PDA

View Full Version : Bàn về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của người chơi cờ!



themgaidep
08-07-2009, 10:18 PM
Trong dân gian thường có câu đố về bàn cờ tướng như sau:

Hai ông mà chẳng có bà
Sinh con đẻ cháu đến ba mươi người
Mười người sinh nở tốt tươi
Bốn người đi học lại đòi làm quan
Tám người xe pháo nghênh ngang
Tám người voi ngựa rộn ràng hơn xưa

Đúng là cờ tướng gồm 32 quân, mỗi bên 16 quân. Hai ông là 2 ông tướng. Mười người sinh nở tốt tươi là 10 quân tốt. Bốn người đi học là 4 quân sĩ. Tám người xe pháo là 4 xe và 4 pháo. Tám người voi ngựa là 4 quân tượng và 4 quân mã.

http://i975.photobucket.com/albums/ae236/Themgaidep/Cchoico.jpg

Theo truyền thuyết thì cờ tướng do vua Vũ nhà Châu (Trung Hoa, 1122 - 1119 trước công nguyên) sáng tạo. Theo sách Phật lịch đại thông tái, thì đời vua Đường Văn Tông, niên hiệu Khai Thành (827-840) năm Kỷ Tỵ - 839, sáng tạo ra cờ. Tuy xuất xứ chưa biết đúng sai thế nào, nhưng ý đồ của người phát minh ra cờ tướng trước hết là để dạy con người ta rèn luyện tâm tính, đạo đức, nết ăn ở cho phải đạo, phải đời; sau là để giải trí.

Vì thế, có người bảo: môn cờ tướng thể hiện đầy đủ nét đẹp nhân văn; rằng xem người ta chơi cờ có thể thấy được đầy đủ các điều Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Dũng.

Ở bài viết này, sẽ không nói về tác dụng của từng quân trên bàn cờ tướng. Không phân tích sự tung hoành tả xung, hữu đột của quân xe. Không mô tả những bước nhảy huyền bí độc địa, tạo ra các tình huống hết sức bất ngờ của quân mã. Cũng sẽ không đi sâu miêu tả sự lẫm lũi mà dũng cảm, chỉ có tiến không được lùi, cùng lắm là tạt ngang, nhưng không kém phần lợi hại, đôi khi lật đổ cả một vương triều bởi một chú tốt đen - kẻ có thân phận nhỏ nhoi ít được che chở và coi trọng nhất trên bàn cờ. Đây chỉ muốn nói, xem hai người chơi cờ, ta có thể có được một “trích ngang” về hai người đó.

Bạn hãy chú ý ngôn ngữ của hai người mời nhau đánh cờ. Người trẻ mời bậc cao niên: “Nhân ngày xuân rỗi rãi (hay nhân lúc nông nhàn), cháu xin phép được hầu cụ (hay hầu bác, hầu chú) ván cờ gọi là lấy may”. Người cao tuổi nhã nhặn đáp lại: “Tôi cũng muốn nhân dịp này được học ở lớp hậu sinh các anh mấy nước cờ hay, mong anh không từ chối”. Hai người có lễ đấy. Nói theo thuật ngữ ngày nay là họ giữ phép xã giao, có tính khiêm nhường. Hay khi nghe hai người bằng tuổi mời nhau: “Này ông, ta 'xúc miệng' một ván chứ?" Hoặc "Xin anh cho vài đường chỉ giáo" - được hiểu ngầm là họ rủ nhau đánh cờ - thì ta thấy họ rất thân tình, không cần những lời rào đón, hoa mỹ nữa.

Quan sát hai đối thủ nhường nhau chọn quân, cũng có thể biết họ có lễ hay không. Thường người trẻ (hoặc người dưới) nhường quân đỏ cho người cao tuổi (hoặc bề trên) - ý nói nhường vận may cho người đó. "Kính lão đắc thọ". nhường bậc hơn tuổi (hoặc bề trên) xuất quân trước cũng nằm trong chữ lễ. Việc làm này, giống như khi ngồi cỗ, ta mời bậc trưởng lão "đưa cay" trước rồi mới làm theo. Có ai dám làm "cái ực" trong khi các bậc cao tuổi còn ý tứ nhường nhau nâng chén trước. Còn việc đáp lại thế nào là việc của người ta, nhưng thường thì các bậc bề trên ấy cũng biết ứng xử phải lễ trong những trường hợp cần thiết.

Vài quan sát bước đầu đã thấy chữ Lễ được trình bầy khá rõ lúc khai cuộc cờ.

Vào trận, cái Trí cũng thể hiện đầy đủ. Ai Trí, nó bày ra từng bước đi, từng thế trận. Người có Trí, nhìn xa trông rộng, loại được xếp vào bậc kỳ thủ, có thể tính trước 6-7 nước đi. Người có trí ra quân kín mà sắc sảo. Đi nước đầu tạo thế cho các nước sau. Người có Trí nhìn đối thủ dùng quân biết họ định làm gì; hướng chiến lược nhằm vào đâu; nước nào là nước cờ giả, nước nghi binh, nước nào chơi lợi quân, lợi thế. Trí cao có thể chuyển yếu thành mạnh, chuyển bại thành thắng.

Người chơi cờ chưa cao, thường tính ngắn, đi nước một, ham đuổi quân, chém tướng. Đánh như vậy thường mất nước mà vô hình trung tạo cho đối thủ dàn quân, cài thế, tạo phục binh, công tiền, khóa hậu, làm ta tiến không được mà lui về cũng không xong. Nói về cái Trí người chơi cờ, có người thiên về công thành xoay trần ra mà đánh, lấy tấn công thay phòng thủ, có người lại lấy nhu thay cương, coi thủ làm trọng, nhưng có cơ hội là tấn công dứt điểm ngay. Người cầm quân có anh "đa sát", gặp đâu chém đấy, nướng quân như "nướng chả". Đó là sự hy sinh vô ích, nôn nóng giành thắng lợi và thường trong những trường hợp như thế không đạt được kết quả như mong muốn. Có anh "nhân hậu", trân trọng giữ gìn sinh mạng của từng quân sĩ và trong nhiều trường hợp, ở những ván cờ tàn, chính những chú tốt vô danh được nâng niu, trân trọng lại giúp chủ làm nên nghiệp lớn. Mới hay, nói về cái Trí của người chơi cờ thì cũng vô cùng như nói về bách nhân bách tính vậy.

Có người bảo chơi cờ là một thú vui, một trò giải trí. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Chơi cờ, nhất là thi đấu giải, thực sự là những trận quyết đấu. Ở đó có đầy đủ kịch tính và những sắc thái tình cảm: từ lo âu đắn đo, đến vui mừng phấn khích. Bạn hãy bình tâm, thật bình tâm lắng nghe, quanh bàn cờ có cả tiếng trống trận thôi thúc, có tiếng gươm đao loảng xoảng, có tiếng ngựa hí, voi gầm. Bạn có thấy tiếng đức vua bàn mưu tính kế với quần thần văn võ không? Có đấy! Trong một trận chiến ác liệt như thế, phải là người có Dũng mới đương đầu nổi. Người có Dũng bị công thành không sợ, dám xông pha nơi hòn tên mũi đạn, cùng binh sĩ ra tay chèo chống. Người có Dũng bị dồn vào chân tường không nản; giáp trụ tả tơi không kinh; đơn thương độc mã nơi nghìn vạn quân địch không khiếp; còn nước còn tát, có gì đánh nấy - nói theo cách của một thời - còn cái đai quần cũng đánh; tuy không phải lúc nào cũng thành công, cũng thoát hiểm, nhưng nhiều khi được đền bù xứng đáng, lật ngược cuộc cờ trong thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Mới hay, trong rủi có may vậy. Tuy nhiên, nếu biết chắc mười mươi là thua, vấn đề chỉ còn là thời gian, mà bạn vẫn “cò cưa” nước một cho tới tận khi không còn nước đi mới chịu “trả gỗ” thì không khéo người ta cho bạn là người không “phục thiện”.

http://i975.photobucket.com/albums/ae236/Themgaidep/chao-xuan-2009-3.jpg

Trong những người từng chơi cờ, có ai là chưa một lần tính sai, phải xin hoãn. Nếu bây giờ bạn rất ít xin hoãn hoặc không bao giờ xin hoãn nữa thì bản lĩnh cầm quân của bạn đã cao đấy. Nhưng dám chắc rằng, để có được bản lĩnh ấy, bạn đã qua rèn luyện rất nhiều và cũng từng có lúc, có thời... xin hoãn. Vâng, xin hoãn nước đi sai trong một ván cờ vui thì cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Và đối thủ vui vẻ chấp thuận hoặc thậm chí nếu bạn chưa thấy nước đi sai, đối thủ chỉ cho bạn thấy thì đấy là lòng Nhân, chữ Nhân của người ta đấy.

Lại đến khi đối thủ của bạn đi một nước hớ hênh chết người mà bạn muốn “đãi” lại tấm thịnh tình mà người ta đã cho bạn hoãn trước đây, bạn tạo cho họ cơ hội sửa sai, thì đấy là gì nếu không phải là trả Nghĩa.

Điều cuối cùng ta nói về chữ Tín. Bạn chắc đã từng gặp những đối thủ đã đặt quân xuống là không bao giờ xin hoãn, dù là nước đi có thể dẫn đến kết cục là thua trận. Mặc dù được bạn đồng ý cho hoãn nhưng đối thủ vẫn từ chối thiện chí của bạn. Đó không phải là hành động cố chấp, cực đoan. Cử chỉ đó của họ nên được hiểu như kiểu “quân tử nhất ngôn”. Người như thế coi “chữ Tín quý hơn vàng”; được kết bạn với họ thật là điều may mắn.

Như vậy đã đủ các điều Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Dũng quanh bàn cờ tướng. Chưa hết, quanh cuộc cờ, ta còn có thể biết tâm tính người chơi. Ai ôn tồn, điềm đạm, chi li, cẩn thận; ai nóng nảy, ồn ào, gặp đâu hay đấy, bất cẩn, bất minh; ai thuộc loại hào hoa, phong nhã, quân tử, trượng phu... bạn quan sát kỹ xem, biết cả đấy. Lại quan sát những người “chầu rìa”, ai phò thịnh, ai giúp suy, ai chung thủy, ai bỏ bạn giữa chừng... Bày ra hết.


(St)

quangthanhtv
26-10-2010, 10:00 AM
Câu cuối cùng hay quá: Lại quan sát những người “chầu rìa”, ai phò thịnh, ai giúp suy, ai chung thủy, ai bỏ bạn giữa chừng... Bày ra hết.