PDA

View Full Version : Giang hồ kỳ thủ



CXQ
04-08-2010, 04:13 PM
Cờ tướng là môn thể thao cân não xuất phát từ Trung Quốc và rất phổ biến ở Việt Nam. Không ít kỳ thủ của làng cờ Việt Nam nổi danh thế giới với những ván cờ kỳ ảo. Tùy theo ngoại hình, tính cách, thói quen, quái chiêu, tuyệt kỹ... của từng danh thủ mà họ được quần hùng tặng những biệt danh thú vị, dựa vào những nhân vật nổi tiếng trong các pho tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.



Chánh và tà
Không phải ngẫu nhiên mà người xưa thường ví một ván cờ như một trận chiến, mỗi chiêu mỗi thức trong cờ tướng được ví như các chiêu thức trong võ lâm. Không ít bậc cao nhân, tiền bối vì mê cờ mà kết giao bằng hữu, huynh đệ...


Sài Gòn trước 1975, xuất hiện nhóm "Võ Đang thất hiệp" vang danh tứ hải. Các cao thủ này là những bậc trí thức với những nghề danh giá. Họ thường luận cờ để giải khuây và hay hành hiệp trượng nghĩa bằng cách chỉ bảo cho các hậu bối. Theo thứ bậc về tuổi tác cũng như tuyệt nghệ mà họ được phân chia ngôi thứ.



Người được quần hùng tôn sùng gọi là đại ca Tống Viễn Kiều chính là nhà giáo Lê Văn Đặng, ông là kỳ thủ có nhiều chiêu thức biến hóa nên được các huynh đệ nể trọng. Nhị ca Nguyễn Hữu Quang cũng kiếm sống bằng nghề gõ đầu trẻ. Người thứ 3 là bác sĩ Nguyễn Minh Nhật, tứ ca Châu Diễm Diệu, lão ngũ là "tiểu tướng" Quách Anh Tú - hiện là Chủ tịch Liên đoàn Cờ TP.HCM, còn quý tử của nhà văn Bình Nguyên Lộc - giáo sư Tô Hòa Dương xếp hàng thứ 6. Nhưng thành công hơn cả về nghiệp cờ tướng lại là thất đệ Lê Thiên Vị - hiện là Ủy viên BCH Hiệp hội Cờ tướng châu Á, HLV trưởng đội tuyển cờ tướng Việt Nam. Nhóm “Võ Đang thất hiệp” thường tập họp và bàn luận về cờ tại "sơn trang" thầy giáo Đặng và những buổi luận cờ này chỉ ngưng khi danh thủ Trương Thúy Sơn Quách Anh Tú lên đường tham gia cách mạng năm 1968.


Nhờ thường xuyên luyện công, nên công lực của Mộc Thanh Cốc Lê Thiên Vị ngày càng thăng tiến. Trong những lần xuống núi, Lê Thiên Vị từng lập các chiến công hiển hách như: vô địch Sài Gòn năm 1970, đạt đẳng cấp Quốc tế đại sư tại Giải vô địch thế giới lần 4 - 1995 với tấm HCB Phi Hoa Duệ. Thời đó Lê Thiên Vị tung hoành ngang dọc chốn giang hồ và trăm trận trăm thắng ở các ván cờ độ tại các kỳ đài nổi tiếng ở đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Không cần dùng hết khoảng thời gian đốt cháy một nén nhang, kỳ thủ Lê Thiên Vị đã dễ dàng triệt hạ đối thủ. Lúc đó, mỗi khi gặp công tử họ Lê, người giang hồ thường hỏi, hôm nay thắng được bao nhiêu, chứ ít ai hỏi thắng nhiều hay ít. Vì thường xuyên triệt hạ đối thủ bằng các chiêu độc nên biệt danh "Thiên hạ đệ nhất sát" đã làm chết tên thất đệ Mộc Thanh Cốc Lê Thiên Vị. Đã có nhất sát thì phải có nhị sát, tam sát. Hai người bạn thân Trần Quới và Lê Nhị Trí đã đồng ý cùng hội cùng thuyền với Lê Thiên Vị để chấp nhận hỗn danh "Giang hồ tam ác".


Hai kỳ thủ số một VN
Thành công nhất trong làng cờ VN phải kể đến “Tứ liên bá" (4 lần vô địch liên tiếp) Mai Thanh Minh. Khuôn mặt khắc khổ và nước da tai tái là đặc điểm chung của những người từng tham gia lực lượng Thanh niên xung phong. Chính vì đặc điểm này, nên mọi người thường gọi anh là Minh "rét" mỗi khi anh xuất hiện ở các làng cờ độ. Sau khi được tập luyện dưới sự huấn luyện bài bản của cố danh thủ Phạm Thanh Mai, công lực của Mai Thanh Minh trở nên thâm hậu. Chính anh là người đã làm rạng danh làng cờ VN với giải hạng 3 thế giới tranh cúp Phật thừa (Hawaii 1999). Anh cũng là người đầu tiên của VN vinh dự được phong Quốc tế đại sư. Cùng với các đồng đội của mình, Mai Thanh Minh từng đoạt HCĐ giải hạng 3 đồng đội thế giới 2000, 2 HCB đồng đội châu Á 1994, 1998. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Mai Thanh Minh bật mí: "Tôi thường thi đấu theo kinh nghiệm và thường dùng “vô chiêu để thắng hữu chiêu". Điều này phù hợp với nhân vật Lệnh Hồ Xung trong "Tiếu ngạo giang hồ" nên người đời đặt cho anh biệt danh "Độc cô cửu kiếm".
Một kỳ thủ khác cũng danh nổi như cồn chính là "Túy kỳ tiên" Trềnh A Sáng. Không hổ danh là đệ tử lưu linh, Trềnh A Sáng uống rượu chẳng thua gì Tiêu Phong. Hễ gặp chiến hữu là uống, có người mời là OK. Có một giải đấu vì cả nể bằng hữu mà "Túy kỳ tiên" uống say bí tỉ nên phong độ giảm sút, may nhờ nội lực thâm hậu mà anh dần lấy lại phong độ ở các ván sau và xuất sắc đoạt huy chương tại giải. Thành tích của Trềnh A Sáng cũng rất đáng nể với 4 lần vô địch quốc gia cùng tấm HCV Giải vô địch ĐNA 1996, HCĐ cá nhân Giải vô địch châu Á 2001. Trềnh A Sáng cũng là kỳ thủ đầu tiên của VN đạt chuẩn Đặc cấp quốc tế đại sư. Như các nhân vật chính của Kim Dung, Trềnh A Sáng xuất thân nghèo khổ với nghề bán giày dép. Nhưng ít ai ngờ "hài chảy" đã đạt đến "tầng thứ 9" của môn cờ tướng bằng sự đam mê của mình. Trong các kỳ đài ở TP.HCM, những ván đấu giữa "Độc cô cửu kiếm" Mai Thanh Minh và "Túy kỳ tiên" Trềnh A Sáng luôn thu hút đông đảo quần hùng và những ván đấu này thường được giang hồ bàn luận suốt một khoảng thời gian dài sau đó. Các hội cờ người ở các ngày lễ, Tết do kỳ thủ này làm thống soái cũng luôn thu hút đông đảo người xem bởi những cách điều quân, khiển tướng kỳ diệu.

Những lữ khách giang hồ Tác phẩm võ hiệp thường xoay quanh các môn phái, bang hội, các gia đình thế gia vọng tộc với những tuyệt chiêu riêng thì trong làng cờ VN cũng có những gia đình nổi tiếng vì tuyệt kỹ chơi cờ. Nổi bật trong số đó là 4 anh em ruột mà người đời thường gọi là "Diệp gia tứ hổ", gồm: Diệp Khai Nguyên, Diệp Khai Dương, Diệp Khai Hằng và Diệp Khai Hồng. Cả 4 đều là những cao thủ hàng đầu trong giới kỳ thủ. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hiện chỉ còn mỗi mình Đại hổ Quốc tế đại sư Diệp Khai Nguyên là vẫn còn bám trụ với cờ. Từng nổi tiếng châu lục với 2 ván cờ hòa trước đại danh thủ Hồ Vinh Hoa của Trung Quốc, Diệp Khai Nguyên cũng chính là sư phụ của 2 kỳ thủ nổi tiếng Ngô Lan Hương và Trương Lê Hoàng.
Một kỳ thủ tài hoa xuất chúng khi còn rất trẻ chính là kỳ thủ Trần Văn Ninh. Mới ở độ tuổi 18, Ninh đã làm dậy sóng giang hồ và làm điên đảo nhiều danh kỳ từ Nam chí Bắc trên bước đường hành tẩu. Giọng nói nhỏ nhẹ, tính cách thâm trầm, lại hùng cứ một vùng duyên hải miền Trung nên giang hồ phong cho anh biệt danh "Đông phương bất bại". "Không giống ai", lại là một hiện tượng khác của "Phong trần quái khách" Hoàng Đình Hồng. Với kỳ tài của mình, ông đã một mình chu du khắp chốn giang hồ, biết tất cả các tụ điểm, bang giao với hầu hết kỳ tài trong thiên hạ. Nhưng đi thi đấu cờ độ lại cứ thích đi một mình, nên biệt danh "Độc hành đại đạo" âu cũng xuất phát từ đó. Quốc tế đại sư Mong Nhi cũng nổi bật không kém khi được báo chí nước ngoài phong tặng là "Việt Nam hắc hiệp" khi ông xuất thần đánh bại Đặc cấp quốc tế đại sư của Hồng Kông Triệu Nhữ Quyền.
Trong giới nữ, VN cũng có lắm hảo thủ mà mỗi lần nhắc tên các danh kỳ nam cũng đôi phần nể trọng. Chuyên thách đấu cờ độ khắp hang cùng ngõ hẻm với các đấng mày râu là "Diệt tuyệt sư thái" Lê Thị Hương. Rất nhiều người vì xem thường nữ giới mà bị sư thái móc đến cháy túi. Thường sử dụng những chiêu thức giang hồ, nhưng các nước cờ của Hương lại biến hóa khôn lường khiến bao phen làm đối thủ ôm hận. Khi tiếng tăm của Hương đã bay xa khỏi khu vực Tân Định, Đa Kao thì Hương được "Độc hành đại đạo" Hoàng Đình Hồng giới thiệu cô về đầu quân cho CLB cờ quận 4 và cô nhanh chóng chiếm một suất chính thức của đội tuyển quốc gia. Sư thái Lê Thị Hương đã đem về cho VN 2 HCB, 2 HCĐ châu Á và trở thành nữ kỳ thủ đầu tiên của VN được phong Đặc cấp quốc tế đại sư.


Ngoài ra các tên tuổi như: "Bạch mi Ưng vương" Trương Á Minh, "Sát nhân vô ảnh" Trần Quốc Việt, "Khô Mộc Thiền sư" Dương Thanh Danh, "Tía Sam Long vương" Trần Thị Ngọc Thơ, "Thiết chưởng lão nhân" Trịnh Mỹ Linh, "Thiếu lâm Không Kiến thần tăng" Phạm Tấn Hòa... cũng đều được xem là những kỳ tài của VN với những tuyệt chiêu riêng biệt.



Hoàng Huynh - Quang Huy (báo Thanh Niên)

CXQ
09-11-2012, 03:19 AM
Các biệt danh trong làng cờ

Thể thao VN từ xưa đã có những biệt danh đi vào lòng người hâm mộ như “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng, "trung ứng vách sắt" Trương Tấn Bửu (bóng đá), “phượng hoàng” Lê Thành Các, “hùm xám” Vũ Văn Thân (xe đạp), “bức tường đồng” Mai Văn Hòa (bóng bàn)...

Tuy nhiên, chiếm số lượng áp đảo nhất vẫn là ở môn cờ tướng khi chỉ cần... xuất hiện trên đấu trường là đã có biệt danh.

Mộc Thanh Cốc” của Võ Đang thất hiệp
Trong nhóm bảy anh hào của “Võ Đang thất hiệp” tại Sài Gòn trước năm 1975, tuy là em út nhưng thất đệ “Mộc Thanh Cốc” - Lê Thiên Vị (L.T.V.) nhờ có ưu thế hoạt bát và “nội công” thâm hậu nên rất được dân làng cờ nể trọng.

So với đàn anh đại ca Tống Viễn Kiều - nhà giáo Lê Văn Đặng hay nhị ca Nguyễn Hữu Quang, tam ca Nguyễn Minh Nhật, tứ ca Châu Diễm Diệu, lão ngũ Quách Anh Tú và lục huynh Tô Hòa Dương, L.T.V. thành công hơn cả về nghiệp cờ tướng khi hiện là ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Cờ tướng châu Á, HLV trưởng đội tuyển cờ tướng VN.

Tuy nhiên, cũng như nhiều “hiệp khách” cờ tướng lúc bấy giờ, thời trai trẻ của L.T.V. cũng không thể tránh khỏi chuyện cơm áo gạo tiền. Được xem là thất đệ của Võ Đang chính phái với bảng thành tích: vô địch Sài Gòn năm 1970, đạt đẳng cấp quốc tế đại sư tại giải vô địch thế giới lần 4-1995 với tấm HCB Phi Hoa Duệ; ấy vậy mà đôi khi vì hết tiền, L.T.V. đã phải “xé rào” kiếm tiền ở các bàn cờ độ.

http://xqfan.com/vn/uploads/xq4-1.jpg


Đông đảo bạn trẻ theo dõi đấu cờ và chiêm ngưỡng “Độc cô cửu kiếm”


Với nội công thâm hậu được tôi luyện tại môi trường chính phái của Võ Đang thất hiệp, nhờ vậy mà khi “xuống núi” tìm kế sinh nhai, L.T.V. có thành tích bất khả chiến bại với trăm trận trăm thắng.Lúc đó, khi gặp ông người ta thường hỏi hôm nay thắng được bao nhiêu, chứ ít ai hỏi thắng thua thế nào. Vì thường xuyên triệt hạ đối thủ bằng các chiêu độc nên L.T.V. còn có biệt danh khác là “Thiên hạ đệ nhất sát”. Cùng với nhị sát Trần Quới và tam sát Lê Nhị Trí, bộ ba này được xem là “giang hồ tam ác” ở các bàn cờ độ lúc bấy giờ.
Những ngày lui về “ẩn dật”, L.T.V. bắt đầu nghĩ đến chuyện phải làm một cái gì đó cho môn thể thao đã làm nên tên tuổi của mình và ông đã làm HLV cho đội tuyển TP.HCM. Theo ông, biệt danh là một trong những cách dễ đi vào lòng người nhất bởi nó giúp dân mê cờ dễ nhớ và chỉ cần nghe qua là nhớ liền đến sở trường, sở đoản quái chiêu, tuyệt kỹ... của từng thần tượng của mình!

Và bằng kinh nghiệm tích lũy được của những ngày hành hiệp giang hồ cộng với cặp mắt tinh tường của mình, nên các biệt danh mà tiền bối L.T.V. đặt đều được dân làng cờ chấp nhận.

1.001 biệt danh trong làng cờ!

http://xqfan.com/vn/uploads/xq4-2.jpg

Lê Thiên Vị (trái) nhận kỷ niệm chương do Ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao tặng tại Sports Gala 200


Có thể nói nếu nhà văn Kim Dung đã có công xây dựng các nhân vật trong tiểu thuyết của mình đến với đông đảo công chúng, thì ở góc độ nào đó L.T.V. đã làm cho các nhân vật của Kim Dung gần gũi hơn, đặc biệt là với người mê cờ tại VN.Những biệt danh mà L.T.V. đặt cho các kỳ thủ trong làng cờ tướng không chỉ là tên gọi cho vui mà đã phản ánh một phần ngoại hình, tính cách của nhân vật. Chẳng hạn như quốc tế đại sư Trềnh A Sáng được đặt cho tên gọi “Túy kỳ tiên” bởi anh uống rượu chẳng thua gì nhân vật Tiêu Phong trong Thiên long bát bộ - Lục mạch thần kiếm.

Dân làng cờ có truyền nhau một câu chuyện vui là tại một giải đấu, vì cả nể bằng hữu mà “Túy kỳ tiên” uống say bí tỉ đến nỗi ban tổ chức không cho vào bàn thi đấu! Tuy nhiên, đây cũng là một kỳ thủ đặc biệt bởi khi tửu vào càng nhiều thì anh chơi cờ càng hay! Cùng đẳng cấp với Trềnh A Sáng còn có “Độc cô cửu kiếm” Mai Thanh Minh, bởi anh này có tuyệt kỹ là dùng chiêu độc “vô chiêu thắng hữu chiêu” giống Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ.

Còn nhớ vào đầu những năm 2000, làng cờ VN xuất hiện bốn anh em của gia đình họ Diệp: Khai Nguyên, Khai Dương, Khai Hằng và Khai Hồng thi đấu khá ấn tượng, liền sau đó xuất hiện biệt danh “Diệp gia tứ hổ”! Tương tự, trong giới nữ, VN cũng có lắm hảo thủ mà mỗi khi nghe đến tên cánh mày râu cũng rùng mình, và dĩ nhiên L.T.V. cũng tìm cho họ một biệt danh thật xứng đáng!


Nổi bật trong số đó là quốc tế đại sư Lê Thị Hương với biệt danh “Diệt tuyệt Sư Thái”! Cũng như chưởng môn phái Nga Mi trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Lê Thị Hương rất thích đi “giang hồ”... gài độ! Và mỗi lần Lê Thị Hương xuất chiêu được ví như Diệt tuyệt Sư Thái rút Ỷ Thiên kiếm khiến không biết bao phen làm đối thủ ôm hận.
Có thể nói trong làng cờ tướng, mỗi biệt danh là một tính cách, mỗi tên gọi là một giai thoại. Một ngày nào đó nếu tình cờ nghe được những tên gọi mang đậm màu sắc kiếm hiệp như “Đông phương bất bại” Trần Văn Minh, “Bạch mi ưng vương” Trương Á Minh, “Sát nhân vô ảnh” Trần Quốc Việt, “Khô Mộc thiền sư” Dương Thanh Danh, “Tía Sam long vương” Trần Thị Ngọc Thơ, “Thiết chưởng lão nhân” Trịnh Mỹ Linh, “Thiếu Lâm Không Kiến thần tăng” Phạm Tấn Hòa, “Phong trần quái khách” Hoàng Đình Hồng..., dù chưa phải là tín đồ của cờ tướng chắc bạn cũng vui vui.

TRUNG DÂN
Nguồn: Tuổi Trẻ Chủ Nhật