PDA

View Full Version : Quan niệm về quân và nước tiên.



mathuyenxua
01-07-2009, 06:15 PM
Trích & tóm lược từ : Cờ Tướng Trung Cuộc
Trần tấn Mỹ - Phạm tấn Hòa – Lê thiên Vị - Quách anh Tú
(Hội Cờ Thành phố Hồ chí Minh xuất bản 1992 )

QUAN NIỆM VỀ QUÂN VÀ NƯỚC TIÊN

Những danh kỳ ở các thế kỷ trước từng nêu : “Bỏ quân thì cần giành được nước tiên. Ăn quân chớ để bị thất thế” ( Khí tử tu yếu đắc tiên. Tróc tử mạc giáo lạc hậu ), cho đến tận ngày nay vẫn chưa có danh thủ nào phản bác. Thế nhưng đây là những vấn đề có liên quan đến kế hoạch trong trung cuộc nên chúng ta cần trao đổi, làm sáng tỏ thêm.

NƯỚC TIÊN hay quyền chủ động là tình trạng khi một bên tấn công đã buộc đối phương phải chống đỡ, phòng thủ. Mà muốn tấn công thường các quân phải chiếm những vị trí tốt, uy hiếp quân đối phương, kể cả Tướng. Do đó người ta cũng gọi NƯỚC TIÊN là được TIÊN hay được THẾ . Còn QUÂN là lực lượng vật chất, ở đây thường ám chỉ Xe, Pháo hoặc Mã. Tất nhiên nếu hiểu gồm cả Chốt và Sĩ, Tượng thì cũng không có gì sai. Nhưng nếu chỉ tổn thất Chốt hoặc Sĩ, Tượng thì không có gì đáng bàn, phải là những quân mạnh nêu trên mới thành ý nghĩa.

Vấn đề đặt ra thế này : Ai chơi cờ cũng muốn mình luôn chủ động để tấn công và ăn quân đối phương. Trong trung cuộc, mục tiêu được đề ra là phải giành thế và lời quân để sau đó chuyển sang cờ tàn giành thắng lợi cuối cùng. Nhưng sự việc thường không diễn ra đơn giản như ý muốn chủ quan của ta, mà trái lại thường có lắm mâu thuẫn, bắt buộc ta phải tính toán, chọn lựa.

Chẳng hạn có lắm tình huống : nếu ăn quân đối phương sẽ bị thất thế, hoặc nếu chịu bỏ quân, hi sinh quân thì lại nắm được quyền chủ động. Như vậy, không có chuyện được cả hai mà chỉ chọn được một : hoặc ăn lời QUÂN nhưng mất thế, hoặc nếu được THẾ nhưng phải bị lỗ QUÂN. Chúng ta chọn đằng nào, và nên chọn thế nào ?

Khảo sát nhiều ván đấu của các cao thủ có tình huống mâu thuẫn vừa nêu, chúng ta thường thấy xảy ra các trường hợp sau :

- Một là, có những trường hợp một bên chấp nhận ăn quân, hơn quân để rồi sau đó lại bị mất thế. Mặc dù bị đối phương tấn công nhưng anh ta chống đỡ tích cực, chận đứng được các đợt uy hiếp của đối phương, cuối cùng nhờ đông quân hơn, anh ta củng cố được thế trận và phản công giành thắng lợi. Như vậy anh ta mất thế chỉ là tình huống tạm thời và nhờ đông quân hơn mà anh ta thắng lợi.

- Hai là, có những trường hợp một bên ăn lời quân nhưng sau đó bị thất thế nghiêm trọng. Đối phương phối hợp quân tấn công quá mạnh, khiến cho anh ta lâm vào tình thế thua cuộc hoặc nếu cố chống đỡ thì anh ta phải hi sinh quân. Kiểm lại, cuối cùng lực lượng của anh ta tổn thất nhiều hơn đối phương, anh ta cũng sẽ thua cuộc trong giai đoạn cờ tàn.

- Ba là, có những trường hợp một bên được thế do hi sinh quân. Nhưng nếu xét kỹ thì việc được thế này không thực chất vì lực lượng thiếu phối hợp một cách tích cực đồng bộ. Do đó, sau một loạt nước chống đỡ tích cực của đối phương thì các mũi tấn công của anh ta đều bị bẻ gãy. Sau đó vì lực lượng ít hơn, anh ta bị đối phương phản quật và đánh bại.

- Bốn là, cũng có những trường hợp một bên hi sinh quân để giành được thế tấn công quyết liệt. Thế nhưng đối thủ của anh ta không phải tay vừa, trong chống đỡ, họ cũng biết hi sinh quân trở lại để cứu nguy. Nhờ đó sau cùng họ đã lập được thế trận cân bằng hoặc cũng có thể đưa cuộc chiến sang giai đoạn đối công phức tạp khác.

Với những trường hợp nêu trên, chúng ta chưa có đủ cơ sở để kết luận giữa QUÂN và NƯỚC TIÊN thì yếu tố nào là quan trọng hơn. Tùy từng trường hợp cụ thể, phân tích đánh giá đúng những diển biến sau khi bỏ quân được thế, cuối cùng kết quả ra sao mới kết luận được là yếu tố nào quyết định hơn yếu tố nào. Như vậy, không có câu trả lời chung cho mọi trường hợp, mà chỉ có câu trả lời cho từng thế cờ cụ thể mà thôi.

Đối với những tay cờ cao, họ luôn coi trọng cả hai yếu tố và với khả năng phân tích, phán đoán những diễn biến sắp tới, nếu phải chọn lựa một trong hai yếu tố này thì họ thường chọn lựa đúng. Tuy nhiên, không phải trong mọi tình huống người ta đều có thể phân tích, phán đoán chính xác cả, nhất là khi gặp những giai đoạn quá phức tạp. Vả lại, trong chơi cờ còn có cả tình cảm, tâm lý tác động. Bất chấp hậu quả tốt, xấu thế nào, người ta có thể quyết định chọn lựa QUÂN hoặc NƯỚC TIÊN vì muốn phiêu lưu, mạo hiểm, thế thôi.

Cũng do tâm lý chi phối, đại đa số người chơi cờ thường chuộng NƯỚC TIÊN hơn là ăn QUÂN , vì được tiên, được thế tấn công vẫn thú vị hơn là phải phòng thủ. Mặt khác, trong thực tiễn chơi cờ, muốn bắt quân, ăn quân đối phương trước hết phải nắm quyền chủ động hay được thế rồi thì việc ăn quân chỉ là thắng lợi tiếp theo. Còn không nắm quyền chủ động thì không thể ăn quân đối phương được, trừ trường hợp đối phương đãng trí tự đút quân cho ta ăn. Do đó quyền chủ động được nhiều người đánh giá cao và ưa chuộng hơn.

Để có cơ sở hiểu rõ thêm hai yếu tố QUÂN và NƯỚC TIÊN, chúng ta xem một số ván cờ sau của các danh thủ.

Năm 1975, danh thủ Thái Vĩ Lâm đã đấu với kỳ thủ Uông Sĩ Long một ván cờ sôi nổi, hào hứng như sau:


Uông Sĩ Long
http://i611.photobucket.com/albums/tt193/mathuyenxua/Hinh%20minh%20hoa/trungcuoc_024.jpg
Thái Vĩ Lâm


Thế cờ xuất hiện sau 10 nước khai cuộc, bây giờ đến lượt Tiên đi :

11.X9-4!

Hi sinh Pháo để bình Xe sang cánh mặt, phong tỏa lối ra của Tướng bên Hậu, chuẩn bị nhảy Mã xuống hăm chiếu bí.

11………….X2.7

Hậu cảm thấy bị khiêu khích nên liều lĩnh ăn quân. Thế nhưng Hậu không ăn Pháo thì cũng khó đối phó. Ta xem hai phương án sau :

a) Một là :

11………….C7.1
12.P8.6!……P5-6
13.M4.3……P4-7
14.P5.4…….Tg-6
15.P8-5……S4.5
16.X6-5……X2.2
17.X4-2……X2-5
18.P5-4……P6.7
19.X5-6……P6/2
20.X2.8……P7.4
21.P4-3, Tiên thắng.

b) Hai là :

11………….X2.5
12.T7.9……X3.2
( nếu : 12……X3-6, 13.P8-7….Tg-6, 14.P5-4….P5-6, 15.M4.3….P4-7, 16.P7.7….Tg.1, 17.C3.1….X6.1, 18.X4-2….P6.5, 19.X2.7….Tg.1, 20.X2/1, Tiên ưu.)
13.M4.2…..X3-5
14.S4.5…..P5-6
15.M2.3…..Tg-6
16.X6/1…..Tg.1
17.X4.6…...S5.6
18.T3.5……X2.2
19.T7/9, Tiên ưu.

12.M4.2…..P5-6
13.M2.3…..Tg-6
14.X6/1

Tiên đã bỏ quân để được nước tiên, bây giờ đã ăn lại quân và chiếm ưu thế lớn. Hiện tại Tiên đang hăm ăn Pháo 6 của bên Hậu, chiếu bí. Nếu Hậu đi : 14…….T7.5 ? thì 15.X6.2 phá Sĩ, vì vậy buộc Hậu phải :

14…………Tg.1
15.X6.1…...X3-8


Hậu đã phán đoán được những diễn biến vừa qua nhưng hi vọng bây giờ điều quân Xe sang cánh trái bắt chết Mã bên Tiên.

16.X4.5…..X8/4
17.C3.1 ! ...X8-7
18.M3.4

Tiên lại tiếp tục bỏ quân lần thứ hai để khuếch đại nước tiên.

18…………X2/5
19.M4.5…..X2-5


Hậu không thể :
19…………Tg/1
20.P5-4…...Tg-5
21.P4-7…...X2/2
22.X4.1…..M7/9
23.M5.7…..X2.7
24.P7-5…..T7.5
25.P5.5…..S5.6
26.X6.1, Tiên thắng.

20.P5-4…..Tg/1
21.X4.1…..Tg-5
22.X4-5…..T7.5
23.P4-7


Uông Sĩ Long
http://i611.photobucket.com/albums/tt193/mathuyenxua/Hinh%20minh%20hoa/trungcuoc_024a.jpg
Thái Vĩ Lâm

Sau khi đổi quân, thực lực đôi bên gần như ngang nhau, tưởng có thể hòa, nhưng đối với Hậu thì sóng gió chưa qua mà bão to đang ập đến :

23…………Tg-6
Nếu như 23……T5.2, 24.M5/7….Tg-6, 25.M7.9….M7.5, 26.X6/2 , Tiên ưu lớn.

24.P7.7…..Tg.1
25.M5.7

Hậu chịu thua, vì nước sau Tiên đi tiếp :

26.M7.6….Tg.1
27.P7/2…..T5/7
28.X6/1….T7.5
29.X6-5, Tiên thắng.

Như vậy, ván cờ này Hậu thua vì ở nước thứ 11, sau khi ăn Pháo thì Hậu mất thế quá nặng bị đối phương uy hiếp không chống đỡ nỗi. Có thể nói, nước TIÊN ở đây quyết định hơn.

Chúng ta xem tiếp một ván cờ nữa.

Tại giải “ Tam Sở Bôi “ lần thứ hai, danh thủ Dương Quan Lân gặp danh thủ Trần Hiếu Khôn trong một ván cờ cũng sôi nổi, hào hứng như ván trên. Khi chuyển vào giai đoạn trung cuộc một lúc thì xuất hiện thế cờ bên dưới :


Trần Hiếu Khôn
http://i611.photobucket.com/albums/tt193/mathuyenxua/Hinh%20minh%20hoa/trungcuoc_025.jpg
Dương Quan Lân

Đến lượt Trần Hiếu Khôn đi :

01…………..P8.4 ?

Do phán đoán không chính xác hay thích trò phiêu lưu lãng mạn mà Hậu chọn nước đi này.
Đáng lẽ cứ đi : 01……..X3.1 ăn Mã hay hơn là giành thế, vì ở đây thế Hậu muốn là thế giả chứ không thực chất, chúng ta sẽ thấy điều này ở phần sau.

Bây giờ nếu Hậu ăn Mã thì diễn biến là :

02.P5.5…..S5.4 ( như : 02……T3.5, 03.P8.7…..T5/3, 04.S5.6, Tiên thắng rõ )
03.P8.7…..P8-2, Hậu ưu hơn.

02.X5.1!......X8-6
03.P8.7……X3.1
04.S5.6……X3/1
05.P5.6……M7/6
06.X5/3……P8/3
07.P5/1

Hậu tưởng là giành thế, đưa Pháo vào đầu uy hiếp đối phương không ngờ bị đòn chiến thuật đơn giản của Tiên dùng Xe ăn Tượng khiến Hậu lại bị động đối phó liên tục.

07………….M6.7
08.X5.2……X6.6
09.P5-3……Tg-6
10.X5-6……X3-5
11.S6.5…….Tg.1



Trần Hiếu Khôn
http://i611.photobucket.com/albums/tt193/mathuyenxua/Hinh%20minh%20hoa/trungcuoc_025a.jpg
Dương Quan Lân


Vừa rồi đáng lẽ Hậu đừng lên Tướng mà nên :

11…………X5-2 để trả đòn vì Tiên không thể :
12.X6.3…...Tg.1
13.X6-4…...Tg-5
14.X4-5…...Tg-6

Tiên bị động phải chạy Pháo mất tiên. Còn Hậu đã nhìn thấy sơ hở của mình nên kịp thời lui Pháo về phòng thủ.

12.P8/9.……P8.3
13.X1-4…...P8-5
14.X6-4……X6/3
15.X4.6……Tg-5
16.X4-5……T3.5
17.P8.4 !

Chơi đến đây thì Tiên ưu thế lớn, cuối cùng đã giành chiến thắng.

Như vậy ván cờ nầy cái gọi là NƯỚC TIÊN mà bên Hậu chọn, không bằng QUÂN, tức là ăn Mã có lợi hơn.

Năm 1988, tại một giải cờ, có một cặp đấu thủ đã tạo được ván cờ bên dưới:


http://i611.photobucket.com/albums/tt193/mathuyenxua/Hinh%20minh%20hoa/trungcuoc_026.jpg


Bây giờ đến lượt Hậu đi :

01…………..P7-5 !

Mặc dù đang lỗ quân nhưng Hậu không vội ăn lại Mã của đối phương để cân bằng lực lượng, mà Hậu đã táo bạo vào Pháo đầu để giành lấy THẾ. Chơi như vậy là đúng, vì nếu : 01……..X2.9, 02.X6.2 buộc Hậu phải tiếp tục đổi quân, ván cờ dễ hòa.

02.X6-4

Tiên không dám vội chạy Mã, vì 02.M8.7…..P5.3, Hậu chiếm lợi thế Pháo trống có khả năng uy hiếp mạnh.

02…………..M6/4
03.M8.7……X2-3 !
04.T3.5…….X3.2
05.S4.5…….M4.5
06.M7.6……X3-4
07.M6/8……T3/1
08.M3/1……C5.1
09.M1/3……P5-9 !


http://i611.photobucket.com/albums/tt193/mathuyenxua/Hinh%20minh%20hoa/trungcuoc_026a.jpg


Tiên đã lui binh về phòng thủ nhưng hai Mã ở hai cánh không hỗ trợ nhau. Hậu thấy cánh mặt của bên Tiên suy yếu nên chuyển quân sang đó tấn công.

10.X4-5……X4-8
11.M8/6…...P9.4
12.C3.1……P9.3
13.S5/4 ?.....X8.4 !
14.X5-2……M5.6
15.Tg.1……M6/8

Hậu nhiều Chốt chiếm ưu và đã thắng cờ tàn.

Để thấy rõ vì sao các danh thủ thường chuộng THẾ hơn chuộng QUÂN , chúng ta xem tiếp ván cờ sau đây giữa kỳ thủ Ngô Quí Lâm với danh thủ Triệu Nhữ Quyền tại giải cờ châu Á lần thứ hai.


Triệu Nhữ Quyền
http://i611.photobucket.com/albums/tt193/mathuyenxua/Hinh%20minh%20hoa/trungcuoc_027.jpg
Ngô Quí Lâm

Thế cờ xuất hiện sau nước đi thứ 11 của Tiên.

Bây giờ đến lượt Hậu đi :

11………….X6-7

Triệu chủ quan, đánh giá thấp khả năng tấn công của kỳ thủ họ Ngô. Mặt khác Triệu cũng thấy nếu như :

11………….X6/3
12.X6.5 rồi 13.M7.6 đuổi Xe, bên Triệu vẫn bị động, thất thế.

12.X7.1…….M3/5
13.X6.7 !.......X7-6
14.S6.5……..X6/3
15.X7.1…….X6-2
16.P8-9…….X1-2
17.Tg-6…….M7.6

Hậu bắt buộc phải bỏ Chốt đầu vì Tiên hăm 18.X7-6 hăm đánh bí.

18.P5.4…….P2.1
19.P9-8 !!.....P2.2


Nếu Hậu đi :
19………….P2-5
20.P8.5……X2/4
21.X7-5……M5.7
22.X5/1 để rồi 23.M7.6 bắt Mã bên Hậu , Tiên chiếm ưu thế.


Triệu Nhữ Quyền

http://i611.photobucket.com/albums/tt193/mathuyenxua/Hinh%20minh%20hoa/trungcuoc_027a.jpg
Ngô Quí Lâm

20.X7.1 !......P2.4
21.T7.5…….Xs-1
22.M7.6……M6.4
23.X6/4…….P2-1
24.X7-6…….X2/4
25.Xt/2……..X2-3
26.T5.7…….X1-2
27.Xt-4

Hậu chịu thua, vì Tiên sẽ đi tiếp 28.X6-4 hăm đánh bí, Hậu không đỡ được.

Với các thí dụ trên cho chúng ta một quan niệm đúng đắn về QUÂN và NƯỚC TIÊN. Phải thấy cả hai yếu tố này đều quan trọng, nhưng trong nhiều trường hợp có thể bỏ QUÂN lấy NƯỚC TIÊN tấn công với điều kiện các quân khác của ta đã hình thành một khả năng phối hợp tấn công mạnh mẽ. Chưa có điều kiện này hoặc THẾ tấn công chỉ là hiện tượng giả tạo thì không nên liều lĩnh bỏ quân.