PDA

View Full Version : Bolero Vĩnh biệt tình em



Lâm Đệ
02-04-2013, 01:11 AM
http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/04/11/15/20120411150614_Bolero-1.jpg

Pepe Sánchez (cầm guitar, bên trái), một trong những người chủ xướng và định hình phong cách đặc trưng cho bolero Cuba.

Sức sống của bolero Việt không nằm ngoài dòng chảy miệt mài hơn trăm năm của dòng nhạc bolero thế giới, bắt đầu từ nơi khởi xướng là đảo quốc Cuba.

Quả là ý tưởng kỳ cục khi nghĩ về những bản tình ca sang trọng lay động hàng triệu con tim như “Besame Mucho”, “Guantanamera”, “My Heart Will Go On” hay thậm chí “Yesterday” của nhóm nhạc lừng danh Beatles như những bản bolero – điệu nhạc “sến rện” và bình dân trong cái nhìn định kiến của nhiều người.


Nhưng người ta cho rằng, chúng là những bản bolero nổi tiếng bậc nhất thế giới, minh chứng cho những đỉnh cao và sự bền bỉ của một trong những dòng nhạc đứng vững như một biểu tượng văn hóa đại chúng của các nước Mỹ La Tinh.

Theo hai tác giả Lisa Shaw, Stephanie Dennison của cuốn sách Pop Culture Latin America!: Media, Arts, and Lifestyle (Văn hóa đại chúng Mỹ La Tinh: Truyền thông, Nghệ thuật và Lối sống), hầu hết giới nghiên cứu cho rằng nhạc bolero xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 19. Những bài bolero đầu tiên khởi sinh từ Cuba, nhanh chóng lan tỏa và bén rễ sang các đảo quốc ở vùng biển Caribbean và Mexico.

Thăng trầm của trăm năm

Những sáng tạo đầu tiên khởi đi truyền thống hơn trăm năm của bolero là từ Santiago, thành phố xinh đẹp phía đông nam đảo quốc Cuba, nơi thịnh hành những nghệ sĩ du ca dùng guitar đàn hát để kiếm sống trong ba thập niên cuối của thế kỷ 19. Một trong những người chủ xướng, định hình phong cách đặc trưng cho bolero là Pepe Sánchez (1856 – 1918), một nghệ sĩ – thầy giáo, người đã sáng tác bản bolero đầu tiên Tristezas (Những niềm đau) vào năm 1883 hoặc ít lâu sau đó. Bản nhạc cho đến nay vẫn còn được hát.

Nhưng như các thể loại khác, bolero không bước ra từ khoảng không. Cái nôi của bolero được cho là từ một điệu nhạc nhảy theo nhịp ¾ ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 18. Dù cùng tên, nhưng điệu bolero mới ra đời gần như không nợ nần gì với nguồn gốc, bởi nó đã thay đổi nhịp thành 2/4, và sau đó là nhịp 4/4. Tuy nhiên, bản thân nó cũng pha trộn nhiều điệu nhạc gốc châu Âu và gốc Phi thịnh hành đương thời như danza, habanera, trova, son, minh chứng bởi tiếng đệm đàn guitar và sự ảnh hưởng lên giai điệu.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/04/11/15/20120411150614_Bolero-2.jpg

Los Panchos, một trong những nhóm nhạc bolero nổi tiếng khu vực châu Mỹ La tinh vào những năm 30 của thế kỷ 20 và sau đó

HSpIE6CN63w

Dân Nam Mỹ đặc thù có những cú đệm chạy vuốt đuôi rất đặc thù

Sức hấp dẫn của dòng nhạc nhảy chậm buồn và lãng mạn giúp bolero nhanh chóng vượt biển sang đến Mexico, các nước vùng Caribbean, xuống đến các nước Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Columbia, Chile, Venezuela, Ecuador, Bolivia…, quay trở lại cái nôi của nó là Tây Ban Nha.

Thời hoàng kim của Bolero ở các nước Mỹ La Tinh bắt đầu từ những năm 1930, kéo dài liên tục trong suốt ba thập niên, với những nghệ sĩ nổi tiếng như Antonio Machin, cặp song ca Los Compadres (Cuba), nhóm nhạc Los Panchos, Los Hermanos Martínez Gil và Trío Tarácuri, Agustín Lara (Mexico), Lucho Gatica (Chile)…Thời kỳ này, bolero còn ảnh hưởng sang thế giới nói tiếng Anh, được trình diễn bởi nhiều nghệ sĩ Mỹ như Bing Crosby, Nat King Cole hay Frank Sinatra.

Có lẽ bản bolero nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là Bésame mucho (Hãy hôn em thật nhiều, 1941), được nữ nghệ sĩ người Mexico Consuelo Velásquez sáng tác vào năm cô chỉ mới 15 tuổi. Bài hát tình tứ mà tình nhân dành cho nhau hóa ra lại là tâm sự của một cô bé chưa một lần được hôn, đang mơ mộng một cuộc tình lãng mạn.

Không chỉ phổ biến trong khu vực Mỹ La Tinh, bài hát đến nay vẫn được rất nhiều ca sĩ tên tuổi trình diễn như Tona la Negra, Ruth Fermández, Luis Miguel. Thậm chí, Bésame Mucho từng xuất hiện trong album ghi âm năm 1962 The Beatles Live at Star Club in Hamburg của nhóm nhạc The Beatles.

Sự ủy mị thuần khiết

Mặc dù, theo thời gian, bolero đã có nhiều thay đổi cả về giai điệu lẫn sức ảnh hưởng, có thêm nhiều biến thể như bolero son, bolero moruno, bolero mambo, bolero beguine, bolero feeling, bolero ranchera. Các ý kiến đánh giá đều cho rằng bolero là phong cách âm nhạc đầu tiên của Cuba có sức ảnh hưởng rộng khắp thế giới đầu tiên và đạt được những thành tựu được công nhận trên toàn cầu.

Điều thú vị là bất kể màu sắc âm nhạc có thay đổi tùy theo bối cảnh văn hóa bản địa, bolero vẫn luôn giữ lại cho mình một đặc trưng thuộc về ca từ. Dòng nhạc bolero Việt Nam cũng không nằm ngoài đặc trưng này. Đó là những bản nhạc có ca từ thể hiện tình cảm, các quan niệm về tình yêu và cuộc sống, được viết ra bằng phong cách ngôn từ sáng rõ, mộc mạc và chân thành. Chúng thường bắt đầu bằng một hồi ức, kỷ niệm riêng tư nhưng lại điển hình, chạm tới hoàn cảnh phổ biến của số đông người nghe.

xSsL3TZKvkQ

Giọng hát Minh Hiếu đã một nửa trăm năm mà nghe vẫn hay ,dàn nhạc xưa đệm tiếng Bass rất rõ cùm cùm cóc ,cùm cùm cóc nghe rất mùi mẫn

Ngoài câu chuyện tự sự về cuộc đời dâu bể, lẽ hợp tan, nhân tình thế thái, phần lớn các bản bolero là nhạc tình, trong đó lời ca và tiếng nhạc chậm đều trở thành hai yếu tố cộng hưởng, dìu bước chân của đôi bạn nhảy trong khoảnh khắc riêng tư và không ngừng nghỉ.

Chủ đề tình yêu cùng cung bậc xúc cảm, hệ lụy của nó, từ những hẹn hò, đam mê thầm kín cho đến hạnh phúc bị ngăn trở, hờn trách của người yêu vì những ngày xa cách… được đề cập trong các bản bolero đôi khi sáo mòn, hoặc đơn giản quá mức, khiến nó bị cho là ủy mị, dù thuần khiết và chân phương.(st)

Lâm Đệ
02-04-2013, 01:33 AM
Muôn dặm đời người, ít có ai là người VN mà chưa một lần nghe hoặc ong ong trong đầu một câu ca của dòng nhạc bolero, đặc biệt là những người sống ở phía Nam.

Bolero len lỏi vào cuộc đời và nhịp sống của người dân đô thị theo một kiểu khác, với những người ở thôn quê theo một kiểu khác; nhưng bất luận đó là kiểu nào, âm điệu chập chùng và gần gũi của bolero đều ăn sâu vào sự thưởng thức của nhiều thế hệ, một cách độc đáo đến mức mà có lẽ cần phải có một nghiên cứu khoa học chỉn chu mới có thể nói hết được tác động của loại âm nhạc này với tâm hồn Việt.


Vì sao "sến"?

Khác với rất nhiều kiểu âm nhạc mà người Việt từng thưởng thức, bolero phần lớn là những câu chuyện kể hồn nhiên, là những sự chia sẻ cảm giác của mình về tình yêu, về cô đơn, về số phận giàu nghèo, may rủi, tình bạn bè... Sự đa dạng trong đề tài của bolero là một trong những yếu tố mạnh mẽ để người ta có thể gióng giọng hát hàng giờ không biết chán với một guitar thô hoặc "nghèo" hơn thì gõ muỗng.

Một trong những tìm hiểu về bí ẩn của bolero là nhịp điệu. Khi chuyển hóa từ thể loại nhạc bolero gốc của âm nhạc Latin như một loại nhạc khiêu vũ chịu ảnh hưởng nhiều từ các hình thức của những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha và biến thể của người Cuba sang VN, nhịp điệu chậm dần và hòa hợp với tính cách của người Việt theo một kiểu rất riêng. Rất thú vị, nếu chỉ cần chú ý, người chơi bolero VN sẽ tìm thấy nhịp điệu tương đương 60 (bpm) của dòng nhạc này trùng hợp hết sức ngẫu nhiên và độc đáo với các bài ca cổ, cải lương - vốn là thứ "khoái khẩu" của dân Nam bộ.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta có một thời gian dài gọi bolero - tên gọi gần như được định hình khoảng ba năm nay - là nhạc "sến".

Ðã có rất nhiều tranh cãi và giả thuyết về cái tên khó hiểu này. Tuy nhiên, giả thuyết hợp lý và đủ các chứng cứ nhất vẫn thuộc về chuyện gọi nhại theo tên của minh tinh màn bạc người Áo là Maria Schell (1926-2005).

Lý do của việc nhại theo này là kết quả của sự châm biếm của nhà báo Tuấn Huy, viết cho tạp chí Kịch Ảnh.

Sài Gòn những năm 1950 và 1960, là thời di cư của rất nhiều thanh niên thiếu nữ từ thôn quê lên thành thị mưu sinh, bao gồm làm lái xe, người ở, bán báo, chạy bàn... Ðó cũng là thời sính Tây, không ít anh chị tự đặt tên cho mình như Tí Clark Gable, Hường Claudia Cardinale... Những chủ nhật, lớp người trẻ này hẹn hò nhau và cùng thảo luận về những cuốn phim diễm tình đầy nước mắt của nữ diễn viên Maria Schell, người từng được báo chí Ðức mệnh danh là nữ diễn viên thế hệ trước chiến tranh, lừng danh là có lối diễn xuất "cười vui mà như lòng nhỏ lệ". Những cuốn phim này lúc đó cũng làm thổn thức nhiều trái tim nam nữ, không kém đợt sóng của nữ sĩ Quỳnh Dao (Ðài Loan) vào thập niên 1960-1970.

Cười vào một lớp người học đòi và hay trải lòng chuyện yêu đương của mình một cách dễ dãi và cũng hay tự bi kịch hóa hoàn cảnh của mình, tác giả Tuấn Huy, trong một số báo vào năm 1963, đã là người đầu tiên chuyển chữ Maria Schell này để gọi các cô là "Mari Sến". Và chữ "sến" này dần dần được chỉ đến các bài hát rất ảo não thời đó về chuyện tình đôi lứa, đặc biệt qua tiếng hát của Chế Linh hay Hùng Cường...

Nhưng đó chỉ là một giai đoạn của âm nhạc bolero, khi bị áp đặt cho cái tên "sến", mặc dù nhiều ca khúc của dòng nhạc này mỗi lúc một trở nên sang trọng, độc đáo hơn và thấm sâu vào đời sống của từng con người hơn.

Một phong vị độc đáo

Ngay cả những lớp người theo Tây học, luôn tự cho mình là sang vẫn không giấu được sự thích thú khi tự mình hát lên một bài hát bolero một giây phút nào đó. Bolero như di chuyển vào từng mạch máu, từng thớ thần kinh và ngắt đoạn mọi suy nghĩ đưa người ta vào một thế giới thanh thản của hiện tại, đặc biệt là gợi lại muôn vàn ký ức trong quá khứ, dù đó là đắng cay hay mộng đẹp.

Thích hay không thích nhạc "sến" đó là chuyện của mỗi cá nhân, nhưng không có nó, các đô thị miền Nam thiếu hẳn chất "giang hồ" của con người Nam bộ bên bàn nhậu, thiếu hẳn một phong vị độc đáo như linh hồn của đời, của phố, của người.

Nhạc "sến" thì ai ca cũng được, nhưng để là một danh ca bolero thì không phải đơn giản. Tiếng hát của dòng nhạc này lúc thì đòi hỏi phải nhiều kỹ thuật, nhưng cũng có lúc chỉ cần một cái hồn sẻ chia, bất chấp các chi tiết yêu cầu của thanh nhạc.

Ðiều thú vị nhất là các ngôi sao giả, hát nhép, đẹp và hát dở... không bao giờ có thể bước vào dòng nhạc bolero này. Và thậm chí danh ca bolero mỗi khi cần phải hát nhép để thu hình, đối với họ cũng là một cực hình.

Cũng như cuộc đời, bolero có lúc chìm lúc nổi, lúc bị chê bai, nhưng cũng có lúc được xưng tụng như dòng nhạc dễ nhớ nhất của tất cả mọi người. Nhưng mặc cho dòng đời xô đẩy, bolero vẫn dìu dặt ở từng góc cầu cho đến sân khấu lớn, không bao giờ có thể mất đi trong sự rung động của trái tim người yêu nhạc, đặc biệt là niềm tự hào là một mảng văn hóa hết sức độc đáo của miền Nam.(st)