 0.59), cho nên tỉ lệ thật (hay tỉ lệ về lâu về dài) của Nam Định là 92.8%, thấp hơn TPHCM (94.3%).
Chú ý tỉ lệ thật của TPHCM không khác nhiều so với tỉ lệ thực tế, bởi vì độ dao động qua các năm của TPHCM quá thấp, và điều này chứng tỏ TPHCM không có bệnh thành tích như các nơi khác. Danh sách "top 10" và "bottom 10" có thể tóm lược trong bảng sau đây:
Điều thú vị là trong danh sách top 10, có đến 7 tỉnh từ miền Bắc, chỉ có 3 địa phương từ miền Trung và Nam (Đà Nẵng, Lâm Đồng và TPHCM). Trong khi đó, trong danh sách bottom 10 có đến 6 tỉnh từ Đồng bằng sông Cửu Long, 1 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên (Dak Lak), và đặc biệt không có tỉnh nào thuộc miền Bắc.
Tuy nhiên, bất cứ phương pháp xếp hạng nào cũng chỉ có giá trị khi số liệu được thu thập một cách tối ưu, và đáp ứng các giả định đặt ra. Như tôi đề cập trong phần đầu, những số liệu này chưa phải là tốt nhất, vì thiếu số liệu về số học sinh thi qua từng năm. Ngoài ra, một giả định rất quan trọng trong phân tích này là tỉ lệ tốt nghiệp trong mỗi tỉnh thành phải tuân theo luật phân phối chuẩn, nhưng chúng ta chưa có dữ liệu đầy đủ để kiểm tra xem giả định này đúng hay không.
Trong bối cảnh tỉ lệ tốt nghiệp đều tăng theo thời gian, chúng ta có thể đặt câu hỏi về vấn đề giả định. Tuy nhiên, vì số học sinh tham dự thi tuyển thường trên 1000 nên các tỉ lệ này có thể không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhiễu, và kết quả trình bày trong phân tích này có thể xem là tín hiệu đáng tin cậy. Phương pháp tôi trình bày trong bài này thật ra có thể ứng dụng để xếp hạng các trường, nhưng số liệu đòi hỏi chi tiết hơn. Hi vọng rằng phương pháp này sẽ được sử dụng nhiều hơn nữa ở nước ta (thật ra thì các nước tiên tiến đều sử dụng phương pháp EB) để xếp hạng các trường hay tỉnh/thành một cách khách quan hơn.
Kết quả so sánh này cho thấy chỉ có 2 địa phương (TP Hồ Chí Minh và Nam Định) là có tỉ lệ tốt nghiệp trên 90% một cách nhất quán qua các năm, còn lại 61 tỉnh thành khác thì tỉ lệ tốt nghiệp đều dưới 90%. Mức độ khác biệt giữa địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất và cao nhất lên đến 26%.
Mặc dù khác biệt giữa các địa phương là điều hoàn toàn có thể tiên đoán được, nhưng với một mức độ khác biệt đến 26% (tính trung bình) là một điều rất đáng quan tâm, vì điều này nói lên một thực tế là có sự mất cân đối nghiêm trọng trong "đầu ra" của ngành GD phổ thông giữa các địa phương.
Trong thực tế, chúng ta không biết tỉ lệ tốt nghiệp bao nhiêu là "chuẩn". Cần nói thêm rằng bởi vì tỉ lệ tốt nghiệp còn tùy thuộc vào điểm chuẩn của từng môn học, và có khi điểm chuẩn thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nước ngoài (như Úc chẳng hạn), có thể nói rằng một tỉ lệ tốt nghiệp 70% đã được xem là một tỉ lệ cao, và 80% là rất cao. Trong khi đó ở VN, 61/63 tỉnh thành đều có tỉ lệ (trung bình) tốt nghiệp THPT trên 70%, và 17/63 tỉnh thành có tỉ lệ trên 80%! Do đó, nếu lấy ngưỡng 70% là tín hiệu của "bệnh thành tích" thì có thể nói rằng hầu hết các tỉnh thành đều có triệu chứng này không phải chỉ năm 2010 mà trong 4 năm qua.
Thêm vào đó, chúng ta thấy trong số "bottom 10" hầu hết là các tỉnh có cùng đặc điểm nghèo và khó. Nghèo về kinh tế, khó khăn về cơ sở vật chất. Do đó, kết quả trên gợi ý rằng nhà nước cần phải quan tâm đến các tỉnh vừa nêu, nhất là Ninh Thuận (một tỉnh mà bất cứ chỉ tiêu nào về GD cũng đứng cuối bảng), để nâng cao chất lượng.
Ở nước ta vẫn còn cách cho điểm và đánh giá học sinh bằng đơn vị "nhị phân" như đậu hoặc rớt. Theo tôi, đây là cách đánh giá khá cổ điển và có thể không còn phù hợp trong thời đại ngày nay. Thật vậy, ở các nước tiên tiến (như Úc chẳng hạn), người ta đánh giá thành tích của học sinh qua điểm đạt được, và không có một chỗ nào trong chứng chỉ tốt nghiệp trung học viết hạng (ưu, trung bình, hay thấp), mà chỉ là điểm đạt được trong kì thi tốt nghiệp so với điểm tối đa.
Do đó, những kết quả phân tích trong bài này còn gợi ý rằng trong tương lai, nước ta nên tiến đến một cách đánh giá học sinh theo điểm hơn là phân loại tốt nghiệp hay không tốt nghiệp. Đứng trên phương diện lí thuyết đo lường, điểm tốt nghiệp cung cấp nhiều thông tin hơn và có độ tin cậy tốt hơn cách phân nhóm đậu và rớt.
laotam
24-06-2010, 10:06 PM
4 năm, xử lý 24 cơ sở giáo dục có hành vi tham nhũng
(Dân trí) - Thông tin từ Bộ GD-ĐT, từ năm 2006 đến nay có 24 cơ sở giáo dục có hành vi tham nhũng đã được phát hiện và xử lý.
4 năm, xử lý 24 cơ sở giáo dục có hành vi tham nhũng - Giáo dục - Khuyến học - Dân trí (http://dantri.com.vn/c25/s25-404337/4-nam-xu-ly-24-co-so-giao-duc-co-hanh-vi-tham-nhung.htm)
Cụ thể, tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, 1 giáo viên nhận tiền của sinh viên để photo bài giải thi hết môn (với số tiền: 24.200.000đ), hình thức buộc thôi việc (hành vi mua bán điểm); tại ĐH Quy Nhơn, 1 vụ lạm thu chi quỹ xe đạp, xe máy. Cơ quan điều tra khởi tố 1 hiệu trưởng và 3 cán bộ nhân viên.
Tại ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, 1 giáo viên yêu cầu sinh viên nộp tiền để chạy điểm, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo (hành vi mua bán điểm); tại ĐH Kinh tế Quốc dân: 1 giáo viên yêu cầu sinh viên nộp tiền trong khi đang thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên làm đề án môn học, đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo và chuyển làm công tác khác 1 năm.
Tại Trung tâm tin học Kinh tế thuộc Đại học Kinh tế TPHCM, một nhóm người có hành vi vi phạm trong việc quản lý tài chính sai quy định để vụ lợi. Đã xử lý kỷ luật và chuyển công tác khác 4 người gồm: cảnh cáo giám đốc Trung tâm; khiển trách 1 phó Giám đốc và 2 nhân viên.
ĐH Nông lâm TPHCM: Năm 2009, đã xử lý kỷ luật 1 trưởng khoa vì có sai phạm trong việc quản lý kinh phí các lớp đào tạo liên kết tại đơn vị.
Đặc biệt, tại cơ quan Bộ đã kỷ luật cảnh cáo 1 cán bộ công chức vì hành vi lợi dụng trách nhiệm được phân công có vi phạm trong việc quản lý chứng chỉ...
Tại Sở GDĐT An Giang, xử lý kỷ luật 4 hiệu trưởng, 3 kế toán, 4 thủ quỹ vi đã vi phạm trong quản lý tài chính để vụ lợi; đề nghị khởi tố 1 vụ tham ô trên 700 triệu đồng tại trường THPT Xuân Tô, An Giang.
Sở GDĐT Kon Tum đã xử lý kỷ luật cách chức hiệu trưởng Trường THPT Bán công Duy Tân vì đã chỉ đạo thu tiền của học sinh không đúng quy định.
Sở GDĐT Cà Mau vi phạm trong quản lý tài chính, đã xử lý kỷ luật cách chức hiệu trưởng và cảnh cáo phó hiệu trưởng, thu hồi toàn bộ số tiền chi sai (hơn 110 triệu đồng) tại Trường THPT Cái Nước, Cà Mau.
Sở GDĐT Hải Phòng đã xử lý kỷ luật cách chức 2 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng (THPT Lý Thường Kiệt; THPT Nguyễn Đức Cảnh; THPT Tô Hiệu) vì có hành vi tiêu cực trong công tác quản lý. Sở GDĐT Bạc Liêu, cơ quan điều tra đã truy tố 1 giám đốc, 1 phó giám đốc và một số cán bộ công chức tại cơ quan Sở vì có hành vi tổ chức mua bán điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tại Sở GD-ĐT TPHCM năm học 2006-2007, đã kỷ luật buộc thôi việc 1 hiệu trưởng và cảnh cáo một số cán bộ nhân viên Trường THPT Lê Quý Đôn vì có hành vi vụ lợi trong việc cho học sinh chuyển trường.
Theo lãnh đạo Bộ, tính riêng từ đầu năm 2009 đến nay, Bộ đã tiến hành thanh tra hành chính phòng, chống tham nhũng 35 đơn vị và hàng chục cuộc thanh tra chuyên ngành khác. Các cuộc thanh tra đã góp phần giúp các cơ sở giáo dục thấy rõ được những ưu điểm và những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Hồng Hạnh
laotam
25-06-2010, 05:08 PM
Mua "bằng cấp" xuyên quốc gia và lời...cơ chế
Tác giả: Kim Dung
Câu chuyện làm TS của ông Nguyễn Ngọc Ân đã không còn là chuyện lạ. Nó chỉ là trái đắng của một cái cây, mà gốc rễ từ lâu, đã không bình thường.
Mua "bằng cấp" xuyên quốc gia và lời...cơ chế (http://tuanvietnam.net/2010-06-24-mua-bang-cap-xuyen-quoc-gia-va-loi-co-che)
Nói thật, trong xã hội hiện nay, từ lâu người ta đã quá quen và cũng quá...chán ngán về những vụ việc gian lận trong học vấn và thi cử: Đạo văn, mua điểm, bán điểm, và nhất là học rởm, bằng dỏm, hoặc học rởm, bằng thật... Thế nhưng nếu những vụ việc ấy lại xảy ra ở các quan chức có trách nhiệm, đầu ngành, đầu tỉnh...thì hệ lụy và tai tiếng của chuyện dối gian sẽ loang xa và di hại rất nhiều, khiến dân mất lòng tin, và hơn nữa, dân sẽ coi thường cả tư cách, phẩm hạnh, coi thường cả phép nước.
Lời của con người...
Đó cũng là câu chuyện xảy ra gần mấy tuần nay ở tỉnh Phú Thọ. Trung tâm của câu chuyện gây xôn xao là ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ vừa có học vị tiến sĩ, với đề tài: "Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ".
Chuyện sẽ "chẳng có gì mà ầm ĩ thế", nếu như dân tình trong tỉnh không nhiều người biết, trước đó ông Ân chỉ là cử nhân tại chức kinh tế- quốc dân khóa 24 (được tổ chức tại TP Việt Trì).
Xưa nay, ngay cả ngành GD cũng thừa nhận chất lượng của hệ đào tạo này chưa ổn, thậm chí dân gian còn ví von hài hước: "Dốt như chuyên tu...", nhất là những khóa đào tạo kiểu này đặt tại cơ sở.
Đùng một cái, ông Ân trở thành TS kinh tế quản trị kinh doanh của Trường ĐH Nam Thái Bình Dương (Mỹ). Việc ông bảo vệ luận án do do Viện Kinh tế (Bộ Tài Chính) giới thiệu, và có tỉnh Phú Thọ hỗ trợ kinh phí.
Dư luận xôn xao, bởi cách ông Ân làm NCS không bình thường. Theo chính ông nói: Trong thời gian làm TS (tháng 2-2007 đến tháng 9-2009), ông sang trường ĐH này học hai đợt, mỗi đợt một tuần để nghe giảng tiếng Anh (có người phiên dịch sang tiếng Việt). Ngay cả khi bảo vệ luận án, cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối. Trường ĐH Nam Thái Bình Dương không yêu cầu những NCS như ông phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào (?), mà chỉ cần gửi đề cương sang cho họ chỉnh sửa là được.
Điều ngạc nhiên, tuy hỗ trợ kinh phí, nhưng ngay một vị lãnh đạo của tỉnh Phú Thọ cũng thừa nhận, quy trình đào tạo để trở thành TS của ông Ân "có vấn đề". Vì theo quy chế của Bộ GD và ĐT, NCS phải có bằng thạc sĩ, hoặc tốt nghiệp ĐH chính quy loại khá trở lên... Và một điều kiện bắt buộc, phải có trình độ ngoại ngữ nhất định để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế và chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài luận án.
Cũng không chỉ có một mình ông Ân, hiện có khoảng chục cán bộ của các địa phương cũng được đào tạo TS kiểu này (!)
Chưa cần nói đến thời gian đầu tư thực chất, các quy trình... chỉ cần đối chiếu với 2 tiêu chuẩn quy định đầu tiên mang tính chất bắt buộc, đó là tốt nghiệp ĐH chính quy loại khá trở lên, đủ trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, cũng thấy ông Ân chưa đạt yêu cầu.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, là cách hành xử của tỉnh Phú Thọ: Biết cán bộ "có vấn đề", nhưng vẫn tiếp tay! Vì lý do gì: Vì nể nang, vì ông Ân đã nằm trong đội ngũ được "quy hoạch" từ trước, hay còn vì lý do gì khó nói?....
Ngay sau khi thông tin về học vị TS của ông Ân xôn xao trong nước, trong bài viết mới đây: "Nhu cầu dẫn đến bằng giả từ trường dỏm", GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), người trước đó đã ngay lập tức tìm kiếm thông tin, khẳng định: "Trường ĐH Nam Thái Bình Dương không phải là một ĐH, mà chỉ là một cơ sở thương mại, buôn bán bằng cấp cho những ai có nhu cầu...Tuy nó đặt ở Hawaii, nhưng gốc gác lại ở tận...Malaysia. Và đã bị...giải thể từ ngày 28/10/2003(!).
Mặc dù, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng đây là trường hợp "bằng giả, trường dỏm", người viết bài này không có ý đưa ra một khẳng định gì về cái bằng và Trường ĐH nơi ông Ân đươc cấp bằng TS.
Điều này, chỉ chính ông Ân hiểu rõ hơn ai hết.
Nhưng xin được giả định, nếu GS Nguyễn Văn Tuấn có sự nhầm lẫn, và trường ĐH nơi ông Ân làm NCS là trường ĐH thực chất, thì ông Ân vẫn vi phạm quy chế do Bộ GD và ĐT đề ra. Liệu cái bằng TS do biết cách "nhào lộn" đó có còn mấy giá trị? Và đâu là phẩm cách, là đạo đức trung thực của người cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa của một tỉnh có "Đế Đô"?
Còn nếu như trường ĐH đó, lại chính là trưởng "dỏm" như phân tích của GS Tuấn, thì quả thật, tấm bằng TS đó chẳng có giá trị gì. Ông Ân đã bị lừa, hoặc chính ông cố tình để cho mình "bị lừa"!
Và lời của...cơ chế
Mọi chuyện về tấm bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Ngọc Ân, mới chỉ là dư luận xã hội nghi vấn, chưa có kết luận gì của cơ quan quản lý cao nhất - Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ.
Thế nhưng, câu chuyện làm TS của ông Nguyễn Ngọc Ân đã không còn là chuyện lạ. Nó chỉ là trái đắng của một cái cây, mà gốc rễ từ lâu, đã không bình thường.
Hãy thử nhìn vào cái cây ấy - xã hội và cơ chế quản lý xã hội hiện nay.
Nền GD của chúng ta, về bản chất vẫn là nền GD hư danh, một nền GD "hư học". Với nền GD "hư học" ấy, trẻ em, thanh niên đi học cần "cái bằng" để làm quan, chứ không phải để "làm việc". Cánh cửa ĐH vẫn là cánh cửa duy nhất và đầu tiên để họ tiến thân
Và cơ chế xã hội, cha sinh - mẹ đẻ của nền GD "hư học" ấy, tuy không biết nói tiếng nói của con người, nhưng cơ chế đó nó lại "biết nói" bằng tiếng nói riêng của mình - những quy chuẩn, tiêu chuẩn cán bộ chính nó định ra, phục vụ cho hệ thống công quyền. Đương nhiên càng ở các vị trí lãnh đạo, trình độ con người ta càng phải nâng cao, và được quy chuẩn duy nhất bằng cái "bằng cấp": Chuyên môn thì Thạc sĩ, TS, chính trị thì lý luận trung cấp, cao cấp...v .v.. và v..v..
Những quy chuẩn đó, về hình thức, không sai, và tưởng như là đòi hỏi rất có lý về năng lực, phẩm chất cán bộ để "ngang tầm nhiệm vụ". Vì thế mới có chuyện Thủ đô Hà Nội từng có ý định đòi 100% cán bộ cốt cán phải có bằng tiến sĩ (!)
Nhưng thực chất, gắn với cách tuyển chọn, sử dụng, quy hoạch cán bộ như lâu nay, quy chuẩn "bằng cấp" đó lại rất hình thức, hời hợt. Nó đã không còn là sự khuyến khích con người ta phải có động lực rèn tài năng, phẩm hạnh đích thực. Vô tình còn là mảnh đất mầu mỡ để cho gian dối nở hoa, kết trái, để cho sự biến chất của phẩm cách, lương tâm. Bởi tự lúc nào, bằng cấp là cái đòn bẩy của bậc thang danh vọng.
Đã có bao nhiêu vụ bằng rởm, "học rởm bằng thật" bị phát hiện? Không thể thống kê hết, vì con đường tìm kiếm "bằng cấp" với mọi giá, xem ra lại là con đường được không ít người ham hố còn tiếp tục muốn đặt chân lên. Chắc chắn trên con đường ngắn nhưng đầy biếm nhục này ông Ân không phải là lữ khách cuối cùng.
Bằng cấp không kiếm được bằng năng lực trí tuệ, thì có thể kiếm bằng tiền, bằng rất nhiều tiền. Bằng cấp mua trong nước không có "tên tuổi" lắm, không "oai" lắm, thì có thể mua ngoài nước, xuyên đại dương, xuyên quốc gia.
Vì vậy, chuyện kiếm bằng cấp TS theo kiểu của ông Nguyễn Ngọc Ân không phải là trường hợp cá biệt, mà là chuyện, đáng buồn thay, phổ biến trong xã hội hiện nay.
Ông Ân có thể cảm thấy rất xấu hổ, nếu ông còn có lòng tự trọng. Nhưng có nhiều cán bộ, kiếm bằng cấp theo kiểu "tắt" như thế này, thì cơ chế xã hội có nên day dứt? Bởi phải chăng, với những thang bậc giá trị thực ảo, trắng đen lẫn lộn, cơ chế xã hội hiện nay, đã khiến không ít người như ông Ân tự nguyện làm những việc "phi văn hóa" trong cái guồng quay tham vọng chóng mặt. Nếu không có sự cố ồn ào này, liệu ông Ân và còn biết bao quan chức cùng "cảnh ngộ" như ông có biết điểm dừng?
Và nếu cơ chế này biết... "nói" tiếng người, nó sẽ nói gì nhỉ. Hay chính nó cũng phải thú nhận: Đã đến lúc cần thực sự phải đổi mới?
laotam
26-06-2010, 07:42 AM
Chủ nhân vụ "bằng cấp dỏm": "Tôi không may!"
Tác giả: Kim Dung (thực hiện)
Tôi xác định không đầy đủ thông tin nên phải chịu thiệt thòi cho cá nhân tôi thôi
Chủ nhân vụ "bằng cấp dỏm": "Tôi không may!" (http://tuanvietnam.net/2010-06-25-chu-nhan-vu-bang-cap-dom-toi-khong-may-)
Sau khi Tuần Việt Nam đăng một loạt các bài viết xung quanh vụ "Làm tiến sĩ ở Mỹ không cần biết tiếng Anh", sáng qua, 24-6, ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Du lịch Phú Thọ, nhân vật chính của vụ việc này tìm đến Tuần Việt Nam chúng tôi.
Trong câu chuyện trình bày, ông cho biết một vài nét về nhân thân. Sinh năm 1958, đã đi bộ đội 8 năm, học Trung cấp Thương mại, rồi làm việc tại Công ty Du lịch Phú Thọ. Tiếp đó, ông học lớp ĐH tại chức Kinh tế quốc dân (đặt tại địa phương). Năm 2002, ông làm Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu, lên Phó GĐ Công ty, rồi GĐ Sở Thương mại Du lịch Phú Thọ. Năm 2008, trở thành GĐ Sở VH - TT - DL đến hôm nay.
Ông Ân cho biết, bản thân ông đã học và bảo vệ luận án Thạc sĩ quản trị kinh doanh về du lịch tại ĐHQGHN (Khoa Quản trị kinh doanh, năm 2007)
Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Ân xung quanh vụ việc bằng TS của ông, do Trường ĐH Nam Thái Bình Dương (Mỹ) cấp.
- Trước tiên, xin được hỏi, mục đích của ông tìm đến VietNamNet là gì?
- Vì VietNamNet là một tờ báo điện tử có uy tín, nên tôi muốn được trao đổi thêm thông tin cho dư luận hiểu rõ hơn về cá nhân tôi!
- Những bài viết của VietNamNet xung quanh vụ việc của ông có gì sai trái không, thưa ông?
-Tôi không có ý kiến gì về những bài báo của VietNamNet. Các bài báo không nói quá. Chỉ có hai điểm báo chí nói không đúng: Tôi đã có bằng Thạc sĩ, chứ không phải không có. Và số tiền 17.000 USD là tiền riêng tôi bỏ ra!
- Tuy nhiên, nếu so với quy chế Bộ GD và ĐT ông vẫn vi phạm, vì quy định của Bộ là phải có trình độ ngoại ngữ nhất định để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế và chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài luận án?
- Về quy chế, nói thật là sau khi được cấp bằng Thạc sĩ ở ĐHQGHN, tôi cũng có nhu cầu học tiếp lên. Thấy anh em bạn bè nói về trường ĐH này, (ĐH Nam Thái Bình Dương) không cần có ngoại ngữ, mà ngoại ngữ mình thì kém. Thế là học tiếp. Hình thức học là đào tạo từ xa. Vì không cần tiếng Anh nên mình mới đăng ký. Nếu không thì làm sao tôi đủ điều kiện?
- Ông hay ai là người tìm ra trường ĐH này?
- Trên mạng có cả. Bạn bè nói và họ cũng tìm giúp.
- Nhưng bây giờ, thông tin về trường ĐH "dỏm" cũng rất nhiều. Ở tuổi ông đã là tuổi khá trải nghiệm. Yêu cầu của Bộ GD và ĐT là phải có trình độ ngoại ngữ nhất định, trong khi đó, một trường ĐH tận bên Mỹ thông báo không cần biết tiếng Anh cũng có thể làm TS được. Ông không có linh cảm gì về điều này. Và ông vẫn tin tưởng?
- Tôi vẫn tin chứ. Vì tôi có thông tin của trường này, tôi tin tư cách pháp nhân của nó là có. Vì bản thân họ (Trường ĐH Nam Thái Bình Dương) gửi thư cho tôi (!). Và cũng có một số anh đã học theo kiểu này rồi!
- Nhưng chắc ông đọc báo cũng biết, GS Nguyễn Văn Tuấn(Úc) đã tìm kiếm thông tin về trường ĐH đó, và cho hay, trường đó có cơ sở tại Malaysia, và đã bị giải thể từ năm... 2003? Còn GS Trần Hữu Dũng (Mỹ) trong bài trả lời phỏng vấn đài RFA cũng cho biết, ở Mỹ, không bao giờ có trường thuộc nhóm đã được kiểm định giáo dục mà tiếp nhận những sinh viên nước ngoài, rồi trao học vị TS cho họ mà người học không có kỹ năng nghe- nói - đọc- viết tiếng Anh... Người ta phân biệt rất rõ hai loại trường. Loại trường đã bị gọi là "dỏm", thì nếu chìa bằng cấp đó ra sẽ bị không công nhận, và người ta cũng rất coi thường.
- Vừa rồi, tôi có hỏi một số anh em bạn bè, họ giải thích, ở bên đó, trường ĐH nào, nếu không nộp thuế, thì bị đóng cửa, còn nếu nộp thuế xong thì lại được mở cửa. GS Nguyễn Văn Tuấn nói trường bị giải thể từ năm 2003, bản thân tôi cũng rất suy nghĩ. Dư luận nào đúng hay sai, tôi không dám khẳng định. Vì năm 2008, thư của trường ĐH này, họ viết gửi cho tôi, vẫn khẳng định trường là cơ sở đào tạo rất có uy tín (!)
- Thế nhưng nếu bây giờ, trước thông tin từ các GS có tên tuổi ở nước ngoài họ cung cấp và nếu trong thực tế, đó là trường ĐH "dỏm" thì ông có suy nghĩ gì không?
- Tôi xác định không đầy đủ thông tin nên phải chịu thiệt thòi cho cá nhân tôi thôi!
- Khi có thông tin trên báo chí về vụ việc của ông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ có kết luận gì không?
- Họ chưa có kết luận gì. Vì đây thực tế chỉ là nhu cầu học để nâng cao kiến thức của cá nhân mình thôi. Cái quan trọng là mình học được cái gì, áp dụng được gì cho công việc. Tôi học để cho tôi. Còn bằng cấp đó có được công nhận ở VN hay không lại là chuyện khác.
- Xin được hỏi thật ông, chắc ông cũng là một trong những người thuộc nguồn quy hoạch cán bộ cốt cán của tỉnh? (Ông Ân gật đầu, và nói thêm):
- Cũng có mấy trường hợp nữa, nhưng mà là bên doanh nghiệp. Vì đa số là cán bộ quản trị kinh doanh!
- Đến giờ, tỉnh Phú Thọ đã có hỗ trợ gì về kinh phí cho ông chưa?
- Chưa, chưa có hỗ trợ gì!
- Xin lỗi ông, tôi thấy trong thực tế, cơ chế quản lý của chúng ta còn có nhiều điều phải bàn. Như việc định ra tiêu chuẩn cán bộ. Về hình thức, có vẻ đúng. Nhưng quy định đó, nếu khi tuyển chọn, hoặc sử dụng cán bộ, chỉ căn cứ vào cái bằng cũng làm khổ không ít người.
- Đúng vậy. Tôi thấy quan trọng nhất là kinh nghiệm làm việc, chứ cái gì cũng bằng cấp giơ ra thì... Ở ngay cơ quan tôi, có anh TS hẳn hoi, làm việc chuyên môn rất tốt. Nhưng nếu làm quản lý lại không ổn.
- Nếu nói vậy, việc gì ông phải đi học tiếp?
- Nhưng nó vẫn ảnh hưởng chứ. Nên vẫn phải đi học. Việc báo chí thông tin như vừa qua, rất bất lợi cho tôi, nhất là trước kỳ Đại hội Đảng tỉnh nay mai sẽ diễn ra. Nhưng tôi vẫn tin ở đề tài (chuyên môn) tôi đang triển khai thực hiện
- Ông tự nhận xét gì về mình, với vụ việc vừa qua?
- Tôi thấy mình không may thôi!
Lời bàn của Tuần Việt Nam:
Quả thật, nếu nói rằng mình chỉ là người không may, thì ông Nguyễn Ngọc Ân chưa thấy hết dược trách nhiệm cá nhân, lẫn cái dở của mình. Tuy nhiên, ông có phần là người không may trong vụ việc vừa qua, bởi chắc chắn có không ít các cán bộ cốt cán làm TS theo kiểu này, trước đây, và biết đâu cả sau này nữa, mà "chưa bị lộ".
Chính cái cửa hẹp" bằng cấp" ấy đã xô đẩy, và thậm chí làm "tha hóa" con người bởi tham vọng, với bất kỳ giá nào. Sự không tương xứng giữa bằng cấp và năng lực, rút cục chỉ tạo ra một đội ngũ cán bộ không thể "đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ", không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Nhân vụ việc này, Tuần Việt Nam chúng tôi rất mong mỏi nhận được sự tham góp của quý bạn đọc gần xa, trong nước và nước ngoài với những kiến giải để trả lời một câu hỏi nhức nhối: Làm thế nào để các cơ quan công quyền nhà nước tuyển chọn và sử dụng được một đội ngũ cán bộ cốt cán có đủ năng lực và phẩm chất tương xứng với vị trí và vai trò?
Bài vở xin các quý vị gửi về địa chỉ: Tuanvietnam@vietnamnet.vn
laotam
26-06-2010, 07:52 AM
“Đạo văn” ngoài tầm kiểm soát!
Nạn sao chép tài liệu, luận văn... đã khiến cho trường đại học - môi trường giáo dục bậc cao - trở thành nơi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vừa nhiều vừa phức tạp.
“Đạo văn” ngoài tầm kiểm soát! - Giáo dục - Khuyến học - Dân trí (http://dantri.com.vn/c25/s25-404529/dao-van-ngoai-tam-kiem-soat.htm)
“Việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong trường ĐH vừa nhiều về số lượng vừa phức tạp về tính chất. Nhiều giảng viên, sinh viên vi phạm rất hồn nhiên” - TS. Lê Văn Hưng, Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhìn nhận tại hội thảo “Bảo vệ quyền tác giả trong trường ĐH” do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức sáng 23/6.
Chép từ tài liệu sao chép!
TS. Lê Văn Hưng nêu thực tế: Nhiều giảng viên sao chép tài liệu của người khác nhưng không dẫn nguồn. Hành vi đó đã trở thành một thói quen tồn tại nhiều năm. Giảng viên sử dụng lâu dần rồi trở thành “tài sản” của mình cho đến khi “xảy ra chuyện” mới giật mình thì sự đã rồi. Qua khảo sát về việc sử dụng công trình nghiên cứu khoa học của người khác để làm luận văn, luận án của nghiên cứu sinh, học viên cao học, TS. Lê Văn Hưng nhận định việc phát hiện sao chép rất khó. Đối với khóa luận tốt nghiệp của sinh viên thì lại càng khó hơn vì nhiều đề tài lặp đi lặp lại và số lượng sinh viên làm khóa luận mỗi năm đều rất đông. “Thực tế là việc sao chép trong trường ĐH nằm ngoài tầm kiểm soát. Thậm chí việc sao chép phổ biến đến mức có người lại sao chép cả những tài liệu đã được sao chép từ người khác” - TS. Lê Văn Hưng nói.
TS. Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cũng cho biết thực tế, có những người hướng dẫn lại cùng đứng tên cuốn sách của chính học trò của mình, rồi đưa vào hồ sơ để xin học hàm. Hay có những người làm chủ biên nhưng không viết chữ nào... Theo TS. Vũ Mạnh Chu, đây là thực tế đáng tiếc vì người thầy trước hết phải có danh dự của người thầy, bên cạnh đó là đạo đức của người làm khoa học.
Cần quy chế sở hữu trí tuệ trong trường ĐH
Thạc sĩ Trương Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho rằng giảng dạy, nghiên cứu trong trường ĐH nhằm mục đích chủ yếu cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, nguồn nhân lực này không chỉ thành thạo kỹ năng và có hiểu biết mà còn phải có phẩm chất đạo đức. Họ cần nhận thức rằng cái gì sử dụng của người khác thì phải xin phép, có như vậy đạo đức nghề nghiệp mới được gìn giữ.
Thạc sĩ Trương Thùy Trang cho rằng các trường ĐH cần xây dựng quy chế quản lý sở hữu trí tuệ. Quy chế bao gồm các quy định về quyền sở hữu, ưu tiên bảo mật, về tổ chức khai thác thương mại, về phân chia lợi ích và các thủ tục... Bên cạnh đó, cần hình thành đầu mối chuyên trách theo dõi, giám sát và triển khai các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ, kịp thời xử lý những xung đột liên quan đến sở hữu trí tuệ trong trường ĐH...
Thông qua việc so sánh kinh nghiệm bảo hộ sở hữu trí tuệ của một số trường ĐH nước ngoài, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng để tránh việc “đạo văn”, ngay khi nhập học tuần đầu tiên, sinh viên cần phải được giới thiệu về các nguyên tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong đó đặc biệt là đạo đức của người nghiên cứu khoa học và những hình thức kỷ luật nếu sinh viên “đạo văn”. Bên cạnh đó, các trường cũng tạo điều kiện cho các thầy cô có cơ hội sử dụng các công cụ phát hiện “đạo văn” như các phần mềm hỗ trợ việc phát hiện việc sao chép hiện đang được bán trên thị trường...
Theo Thùy Vinh
Người lao động
cheoleoleo
26-06-2010, 08:24 AM
laotam này chịu khó thật ,biết anh em mê cờ chẳng màng thế sự, thế nên đầu trên xóm dưới có chuyện gì ông mang tất tật vào đây , ông quả người có lòng ! xin thành thật cảm ơn ông .Thế nhưng trộm nghĩ cái băn khoăn lớn nhất của các anh em đây là cục nào hay cục nào dở ?khai cuộc sao cho khỏi bj lép , hôm nay ai thách đấu ai ? có bí kíp nào mới xin phổ biến cho ,còn điện nước giáo dục đã là chuyện muôn đời rồi ! muốn hay không cũng phải sống cùng nó thôi. Ông cho xem báo thật quí hóa quá !
laotam
27-06-2010, 02:40 AM
Bài văn “lạ” và niềm khẩn thiết mong phụ huynh giật mình
“Đây là toàn bộ bài văn của một học sinh lớp 11. Bài văn được viết trên lớp trong 1 tiết, là bài viết số 5 theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT. Tôi rất bất ngờ và cảm thấy cần chia sẻ với các bậc phụ huynh...”.
Bài văn “lạ” và niềm khẩn thiết mong phụ huynh giật mình - Giáo dục - Khuyến học - Dân trí (http://dantri.com.vn/c25/s25-376833/bai-van-la-va-niem-khan-thiet-mong-phu-huynh-giat-minh.htm)
“Các vị hãy đọc đi để có được dù chỉ là một lần giật mình”- trích nội dung thư của một cô giáo dạy văn.
Là giáo viên bộ môn, cô giáo này chưa kịp tìm hiểu rõ gia cảnh học sinh nên đã đưa bài văn cho thầy chủ nhiệm và nhờ thầy có biện pháp trao đổi với bố cháu. Dù đã gặp riêng học sinh và có những lời phê chí tình, chị vẫn cảm thấy lo lắng vì đã từng biết có một học sinh nữ khi gặp rắc rối gia đình đã uống thuốc ngủ tự tử.
"Nếu các bậc làm cha làm mẹ không chú ý tới diễn biến phức tạp của tâm lý lứa tuổi này, họ có thể đánh mất con trong gang tấc" - cô giáo viết.
Dưới đây là nội dung bài văn “lạ” và lời phê của cô giáo:
Đề bài: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ về vai trò của gia đình.
Bài làm
Gia đình là một thành phần quan trọng không thể thiếu của mỗi chúng ta. Nó vừa là điểm khởi đầu cũng là nơi kết thúc của một đời người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Gia đình là tế bào của xã hội". Thật vậy, đó là nơi nuôi dưỡng, chở che cho mỗi chúng ta từ khi còn bé cho đến lúc lớn, nó luôn ở bên cạnh ta, nâng niu che chở cho mỗi chúng ta. Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người. Tất cả chúng ta ngồi đây ai cũng đã, đang và sẽ có một gia đình mà chắc rằng nó sẽ không bao giờ được như tôi mơ ước.
Trong quá khứ, tôi đã từng có một gia đình, nơi đã nuôi dưỡng, che chở cho tôi từ lúc mới lọt lòng. Tôi sống trong tình yêu thương, đùm bọc của bố mẹ. Tôi sống, sống trong sự quan tâm, sống trong sự chở che... Rồi dần dần, càng ngày tôi càng núp trong một cái bóng, cái bóng của chính tôi. Chẳng có gì tôi phải đụng tay đến, tôi chẳng được làm những gì mà mình thích. Tất cả phải theo ý bố mẹ...
Bố vẫn thường dạy tôi về cách sống, cách làm người... Nhưng thử hỏi đã bao giờ tôi được làm chính tôi... Tôi luôn tự tạo cho mình một cái vỏ bọc để che giấu đi con người thực sự của mình. Mọi người thấy tôi hay cười... nhưng có ai biết, đó chỉ là những nụ cười giả tạo mà tôi cố gắng để che giấu đi nỗi đau của chính bản thân mình... Tôi đã từng ghét chính cuộc sống đó. Nhiều lần, tôi đã cố gắng để thoát ra khỏi cái vỏ bọc ấy. Nhưng rồi, tôi lại càng tiến sâu hơn.
Một ngày nọ, tôi phát hiện ra, bố tôi, người mà luôn che chở, dạy bảo cho tôi lại là một người... một người mà tôi... khinh bỉ... Đúng là cha nào con ấy... Tôi tự tạo vỏ bọc cho mình để che giấu con người thật của tôi. Bố tôi cũng thế, ông đã tạo ra cho mình một cái vỏ bọc thật hoàn hảo để che giấu con người mình, lừa gạt tất cả, và cả tôi.
Tôi sống vì cái gì??? Gia đình ư? Nhiều lúc tôi đã dẫm đạp lên nó... Tôi tự tách mình khỏi gia đình, và tách ra khỏi chính bản thân tôi. Tôi hoàn toàn là một con người khác...
Nhiều lúc chán cuộc sống giả tạo đó, tôi đã tìm, tìm đến một nơi, một nơi mà ở đó không có sự giả dối, và hơn cả, tôi được làm chính tôi: THẾ GIỚI ẢO. Dẫu biết rằng, tất cả chỉ là ảo, nhưng những gì tôi có thật gấp trăm nghìn lần cái thế giới mà tôi sống.
Ở đó, có người mà tôi yêu, có sự quan tâm, có tất cả những thứ mà thế giới thật đã có, hoặc không có... Tôi đã tìm lại được tiếng cười, cười một cách thật tự nhiên. Có những buổi offline làm tôi nhớ mãi...
Một phút xa nhau vạn phút nhớ
Một lần gặp gỡ vạn lần mơ.
Lạ thật, tôi đã từng mơ về một hạnh phúc được sống trong một gia đình thật, nhưng không ngờ đó chỉ là ẢO... Nhưng không sao, có lẽ đối với tôi đó cũng là một cái gì đó, một thứ gì đó thật khác biệt...
Thật lạ, hôm nay, ngày tôi viết bài văn này cũng là ngày kỉ niệm, ngày chúng tôi gặp nhau trong một gia đình (ẢO)... Nhưng tôi đang cố gắng gìn giữ một cái gì đó, dù biết nó chỉ là ẢO và lời nói có thể là giả tạo nhưng ít ra có còn hơn không. Hơn cả, tôi được làm chính tôi. Tương lai, một ngày nào đó tôi cũng sẽ có một gia đình. Gia đình đó sẽ như thế nào đây?
Gia đình... Không biết đối với các bạn, đó là gì? Nhưng đối với tôi, nó là một cái gì đó mà có lẽ cả đời này tôi cũng chẳng bao giờ với tới được.
Lời phê của giáo viên:
Em đừng nhìn mọi việc theo chiều hướng tiêu cực thế! Nếu quả thực gia đình em có những rắc rối, bố mẹ em có những sai lầm thì chưa chắc đã do họ muốn thế, hoặc cũng có thể họ phải chịu những áp lực nào đó mà hiện nay, em chưa thể hiểu hết được.
Và đã bao giờ, em nghĩ rằng gia đình là của em, chính bản thân em cũng cần có trách nhiệm vun đắp, xây dựng? Đã bao giờ, em thử mạnh dạn nói chuyện với bố mẹ, bày tỏ những suy nghĩ của mình? Biết đâu, vì sự nghiêm túc của em mà bố mẹ sẽ đổi thay...
Trong trường hợp xấu nhất, nếu em không thể thay đổi được điều gì, nếu em không thể có một gia đình như mong muốn trong hiện tại, thì em vẫn có thể bằng nỗ lực và tấm lòng mình để vun đắp, xây dựng một gia đình như em mong muốn trong tương lai - khi em đã trưởng thành.
Hãy tin rằng, cuộc sống sẽ mỉm cười với những ai biết cố gắng. Cô mong em có thể bình tâm và tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự.
Cô giáo của em
Theo Vietnamnet
laotam
28-06-2010, 02:19 AM
Cả nước đang thiếu 26.000 giáo viên THPT
(Dân trí) - Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay cả nước còn thiếu khoảng 26.000 giáo viên THPT
Cả nước đang thiếu 26.000 giáo viên THPT - Giáo dục - Khuyến học - Dân trí (http://dantri.com.vn/c25/s25-404935/ca-nuoc-dang-thieu-26000-giao-vien-thpt.htm)
Theo Bộ GD-ĐT, cả nước có hơn 134.000 giáo viên THPT, tổng số học sinh THPT là 3.100.000. Tỷ lệ giáo viên THPT/lớp hiện nay đang là 1,98, trong khi theo định mức quy định thì tỷ lệ này là 2,25.
Để bảo đảm định mức trên cả nước cần phải có 153.000 giáo viên. Số giáo viên cần đào tạo bổ sung là khoảng 19.000 người. Ngoài ra, hằng năm số giáo viên THPT sẽ về nghỉ chế độ khoảng 7.000 người. Như vậy, tại thời điểm này, xét trên tình hình chung cả nước, số giáo viên THPT còn thiếu 26.000 người.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu xã hội, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã chính thức yêu cầu các Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2011 và 5 năm 2011 - 2015.
Theo đó, các địa phương cần triển khai quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo dục TCCN, ĐH, CĐ thuộc địa phương quản lý, tập trung đầu tư gắn phát triển quy mô đào tạo với đảm bảo chất lượng đào tạo.
Theo Bộ GD-ĐT, quy mô phát triển của bậc học này sẽ được tăng dần với mức tăng bình quân chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ là 7%/năm, TCCN 5%/năm.
Hồng Hạnh
laotam
29-06-2010, 12:00 PM
Tiến sĩ: 'Không xưng danh thì ai biết là ai...?'
Sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn đô la để sở hữu một tấm bằng tiến sĩ, hoặc lựa chọn những cơ sở đào tạo kém chất lượng để có tấm bằng này cho thấy quan niệm ấu trĩ ở một bộ phận trí thức "nửa mùa".
VietNamNet (http://vietnamnet.vn/giaoduc/201006/Hu-danh-tien-si-918947/)
"Không xưng danh thì ai biết là ai...?"
Nếu đến một nước phát triển ở châu Âu và giới thiệu bản thân với một người dân bình thường: Tôi đang làm tiến sĩ ở trường X...thì hẳn là bạn sẽ nhận được câu hỏi: Tiến sĩ là làm cái gì?
Đừng nghĩ rằng dân trí những nước này thấp quá. Đơn giản là bởi "danh hiệu" đó không có gì đặc biệt đối với họ. Nếu giới thiệu mình làm tiến sĩ với người đang công tác trong trường đại học, người ta sẽ hiểu ngay công việc của bạn là gì. Tuy nhiên, với một người dân bình thường thì "danh hiệu" đó không có gì "ấn tượng".
Tuy nhiên, hãy nói điều đó với ai đó ở nước ta, từ thành thị cho tới nông thôn, ít nhất bạn cũng nhận được một ánh mắt yêu mến tức thì, trong đó có phần ngưỡng mộ, khâm phục.
Hay thử để ý trong một hội nghị, kể cả hội nghị của ngành giáo dục, trong phần kính thưa hay giới thiệu, lẽ ra chỉ cần nêu: "vụ trưởng A", "thứ trưởng A" hay thậm chí "bộ trưởng A" là đủ, nhưng không, trước chức vụ đó bao giờ cũng phải xướng lên cái danh hiệu "phó giáo sư, tiến sĩ A" hay "giáo sư, tiến sĩ A".
Tiến sĩ không phải là tước vị mà là một nghề
Nguyễn Thành Trung, một nghiên cứu sinh tại Bỉ cho biết: Sau khi làm nghiên cứu sinh 5 năm, tôi tự cười mình 5 năm về trước, khi đó tôi đã rất tự hào khi nhận được "học bổng" du học tiến sĩ do trường ĐH trực tiếp cấp. Nói tôi "từng tự hào" vì ngày đó có rất nhiều bài báo ca ngợi những người cùng lúc nhận được rất nhiều học bổng cấp từ các nước tiên tiến.
Anh nói: "Nhưng giờ thì tôi đã rõ, làm tiến sĩ không có gì quá khó khăn và to tát như người ta tưởng. Làm tiến sĩ là học cách làm nghiên cứu, là chập chững bước vào nghiên cứu khoa học. Trở thành nhà khoa học mới là cái đích cuối cùng. Nhưng con đường từ tiến sĩ tới danh hiệu nhà khoa học còn xa lắm, bởi vì làm tiến sĩ xong mà không nghiên cứu được cái gì, tấm bằng đó cũng coi như vứt sọt rác."
"Những người chính thức trở thành nghiên cứu sinh của trường (regular Ph.D student) làm việc giống hệt một công chức của trường và được hưởng một mức lương theo qui định. Hình thức trả lương này không phải là học bổng, mà gọi là trợ cấp (grant), một hình thức lương không đóng thuế.
Các nước Âu –Mỹ rất khuyến khích người nước ngoài ứng cử vào các vị trí này, vì người bản xứ ít người chịu làm công việc nặng nhọc nhưng lương thấp như thế, vào khoảng 1.800 euro/tháng (thu nhập thấp hơn một công nhân quét rác xứ Bỉ, vì họ có thêm 2 tháng lương một năm để đi nghỉ hè). Bên cạnh đó, đào tạo ra một người bản xứ đủ trình độ làm công việc này, họ phải mất chi phí nuôi người đó từ lúc mới sinh cho đến khi xong đại học hoặc thạc sĩ, trong khi đó nếu tuyển người nước ngoài, họ sẽ không mất khoản chi phí đó."
Anh Trung nhấn mạnh: "Trong quá trình học, tôi chứng kiến nhiều cuộc “ra đi” của đồng nghiệp, cả Tây, cả châu Á, không phải vì họ không giỏi giang mà vì không gặp may: họ gặp phải một đề tài không có đáp số. Tôi cũng ngạc nhiên khi thấy họ ra đi mà vẫn bình thản như không, vì hóa ra, học tiến sĩ với họ đơn giản là làm một công việc, là một phương tiện chứ không phải là một mục đích tối cao."
"Rõ ràng, đây không phải là chuyện một cá nhân đi tìm kiếm một tước vị mà là chuyện đào tạo một người làm khoa học, hay nói nôm na là đào tạo một nghề nghiên cứu. Chỉ đơn giản là thế. Trong xã hội ở đây, người ta không đặt nặng nề cái danh mà đặt các “thực” lên hàng đầu. Cụ thể là học bổng tiến sĩ của tôi cũng chỉ bằng thu nhập một công nhân nào đó làm việc 8 giờ/ngày. Tôi nói không ngoa, vì một điều rõ ràng nhất là về tiền, danh hiệu tiến sĩ không mang lại nhiều hơn cho họ, trong khi đó công việc nghiên cứu lại nặng nhọc, đầy áp lực về mặt tinh thần."
"Lương của một người làm việc “postdoc” (sau tiến sĩ) ở Bỉ chỉ khoảng 2.000 euro/tháng, giáo sư thì nhiều hơn tùy theo thâm niên. Tôi từng chứng kiến một bà giáo sư vì bất đồng chuyện cơ quan mà bỏ việc ở trường đại học, đi làm người tính tiền ở siêu thị. Về lương mà nói, cũng chỉ giảm một ít, bởi người tính tiền ở siêu thị cũng được trả khoảng 1.800 euro/tháng sau thuế, lại chẳng phải suy nghĩ gì nhiều!"
Tú Uyên
trung_si
29-06-2010, 12:22 PM
Cảm ơn laotam về các bài sưu tầm phản ảnh một phần bộ mặt của Ngành Giáo Dục Đào tạo Việt Nam hiện nay!
laotam
30-06-2010, 01:59 AM
Hồi đáp bài
Tiến sĩ: 'Không xưng danh thì ai biết là ai...?'
VietNamNet (http://vietnamnet.vn/giaoduc/201006/Hu-danh-tien-si-918947/)
Tiến sỹ ở VN thực tình khôngđược trọng vọng, hay đúng hơn chỉ được trọng vong ở quê.
Hiện xưng danh TS không hiển vinh gì. Ai cũng ngầm hiểu:TS nghèo nàn kiến thức, trí trá khoa học. Tuy nhiên để kiếm ăn họ cùng nhau đẩy các học vị này.Và XH quản lý kém, thiếu sắc sảo trong nhìn nhận , thiếu dân chủ trong phản ánh vấn đề, thiếu trách nhiệm trong tìm kiếm lợi ích nên vấn đề TS đẩy lên tới cực điểm.
Đề làm tiến sỹ phải chi nhiều tiền( ngoài tiền ngân sách cấp), trong đó có cả tiền mua luận án (có người bạn tôi chuyên viết thuê luận án).Và khi được TS rồi thì ra sức kiếm ăn: ngồi hội đồng, tìm cơ hội đi giảng( nếu không phải là giảng viên), đứng chân trong các đề tài KH lo lót lên giáo sư, phó giáo sư ( để ngồi hội đồng và về hưu muộn).Các cơ quan chi tiền ngân sách , chi giờ làm việc để làm tiến sỹ, thạc sỹ( và bây giờ đang bỏ ra rất nhiều tỷ ngân sách để đào tạo một loạt TS ơ nước ngoài- để án 322 mà không phải để giảng dạy).
Ở các cơ quan, Ths, Ts đào tạo về được lên lương , cất nhắc. Có cơ quan tuyên bố cứ TS mới đề bạt cấp vụ.Có cơ quan lấy người ưu tiên Ths( sao bây giờ các em học ở trường ra em nào cũng Ths).Nhiều người nhà nghèo học xong ĐH vội kiếm cho mình một bằng Ths để dễ xin việc.
Và như thế xã hội vô cùng tốn kém. Nhiều việc không cần TS, Ths, nhất là nó thực chất không có gì là kiến thức. Chúng tôi đi học lý luận cao cấp, TS với được giảng day lớp chúng tôi. Mà giảng dạy lớp cán bộ đi làm thì " mầu" hơn, chứ không phải họ đòi hỏi trình độ cao hơn.
Và ngay cả cái gọi là trình độ cao hơn ở đất nước chúng ta cũng khó định nghĩa. Nhưng chỉ biết những cái mà những vị TS, GS dạy chúng tôi không cần hoạc tự tìm hiểu chúng tôi cungx biết hết, nhưng chúng tôi phải đi học để lên lương- chuyên viên cao cấp, nên thày trò cùng giải ngân, kiếm việc cho nhau moi tiền ngân sách.
Cái đáng buồn là chẳng ai dám nói, thời gian cứ mãi trôi đi, ngân sách chi lãng phí mà các thày vẫn kêu là " lương còm". Có ai công bố xem tiền chi một năm cho một học viện là bao nhiêu, chia cho đầu giảng viên- chắc là phải đến nhiều trăm triệu/ người, nhất là cả tiền chi cho các đề tài KH không giá trị gì cho cuộc sống, chỉ là cắt dán kiến thức.
Nếu là trọng vọng TS, GS, thì ở thành phố người ta đã không phải tìm cách cho con người ta đi nước ngoài du học. Và hiện tại người ta không muốn cho con mình vào cơ quan nhà nước. Và hồi chuông- chảy máu chất xám đang báo động.
XH đang bị lũng đoạn mà các học vị đang là món hàng mua bán để làm nghèo đất nước.
Nghiêm cấm ngay việc gửi đào tạo TS trong nước và nước ngoài ( bằng tiền NS)cho các cơ quan NN không liên quan tới giáo dục.Không đào tạo TS, Ths cho những người mới ra trường.
Không lấy đó làm cơ sở để cất nhắc chức tước.Không cho giáo sư, PhGs được về hưu muộn hơn. không cấp tiền nghiên cưư KH cho các cơ quan không phải là viện nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu KH phải được công bố công khai về mức chi ngân sách để mọi người giám sát tính hữu dụng của nó. Hội đồng KH gồm tất cả các nhà chuyên môn, không nhất thiết là TS.
hathanh
Trước hết, tôi đồng tình với anh Trung về việc nói tiến sĩ là 1 nghề. Có thể có nhiều người phản đối, nhưng phải đứng trong vị trí của anh Trung, 1 PhD student tại EU thì sẽ hiểu. Tại đây, PhD được kí hợp đồng ngắn hạn (3-5 năm tùy thời gian làm PhD), trả lương định kỳ theo tháng, đi làm công sở như người đi làm bình thường.
Là 1 người đã từng làm nghiên cứu và hiện đang đi làm tại Pháp, tôi có thể nói rằng đa số người đi làm bận rộn và mệt mỏi hơn người làm PhD, và đa số người VN làm PhD tại đây là vì cái bằng chứ chả phải vì sự nghiệp "kinh bang tế thế" chi cả.
Có ý kiến của ai đó ở dưới cho rằng PhD là vinh quang, là cao cấp, là phản ánh trình độ tư duy nhận thức, khả năng ứng biến trong công việc (của TS. Hồ Văn Khánh, Viện Hóa học, Viện KH&CN VN - theo chứ kí), tôi ko phản đối, nhưng thế hóa ra người làm nghề khác ko có khả năng đó sao?
Phải nói thế này, PhD ko phải là vạn năng, có bằng TS ko có nghĩa là làm cái gì cũng giỏi,là có khả năng tư duy hơn người. Nói thế hóa ra tầm thường hóa các nghề nghiệp khác rồi.
Dưới quan điểm coi TS là 1 nghề, tôi đặt ngang nó với những nghề có lao động đầu óc khác như kĩ sư IT, chuyên viên ngân hàng, .... nhưng với lương thấp hơn rất nhiều. Những người đó họ cũng có tầm nhìn rộng vậy.
Còn việc gắn TS với tính cách thì quả là ko nên, đã qua cái thời TS được coi là người vượt lên trên mọi người, siêu quần rồi.
TS bên này khi xin việc vào những công ty thì sẽ có lương ko bằng những người vừa tốt nghiệp trường kỹ sư ra, điều này dễ hiểu vì TS thì chí có kinh nghiệm và tư duy làm nghiên cứu chứ ko có tư duy làm thực tiễn, kinh nghiệm trong môi trường doanh nghiệp. Đó là 2 ngành nghề khác nhau và ko nên nhầm lẫn. Nhiều người nghĩ rằng làm TS thì sẽ có tư duy để học rất nhanh những ngành khác, đi sau mà lên trước. Xin thưa là sai hoàn toàn, cùng điểm xuất phát thì TS khó mà vượt lên được 1 kỹ sư được đào tạo bài bản ở đây trong môi trường công nghiệp (chưa kể thời gian đào tạo của TS thì lớn hơn rất nhiều). Tất nhiên trong môi trường nghiên cứu thì TS sẽ vượt trội.
Có 1 sự thật thế này mà anh Trung đã nói đúng, sự thật này tôi chứng kiến hàng ngày hàng giờ tại nơi tôi đang sinh sống: đó là đi làm TS dễ hơn đi xin việc tại đây, vì chả có dân bản xứ nào thích đi làm TS cả. Đó là nguyên nhân mà rất nhiều người VN ở lại làm TS sau Master chứ ko phải đi làm (nếu xin việc mà dễ thì đã ko làm TS), vậy đó.
Cuối cùng, tôi muốn nói là đừng thần tượng hóa TS mà tự gán cho nó những mỹ từ, vậy thôi.
habc, France, gửi lúc 29/06/2010 20:48:13
Bài viết của bạn rất hay và có cái nhìn thực tế về bắng cấp tại Việt nam.
Tôi rất thích câu nói: lao động sinh ra sáng tạo.
Ví dụ: ở tỉnh Trà Vinh có một ông nông dân đi xúc đất . ông ta luôn nghĩ phải chế tạo được cái máy đào đất và ông ta đã thành công.
Tại Việt Nam : rất nhiều % các tiến sỹ suốt ngày chỉ sáng tạo chứ không thấy lao động .
Chúng ta nếu sao chép một công trình nguyên cứu thì người ta bảo đạo sách, còn sao chép nhiều sách về một công trình thì người ta bảo là nghiên cứu"
Tôi đọc báo có thấy rất nực cười khi một tổ nhiều Tiến sỹ trường ĐH công nghiệp 4 giám đạo luôn một quyển sách marketing của một Tiến sỹ trường ĐH kinh tế về làm sách của mình và bị lên án rất nhiều vỉ mang tiếng đạo sách. nhưng thực ra quyển sách này được dịch (đạo) từ nhiều quyển sách khác ( nghiên cứu) của nước ngoài.
Tiến sỹ tại Việt nam biết cách nghiên cứu như vậy đó.
Bài viết của bạn Tú Uyên hơi cường điệu một chút nhưng nói đúng thực chất cái giá trị của văn bằng tiến sĩ ở ngoại quốc.
Người Nhật có một câu nói " Lên đỉnh Phú Sĩ cầm hòn đá liệng xuống sẽ trúng đầu ít nhất một người Tiến sĩ" để nói lên hiện tượng trong xã hội Nhật người có bằng Tiến sĩ rất nhiều và nó cũng chẳng có gì quan trọng.
Tôi từng nhận học vị Tiến sĩ Cơ khí Công học tại Đại học Tohoku (Đông Bắc) của Nhật và phải tức tưởi khi đi kiếm việc vì cái học vị Tiến sĩ của mình và sau đó thì vứt rác luôn cái bằng của mình để đi làm cảnh sát vì người ta cần tới tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi để thâm nhập điều tra trong các vụ án có dính líu đến người Việt hơn là cái bằng Tiến sĩ .
Ở Nhật Tiến sĩ đồng nghĩa với người có nghiên cứu về chuyên môn sâu hay mở ra một hướng nghiên cứu mới trong một lĩnh vực nào đó.
Bằng Tiến sĩ rất khó đi kiếm việc làm vì hiếm có phòng nghiên cứu nào hoặc công ty nào có Lab nghiên cứu giống với nghiên cứu mới không giống ai của mình. Kiếm không ra việc thì chỉ một năm sau khi ra trường cái bằng Tiến sĩ đó vứt thùng rác. Ở Nhật ngoài các giáo sư Đại học , hiếm có ai dám viết cái chữ Tiến sĩ trong danh thiếp của mình . Vì sao ? Có lẽ đó là lòng tự trọng tối thiểu của một con người có học thức.
Có một điều thú vị bằng Tiến sĩ của Nhật không có giá trị bằng Văn bằng Kỹ sư Quốc gia cấp 1. Ở các trường Đại học , giáo sư phần nhiều đều có bằng Tiến sĩ nhưng hiếm có giáo sư nào thi nổi bằng Kỹ sư Quốc gia. Kỹ sư của Nhật đúng nghĩa của nó tức là người phải có kiến thức bác học rộng trong nhiều lãnh vực và có kinh nghiệm thực hành chuyên môn. Mỗi năm có hàng chục ngàn người dự thi nhưng chỉ có vài trăm người mới được công nhận là Kỹ sư quốc gia. Người có bằng kỹ sư quốc gia lúc đó mới gọi là Kỹ sư. Nhiều em du học sinh VN sang Nhật có lẽ chưa quen với xã hội Nhật nên thường in danh thiếp có kèm chữ KỸ SƯ khiến nhiều người Nhật giật mình và sau đó là phá lên cười khi hiểu ra rằng cái chữ Kỹ sư của VN tương đương với người có bằng HỌC SĨ tức sinh viên mới ra trường.
Tôi có kinh nghiệm đi thông dịch nhiều cán bộ cao cấp cỡ Bộ trưởng trở lên của chính phủ VN và không hiếm lần muốn cười ra nước mắt khi các quan chức Tiến sĩ của Vn sau khi xưng ra đủ danh hiệu cho tôi dịch thì bắt đầu ngớ nga ngờ ngẩn vì một chữ ngoại ngữ bẻ đôi cũng không giao tiếp được khi các quan chức Nhật đồng cấp nghe giới thiệu xong thì dùng luôn tiếng Anh để nói chuyện với họ theo cung cách lịch sự trong ngoại giao mà không cần qua thông dịch viên.
Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ giáo dục VN nên xem xét lại cách dạy cho quan chức và con em chúng ta hiểu và thực hành được một lối sống có LÒNG TỰ TRỌNG và sự TRUNG THỰC nếu không muốn danh dự quốc gia bị biếm nhục.
Hiểu một cách thông thường , người có bằng TS thì có học thức cao hơn người không có bằng TS và trong công việc thì ý kiến có trọng lượng hơn.
Hiểu theo ý lãng mạn một chút , TS làm công tác nghiên cứu khoa học có nghĩa là làm lao động sáng tạo tương tự như nghệ sỹ nhưng có cuộc sống chuẩn mực.
Còn theo các quan chức thì có TS là để cho chắc ghế .Về cơ bản ,học thực sự để có bằng TS cho dù không làm công tác NCKH cũng tốt ,vì dù thế nào nhận thức của những người có TS cũng cao hơn chính mình khi chưa học .Đáng sợ là những người học giả nhưng lại có bằng ,,nguy hiểm cho xã hội hơn nữa là những người có chức có quyền .Học bao giờ cũng tốt , giả vờ học để có bằng (học đểu) bao giờ cũng xấu .
Có nhiều bạn đọc phản đối khái niệm "làm tiến sĩ không phải là nghề" và quy chụp những tính từ rất nặng nề cho tác giả cũng như nhân vật trong bài báo như "ấu trĩ, sai lầm nhiêm trọng..." nhưng không hiểu các bạn có phải là người trong cuộc không nhỉ?
Tôi cũng là một người "làm nghề nghiên cứu" ở Bỉ, một nước có An Sinh Xã Hội hàng đầu châu Âu, nên không thể coi nó là một nước kém phát triển về giáo dục được.
"Làm tiến sĩ" có phải là một nghề hay không? Tôi chính là người làm nghề này, nên tôi sẵn sáng tranh luận với bất kỳ ai, "làm tiến sĩ" chính là một nghề, là một công việc như tất cả những công việc khác.
Xin hãy phân biệt giữa người "làm tiến sĩ" theo diện chính qui của trường và những người được cử sang "học tiến sĩ" từ các nước đang phát triển như Đông Nam Á, Châu Phi...
Ở các trường ĐH ở Tây Âu, có rất nhiều nhóm nghiên cứu, hằng năm người ta tuyển dụng người vào làm việc tại các nhóm đấy, gọi là "research".
Người làm nghề này, cũng như tất cả những nghề khác, phải đáp ứng những tiêu chí nhất định. Sau đó, ký hợp đồng với trường về lương, và ghi danh vào trường với tên gọi là "Ph.D student".
Tôi được cấp 2 cái thẻ, 1 thẻ sinh viên (student card) và 1 thẻ nhân viên (personal card). Từ lúc đấy, tôi trở thành một người làm việc chính thức cho trường ĐH với chức danh là "research", hằng ngày phải đến office đúng giờ qui định để làm việc. Thử hỏi, đây không gọi là "nghề" thì gọi là gì? Sau 4,5 năm, nếu nghiên cứu của bạn thành công, được công nhận, thì bạn bảo vệ và được cấp tấm bằng Tiến Sĩ, để đi tiếp con đường nghề nghiệp giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
Tiến sĩ và người quét rác, ai cao quí hơn và đáng được vinh danh hơn? Mỗi người đều đóng góp cho xã hội theo cách của họ. Thế giới có bao nhiêu Tiến Sĩ, và trong số họ có bao nhiêu người như John Forbes Nash một tiến sĩ đọat giải nobel kinh tế?
Nên nhớ, sự vinh danh ở đây, là thành quả nghiên cứu của họ đóng góp cho nhân loại, chứ không phải vinh danh tấm bằng TS. Người quét rác, có đáng được vinh danh không? Các bạn ở nước ngoài, hằng ngày được đi trên những con đường sạch đẹp, hít thở không khí trong lành... đấy là nhờ công ai vậy?
Với tôi, làm nghề này, cũng như tất cả những nghề khác. Về đặc thù nghề nghiệp, dĩ nhiên phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về bằng cấp. Nhưng không vì thế mà tự đặt mình ở một vị trí cao hơn những nghề khác trong xã hội và đòi hỏi người khác phải tôn vinh, ngưỡng mộ.
Bài báo của bạn Tú Uyên rất hay và thực tế. Tôi cũng tốt nghiệp PhD tại Úc và thấy làm tiến sĩ cũng chẳng quá khó khăn. Chương trình PhD thực tế là dạy cho bạn phương pháp nghiên cứu. Nếu bạn có năng lực nghiên cứu và cần mẫn chăm chỉ, bạn có thể hoàn thành nghiên cứu và có bằng sau 3 năm học. Nói là sau khi học xong Phd, bạn trở thành chuyên gia về lĩnh vực của bạn theo học. Điều này chưa chắc. Sau khi học xong tiến sĩ bạn có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về phương pháp nghiên cứu và chủ đề bạn nghiên cứu. Để thành chuyên gia giỏi, bạn phải tiếp tục công việc nghiên cứu và sau 1 thời gian bạn có thể thành 1 tiến sĩ có kiến thức chuyên môn mà thôi!
Tôi đã từng công tác tại ĐH Basel, Thuỵ Sỹ, là được biết là lương của giáo sư permanent thì cũng chỉ tương đương với người lái tàu có kinh nghiệm (hình như là bậc 7/7, tôi có thể quên). Nghề nào cũng cao quí cả. Ai có năng lực nghiên cứu thì làm tiến sĩ, giáo sư. Nếu không thì làm thợ. Lương bổng cũng không khác nhau quá nhiều.
Ở VN ta, thì xã hội quá trọng văn bằng chữ nghĩa và không quan tâm nhiều đến kết quả công việc thực tế. Nhiều trường đại học có quá nhiều giáo sư và phó giáo sư và không có đến một công trình cấp quốc tế hay khu vực. Không biết có bao nhiêu giáo sư VN có thể giảng bài bằng tiếng Anh trực tiếp được nhỉ. Không biết có bao nhiêu giáo sư và tiến sĩ VN có thể viết 1 đề cương nghiên cứu của sinh viên PhD mà được 1 trường đai học của Úc chấp nhận ngay từ lần đầu tiên. Cá nhân tôi nghỉ là không quá 5%. (Nếu giả thuyết của tôi là đúng thì chính sách kéo dài tuổi làm việc của giáo sư có thể là 1 sai lầm và làm chậm quá trình phát triển giáo dục VN!!!)
Tôi nghĩ là để VN phát triển thì cần phải thay đổi lại quan niệm về GS và TS. Vì xã hội chúng ta đặt GS và tiến sĩ là đỉnh cao trí tuệ loài người và quá trọng tước vị hơn là khả năng thực lựcdo vậy tìm 1 thứ, bộ trưởng không có tước hiệu GS và TS hiện nay là hơi bị khó đấy. Là bộ trưởng hay thứ trưởng thì cần năng lực quản lí và lãnh đạo chứ đâu cần kỹ năng nghiên cứu và giảng dạy đại học!
Cũng vì danh mà 1 số người lúc nào cũng kèm theo cả chức danh Viện sĩ. Theo tôi hiểu, viện sĩ của ta chỉ là membership của 1 hội chuyên môn nào đó. Có đóng tiền fee là có luôn membership. SV có thể được giảm giá fee. Có người nói là riêng ở Nga (hoặc LX cũ) thì viện sĩ thực sụ là cao quí. Tôi không học ở LX nên cũng không chắc lắm. Cao quí là vì nó gắn liền với quyền lực thôi.
Tôi thì nghĩ là vì quan điểm xã hội và chính sách cán bộ chúng ta quá đề cao giá trị danh vọng của bằng cấp. Cũng vì bằng cấp này là con đường tới tiền bạc do vậy người ta xem TS và GS như 1 hình thức đầu tư kiếm lời hơn là học thuật để phát triển. Có lẽ chỉ có VN mới có sự trọng vọng bằng cấp thái quá như thế này và cũng không biết có thây đổi được điều này trong bối cảnh chính trị xã hội này không.
Cần phải thay đổi tư duy này thì mới phát triển được.
laotam
30-06-2010, 02:04 AM
Cảm ơn tác giả bài báo. Tôi là người dân bình thường nhưng chỉ thấy như sau
1.Việt Nam ta có rất nhiều Tiến sĩ, rất nhiều viện nghiên cứu, rất nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học từ TW, Bộ, Hội và cả Đảng bộ của tỉnh, thành phố nữa. Ngặt một nỗi, nước ta cứ mãi nghèo, làm cái gì cũng thấy sai, cũng thấy sửa mãi. Làm con đường thì mãi không xong, làm xong thì toàn là đường đắt nhất hành tinh. Nông dân nghìn đời nay vẫn chỉ đạt năng suất lao động bằng 14% so với người Singapore. Chúng ta hô hào hiện đại hóa, công nghiệp hóa mà đến giờ từ cái máy phun thuốc sâu cơ học - nhọc nhằn cũng vẫn "Made in China". Không biết đến bao giờ thì ta sẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tôi tin chắc rằng đến lúc đó (2020) ta sẽ có sáng tạo là CNH-HĐH theo tiêu chuẩn Việt Nam.
2.Ở ta cái chứng háo danh nó nặng quá, lên truyền hình thấy toàn tiến sĩ, nhưng nghe trả lời thì chán không chịu nổi, háo danh, sĩ hão thì không thua nước nào. Một cuộc truyền hình trực tiếp, cái ông MC gì đó giới thiệu hàng lô chức danh, hàng lô các đồng chí đến dự. Tôi được biết, phí quảng cáo trên truyền hình là rất cao cỡ vài trăm triệu cho 1-2 phút, vậy mà họ không biết lãng phí là gì, mà họ phải nghĩ người nghe có muốn nghe họ "bêu" tên các vị ấy lên lắm như vậy không chứ. Rồi các cô MC truyền hình khi phỏng vấn thì cứ nói mãi một câu, tôi ví dụ là cô Kim Ngân khi phỏng vấn một vị là GS-TS-Bác sỹ, cứ đọc mãi "Thưa GS, TS, BS ..." mà cô ấy không thấy mệt à.
3.Cuối cùng chỉ dân thường thì là khổ, suốt ngày được đem ra làm ví dụ cho các cái đề tài, nghiên cứu không giống ai của các ông tiến sĩ ấy. Từ chuyện cấm xe máy, đèn xanh đèn đỏ, bịt ngã tư, bảo hiểm y tế phải chứng minh không vi phạm luật giao thông,... nhiều lắm không kể siết.
Có thể nói chưa có đất nước nào lại sình thành tích như VN, trong đó sính các danh hiệu, kể cả học hàm, học vị!
Có lẽ vì thiếu cái gì thì sính cái đó? Ví như thiếu căn nhà lầu thì mơ có nhà lầu để cho oách cùng thiện hạ, mơ chiếc xe tay ga, mơ trở thành nhà kinh doanh bất động sản...Và dĩ nhiên, mơ làm quan chức là cái mơ lớn hơn cả, nhiều hơn cả vì thực tế hiện nay chẳng có mấy ai làm quan mà chịu cảnh nghèo.
Và cứ như đùa, người VN đua nhau chạy bán sống bán chết cho có mảnh bằng. Một người thi cao học (cũng chẳng hiểu để làm gì vì trình độ chuyên môn cũng như ứng xử hàng ngày của người ấy đã thể hiện ra hết, ai cũng cảm nhận nền tảng văn hóa của họ đứng ở đâu), không biết một chữ tiếng Anh, vậy mà trong vòng một năm đã lo xong tới bằng C để có thể ung dung học cao học!
Nhiều người văn hóa nền chẳng mấy, bỗng dưng một ngày kia khoe ra bằng cử nhân, thạc sĩ kinh tế, chính trị, báo chí, văn hóa...
Có người nhận xét họ có bằng vì họ đã kiên nhẫn hơn những người tự trọng khác là dũng cảm đăng ký đi học đại học, cao học; có tiền để chung chi..., chẳng thế mà một anh già kia đang làm cái chân chạy hàng ở một công ty, công ty thua lỗ giải thể, vậy mà loáng một cái anh ấy đã có bằng thạc sĩ rồi ra đi dạy ở một trường đại học dân lập!
Cũng đâu cần có công trình nghiên cứu nào, mà các công trình nghiên cứu chuyên đề cá nhân hay tập thể tỉnh nào cũng có, trường nào cũng có, cứ có công trình là họ móc được tiền của Nhà nước sau khi "bùa phép" để nghiệm thu với một vài "phản biện" lấy lệ. Và rồi những công trình đó cất ngay vào tủ đựng hồ sơ cho đến muôn đời vì có đưa ra áp dụng cũng không có cơ sở, không có thực tiễn vì đâu có thời gian tìm tòi các cứ liệu, so sánh, đối chứng; phản biện; đề xuất...
Đây chính là hậu quả của một chính sách "khuyến học", "khuyến tài" đầy khập khễnh ở các cơ quan Nhà nước rất lãng phí và kém hiệu quả. Một người nước ngoài sau quá trình đến VN làm việc và đụng vào các thủ tục hành chính đã thốt lên : VN không có người chuyên nghiệp để làm việc mình cho tốt, cho thạo, làm một cách tập trung vì công vụ; nhưng lại có đầy rẫy những ông, bà thạc sĩ, tiến sĩ mà đi đến đâu tôi cũng được giới thiệu!
Đọc xong bài viết trên cho chúng ta sáng tỏ ra nhiều điều. ở nước ngoài người ta chỉ cần tiến sỹ để làm nghiên cứu thôi, chứ ở ta làm hành chính cũng đi học tiến sỹ ầm ầm, vừa tốn tiền vừa tốn thời gian. thời gian ấy tốt nhất học tiếng anh, để có thể đọc tài liệu nước ngoài, và khi ra nước ngoài công tác thì ko cần phiên dịch, đỡ tốn tiền ngân sách.
Đến nước phát mà lương tiến sỹ cũng chỉ 1800 euro, bằng lương nhân viên quét rác. vậy mà các trường đại học của ta đang kêu trời đòi nhà nước trả lương 1000 usd/1 tháng. trong khi đó là thu nhập trung bình cả năm của dân VN. có nước nào trả lương giáo viên 1 tháng bằng thu nhập trung bình cả năm của người dân không? Rồi còn bày đặt ko thể xóa hệ đào tạo tại chức vì đó là "nồi cơm" của các thầy, cô? Thực tế những nơi này là nơi các quan chức ( hoặc chí ít là con cháu quan chức) thực hiện mục tiêu trèo cao, đào sâu ( thực tế cho thấy con em các vị này chỉ học tại chức nhưng vẫn vào làm công chức, trong khi sinh viên ra trường không có việc làm vì họ nói là hết chỉ tiêu?)
Cám ơn tác giả bài viết đã xới lên những tranh luận về chủ đề này, một góc nhìn rất hay và thực tế.
Đề nghị Bộ GD - ĐT xem lại mục tiêu đào tạo 23.000 tiến sỹ cho 10 năm tới.
Bài báo rất hay, cung cấp nhiều thông tin đa chiều để có sự nhìn nhận đúng nghĩa và thực tế về "Tiến sỹ". Tôi đang là Thạc sỹ và tôi cũng đã từng "ngỡ ngàn" khi đọc những luận án tiến sỹ của các trường ĐH trong nước, và tôi lại tự hỏi "TS là vậy sao", Sau khi đọc bài này thì đã có câu trả lời, Thạc sỹ, TS chỉ là học cách làm nghiên cứu, chứ không có gì quá to tát, từ cách làm nghiên cứu , đến một kết quả khoa học và cả một sự khác biệt. Nhưng rõ ràng XH, cách giáo dục của chúng ta đã làm cho tôi và cả chính bạn nhiều lúc "từng tự hào" về thành tích, về bằng cấp của chính mình. XH, truyền thông cũng đừng quá tung hô kiểu như là : anh X nhận học tổng TS vài trường ĐH hay anh X lấy bằng TS rất trẻ..., hãy để những giá trị của giáo dục đúng với vị trí của nó. và các bạn trẻ cũng đừng vội và hạn chế tự hào, để đến khi như tôi như anh Thành Trung lại phải nói "Từng tự hào".
trung_cadan
30-06-2010, 03:26 AM
Chuyển sang phần : Thông tin từ những trang khác chủ topic nhé !!!
laotam
30-06-2010, 12:08 PM
Tản mạn về mảnh bằng Ph.D
Tản mạn về mảnh bằng Ph.D (http://www.cse.buffalo.edu/~hungngo/Vietnamese/phd.html)
Những năm gần đây có khá nhiều sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ và nhiều nước khác, bằng nhiều con đường khác nhau. Người có học bổng, chức trợ giảng (teaching assistant - TA), hoặc trợ nghiên cứu (research assistant - RA), người thì du học tự túc. Tôi không nhớ chính xác là đã đọc ở đâu đó rằng có hơn nghìn du học sinh mỗi năm sang Mỹ. Nhiều người trong số họ theo học tiến sĩ (Ph.D).
Thông tin về làm thế nào để xin học bổng, TA, RA, xin thư giới thiệu, cách viết dự định cá nhân (personal statement), vân vân đầy rẫy trên các mailing lists trên Internet.
Thế nhưng, một số câu hỏi quan trọng mà tôi ít thấy sinh viên hỏi là: "tại sao lại học Ph.D?", "có đáng bỏ thời gian học Ph.D hay không?", "làm thế nào để đánh giá mảnh bằng Ph.D?", "tôi có đủ khả năng để học Ph.D hay không?", "học Ph.D xong rồi làm gì?", vân vân.
Có lẽ ta cần một luận án ... Ph.D để trả lời phần nào thỏa đáng các câu hỏi trên. Cũng có lẽ có ai đó trong các ngành giáo dục hay tâm lý học đã làm rồi. Về mặt kinh tế thì một người bạn cho tôi biết đã có cả mớ công trình nghiên cứu về “cái giá của giáo dục” (returns to education).
Trong bài viết này, tôi thử lạm bàn lan man xung quanh các câu hỏi trên. Bài viết hoàn toàn không mang tính hàn lâm (academic), nghĩa là sẽ không có các con số thống kê, bảng phân tích, để ủng hộ một (vài) luận điểm nào đó. Sẽ không có tham khảo đến các nguồn thông tin tín cẩn và các thứ tương tự. Tác giả chỉ dựa trên các kinh nghiệm, quan sát, và suy nghĩ cá nhân, sau gần chục năm học và "hành nghề" Ph.D ở Mỹ.
Tôi chắc là một cá nhân khác trong hoàn cảnh của tôi sẽ có không ít ý kiến bất đồng. Tôi cũng không có tham vọng nói hết được những cóp nhặt kinh nghiệm của mình. Ngoài ra, tôi sẽ nhấn mạnh nhiều hơn mặt trái của việc học Ph.D.
Ðiều tôi hy vọng là qua bài viết này, tôi có thể giúp cho các sinh viên (cùng gia đình) sẽ và đang học Ph.D ít nhiều chuẩn bị tinh thần cho đoạn đường chông gai nhưng thú vị này; hy vọng chỉ ra được một góc nhìn khác về Ph.D so với quan niệm chung của xã hội.
1. Ph.D là gì ?
Trước hết ta hãy thử bàn về mảnh bằng Ph.D từ cái nhìn hàn lâm. Ph.D là viết tắt của chữ Doctor of Philosophy. Học bậc Ph.D, cao nhất trong các học bậc, đầu tiên xuất hiện ở Ðức, sau đó được Mỹ và nhiều nước phương tây khác sử dụng. Bằng Ph.D đầu tiên của Mỹ xuất hiện khoảng cuối thế kỷ 19. (Ơ Y' cho đến những năm 1980 mới có bằng Ph.D.)
Từ Ph.D có gốc latin là Philosophiae Doctor. Chữ doctor nghĩa là "thầy" (teacher), và "chuyên gia", "chức trách" (authority). Chữ philosophy (triết học) có nguồn gốc từ thời trung cổ (medieval) ở Châu Ảu, khi mà các trường đại học có bốn chuyên khoa (faculty) chính: thần học (theology), luật học (law), y học (medicine), và triết học (philosophy). Philosophy ở đây dùng để chỉ các ngành học không dẫn đến một nghề nghiệp thực tế nhất định của thời đó như người của nhà thờ, luật sư, và bác sĩ.
Ðến nay thì không phải Ph.D nào cũng liên quan đến philosophy, cho dù lấy theo nghĩa bóng nhất của từ này. Tuy nhiên chữ doctor vẫn mang đầy đủ ý nghĩa của nó. Ở phương Tây, trong nghi thức giao tiếp người ta gọi một người có bằng Ph.D là doctor. Hầu hết các trường đại học đều đòi hỏi toàn bộ giảng viên và các giáo sư có bằng Ph.D. Ða số các nhà nghiên cứu ở các phòng nghiên cứu chuyên nghiệp đều có bằng Ph.D.
Tuy vậy, điều ngược lại không đúng: không phải tất cả các Ph.D đều có thể làm giảng viên, giáo sư, hay nghiên cứu viên. Có những Ph.D thậm chí chẳng bằng một kỹ sư thông thường. Cũng có khá nhiều Ph.D, sau khi "hành nghề" một thời gian thì lên chức, hoặc chuyển sang làm salesman hoặc làm quản lý, vân vân. Ta sẽ quay lại đề tài này sau.
Cái nhìn hiện đại của Ph.D như sau. Ðể hoàn tất Ph.D, sinh viên phải đạt được hai mục tiêu chính: (a) hoàn toàn tinh thông một ngành (hoặc phân ngành) nào đó, và (b) góp phần mở rộng khối kiến thức của nhân loại về ngành đó.
Mục tiêu (b) là cái lõi để phân biệt bậc Ph.D với các bậc học khác. Ph.D không phải là cái bằng "nhai lại": đọc nhiều, thi lấy điểm cao là xong. Một Ph.D đúng nghĩa phải có một vài công trình và ý tưởng nghiên cứu của riêng mình (originality).
Về mặt lý thuyết thì là thế. Thực tế ra sao?
2. "Nghề" Ph.D: đoạn trường cũng lắm chông gai
Ở Mỹ, là sinh viên sau đại học (graduate student) cũng là một nghề. (Tôi không dùng từ "nghiên cứu sinh" vì không phải graduate student nào cũng làm nghiên cứu thực thụ, nhất là các sinh viên đang học thạc sĩ.) Các graduate students thường làm TA hoặc RA, với mức lương khoảng 900USD đến 1200USD một tháng (sau thuế), tiền học được bao. Sống tằn tiện thì mức lương này vừa đủ một người sống. Thường thì các gradudate students sống chui rúc trong một căn hộ nhỏ bé nào đó (dĩ nhiên là có ngoại lệ, đa phần do may mắn), hầu hết thời gian dùng ở các phòng lab (phòng thí nghiệm hoặc phòng máy tính) và thư viện. Tối về đến nhà là lăn ra ngủ để rồi sáng mài mèo con lại hớn hở bút chì bánh mì lên đường.
Kể chuyện cuộc sống gradudate students thì có lẽ cần một tiểu thuyết vài trăm trang. Ðiều tôi muốn đề cập là: trong hoàn cảnh làm việc căng thẳng như vậy, một sinh viên thông thường thỉnh thoảng sẽ phải tự đặt câu hỏi "có đáng không?" Nhất là khi công việc học tập và nghiên cứu không trôi chảy. Mà kể cả khi nó hoàn toàn trôi chảy, tính về các mặt kinh tế, tinh thần, thời gian, và ... philosophy, câu hỏi trên vẫn hoàn toàn hợp lệ.
Về mặt kinh tế thì lương trung bình của Ph.D ra trường có nhỉnh hơn thạc sĩ (M.S) và bậc đại học (B.S) một chút, nhưng sự khác biệt này không khỏa lấp được lỗ lã cho thu nhập đã mất trong khoảng thời gian làm Ph.D: trung bình từ 4 đến 5 năm. Tính tổng số USD kiếm được cho mỗi giờ học tập thì Ph.D là hạng bét (tính tương đối theo từng ngành học).
Về mặt tinh thần thì làm việc căng thẳng và cật lực trong một thời gian dài trong một môi trường cạnh tranh tương đối công bằng nhưng khắc nghiệt (!) hoàn toàn có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý cá nhân. Ðiều này đặc biệt đúng với sinh viên du học: thiếu thốn các nhu cầu văn hóa và tinh thần cơ bản của quê hương, cơ hội tìm bạn tình hoặc bạn đời bị giảm thiểu (với phái nam), vân vân. Không phải hiếm mà người ta hay thấy bọn Ph.D hơi ... gàn gàn. Công bằng mà nói, gradudate students do thiếu thốn văn hóa hay tìm cách nghiên cứu học hỏi thêm cái này cái khác ngoài ngành của mình (nhạc, thơ, lịch sử, chính trị, triết học, ...), cho nên bọn gàn cũng có thể rất đa tài. Ở Mỹ thì địa vị xã hội của một Ph.D cũng chẳng hơn gì các nghành nghề khác là mấy.
Yếu tố tinh thần này rất quan trọng. Có không ít các gradudate students cần đến 8, 9 năm mới làm xong Ph.D. Nhiều năm trời "ở mãi kinh kỳ với bút nghiên", ngoảnh đi ngoảnh lại chưa làm được gì ra hồn mà đã ngoài 30. Khi thị trường việc cho Ph.D bị thuyên giảm thì người ta rơi vào cái vực muôn thuở: "về hay ở", "về thì đâm đầu vào đâu?". Nhiều năm làm việc với mức lương vừa đủ sống, các Ph.D mới ra trường hoàn toàn không dành giụm được gì, chưa nói đến việc nợ thẻ tín dụng kha khá. Dù các nhà chức trách đã có kế hoạch đãi ngộ nhân tài, chế độ này vẫn còn xa rời thực tế. Ðầu tư tinh thần và thời gian của một Ph.D quá nhiều để có thể hài lòng với một công việc một vài triệu đồng một tháng. Họ sẽ phải tự hỏi: nếu xưa mình không đi học thì bây giờ cũng có thể đã phây phây lương vài triệu một tháng? Vậy cả chục năm trời bỏ ra công cốc à? Tôi đã nhập nhằng yếu tố tinh thần và kinh tế, nhưng đôi khi ta không tách rời chúng được.
Một khía cạnh khác của yếu tố tinh thần là sức ép của gia đình và người thân. "Người ta 4 năm đã xong Ph.D, vợ con nhà cửa đàng hoàng, bọn không Ph.D thì cũng giám đốc với trưởng phòng, xây nhà to cửa rộng cho bố cho mẹ; còn mày bây giờ ngoài 30 mà vẫn cứ lông bông tay trắng. Ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng".
Về mặt triết học mà nói thì có đáng học Ph.D không? Câu hỏi này phụ thuộc rất nhiều vào bản thân sinh viên: đi học Ph.D để làm gì? Ta sẽ quay lại điểm này trong phần tới.
Bây giờ hãy giả dụ cô/anh Ph.D yêu dấu của ta tìm được một công việc ổn định ở nước ngoài, quyết định ở lại tích lũy tư bản giúp gia đình và tích lũy kinh nghiệm để sau này, cách này hay cách khác, (về) giúp quê hương. Có hai nhánh công việc chính cho một Ph.D mới ra trường: (a) làm việc ở một phòng nghiên cứu chuyên nghiệp nào đó, và (b) một chân giảng viên hoặc giáo sư ở một trường đại học.
(Hai công việc này có thể chỉ có được sau một vài năm làm postdoc nữa . Ta hãy cứ gộp luôn postdoc vào tổng thời gian cho tiện, mặc dù lương postdoc khá hơn lương gradudate students.)
Lương bổng và giá trị của vị trí mới phụ thuộc hoàn toàn vào việc người ta đánh giá Ph.D như thế nào. Tôi sẽ bàn về việc này trước. Tôi cũng có ý nói lan man vềđề tài "định trị Ph.D" sau khi đọc một bản tin ở VNExpress thấy trong nước người ta có nói về đánh giá Ph.D loại "giỏi, khá, trung bình" (sau một buổi họp nào đó). Phạm vi "định trị Ph.D" của tôi chủ yếu áp dụng cho các nghành kỹ thuật và khoa học tự nhiên như điện, điện tử, khoa học máy tính, toán, lý, ...
Khi xưa thì giá trị của một Ph.D mới ra trường tùy thuộc vào giá trị công trình nghiên cứu trong luận văn tốt nghiệp. Sau khi ra trường thì doctor mới sẽ phát triển công trình này thành một vài bài báo đăng ở các tạp chí (journals) và hội nghị (conference) chuyên ngành. Các bài báo này đều được phê bình (reviewed) bởi các chuyên gia đã trưởng thành trong cùng ngành. Các bài báo không đóng góp gì nhiều hoặc vớ vẩn sẽ không được nhận đăng.
Hiện nay thì áp lực đăng báo (publication) của graduate students khi còn đang học lớn hơn gấp bội. Một công việc kha khá ở một trường đại học hay phòng nghiên cứu danh tiếng thường nhận doctor mới với hơn chục bài báo. Trung bình một giáo sư trẻ mới ra trường trong ngành khoa học máy tính có đến khoảng 3-5 journal papers và cả chục conference papers.
Dĩ nhiên số lượng là thứ yếu, chất lượng mới quan trọng. Một công trình chất lượng cao sẽ được nhiều người biết đến rất sớm, và có thể nói không ngoa là nó quan trọng hơn cả trăm bài báo dạng ... "bổ củi". (Bổ củi là tính từ dân gian trong giới khoa học Việt Nam để chỉ các bài báo thường thường bậc trung, ai làm mãi rồi cũng xong.)
Ðối với Ph.D ở Mỹ thì điểm học trung bình khi học Ph.D hầu như không mang ý nghĩa gì cả, ngoại trừ điểm tối thiểu để có thể được tiếp tục học, khoảng chừng 3.3 đến 3.5 trên 4.0, tùy theo trường. Số lượng và chất lượng các bài báo và các công trình nghiên cứu khác (một ứng dụng máy tính chẳng hạn) mới là tiêu chí đánh giá Ph.D. Không có chuyện người ta xếp loại Ph.D trung bình, yếu, giỏi, khá, vân vân. Lý do chính là: làm chuyện này hầu như là vô vọng. Ai có đủ thẩm quyền và thời gian để đánh giá. Kể cả giáo sư hướng dẫn chưa chắc đã biết hết về phân ngành mà sinh viên của mình làm, huống gì người ngoài. Có rất nhiều công trình đăng báo vài năm hoặc vài chục năm sau người ta mới thấy hết giá trị của nó. Cũng có cả tỉ công trình lúc mới đăng thì ai cũng xúm vào khen, nhưng vài năm sau thì lặng tăm.
Dĩ nhiên có khá nhiều các công trình mà người trong ngành đọc biết ngay là "dỏm" hay "xịn". Nhưng vấn đề chính là không ai có thời gian xếp loại và định trị Ph.D. Ở Mỹ, kinh tế thị trường tương đối công bằng. Ph.D giỏi sẽ được đồng nghiệp biết đến, tìm được việc ở các trường đại học và phòng nghiên cứu danh tiếng, vân vân. Cũng có thể có Ph.D giỏi không tìm được việc, hoặc Ph.D dỏm "lọt lưới" cung cầu. Các trường hợp này đều là ngoại lệ hiếm hoi.
Lại nói thêm về đăng báo. Ta hãy nhớ mục tiêu (b) của Ph.D: đóng góp vào khối kiến thức của nhân loại. Ph.D mà không có bài báo nào thì có 10 Ph.D cũng hoàn vô nghĩa, theo nghĩa tinh khiết nhất của chữ Ph.D. Chí ít, Ph.D phải chia xẻ các thu lượm và nghiên cứu của mình với đồng nghiệp ở một vài hội nghị và journal danh tiếng nào đó.
Các nhà xuất bản khoa học ở phương Tây cũng làm kinh tế. Có rất nhiều các hội nghị và journals hạng bét, bài vớ va vớ vẩn cũng đăng vào được. Chỉ có người trong ngành mới biết được hội nghị và journal nào có uy tín. Mà kể cả ở các nơi có uy tín này ta vẫn có thể tìm thấy các bài báo tồi.
Tóm lại, công việc "định trị Ph.D" hoàn toàn không đơn giản chút nào. Áp lực phải đăng báo đè rất nặng lên vai các gradudate students. Ngược lại, cảm giác công trình của mình được đồng nghiệp công nhận và đánh giá cao cũng rất tuyệt vời!
Trong 5, 6 năm đầu sau khi ra trường, bất kể công việc là giáo sư hay nghiên cứu viên, áp lực viết báo và xin tiền làm nghiên cứu còn nặng hơn khi còn là sinh viên nữa.
(Ở đây ta loại trừ các trường hợp người ta chỉ muốn có Ph.D để theo đuổi nghề giảng viên (lecturer) nào đó. Có lẽ phải khẳng định rằng mục tiêu này cũng cao quí như các mục tiêu "cạnh tranh khắc nghiệt" khác.)
Nếu Ph.D trẻ không khẳng định được mình trong 5, 6 năm đầu tiên này thì thường là sẽ không giữ được công việc của mình. Có lẽ bạn đọc cũng có thể tưởng tượng được áp lực này nặng như thế nào. Các bài báo đều là các công trình sáng tạo mà trước đó chưa có ai làm, chưa có ai nghĩ ra (chí ít là về nguyên tắc). Làm thế nào mà ai đó có thể đảm bảo một năng suất sáng tạo nhất định trong một thời gian dài như vậy? Có đáng bỏ ngần ấy thời gian và công sức cho một mục tiêu mà phần thưởng về cả kinh tế, tinh thần, triết học, sức khỏe đều khá mập mờ?
3. Tại sao lại học Ph.D? Có nên học Ph.D không?
Ta thử ghi ra đây một phần nhỏ các lý do:
a) Bạn bè đều đi nước ngoài học sau đại học.
b) Ðược xã hội nể trọng, oách ra phết.
c) Ðể học được kiến thức tiên tiến.
d) Không rõ lắm. Từ bé học đã giỏi, thì cứ tiếp tục học.
e) Có lẽ là con đường duy nhất để cải thiện đời sống gia đình và cá nhân.
f) Ðể mở tầm mắt ra những chân trời mới.
g) Ðể sau này về làm giáo sư đại học.
h) Ðể được làm nghiên cứu khoa học.
i) Ðể thay đổi thế giới quan.
......
z) Tất cả các lý do trên.
Và z phẩy) Không làm Ph.D thì làm gì?
Ðối với đa số gradudate students và graduate-students-tương-lai thì câu trả lời là một tập con khá lớn của vài tá câu trả lời mà ai cũng có thể nghĩ ra.
Ta hãy thử phân tích vài chọn lựa quan trọng nhất.
Làm Ph.D để mở mang kiến thức. Ðây là một mục tiêu rất quan trọng và mang tính cá nhân. Mark Twain từng nói: "đừng để trường lớp cản trở con đường giáo dục của bạn" (Don't let school get in the way of your education). Trường lớp không phải là con đường duy nhất đến Rome của tri thức. Tuy vậy, trong hoàn cảnh lạc hậu của một nước thế giới thứ ba như Việt Nam ta, thì ra nước ngoài học thêm là con đường hữu lý.
Câu hỏi chính mà ta nên đặt ra là chỉ nên học M.S thôi, hay là học cả Ph.D. Chỉ về kiến thức mà nói, thì hai năm M.S cũng đủ cho một sinh viên thông minh sau đó tự học. Làm Ph.D cũng đa phần là tự học thôi.
Làm Ph.D để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, được xã hội nể trọng hơn; vì bạn bè ai cũng học Ph.D; có bằng Ph.D rất oách; từ bé đã học giỏi thì cứ tiếp tục học; vân vân.
Một Ph.D thực thụ sẽ cho bạn biết rằng các lý do loại này đều là sai lầm to lớn! Tôi hoàn toàn không có ý định "giảng đạo" về chọn lựa cá nhân của ai. Tôi cũng không nói động cơ "hám bằng cấp" hay "oai oách" là sai trái. Ðó là chọn lựa của từng cá nhân. Ðiểm tôi muốn nói là các động cơ loại này sẽ không thể giúp sinh viên hoàn thành tốt việc học Ph.D. Việc hay so sánh mình với bạn bè và người khác sẽ tạo nên áp lực tinh thần không thể chịu nổi trong khi học. Yêu thích "tiếng tăm" cũng vậy. "Học giỏi", theo nghĩa ở ta, là thi thố điểm cao và "nhai lại" những gì được dạy, cho nên học giỏi chưa chắc đã liên quan mấy đến khả năng sáng tạo - khả năng sống còn của Ph.D.
Từ khóa dẫn đến thành công của sinh viên Ph.D phải là “đam mê". Ðam mê học hỏi và sáng tạo trong một phân ngành nhất định! Trừ những người thật sự xuất chúng thì đa số chúng ta sẽ không thể làm thành công Ph.D ở một ngành nào đó chỉ vì "xã hội cần nó", hay "nó kiếm ra tiền".
Nếu chỉ đam mê học hỏi không thôi thì cũng không đáng bỏ ra ngần ấy thời gian để làm Ph.D. Ta hoàn toàn có thể làm M.S rồi tự đọc, tự học thêm.
Tất cả các thành quả như chức vụ, danh tiếng, oai oách, vân vân đều phải, và nên, là sản phẩm phụ của quá trình theo đuổi nỗi đam mê sáng tạo và mở mang tri thức này.
Ðấy là nói về "động lực" học Ph.D. Thế còn "khả năng" thì sao? Quá trình học Ph.D lên xuống như hình sin. Sẽ có bao nhiêu trở ngại kinh tế, tinh thần phải vượt qua. Một trong những trở ngại lớn nhất là: sau một vài thất bại trong nghiên cứu, các sinh viên sẽ phải tự hỏi "ta có đủ khả năng làm Ph.D không nhỉ?"
Ðam mê và khả năng tạo thành cái vòng luẩn quẩn. Ta có xu hướng đam mê cái mà ta giỏi, và ta thường xuất sắc ở công việc mà ta đam mê. Nhảy vào được cái vòng này là hành trình cá nhân. Có lẽ không ai trả lời thay ta được.
4. Phụ huynh: xin đừng gây áp lực tâm lý
Không ít các bậc phụ huynh mà tôi được dịp quan sát đặt rất nhiều kỳ vọng vào con em mình về con đường hàn lâm. Họ đầu tư tiền bạc và thời gian, nuôi niềm hy vọng ngày nào đó sẽ có một "trạng nguyên" vinh quy bái tổ, nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng và bè bạn. Chuyện này có ở tất cả các học bậc, không riêng gì Ph.D. Tuy vậy, áp lực ở Ph.D lớn hơn khá nhiều vì graduate students sẽ phải cạnh tranh với các sinh viên xuất sắc trên toàn thế giới.
Tôn trọng tri thức và học tập là điều tốt, và bằng cấp là một thước đo tương đối chính xác của tri thức. Nhưng nó không phải là thước đo duy nhất. Ðó là chưa nói đến các câu hỏi như: đạt được tri thức loại gì thì mới được coi là "thành nhân"? Khó mà có thể đo lường xem một Ph.D và một anh đạp xích lô ai có "đóng góp" nhiều hơn cho xã hội, hay ai "hạnh phúc" hơn ai, theo bất kỳ nghĩa nào của các từ này. Có một ranh giới rất bé giữa "tôn trọng tri thức" và "hám bằng cấp".
Hy vọng tôi đã hay sẽ thuyết phục được bạn rằng Ph.D cũng thượng vàng hạ cám. Một Ph.D về khoa học máy tính chẳng hạn, nếu làm nghiên cứu về một phân ngành chẳng ai quan tâm, đăng vài bài báo ở các chỗ linh tinh, thì sẽ từ từ xa rời dòng chảy chính của tri thức nhân loại. Có không ít Ph.D về khoa học máy tính lập trình không ra hồn, thua hẳn một kỹ sư thông thường, chính là vì lý do này.
Tôi lại triết lý 3-xu rồi. Ðiều tôi muốn nói là niềm "hy vọng" của các bậc phụ huynh tạo áp lực cực lớn ảnh hưởng đến kết quả học tập và nghiên cứu của sinh viên. Trong khi chọn lựa nghề nghiệp tương lai đáng lẽ nên là chọn lựa cá nhân!
5. Ðạt được Ph.D chỉ là bước đầu
Còn khá nhiều điểm khác tôi muốn nói, nhưng bài đã dài. Lấy Ph.D chỉ là bước đầu rất nhỏ của một nghề nghiệp, cũng như bao nhiều nghề nghiệp khác. Có Ph.D có thể đồng nghĩa với những phần thưởng đáng quí về kinh tế và tinh thần về cả mặt xã hội lẫn cá nhân, nhưng bù lại cái giá phải trả về mọi mặt cũng cao không kém. "Nghề" Ph.D chẳng cao quí hơn nhiều nghề khác, mà thời gian và công sức bỏ ra lại nhiều hơn khá nhiều.
Cuộc sống và các chọn lựa cá nhân lẽ dĩ nhiên là phức tạp. Tôi hy vọng qua bài viết này các bạn trẻ có thể có một cái nhìn và suy nghĩ cẩn trọng hơn trước khi theo đuổi "con đường đau khổ" này. Ta không thể theo nó chỉ vì các ảo tưởng danh tiếng, bằng cấp và tiền bạc. Ðầu tư như vậy không có lãi!
Một trong những điều kiện cần cho nghề này là khả năng theo đuổi nỗi đam mê nghiên cứu và sáng tạo trong một thời gian dài. Bằng Ph.D chỉ là một bước cỏn con trong hành trình chông gai nhưng thú vị này. Nó hoàn toàn không phải là con đường duy nhất.
Thứ bảy, 29 tháng 11, 2003.
NQH ( Hung Q. Ngo's Homepage (http://www.cse.buffalo.edu/~hungngo/) )
laotam
30-06-2010, 10:07 PM
'Ô hay, Giám đốc Sở hỏi mới kỳ...'
- Tại sao lãnh đạo Sở GD-ĐT hỏi mà không đọc kỹ các thông tư, quy chế ...do Bộ GD-ĐT đã ban hành?
VietNamNet (http://vietnamnet.vn/giaoduc/diendan/201006/O-hay-Giam-doc-So-hoi-moi-ky-919252/)
Sau hội nghị giao ban lần thứ hai năm học 2009 - 2010, Bộ GD-ĐT đã trả lời 36 ý kiến, kiến nghị của các Sở GD-ĐT. Khi đọc 36 câu hỏi của vùng và 36 câu trả lời thì có những điều sao kỳ quá!
Dường như các lãnh đạo không chịu đọc, không chịu theo dõi các Thông tư, Quy chế , thông báo ... của Bộ GD-ĐT đã ban hành nên câu hỏi đặt ra đã “bị thừa”, vì đã có câu trả lời.
Xin dẫn ra đây một số ví dụ:
Vùng 5 hỏi: Đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27/10/2009 của Bộ GDĐT ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.
Bộ trả lời: Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 777/BGDĐT-GDTH ngày 11 tháng 2 năm 2010 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.
Vùng 5 hỏi: Đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét Thông tư số 16/TT/LB ngày 23/8/1995 của liên bộ Bộ GD ĐT và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chế độ đối với giáo viên được điều động làm nhiệm vụ thanh tra giáo dục và sớm có văn bản thay thế để tạo điều kiện cho công tác thanh tra đạt hiệu quả.
Bộ trả lời: Ngày 21 tháng 10 năm 2009, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 28/2009/TT – BGD-ĐT quy đinh về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông trong đó có hướng dẫn việc quy đổi ra giờ dạy đối với nhiệm vụ thanh tra chuyên môn của giáo viên phổ thông.
Vùng 5 hỏi: Bộ có hướng dẫn sớm về các mẫu báo cáo (sơ kết học kì, tổng kết năm học…) để các địa phương đảm bảo kịp thời các yêu cầu.
Bộ trả lời: Hàng năm, văn phòng Bộ đều có hướng dẫn nội dung và các biểu mẫu báo cáo sơ kết học kỳ và tổng kết năm học.
Các biểu mẫu tổng hợp này đã được thống nhất với biểu mẫu thống kê của các Vụ: Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên. Văn phòng gửi dự thảo và xin ý kiến góp ý cho các mẫu báo cáo ở Hội nghị Chánh Văn phòng Sở GDĐT toàn quốc, vào khoảng tháng 4 hàng năm. Như vậy đã đảm bảo về mặt thời gian để các Sở lấy số liệu và nộp báo cáo tổng kết vào ngày 25/6.
Vùng 6 hỏi: Đề nghị điều chỉnh một số nội dung trong tài liệu hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học cho phù hợp với sách giáo khoa và phân phối chương trình (môn Toán cấp Tiểu học). Có hướng dẫn cụ thể thêm về dạy phần phát triển cho học sinh khá giỏi (môn Toán và Khoa học cấp Tiểu học). Tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy môn Tiếng Anh và Tin học ở Tiểu học (còn bất cập do bố trí giáo viên chưa nắm chắc phương pháp giảng dạy, tâm lý học lứa tuổi đối với học sinh cấp Tiểu học).
Bộ trả lời: Tháng 12 năm 2008, Tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học đã được Bộ GD-ĐT biên soạn và thẩm định. Như vậy, phân phối chương trình các môn học đã được hoàn thiện ở tài liệu này cho phù hợp với thực tiễn, trong đó có môn Toán. Cũng trong tài liệu này đã đề cập đến việc dạy học phân hóa và có yêu cầu với học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, vì đây là tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng nên không quá khai thác sâu với đối tượng này ở môn Toán, môn Khoa học.
Vùng 1 hỏi: Đề nghị sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26/02/2010 về Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia. Có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn (có mẫu) cho cấp tỉnh được phép in phôi bằng công nhận trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Bộ trả lời: Việc thực hiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được thực hiện theo Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26/02/2010 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/4/2010.
Để triển khai Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT, ngày 16/4/2010, Bộ GDĐT đã có Công văn số 2025/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn các Sở GDĐT đánh giá kết quả và các bài học kinh nghiệm công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010; Đồng thời xác định mục tiêu và các thuận lợi, khó khăn, các giải pháp đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2010-2020 trên cơ sở nội dung của Quy chế mới ban hành.
Hội nghị giao ban tổ chức theo vùng giáo dục, với sự tham gia của các lãnh đạo sở GD&ĐT của nhiều tỉnh, thành. Việc đặt những câu hỏi về những vấn đề đã có trong các Thông tư, Quy chế, thông báo ... do Bộ GD&ĐT đã ban hành như thế thì có đáng suy nghĩ và lo lắng về cách quản lý, sử dụng cán bộ và quy trình làm việc của các Sở GD-ĐT ở địa phương?
*
Trần Đình Tuấn (Trường THCS Lê Văn Tám, TP Phan Rang-TC, tỉnh Ninh Thuận)
,
laotam
01-07-2010, 12:15 PM
'Có bằng tiến sĩ, họ được quyết định số phận người khác..'
Cãi nhau loạn cả lên là đúng đấy vì ở nước ta họ coi tiến sỹ là chức vụ đấy. Nếu bạn đang giảng dạy ở trường đại học, bạn sẽ thấy chua chát về vấn đề này.
http://vietnamnet.vn/giaoduc/diendan/201007/Co-bang-tien-si-ho-duoc-quyet-dinh-so-phan-nguoi-khac-919377/
Có nhiều tiến sĩ (TS) không có năng lực làm việc nhưng vì có bằng TS mà họ được quyết định số phận người khác.
Họ được ngồi họp ở những vị trí quan trọng, mặc dù chuyên môn thì chán vô cùng tận. Khi có bằng TS, họ tiến nhanh lắm, vì có mác mà. Tôi mong Bộ GD - ĐT cần suy nghĩ lại cách quản lý, có thể coi nhẹ nhàng hơn việc đào tạo TS.
Ở các trường ĐH, có thể coi trọng kết quả đóng góp cho khoa học hơn là bằng cấp. Gần đây, quy chế của Bộ đưa ra tiêu chuẩn ngoại ngữ là vô cùng xác đáng cho các ThS và NCS.
Bộ cũng cần có những đặc cách bảo vệ TS với những công trình khoa học đóng góp thật vào cuộc sống chẳng hạn những công trình NC có bằng độc quyền sáng chế.
Chứ không để tình trạng làm TS chỉ để tiến thân, sau khi có bằng rồi là có thêm quyền để quyết định số phận người khác trong đào tạo.
Cũng cần coi nhẹ bằng TS đi một chút mà lấy tiêu chuẩn đóng góp cho KH làm thước đo giảng viên đại học.
TS nào trong 3 năm liền không viết được bài báo KH nào thì phải xem xét lại. PGS nào không viết bài báo, không tham gia đề tài KH cũng cần tước bỏ danh hiệu.
Những ai có đóng góp thực tài cho khoa học cần phong đặc cách. Như vậy theo tôi sẽ tránh được tình trạng coi TS là chức vụ.
Nguyễn Thành Hưng (Hà Nội)
'Lợi nhuận cơ quan phải chờ tiến sĩ dỏm hết nhiệm kỳ...'
Tôi có một người quen rất giỏi, nhưng không có bằng tiến sĩ. Kết quả là không được đề bạt. Trong khi một ông khác, có bằng tiến sỹ nhưng không thực tài. Kết quả ông tiến sĩ được lên chức. Điều gì đã xảy ra?
VietNamNet (http://vietnamnet.vn/giaoduc/diendan/201007/Loi-nhuan-co-quan-cho-tien-si-dom-het-nhiem-ky-919384/)
Sau 6 tháng nằm quyền, đám nhân viên khốn khổ, những đứa giỏi đi gần hết, còn lại toàn hội nịnh bợ.
Ông giỏi kia, dù là bạn ông tiến sĩ, cũng không chịu nổi (mà thực ra là bị tiến sĩ tìm đủ cách chèn ép) nên ra đi lập cơ ngơi riêng. Đến giờ, ông ấy rất khá.
Câu chuyện này không còn là hiếm, mà đã phổ biến trong xã hội. Ở một số cơ quan nhà nước, vẫn trọng bằng cấp, thay vì kiến thức thật của nhân sự.
Vấn đề đặt ra là, nếu ông giỏi kia đi mua một cái bằng dỏm, ông ấy có khả năng được đề bạt và có thể công ty dưới sự lãnh đạo của ông ấy sẽ lên như diều, nhân tài sẽ kéo về như kiến.
Nhưng nếu một ngày nào đó, câu chuyện vỡ lở, ông ấy sẽ bị chê bai tới số. Để tránh tình huống xấu nhất, ông ấy cần đi học và lấy bằng thực sự.
Nhưng rõ ràng là không phải ai giỏi thực tế thì đi học cũng như vậy. Bill Gate, Mark Zuckerberg, Paul Allen... từng trốn học, nhưng họ là tỷ phú thế giới cả đấy. Bằng cấp có quyết định thực tài hay không? Chưa chắc.
Vậy, giữa kiến thức dỏm và bằng dỏm, nên đặt nặng vấn đề nào hơn?
Chừng nào xã hội còn đặt nặng chuyện bằng cấp, thì những người thực tài sẽ khó phát huy và chuyện mua bán bằng cấp chắc chắn sẽ tồn tại, không biến tướng ở hình thức này thì sẽ chuyển đổi sang hình hài khác. Ai kiểm soát và ai sẽ chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng sai?
Ví dụ như các doanh nghiệp tư nhân. Họ hoàn toàn có thể kiểm soát được, vì chi phí nằm trong tay, ai giỏi hơn thì cho lên, dốt thì đá viu một cái, không cần thương hoa tiếc ngọc.
Nhưng các cơ quan nhà nước thì sao, nếu vớ phải những ông như ông tiến sĩ kia, làm ăn thua lỗ, cùng lắm là cho nghỉ. Nhưng lợi nhuận của cơ quan, liệu được mấy cái 5 năm (một nhiệm kỳ) để mà chờ?
*
Thụy Khuê (Hà Nội)
laotam
01-07-2010, 04:24 PM
Người Hà Nội lại 'phục” cả đêm đăng kí học cho con
- Bực tức, chán nản, mệt mỏi nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn không ai chịu “bỏ cuộc”. Cả nhà 4-5 người sẵn sàng “trực chiến” 24/24 giờ, miễn sao “chen” được một chỗ trong vỏn vẹn 135 suất cho con em mình vào học tại trường Mầm non Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) vào tối qua, 30/6.
VietNamNet (http://vietnamnet.vn/giaoduc/tuyensinh/201007/Nguoi-Ha-Noi-lai-phuc-ca-dem-dang-ki-hoc-cho-con-919393/)
“Cuộc chiến” cam go
Theo thông báo, năm nay số lượng tuyển sinh của trường Mầm non Thanh Xuân Bắc là 120 cháu (độ tuổi đi nhà trẻ, sinh từ tháng 1/2008 đến tháng 9/2008) và 135 cháu (lớp mẫu giáo bé, với các bé sinh năm 2007). Nhà trường chỉ giải quyết cho các cháu có hộ khẩu thường trú tại phường (không giải quyết diện KT2-KT3).
Và theo đúng lịch được công bố, nhà trường sẽ phát đơn vào hồi 8h sáng ngày 01/07/2010.
Thế nhưng, ngay từ sáng 30/6, hàng trăm phụ huynh và người nhà đã xếp hàng đông kín khu vực cổng trường, chờ được ghi danh vào danh sách phát đơn để nhận hồ sơ cho con em mình.
Tới nơi, không có ai đứng ra giải quyết, sợ cảnh “đi mất chỗ” nên không mấy người chịu ra về. Nhiều gia đình còn cắt cử người thay phiên nhau “trực chiến” tại cổng trường chờ để được giải quyết.
Chị Hiền, nhà ở khu tập thể Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho biết:
“Năm nay, nhà tôi có hai cháu một sinh năm 2007, một sinh năm 2008. Tình hình đăng kí cho cháu học lớp nhà trẻ có vẻ đỡ “căng” hơn lớp nhận cháu lứa tuổi mẫu giáo bé. Nói thì thế thôi, nhưng mình phải ra đây từ 11h trưa, xếp hàng đợi ghi danh mà xem chừng cũng khó khăn lắm”. “Tiếp sức” cho chị còn có chồng và ông bà nội các cháu.
Cách đó không xa, chị Lê Thanh Nga, nhà E7 đang ngồi râm ran với cậu em Lê Phương.
Cả hai người đều có con đã đến tuổi vào đi học ở trường mầm non. Mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt chị. Vừa phe phẩy chiếc quạt giấy chị vừa bức xúc, nói: “Năm nào cũng thế, báo cũng thấy nêu mà có giải quyết được gì đâu. Đông vẫn cứ hoàn đông”.
Mấy ông bà đi đăng kí cho cháu ngồi ngay cạnh quán trà đá gần đó cũng phụ thêm: “Lý do năm nay lượng người đến đăng kí đông hơn vì đợt này trường Tiểu học Tràng An (cũng thuộc phường Thanh Xuân Bắc) đang trong quá trình xây dựng nên tất cả quanh khu vực phường này đổ về trường Mầm non này với vọt lên”.
“Hà Nội ngàn năm cứ lo xây cổng này, làm đường nọ, nghe cái nào cũng to tát cả mà sao không gắng lo cho các con chúng tôi có chỗ để gửi con vào học cho đỡ vất vả hơn” – Một phụ huynh bức xúc.
Mưa đá.. may ra mới về
Đã gần 23 giờ, lượng người “đóng đô” trước cổng trường Mầm non Thanh Xuân Bắc vẫn không có dấu hiệu giảm bớt.
Thỉnh thoảng chỉ thấy tiếng người đến đổi phiên cho nhau. Rồi mang nước uống, bánh mì, thậm chí cả truyện tranh, sách báo ra đọc dưới ánh đèn vàng vọt của đèn đường hắt xuống.
Ghế nhựa được mang ra kê cả xuống dưới lòng đường. Mặc cho những vũng nước lênh láng sau trận mưa hôm trước vẫn còn đó, mọi người cứ ngồi, cứ nói. Chờ đợi, chờ đợi. Và hi vọng. Và mệt mỏi.
“Chỉ có mưa đá vỡ đầu tôi mới về, chứ đừng mong tôi bỏ cuộc” – một chị có dáng người to béo, ngồi trong đám đông, sát mép đường ngoặt vào cổng trường quả quyết.
- “Nếu không đăng kí được cho cháu thì chị tính thế nào?” – Tôi hỏi.
- Đây là trường công lập, học phí rồi các khoản đóng góp chắc chắn thấp hơn trường ngoài nên mọi người mới phải cố mà đợi. Nếu không được thì đành phải cho cháu đi học trường ngoài, tư thục, dân lập, bấm bụng đóng tiền học cho con chứ biết làm sao – Bực mình, chị gắt lên.
23h10, đèn đường bỗng phụt tắt. Đôi ba giọng nói trong đám đông vang lên: “Biết ngay mà, tôi đoán trước kiểu gì cũng cắt điện cho coi”.
Song như thế có nhằm nhò gì! Vẫn chẳng có ai ra về. Đêm nay là đêm không ngủ với nhiều bậc phụ huynh và gia đình các cháu. Nhiều ông bố cười tếu với nhau: “May là gần tháng nay quen thức xem World Cup, thức đêm quen rồi”.
*
Văn Chung
karma
06-07-2010, 03:33 AM
Mấy tuần vừa qua, báo chí trong cũng như ngoài nước xôn xao bàn tán về cái bằng tiến sĩ dỏm của ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Phú Thọ. Ông Ân khoe là có bằng tiến sĩ do trường Đại học Nam Thái Bình Dương ở Mỹ cấp. Nhưng ông lại không biết tiếng Anh. Và trước đó, ông cũng chỉ có bằng cử nhân tại chức (xin nhớ câu nói đã thành tục ngữ ở Việt Nam: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức!). Vậy mà ông cũng có bằng tiến sĩ!
Ông học tiến sĩ bằng cách nào?
Ông kể: Ông học chương trình tiến sĩ từ tháng 2 năm 2007 đến tháng 9 năm 2009. Trong hơn hai năm rưỡi đó, ông sang Mỹ hai lần. Mỗi lần một tuần. Ông không biết tiếng Anh. Nhưng không sao cả: Đã có người phiên dịch. Khi ông bảo vệ “luận án”, cũng có người phiên dịch. Cuối cùng, sau khi trả chi phí 17.000 đô Mỹ, ông cũng có bằng tiến sĩ để nộp cho Ban tổ chức tỉnh uỷ Phú Thọ. Từ đó, đi đâu ông cũng được giới thiệu là tiến sĩ ngon lành. Lại là tiến sĩ... ngoại!
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc đã nhanh chóng phát hiện cái gọi là trường Đại học Nam Thái Bình Dương ấy, thật ra, chỉ là một trường... dỏm. Tuy trên danh nghĩa là ở Hawaii (Mỹ) nhưng nó lại đăng ký ở Malaysia. Nó phỏng theo tên của một trường đại học đã bị chính phủ Mỹ buộc giải thể từ năm 2003 vì kém chất lượng. Nó nhái theo tên trường University of South Pacific ở Fiji. Nó không có giáo sư, không có giảng đường, không có giáo trình, thậm chí, không có cả chương trình học. Nó kém cỏi đến độ chỉ có mấy dòng tiếng Anh trên tấm bằng cũng viết sai tiếng Anh. Không câu nào không có lỗi sai (1). Nói một cách tóm tắt, đó là một trường dỏm. Hoàn toàn dỏm. Nó được lập ra để lừa gạt những kẻ hiếu danh và nhẹ dạ. Nó không có chút giá trị gì cả.
Những kiểu trường dỏm như thế đầy dẫy khắp nơi. Trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng nhận được email quảng cáo của những “trường” đại loại như vậy. Nội dung quảng cáo đại khái: “Bạn muốn có bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ không? Dễ lắm! Không cần phải học gì cả. Không cần có điều kiện gì cả. Giá rẻ và bảo đảm bí mật!” Sợ virus, chưa bao giờ tôi mở cái link mà họ cho. Nhưng tôi biết không phải chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi khác, ngay tại Úc, cũng có nhiều người chấp nhận trò chơi mua danh kiểu ăn xổi ấy. Họ cũng đóng tiền và cuối cùng họ cũng có mảnh bằng để loè bà con và bạn bè. Nhưng tôi đoán số lượng những người ấy không nhiều. Lý do: Họ chẳng được gì cả. Ở Tây phương, không có cơ quan nào dễ dàng bị lừa bởi những cái bằng dỏm kiểu ấy. Kể cả dân chúng cũng không dễ gì bị lừa.
Nhưng ở Việt Nam thì chắc là nhiều. Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 16 tháng 6 năm 2010 cho biết: riêng ở tỉnh Phú Thọ, có khoảng 10 người khác cũng làm bằng tiến sĩ kiểu như ông Ân (2). Đó chỉ là trường Đại học Nam Thái Bình Dương, còn những trường dỏm khác nữa thì sao? Tổng cộng, có bao nhiêu người ghi danh và trả tiền để có được cái bằng tiến sĩ dỏm như thế? Hơn nữa, đó là ở tỉnh Phú Thọ, còn 62 tỉnh và thành phố khác nữa thì sao?
Hai câu hỏi không thể không đặt ra:
Một, ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu người có những cái bằng dỏm như của ông Ân?
Hai, trong kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ trong mười năm tới mà cựu Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo kiêm Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mơ mộng sẽ có bao nhiêu bằng tiến sĩ dỏm như của ông Ân?
Rất khó có câu trả lời chính xác cho hai câu hỏi vừa nêu. Lý do chính là việc phát hiện những cái bằng giả và dỏm như thế hoàn toàn có tính chất ngẫu nhiên, dựa vào báo chí và giới nghiên cứu, chứ không do một cơ quan nào có đủ thẩm quyền để tiếp cận mọi nguồn thông tin một cách chính xác và toàn diện. Chúng thuộc diện “bí mật quốc gia”! Chính vì thế, ông Nguyễn Ngọc Ân tự nhận mình là người thiếu may mắn chứ không phải là người gian dối.
Lời biện hộ ấy nghe buồn cười nhưng lại phản ánh đúng thực tế: Nếu ông Ân không được giới thiệu là tiến sĩ trong một buổi họp có đông đảo báo giới tham dự và nếu trong giới báo chí không có người biết tỏng thực học của ông thì có lẽ ông vẫn ung dung với cái bằng tiến sĩ dỏm của mình và giới cầm quyền tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục tự hào với thành tích có những cán bộ có bằng cấp ngoại sang trọng như ông Ân!
Nên lưu ý là: thứ nhất, ông Ân học để lấy bằng tiến sĩ từ một trường dỏm như vậy đã được sự đồng ý của chính quyền Phú Thọ, hơn nữa, chính quyền Phú Thọ còn đồng ý tài trợ chi phí cho ông theo học. Ông Ân nói là ông chưa làm giấy tờ để nhận số tiền tài trợ ấy. Nhưng điều đó không thay đổi gì cả. Chưa hay đã thì cũng như nhau: Vấn đề là chính phủ đồng ý tài trợ. Thứ hai là ông Ân đã nộp bằng tiến sĩ của mình cho tỉnh để bổ sung vào lý lịch học thuật và nghiệp vụ của mình.
Chính việc liên hệ giữa tấm bằng dỏm và công việc ấy mới là vấn đề.
Chợt nhớ, ở Úc, mấy năm trước đây có một vụ kiện liên quan đến việc phỉ báng cá nhân. Một tờ báo tiếng Việt ở địa phương, trong một bài phiếm luận, chế diễu một người hay tham gia các sinh hoạt cộng đồng là có bằng cử nhân giả. Người ấy kiện tờ báo. Trong phiên toà kéo dài khá lâu, tờ báo nọ chứng minh được là người ấy không có bằng cử nhân như ông tự nhận. Nhưng cuối cùng toà vẫn xử người ấy thắng kiện. Lý do? Theo toà, người đàn ông tự xưng là ông Cử ấy chỉ là kẻ ba hoa chứ không phải là người lừa bịp. Ông nói cho sướng miệng. Ông không sử dụng cái bằng mà ông tượng tượng ấy để xin việc hay để thăng quan tiến chức.
Như vậy, ở đây chúng ta cần phân biệt một số điều.
Thứ nhất, về bằng: bằng giả khác với bằng dỏm. Bằng giả là dùng một bằng thật nào đó rồi cạo sửa để thay tên mình, trong khi bằng dỏm là bằng, về phương diện kỹ thuật, là thật, nhưng về phương diện học thuật, không có giá trị, và về phương diện pháp lý, không được công nhận.
Thứ hai, về cái “dụng” của bằng: Nếu mua cái bằng dỏm để chỉ khoe khoang chơi với anh em, bạn bè, hàng xóm thì không sao. Vấn đề, nếu có, chỉ là vấn đề tâm lý và đạo đức. Không liên quan gì đến pháp luật. Nhưng nếu sử dụng cái bằng dỏm hay giả ấy để mưu lợi thì lại khác. Ví dụ để xin dạy trong các trường học hoặc để thăng quan tiến chức như ông Nguyễn Ngọc Ân thì khác: Nó trở thành một hành động lừa bịp.
Luật pháp không xía vào chuyện ba hoa khoe khoang của các cá nhân. Nhưng luật pháp phải trừng phạt và ngăn chận những sự lừa bịp vì chúng có hại cho người khác và cho xã hội. Riêng trường hợp cán bộ sử dụng bằng giả hoặc bằng dỏm để củng cố vị thế của mình trong guồng máy chính quyền như trường hợp của ông Ân thì còn thêm nhiều tai hại khác: về phương diện chính trị, nó làm giảm uy tín của chính quyền (nếu có); về phương diện đạo đức, nó khuyến khích hoặc ngầm khuyến khích những việc làm gian dối, không dựa trên thực học và thực tài; và về phương diện xã hội, nó làm loạn chuẩn, không còn sự phân biệt giữa cái thực và cái giả, v.v…
Thế nhưng, điều tôi ngạc nhiên là vụ bằng dỏm của ông Nguyễn Ngọc Ân, đến nay, chỉ được giới báo chí và giới nghiên cứu bàn tán. Còn chính quyền thì hoàn toàn im lặng.
Không ai thấy đó là vấn đề.
Hoặc họ thấy mà đành làm ngơ vì không dám phanh phui ra một đống rác khổng lồ trong đó có nhiều cán bộ cao cấp khác?
Tôi không biết. Tôi chỉ ngạc nhiên.
Và băn khoăn.
Chú thích:
1. “Thêm bằng chứng về bằng giả trường dỏm”
2. Cuối bài “Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh” trên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 16/6, có câu: “Tại tỉnh Phú Thọ hiện còn có khoảng 10 người cũng được đào tạo tiến sĩ như theo kiểu của ông Ân!” Nhưng trong bài phỏng vấn Nguyễn Ngọc Ân hai ngày sau đó cũng trên Sài Gòn Tiếp Thị, khi được hỏi: “Ở Phú Thọ có ai học cùng ông không?” thì ông Ân lại khẳng định: “Khoảng chín, mười người gì đó, họ đều ở Hà Nội, Thái Nguyên; còn ở Phú Thọ không có ai.”
laotam
06-07-2010, 06:32 PM
Khả năng “cải lão hoàn đồng”
Tác giả: Nguyễn Quang Thiều
Hoá ra, chuyện cải lão hoàn đồng rất dễ thực hiện ở Việt Nam. Trong lúc con người cả mấy ngàn năm nay đi tìm các linh vật, thần dược hay pháp thuật để giúp mình trẻ mãi mà không tìm thấy
Khả năng “cải lão hoàn đồng” (http://tuanvietnam.net/2010-07-05-kha-nang-cai-lao-hoan-dong-)
Chúng ta đang lên tiếng về việc bằng rởm. Những người dùng bằng rởm là những người không trung thực và lừa dối xã hội. Mục đích của việc dùng bằng rởm chỉ là để tiến thân chứ không có mục đích nào khác. Khi một người dùng bẳng rởm để lọt vào một vị trí quản lý nào đó sẽ làm cho bộ máy quản lý đó bị suy yếu và gây ra những tổn hại khôn lường cho đất nước.
Nhưng có một chuyện khác cũng đáng lên án không kém chuyện bằng rởm. Vì chung quy cả hai việc này đều là những việc giả dối và vi phạm luật pháp. Đó là chuyện về khả năng cải lão hoàn đồng của các cán bộ Nhà nước.
Khả năng cải lão hoàn đồng của những cán bộ Nhà nước mà tôi đang nói đến là khả năng biến mình từ 45 tuổi chỉ còn 40 tuổi, 50 tuổi chỉ còn 45 tuổi, từ 55 tuổi chỉ còn 50 tuổi... chỉ sau mấy tiếng đồng hồ. Thế là, một người sắp đến tuổi về hưu bỗng trở nên còn khá trẻ, một người sắp hết tuổi đề bạt bỗng lại rất teen... teen và đủ tiêu chuẩn về tuổi tác để đề bạt.
Nguyên liệu dùng để cải lão hoàn đồng chỉ là một tờ giấy A4 cùng với sự trợ giúp của Uỷ ban xã, phường là đủ hay đại loại những cơ quan nào có thể chứng nhận việc này. Giấy A4 đó là bản khai sinh được làm lại cộng với mấy lời ngọt ngào của người đang thực hiện cải lão hoàn đồng cùng một cái phong bì "ăn trưa" hay quà cáp gì đó là được đóng dấu. Xem ra, chuyện cải lão hoàn đồng không quá khó! Trong lúc con người cả mấy ngàn năm nay đi tìm các linh vật, thần dược hay pháp thuật để giúp mình trẻ mãi mà không tìm thấy.
Trong Tây Du Ký, bọn ma vương ở khắp nơi trên đường Huyền Trang đi lấy kinh đều khao khát ăn thịt Huyền Trang (Đường Tăng) để trường sinh bất tử mà không thể nào làm được. Nhưng ở Việt Nam, chỉ cần nghỉ làm một buổi sáng với một tờ A4 là có thể biến mình đang già cốc đế trẻ lại mấy tuổi.
Việc khai tăng, giảm tuổi ở Việt Nam không phải là chuyện lạ. Cũng có những người đã khai tuổi mình tăng lên. Đó là một số người muốn về hưu sớm hay về "một cục" vì rất nhiều lý do khác nhau. Thế là họ cũng dùng một tờ A4 cùng với sự trợ giúp của một nơi có thể đóng dấu xác nhận ngày sinh mới. Nhưng mục đích của những người này không phải để cải lão hoàn đồng mà để cải đồng hoàn lão.
Còn các cụ ông cụ bà ở nhà quê cũng thường cải đồng hoàn lão với mục đích thật dễ thương là để làm Thượng thọ. Làng tôi có không ít cụ làm thế. Khi chính quyền thôn hoặc xã bảo theo sổ đăng ký hộ khẩu thì phải một hoặc hai năm nữa cụ mới đến tuổi 70 hay 80 thì các cụ "bẩu": Biết có sống đến ngày đó không mà đợi, ông cứ cho tôi đủ tuổi để con cháu làm Thượng thọ cho ông bà, bố mẹ thoả lòng hiếu thảo của chúng. Hơn nữa, các cụ ở nông thôn rất thích mình là người "thọ". Đấy là phúc của gia đình mà.
Thấy mong ước thật trong sáng và với tinh thần kính lão đắc thọ, chính quyền địa phương nhất trí ngay. Hơn nữa nhỡ các cụ ra đi khi chỉ còn nửa năm hay một năm nữa mà chưa được mặc áo vàng, áo đỏ và được con cháu, họ hàng làng xóm chúc mừng thì người sống lại áy náy.
Khát khao cải đồng hoàn lão của các cụ thật trong sáng, thật đẹp và thật đáng chia sẻ. Nhưng còn trò cải lão hoàn đồng của các cán bộ Nhà nước thì thật tồi tệ. Có những người khi cơ quan công bố nghỉ hưu thì thấy lòng buồn rười rượi, nặng như đá cùm. Và khi nghe cơ quan thông báo nghỉ rồi vẫn chẳng chịu bàn giao hồ sơ hay giấu biệt tin này với những người thân quen.
Có người về hưu rồi vẫn sáng sáng xách cặp da đến cơ quan rồi ngồi lân la uống trà ở phòng này, cà phê ở phòng khác. Nhưng với những người có trí tuệ thì nghỉ hưu rồi vẫn vất vả vì nhiều nơi vẫn muốn mời họ làm việc như một chuyên gia hàng đầu. Bởi thế mà Nhà nước đã có chính sách sử dụng lâu dài những người đến tuổi về hưu nhưng có trình độ chuyên môn cao để phục vụ đất nước.
Chính vì những lợi quyền cá nhân và thói tham quyền cố vị đã biến không ít cán bộ trở thành những "phù thuỷ" dùng tà thuật có tên: Cải lão hoàn đồng.
Ngẫm thật kỹ thì thấy rằng: ở một số nơi cái gì người ta cũng có thể làm được. Thật kinh hãi!
laotam
07-07-2010, 11:52 AM
Tiến sĩ là gì và không là gì?
Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn
TS ngày xưa chỉ làm một bài thơ hay phú, và được vua quan phê chuẩn. Còn ngày nay, để có bằng TS, ứng viên phải hoàn tất nhiều nghiên cứu và tổng kết trong một luận án khá dài.
Tiến sĩ là gì và không là gì? (http://tuanvietnam.net/2010-07-06-tien-si-la-gi-va-khong-la-gi-)
LTS: Sau khi trên báo chí, và dư luận xã hội xôn xao về vụ "Tiến sĩ ở Mỹ không cần biết tiếng Anh", Tuần Việt Nam chúng tôi nhận được bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc) bàn sâu về chủ đề văn bằng TS. Trong bối cảnh ngành giáo dục nước ta có chủ trương đào tạo hơn 20.000 TS, bài viết này đặt ra rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Tuần Việt Nam xin trân trọng đăng tải.
Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ thấy ngạc nhiên khi đọc tựa đề này, vì nó hơi... ngô nghê. Nhưng tôi phải mượn tựa đề câu hỏi đó để giải tỏa một số ngộ nhận về văn bằng TS đang được một tờ báo mạng vô tình tiếp tay phổ biến và những "lem nhem" chung quanh việc hiểu ý nghĩa của văn bằng này nhân một vụ việc về bằng TS được cấp ở Mỹ khiến dư luận ồn ào gần đây.
Tiến sĩ không phải là...
Thứ nhất, TS không phải là một nghề. Nghề là một việc làm qua sự phân công của xã hội. Trong xã hội có người làm nghề thợ mộc, nghề nấu ăn, nghề thầy thuốc, v.v... Tùy theo bối cảnh và cấp bậc, tiếng Anh gọi nghề là occupation, là vocation, hay có khi là profession. Do đó, khi người ta hỏi "nghề của chị là gì", thì câu trả lời có thể là "tôi làm nghề dạy học", hay "tôi làm nghề buôn bán lẻ". TS là một degree, tức là một bằng cấp hay học vị. Thật là ngô nghê nếu có người nói "tôi hành nghề TS"!
TS không phải là một tước vị. Tước vị là những danh vị do Nhà nước hay một tổ chức phong tặng, và cá nhân được phong tặng không phải trải qua một quá trình học hành. Chẳng hạn như "Sir" là một tước hiệu do Nữ hoàng Anh tặng cho những người có công trong hoạt động xã hội và cộng đồng, hoặc như "Nhà giáo Nhân dân"- tước hiệu do Nhà nước theo khối xã hội chủ nghĩa (như Việt Nam) phong tặng cho những nhà giáo có công lớn với sự nghiệp giáo dục (trên lí thuyết).
Còn văn bằng TS chỉ được cấp cho những người nào đã qua một quá trình học hành và nghiên cứu khoa học, đã đáp ứng các tiêu chuẩn do trường đại học đề ra. Do đó, TS không phải là một tước vị hay phẩm hàm.
TS không phải là "đỉnh cao trí tuệ". Người theo học TS thường nghiên cứu về một đề tài hẹp, có khi rất hẹp, chứ không theo đuổi một đề tài bao quát như ở bậc cử nhân hay thạc sĩ. Có khi người ta bỏ ra cả 4-5 năm chỉ để nghiên cứu một phân tử! Mà ngay cả sau khi xong luận án TS, ứng viên cũng chưa thể hiểu hết về đề tài hẹp đó. Trong khoa học không có cái gì là chắc chắn và xác định. Tất cả những gì chúng ta hiểu biết đều mang tính bất định và có điều kiện.
Nhưng học TS không dễ và thoải mái. Học để làm TS nghiêm chỉnh không bao giờ dễ và dứt khoát càng không thoải mái. Đó không phải như bậc cử nhân hay thạc sĩ (tức hoàn tất các môn học qua thi cử), mà là làm nghiên cứu khoa học. NCKH là cả một qui trình có hệ thống, mà chỉ cần sai một khâu trong qui trình đó thì xem như là thất bại.
NCKH không chỉ đòi hỏi ứng viên phải có "cái đầu" tốt (tức ý tưởng tốt), mà còn đòi hỏi ứng viên phải nắm vững phương pháp, nhất là đòi hỏi thời gian để hoàn tất. Phải dự bao nhiêu seminar, họp lab, cứ mỗi 6 tháng thì có kiểm tra, báo cáo tiền độ học vấn, thêm vào đó là áp lực bài báo khoa học lúc nào cũng đè nặng tâm lý. Nếu gặp giáo sư hướng dẫn khó tính, lúc nào cũng đòi hỏi phải có "outcome" (thành quả) thì càng mệt hơn. Nhất là đến lúc viết luận án thì áp lực càng kinh khủng hơn nữa. Tôi chưa nghe ai nói học TS thoải mái cả.
Cố nhiên, ở đây tôi chỉ bàn đến những chương trình đào tạo TS nghiêm túc và có chất lượng. Cần nói thêm rằng cũng có những trung tâm và trường ĐH nhận nghiên cứu sinh khá tùy tiện, chẳng cần qua phỏng vấn, tiêu chuẩn nghiên cứu, vì các GS ở đó có nhu cầu một vài người giúp việc... rẻ tiền.
Đối với những trung tâm này, họ xem nghiên cứu sinh TS chỉ là một công nhân trí thức trong dây chuyền sản xuất để họ đạt được mục tiêu của họ (họ chẳng cần quan tâm đến tương lai của nghiên cứu sinh, và nghiên cứu sinh cứ tưởng rằng làm TS dễ quá!) Tôi không bàn đến những chương trình học TS từ các trường "làng nhàng" như thế, nghiên cứu sinh mà không cần công bố bài báo khoa học vẫn có thể tốt nghiệp.
Không phải chương trình đào tạo TS nào cũng có chất lượng như nhau. Những chương trình đào tạo từ các lab có uy tín phải có đẳng cấp khác với những chương trình xoàng xĩnh. Thử tưởng tượng, một nghiên cứu sinh sau khi hoàn tất chương trình TS mà không có đến một bài báo trong lí lịch thì làm sao có thể cạnh tranh với các nghiên cứu sinh khác.
TS không phải là những ông "nghè". Ở nước ta, những người có bằng TS thường được xem như là những ông nghè hiện đại. Do đó, có người còn đề nghị nên có "văn miếu" cho các ông bà nghè này! Nhưng theo tôi, văn bằng TS thời nay rất khác với TS thời xưa, khác từ cách học đến qui trình học.
Ngày xưa, TS (hay thái học sinh) là những người đã qua 3 kì thi hương, thi hội, và thi đình, tức là những kì thi mang tính giai tầng địa phương.
Còn chương trình TS ngày nay là một qui trình đào tạo liên tục và khá lâu năm, chứ không phải thi theo cấp địa phương. TS ngày xưa chỉ làm một bài thơ hay phú, và được vua quan phê chuẩn. Còn ngày nay, để có bằng TS, ứng viên phải hoàn tất nhiều nghiên cứu và tổng kết trong một luận án khá dài. Nói tóm lại, TS không phải và không nên hiểu như là những vị nghè ngày xưa.
Danh xưng TS có lẽ được xuất phát từ chữ Hán mà tiếng Anh phiên âm là "Chin-shih" (và tiếng Anh dịch là "Doctor"). Nếu không nhầm, văn bằng này được cấp lần đầu tiên vào năm 1313 (dưới triều đại nhà Tống). Vào năm này, một cuộc thi tuyển đặt dưới sự chủ tọa của vua Tống được tổ chức. Kết quả của kì thi này, có 300 thí sinh được cấp danh hiệu Chin-shih, trong số đó, có 75 người gốc Mông Cổ, 75 người quê quán ở miền Nam Trung Quốc, 75 người quê quán ở miền Bắc Trung Quốc, và 75 người có quốc tịch ngoại quốc.
Danh xưng TS không có nghĩa là sẽ nghiễm nhiên đem lại thanh thế hay uy danh cho cá nhân. Hầu hết các thí sinh đã đạt được văn bằng TS đều cảm thấy tự hào về nỗ lực và kết quả của việc phấn đấu trong học hành, nghiên cứu. Tuy nhiên, thí sinh phải hiểu rằng một khi tốt nghiệp TS, thí sinh có thể làm việc với nhiều nhà khoa học khác cũng có bằng TS. Học vị TS mới chỉ là bước đầu vào NCKH, nó chẳng đem lại uy danh cho người có học vị nếu người đó không có công trình NCKH nào có giá trị.
Học vị TS không tự động nâng giá trị ý kiến của thí sinh. Nhiều người tin rằng một khi họ có văn bằng TS trong tay, công chúng sẽ tự nhiên kính trọng ý kiến của họ. Niềm tin này hoàn toàn sai. Nhiều người có học vị TS có thể am hiểu và uyên bác về một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó, nhưng không phải là chuyên gia của mọi vấn đề khác.
Học vị TS không bảo đảm thí sinh sẽ có công ăn việc làm ngay. Có khi ngược lại: Sinh viên tốt nghiệp TS có thể khó tìm việc làm hơn là sinh viên tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ, bởi vì như nói trên TS là những nhà nghiên cứu. Một số công ty không muốn và không thích mướn những người có văn bằng TS cho những việc không dính dáng với nghiên cứu. Thêm vào đó, một khi nền kinh tế bị suy yếu, tất cả thành viên trong xã hội đều chịu chung số phận, thì một số công ty giảm thiểu người nghiên cứu trước khi giảm thiểu người sản xuất.
Học vị TS không phải để kiếm nhiều tiền. Thí sinh tốt nghiệp TS thực ra không có lương bổng cao hơn các thí sinh có bằng cử nhân hay người công nhân bình thường trong hãng xưởng. Vì học TS là để trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và cái quan tâm đầu tiên của nhà khoa học là sự thật, chứ không phải sự giàu có về tiền bạc. Tất nhiên, có nhiều khi sự thật và khám phá cũng đem lại một nguồn tài chính lớn cho nhà nghiên cứu. Nhưng nói chung, đó không phải là mục tiêu để theo học TS.
Học vị TS không có nghĩa là một lựa chọn tốt nhất trong đời. Cống hiến cho xã hội có nhiều cách và cuộc đời có nhiều lựa chọn. Học vị TS chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn. Thật vậy, đối với nhiều thí sinh, học vị TS có thể là một sự nguyền rủa! Thí sinh phải tự hỏi mình muốn làm người lãnh đạo trong những người có văn bằng thạc sĩ, hay là làm một nhà nghiên cứu tầm thường? Thí sinh phải biết và quyết định mình muốn gì, và nghề nghiệp nào sẽ kích khích mình nhiều nhất hay đem lại hạnh phúc cho mình nhất.
Tại sao "tiến sĩ" (PhD)?
Tuy có danh chính thức là triết học ("Doctor of Philosophy" hay PhD) nhưng TS không hẳn là người học về triết. PhD là một học vị cho tất cả các ngành khoa học, kể cả khoa học cơ bản và nhân văn. Điều "trớ trêu" này có một lịch sử của nó.
Hệ thống bằng cấp ĐH ngày nay được bắt nguồn và mô phỏng từ hệ thống văn bằng của 2 trường ĐH cổ kính ở Âu châu vào thế kỷ 13: Trường ĐH Paris ở Pháp (thành lập vào năm 1170) và Trường ĐH Bologna ở Ý (thành lập vào khoảng 1158). Theo bộ Luật La Mã, vào thời Trung cổ, mỗi ngành nghề có quyền thành lập một hiệp hội gọi là Collegium, và hiệp hội này bầu ra những người có danh hiệu là Magistrates (mà tôi tạm dịch là "Thầy").
Vào thời này, người được nhận vào phụ giảng được gọi là Bachalari. Vào cuối thế kỉ 13, ĐH Paris thay đổi học vị này thành Baccalaureaet. Lúc bấy giờ, văn bằng Baccalauréate hay Bachelor là học vị duy nhất được cấp cho những thí sinh đã thi đỗ khóa thi do các các "Thầy" đặt ra; và đã học xong một chương trình giáo khoa 4 năm về ngữ pháp, tu từ học và logic.
Sau khi xong văn bằng Bachelor, thí sinh có thể theo học tiếp chương trình MasterDoctor. Và sau khi đã xong chương trình học Master hay Doctor (khoảng 8 năm học), một hội đồng giám khảo sẽ duyệt xét thí sinh để kết nạp vào tổ chức được gọi là Universitas of Doctors.
Sự kếp nạp này cũng là một "chứng chỉ" được hành nghề dạy ĐH. Lúc bấy giờ, những danh xưng như Master, Doctor và Professor có cùng nghĩa và tương đương về giai cấp: Họ hành nghề dạy học. Vào thế kỉ 13, những người dạy học tại ĐH Bologna, lúc đó là trung tâm huấn luyện về luật pháp bên châu Âu, được gọi là Doctor. Trong khi đó ở ĐH Paris, là trung tâm về văn học nghệ thuật, những người dạy học được gọi là Master.
Sự bình đẳng giữa Master và Doctor bị chấm dứt ở Anh và Mỹ, nơi mà văn bằng Doctor sau này được đánh giá cao hơn văn bằng Master. Ở Anh, 2 trường ĐH Oxford (thành lập vào khoảng 1249) và Cambridge (thành lập vào khoảng 1209) được mô phỏng theo hệ thống tổ chức của ĐH Paris. Do đó, các nhà khoa bảng các môn văn hóa nghệ thuật thường được gọi là "Master". Trong khi các đồng nghiệp của họ ở các môn học như triết, thần học, y học, và luật được gọi là "Doctor". Ngày nay, các tên bằng cấp như "Master of Arts" và "Doctor of Philosophy" có nguồn gốc từ sự phân chia này.
Tiến sĩ là gì?
TS là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục ĐH phương Tây. Theo mô hình này, có 3 cấp học chính: Cử nhân, thạc sĩ (masters), và TS. Về mặt con số, sự phân bố 3 loại bằng cấp đó giống như hình tháp: TS ở vị trí chót vót, cử nhân ở vị trí thấp nhất, và thạc sĩ ở chính giữa. Trong dân số, ở các nước tiên tiến như Mỹ chẳng hạn, chỉ có khoảng 0.8% người có bằng TS. Còn ở các nước khu vực chẳng hạn, như Thái Lan, năm 2007, có 1.77 triệu sinh viên bậc cử nhân, 182 ngàn sinh viên thạc sĩ, và chỉ có 16246 nghiên cứu sinh bậc TS. Nói cách khác, chỉ 0.8% sinh viên ĐH theo học TS.
Có nhiều lí do tại sao số người theo học TS quá ít. Lí do đơn giản nhất là người ta không có nhu cầu học TS. Cũng có người sau 4 năm theo học cử nhân đã cảm thấy mệt mỏi, và chỉ mong tốt nghiệp để kiếm thu nhập bù lại những năm tháng theo học. Có người không đủ trình độ hoặc không đáp ứng điều kiện theo học. Ở những ĐH và trung tâm đào tạo nghiêm chỉnh, chỉ có khoảng 1-2% ứng viên xin học TS được nhận học (sau khi qua một đợt phỏng vấn).
Điều này cũng không khó hiểu, bởi vì chương trình TS là nhằm đào tạo một "lực lượng" khoa học elite cho các trường ĐH, một lực lượng khoa học then chốt cho các trung tâm NCKH và kĩ nghệ. Có thể nói không ngoa rằng chương trình đào tạo TS trong ý tưởng là đào tạo một đội ngũ tinh hoa của xã hội.
Đó cũng chính là lí do tại sao người ta đánh giá nền khoa học và trình độ tiên tiến của một quốc gia bằng cách dựa vào số người có học vị TS trong dân số. Ở những nước có nền kinh tế phát triển cao như Mỹ, số người có bằng TS khoảng 0.7% dân số.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ II: Học tiến sĩ để làm gì?
laotam
08-07-2010, 11:25 AM
Học tiến sĩ để làm gì?
Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn
Người trí thức chân chính phải nghĩ đến những đóng góp có giá trị nhằm đem lại phúc lợi thực sự cho nhân loại, và không bao giờ phụ thuộc vào học vị, học hàm hay các danh xưng phù phiếm để gây ảnh hưởng trong cộng đồng.
Học tiến sĩ để làm gì? (http://tuanvietnam.net/2010-07-07-hoc-tien-si-de-lam-gi-)
Tiến sĩ không phải danh xưng phù phiếm
Để có được văn bằng tiến sĩ (TS), ứng viên phải đạt hai điều kiện. Thứ nhất, ứng viên phải có kiến thức uyên bác và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học. Thứ hai, ứng viên phải mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó. Để làm chủ đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh (NCS) phải tìm đọc và cố gắng hiểu tất cả những gì đã viết hay công bố về đề tài đó.
Không phải như bậc cử nhân, kiến thức thường có thể tìm thấy trong sách giáo khoa, đối với bậc TS, kiến thức thường được tìm trong các tập san khoa học. Để mở rộng kiến thức về một đề tài, NCS phải làm nghiên cứu khoa học (NCKH) theo sự hướng dẫn của thầy cô. Chính phần NCKH này phân biệt giữa TS và các chương trình cử nhân hay thạc sĩ. Không có NCKH thì không thể là TS được.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng đề án nghiên cứu cấp TS không nhất thiết phải mang tính ứng dụng thực tiễn (như nhiều người ngộ nhận), mà phải thể hiện một đóng góp mới vào tri thức cho chuyên ngành. "Tri thức mới" ở đây bao gồm việc phát hiện mới, khám phá mới, hay cách diễn giải mới cho một vấn đề cũ, hay ứng dụng một phương pháp mới để giải quyết một vấn đề cũ, v.v...
Những tri thức như thế có thể không có khả năng ứng dụng trong tương lai gần, nhưng có thể góp phần thúc đẩy chuyên ngành phát triển một mức cao hơn. Xin nhớ rằng khám phá insulin phải đợi đến gần 50 năm sau mới ứng dụng trong lâm sàng.
Học TS không chỉ là hoàn tất luận án. Có rất nhiều người tưởng rằng học TS chủ yếu là hoàn tất một luận án, nhưng thực tế thì không phải như thế vì luận án chỉ là một phần của chương trình đào tạo.
Luận án là một báo cáo có hệ thống những phương pháp và kết quả nghiên cứu của NCS. Do đó, luận án chỉ là một tiêu chuẩn (có thể quan trọng) trong các tiêu chuẩn để được cấp bằng TS.
Ngoài luận án ra, NCS phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn như sau :
- NCS phải chứng tỏ mình có những kiến thức cơ bản về khoa học, và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh theo đuổi.
- NCS phải am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo đuổi. Có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
- NCS phải chứng tỏ kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình.
- NCS phải làm chủ được phương pháp NCKH hay phương pháp thí nghiệm cơ bản.
- NCS phải chứng tỏ đã đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin, kể cả trình bày kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tế, khả năng viết báo cáo khoa học.
- NCS phải chứng tỏ mình đã nắm vững kĩ năng thiết kế một công trình nghiên cứu và độc lập trong nghiên cứu.
Một luận án khi hoàn tất mà chỉ để trên giá sách của thư viện trường cũng chỉ là một mớ tài liệu ít người biết đến. Vì ít người biết đến và nằm trong thư viện, nên chẳng có bao nhiêu người biết được luận án đó có cái gì mới hay xứng đáng với cấp TS hay không.
Do đó, NCS cần phải công bố vài bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án. Công bố quốc tế là một hình thức "thử lửa" tốt nhất cho NCS, bởi vì qua đó mà đồng nghiệp khắp thế giới có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của NCS.
Thật ra, công bố quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học TS ở các ĐH bên châu Âu, châu Mỹ, và châu Úc, những nơi mà họ khuyến khích (có nơi gần như bắt buộc) NCS phải công bố vài bài báo khoa học trước khi viết luận án TS. Ở một số nước Bắc Âu, luận án TS thực chất là tập hợp một số bài báo khoa học đã công bố trên các tập san quốc tế. Ngày nay, các ĐH lớn ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Philipin v.v... cũng có qui định tương tự.
Một trong những câu hỏi mà NCS khi mới bước vào học TS là cần phải có bao nhiêu bài báo khoa học để có thể bảo vệ luận án TS? Câu hỏi này khó trả lời, bởi vì nó còn tùy thuộc vào qui định của trường ĐH, của phân khoa, và những qui định này rất khác nhau giữa các trường ngay cả trong cùng một nước.
Chẳng hạn như trong các khoa xã hội và kinh tế học, yêu cầu bài báo khoa học không được đặt nặng bằng các khoa khoa học tự nhiên và thực nghiệm. Ở Mỹ người ta không có những qui định "cứng" phải có bao nhiêu bài báo khoa học để viết luận án TS, vì NCS phải học "coursework" một thời gian trước khi bắt tay vào nghiên cứu.
Ở Anh và Úc thì TS hoàn toàn làm nghiên cứu chứ không có coursework, nhưng cũng không có quy định trên giấy trắng mực đen bao nhiêu bài báo. Tuy nhiên, có quy ước ngầm theo kiểu "unspoken rule" là một luận án TS cần phải có ít nhất 2 bài báo khoa học, hoặc 3 bài báo khoa học, cộng với các bài khác chưa công bố.
Trong một phân tích mới công bố trên Scientometrics, tác giả Hagen phân tích cho thấy tính trung bình, một luận án TS ở Viện Karolinska có 4 bài báo khoa học, và con số bài báo dao động từ 3 đến trên 6 bài. Theo phân tích (xem biểu đồ dưới đây), gần 80% luận án có 4 bài báo khoa học; 12% có 5 bài; 5% có trên 5 bài; một phần nhỏ (4%) có 3 bài.
Học vị TS là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục ĐH. Ở các nước phương Tây, xã hội kính trọng những người có học vị TS và gọi họ bằng danh xưng "Doctor".
Để xứng đáng với danh xưng đó, xã hội đòi hỏi người có học vị phải đạt hai điều kiện chung: Phải chứng tỏ rằng mình đã quán triệt và làm chủ được lĩnh vực nghiên cứu; và thứ hai, phải phát triển hay cống hiến được một cái gì mới cho kho tàng của tri thức nhân loại. Cái cốt lõi của học vị TS (và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị TS với các học vị ĐH khác) có thể tóm lược bằng hai chữ: Nghiên cứu. Để phát triển hay mở rộng tri thức, thí sinh phải khảo sát, điều tra, và suy ngẫm, chứ không đơn thuần là một kỹ thuật viên về một lĩnh vực chuyên môn nào đó.
Học tiến sĩ để...thay đổi xã hội và con người
Mặc dù những cảnh báo trên là hoàn toàn sự thật và có thể xảy ra cho thí sinh, nhưng tôi phải công bằng mà nói rằng cũng có một vài "an ủi" cho thí sinh nào cảm thấy mình có đủ khả năng và đức tính để theo học TS.
Thứ nhất, thí sinh có thể tự hào rằng mình đã hoàn tất chương trình học, hoàn tất nghiên cứu, và được trao văn bằng TS. Nếu thí sinh có khả năng và đam mê, sự nghiệp NCKH có thể đem lại cho thí sinh nhiều phần thưởng vật chất và tinh thần có giá mà các ngành nghề khác không có được.
Thứ hai, trong khi theo học TS hay sau khi tốt nghiệp, thí sinh có thể sẽ gặp gỡ và làm việc với những người thông minh nhất trên hành tinh này. Thí sinh sẽ tiếp cận và tiến dần đến những lý tưởng và ý tưởng không nằm trong tầm tay của mình, làm được việc đó, thí sinh sẽ cảm thấy tri thức mình trưởng thành thêm. Thí sinh sẽ giải quyết nhiều vấn đề mình chưa bao giờ gặp trước đó, khám phá các khái niệm chưa bao giờ được nghe đến. Hoặc phát hiện những nguyên lí có thể làm thay đổi xã hội và con người.
Thứ ba, là lý tưởng sống của người làm NCKH rất có ý nghĩa. Tôi có thể nói lại câu này mà không sợ bị chê là "nói ngoa". Nói về niềm hân hoan trong nghiên cứu, có một "chân lí" mà có lẽ bất cứ nhà khoa học nào cũng đồng ý: Trong các hoạt động của con người, NCKH là lẽ sống có ý nghĩa nhất. Tại sao nhà khoa học phải tiêu tốn nhiều thời gian trong phòng nghiên cứu, mày mò sách vở, bận tâm với từng con số, quan tâm đến từng biểu đồ, trong khi họ có thể sống với gia đình, làm cỏ trong vườn, hay tán gẫu với bè bạn tại quán cà phê, quán nhậu?
Đúng là nhà khoa học cũng có thể có một cuộc sống gia đình như hàng triệu triệu người khác, làm những việc trong gia đình như bao nhiêu người khác trên thế giới này. Nhưng cái khác nhau là thay vì làm những việc đó, nhà khoa học có thể làm việc trong một phòng thí nghiệm, trong phòng máy tính, trong thư viện, bên giường bệnh với bệnh nhân, hay thậm chí trong chuồng nuôi chuột bạch v.v...nơi mà họ có thể khám phá những điều thú vị nhất trên đời mà chưa có người nào biết đến.
Có thể nói NCKH là một niềm vui tuyệt đối. Còn gì vui hơn khi khám phá của mình đem lại lợi ích cho hàng triệu người trên thế giới, như khám phá vi khuẩn H. pylori của giáo sư Marshall, người vừa được giải Nobel y học vừa qua.
Mục đích thực và chính của việc học hành là để mở mang trí tuệ, trau dồi kiến thức, rèn luyện nhân cách, và làm người hữu ích cho xã hội. Bằng cấp không phải dùng để đo những kết quả trên, mà chỉ là những phân chia đẳng cấp khoa bảng rất tương đối.
Bằng cấp, dù là học vị cao nhất như TS, chỉ là một bước đầu trong hoạt động khoa học, và tự nó chưa nói đủ về khả năng chuyên môn của nhà khoa học. Tương tự, một học hàm cao nhất như giáo sư cũng không phản ánh chính xác được mức độ đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại. Người trí thức chân chính phải nghĩ đến những đóng góp có giá trị nhằm đem lại phúc lợi thực sự cho nhân loại, và không bao giờ phụ thuộc vào học vị, học hàm hay các danh xưng phù phiếm để gây ảnh hưởng trong cộng đồng.
laotam
08-07-2010, 11:27 AM
Gánh nặng trên vai tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Tác giả: Mai Lan (DNSGCT)
Chưa bao giờ ngành giáo dục (GD) lại ngổn ngang trăm mối đến thế. Hàng loạt vấn đề của giáo dục chưa có câu trả lời thấu đáo: triết lý, quản lý, tài chính, chương trình - sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, công bằng về cơ hội học tập, tham nhũng… Với tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận - đứng trước một gánh nặng của “nhiều đời bộ trưởng để lại” (?) - ông sẽ chọn khâu nào làm điểm đột phá, để tạo một bước chuyển mới cho nền giáo dục Việt Nam?
Gánh nặng trên vai tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (http://tuanvietnam.net/2010-07-07-ganh-nang-tren-vai-tan-bo-truong-bo-gd-dt)
Triết lý giáo dục - la bàn không chỉ hướng Bắc!
"Mọi sai lầm cụ thể hiện nay đều bắt nguồn từ một triết lý giáo dục sai. Sai về căn bản. Đó là nguyên nhân gốc của mọi chuyện, từ đó dẫn đến điều mà GS Hoàng Tụy đã nghiêm khắc chỉ ra: chúng ta không chỉ đang lạc hậu, mà đang lạc hướng! Lạc hướng chính là lạc hướng về triết lý giáo dục" - Nhà văn Nguyên Ngọc không hề đơn độc với nhận định trên của mình.
Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc, một người lạc quan nhất cũng có thể nhận thấy rằng, nền giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhất là sự thiếu thích ứng với những biến đổi to lớn của nền kinh tế - xã hội và những đòi hỏi ngày càng cao của thế giới, đó là vì Việt Nam thiếu một triết lý giáo dục cho thời kỳ mới.
GS.TS Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục cho rằng do Việt Nam chưa có một triết lý giáo dục rõ ràng và thống nhất, gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu và phát triển chiến lược giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục cụ thể. GS Nguyễn Hùng Hậu (Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng thấy cần có một triết lý giáo dục đi trước mở đường, chứ không thể xây dựng chiến lược theo kiểu "dò đá qua sông".
Ý kiến thì rất nhiều, song Bộ GD-ĐT có nghe không? Trước sức ép của dư luận, năm 2007 Bộ cũng đã tổ chức hội thảo về triết lý giáo dục. Và, đến hôm nay mọi việc coi như... chìm!
Triết lý nào cho giáo dục Việt Nam thời kỳ mới? Câu hỏi tiếp tục treo lơ lửng!
Đổi mới quản lý là đổi mới cái gì? Ai cần đổi mới?
TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG TP.HCM nói về kinh nghiệm rút ra được của bà: "Hiện nay cái gì hay đều do những sáng kiến và nỗ lực cá nhân hoặc tập thể nhỏ, hay nói cách khác, là từ cấp cơ sở, mà ra. Còn cái dở, đa số nằm ở tầm chiến lược, chính sách, và cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành quản lý. Mà... sai ở tầm vĩ mô, thì nguy hiểm lắm chứ! Ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến toàn bộ một dân tộc trong một vài thế hệ. Rất đáng lo!".
GS Chu Hảo nói thẳng: "Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta áp dụng một hệ thống quản lý tập trung quá mức. Quyền tự quản không được thực thi, đặc biệt là ở các trường đại học".
Trong buổi trực tuyến ngày 31/8/2009 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, cũng phát biểu: "Nếu nói khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục thì đó chính là đổi mới quản lý nhà nước đối với hệ thống GD-ĐT". Ngay Nghị quyết trung ương 2, khóa 8 năm 1997 chỉ ra bốn nguyên nhân làm yếu kém nền giáo dục nước nhà, trong đó có nguyên nhân thuộc về công tác quản lý.
Vấn đề tưởng đã quá rõ. Song, công tác quản lý giáo dục ở cấp vĩ mô nhiều năm qua vẫn gần như "dậm chân tại chỗ".
Trước thực trạng quản lý giáo dục ngày càng bộc lộ những yếu kém, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra chỉ thị về "Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012". Lý giải về việc chọn đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất của tất cả các yếu kém mang tính hệ thống ở bậc đại học thời gian qua là do thực hiện các giải pháp khoa học quản lý chưa sát.
Tiếc thay, Bộ GD-ĐT lại triển khai cuộc "cách mạng" quản lý bằng tư duy "phong trào" chứ không bằng tư duy "khoa học": hàng loạt cuộc hội thảo, hội nghị của các trường ĐH-CĐ trên cả nước được mở ra với nhiều chương trình hành động và khẩu hiệu "nổ rền", nhưng lại chẳng liên quan gì đến việc đổi mới quản lý cả! Hàng loạt cuộc ký kết giữa Bộ GD-ĐT với Trung ương Đoàn TNCS HCM, giữa các ban giám hiệu, đảng ủy nhà trường với Đoàn TNCS HCM của các trường về chương trình hành động của sinh viên (!) đối với cuộc "đổi mới quản lý giáo dục".
Đổi mới diễn ra "lạc đề, lạc chủ thể"? Trong khi đó, nội dung được các trường và xã hội mong chờ nhất là: việc đổi mới công tác quản lý của Bộ đối với hệ thống các trường đại học ra sao? Giao quyền tự chủ đến đâu? Đổi mới cơ chế tài chính như thế nào? Mức độ phân công, phân cấp quản lý cho các trường? v.v... Tất cả chìm khuất!
Tài chính - càng lên cao càng "mờ"?
Trên trang web chính thức của Bộ GD-ĐT nhiều năm trước đây, số sinh viên học sinh, số giảng viên, tổng đầu tư của Nhà nước, tổng chi từng năm đều được công khai. Nhưng, nay những số liệu trên đã gần như biến mất. Vì sao thông lệ công khai tài chính của nhiều đời bộ trưởng trước, nay lại bỏ?
GS Phạm Phụ nhiều lần kiến nghị: Có kế hoạch từng bước minh bạch hóa tài chính giáo dục, minh bạch rồi sẽ có hiệu quả, có chất lượng và hạn chế được tham nhũng. Trước mắt đề nghị minh bạch năm khâu: Quy trình cấp ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục; Các dự án vốn vay ODA; Quy trình cấp phép lập trường và nâng cấp trường; Xuất bản sách giáo dục; Công khai tài chính ở các cơ sở giáo dục.
Hiện nay, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đã chiếm 20% tổng chi ngân sách. Về con số tuyệt đối, ngân sách nhà nước đã tăng từ 19.747 tỉ đồng năm 2001 đến 2012 sẽ là 137.566 tỉ đồng. Ngoài ra, người dân đóng góp dự kiến từ năm 2008-2012 sẽ là 190.904 tỉ đồng, tương đương 2% GDP (tính toán của Bộ GD-ĐT). Chưa kể vốn vay ODA và các khoản viện trợ không hoàn lại của quốc tế vào khoảng trên 2 tỉ USD trong mười năm qua.
Trong lúc tiền đầu tư tăng vùn vụt thì ngành giáo dục lại thừa nhận: không có điều kiện đánh giá hiệu quả chi của Nhà nước, bởi 74% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục do các UBND tỉnh quản lý, 21% do các bộ ngành khác quản lý, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý 5%. Không có quy định về chế độ báo cáo sử dụng ngân sách giáo dục, mà các địa phương và bộ ngành khác quản lý cho Bộ GD-ĐT nắm tình hình để điều phối.
Bộ GD-ĐT đã mất quyền kiểm soát về tài chính!?
Với Đề án Đổi mới cơ chế tài chính, Bộ GD-ĐT có chuyển động bước đầu với chủ trương bốn kiểm tra, ba công khai: kiểm tra thu, chi ngân sách, học phí, và kinh phí các chương trình mục tiêu; công khai cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm, thu chi tài chính. Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Đặng Văn Ngữ, đến nay Bộ chỉ nhận được báo cáo từ 150 trường đại học và 227 trường cao đẳng, trong đó chỉ có 34% trường báo cáo đủ các nội dung. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Hà Nội, các trường tự tuyên bố, kê khai là một chuyện, cần phải có cơ quan kiểm định để ghi nhận thực tế đó đến đâu. Còn GS Phạm Phụ lại băn khoăn: ba công khai rất tốt, nhưng có lẽ khó có một ai phán xét nổi chất lượng ở đó là đáng giá "bảy triệu đồng hay 10 triệu đồng".
Một nội dung lớn khác của tài chính giáo dục: nền giáo dục Việt Nam đã đa dạng hóa loại hình đầu tư, hàng loạt ĐH-CĐ dân lập, tư thục đã ra đời trong suốt mười năm đổi mới. Tuy nhiên, cũng ngần ấy thời gian vấn đề lợi nhuận của khu vực này đã rất không rõ ràng: là trường "lợi nhuận" hay "phi lợi nhuận"? Bởi trên thế giới, ứng xử của Nhà nước giữa hai loại hình trường này rất khác nhau.
Một khi tài chính thiếu minh bạch sẽ ngáng trở rất lớn trong việc đánh giá hiệu quả, thiết lập kế hoạch đầu tư chính xác cũng như đóng góp của xã hội cho giáo dục.
Không lắng nghe và chưa thấu hiểu?
Có thể nói quá không: trong suốt hơn 10 năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới một cách quyết liệt, chưa bao giờ trên các diễn đàn giáo dục, các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân cũng như giới trí thức trong và ngoài nước ngừng nghỉ việc đóng góp ý kiến của mình để góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Điểm qua các kiến nghị về giáo dục của các nhóm trí thức lớn thời gian qua, có thể thấy năm 2004 GS Hoàng Tụy cùng 23 nhà khoa học khác đã gửi bản kiến nghị lên Trung ương Đảng, Thủ tướng Phan Văn Khải và Bộ trưởng Bộ GD-DT Nguyễn Minh Hiển kêu gọi cải cách giáo dục toàn diện và mạnh mẽ. Năm 2005, nhóm nhà khoa học Việt kiều gồm các giáo sư: Hồ Tú Bảo, Trần Nam Bình, Trần Hữu Dũng, Trần Văn Thọ, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt đã có đề án "Sử dụng trí thức Việt kiều để góp phần xây dựng giáo dục đại học chất lượng cao tại Việt Nam". Năm 2006 là bản kiến nghị của Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam về những vấn đề của giáo dục. Năm 2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra đề xuất "Đổi mới có tính cách mạng nền GD-ĐT của nước nhà". Năm 2008, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và 15 nhà quản lý và chuyên gia giáo dục như Trần Hồng Quân, Nguyễn Thị Tâm Đan, Nguyễn Minh Hiển, Chu Hảo, Đặng Quốc Bảo, Vũ Ngọc Hải, Phạm Phụ... cũng đã "Đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và đầy đủ".
Nhưng tiếc thay, tất cả như rơi vào "hố thẳm của im lặng"!
Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020 đã nhận định: công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác. Cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực của đất nước. Đạo đức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục còn thấp.
* Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
laotam
08-07-2010, 10:42 PM
Nhộn nhịp “chợ phao” trước giờ G
- Những ngày gần đây, các hàng quán photo có tiếng ở Tạ Quang Bửu, Trần Khát Chân, các ngõ gần trường ĐH KHXH & NV, ĐH Sư Phạm HN... trở nên đông đúc hơn thường lệ.
VietNamNet (http://vietnamnet.vn/giaoduc/201007/Nhon-nhip-cho-phao-truoc-gio-G-920996/)
150 đến 300 ngàn một bộ ba môn
Mặc dù xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi quay cóp nhưng phương pháp truyền thống (phô tô thu nhỏ tài liệu) vẫn là phương pháp đầu tiên mà nhiều sĩ tử tìm đến.
Nhiều năm nay, các tuyến phố nổi tiếng là chợ phao đã trở nên e dè lui vào hoạt động bí mật nhưng những ngày gần đây trở nên sôi động bởi có cầu ắt có cung. Giới học trò vẫn rỉ tai nhau các hàng, quán có tiếng ở Tạ Quang Bửu, Trần Khát Chân, các ngõ gần trường ĐH KHXH & NV, ĐH Sư Phạm HN…
Hầu hết các quán này đều là quán phô tô chỉ khi nào có khách hàng quen hoặc sau khi thăm dò cẩn thận mới dám đưa “thượng đế” đi chọn hàng.
Đặc biệt quán phô tô phía sau kí túc xá Đại học Quốc Gia Hà Nội còn rất cẩn thận khi cho khách xem hàng qua máy tính. Nếu khách ưng ý chủ quán mới bắt đầu cho in sau đó đóng bộ. Những tài liệu này được anh T. – chủ quán lưu vào máy tính với tên file “tài liệu mật”. Chủ quán này in thử một trang nếu khách cảm thấy ưng ý lúc này cuộc ngã giá mới bắt đầu.
Giá “phao” ở mỗi nơi mỗi khác nhau. Tuấn (một cậu bé giúp việc cho quán photo gần trường ĐH Sư phạm) rỉ tai với tôi: “Tiền nào của nấy chị ạ. “Bèo” nhất là phao ở Tạ Quang Bửu “mắc” nhất là khu vực gần trường ĐH Sư phạm HN và ĐH Quốc gia”.
Tôi đang chần chừ thì một cô bé chừng độ tuổi THPT vào, chủ quán không ngần ngại hét giá 150 nghìn/ 1 bộ gồm ba môn. Cô bé này kêu đắt thì anh chủ quán nói gần như hét: “Này, tài liệu đây đâu có phải vỏ hến đâu, muốn rẻ thì ra mấy hiệu cop y nguyên từ sách tham khảo ấy.
Đây là phần giảng của các thầy cô sư phạm có tiếng cả. Nhiều người mấy năm ra đề đại học đấy”. Cô bé này cũng cho tôi biết: “Em cũng hỏi quán kế bên đến 300 nghìn/ bộ”.
Cảnh giác cao độ
Các chủ quán đều “cảnh giác” cao độ với tất cả những người vào hỏi phao. Chiều ngày 7/8 chúng tôi có mặt tại một quán phô tô trên đường Tạ Quang Bửu trong lúc nhân viên của quán đang hối hả làm việc thì một cậu học sinh vào nói oang oang giữa quán: “Anh ơi, có bán phao khối C không làm cho em một kiểu ruột mèo hết bao nhiêu em cũng được”.
Cậu em họ cũng là học sinh THPT đi cùng tôi rỉ tai: “Hét to như thế chủ quán mà đưa ra khác gì bảo với tất cả mọi người lạy ông tôi ở bụi này”. Đúng như cậu em tôi dự đoán, ông chủ quán quát oang oang:
“Phao với chả thuyền gì ở đây. Đi đi cho người ta làm việc, đã nắng nóng lại còn quấy rầy nữa ai mà làm được”. Cậu học sinh ngẩn mặt tiu nghỉu sang quán khác.
Tuy nhiên, một lúc sau khi vãn khách trong quán tôi lại hỏi nhỏ thì chủ quán nhìn đầy dò xét rồi trả lời: “Ở đây không có muốn lấy thì để anh về nhà lấy cho”.
Giá phao ở đây "dễ thở" hơn, chỉ 75 nghìn/ bộ, các thượng đế đã “nắm chắc trong tay đề thi năm nay”. Anh chủ quán còn chắc như đóng đinh: “Đảm bảo là đề văn năm nay đấy, anh làm bao nhiêu năm chả lẽ lại bán đồ rởm cho em. Em tìm được chỗ nào giá rẻ hơn thì đến đây anh biếu không luôn”.
Hầu hết các chủ quán đều rất cảnh giác và trả lời hiện có phao ở quán nếu muốn lấy thì để về nhà đưa ra nhưng theo cậu em tôi tiết lộ thì có nhiều cửa hàng có phao tại chỗ nhưng phải làm thế để “nắn gân” xem có đúng là khách đến mua phao hay không.
Một số quán khác cẩn thận hơn không làm sẵn phao mà nếu khách có nhu cầu thì sẽ liên hệ qua điện thoại đặt chủ quán làm. Nội dung gì, kiểu phao nào…tất cả sẽ được giao dịch qua điện thoại.
Cách này chủ quán chỉ ưu tiên những khách hàng quen hoặc được người quen giới thiệu. M.N (một nữ sinh ở Cầu Giấy) cho biết: “Cách này tốn kém hơn nhưng phao rất chất lượng. Đợt thi tốt nghiệp vừa rồi lớp em cũng có mấy bạn đặt làm. Dùng được hay không phải tùy cơ ứng biến nhưng đưa phao đặt này vào bọn em yên tâm hơn”.
laotam
09-07-2010, 07:14 PM
Cả một nền giáo dục "không may"(!)
Tác giả: Hà Văn Thịnh
Nếu 30% máy cái bị hỏng thì sản phẩm tạo ra thuộc loại nào? Đây là câu hỏi không hề nhỏ vì đó là nỗi đáng lo đối với sự xuống cấp, thậm chí có phần "tha hóa" của một nền giáo dục nhìn đâu cũng thấy "dỏm".
Cả một nền giáo dục "không may"(!) (http://tuanvietnam.net/2010-07-07-ca-mot-nen-giao-duc-khong-may-)
Đọc bài báo của Tuần Việt Nam (26/6/2010) nói về chuyện ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ nói về chuyện "không may" của mình khi bỏ ra 17.000 USD để có bằng TS do một trường ĐH ở Mỹ cấp, mà không cần người học có kỹ năng nghe- đọc- nói tiếng Anh, một trường ĐH, theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) đặt tại...Malaysia, đã bị giải thể từ năm...2003, mà thật xót xa cho nhiều điều, nhiều chuyện của nền giáo dục nước nhà. Phải chăng cũng là nền giáo dục "không may"?
Ngành giáo dục...đùa dai và duy ý chí
Nhưng điều đáng buồn nhất, cả ngành giáo dục vẫn đang "tự sướng" vì kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa rồi đạt trên 90% (không ít tỉnh có số học sinh đậu từ 97-99%). Kết quả đó giống như một sự "đùa dai" vì ai cũng biết trong tất cả mọi hình thái, công đoạn của sự di truyền thì di truyền văn hóa - giáo dục luôn là điều khó khăn, phức tạp nhất.
Đức Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) có nói rằng trên đời có 3 điều không thể mua: đó là tình cảm chân thành, thời gian sống và...hiểu biết. Làm sao một nền giáo dục khủng hoảng và bất cập trầm trọng, chỉ trong thời gian ngắn, các điều kiện quyết định về chất lượng không cải thiện được bao nhiêu, mà lại có thể có một kết quả như từ trên trời rơi xuống?
Cứ 10 người dân thì 9 người không tin kết quả đó. Bởi ai cũng ngầm định, ngầm hiểu rằng để "hóa phép giả - thật" là điều dễ nhưng để có hiểu biết thật thì không dễ một chút nào. Không thể có chuyện một địa phương năm ngoái kém cỏi, bết bát trong chuyện thi cử mà năm nay lại "thăng hoa" một tấc đến trời, bởi giáo dục là một quá trình.
Điều buồn thứ hai, Bộ GD và ĐT vẫn bất chấp dư luận, "duy ý chí" khi biết rằng trong 65 năm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Cộng hòa XHCN Việt Nam chúng ta chỉ đào tạo được có 15.000 tiến sĩ. Thế nhưng, Bộ đã ký cái rụp đề án trong 10 năm tới sẽ có 20.000 TS - không biết để làm gì, với tổng kinh phí là 14.000 tỷ đồng- tương đương với 778 triệu USD.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, chỉ riêng việc đào tạo 10.000 TS ở nước ngoài, chi phí thấp nhất đã là 900 triệu USD. Vậy, lấy tiền đâu để bù vào khoản thiếu hụt 122 triệu USD đào tạo ở nước ngoài và vài trăm triệu USD nữa cho kinh phí đào tạo trong nước?
Kế hoạch gì kỳ cục vậy khi Bộ cứ ký, nhưng tiền không đủ, thiếu cả hàng trăm triệu USD? Đó là chưa nói đến việc số lượng TS "trên mây" nhiều như thế mà đất nước cứ đói nghèo, dân tộc cứ lẹt đẹt đi sau người ta thì đào tạo TS nhiều để làm gì?
Điều buồn thứ ba, cựu Thứ trưởng Bành Tiến Long cách đây mấy năm đã thừa nhận trước công luận rằng có đến 30% TS không đạt chuẩn - nói nôm na là "dỏm". Bộ GD và ĐT đã thừa nhận như thế nhưng tại sao vẫn chấp nhận thực tế ấy? Tại sao Bộ - cơ quan chủ quản lại không làm một cuộc thanh tra, sát hạch toàn diện về bằng cấp thật - giả để chấn chỉnh đội ngũ này?
Và tham vọng "cá chép" vượt "vũ môn"
Các TS đương nhiệm hiện nay, nhiều người có khả năng là những máy cái đào tạo ra nhiều thế hệ TS nữa cho nước nhà. Nếu 30% máy cái bị hỏng thì sản phẩm tạo ra thuộc loại nào? Đây là câu hỏi không hề nhỏ vì đó là nỗi đáng lo đối với sự xuống cấp, thậm chí có phần "tha hóa" của một nền giáo dục nhìn đâu cũng thấy "dỏm".
Nhưng, quả thật, nếu Bộ tổ chức được những cuộc khảo sát có chất lượng do những người có tâm huyết với nước, với ngành chịu trách nhiệm thì người viết bài này, e con số không dừng lại ở tỷ lệ 30%.
Những người có trách nhiệm của ngành có thấy đau buồn không khi ông GĐ Sở VH- TT- DL Nguyễn Ngọc Ân cho rằng cái sai của ông chỉ là do "không may" - có nghĩa là rất nhiều người may mắn "chưa bị lộ" vẫn có bằng cấp ấy, chức phận kia, nghênh ngang, chễm chệ làm xấu, làm hỏng nền học vấn của nước nhà?
Nếu muốn bàn thêm thì cái tư tưởng cố đấm ăn xôi với tham vọng là "cá chép" mong vượt "vũ môn" ở kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ sắp tới (như ông Ân nói) quả là vấn nạn đáng buồn cho đất nước này.
Bộ GD và ĐT vừa có Bộ trưởng mới. Là một giảng viên, tôi tin chắc xã hội, số đông các nhà giáo ở cơ sở đang chờ mong sự thay đổi quyết đoán, táo bạo và có hiệu quả, nhất là về cơ chế quản lý GD và ĐT của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Xin kiến nghị với Bộ trưởng, trước khi có được một nền giáo dục tốt đẹp, nhất thiết phải "thay máu" - thay đổi triết lý giáo dục. Phải làm sạch tất cả những sự dối trá - điều quyết định làm cho đất nước đã và đang tạo ra rất nhiều những con người dối trá và kém cỏi...
Mong mỏi lắm thay!
laotam
10-07-2010, 10:33 AM
Bằng cấp và năng lực có "đá" nhau?
Tác giả: Diệp Văn Sơn
Có học vị cao chưa chắc lãnh đạo giỏi mà thậm chí chưa chắc có đủ năng lực đòi hỏi đối với một công chức.
Bằng cấp và năng lực có "đá" nhau? (http://www.tuanvietnam.net/2010-07-09-bang-cap-va-nang-luc-co-da-nhau-)
Bằng cấp- tiêu chuẩn thăng tiến?
Tuần Việt Nam đang có chủ đề về bằng cấp tiến sĩ. Tôi xin góp thêm một số suy nghĩ xuất phát từ thực tiễn tuyển chọn và sử dụng người lao động của chúng ta, với mong muốn góp phần tìm mô hình quản lý công chức thực chất hơn.
Theo tôi, có học vị cao chưa chắc lãnh đạo giỏi mà thậm chí chưa chắc có đủ năng lực đòi hỏi đối với một công chức!
Rõ ràng là vấn nạn "bằng dỏm", tình trạng hữu danh vô thực là chuyện không phải của riêng ai, của một quốc gia nào, mà là vấn nạn có tính toàn cầu! Nhưng có điều xử lý và ngăn chặn không cho vấn nạn này có đất sống và hoành hành, thao túng trong các cơ quan công quyền lại là một chuyện khác đối với mỗi quốc gia.
Cơ chế quản lý xã hội chúng ta hiện nay đặt nặng một cách thái quá bằng cấp làm tiêu chuẩn thăng tiến, vô hình chung đã tạo điều kiện cho vấn nạn "bằng dỏm, bằng giả" có mảnh đất màu mỡ để tồn tại!
Người viết bài này đồng tình với ý kiến của Phó GS, TS Lê Đức Ngọc, (Giám đốc Trung tâm Kiểm định, đo lường và đánh giá chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường ĐH- CĐ ngoài công lập VN): "Về việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, phải nhận rõ đây mới là "giấy chứng nhận trình độ học vấn". Còn năng lực của người có văn bằng, chứng chỉ đó là một việc có thể không tương ứng. Vì vậy, việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ chỉ nên là điều kiện cần để xem xét tuyển chọn và phân công trách nhiệm ban đầu mà thôi. Trong thực tiễn, sau thời gian thử việc, bao giờ cũng có sự tuyển dụng hay phân công trách nhiệm lại, phù hợp với năng lực thực chất".
Qua nghiên cứu cho thấy, có 4 loại năng lực cơ bản cần cho công chức, giúp họ có khả năng hoàn thành nhiệm vụ một cách chủ động và sáng tạo trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay và tương lai. Đó là:
Năng lực tư duy: - Khả năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, nhận biết vấn đề. Hiểu nguyên nhân của vấn đề cần được xử lý, giải quyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc.
- Khả năng lập luận, phân tích và nhận thức một cách linh hoạt, tiếp cận khách quan vấn đề theo nhiều cách, nhiều góc độ khác nhau, hiểu được tính logic, tính hệ thống khi xem xét, nghiên cứu vấn đề.
- Khả năng đưa ra ý tưởng, giải pháp, cách làm để giải quyết vấn đề, thực thi nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, thích hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện trong thực tiễn.
- Khả năng tư duy chiến lược, tầm nhìn và hướng đến tương lai.
Năng lực hành động: - Khả năng tổ chức thực hiện công việc hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện thực tiễn phức tạp.
- Khả năng tổ chức và thực hiện công việc một cách chủ động, tự tin, linh hoạt và thành thạo.
- Khả năng xử lý các vấn đề phát sinh một cách thích hợp, hiệu quả trong quá trình thực hiện.
- Khả năng tự chủ, hoàn thành công việc một cách hiệu quả; biết cách khắc phục những khó khăn để hoàn thành.
- Khả năng chịu trách nhiệm trong công việc, bảo đảm không để xảy ra sai sót.
- Khả năng liên kết, phối hợp trong thực thi nhiệm vụ
Năng lực quan hệ, giao tiếp, thuyết phục, lãnh đạo, làm việc với người khác: - Khả năng quan hệ với mọi người trong quá trình thực hiện công việc, hướng đến khách hàng.
- Khả năng giao tiếp hiệu quả, thuyết phục, truyền cảm hứng cho mọi người để cùng thực hiện tốt nhất công việc
- Khả năng hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích người khác cùng hoàn thành công việc
- Khả năng xây dựng niềm tin cho người khác khi cùng thực hiện nhiệm vụ.
- Khả năng lãnh đạo, gây ảnh hưởng đến người khác, hướng các nỗ lực tập thể thông qua việc thu hút được sự ủng hộ, tán thành của các thành viên trong đơn vị đối với tầm nhìn của tổ chức, khiến cho họ cùng cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt công việc.
Năng lực tiếp thu, đổi mới, sáng tạo và phát triển: - Khả năng liên tục cập nhật thông tin, tiếp thu kiến thức và học tập trong quá trình thực hiện công việc, luôn tìm tòi những ý tưởng mới.
- Khả năng đổi mới, sáng tạo trong cách thức thực hiện công việc và giao tiếp với mọi người,có khát vọng.
Những khả năng này rõ ràng là trong quá trình học và làm nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ chưa hẳn đã được dạy hoặc tích lũy được, huống chi các tiến sĩ "dỏm". Thế nhưng ở ta, do tư duy trọng bằng cấp thái quá tạo điều kiện cho loại tiến sĩ "dỏm" này leo cao!
Nếu người được tuyển chỉ biết "nhai lại"...
Có thể nói lâu nay ta chưa có một hệ thống tiến cử, tuyển chọn người tài công tâm, dân chủ và khoa học.
Thiết nghĩ, nếu muốn có một đội ngũ công chức có năng lực thật sự cần tổ chức thi tuyển đầu vào nghiêm ngặt, dân chủ, khoa học và khách quan hơn. Nên chăng tổ chức những cơ quan độc lập lo việc thi tuyển công chức. Dựa vào kết quả thi tuyển, cơ quan cần tuyển dụng chiếu theo yêu cầu, tiêu chí của cơ quan mình để chọn lựa tuyển dụng.
Ngoài ra, đối với các chức vụ lãnh đạo, cần tổ chức thi tuyển "cạnh tranh" vào một chức danh nào đó. Trước mắt cho thí điểm thi trưởng, phó phòng, dần dần mở rộng đến phó, chánh giám đốc sở, vụ trưởng, vụ phó, cục trưởng, cục phó...Bổ sung "Chế định sát hạch công chức" định kỳ hoặc đột xuất.
Đã đến lúc chúng ta phải làm quen "công nghệ mới" bổ sung cho hệ thống tuyển chọn nhân sự cao cấp để quy hoạch thông qua áp dụng tiêu chí đánh giá qua chỉ số thông minh IQ (Intelligent Quotient) và chỉ số cảm xúc EQ (Emotinal Quotient).
Trong thực tiễn quản lý, nhất là ở tầm hoạch định chính sách, nhiều vấn đề phát sinh không có trong sách vở, trong các thông lệ. Hơn nữa, công cuộc đổi mới cũng như cải cách hành chính và những vấn đề bức xúc của Nhà nước ta chưa có tiền lệ. Vì thế, nếu người được tuyển chỉ biết "nhai lại" mà chỉ số thông minh thấp thì khó có khả năng đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc có tính đột phá.
Việc đòi hỏi công chức trong một thời gian phải có bằng cấp cao vô hình chung làm bùng nổ vấn nạn "mua bằng, bằng giả" hay "học giả bằng thật".
Ở Việt Nam ta, đã có không ít các bậc trí thức lớn, thực tài nhưng bằng cấp rất khiêm tốn. Ví dụ, GS Tôn Thất Tùng (bác sĩ), GS Tạ Quang Bửu (cử nhân), GS Trần Đại Nghĩa (kỹ sư)...Các vị mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến đất Việt.
Lao động của công chức là loại hình lao động đặc biệt vì thế nó phải được điều chỉnh một cách đặc biệt không thể đồng nhất với các loại hình lao động khác. Muốn làm công chức phải chấp nhận "luật chơi nghiêm khắc hơn".
Vấn đề còn lại ở đây là chế độ đãi ngộ vật chất cũng như tinh thần phải tương xứng với "luật chơi" đó để bảo đảm thu hút lao động giỏi vào cơ quan công quyền.
Theo kinh nghiệm nhiều nước, cần nhanh chóng bãi bỏ chế độ tuyển dụng công chức suốt đời. Nước Nhật là quốc gia điển hình về áp dụng chế độ tuyển dụng công chức suốt đời, nhưng qua trên chục năm liên tục suy thoái kinh tế đã ngộ ra, một trong những nguyên nhân đưa đến sự trì trệ là do áp dụng chế độ này.
Trung Quốc có những nét khá tương đồng với ta về chủ trương bao cấp trong thực thi chế độ nhân sự. Nhưng để phát triển, vì nhu cầu tăng trưởng cao, họ đã không ngần ngại bỏ "chế độ biên chế" đối với mọi loại hình lao động kể cả cán bộ, công chức để thực hiện "chế độ hợp đồng linh hoạt".
Có làm được những điều trên, chúng ta mới mong có một đội ngũ công chức đủ phẩm chất và năng lực, làm việc thưc sự chuyên nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn "bằng dỏm, bằng thật học giả" lâu nay làm nhức nhối xã hội.
Powered by vBulletin® Version 4.2.1 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.