View Full Version : Những nghệ nhân đất Thăng Long xưa và nay
laotam
01-08-2010, 04:44 PM
Ông Khang “đệ nhất” chữa Phéc-mơ-tuya đất Hà Thành
VietNamNet (http://vietnamnet.vn/xahoi/201008/Ong-Khang-de-nhat-chua-Phecmotuya-dat-Ha-Thanh-926032/)
- Đối với nhiều người, ông già tên Khang ngồi ở vỉa hè số 61 Hàng Đường xứng đáng với danh phong “đệ nhất chữa phéc-mơ-tuya đất Hà Thành”.
Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Hữu Khang, tuổi nay đã ngoài thất thập. Đã rất lâu rồi, từ những năm 60 đến nay, ông Khang ngồi chữa phéc-mơ-tuya ở số 61 Hàng Đường (Hà Nội). Chính xác hơn, ông ngồi trên vỉa hè, thẳng với bức tường của nhà số 61, kẹp giữa hai cửa hàng bán quần áo đầy màu sắc.
Đồ nghề gồm có: 1 cái tủ gỗ nhỏ, rộng chừng 60cm- bên trong chứa lỉnh kỉnh những kìm và dao rọc giấy, kim chỉ và cả kính lão. Bên trên nóc tủ để cái quạt con cóc màu xanh chạy vè vè, mà chủ nhân của nó mua từ hồi chỉ có…35 đồng. Ngoài ra là một cái ghế xếp có tựa lưng để ông Khang ngồi.
Tất tật chỉ có thế, ấy thế mà ông Khang có thể tồn tại được với nghề chữa khoá kéo đến tận bây giờ (trong khi những nghề cùng thời như: khắc bút Bờ Hồ, hàn dép…giờ chỉ còn trong dĩ vãng).
Mà khách hàng của ông thì lắm khi đối nghịch hoàn toàn với “ông già cổ lỗ sĩ”: Một cô gái trẻ, xinh xắn phóng xe máy xịch đến, giơ ra cái túi Louis Vuitton: “Bác ơi, cái khoá túi này kéo toàn trượt, sửa giúp cháu với”. Ông Khang giơ tay nhận túi, gật đầu “Cháu đợi 15 phút nhé”.
Không có chỗ ngồi, cô gái dựng luôn chiếc Liberty màu trắng sành điệu dưới lòng đường, ngồi vắt chéo, khoe chân dài miên man trong chiếc quần sóc ngắn…đợi. Đúng 15 phút sau, chiếc khoá đã có thể kéo qua lại ngon lành, ông Khang chỉ lấy 20 nghìn đồng tiền công sửa.
Kể cũng lạ, trong cái thời buổi mà hàng thời trang như balô, túi, áo..bày bán ê hề, chưa kể là phéc-mơ-tuya mới tinh của Trung Quốc được bán theo…bó, chỉ cần vài đường khâu máy là xong thì vẫn có nhiều người tìm đến cái số 61 Hàng Đường này để sửa khoá kéo: Ông già bà cả hay hoài niệm, cố giữ lại những chiếc túi chứa đầy kỷ niệm; giới trẻ như cô gái trên thì muốn giữ chất zin cho món đồ của mình…
Thực ra ở Hà Nội người ta có thể tìm đến phố Hà Trung- ở đó cũng có rất nhiều cửa hàng nhận sửa khoá kéo, nhưng đến với ông Khang, người ta còn được ông…bảo hành cho chính cái khoá kéo vừa sửa.
Không tem, nhãn gì song chỉ cần liếc mắt ông đã biết cái túi này từng qua tay mình hay chưa. Hầu như không bao giờ ông khuyên người ta thay khoá mới, dù cho cái khoá cũ đã hở đến cả chục răng.
Còn nhiều tình tiết có thể kể về sự lành nghề của ông Khang: Sau khi dỡ cái khoá cũ ra chữa, rồi may lại, bao giờ ông cũng khâu sao cho mũi kim mới phải đi đúng vào cái lỗ của đường chỉ cũ để đảm bảo thẩm mĩ; thậm chí không cần nhìn (ví dụ như buổi tối mất điện) ông vẫn có thể cấy lại từng răng túi như thường…
Chữa xong, bao giờ ông cũng hơ lửa, bôi nến lên khoá túi, khoá balô, khoá quần áo cẩn thận rồi mới giao cho khách, và không quên dặn họ cách sử dụng để cái phéc-mơ-tuya được bền. Quan trọng nữa là ông lấy công chữa rất rẻ, không vì một cái túi trị giá cả nghìn USD mà “chặt chém” quá 20 nghìn đồng.
Chính sự tận tâm với nghề ấy trong suốt nửa thế kỷ đã đem lại lượng khách lớn cho ông Khang: nhiều khi khách đến đứng đợi ông đầy lòng đường (cũng vì ông ít nhận để túi lại) còn đông hơn cả 2 cửa hàng quần áo bên cạnh.
Quả, ông thực xứng với danh phong “đệ nhất sửa phéc-mơ-tuya đất Hà Thành”.
*
Đỗ Minh
laotam
01-08-2010, 04:46 PM
Nghệ nhân tranh thêu tài hoa của Hà Nội
Nghệ nhân tranh thêu tài hoa của Hà Nội - Văn hoá - CAND.com.vn (http://cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=132765)
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, thôn Quất Động, xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội - người đã gắn bó với nghề thêu hơn nửa thế kỷ tâm sự rằng, nghề làm tranh thêu đã chọn ông và ông vui với nghề, say với nghề. Giờ ông lão gần 70 tuổi ấy điều hành Công ty CP thêu tay Quốc Sự, nằm bên lề đường Quốc lộ 1, tại xã Quất Động, có chi nhánh ở số 2C Lý Quốc Sư Hà Nội.
Quốc Sự được đánh giá là Công ty sản xuất hàng thêu tay hàng đầu Việt Nam. Riêng nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, được mệnh danh là người "vẽ tranh bằng chỉ". Bởi những bức tranh được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của ông, khiến người xem tưởng nó được vẽ bởi một họa sĩ tài hoa bậc nhất. Những đường nét, những khóe môi cười, ánh mắt... của nhân vật đều có hồn, có sự đằm thắm, nhuần nhuyễn lạ kỳ.
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự sinh năm 1942, trong gia đình có truyền thống làm nghề thêu ren ở xã Quất Động. Ngày nhỏ Quốc Sự cũng như bao cậu bé khác học nghề thêu từ lúc 10 tuổi để phụ giúp gia đình. Sự được nhận vào làm cán bộ kỹ thuật, người trẻ nhất của Hợp tác xã thêu Hợp Tiến được thành lập trên địa bàn xã.
Vào năm 1972, trong một chuyến về thăm xã Quất Động, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn rất thích những bức tranh thêu. Người nói: "Xã Quất Động thêu giỏi, nhưng chưa có ai thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh". Tổng Bí Thư động viên các nghệ nhân hãy thêu chân dung Bác. Lúc đó, Sự nghe được, trong lòng liền ấp ủ những dự định. Sự được cử đi học thêm lớp hội họa để nâng cao kiến thức. Học xong, Sự thêu bức tranh đầu tay về Bác Hồ và thành công. Giờ bức tranh đó vẫn được lưu giữ tại gia đình, để nhắc nhớ về một kỷ niệm lớn.
Có thể nói, bức Chân dung Bác Hồ là bức tranh thêu để đời của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự. Từ khóe mắt, đến nụ cười hay chòm râu của Bác Hồ đều rất sống động khiến cho người ta tưởng đó là một bức ảnh chụp chân dung. Hơn nữa, cái thần thái của Bác được khắc họa một cách sống động, tỉ mỉ mà ít nghệ nhân làm được.
Ông sự nói: "Để thêu được bức chân dung này, tôi đã mất gần một năm trời ròng rã, đêm nằm ngủ cũng bị ám ảnh về từng nét trên khuôn mặt Bác. Có lúc thêu rồi lại tháo ra, mà thêu đã khó khi gỡ lại càng khó hơn, bởi gỡ từng sợi chỉ là điều cực kì phức tạp. Tranh được thêu hoàn toàn bằng chỉ tơ tằm, với loại sợi đặc biệt, kết hợp với kỹ thuật tài hoa và lòng kính trọng, lòng yêu nghề”.
Người nghệ nhân già cũng tâm sự thêm rằng, giai đoạn tỉa tót, chỉnh sửa của tranh là khó nhất. Khi thêu chân dung, là phải làm kỳ công, cho thật đúng và trúng, nếu không thì bỏ đi ngay. Giờ, loại hàng tranh thêu tay vẫn được bán đầy trên thị trường, nhưng để tìm được những bức tranh có hồn thì không đơn giản.
Những bức tranh thêu của ông Sự thật sống động, mềm mại tự nhiên và có sức hấp dẫn làm lay động lòng người. Các đề tài phong phú và đa dạng trong cuộc sống đều được ông phản ánh rõ nét thông qua hình tượng là những bức tranh thêu tay với đường nét tinh tế, cách phối màu sinh động. Cả cuộc đời ông, có lẽ tranh chân dung tốn nhiều công sức và khiến ông trăn trở nhất. Thêu chân dung là phải giữ được cái hồn, cái thần, hình khối. Không được béo, gầy. Ngày nay, có nhiều người thêu chân dung Bác Hồ nhưng không có người thành công.
Riêng bức thêu "Nàng Mona Lisa" của Leonardo Da Vinci, được đánh giá là đẹp đến kỳ diệu, ông Sự đã dùng cả trăm màu chỉ mới thêu được. Ông phải bỏ ra gần 3 năm trời mới thêu xong. Một "tay chơi" đã gạ gẫm gần 300 triệu để mua, nhưng ông Sự chưa ưng bán. Nhiều du khách nước ngoài đến thăm, cũng thấy ngạc nhiên. Họ từng được nhiều bức tranh chép, nhưng tranh thêu mà làm được như ông Sự thì thật tài tình. Cái khó của nghề thêu còn phải dựa vào cảm giác của người nghệ nhân. Bởi vì, khi thêu, nghệ nhân phải cúi sát vào phông vải, tầm bao quát bị giảm nên dễ gây ra sự mất cân đối. Ông Sự nói: "Tôi khác với các thợ thêu khác bởi đã được học căn bản về hội họa. Phải hiểu rõ cơ mặt biểu hiện trên khuôn mặt như thế nào, chẳng hạn tìm được đúng điểm cơ rung trên mặt một người đang cười để thêu cho đúng thì mới thể hiện được nụ cười của người ta".
Những sản phẩm tranh thêu của Nguyễn Quốc Sự được bán tại thị trường trong nước và các nước bạn như các nước Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ, Đông Nam Á... Ông bảo mình không làm "hàng chợ", việc thêu tranh tốn nhiều thời gian, nên ông không ký những hợp đồng lớn. Cảm hứng để làm thành những bức chân dung, phong cảnh được góp từ tình yêu của người nghệ nhân theo ngày tháng.
Ngoài làm nghề, ông Sự còn làm công tác giảng dạy. Ngay từ năm 1975, đã có thời gian Liên xã Trung ương điều động ông về Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế để dạy thêu. Giờ không còn giảng dạy tại các lớp đào tạo thủ công mỹ nghệ, nhưng ông vẫn thường xuyên hướng dẫn cho những ai muốn đến học nghề và chỉ bảo những người thợ làm trong nhà cũng như con cháu mình tận tình. Học trò nhiều người đã thành những người thợ nổi tiếng, những chủ doanh nghiệp thêu có vị trí nhất định trong làng tranh thêu nước nhà. Ông vẫn mở cửa rộng đón con em trong làng đến học nghề, ông trả lương học nghề, học xong ông lại bố trí việc làm.
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã đạt được nhiều giải thưởng và được biết đến khắp trong và ngoài nước. Niềm vinh quang đến với ông lần đầu tiên vào năm 1981 khi Cục Đào tạo, Liên xã Trung ương và Trường Mỹ Nghệ duyệt tác phẩm thêu "Nhà sàn Bác Hồ" của ông để tham dự triển lãm Olimpic tại Liên Xô (cũ). Với tác phẩm này, Nguyễn Quốc Sự giành được giải thưởng và được tặng thưởng Huân chương Lê-nin, Bằng khen của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và sau đó là Huy chương Vàng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Năm 1983, ông tham gia triển lãm tại Giảng Võ - Hà Nội và đoạt Huy chương vàng. Cũng vào năm này, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân cao quý
Nguyễn Văn Hoan
laotam
01-08-2010, 04:50 PM
Nghệ nhân đất nung
HÀ NỘI :: Xem chủ đề - Tôn vinh nghệ nhân đất Thăng Long (http://diendan.nguoihanoi.net/viewtopic.php?p=5300)
Từ ngày 6 -11.10, tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam (số 2 Hoa Lư - Vân Hồ - Hà Nội) đã diễn ra "Ngày hội nghệ nhân, thợ giỏi Thăng Long - Hà Nội 2004". Gần 300 tác phẩm, sản phẩm, cổ vật được trưng bày tại triển lãm đã phần nào giới thiệu lịch sử, văn hoá đất Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử Khu triển lãm giới thiệu nhiều tác phẩm, sản phẩm, cổ vật như: Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn (bản phục chế); hình ảnh, hiện vật Hoàng thành Thăng Long; trống đồng Đông Sơn; các bộ sưu tập, cổ vật đời Lý - Trần... Điểm nổi bật của triển lãm lần này là các sản phẩm kiệt tác của các nghệ nhân với các tác phẩm điêu khắc gỗ, gốm sứ, hoa lụa, đồ đồng, tượng đất nung, thêu ren... có giá trị. Đó là những bức tranh bằng lá về phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột, ô Quan Chưởng, rừng thu của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu; những sản phẩm trống đồng, tượng đồng của nghệ nhân Lê Khang. Làng gốm sứ Bát Tràng cũng đưa đến hội chợ hàng chục sản phẩm gốm sứ tiêu biểu như: Bát men ngọc khắc hoa, mặt trống đồng, lọ gốm, rùa gốm, choé gốm có nắp... Nghệ nhân Trần Độ cho biết: "Nghề làm gốm cổ truyền Bát Tràng được truyền từ đời này sang đời khác nhưng vẫn luôn giữ được những nét tinh tuý truyền thống. Mặc dù, thị trường hiện nay có rất nhiều các sản phẩm gốm với đủ kiểu dáng và màu sắc khác nhau, nhưng chúng tôi không ngại phải cạnh tranh, vì gốm Bát Tràng vẫn luôn giữ được giá trị"...
Trong khuôn khổ "Ngày hội nghệ nhân, thợ giỏi Thăng Long- Hà Nội 2004", ngày 8.10 cũng đã diễn ra Hội thảo "Nghệ nhân, thợ giỏi Thăng Long - Hà Nội với việc bảo tồn phát triển nghề thủ công truyền thống". Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nghệ nhân bày tỏ tâm sự, nguyện vọng của mình. Điều mà các nghệ nhân lo lắng nhất hiện nay là tìm được người truyền nghề, kế cận nghề cho mình. Nghệ nhân Đố Xuân Lâm tâm sự: " Tôi có nhiều con và chúng đã thành đạt nhưng chúng không hợp với nghề này. Tôi có cố cũng không được". Theo ý kiến của Ban tổ chức, mục đích của hội thảo là muốn có một chính sách thoả đáng cho nghệ nhân để họ phát triển nghề, truyền bá những bí quyết làm nghề, để ngày càng có nhiều nghệ nhân trẻ. Ban tổ chức cũng cho biết, từ năm 1972 - 2003, đã có 5 đợt xét duyệt và phong tặng danh hiệu nghệ nhân với 60 nghệ nhân Hà Nội được phong tặng danh hiệu nghệ nhân đất Thăng Long- Hà Nội.
NGUYỄN HIỀN _LAO ĐỘNG
laotam
01-08-2010, 04:51 PM
Nghệ nhân chạm gỗ
LÀNG NGHỀ CHẠM KHẮC GỖ PHÙ KHÊ (http://phukhe.village.vn/news_detail/3923/8851/nguoi-dua-nghe-cham-tro-thang-hoa.html)
Từ những khúc gỗ sần sùi, thô ráp tưởng chỉ để làm củi được trai làng Phù Khê đục, tỉa, gọt, nạo để tạo ra những pho tượng, bức tranh mỹ nghệ đẹp mê hồn. Những pho tượng, bức tranh ấy được xuất khẩu đi Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ... và mang lại thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Thế mà cách đây hơn 50 năm, nghề này đã bị người làng... bỏ quên.
Bỏ phố về làng dựng lại nghề cổ
Cứ theo nhịp sống sôi động hiện nay ở làng chạm trổ Phù Khê thì ít ai biết trước đây hơn 50 năm, nghề chạm trổ của làng lâm cảnh khốn cùng. "Nếu không có bàn tay và sự tâm huyết phục dựng của nghệ nhân Nguyễn Kim thì nghề chạm trổ đã bị mai một rồi" - anh Dự (một thợ cả) bùi ngùi. Theo lời anh Dự, tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Kim. Trong phòng căn phòng trưng bày rất nhiều tượng và tranh mỹ nghệ, ông nghệ nhân già ngồi hồi tưởng lại những năm tháng khốn khó của nghề. Ông kể nghề chạm trổ làng ông có cách đây ngót 2.000 năm, Phù Khê được coi là đất thợ của Kinh Đô. Hiện nay, đình làng vẫn còn thờ 7 cụ tổ của 7 nghề, trong đó có cụ tổ nghề chạm trổ. Thế nhưng hậu quả của hàng chục năm thực dân Pháp đô hộ đã làm cho làng nghề xơ xác. Nhiều nghệ nhân trước khi mất đã không kịp truyền lại nghề cho con cháu. Nghề mất lúc nào không ai hay...Phải mãi đến năm 1962, lãnh đạo thành phố Hà Nội là ông Trần Sâm giao trọng trách cho ông Nguyễn Kim về làng bằng mọi cách khôi phục lại nghề cổ của ông cha. Ông Nguyễn Kim xót xa khi nhìn thấy cảnh cả làng không còn ai biết đục, gọt nữa. Sau nhiều năm cùng bố làm nghề ở phố Hàm Long, Hà Nội, ông quyết định bỏ phố về làng để gây dựng lại nghề. Ông đã gặp rất nhiều khó khăn. Địa điểm lúc đó không có, ông phải mượn sân đình của làng để "dựng trường". Các loại dụng cụ thiết yếu như đục móng, đục xén, đục chàng cho thợ, ông phải vất vả tìm sắt và rèn lấy. Nhiều loại đục có cấu tạo phức tạp như tỉa không thể tự rèn, ông quốc bộ hàng chục cây số để mua. Vượt qua những thiếu thốn về vật chất, ông chiêu mộ thanh niên trong làng và các vùng lân cận đến học nghề.Khó nhất với ông là phải đào tạo một lúc hàng chục người. Ngày xưa, các cụ chỉ truyền nghề theo kiểu dạy kèm. Nghĩa là một thầy một thợ chứ không dạy một lúc nhiều người. Một giáo án đào tạo nghề chạm trổ đầu tiên do ông soạn thảo ra đời. Ông đặc biệt chú ý đến các tiêu chí tuyển sinh: Bước đi thanh thoát, nhẹ nhàng, đôi tay phải khéo léo, mắt cân đối vì hình nhân như hình tượng và yêu nghề. Lần lượt, học sinh được học về nghệ thuật tạo hình, học vẽ và thực hành. Ông còn sang cả Trung Quốc học hỏi.Qua 6 khoá đào tạo, ông cho "ra lò" 300 thợ cả. Từ 300 trăm người thợ cả đầu tiên này, họ lại tiếp tục là những người thầy sinh ra lớp lớp những thế hệ thợ tiếp theo. Hiện nay làng Phù Khê có 2 nghệ nhân, hơn 400 thợ cả, trẻ em 14-15 tuổi đã có tay nghề cứng. Để bảo tồn nghề, hàng năm, vào đúng hội làng 12 tháng giêng, trai tráng trong làng háo hức tụ họp ở sân đình thi tài. Ban giám khảo phát cho mỗi thí sinh một khúc gỗ có kích cỡ khác nhau, rồi để các thí sinh mặc sức sáng tạo. Tiêu chí chấm giải là nhanh, đẹp, ý tưởng mới lạ, độc đáo. Ông Kim trầm ngâm: "Đó vừa bồi đắp ý thức bảo tồn nghề, vừa hướng cho thế hệ trẻ cần cù, sáng tạo để đạt tới đỉnh cao trong nghề nghiệp như uy danh của ông cha trong câu ca dao: "Hà Nội thêu quạt, thêu cờ - Phù Khê chạm trổ ngai thờ nhà vua"...
Sống cạnh chuồng hổ
Thuở nhỏ, ông Kim đã thể hiện mình là một cậu bé có năng khiếu đặc biệt trong nghề chạm trổ. Nhiều cụ già ở làng Phù Khê còn nhắc chuyện: Cậu bé Kim thường ngồi một mình nặn những pho tượng bằng đất giống như tượng gỗ của bố làm. Mới 14 tuổi, ông Kim đã theo cha ra Hà Nội làm nghề. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, mọi người đi sơ tán nhưng cha con ông vẫn cố bám trụ ở Hà Nội. Hơn 50 năm trong nghề chạm trổ, nghệ nhân Kim cho ra đời nhiều tác phẩm lớn, có ý nghĩa chính trị, lịch sử như tác phẩm: Chân dung đồng chí Nguyễn Văn Cừ, hay tượng danh tướng Lý Thường Kiệt cao 1,80 mét làm bằng chất liệu gỗ mít. Ông tâm sự: "Nghệ nhân là một nghệ sĩ đa tài, do vậy phải hiểu được tâm tư, tình cảm của nhân vật (bức tượng), phải thuộc lòng bản chất, hành động của nhân vật đó". Để thể hiện thành công bức tượng Đạt ma Sư tổ, nghệ nhân Nguyễn Kim bắt đầu từ việc tìm hiểu tiểu sử, tính cách đến nghiên cứu hình dáng, nét mặt. Hơn 1 năm đổ mồ hôi, ông mới hoàn thành bức tượng này. Vừa rồi có một Việt kiều trả bức tượng 8.000USD.Khó nhất là lần tạc tượng sư cụ Kim Tử - trụ trì chùa Trấn Quốc, Hà Nội. Trong quá khứ, nghệ nhân Nguyễn Kim chưa bao giờ thể hiện một tác phẩm mang tính chất truyền thần như lần này. Chưa bao giờ ông tạc một nhân vật khi đang còn sống. Sau 2 năm 20 ngày tận tâm, tận lực, tận tài, bức tượng sư cụ Kim Tử được hoàn thành. Bức tượng là kết tinh của tài năng và tâm huyết của nghệ nhân Kim.Ông Nguyễn Kim còn nhớ như in lần ông tạc 12 con hổ cho bác Trường Chinh làm quà tặng để thăm 12 nước: "Tôi phải ra vườn bách thảo Hà Nội ăn ngủ 3 tháng cạnh chuồng hổ, quan sát từng bước đi, xem nó căm giận, hờn giận, cáu kỉnh ra sao. Rồi nát óc nghiên cứu tranh hổ ở thư viện Quốc gia". Khi làm xong 12 con hổ, gửi lên cho bác Trường Chinh duyệt, bác thấy đẹp quá liền bảo nghệ nhân Nguyễn Kim làm thêm 1 con nữa tặng bác. Khó có nghệ nhân nào lại say mê nghề như ông. Khi bắt tay vào làm bất cứ tác phẩm nào, ông đều hy sinh, cống hiến hết mình cho nghệ thuật chạm trổ.Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề chạm trổ. Ngày xưa, ông nội của nghệ nhân Nguyễn Kim từng được triều đình nhà Nguyễn phong là đầu mục, là nghệ nhân giỏi nhất vùng Kinh Bắc. Bố ông cũng là một nghệ nhân có tiếng ở đất Hà thành. Ngày nay, ông Nguyễn Kim là người kế nghiệp tổ tiên, được Nhà nước suy tôn là nghệ nhân. Ba người con trai của ông đều theo nghiệp tổ. Anh con trai trưởng của ông vừa được phong tặng nghệ nhân Hà Nội. Hai anh con trai út cũng đang nộp hồ sơ để được tặng danh hiệu nghệ nhân. Ông Nguyễn Kim xúc động: "Tôi luôn dạy con cháu trong gia đình phải khép mình vào sự khắt khe, không dễ dãi với gì mình có, học hỏi trong nghề nghiệp. Tôi lấy tượng La Hán chùa Tây Phương và tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt để răn con cháu trong nhà...".Những sản phẩm chạm trổ do gia đình nghệ nhân Nguyễn Kim làm ra được giới chơi đồ cổ Bắc Ninh săn tìm. Nhiều mẫu mã ông ra trước kia đến bây giờ vẫn còn mới. Nhà nghệ nhân Nguyễn Kim hiện đang lưu giữ hơn 100 mẫu các loại: Tượng, tranh.... Khách nước ngoài thường xuyên gọi điện về nhà nghệ nhân Nguyễn Kim đặt hàng. Ông Lại Chính Nghĩa người Đài Bắc (Đài Loan) biểu lộ sự yêu mến và kính phục nghệ nhân Nguyễn Kim bằng bức đại tự "điêu trác thắng thú" (đi du lịch là thú vui, nhưng ngắm những tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Kim còn vui hơn).
laotam
01-08-2010, 04:54 PM
Nghệ nhân chạm gỗ
Làng chạm khắc gỗ Thiết Ứng -- 1000 Years Thang Long (VietNamPlus) (http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Lang-cham-khac-go-Thiet-Ung/20106/1940.vnplus)
Làng chạm khắc gỗ Thiết Ứng
Cách Hà Nội hơn 20km về hướng bắc, có một làng nghề cổ chuyên làm nghề chạm khắc gỗ, mà từ bao đời nay, câu chuyện về cụ tổ nghề Phó Sần, người đã có công đầu dựng nhà cho đức Tản Viên sơn Thánh với những mảnh gỗ chạm trổ hình rồng, cá, những tàn binh bại tướng của Thủy Tinh vẫn còn lưu truyền mãi. Đó là làng Thiết Ứng, thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Không ai biết cụ Phó Sần là ai, là người như thế nào, chỉ biết rằng, cụ chính là người đầu tiên truyền bí kíp nghề nghiệp cho làng Thiết Ứng để hôm nay, người Hà Nội, cũng như khách du lịch bốn phương mới có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm chạm khảm gỗ giả cổ tinh xảo, sống động, đầy tính nghệ thuật của nghệ nhân làng Thiết Ứng.
Trong tiềm thức của những người dân Thiết Ứng, nghề chạm khắc gỗ dường như cũng song hành cùng lịch sử hình thành và phát triển của làng.
Xưa kia, những sản phẩm chạm khắc gỗ của Thiết Ứng nổi tiếng đến nỗi, chúng được trưng bày ở khắp các phố Hàng Trống, Hàng Khay và Hàng Đàn. Phố Hàng Khay bán các loại khay chén, tráp, hộp trầu, hộp đựng trang sức, còn phố Hàng Trống và phố Hàng Đàn, Hàng Quạt là nơi người thợ vừa làm vừa bán các sản phẩm sập, gụ, tủ chè, án thư, tràng kỷ, hương án, long đình...
Nhiều thợ giỏi của làng Thiết Ứng đã được triệu vào cung để tham gia trang trí, xây dựng cung điện, lăng tẩm cho các bậc vua chúa thời Nguyễn. Nhiều người trong số họ được triều đình Huế và thống sứ Bắc Ninh phong hàm Bá hộ cửu phẩm, tiêu biểu là cụ Hàm Ân, một thợ giỏi của làng đã được trưng dụng vào làm tại kinh đô Huế, sau khi công việc hoàn tất, cụ Ân được phong chức tri huyện nhưng vì muốn theo nghề, cụ đã từ chối và trở ra Hà Nội mở cửa hàng buôn bán ở phố hàng Bông.
Giờ đây, những con người ấy đã trở thành thiên cổ nhưng nghề chạm khắc gỗ cùng những bí quyết gia truyền thì vẫn còn tồn tại mãi với thời gian, như một minh chứng hùng hồn cho sức sống lâu bền của những làng nghề cổ như làng Thiết Ứng.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, bao biến động của lịch sử, làng Thiết Ứng hôm nay vẫn không lúc nào ngớt tiếng cưa, tiếng đục, tiếng chàng. Những sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng phong phú hơn. Từ những gốc tre xấu xí, xù xì, chẳng có một hình thù hấp dẫn nào, vậy mà qua bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ Thiết Ứng, lại trở thành những bức tượng có giá trị, mang vẻ đẹp mê hồn.
Để tạc đượng một pho tượng gỗ cho giống bản mẫu thì không khó nhưng để truyền được cái hồn, cái thần thái vào trong pho tượng mới là cái khó, không phải ai cũng làm được. Muốn tạo được một sản phẩm chạm khắc gỗ đẹp, có hồn, trước tiên người thợ phải chọn được loại gỗ đảm bảo độ bền, khó cong vênh hoặc rạn nứt. Thớ gỗ phải dẻo, mịn, đánh bóng mới đẹp, sau đó gỗ được xẻ, cắt, đẽo, bào theo hình dáng, kích thước định làm. Với người thợ mới bước vào nghề thì phải vẽ mẫu trên giấy bản, rồi in vào gỗ để chạm khắc.
Còn những thợ lành nghề của Thiết Ứng thì chỉ cần phác họa trong đầu các đường nét chính, sao cho đăng đối đúng kích thước và thế là các hoa văn, họa tiết như hoa, lá, rồng, phượng… cứ theo từng nhát chàng, nhát đục mà hiện dần lên như một bức tranh sống động. Mỗi đường nét, hoa văn của bức tượng đều mang được cái hồn của cảnh vật thiên nhiên và cái thư thái của con người nơi làng quê bình dị.
Ngày nay, khi đời sống kinh tế của người dân được nâng cao thì nhu cầu và thị hiếu về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của khách hàng cũng thay đổi. Để đáp ứng được điều đó, người thợ Thiết Ứng đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo đổi mới mẫu mã, chủng loại các mặt hàng. Thiết Ứng hiện có tới hàng trăm loại ghế, hàng chục loại giường tủ và những bức tượng ở mọi tư thế nằm, ngồi tủ chè cánh phẳng… được chạm khắc lung linh. Giá cả mỗi sản phẩm cũng phụ thuộc vào từng loại gỗ và từng loại chất liệu khác nhau.
Về Thiết Ứng hôm nay, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nhà nhà làm nghề chạm khắc, người người làm nghề chạm khắc. Thiết Ứng không lúc nào ngớt tiếng cưa, tiếng đục… Ai cũng hăng say thổi hồn cho những tác phẩm của mình. Những lớp nghệ nhân của làng như cụ Đồng Vân Sảng, Nguyễn Văn Kim, Đào Văn Bồi cũng ngày ngày miệt mài truyền dạy nghề cho lớp con cháu để nghề chạm khắc gỗ được lưu truyền mãi mãi.
Trải qua kinh nghiệm nhiều đời truyền lại người thợ làng vẫn làm nghề theo kiểu truyền thống, nghĩa là từ lúc chọn gỗ đến khi hoàn thành sản phẩm tuyệt nhiên họ không làm từng chi tiết, họa tiết vẫn ẩn chứa những tâm tư tình cảm riêng của người làm ra nó.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người tìm đến với những sản phẩm của Thiết Ứng. Những sản phẩm của Thiết Ứng ngày nay đã không ngừng vươn cao, vươn xa sang nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế. Có những lúc, đơn đặt hàng chuyển về Thiết Ứng nhiều đến nỗi, làng nghề không sản xuất kịp. Sản phẩm của làng không chỉ dừng lại ở việc chế tác các mẫu tượng mà đang phát triển dòng sản phẩm gỗ tiêu dùng như giường tủ, bàn ghế nội thất phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Một niềm vui lớn đến với người dân Thiết Ứng trong năm nay là ngày 26/2/2010, làng Thiết Ứng được vinh dự đón nhận Bằng công nhận Làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống Hà Nội. Hy vọng rằng, đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy làng chạm khắc gỗ Thiết Ứng cũng như nhiều làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội tiếp tục phát triển và khẳng định thương hiệu của mình./.
(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)
laotam
01-08-2010, 04:58 PM
Nghệ nhân gốm
Nghệ nhân Trần Độ: “Vua men gốm” làng Bát Tràng (http://yenkhuong.info/tap-viet-bao/458-nghe-nhan-tran-do-vua-men-gom-lang-bat-trang.html)
Làng gốm Bát Tràng cách trung tâm Hà Nội hơn 10km. Bất cứ ai ở ngôi làng 500 năm tuổi này cũng đều biết làm gốm, nhưng bậc “phù thủy” của Đất - Nước và Lửa - ba đại lượng trong phương trình của gốm thì phải kể đến Trần Độ - một trong những tài hoa giữ hồn gốm cổ…
Thế hệ thứ 18 của dòng họ “kiếm cơm từ đất”
Trần Độ sinh năm 1957, là thế hệ thứ 18 của dòng họ Trần làm gốm ở Bát Tràng. Ngay từ năm lên 10 tuổi, ông đã tỏ ra là người có duyên với đất khi mày mò tự mình làm ra những đồ vật bắt mắt, khiến ngay những người thợ cao niên cũng phải kinh ngạc.
Năm 1975 ông vào làm công nhân xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng. Sau hai năm, ông lên đường nhập ngũ, năm 1982 ra quân ông trở về công tác tại Xí nghiệp sứ Bát Tràng sau đó là HTX Ánh Hồng, ông từng được cử đi 6 tỉnh phía Nam công tác để nghiên cứu về gốm sứ. Năm 1989, ông quyết định mở lò sản xuất các sản phẩm gốm theo đường lối riêng của mình.
Trần Độ là tác giả của 80 món quà tặng, gồm những sản phẩm phục cổ, giả cổ, trong đó có một chiếc bình rượu cổ triều Mạc mà Văn phòng Chính phủ đặt làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10-2004. Một năm sau đó, ông là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Những “món đồ đất có hồn” này sau đó đã theo chân Thủ tướng Phan Văn Khải sang Hoa Kỳ, Canada làm quà cho các chính khách nước sở tại. “Đó không chỉ là niềm tự hào gốm truyền thống Bát Tràng mà còn khẳng định một sức sống mãnh liệt ẩn dưới lớp áo cứ ngỡ là vô tri của đất… ” – Trần Độ nói. Lò gốm của ông đã từng được đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước như nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng...
“Ông vua men gốm”
Người làm gốm tài danh của Bát Tràng, mỗi người làm gốm đều có sở trường khác nhau. Có người chú ý nhiều về đường thẳng, tam giác, so le, cắt vát làm sao cho nước men sáng mầu, ít vẽ trang trí. Có người lại rất chú ý đến những loại men mới, kiểu tráng men hai lớp khác nhau trong một sản phẩm hoặc cho ra những đồ gốm thô, gốm men chảy…
Trần Độ chọn cho mình một lối đi riêng, không hề đơn giản: tìm tòi phục chế những hình khối, màu men cổ.
Đến nay, trong gia tài Trần Độ đã có được trên 70 bài men cổ. Riêng dòng men ngọc, ông có tới mười hai công thức khác nhau, tạo ra 12 biến tấu của loại men này. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen... Men nâu là mầu nâu trầm rất lạ chưa thấy có ở Bát Tràng. Dùng những bài men đó, ông đã tái phục chế lại hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê như lư hương, chân đèn, bình, lọ, chum, choé, bát đĩa được thể hiện qua các lớp men rạn, men chảy các màu trắng, nâu, xanh ngọc... mà vẫn giữ được những hoa văn cổ xưa, chất men giản dị và thanh thoát. Hơn 50 hiện vật ông phục chế đều đã cung tiến cho Ban Quản lý di tích đền Hùng (Phú Thọ), Đền Đô (Bắc Ninh), Đền Cổ Loa, Khu Di tích vua Lê, và Trung tâm Hoạt động Văn hoá - Khoa học Văn Miếu (Hà Nội).
Nếu như men ngọc, được các khách hàng châu Âu vô cùng ưa chuộng, thì cách đây 10 năm, qua cuộc triển lãm gốm Việt - Nhật tại Hà Nội với men nâu ông cũng đã dành được nhiều hợp đồng với các doanh nhân người Nhật. 150 mẫu sản phẩm phục chế hình khối, màu men cổ của ông đã được những khách hàng người Nhật tiếp tục mang đi giới thiệu ở các nước khác. Nói như Trần Độ: “Gam màu trong bức tranh văn hóa của Bát Tràng đã được góp phần nhỏ tạo nên những ấn tượng trong lòng những người nước ngoài về một thứ sản phẩm văn hóa được con người thổi hồn vào đất…”.
Với Trần Độ, men không chỉ được tạo ra từ tháng ngày lao động miệt mài mà có những bài men được chắt ra từ “máu và nước mắt”: Nó được chắp nối từ những ý tưởng chập chờn trong lúc tỉnh, lúc mơ, như một thứ sắc màu của ảo ảnh, phải nhìn bằng con mắt của cõi “tâm” mới thấy hết được những cao siêu, thoát tục của nó. Và trong ngôn ngữ men của Trần Độ điều mà nhiều người cảm nhận được là màu sắc của Phật giáo. Đó là một thứ ngôn ngữ trần tục đấy mà thoát tục đấy, rõ là sắc màu của đời thường mà cũng chập chờn như của cõi hư vô…
Trần Độ chia sẻ: “Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long lập nghiệp. Bát Tràng tuy là ngoại thành nhưng là một dải đất quý của Thăng Long, nơi đây mang một thứ mà nội đô không có ấy là thứ đất sét trắng làm nên những sản phẩm chất chứa hồn cốt bao đời của văn hóa Thăng Long. Một số thợ gốm Bồ Bát đã di cư ra đây cùng họ Nguyễn Ninh Tràng lập lò gốm, gọi là Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng)”.
Giờ đây, trang mới của gốm Bát Tràng được đánh dấu bằng sự xuất hiện của những chiếc lò nung bằng gas vừa giải quyết nạn ô nhiễm môi trường vừa kiểm soát được nhiệt độ - khâu được xem là có tính chất quyết định “phép nhiệm màu” của men. Nhưng dù có hoán cải gì, thì men gốm Bát Tràng vẫn mãi giữ được hồn cốt của mình bởi những con người tâm huyết như nghệ nhân Trần Độ.
Trần Độ giành Huy chương "Bàn tay vàng" do Liên hiệp HTX Thủ công nghiệp trung ương tặng năm 1990; Giải thưởng Đôi bàn tay vàng của Hội Mỹ thuật Đông Dương (1999). Giải thưởng Hà Nội vàng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cùng ban tổ chức Hội chợ Doanh nghiệp VN hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội phong tặng (2002); Giải vàng Ngôi sao Việt Nam (Hội Mĩ thuật Việt Nam); Từng tổ chức thành công triển lãm Hành trình về quá khứ là 1 trong 5 thợ gốm trẻ của làng gốm Bát Tràng nhận danh hiệu nghệ nhân do Bộ văn hoá phong tặng...
Nguyễn Yến
(Bài tham dự cuộc thi viết/tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do TT&VH phát động. Chi tiết xin xem tại www.nguoihanoi.thethaovanhoa.vn)
laotam
01-08-2010, 05:00 PM
Làng gốm Bát Tràng - Hà Nội
Làng gốm Bát Tràng - Hà Nội - AMTHUC365 (http://www.amthuc365.vn/forums/showthread.php?t=3470)
Tên Bát Tràng được hình thành từ thời Lê, đó là sự hội nhập giữa 5 dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ thanh với dòng họ Nguyễn ở đất Minh Tràng này.
Sau đó 5 dòng họ lớn trong làng gốm Bát Bồ là các họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã nhóm họp và quyết định đưa một số nghệ nhân, thợ gốm và gia đình con cháu họ dời làng di cư về phía kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Họ dừng chân tại vùng 72 gò đất trắng làng Minh Tràng. Sáu dòng họ trên vùng 72 gò đất trắng ấy đã góp sức cùng nhau làm nên một Bát Tràng với những viên gạch mộc mạc, đơn sơ nhưng để lại một dấu ấn khó quên trong ca dao cổ.
Ước gì anh lấy được nàng
Ðể anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
Không chỉ viên gạch cổ, Bát Tràng còn là một làng nghề sản xuất gốm khá nổi tiếng từ bao đời nay. Sản phẩm gốm Bát Tràng như lọ độc bình, song bình, bát vẽ chuồn, bát vẽ các tích cổ...đã được các lái thương Bồ Ðào Nha, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp... mua với số lượng lớn. Nhiều nghệ nhân Nhật Bản đã bắt chước phong cách tạo hình, nét vẽ phóng khoáng, màu men đa dạng, giản dị, mộc mạc mà sâu lắng của gốm Bát Tràng.
Cái khéo cái tài của người làng gốm Bát Tràng được phát huy cao độ trong cơ chế thị trường: Hàng gốm mỹ thuật, gốm sứ công nghiệp, đồ giả cổ, gốm xây dựng cao cấp được dần thay thế cho đồ gia dụng như bát, chén, đĩa, gạch. Những mặt hàng truyền thống xưa chỉ được làm khi có khách đặt để trùng tu phục chế di tích cổ.
Ðến Bát Tràng hôm nay, ít có ai ngờ có một thời nghề gốm sứ nơi đây đã có cơ mai một, cả làng chỉ còn vài lò gốm của HTX với sản phẩm đa dạng như bát, tích, chén, sành phẩm chất cấp thấp. Ðể có sức sống đầy xuân sắc hôm nay, người Bát Tràng ngoài cái tinh, cái nhạy còn tiềm ẩn một tình yêu da diết với nghề gốm cổ truyền. Bằng lòng yêu nghề và sự miệt mài lao động, tìm tòi sáng tạo, nghệ nhân Ðào Văn Can đã tìm ra bí quyết men mờ, rạn của gốm cổ Việt, các nghệ nhân Lê Văn Vấn, Lê Văn Cam, Nguyễn Văn Khiếu... mỗi người một tìm tòi, phát hiện để góp những kiến thức, kinh nghiệm để phục chế các nước men gốm sứ Bát Tràng xưa. Những thành quả lao động sáng tạo của lớp nghệ nhân già cùng sức trẻ của bát Tràng đã làm nên một thế giới đa dạng, sống động lấp lánh sắc màu từ nắm đất quê hương.
Nguồn tin: Vietnamtourism
laotam
01-08-2010, 05:02 PM
Nghệ nhân thêu chân dung Bác Hồ
Nghệ nhân thêu chân dung Bác Hồ (http://unescovietnam.vn/vnf/index.php?option=com_content&view=article&id=374:ngh-nhan-theu-chan-dung-bac-h&catid=99:nhan-vt-danh-nhan&Itemid=298)
Không chỉ nổi tiếng với nhiều tác phẩm đạt giải, ông còn được nhiều người biết đến với bức tranh thêu đặc sắc chân dung Bác Hồ. Những đường kim, mũi chỉ tơ óng ả nhiều màu sắc, qua bàn tay vàng và tấm lòng thiết tha với nghề thêu truyền thống của nghệ nhân Thái Văn Bôn, nhiều tác phẩm thêu có giá trị nghệ thuật cao đã ra đời. Bằng sự trải nghiệm và chắt lọc tinh hoa nghề thêu, ông còn sáng tạo ba bức tranh thêu lớn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ông sinh ra trong một gia đình có nghề thêu truyền thống tại thôn Nguyên Xá (xã Quất Động - huyện Thường Tín - Hà Nội), quê hương của ông tổ nghề thêu Công Hành. Từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1946 chú bé Thái Văn Bôn đã vào đội Thiếu Sinh Vệ Quốc Quân làm liên lạc và hoạt động văn nghệ. Đến năm 1949 Thái Văn Bôn được vào trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam để học tập. Lần đầu tiên cậu học sinh Thái Văn Bôn được biểu diễn văn nghệ trong dịp mừng thọ Bác Hồ tại Việt Bắc năm 1950, ấn tượng sâu sắc đó đã in đậm trong trái tim cậu học sinh trường Thiếu Sinh Quân.
Từ trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, Thái Văn Bôn được cử đi học tại Trường sư phạm Trung ương đầu tiên của Việt Nam tại khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Đến năm 1953, sau khi tốt nghiệp Thái Văn Bôn được phân công về dạy học ở vùng tự do khu bốn trước đây (Thanh Hóa). Khi được hỏi cơ duyên nào dẫn ông đến với nghề thêu, ông tâm sự rất chân thành. Đó là năm 1954 khi hòa bình lập lại, “tôi may mắn được cử về địa phương tiếp tục sự nghiệp trồng người. Niềm vui được làm việc tại quê hương, nơi có nghề thêu truyền thống mà tôi yêu thích. Không có một ngôn từ nào có thể diễn tả nổi, nó như một giấc mơ và nó làm bùng lên niềm đam mê sẵn có trong tôi”.
Bằng tình yêu mãnh liệt và chân thành với nghề thêu, ông không bao giờ thôi học hỏi, tìm tòi và sáng tạo. Hơn 50 năm gắn bó với nghề thêu, cuộc đời ông là cả một quá trình dài: Học - dạy và học. Ông đã đem tất cả những tình cảm, suy nghĩ và tài năng để cho ra đời nhiều tác phẩm chứa đựng trong đó cái “thần”, cái “hồn” của cuộc sống. Và những tinh hoa trong sáng tạo đó đem lại cho ông những giải thưởng: HCV tại Hội chợ kinh tế kỹ thuật toàn quốc với bức tranh “Chợ quê” (1989) . Năm 1988 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu “nghệ nhân”. Đến năm 1996 ông lại vinh dự được nhận danh hiệu “bàn tay vàng” với những tác phẩm thêu phong cảnh và tĩnh vật tại Hội chợ ngành Thủ công mỹ nghệ và Kim hoàn toàn quốc. Bức tranh thêu chân dung Bác Hồ của ông được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khen ngợi tại triển lãm.
Đã từng là giáo viên, người nghệ nhân không chỉ tự học, tự làm, tự đúc rút ra kinh nghiệm. Ông còn mang những kiến thức, kinh nghiệm ấy giảng dạy cho lớp trẻ, đã có hơn 700 thợ thêu và hàng trăm giáo viên dạy nghề thêu khác được ông đào tạo qua các đợt huấn luyện tay nghề, hay các lớp học tập trung. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn không ngừng nghỉ, ngoài việc dạy nghề, ông còn tham gia viết sách. Ông đã được NXB Giáo dục in và phát hành cuốn: Thêu màu – xuất bản năm 1983, Hướng dẫn thêu - xuất bản năm 1989, Kỹ thuật thêu màu - xuất bản năm 1995, và cuốn Nghề thêu rua – xuất bản năm 2000, (tái bản lần thứ 5 tháng 11/2009). Mới đây nhất, cuốn sách “Hoạt động giáo dục nghề phổ thông”, Nghề thêu tay 11 được xuất bản năm 2008 và tái bản tháng 11/2009 và được đưa vào đào tạo nghề trong tất cả các trường phổ thông trung học trên cả nước. Ông tâm sự, chỉ sợ thời gian không còn nhiều để ông có thể đào tạo thêm các lớp học trò tiếp theo, nhưng cũng may mắn thay cả ba cậu con trai của ông là anh Thái Văn Mạnh, Thái Việt Hùng và Thái Văn Hiệp đều theo nghề thêu truyền thống của gia đình. Ông kể cậu con trai thứ tư là anh Thái Văn Hiệp đã có hẳn một xưởng thêu trong Công viên Thiên Đường Bảo Sơn rất quy mô khiến ông an lòng.
Dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân “già” vẫn không ngừng tìm tòi những mẫu thêu mới và những kinh nghiệm quý báu trong nghề để truyền lại cho con cháu, đó là sự chuyển tiếp của hai thế hệ, để làm cho nghề thêu sống mãi với thời gian.
Vũ Chiến
Địa chỉ: Vũ Thường Chiến
Số 401 Lương Thế Vinh- Trung Văn- Từ Liêm- Hà Nội
Đt: 090.2271.003
laotam
01-08-2010, 05:07 PM
Nghệ nhân Mai Hạnh – “nữ hoàng” hoa lụa
Nghệ nhân Mai Hạnh – “nữ hoàng” hoa lụa - XãLuận.com tin tức Việt Nam cập nhật 24 giờ (http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=177491)
Người phụ nữ ấy năm nay 60 tuổi, có giọng cười giòn tan của một tâm hồn trẻ. Bàn tay bà được nâng niu bằng không ít những nụ hôn, bởi bà đẹp thì đã rõ, nhưng điều quan trọng hơn, bàn tay ấy đã tạo nên vẻ đẹp hồn cốt của biết bao loài hoa, gìn giữ và phát triển một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
Bà là Mai Hạnh – Nữ hoàng hoa lụa Hà Thành.
Bén duyên hoa từ một vết thương
Sinh ra trong một gia đình gốc gác mấy đời ở đất Hà Thành, cô con gái út xinh đẹp của nghệ nhân Đoàn Thị Thái là người duy nhất trong số 9 anh em nối nghiệp mẹ làm hoa lụa. Cô gái ấy giờ cũng đã lên bà, được phong tặng nghệ nhân như mẹ cô thủa trước, tiếp tục đưa những sắc hoa, hình lá từ thiên nhiên trở thành bất tử.
Hàng ngày, “nữ hoàng” vẫn chăm chút cho cửa hàng hoa số 5 Chả Cá và say mê sáng tạo. Thế nhưng ít ai biết rằng, bà bén duyên với nghề hoa từ một vết thương!
Năm 13 tuổi, Mai Hạnh được mẹ dạy cắt những cánh hoa đầu tiên, khi ấy bà cũng chỉ học để phụ giúp mẹ làm hàng hoa cho khách chứ chưa hề ý thức sẽ nối nghề. Đến khoảng năm 1965, bà theo mẹ đi sơ tán ở Hưng Yên. Trong một trận máy bay Mỹ bắn phá, bà bị thương nặng ở chân. Năm đó, đang học lớp 8, gia đình không cho bà học lên nữa mà ở nhà nghỉ một năm. Chính một năm nghỉ học này đã giúp bà tìm thấy niềm đam mê trong những bông hoa lụa. Bà tâm sự: “Nếu không bị thương, có lẽ tôi đã học lên cao và làm một nghề khác chứ không làm hoa lụa như mẹ tôi. Trong suốt một năm nghỉ học, tôi đã theo mẹ đến những lớp gia chánh mà mẹ tôi dạy ở vùng sơ tán. Mẹ dạy hoa thì tôi học hoa, mẹ dạy nấu ăn tôi học nấu ăn… Nhưng tôi thích nhất là làm hoa. Hễ đi trên đường hoặc đi đâu đó gặp những bông hoa đẹp, hoa lạ tôi đều hái về bắt chước mẹ làm. Dần dà, tôi thấy yêu, thấy say, không dứt ra được nữa. Hoa lụa gắn với tôi như là duyên phận vậy.”
Bà Hạnh còn kể thêm, sau này, khi đi học một lớp về hội họa, thầy giáo có nói với bà rằng: “Mẹ con làm nghề hoa là rất quý. Học hội họa để thành một người biết vẽ thì không khó nhưng thành nghệ nhân thì không có đâu. Nên con cứ nên vừa học hội họa, vừa làm hoa”. Nghe thầy, cuối cùng Mai Hạnh đã thành công. Năm 1985 bà được phong tặng nghệ nhân khi chưa đầy 35 tuổi. Thành công ấy là sự cộng gộp của một gốc gác gia truyền, đam mê, sáng tạo và nỗ lực không ngừng.
Mỗi bông hoa - một số phận
Bây giờ nhờ công nghệ hiện đại, người ta có thể sản xuất ra hàng loạt những bông hoa giống hệt nhau đến từng chi tiết nhỏ. Nhưng, hoa lụa Mai Hạnh khi đưa ra thị trường vẫn giữ được uy tín và tình yêu đối với những người thích, yêu và chơi hoa lụa. Với Mai Hạnh, hoa lụa làm bằng tay bao giờ cũng mềm mại hơn. Người ta cứ nghĩ, hoa lụa là hoa giả, mà giả thì chỉ cần làm cho giống với hoa thật là đẹp. Thực ra, ở đây không phải là làm cho giống mà là làm sao để thổi được hồn vào mỗi bông hoa để trong cái thật có cái giả, trong cái giả lại là cái thật đến mê hồn, quyến rũ và đầy tinh tế.
Gần 50 năm trong nghề, dường như chưa bao giờ Mai Hạnh làm hoa theo cách của một người thợ quen tay, lành nghề. Bao giờ cũng thế, mỗi bông hoa qua sáng tạo của bà đều mang một vẻ riêng, một câu chuyện riêng, thậm chí là một số phận riêng đầy màu sắc.
Không chỉ nỗ lực tìm tòi, phát triển nghề hoa lụa, Mai Hạnh còn góp một phần không nhỏ vào việc quảng bá nghề hoa truyền thống của dân tộc đến rất nhiều nước khác nhau. Mỗi chuyến đi, bằng “đôi tay lụa” của mình, Mai Hạnh đã khiến bạn bè thế giới phải ngỡ ngàng, nể phục. Như trong một lần bà trình diễn tại Nhật Bản. Bên cạnh 12 nghệ nhân các nước châu Á, họ đều có máy dập, một lần làm ra tới 20 cánh hoa. Trong khi đó, Mai Hạnh trong tay chỉ có một cây kéo, nghĩa là làm thủ công. Nhưng chính điều đó lại gây
kinh ngạc với người xem. Đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn đầy biến hóa đã tạo nên nét riêng đặt biệt của hoa lụa Việt Nam. Mai Hạnh kể: “Từ lo lắng đến bủn rủn chân tay vì sợ mình không làm được như… máy của các bạn, tôi cảm động đến phát khóc khi nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của người xem khi kết thúc “cuộc so tài”. Bàn của tôi đông nhất, thu hút sự chú ý nhất. Tôi cảm động quá! Trong đời, tôi chưa bao giờ có được niềm tự hào đến thế...”
Ước mơ hoa
Cùng thăng trầm với hoa lụa đất Hà Thành, hơn ai hết, bà là người hiểu sâu sắc thú chơi hoa của người Hà Nội. Ngày trước, các mẫu hoa ít hơn, nguyên liệu làm hoa lụa cũng không sẵn có như bây giờ, thậm chí, gia đình bà còn phải làm hoa từ những mớ vải tiết kiệm.
Thế nhưng, người xưa chơi hoa lại rất sành, chơi lấy tinh hoa chứ không vì số lượng. Ví như vào dịp tết, chỉ cần một cành đào nhỏ trong nhà, thế nhưng cành đào ấy phải được làm chuẩn đến từng chi tiết. Thậm chí, hoa lụa có sắc còn phải có mùi. Chơi thế mới sang! Ngày nay, công nghệ phát triển, hoa lụa ngàn ngạt muôn hình vạn trạng, đủ màu, đủ sắc. Đời sống khá giả hơn, nên người chơi hoa không hẳn quan tâm về giá cả mà quan tâm về chất lượng. Tuy nhiên, dường như xu hướng bây giờ lại thích những gì đồ sộ, vĩ đại hơn là những gì nhỏ bé.
Năm 2010, nghệ nhân Mai Hạnh dự định sẽ làm 100 cành hoa đào với 1000 bông hoa, như ước vọng về một tương lai ngàn hoa đua nở. Trong tất cả những tác phẩm hoa nghệ thuật do Mai Hạnh làm, chủ đề mà bà thể hiện nhiều nhất là “tre già măng mọc". Đó cũng là trăn trở của bà với chính nghề hoa lụa của mình. Trong suốt những năm qua, bà truyền nghề cho không ít học sinh, tạo công ăn việc làm cho biết bao trẻ mồ côi, tàn tật. Ngay như chính con gái bà là chị Đặng Thị Minh Hằng cũng đang theo nghề mẹ. Thế nhưng bà vẫn tỏ ra chưa yên tâm. Bởi lẽ, như bà nói: “Trong số những học trò của tôi, người khéo tay thì không thiếu, nhưng có được đam mê mới khó. Thị trường hoa ngày càng phát triển, người ta làm hoa hàng loạt nhiều, mấy ai còn dày công nâng niu từng cánh hoa như mình nữa. Giá thành của một bông hoa làm tỉ mẩn bằng tay qua biết bao công đoạn, ắt phải cao hơn, làm sao cạnh tranh được với thị trường hoa ồ ạt ngoài kia. Bởi thế, không có đam mê thì sẽ chẳng ai còn muốn làm hoa lụa nữa”.
Mai Hạnh đã dành trọn tuổi trẻ, tình yêu cho hoa lụa, và giờ đây, ở bên kia con dốc của cuộc hành trình đời mình, bà vẫn cần mẫn kiếm tìm, với hi vọng, bằng chính đam mê của mình, sẽ thổi bùng đam mê trong những học trò kế cận để giữ lửa cho nghề. Mai Hạnh đã góp thêm cho Hà Thành không chỉ là những bông hoa lụa mà còn cả một tâm hồn đẹp, một đóa nhài thơm!
laotam
01-08-2010, 05:09 PM
Đào Trọng Cường: Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng
Đào Trọng Cường: Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng | Người Hà Nội (http://nguoihanoi.thethaovanhoa.vn/444N20100328024747472T0/dao-trong-cuong-nghe-nhan-co-doi-ban-tay-vang.htm)
Gần đây, người dân cả nước đặc biệt chú ý đến sự kiện một doanh nhân Việt Nam đã bỏ ra một số tiền khổng lồ để mua khối ngọc bích Jadeite lớn nhất mọi thời đại từ xứ sở đá quý Myanmar.
Ông là nghệ nhân Đào Trọng Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty Đá quý Nữ trang Thần Châu Ngọc Việt. Người đời biết đến ông như một đại gia tiền “nhiều như nước”, nhưng ít ai biết rằng, cuộc đời của doanh nhân này cũng có không ít thăng trầm và nước mắt.
Từ lâm tặc, vàng tặc, đá tặc…
Nghệ nhân Đào Trọng Cường thường vui chuyện kể rằng, mấy lần đi xe máy, toàn bị nhầm tưởng là lão xe ôm; còn khi tự lái xe con đi làm việc, thường bị bảo vệ chặn ở cổng, vì tưởng là lái xe cho sếp. Dáng người gầy còm, cao lòng khòng, khuôn mặt gầy sọp, tóc rễ tre muối tiêu, ăn mặc tuềnh toàng, trông ông Cường giống phong thái của một nghệ sĩ, hơn là một doanh nhân thành đạt. Bản thân ông thích được gọi là nghệ nhân, chứ không thích được gọi là doanh nhân, đại gia. Con người đi lên từ đôi bàn tay tài hoa chai sạn thường vẫn giản dị như vậy.
Tôi gặp nghệ nhân Đào Trọng Cường vào năm 2002, khi mà xã hội rộng lớn chưa biết ông là ai. Đó là lần đầu tiên ở nước ta, tại khách sạn Melia Hà Nội, xuất hiện một triển lãm đặc biệt. Có tới 600 bức tranh làm từ đá quý được trưng bày, thu hút sự chú ý của hàng vạn người trong và ngoài nước tới thưởng lãm vẻ đẹp rực rỡ của chúng. Ngày đó, tranh đá quý là một thứ xa lạ, thậm chí chưa từng được nói tới.
Ông Cường tâm sự: “Đời tôi bôn ba tới hơn 20 nghề, từ tay trống, nghệ sĩ đàn ghi ta, công nhân may, làm mì sợi, xà phòng, sửa chữa tủ lạnh, tivi, ôtô, đến đào đãi vàng, đá quý thổ phỉ… rồi cuối cùng mới là một nghệ nhân làm tranh đá quý”.
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ đó, đôi khi nghệ nhân Đào Trọng Cường rưng rưng xúc động. Nhưng ông cũng cám ơn đoạn đời gian khổ, đã đào luyện ông thành người có nghị lực mạnh mẽ và bản lĩnh để làm được những điều khác người.
Cha ông là người mê nghệ thuật, nên âm nhạc đã sớm ngấm vào chàng trai Đào Trọng Cường. Được cha mẹ đưa về Hà Nội nuôi dạy từ năm mới 2 tuổi, đến 19 tuổi, ông đã là tay trống lừng danh đất Hà thành và là một tay chơi ghi-ta có hạng. Nhưng rồi, con đường nghệ thuật không giúp cho việc mưu sinh, nên ông xin vào Nhà máy chỉ khâu Hà Nội làm công nhân. Làm việc tăng ca tăng kíp, suốt mấy năm trời ông mới dành dụm được một khoản tiền, đủ mua đôi dép tông Trung Quốc. Ông vẫn nhớ rõ cảm giác sung sướng, hãnh diện như thế nào khi đi đôi tông ấy.
Nhưng rồi, khi đôi dép tông chưa kịp mòn, Đào Trọng Cường đã trở thành kẻ thất nghiệp vì nhà máy làm ăn thua lỗ. Không có việc làm, Cường dạt vào Nam, làm đủ nghề kiếm sống. Với trí thông minh, óc sáng tạo, Cường đã sáng chế ra “dây chuyền công nghệ” sản xuất mỳ sợi. Tuy nhiên, bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư cuối cùng đổ ra sông ra biển, vì cơ sở mua công nghệ đã lỗi thời, không có tiền chi trả. Cũng may, khi đó có bạn gái từ Hà Nội vào thăm, nên mới có tiền mua vé trở ra Hà Nội. Không nhụt chí, Cường lại vào Sài Gòn tìm cách học lỏm công nghệ làm xà phòng từ một gia đình người bạn. Ra Hà Nội, ông mở cơ sở làm xà phòng bánh, rồi mang đi bán khắp phố phường. Có vốn, ông mở gara sửa chữa ôtô, quyết làm ăn lớn. Những năm cuối cùng của thời bao cấp, Đào Trọng Cường đã đi Mercedes. Tuy nhiên, cơn lốc tín dụng năm 1989 đã cuốn trôi tất cả. Các chủ nợ đến siết, thu hết gia sản. Thứ giá trị nhất trong nhà là chiếc đầu video mà ông mua tặng con gái, cũng bị người ta tịch thu. Ký ức đau lòng đó ám ảnh ông đến tận ngày nay, bởi vợ chồng, con cái khi đó phải sống nhờ thúng xôi của mẹ.
Gian khổ nhất là những ngày làm… “lâm tặc”. Sau khi trải qua đủ các loại nghề đều thất bại, chán nản, ông cùng một nhóm người cơm nắm, muối vừng, vác theo cưa, xẻng, xà beng lang thang xuyên qua hàng chục cánh rừng để tìm gỗ hoàng đàn, bán cho những người tạc tượng. Gỗ hoàng đàn cạn kiệt thì đi theo bạn bè khai thác vàng thổ phỉ. Đã không ít lần ông suýt bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Bệnh tật, đói ăn, sốt rét rừng, bị cướp dí súng vào gáy, kề dao vào cổ, thậm chí bị đánh gãy cả chân. Nhưng chính những ngày đi làm vàng thổ phỉ đã đẩy cuộc đời ông vào ngã rẽ khác. Màu sắc lung linh kỳ ảo của những viên đá quý trong các mỏ đá ở Yên Bái đã hút hồn ông.
Trở thành Nghệ nhân có bàn tay vàng
Hồi khai thác đá quý, ông Cường để ý thấy người Thái Lan thường xuyên sang tận các mỏ đá ở Yên Bái để xem xét, rồi mua những viên đá mà theo sự đánh giá của giới khai thác, nó chẳng có giá trị gì. Người Thái mua hàng trăm tấn đá bỏ đi đó để làm gì? Câu hỏi ấy cứ vang lên trong đầu ông Cường.
Sau nhiều năm làm “vàng tặc”, rồi “đá tặc”, có được chút vốn trong tay, ông Cường đã mua vé máy bay sang tận Thái Lan để quyết tìm câu trả lời. Hóa ra, người Thái mua những khối đá bỏ đi ấy để làm tranh đá quý, mang lại thu nhập cao cho hàng ngàn lao động. Thế rồi, hễ tích được đồng nào, ông lại sang Thái Lan, đến các làng nghề chế tác tranh đá quý, gặp các nghệ nhân để học nghề. Tuy nhiên, các nghệ nhân Thái Lan đều từ chối truyền nghề. Thậm chí, biết ý định học lỏm nghề tranh đá quý, họ không cho ông vào thăm xưởng chế tác. Không học được nghề, ông mua hàng loạt tranh đá quý về ngắm nghía, tìm hiểu. Ông đục những bức tranh này ra để xem người Thái dùng chất keo gì mà gắn chắc vĩnh viễn được những viên đá dù nhỏ li ti, mà vẫn giữ nguyên màu sắc tự nhiên của đá. Sau đúng 1.500 ngày đêm chong đèn đục đẽo, phân tích, lại gắn, lại phân tích… cuối cùng ông cũng biết được loại keo dính mà người Thái đã dùng.
Nhưng để làm được tranh đâu phải là chuyện đơn giản. Xưa nay, ông chỉ giỏi sửa chữa tivi, tủ lạnh, quạt điện, xe máy, ôtô, rồi đào vàng, đãi đá, phá rừng, chứ đâu có biết vẽ tranh, nạm đá? Thế là lại bắt đầu công cuộc trang bị kiến thức hội họa. Một anh thợ sửa ôtô, sau một đêm thức dậy thành họa sĩ chỉ có trong những câu chuyện cổ tích. Quá trình học tập để trở thành một nghệ nhân làm tranh đá quý của ông Cường là một hành trình gian khổ không thể kể hết bằng lời. Trong quá trình học hỏi người Thái, ông nảy ra sáng kiến, thay vì làm tranh kiểu “điểm ngọc”, ông đã làm ra những bức tranh toàn bằng đá quý. Và, để có được buổi triển lãm tranh hoành tráng ở khách sạn Melia Hà Nội, ông đã phải dồn hết trí lực trong suốt 6 năm trời.
Không thầy dạy, không phải truyền nhân, chỉ tự mày mò sáng tạo, thế nhưng, với khát vọng sáng tạo kỳ lạ, Đào Trọng Cường đã tạo ra những tác phẩm bất hủ. Nói tới dòng tranh đá quý Việt Nam, dù sau này có rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp tham gia chế tác, song Đào Trọng Cường chính là người đã khai sinh ra dòng tranh ấy. Những tác phẩm như: Bác Hồ kính yêu, Bình minh, Ba miền, Khát vọng, Chùa Một Cột, Tranh Đông Hồ… đã làm nên tên tuổi và mang lại cho ông rất nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có danh hiệu “Nghệ nhân bàn tay vàng”. Với ông, hai từ “nghệ nhân” danh giá hơn hai chữ “doanh nhân” rất nhiều.
Tên tuổi nghệ nhân Đào Trọng Cường nổi đình nổi đám kể từ ngày ông làm tranh chân dung tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị APEC tại Việt Nam. Qua những bức tranh đó, nghề làm tranh đá quý của Việt Nam, dù vừa mới ra đời, song đã được thế giới biết đến. Đó là cách truyền bá hình ảnh đất nước ra thế giới cực kỳ sáng tạo của một người có tinh thần dân tộc cao độ.
Với những bức tranh đẹp, được tạo ra bằng tâm huyết và đôi bàn tay khéo léo của ông, ông thường đem bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ cho các hoạt động mang tính cộng đồng. Chẳng hạn, tác phẩm “Bình minh” bán được 21.400 USD, ông đem ủng hộ các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; Bức tranh “Ngày nay” bán được 9.000 USD, ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam. Đặc biệt là tác phẩm “Ba miền” bán được tới 1,83 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này ông đem ủng hộ Quỹ Vì người nghèo…
Có thể nói, nghệ nhân Đào Trọng Cường đã nghiễm nhiên trở thành “báu vật sống” của dòng tranh đá quý trong nước. Danh tiếng nhiều, tiền của cũng nhiều, song khát vọng làm những việc động trời lúc nào cũng ám ảnh ông. Và, một sự kiện gây chú ý không những cả nước, mà cả thế giới, ấy là việc một nghệ nhân, ở một đất nước nghèo, đã dám bán phần lớn gia sản của mình đi để mua về khối ngọc Jadeite nặng 35 tấn, lớn nhất thế giới, để tạc pho tượng Phật Ngọc khổng lồ. Nghệ nhân Đào Trọng Cường luôn tâm niệm rằng, ông mua khối ngọc khổng lồ này là mua báu vật về cho đất nước, chứ không phải cho riêng ông. Khát vọng của ông là thông qua pho tượng Phật Ngọc, sẽ quảng bá được hình ảnh đất nước ra thế giới, quảng bá được nghề làm ngọc và đặc biệt, ông muốn con người Việt Nam đều thành tâm hướng Phật.
Với khát vọng và nghĩa cử cao đẹp, ông đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, và GS. Vũ Khiêu đề tặng ông hai câu đối: “Dồn hết tinh hoa tâm trí lại/ Bừng lên châu ngọc nước non này”.
Làm “Chiếu dời đô” bằng ngọc bích
Đầu xuân Canh Dần, dòng họ Đào đã lần đầu tiên họp mặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tại cuộc gặp mặt này, nghệ nhân Đào Trọng Cường phát biểu: “Ơn nhờ Phúc ấm, Đức dày của tiên tổ họ Đào chúng ta đã dày công cày cấy ruộng Phúc, bồi đắp nền Nhân hàng ngàn năm nay đã để lại cho con cháu chúng ta… Họ Đào có tới 47 vị Tiến sĩ được ghi tên trong Quốc Tử Giám này”.
Nghệ nhân Đào Trọng Cường đang chuẩn bị để hoàn tất “Chiếu dời đô” bằng ngọc bích, tác phẩm đầu tiên viết về Hà Nội của Lý Thái Tổ sau khi đi thị sát đất Đại La cùng Đào Cam Mộc, người có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi và được triều Lý phong Thái sư Á vương sau khi ông mất.
Phạm Ngọc Dương
laotam
01-08-2010, 05:13 PM
Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội: Người giữ lửa cho dòng gốm, sứ cổ
Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội: Người giữ lửa cho dòng gốm, sứ cổ - Huong toi Dai le ky niem 1000 nam Thang Long- Ha Noi: Nguoi giu lua cho dong gom, su co - Đời sống & Pháp luật - www.do (http://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=6&ID=3334)
Nói đến dòng gốm, sứ mỹ thuật ở Hà Nội, nghệ nhân Đặng Đình Thắng được biết đến như một người "giữ lửa" cho nghề phục chế gốm, sứ cổ và gốm, sứ mỹ thuật đất Hà thành. Không ồn ào, phô trương, trong căn nhà nhỏ số 20/163 phố Tôn Đức Thắng có một lò nung vẫn ngày đêm đỏ lửa cho ra đời những sản phẩm gốm, sứ mỹ thuật được nhào nặn bởi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân.
Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, cả Hà Nội chỉ có vài gia đình làm nghề nặn con giống bằng đất nung, trong đó có nghệ nhân Đặng Đình Hùng (đã mất), cụ thân sinh ra ông Đặng Đình Thắng. Mặc dù nghề có những bước thăng trầm, có lúc tưởng bỏ nghề do chiến tranh loạn lạc nhưng ông vẫn quyết tâm giữ lấy nghề. Nhưng nghề nặn con giống bằng đất nung rất khó tìm thợ nên năm 1980, ông Thắng quyết định sang Bát Tràng học thêm nghề làm gốm, sứ vì "sản phẩm to, dễ làm, dễ đổ khuôn".
Không được đào tạo bài bản, trình độ mới hết lớp 7 nhưng với lòng yêu nghề ông tìm học ở các bạn nghề, học thêm ngoài xã hội và tìm đến các thầy ở trường Đại học Bách Khoa để tìm hiểu về các loại men gốm, quyết tâm theo đuổi nghề phục chế đồ gốm, sứ cổ và gốm sứ mỹ nghệ. Ông Thắng cho biết: Sản phẩm gốm, sứ gồm gốm sứ mỹ nghệ sản xuất hàng loạt và gốm sứ mỹ thuật thường sản xuất đơn chiếc. Đa số các nghệ nhân đều sản xuất gốm sứ mỹ thuật để thoả mãn niềm đam mê hơn là kiếm lợi nhuận. Dòng gốm sứ mỹ thuật sản phẩm làm ra ít lại đòi hỏi phải có sự sáng tạo và phải mất nhiều thời gian, công sức. Hiện nay, để có thu nhập cao, phần lớn chạy theo dòng gốm sứ mỹ nghệ nhưng như thế nghệ nhân sẽ không thể đào sâu sáng tác và nâng cao tay nghề lên được.
Theo kinh nghiệm của người làm gốm, sứ: " Nhất xương, nhì da, thứ ba đốt lò". Muốn có sản phẩm gốm sứ đẹp, nước men thật màu, cái khó của người nghệ nhân là phải tìm được loại men có chiều sâu. Đó thường là các loại men cổ như lục, lam, máu bò, ngọc, trắng gốc men gio… Với niềm đam mê dòng gốm, sứ cổ truyền, ông mày mò đọc thêm các tài liệu về silicat của trường Đại học Bách Khoa, tìm đến các vùng Thanh Hóa, Phù Lãng tìm hiểu thành phần của các loại men như men ngọc, men da lươn và học hỏi công nghệ làm men của người xưa để chế tạo ra các loại men mới. Hiện anh đang nghiên cứu để chế tạo ra chất men ngọc, men trắng xanh thuộc đời nhà Minh, nhà Thanh, đặc biệt đã chế tạo ra chất men lục nhẹ lửa không thể tìm thấy ở thị trường gốm sứ Bát Tràng. Ngày xưa, các cụ làm men gio bằng cách lấy trấu trộn với bột nung lên trộn thêm đất vào thành men. Sản xuất chủ yếu bằng thủ công, vuốt bằng tay, vẽ hoa lam, hoa nâu, đun bằng lò rồng, lò bầu. Gìơ đây công nghệ sản xuất gốm sứ ít nhiều thay đổi, nghệ nhân có thể bằng nhiều cách chế tạo ra nhiều loại men mới, đun bằng ga để giảm thời gian và hạ giá thành sản phẩm, tránh ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc nung bằng lò bầu của người xưa thời gian nung kéo dài, gốm càng ngấu nên chất lượng sản phẩm bền, có rơi xuống sàn cũng không vỡ. Tay nghề của thợ làm gốm xưa sản phẩm có hồn hơn. Người buôn đồ cổ có cách phân biệt đồ gốm cổ thật bằng cách " nhắm mắt, sờ trôn". Đồ thật trôn thường ráp và thô còn đồ cổ rởm, đổ khuôn in giống nhau, thường trơn tru, nhẵn nhụi..
Ông Thắng cho biết: Ông hiện đang làm đồ phục chế cuối thời nhà Minh, đầu nhà Thanh làm cho khách đặt thường là dân chơi đồ cổ và giới làm nghệ thuật. Để làm được một sản phẩm phục chế phải hiểu sâu về các loại men, men càng hiếm, càng quý càng khó nung, ví dụ như men máu bò. Mặt khác, cùng một loại men nhưng đốt trong môi trường ô xi cho màu vàng hay nước chè còn đốt trong môi trường khí lại cho men ngọc. Người nghệ nhân phải chọn hình, chọn dáng, chọn men để đưa vào sản phẩm: "màu men lục, men ngọc phải đưa vào sản phẩm có hoạ tiết chìm hoặc nổi sẽ có sự hài hòa màu sắc, men đọng vào hoạ tiết thì sản phẩm có chiều sâu sẽ đẹp hơn". 40 năm trong nghề, ông Thắng đã làm ra hàng nghìn sản phẩm vừa sáng tạo vừa mô phỏng, trong đó sản phẩm tượng phật nghìn tay, nghìn mắt đã đem đến cho ông danh hiệu nghệ nhân. Ông tâm sự: Nghề này khó, không quá kén nguyên liệu nhưng người làm nghề phải có năng khiếu, thể hiện sản phẩm phải có hồn. Giờ đây, chỉ cần nhìn men biết ngay thành phần, nhìn xương cũng biết chất liệu, thành phần men, ông Thắng muốn tìm người để truyền nghề nhưng cũng khó vì học nghề này không đơn giản, rất mất thời gian lại đòi hỏi phải có năng khiếu. Ông dự định sau này sẽ đúc rút kinh nghiệm viết thành sách để hướng dẫn những người đi sau cách chế tạo ra các loại men, quy trình đốt, kiểm tra màu men... rút ngắn rất nhiều thời gian phải mày mò cho những người làm gốm, sứ.
Tham quan khu sản xuất gốm, sứ nằm trọn trên tầng 3 ngôi nhà đang ngổn ngang các sản phẩm gốm, sứ, mỗi sản phẩm được người nghệ nhân thổi hồn, mang dáng dấp các đồ gốm sứ cổ thời nhà Thanh, nhà Minh. Một bộ đĩa chén gốm sứ phục chế anh bán 30.000 đồng nhưng ra đến thị trường sẽ có giá 200.000 đồng. Một số sản phẩm phục chế ở đây giá cũng rẻ hơn rất nhiều so với thị trường, ví dụ bình rượu men mạc giá 150.000 đồng/cái, đĩa men ngọc, hoa văn đời Lý giá 150.000- 250.000 đồng/cái; một bộ thạp phục chế đời Lý hoa nâu giá 300.000- 400.000 đồng/bộ. Riêng bộ thạp này người mua mang về qua công nghệ làm cũ đem bán có thể có giá vài triệu đến vài chục triệu đồng. Đối với nghệ nhân Đặng Đình Thắng, thu nhập đem lại từ nghề phục chế đồ gốm sứ cổ không cao nhưng thoả mãn được niềm đam mê sáng tác. Để đóng góp cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, anh cũng đang tập trung sản xuất 1 tủ trạn bằng các mảng gốm sứ hoạ tiết nổi sẽ hoàn thành trước ngày Đại lễ.
Điều mà nghệ nhân Đặng Đình Thắng còn trăn trở là việc duy trì và phát triển nghề gốm, sứ còn khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất... Theo ông Thắng, trong lĩnh vực gốm, sứ, các nghệ nhân thủ công chưa ai được phong tặng nghệ nhân ưu tú hay nghệ nhân nhân dân. Nghệ nhân làng nghề khi thành lập Hội nghệ nhân cũng thiếu sự quan tâm, nghệ nhân chỉ là một cái danh, thành lập ra Hội nghệ nhân cũng chỉ là hình thức không có địa điểm, kinh phí để hoạt động... Trong hoạt động nghề nghiệp, nghệ nhân thiếu vốn, thiếu kiến thức, cơ hội giao lưu học hỏi. Nghệ nhân hoạt động theo kiểu tự phát, được chăng hay chớ, không có các sản phẩm độc đáo mang tính hiện đại... Đặc biệt, nghề phục chế gốm sứ cổ, gốm sứ nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ thất truyền khi những nghệ nhân còn lưu giữ bí quyết nghề này không còn nhiều, phần lớn đã bước sang tuổi xế chiều trong khi đó, đội ngũ kế cận lại đang thiếu trầm trọng và tay nghề chưa cao.
Tuyết Mai
Powered by vBulletin® Version 4.2.1 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.