PDA

View Full Version : Lãng tử - Nhà văn Nguyễn Khải



Hư Trúc
17-08-2010, 12:40 AM
Trong bữa cơm chiều do chủ tịch xã Đông Sơn mời, đột nhiên anh bảo tôi :

- Anh phải gặp ông Sinh xã tôi mới được. Ông ta là người duy nhất không chịu thay đổi một chút gì trong cái thời buổi kinh tế thị trường.

Trưởng công an xã hỏi :

- Nghe vợ bảo lại đi Hưng Hà không rõ đã về chưa ?

Chủ tịch xã buông đũa nhìn chúng tôi bằng cặp mắt lừ đừ rồi nói rất từ tốn :

- Mới về trưa nay. Hắn là đại đội trưởng của tôi hồi tiểu đoàn chúng tôi phụ trách một tuyến cầu đường trên đất bạn. Sang đất bạn có hai tháng hắn đã nói thông thạo tiếng Lào, như dân Lào. Thông minh tột đỉnh. Gan dạ cũng tột đỉnh.

Chúng tôi ăn uống được một lúc, nói tào lao đủ thứ chuyện rồi chủ tịch xã lại nói về Sinh, người bạn kỳ lạ của anh. Sinh trở về làng lần trước cách đây đã ba năm, đến thăm một người bạn sống ở Gạo, không ngờ bạn đã mất gần được một trăm ngày. Nhìn lên bàn thờ chỉ có bát hương với bài vị chứ không có hình thờ. Ông ấy từ nhỏ đến lớn không hề chụp hình một lần nào. Sinh hẹn sau hai ngày sẽ đem hình của bạn tới, hình như anh còn giữ một tấm hình của ông thì phải. Nói thế cho vợ bạn mừng chứ làm gì có hình. Về nhà Sinh cặm cụi ngồi vẽ, vẽ theo trí nhớ một người bạn đã nhiều năm không gặp lại, vì anh có nghề vẽ truyền thần. Vẽ hai ngày thì xong lúc mở tấm hình vẽ bằng mực tàu ra, vợ con người mất liền òa khóc. Là người chồng, là ông bố vừa sống lại, trẻ hơn một chút, đẹp hơn rất nhiều và cái nhìn của cặp mắt có thể an ủi một đời những người còn sống.

Chủ tịch xã nói về trường hợp lấy vợ của Sinh. Người vợ hiện nay xưa kia là hoa khôi của làng, đã hứa hôn với một kỹ sư nông nghiệp làm việc trên huyện. Hai gia đình đi lại đã mấy năm, chỉ còn đợi ngày cưới. Vậy mà đám cưới không thành chỉ vì cô ta bỗng nhiên được chàng trung úy công binh chú ý trong một lần về thăm nhà có vài ngày. Trung úy kể chuyện cho các bạn thanh niên nghe về những công việc của đơn vị mình trong mấy năm làm đường, làm cầu dưới bom đạn Mỹ. Một chàng trai có khuôn mặt nhuốm màu khói đạn chiến tranh, có cái miệng rất quyến rũ khiến các cô gái thơ ngây phải khóc phải cười qua từng mẩu chuyện. Và cặp mắt đa tình của hắn chỉ nhìn chăm chắm có một người, nói rất nhiều với riêng một người. Rồi hắn lại rút ống sáo ra thổi. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu, nhưng ở xã này còn phải nói thêm, làm thân con gái chớ nghe tiếng sáo của thằng Sinh. Chỉ nhìn hắn đưa ống sáo lên ngang miệng, một con mắt hơi nheo lại dưới chân mày đen rậm và cái miệng đẹp như vẽ, mềm mại tì lên thân sáo, những ngón tay dài như móng vuốt khẽ mở ra, là ôi thôi... cái thân con gái coi như bỏ. Sau buổi tối mê hoặc, Sinh bước lại gần người đẹp, tay cầm ống sáo khẽ vung vẩy. Con mồi như bị buộc chặt tay chân, đứng không nhúc nhích nhìn con thú nguy hiểm đang trườn dần tới. Con thú nhe hàm răng trắng lóa gầm gừ :

- Nghe nói em sắp lấy chồng phải không ?

Con mồi run rẩy, nói như tỉnh như mê:

- Anh nghe ai nói, em còn lâu mới lấy chồng.

Con thú cười khìn khịt :

- Đừng nói dối quanh. Cả làng nói mà.

Con mồi cụp mắt, tự thu nhỏ thêm để trở thành dễ nuốt:

- Không có đâu anh Sinh ơi.

Một hơi nóng ấm phả ra trùm kín lấy bông hoa đã mở hết mọi cánh. Một giọng nói mềm mại làm tê liệt chút kháng cự cuối cùng :

- Em đợi anh nhá. Đi đâu anh cũng chỉ nghĩ có em thôi.

Ngay sáng hôm sau, người đẹp nài nỉ với cha mẹ đem trầu cau trả lại nhà trai, xin từ hôn. Cô nói rất trơ trẽn với họ hàng và bè bạn rằng cô chỉ có thể làm vợ trung úy Sinh, rằng đây là duyên nghiệp, đã gắn bó với nhau từ kiếp nảo kiếp nào. Hoặc là chết hoặc hai người phải lấy được nhau. Ai dạy cô trong có một đêm biết nói những lời sắt đá ấy ?

Hăm ba năm làm vợ Sinh, cô chỉ ở được với chồng khoảng chừng một năm. Đã có ba mặt con với nhau mà hình như cô vẫn chưa thuộc mặt hắn, chưa thuộc tính nết của hắn và chưa hề được hầu hắn đau ốm một ngày nào. Còn chiến tranh thì mỗi năm hắn về một lần, mỗi lần ở nhà từ một tuần đến mười ngày. Ba lần về đẻ ba cô con gái. Cả nước hòa bình nhưng hắn vẫn luẩn quẩn trong khói súng ở biên giới Tây Nam. Rồi hắn xuất ngũ do bị thương, nhẹ thôi nhưng hắn xin về hưu non khi mới bốn mươi tuổi. Vợ con đã mừng là từ nay sẽ giữ được hắn ở nhà, vợ chồng con cái chăm chỉ làm ăn rồi cũng thành cơ nghiệp. Nhưng hắn lại đi, đi thăm bạn bè dọc theo đất nước, ở mỗi địa phương vài tháng, có khi là nửa năm, nếu vui. Và hắn đã ở lại Tây Nguyên nhiều tháng nhiều năm vì vùng đất này xem chừng quyến rũ hắn nhiều hơn cả. Mỗi lần hắn về đều có đưa tiền cho vợ, không nhiều, nhưng là có đưa. Ba đứa con có bố mà như mồ côi bố, mỗi lần bố về, bốn bố con phải dò dẫm làm quen nhau mất cả tuần, gần thân thuộc thì ông bố lại chuẩn bị khăn gói ra đi chuyến nữa. Nhưng tệ nhất là hai đứa con gái đầu đi lấy chồng người bố cũng không thể thu xếp để về. Một người chồng, một người cha rất vô tích sự, có cũng như không. Người tình cũ của cô hoa khôi làng ngày xưa nay đã là giám đốc một xí nghiệp tư nhân, đã xây một tòa nhà có hai căn lầu tại một đường phố trung tâm của thị xã. Một năm đôi ba lần anh có đưa vợ con về quê chơi và riêng anh bao giờ cũng lại thăm cô vợ hụt hiện vẫn sống nhờ hai gian nhà bình văn của đình Tàu. Đến để cho cái người đã dám từ hôn phải hối tiếc, phải than thầm : "Biết thế...". Nhưng cái cô ấy, cái bà ấy bao nhiêu năm sống thui thủi một mình với mấy đứa con vẫn tiếp người đàn ông có thể là chồng mình hết sức tự nhiên, hết sức thanh thản. Như một người rất no đủ, rất thỏa mãn, rất bằng lòng trong tình yêu, trong sự lựa chọn.

2.

Đình Tầu là một địa danh nổi tiếng của nhiều sự kiện đã thuộc về lịch sử của một vùng đất. Cụ Ngự sử Phạm Huy Quang tế cờ đánh Pháp vào giữa thế kỷ trước ở sân đình Tàu. Tập trung quân đi lấy phủ Đông Quan trong ngày tổng khởi nghĩa là ở đình Tàu. Tổ chức tuần lễ Vàng, thành lập mặt trận Liên Việt, tuyên bố sửa sai cải cách ruộng đất đều ở đình Tàu cả. Và bây giờ gia đình Sinh được xã cho tạm trú tại hai gian nhà bình văn của đình Tàu. Tạm trú có nghĩa là không được ở hẳn, còn muốn ở bao lâu cũng được. Có con trai mới cần làm nhà riêng, cơ ngơi riêng để con cháu đời đời hương khói. Đẻ một lũ con gái, là con của người khác, của dòng họ khác, làm nhà riêng để ai ở. Sinh có ý định sau ngày về nhà chồng của đứa con gái út anh sẽ đưa vợ vào Tây Nguyên sống ít năm. Sau đó nếu còn khỏe hai vợ chồng sẽ đi lang thang khắp các tỉnh, tỉnh nào anh cũng có bạn, các bạn đều sẵn sàng nuôi vợ chồng anh nhiều tháng rồi mới trở về quê, và lại về tạm trú ở đình Tàu, chờ ngày trở thành cát bụi. Anh là người của thập phương, nên chỉ có thể ở nhà trọ các bến xe, nhà bạn bè, trụ sở các cơ quan, ở đình, ở chùa chứ không thể ở nhà riêng, mãi mãi anh không thể ở một nơi cố định, không thay đổi được, gọi là nhà riêng của mình. ở như thế có khác gì nhà tù. Mấy gian nhà quen thuộc, một cái xóm quen thuộc, những người bạn biết nhau gần một đời người, những câu chuyện được nghe từ thuở ấu thơ, tất cả sự không thay đổi, sự ngưng đọng sẽ làm anh ngộp thở. Chỉ có thể ở lại cái mảnh trời, mảnh đất chật hẹp ấy khi biết chắc mình đã sắp chết. Chết, cái vỏ xác sẽ vĩnh viễn được chôn vùi ở một chỗ nhưng cái mảnh linh hồn sẽ phấp phới theo gió theo mây trôi dạt khắp bốn phương. Chết là thích lắm, là đáng ao ước lắm. Và nếu phải đầu thai sang một kiếp khác cho đúng với luật luân hồi, thì lạy trời, hãy cho anh lại được trở về trong một thân xác khỏe mạnh, có một cặp chân không bao giờ biết mỏi để lại tiếp tục đi tới những vùng trời, vùng đất mà kiếp trước vì quá ngắn nên phải bỏ dở.

Sinh không có nhà nhưng nhìn vợ Sinh đang vặt lông chim sẻ thì Tính, người dẫn đường, cũng là một đệ tử của Sinh mỗi lần anh về nhà, bảo tôi : "Rất may bữa nay ông ấy nhậu tại gia, không đi đâu cả". Gọi là ở nhà, nhưng cũng không mấy khi có mặt ở nhà. Thiếu gì bạn nhậu ở xã này, ở xã khác, ở huyện khác nhưng không ra khỏi tỉnh tức là ở nhà. Trong nhà kê hai cái gường đôi, một cái bàn thấp bày bừa bộn nghiên mực tầu, mấy cái bút vẽ, vỏ bao thuốc, một bình trà với mấy cái chén uống nước. Cạnh cửa sổ kê một cái giá vẽ có ghim một bức truyền thần đang vẽ dở. Một bà lão nào đó có gương mặt rất vui, rất nhân hậu, một người không nghĩ điều ác bao giờ, không biết buồn phiền bao giờ. Chỉ có hình vẽ chứ không có hình chụp làm mẫu. Vẽ theo trí nhớ à ? Vợ Sinh nói : "Bà thím của nhà em chết lâu rồi, cả chục năm nay, nhưng các em nó cần có hình để thờ nên phải vẽ. Vâng, giống lắm, hệt như lúc còn sống vì bà thím em có tính hay đùa, kể chuyện cũng có duyên, y hệt ông cháu". Sinh đã về, anh chào tôi rồi bảo vợ :

- Mình phải hơ chim qua lửa rồi hãy rán. Thịt chim không có hơi lửa không ra chim. Nhớ lót lá lốt vào bụng nhé.

Ông chủ nhà thuộc tạng đàn ông trẻ lâu. Mi mắt còn phẳng, đuôi mép còn căng, khoanh cổ tròn trĩnh, da thịt săn gọn và tươi. Nhất là cái nhìn và nụ cười thì còn rất trẻ, vẫn có thể làm mê đắm các cô gái muộn chồng. Bà vợ thì già hơn dầu chị kém chồng tới sáu tuổi. Nhưng gương mặt chị vẫn còn lưu lại nhiều nét đẹp của một thời. Khi nghe nói chúng tôi chỉ ở lại thăm anh một chút rồi về ăn cơm trưa ở ủy ban thì Sinh cười khảy :

- Anh là nhà báo thì phải ngồi nhậu với tôi trưa nay, cả chiều nay. Ngồi ăn với mấy thằng đảng ủy, ủy ban thì chán chết. Mặc kệ chúng nó. Anh cứ ở đây.

Tôi nhận lời tức thì. Anh là ao ước của tôi, là người trong mộng tưởng, là chính tôi nếu tôi không nhát quá, không lười quá, không đìu híu với vợ con quá. Sinh nói, ngồi ăn tiệc với các quan chức địa phương là chán nhất. ở bữa ăn ấy người ta chỉ được nói với nhau những lời thù tạc rất vô nghĩa, rất không đáng nói, rượu uống không có tri kỷ rất nhạt miệng, càng uống càng khó chịu. Nhậu với bạn bè ở nhà hay ở quán cũng chả có gì là vui, có tri kỷ nhưng không có trời đất, không có gió trăng chứng giám, rượu uống có say cũng là cái say tục, cái say cưỡng. Bất ngờ mà có một đám bạn, bất ngờ lại bắn được một con thú, thịt nướng lên, rượu rót ra, tứ hải giai huynh đệ, thác réo phía xa, suối chảy dưới chân, trong chén rượu sóng sánh bao nhiêu là mây là núi, là những kỳ ngộ, những duyên trời, rượu nặng từng giọt, rơi vào trong cổ từng giọt, giọt vui giọt buồn, giọt mừng giọt tủi, chỉ uống một chén là say, có thể say cả năm vì một chén rượu được trời đất tặng, được bạn bè tặng, được đời mình tặng. Hà ! thú vị lắm nhé, nhà báo ơi ! Nhai một miếng một nửa con chim béo, chim sẻ vào thu là béo mũm mĩm, thịt chim thơm hơi lửa, thơm lá lốt, hớp một ngụm rượu thật tuyệt. Nhưng uống rượu với quả nem còn hứng thú hơn nhiều, cắn một miếng nem, hớp một ngụm rượu, ngậm nem trong rượu một lúc rồi mới từ từ nuốt, từ từ nhai, ăn uống cũng phải có phép tắc của nó.

Sinh nói, trong chuyến trở lại Đắc Lắc vừa rồi có một bữa rượu ở chân đèo Phượng Hoàng là khoan khoái nhất. Xe đò chạy từ Tuy Hòa vào Đắc Lắc qua đèo Phượng Hoàng là đã gần nửa đêm. Chân đèo là một bãi tranh bằng phẳng, từng bầy thỏ thấy ánh đèn bèn đâm bổ ra mặt đường, cứ trước đèn xe mà chạy, vừa chạy vừa ngoái đầu lại, mắt sáng lấp lánh. Sinh ngồi cạnh người lái, chẳng có quen biết gì trước đâu, bỏ thêm tiền để được ngồi đầu xe ngắm cảnh, thế thôi. Anh bảo cho xe chạy chậm, thật chậm rồi nhảy ra chạy trước mũi xe vồ các chú thỏ ngốc nghếch đã díu chân vì ánh đèn. Vồ một lúc được tám con, tới chỗ nghỉ tự anh làm thịt thỏ mời mấy ông nhà xe cùng nhậu chơi. Trời sáng trăng nhưng không nhìn thấy ánh trăng chỉ thấy sương mù sáng trắng, trời lạnh tê da, đốt lên một đống lửa, chén thù chén tạc, chén chú chén anh với thịt thỏ rừng nướng vàng. Tẩm mình trong ánh trăng, trong sương mù, trong lửa củi, chuyện trên trời dưới biển, ngồi chán lại nằm, vừa nằm vừa uống, vừa ngủ vừa uống, thét ầm ầm, cười ha hả, ôi tự do, đời tự do, đời không ràng buộc! Các trích tiên đã một lần được gặp nhau uống rượu thỏa thuê dưới chân đèo Phượng Hoàng.

3.

Sinh tự giới thiệu anh có bốn nghề : vẽ, săn, sáo, nhậu, nghề nào cũng thuộc loại đại cao thủ, đều có thể làm giàu nếu anh muốn làm giàu. Nghề vẽ truyền thần anh tự xem gần như độc bá, vì anh có thể vẽ theo trí nhớ những gương mặt đã một lần được gặp cách dăm bảy năm hoặc một chục năm. Thổi sáo thì khỏi nói, anh cướp được hoa khôi làng chỉ nhờ một bài sáo. Còn đi săn, anh cũng là bậc sư, nó là nghề chính, là đam mê chính, là niềm vui triền miên của nửa đời người. Từ nhỏ tới hôm nay (anh tránh dùng chữ già) anh chưa từng để quần áo ở hòm, ở tủ hoặc va li. Ngày nhỏ thì quần áo để trong bị, trong thúng hoặc vắt trên dây. Đi bộ đội thì mọi thứ nhét trong ba lô. Mười năm đi lang thang khắp đó đây cũng vẫn cái ba lô lính của thuở nào, không có gì thay đổi. Thêm một khẩu AR15 của Mỹ, đổi lại thước ngắm như súng CKC và một cái đèn săn. Cái đèn anh làm rất cầu kỳ, hai tim bấc, đốt bằng dầu lạc, lắp kính lúp, không có muội, sáng trắng như đèn thợ mỏ. Mùa khô rừng sạch, ít muỗi, vắt không có, đi săn là đẹp nhất. Có thể quên vợ quên con nếu được săn gấu vào mùa khô. Địa chỉ của gấu thường là những cánh rừng bằng lăng. Cây bằng lăng có nhiều bọng cho ong làm tổ, vỏ cây lại dễ tước... Gấu săn ong, người săn gấu. Ong bay từng đàn bâu lấy người hút mồ hôi, luồn cả vào chân tóc, vào trong áo, chịu khổ một chút nhưng chắc chắn là sẽ gặp gấu. Nhìn con gấu phá tổ ong thì nực cười lắm. Mắt đã nhỏ lại nhắm tít vì sợ ong đốt, hai tay tước vỏ cây bằng lăng soàn soạt vứt ra một bên như đống rạ rồi thò tay vào khoắng các bọng cây lấy mật. Gấu ăn mật ong còn gà rừng cả trăm con lao đến ăn xác ong non. Bắn gấu lúc ấy là rất an toàn, cứ nhắm đầu mà bắn. Con gấu nặng hơn tạ nhưng chỉ có bảy, tám cân xương, toàn thịt không. Bộ da khoảng ba cân. Mật, da, xương của gấu là những thứ bán rất lắm tiền. Da phải lột cả móng ướp muối bột rồi tìm người mua. Phải bán lúc da còn mềm, còn tươi thì mới nhồi được, một bộ da bán được một chỉ vàng. Lấy mật gấu phải lấy cả bộ gan, khi mặt lá gan đã heo héo tức là mật đã tụ lại, lúc ấy mới lấy mật. Bán mật gấu là được tiền nhất. Bắn con nhím cũng có tiền. Thịt nhím lại rất ngon, thịt gà phải gọi bằng cụ nhưng chớ có cho hành mà đắng miếng thịt. Hổ cũng mê thịt nhím. Nhưng bầy nhím thường xịt bầu hôi quanh lỗ đít mỗi lần di chuyển nên hổ rất khó tìm. Bắn nhím vào mùa khô, lấy dạ dày nhím làm thuốc có thể trị được các bệnh về tiêu hóa và đường huyết. Dạ dày con nhím thơm mùi thuốc bắc, phơi nắng không bao giờ có ruồi bâu. Thợ rừng thường nói thuốc trường sinh được luyện từ trăm cây, ngàn lá, muôn hoa. Trăm cây là dạ dày con nhím, nó ăn toàn rễ cây, càng đắng càng thích. Ngàn lá là nhung con hươu, hươu ăn lá. Muôn hoa là mật con ong, tốt nhất vẫn là mật ong rừng.

Sinh kể tiếp, trong hai năm đi lang thang khắp huyện Lắc có hai kỷ niệm không thể quên. Một kỉ niệm rất đẹp, không thể gặp lại lần thứ hai nhưng một đời được một lần cũng là quá đủ. Và một kỷ niệm còn khiến anh bực dọc, tấm tức không khéo đến hết đời. Giữa năm 92, đã bắt đầu vào mùa mưa, tầm hai ba giờ chiều anh đến thác Sình Hương thuộc xã Buôn Triết. Chân thác là con suối đá rất đẹp. Khung cảnh như trong cổ họa lại không có muỗi, không có cả vắt. Anh leo lên một phiến đá rộng khoảng hai tấm chiếu ghép, đặt ba lô gối đầu, khẩu súng bên cạnh, hớp một ngụm rượu rồi nằm dài trên đá lạnh muốn ngủ một lúc, lấy đá trời làm giường, lấy bầu trời làm nhà, lấy cây rừng làm phên làm vách, ngủ được một giấc như thế tức là đã thoát khỏi kiếp tục lên được kiếp tiên rồi. Chợt nghe có tiếng lao xao rất nhẹ ở bờ suối bên kia, và kìa, một bầy công trời, mỗi con cũng phải trên chục ký, nối đuôi nhau ra suối tắm. Chúng nó tắm, rồi chúng nó múa, đuôi xòe ra hoa to bằng miệng chén lấp lánh cả một đoạn suối như sao trời. Hơi thơm của rượu phảng phất trong miệng, gió thổi mơn man trên da thịt, tiếng hoẵng kêu phía xa âm vang giữa một rừng cây lồ ô và dòng suối đá trong vắt đang miệt mài chảy dưới chân mình. Thần tiên cũng không thể sống khác hơn!

Sinh hớp một ngụm rượu, đưa mắt nhìn lừ lừ hai chúng tôi rồi nhìn bà vợ ngồi khép nép cạnh chồng, ngồi lặng đi một lúc lâu rồi mới nói tiếp :

- Nhưng cái số tôi còn khổ, còn vất vả, cái vỏ trần tục của tôi còn nặng nề chưa thể trút bỏ ngay được nên mới lâm vào cảnh ngộ thứ hai. Cái cảnh ngộ buộc mình trở lại cái tính hung dữ, say máu, liều chết rồi ân hận, bực dọc vì đã để sổng một con mồi rất đáng giá. Lại là một cách sống khác, cách sống của con người - thú vật.

Chuyện xảy ra vẫn ở xã Buôn Triết, trong một cánh rừng sâu vào mùa khô đầu năm nay. Có hai cặp cưa xẻ làm lán trong rừng để xẻ gỗ cà te là loại gỗ quí. Họ đã ở được vài ngày, chiều hôm đó họ nướng cá khô cho bữa cơm chiều. Bất thình lình một người thét lên bỏ chạy, mấy người kia nhìn lại, cách họ khoảng vài chục mét là một con hổ xám vằn, mặt to như cái thớt đang trố mắt nhìn đám thợ xẻ, thế là cả ba anh này cùng ù té chạy nốt, bỏ cả cặp cưa, luồn rừng chạy đúng hai ngày mới về tới xã. Nếu đi thuyền theo vành hồ Buôn Triết thì chỉ mất có một buổi thôi. Họ làm một mâm cơm rất thịnh soạn mời Sinh tới uống rượu dụ anh giết con hổ xám, anh thì được hổ quí, họ lấy lại được đồ nghề vì họ biết anh là thợ săn giỏi. Thế là cái máu chinh chiến trong Sinh bừng bừng bốc lên như lửa gặp gió, anh nhận lời ngay, gặp được một đối thủ nguy hiểm, nửa phần thắng nửa phần bại, sống chết cân nhau mới hứng thú. Thêm nữa, bắn được con hổ xám vằn bán vứt đi cũng được hai cây vàng. Sinh chuẩn bị súng đạn, sáng sớm hôm sau lên đường ngay. Đến chiều thì tới, Sinh lùng sục khắp nơi khắp chốn, trinh sát địa hình, lựa chọn nơi phúc kích, cả lối thoát nếu gặp chuyện nguy hiểm. Trưa hôm sau anh bắt đầu nướng cá. Không có động tĩnh gì. Cả ngày hôm sau vẫn nướng cá. Nướng hết một ký cá thì nghe có tiếng sóc kêu cùng cục vang rừng. Sóc kêu là hổ mò tới. Sinh trèo lên cây quan sát, có một vật xám thấp thoáng trườn qua trườn lại giữa các bụi cây ở phía xa, khoảng trăm mét. Rồi cái vệt đó biến mất. Lại nướng cá tiếp hai ngày sau, vẫn im lặng. Con hùm xám như đã không còn có thật, nó chỉ là sự tưởng tượng của mấy kẻ nhát gan. Nó đã ngờ vực cái gì mà chạy xa đến thế ? Nó ngửi thấy mùi súng đạn chăng ? Nó linh cảm con người đang giăng bẫy để giết chết nó chăng ? Không thể biết ! Nó vẫn sống, vẫn bắt lợn, bắt người, luẩn quẩn quanh con người nhưng rất ít ai nhìn thấy nó, cũng không thể đánh bẫy được nó. Nó khôn như người nhưng mạnh mẽ và tàn ác gấp bội con người.

Sau chuyến săn hụt ấy, Sinh bỏ rừng về thành phố, vào Sài Gòn thăm bạn bè một nửa năm, đến giữa tháng Chín tây mới về đến nhà.

Hai vợ chồng cùng uống một chén rượu, vợ chỉ nhấp môi rồi nhìn chồng uống. Họ cùng ăn một con chim đã rán vàng, chồng cắn phần xương, dành vợ phần thịt mềm, vợ xé nhỏ nhấm nháp từng chút một rồi lại nhìn chồng ăn. Họ cư xử với nhau giống như những người tình cũ, mỗi người đã có một số phận riêng, tình cờ gặp lại nhau với bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu thương nhớ. Cái nhìn đắm đuối của một người đàn bà đã ngoài bốn mươi tuổi xem ra không khác bao nhiêu với cái nhìn đã bị mê hoặc của cô thiếu nữ năm nào. Người chồng chiều nịnh vợ đã đành một nhẽ, anh ta rất lắm tội và đang mong được tha thứ. Nhưng người vợ không lẽ lại nhẫn nhục cam chịu, chôn chặt mọi cái khổ, mọi cái buồn để ông chồng luôn luôn được vui vẻ ?

Chị nói, chẳng qua cái số kiếp đã định vậy nên phải chịu vậy, chứ ai lại muốn chồng đi lang bang suốt năm suốt tháng. Đi mà lại không có tiền bằng ở nhà. Những năm còn hiếm đồng tiền chồng em chỉ ngồi nhà vẽ mà vẫn kiếm được bạc triệu. Tiền không thiếu, vợ con chăm chỉ ngoan ngoãn, chả có gì khiến nhà em phải buồn phiền mà đêm nằm cứ thở dài thườn thượt. Lại muốn đi, hỏi đi đâu thì bảo là không có địa chỉ trước, cứ đi, thích đâu ở lại đó. Đi mấy tháng rồi về. Cứ như người bị trời hành.

Thậy vậy hả ? Cũng lạ nhỉ ? Những kẻ sống phiêu đãng giang hồ thường có những chuyện buồn riêng, những tâm sự riêng và đêm đêm họ vẫn mơ tưởng đến một cái bến, một mái nhà để dừng nghỉ. Đằng này... Vì sao thế ? Người chồng cười buồn, chính tôi cũng chả hiểu vì sao ? Đêm nằm chỉ chợt nghe có tiếng con sạt sành đạp cánh trong bụi tre, tiếng dế nỉ non ở một góc vườn, tiếng ếch nhái ì ộp đối đáp nhau lúc gần lúc xa buồn thảm, là bực dọc, bứt rứt, không sao ngủ lại được. Là lại muốn đi. Đi để được sống với những bất ngờ mỗi ngày. Cái quen thuộc, cái yên tĩnh giết chết tôi nhanh lắm.

Tôi lại hỏi : "Anh đi những mấy năm có đem được đồng nào về nhà không ?" Người vợ không nói gì, cứ lặng lẽ nhìn chồng với nụ cười nửa miệng. Anh chồng hớp một ngụm rượu, cười khan một tiếng : "Lần này đúng là không mang về cho vợ con được một cắc bạc nào. Trần trụi hoàn toàn". Người vợ vẫn mủm mỉm cười : "Ông đi xa, tiêu pha nhiều, không phải lấy tiền nhà cũng là thương vợ con rồi". Lại thế nữa !

Từ Đắc Lắc vào Sài Gòn, Sinh có trong lưng gần bốn triệu. Anh trở lại mấy nhà quen cũ có ý định ngồi vẽ thêm vài tháng theo lời hẹn mấy năm trước rồi đủng đỉnh quay ra. Nào ngờ kế hoạch bị đổ vỡ vì mấy thằng bạn cũ đang lâm vào những cảnh ngộ hết sức bi thảm. Một thằng vợ bán xôi ở chợ Cầu Muối bị đụng xe, chồng phải bán cả xích lô lấy tiền nuôi vợ bệnh. Một thằng mắc bệnh lao, vợ lại bỏ, không có tiền điều trị bệnh, không có cả tiền nuôi ăn hai đứa con, nước mắt tràn trề từ sáng đến tối. Lại một thằng chơi hụi, bị chủ hụi ôm trọn tiền chạy mất tiêu, vốn liếng hết sạch, vay ăn từng bữa, không biết sẽ thoát ra bằng cách nào. Vừa lúc ấy thì Sinh đến. Trong một tuần, bốn triệu trong tay hết vèo. Rồi anh lại đi vẽ, khách đặt vẽ hình thờ rất đông, vẽ từ sáng đến tối, từ tháng này qua tháng khác, không chơi bời gì cả, không nhậu nhẹt gì cả, làm như thằng cu li để có tiền độ thân và nuôi bạn. Vẽ liên miên trong sáu tháng, đến lúc trở ra xuống tàu Nam Định trong túi chỉ còn trên chục ngàn. Không đủ tiền đi xe honda ôm về nhà. May mà gặp người quen cho đi nhờ xe hơi gắn máy lạnh về tận huyện. Từ huyện về xã thì đi bộ, đầu đội mũ lưỡi trai mềm, lưng gùi ba lô, quần thì ngắn, áo thì chật, lại đi đôi giày cà tàng, gặp người quen chỉ chào qua rồi đi thẳng, trong lòng đã bắt đầu khó chịu. Người của thế giới giang hồ cứ như bị đẩy bật ra khỏi cái thế giới của nề nếp, trật tự ngay từ những giờ phút đầu tiên trở lại. Anh không dám về nhà gặp vợ, mà đến nhà thằng rể lớn tắm rửa và hỏi vay một ít tiền, sẽ nói là tiền dành dụm trong mấy năm đưa về cho vợ. Thằng con rể và vợ nó nghe bố nói cứ cười rũ ra rồi vợ giết gà, chồng chạy mua rượu, bố nói gì cũng cười, bố muốn lấy bao nhiêu tiền cũng có, tiền của bố mà, chúng nó nói thế. Anh lại bảo, muốn nằm lại nhà vợ chồng nó mấy ngày và dặn đừng cho mẹ chúng nó biết vội. Thằng rể cười toe toét : "Lắm việc con chỉ mới nói thầm với vợ mà mẹ vẫn biết, huống hồ cả nửa làng đã biết bố vừa trở về". Anh đâu phải là người vô danh trong xã. Bọn thanh niên biết tin sư phụ xuống núi từ những mấy tháng trước, chỉ đợi thầy ló mặt là bọn chúng lập tức bâu chặt từ sáng đến tối, hầu hạ hết mình để được nghe chuyện lạ bốn phương thầy sẽ kể.

Quả nhiên chỉ vừa bưng mâm lên đã thấy vợ và con gái út tới. Vợ cười nói từ ngoài sân, con gái nhảy lên hè la hét: "Bố đi đâu hả chị cả, bố đi đâu rồi !". Người chồng ngậm ngùi nói với vợ : "Tôi thật không xứng đáng làm chồng mình. Nhìn tôi xem có khác gì quân đạo tặc ?" Vợ vẫn cười : "Tôi lấy ông có phải để mong được làm bà nọ bà kia đâu. Ông là hủi hay là giặc thì cũng vẫn là chồng tôi". Rồi bà bảo con rể : "Nếu bố chúng mày thích ở đây thì tạm đổi nhà vậy". Thằng con cười ha hả : " Tùy mẹ, thực hiện ngay bây giờ nhé !" Anh cũng phải bật cười : "Thôi, tao đi đây, đi luôn". Chị hỏi : "Lại đi à, đi đâu nữa ?" Anh nói : "Đã về đây thì chỉ có đi theo mình chứ còn biết đi đâu". Lại vui. Một bữa cơm đoàn tụ không được báo trước. Hai vợ chồng lại uống chung một chén rượu. Ông gặm xương gà, xé thịt để vào bát của vợ. Con rể rót rượu liên tục, ngắm nhìn bố vợ rồi nói nịnh : "Bố vẫn còn trẻ quá nhỉ, như người mới bốn mươi". Bố vợ cười : "Vài năm nữa tao sẽ bằng tuổi mày, gọi nhau là anh là em cho tiện". Con gái lườm bố : "Bố không nghiêm là có ngày anh ấy bắt nạt con đấy !" Thằng rể nói : "Con theo chính sách của bố, xem vợ như chị, tuyệt đối không cãi lại một câu nào". Anh biết, thằng con rể của anh hơn bố vợ rất nhiều. Nó cũng là bộ đội trở về, thua kém gì anh. Hai anh em nó làm hai tòa nhà là từ hòn đất vật lên. Chúng nó đóng mười hai lò gạch, mỗi lò được một vạn rưỡi viên, bán gạch lấy tiền mua gỗ, mua ngói, mua xi măng, vôi, cát. Chỉ mất khoảng một triệu tiền công thợ. Có nhà rồi mới lấy vợ. Hai vợ chồng và một đứa con, ăn tiêu dư dả vì thằng chồng thì lắm tài vặt, con vợ lại rất chăm làm. Nem bì lợn của nhà nó ngon nhất huyện. Rồi làm bánh rán, tráng bánh đa mỗi ngày cũng thu được vài chục ngàn tiền lời. Uống được vài chén rượu, con rể nói với bố vợ : "Lần này về bố mẹ làm nhà đi". Ông bố trả lời khật khừ : "Tao không có tiền" Nó nói ngay : "Vợ chồng con có thể cho bố vay chục triệu". à, thằng này cũng giàu nhỉ ? Dám cho vay một chục triệu chắc nó phải có khoảng vài chục triệu. Bà mẹ gạt liền: "Tao cũng có tiền, có dư tiền để làm nhà nhưng bố chúng mày không thích nên thôi". Ôi, cái đời lão này sao mà sướng thế nhỉ ? Hắn tu từ kiếp nào để có một người vợ biết chiều chồng đến thế. Còn bạn bè hắn thì khỏi nói, hắn luôn luôn là thần tượng, là cứu tinh của họ rồi. Người vợ hẹn hai chúng tôi:

- Chiều nay mời bác và chú lại ăn một bữa cơm với bố cháu. Từ hôm ông ấy về đã có bữa nào ăn ra bữa đâu, ăn đứng ăn ngồi, ai cho gì ăn nấy, chả ra thế nào.

Ăn chả ra thế nào, ở chả ra thế nào, tương lai là một cuộc viễn chinh đi tới những phương trời vô định. Chị bằng lòng sống một cuộc đời như thế sao ? Chị tự nguyện hy sinh đến thế sao ? Không, em có hy sinh gì đâu, được làm bạn với nhà em một đời là em may mắn lắm. Bao nhiêu người xin được làm vợ mà ông ấy cứ gạt đi, chỉ nhăm nhắm có em thôi. Ai cũng bảo số em sướng, hơn chị hơn em, đúng như thế thật. Cần gì con trai, cần gì hương khói, chết là hết. Từ nay đến chết, vợ chồng còn được sống với nhau một hai chục năm nữa, chồng đi đâu thì vợ đi đó. Em chỉ sợ... Chị sợ gì ? Sợ lão ấy bỏ chị đi với người đàn bà khác chăng ? Tài hoa như thế, còn trẻ trai như thế, đi đâu chả có người tình nguyện nâng khăn sửa túi. Chị biết cái giá trị ông ấy, dễ thường người khác không nhận ra sao ? Chuyện ấy thì khỏi phải lo bác ạ. Ông ấy sống lang bang thế nhưng người như ông ấy một đời chỉ có một vợ thôi. Em biết chứ. Em biết ngay từ cái tối ông ấy ngỏ lời cầu hôn. Nếu không đời nào em dám nhận. Em chỉ lo, nói dại dột, ông ấy ra đi trước em thì về già em sống với ai, em chờ đợi ai, biết trò chuyện cùng ai. Còn nếu em lại chết trước thì em cũng buồn lắm, chả biết đến năm nào vợ chồng em mới được gặp lại. Chuyện dương gian mình còn hỏi han được, dò tìm được. Chứ chuyện âm phủ, ma cũ ma mới, mọi sự đều lạ thì biết đường nào mà tính toán?