PDA

View Full Version : Cờ tướng Bình Định - Hành trình tạo dựng một thế đứng



CXQ
04-10-2010, 04:01 PM
So với các trung tâm cờ như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Công an..., bộ môn Cờ tướng Bình Định thuộc "hạng sinh sau, đẻ muộn", nhưng đã sớm trở thành một trong những trung tâm mạnh của làng cờ Việt Nam. Tuy nhiên, Cờ tướng Bình Định cũng từng trải qua không ít thăng - trầm...

* Một thời vang bóng



http://www.baobinhdinh.com.vn/566/2004/11/16609/images/CoTuongChauNgocGiaoNS25.JPG
Kỳ thủ Châu Thị Ngọc Giao (bên trái) tại một giải vô địch cờ tướng hạng nhất quốc gia



http://i905.photobucket.com/albums/ac259/hongrong/IMG_0148.jpg

QTĐS Châu Thị Ngọc Giao tại giải Vô địch Cờ tướng đồng đội toàn quốc năm 2009




Ngay từ trước năm 1975, làng cờ tướng Bình Định từng có những kỳ thủ nổi danh khắp miền Trung, trong đó có "quái kiệt" Minh Trưng. Thế nhưng, mãi đến năm 1987, bộ môn Cờ mới được Sở TDTT Bình Định cho thành lập. Người đầu tiên có công đặt nền móng, xây dựng nên bộ môn Cờ là HLV Tôn Thất Lương Chính. Tuy vậy, thời gian đầu, môn Cờ được hình thành không phải môn Cờ tướng truyền thống, mà lại là môn Cờ vua. Và, cũng phải đến 8 năm sau, môn Cờ tướng Bình Định mới chính thức "trình làng". Thời gian đầu, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, HLV Tôn Thất Lương Chính đành phải "liệu cơm gắp mắm", chọn VĐV từ chính lực lượng ở môn Cờ vua. Thật đúng là "vạn sự khởi đầu nan". Trong số những VĐV đầu tiên được huấn luyện môn Cờ tướng có Châu Thị Ngọc Giao và Hoàng Hải Bình. Chỉ sau vài tháng nhập môn, các kỳ thủ Bình Định đã được thầy Chính cho "xuống núi", tham dự Giải Cờ tướng Đại hội TDTT toàn quốc, tổ chức tại TP Đà Nẵng (tháng 5-1995). Thật bất ngờ, ngay trong lần xuất quân đầu tiên, các nữ kỳ thủ Bình Định đã thi đấu ngang ngửa trước các cựu kỳ thủ như Lê Thị Hương, Ngô Lan Hương, Lý Thanh Phương…(TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Phi Liêm… (Hà Nội)… Kết quả, các nữ kỳ thủ Bình Định đã xuất sắc đoạt Huy chương bạc (HCB) đồng đội nữ. Riêng nữ kỳ thủ Châu Thị Ngọc Giao đã đoạt HCĐ. Chỉ 2 tháng sau (tháng 7-1995), tại Giải Cờ tướng Trẻ - Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc, một lần nữa các kỳ thủ Bình Định lại làm cho làng cờ tướng Việt Nam phải sửng sốt. Tại giải cờ tướng lần này, các kỳ thủ Bình Định đã xuất sắc đoạt 5/10 HCV và 2 HCĐ. Với kết quả trên, các kỳ thủ trẻ Bình Định đã "qua mặt" cả 2 trung tâm cờ tướng mạnh là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để xếp thứ nhất toàn đoàn. Chưa đầy 1 năm sau (1996), Cờ tướng Bình Định lại chứng tỏ sức trẻ trung của mình. Lần đầu tiên, tại Giải vô địch Cờ tướng hạng nhất quốc gia - 1996 tổ chức tại thủ đô Hà Nội, các kỳ thủ Bình Định đã đoạt HCB đồng đội nữ và được xếp thứ nhì toàn đoàn (sau TP Hồ Chí Minh). Trong đó, kỳ thủ Châu Thị Ngọc Giao đã đoạt HCB cá nhân. Riêng "quái kiệt" Nguyễn Minh Trưng, lần đầu tiên tham dự giải đã được phong danh hiệu "Kiện tướng". Kể từ đó, liên tiếp các năm 1997, 1998, 1999, tại các giải cờ tướng quốc gia, các kỳ thủ Bình Định liên tục gặt hái được những kết quả đáng mừng và giữ vững ngôi vị là một trong những trung tâm cờ tướng mạnh của cả nước. Đặc biệt, riêng 2 nữ kỳ thủ Châu Thị Ngọc Giao và Hoàng Hải Bình thay phiên nhau độc chiếm ngôi vị vô địch (Ngọc Giao vô địch năm 1998, Hải Bình vô địch năm 1999)….

* Vượt cản để tạo dựng một thế đứng
Giữa lúc Cờ tướng Bình Định đang gặt hái được những kết quả khả quan và có một vị trí nhất định trong làng cờ Việt Nam thì bỗng nhiên chững lại và có biểu hiện thụt lùi. Thời điểm "thoái trào" là từ năm 2000. Tại Giải vô địch Cờ tướng hạng nhất quốc gia - 2000, từ ngôi vị "chiếu trên", Cờ tướng Bình Định trở nên "thất bát", thậm chí không giành được tấm huy chương nào. Không chỉ có vậy, ngay cả 2 cựu vô địch Châu Thị Ngọc Giao, Hoàng Hải Bình cũng trở nên yếu thế (Giao xếp ở vị trí thứ 6, còn Bình ở vị trí thứ 9). Ở bảng nam, các kỳ thủ Bình Định còn "thảm" hơn. Đơn cử như Văn Dũng xếp thứ 30/38, Quang Nhật: 32/38, Quang Hiển: 35/38 và Tấn Tình: 38/38… Sau đó, làng cờ tướng Bình Định lại liên tiếp gặp những cản trở, khó khăn. Lão kỳ thủ Minh Trưng giã từ "cuộc chơi". Tiếp theo đó, cựu vô địch Hoàng Hải Bình cũng từ giã làng cờ tướng Bình Định. Điều đáng nói, Hải Bình lại đầu quân cho chính "đối thủ nặng ký của Bình Định" - làng cờ tướng TP Hồ Chí Minh, nên Cờ tướng Bình Định vốn đã khó khăn lại càng trở nên gian khó.


http://xqfan.com/vn/uploads/xq155-5.jpg
Hoàng Thị Hải Bình nhận cúp bạc tại Giải Vô địch cá nhân cờ Tướng châu Á 2005


Trước bối cảnh khó khăn, cùng với Ban huấn luyện, HLV Tôn Thất Lương Chính đã từng bước chấn chỉnh đội hình, củng cố lại lực lượng và cải tiến, đổi mới phương pháp huấn luyện, quản lý VĐV… Cứ như vậy, Cờ tướng Bình Định từng bước hồi sinh, phát triển. Liên tiếp các năm 2002, 2003, 2004, Cờ tướng Bình Định lại tạo dựng được vị thế của mình. Vừa qua (10-2004), Giải vô địch Cờ tướng đồng đội năm 2004 tổ chức tại TP Cần Thơ, các kỳ thủ Bình Định đã vào trận với một tinh thần quyết tâm cao. Tham dự giải có 92 kỳ thủ (20 nữ) của 11 đoàn, thuộc các tỉnh, thành, ngành, đơn vị trong toàn quốc. Theo điều lệ giải, các VĐV thi đấu theo thể thức hệ Thụy Sỹ (nam 11 ván, nữ 9 ván). Đội tuyển Bình Định gồm có 10 thành viên (2 HLV, 8 VĐV) tham dự giải, trong đó có 4 kỳ thủ nam và 4 kỳ thủ nữ. Kết quả, đội tuyển Cờ tướng Bình Định đã đoạt HCB đồng đội nữ. HCV đồng đội nữ đã thuộc về đoàn TP Hồ Chí Minh và HCĐ thuộc về đoàn Bộ Công an. Ngoài tấm HCB đồng đội nữ, đội tuyển Cờ tướng Bình Định còn đoạt HCB và HCĐ cá nhân nữ, do công của Hồ Thị Thanh Hồng (HCB) và Châu Thị Ngọc Giao (HCĐ). Với kết quả trên, đội tuyển Cờ tướng Bình Định đã được xếp vị trí thứ ba toàn đoàn.

Có thể nói, giờ đây, làng cờ tướng Bình Định đã tìm lại hào quang xưa và từng bước tạo dựng được thế đứng của mình. Làm gì để thế đứng này luôn luôn bền vững? Đó chính là vấn đề đặt ra đối với Ban huấn luyện bộ môn Cờ Bình Định và cũng chính là trách nhiệm đối với mỗi VĐV cờ tướng tỉnh nhà.

Viết Hiền (Báo Bình Định)

CXQ
05-03-2013, 07:27 PM
Hồ Thị Thanh Hồng vươn lên từ khổ luyện


Trong số 4 người con của HLV cờ ở Sở TDTT Bình Định Hồ Văn Phùng, chỉ có cô gái áp út Hồ Thị Thanh Hồng là yêu thích cái nghiệp của cha. Từ khi còn là cô bé lên 10 tuổi, Thanh Hồng thường chăm chú nhìn cha mình đánh cờ với các chú, các bác hàng xóm và niềm đam mê những quân cờ cũng nhen nhóm từ ấy. Lên 12 tuổi, Hồ Thị Thanh Hồng bắt đầu tập chơi cờ Tướng dưới sự hướng dẫn của cha.


http://www.baobinhdinh.com.vn/thethao/2005/11/18451/images/images17832_lopthamgiathi1611.JPG (http://www.baobinhdinh.com.vn/thethao/2005/11/18451/images/images17832_lopthamgiathi1611.JPG)
Thanh Hồng (bìa trái) và bên cạnh là Châu Thị Ngọc Giao.



Thanh Hồng kể: "Thú thật, mỗi lần thấy cha hô chiếu tướng khiến đối thủ phải vò đầu bứt tai suy nghĩ là em rất thích. Em ước ao được có lúc chơi cờ giỏi như cha". Sau khi được cha dạy cho cách chơi cờ, Thanh Hồng càng thấy thích thú bởi chơi cờ Tướng không chỉ đơn giản là tranh tài thấp cao mà nó còn rèn cho tính cẩn thận, tỉnh táo, biết chớp lấy thời cơ và hơn hết là không được phép sai lầm, dù chỉ là một nước đi".

Niềm đam mê cộng với năng khiếu và sự khổ luyện đã giúp Thanh Hồng chơi cờ ngày càng giỏi và trở thành một kỳ thủ trụ cột trong đội tuyển cờ Tướng của Bình Định. Tròn 21 tuổi, với gần 10 năm thi đấu, Thanh Hồng đã có một thành tích đáng kể: 5 HCV, 7 HCB và 2 HCĐ ở cả 2 đấu trường: giải trẻ và giải vô địch. Tuy nhiên, Thanh Hồng vẫn ao ước một lần bước lên ngôi vị vô địch ở nội dung thi đấu cá nhân. Bởi phần lớn những chiếc HCV mà Thanh Hồng có được đều ở nội dung đồng đội.

HLV Tôn Thất Lương Chính nhận xét: "Hồ Thị Thanh Hồng là một kỳ thủ có phong độ ổn định, tâm lý thi đấu vững vàng và có những nước cờ thông minh, tôi tin là Hồng sẽ còn tiến xa trong sự nghiệp của mình…".

Thành tích mới nhất mà Thanh Hồng đạt được là chiếc HCV đồng đội tại Giải cờ Tướng toàn quốc năm 2005, cùng với kỳ thủ Châu Thị Ngọc Giao. Bộ đôi Thanh Hồng - Ngọc Giao đã trở thành những trụ cột trong làng cờ Tướng của Bình Định và là đối thủ đáng gờm tại các giải cờ toàn quốc.

Ngoài thời gian tập luyện ở Sở TDTT cùng với đồng đội, về nhà Thanh Hồng đã đọc thêm nhiều sách để tham khảo các thế cờ hay, những chiêu thức độc đáo…
Hy vọng ước mơ được một lần bước lên ngôi vị vô địch cá nhân sẽ sớm đến với nữ kỳ thủ đam mê và khổ luyện này.


Công Tâm (Báo Bình Định, năm 2005)

CXQ
05-03-2013, 07:28 PM
Cờ tướng Bình Định với những nỗi lo


Đã có những tín hiệu vui khi nhìn vào những gì đội tuyển cờ tướng Bình Định giành được tại Giải vô địch Cờ tướng đồng đội toàn quốc năm 2012. Tuy nhiên, đằng sau đó lại là những nỗi lo về lực lượng.


Những thành tích khả quan
Tại Giải vô địch Cờ tướng đồng đội toàn quốc năm 2012, diễn ra từ ngày 4 đến 14.10, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, các nữ kỳ thủ Bình Định đã giành được tấm HCĐ đồng đội. Đây không phải là thành tích nổi bật của cờ tướng đất Võ ở các kỳ tranh tài cấp quốc gia. Bởi vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, trong thời kỳ đỉnh cao phong độ, những kỳ thủ như: Hoàng Hải Bình, Châu Thị Ngọc Giao liên tiếp giành ngôi vô địch cá nhân, khẳng định thế mạnh cờ tướng Bình Định trên đấu trường quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh lực lượng của đội hiện có nhiều thay đổi, việc chúng ta duy trì được thành tích ở nội dung đồng đội cũng là điều đáng mừng. Bên cạnh đó, đáng chú ý, kỳ thủ Hồ Thị Thanh Hồng thể hiện được phong độ ổn định, khi chỉ để thua 1 ván duy nhất trước đàn chị Hoàng Hải Bình (VĐV đoạt HCV cá nhân ở giải này) trong tổng cộng 11 ván đấu tại giải, lọt vào top 4 kỳ thủ mạnh nhất.

Về phía đội nam, ấn tượng mạnh nhất chính là thành tích lọt vào top 10 của kỳ thủ trẻ Nguyễn Văn Tới. Với việc giành được 7,5 điểm qua 11 ván đấu tại giải, Nguyễn Văn Tới đã được phong cấp kiện tướng quốc gia. Đây là VĐV thứ hai trong lịch sử cờ tướng Bình Định làm được điều này, trước đó kỳ thủ Minh Trưng cũng được phong cấp kiện tướng vào năm 1996. Nhìn nhận về thành tích của học trò, ông Tôn Thất Lương Chính, HLV trưởng đội tuyển cờ Bình Định, cho biết: “Nguyễn Văn Tới hội đủ nhiều yếu tố để trở thành một kỳ thủ giỏi, khi em được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất An Nhơn vốn có bề dày truyền thống về cờ tướng, lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình trong việc theo đuổi môn thể thao này. Bản thân Tới rất đam mê cờ, em luôn tập luyện chăm chỉ và rất tập trung khi thi đấu. Do đó, thành tích mà em đạt được ở giải lần này có đôi chút bất ngờ, nhưng rất xứng đáng”.

Nỗi lo về lực lượng
Đã giành được một số thành tích khả quan, nhưng những ai theo dõi diễn biến các ván đấu tại giải vừa qua đều có chung cảm giác tiếc nuối cho cờ tướng Bình Định. Bởi, nếu có thêm sự hỗ trợ của một vài đồng đội ở trình độ nhỉnh hơn một chút, Hồ Thị Thanh Hồng đã có thể giành được huy chương cá nhân. Một Ngọc Giao đã dành phần lớn thời gian vào công tác huấn luyện, cùng những Mai Thảo, Hồ Thị Tình… chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu không đủ giúp Thanh Hồng cản bước những đối thủ khác. Ngược lại, một mình kỳ thủ từng giành HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010 phải đối chọi với 7 kỳ thủ TP Hồ Chí Minh, lại mất đi yếu tố bất ngờ như cách đây 2 năm, khiến Thanh Hồng không thể cạnh tranh một trong 3 vị trí dẫn đầu.

Tương tự như vậy, nếu chúng ta có thêm một kỳ thủ có trình độ tương đương Trần Quang Nhật thì hoàn toàn có thể tranh chấp huy chương với các đơn vị khác. Để giải bài toán về lực lượng cho đội tuyển cờ tướng nam, HLV Tôn Thất Lương Chính cho rằng: “Trong các giải đấu sắp tới, chúng tôi sẽ mạnh dạn đưa các kỳ thủ trẻ như: Bùi Thanh Tùng, Cù Lê Anh… tham gia các giải vô địch để tích lũy kinh nghiệm, giúp các em trui rèn bản lĩnh thi đấu. Về lâu dài vẫn phải tiếp tục đào tạo các lứa VĐV kế cận và phát triển phong trào ở nhiều địa phương trong tỉnh”.

Trong vài năm gần đây, một số đơn vị như: Bình Dương, Bình Phước… đẩy mạnh việc “nhập khẩu” VĐV cờ tướng từ các tỉnh, thành khác để hình thành các đội tuyển thi đấu ở giải quốc gia. Trong chừng mực nào đó, chúng ta cũng nên coi đây là một trong những giải pháp bổ sung một vài vị trí phù hợp để giữ được thành tích và tạo đà cho cờ tướng Bình Định những năm tiếp theo

Theo tintucbinhdinh.com

CXQ
09-03-2013, 04:04 PM
Trong làng cờ Việt Nam, người giỏi cả cờ vua lẫn cờ tướng xưa nay hiếm. Nhưng hôm nay, một thiếu nữ quê Bình Định giành cả giải "Quán quân cờ vua" và "Á quân cờ tướng". Châu Thị Ngọc Giao, người đã đoạt chức vô địch cờ vua đấu nhanh dành cho thiếu nữ Thế giới tổ chức tại Pháp cuối năm 1995.

Qua nhiều trận đấu thắng lợi ở địa phương Ngọc Giao được cử đi dự giải vô địch cờ tướng A1 toàn quốc tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 1997. Đấu thủ kỳ này là những người có độ tuổi chênh lệnh nhau từ thiếu niên đến hưu trí, có thành tích cao nhất trong làng cờ Việt Nam, có kinh nghiệm, và mới được Liên đoàn cờ Việt Nam phong cấp năm qua.

Ở giải nữ vẻn vẹn chỉ có 12 vận động viên, riêng đoàn Bình Định chỉ có 2. Làng cờ nam đông hơn, 29 người.

Thắng lợi lớn nhất của Ngọc Giao lần này là đã hai lần chiến thắng "Đặc cấp quốc tế đại sư". Liên đoàn cờ tướng thế giới chỉ mới phong danh hiệu "Đặc cấp quốc tế đại sư", cấp cao nhất, cho rất ít nhà quán quân cờ tướng trên thế giới. Ở Việt Nam ta, danh thủ cờ tướng từng giành được các giải thưởng lớn thì nhiều, nhưng cho đến nay, chỉ có Lê Thị Hương kiện cờ tướng của TP. Hồ Chí Minh được phong là "Đặc cấp quốc tế đại sư" và bốn năm liền giành được chức nữ vô địch cờ tướng Việt Nam. Từ trước nay chưa ai thắng được kiện tướng trong các trận đấu, trừ Châu Thị Ngọc Giao, cô bé giỏi cờ của huyện An Nhơn, quê miền đất võ Bình Định.

Đây không phải lần đầu, Ngọc Giao thắng nhà vô địch cờ tướng Việt Nam.. cách đây gần hai năm, ngày 12/5/1995, Ngọc Giao 1 lần đã chiến thắng Lê Thị Hương tại đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 3.

Kỳ đấu lần này, sau khi liên tiếp thắng như chẻ tre trước các đấu thủ Hà Nội, Bộ Nội vụ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lê Thị Hương với quyết tâm cao, phải đánh thắng Ngọc Giao để phục thù và để khẳng định sự bất khả chiến bại của mình. Còn Ngọc Giao thì rất hiền lành và điềm tĩnh, tự tin, với quyết tâm cao khi gặp lại nhà vô địch cờ tướng Việt Nam.

Vào trận đấu, Lê Thị Hương đi Tiền, Ngọc Giao đi Hậu. Lê Thị Hương sử dụng đội binh cơ động chủ lực - xe, pháo sớm hành quân sang đất Ngọc Giao, hòng giành quyền chủ động, vây hãm đối phương.

Ngọc Giao rất bình tĩnh, đề phòng trước nên huy động đôi Sĩ, đôi Tượng cùng hai cỗ Pháo lui khá sâu, che mặt tướng nên không những phá được âm mưu của đối phương mà còn diệt được cả đội quân chủ lực: 2 Xe, 2 Pháo, 1 Mã mà cũng không tránh khỏi tổn thất, mất 2 Pháo, 1 Xe, 1 Mã.
Những nước cuối trận của Ngọc Giao càng trở nên sắc sảo, đặc biệt với thế "Vó ngựa thần kỳ", (trong thủ pháp "Mã xuyên kiều"). Mã của Ngọc Giao vượt sông, nhanh chóng tiến sát khung thành của Lê Thị Hương đè bẹp Mã không cho nhích lên một bước, còn Xe và Tốt tự do tung hoành trước mặt Tướng - Sĩ đối phương. Lê Thị Hương còn quá ít quân thiện chiến chủ lực lại bị vây chặt, đành phải bó tay, giương cờ trắng đầu hàng nước cờ thứ 44.

Tin thắng trận của Ngọc Giao làm nức lòng những người hâm mộ cờ tướng, đã luôn theo dõi sát trận chiến giữa hai kỳ thủ nữ đặc sắc nhất của nước nhà. Lê Thị Hương thu duy nhất 1 trận, nhưng thắng 10 trận nên giành được giải nhất, quán quân đạt 10 điểm. Châu Thị Ngọc Giao, 8 trận thắng, 3 trận hoà, là người duy nhất không thua trận nào ở giải thi cờ tướng cấp quốc gia năm nay, đạt 9,5 điểm, thua quán quân 0,5 điểm, giành giải á quân, được phong kiện tướng cờ quốc gia.

Từ: Thư viện tỉnh Bình Định | Binh Dinh provincial library | Thu vien tinh Binh Dinh (http://www.thuvienbinhdinh.com/diachi/uniisis.asp?action=view&PID=1632)